đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

David Mitchell

và tiểu thuyết

BLACK SWAN GREEN 

Không đầy hai năm sau khi cho ra mắt độc giả quyển Cloud Atlas (Tập Bản Đồ Mây), David Mitchell lại vừa cho xuất bản quyển tiểu thuyết thứ tư Black Swan Green. Là một nhà tiểu thuyết dưới bốn mươi tuổi và cứ khoảng hai năm lại cho ra mắt một tác phẩm mới, David Mitchell hiện là một tài năng tiểu thuyết sáng giá của Anh đầu thế kỷ 21. Sự xuất hiện của David Mitchell, trong một chừng mực nào đo' đã kéo tiểu thuyết Anh ra khỏi truyền thống hiện thực đã trở thành mòn cũ đối với cả  người viết lẫn người đọc tiểu thuyết hiện nay. Tài năng của David Mitchell qua bốn quyển tiểu thuyết xuất sắc khởi đầu với Ghostwritten, kế tiếp với number9dreamCloud Atlas rồi đến Black Swan Green đã đủ để được cấp thẻ hội viên gia nhập “Câu Lạc Bộ Tiểu Thuyết Thế kỷ 21” sánh vai với lớp nhà văn di dân sung mãn và  nhóm tiểu thuyết gia độc đáo thế hệ mới của Mỹ như David Foster Wllace, William T. Vollman, Jeffrey Eugenides, George Saunders... Điểm độc đáo nhất của David Mitchell là nhân vật cũng như cảnh thổ trong tiểu thuyết của ông có tính nhân loại và toàn cầu cộng thêm tư tưởng pha mầu sắc triết lý Đông phương. Như chúng ta biết, hiện nay tuy không phải toàn thể những người viết và người đọc tiểu thuyết trên thế giới đã ý thức được sự cần thiết  phải đẩy tiểu thuyết về những hướng mới cả về chủ đề lẫn ngôn từ . Điều này phản ánh rất rõ trong những bài phê bình và điểm sách ở Âu Mỹ (không kể Ấn Độ và Nhật, về tiểu thuyết các xứ Á Phi còn ở tình trạng chậm tiến ít ra 100 năm!) : tuy phần đông nồng nhiệt chào đón những tài năng mới không phân biệt quốc gia hay chủng tộc nhưng vẫn còn một thiểu số cố tình quay lưng lại ngược hướng tương lai.

Nếu người đọc ba quyển sách trước của David Mitchell khá vất vả với lối cấu trúc cũng như kỹ thuật tự sự, Black Swan Green quả thực dễ đọc hơn nhiều. Sách gồm 13 chương, mỗi chương có thể coi là một truyện ngắn trên dưới 20 trang với một nhân vật tự sự liên tục kể lại mọi chuyện xảy ra trong vòng 1 năm. Nhân vật chính là cậu choai choai tên Jason Taylor, vừa tròn 13 tuổi vào năm 1982, sống ở làng Black Swan Green thuộc vùng Worcestershire bên Anh. Chúng ta vẫn biết David Mitchell rất tinh tế và độc đáo về sự sắp đặt vá cấu trúc mỗi “chương” truyện. Ở đây là truyện của một đứa con trai 13 tuổi nên David Mitchell viết đúng 13 chương sách, chương đầu và chương cuối có cùng một tựa đề “january man” (người tháng giêng). Đối với cả trai lẫn gái tuổi 13 là tuổi ương ương, tuổi của khủng hoảng phát triển, tuổi của sự tranh chấp đối nghịch nghiệt ngã trong bản thân và với thế giới bên ngoài. Tuổi của bất định hình, của bất hạnh nhiều hơn hạnh phúc. Ngoài tất cả những nét chung của một đứa trẻ ở tuổi này, Jason còn khốn khổ hơn vì tật nói lắp (bản thân hối nhỏ David Mitchell cũng mắc tật nói lắp), vì sống trong một gia đình cuộc hôn nhân của cha mẹ đang tan vỡ, và lại còn phải sống trong một khu vực bạn học toàn bọn quỷ sứ và người lớn đa số đối xử với bọn choai choai rất bạo tàn. Jason thường trực bị làm nhục vì tội nói lắp: nó tâm sự “tật này làm cho tôi quắt lại giống như miếng giấy bọc bằng nhựa bị lửa,” cho nên nó luôn luôn phải thu vào thế gần như không mở miệng nói năng gì cả. Gia đình Jason gồm có ông bố là giám đốc xưởng thực phẩm đông lạnh Greenland, mẹ là một người đàn bà chung thân bất mãn và luôn nghi ngờ sự chung thủy của chồng, và chị Julia vừa đang chuẩn bị vào đại học ngành luật vừa xớn xác lao mình vào cuộc chơi tuổi trẻ.

Ngay cái tên làng Black Swan Green nghe đã kỳ cục, và theo lời giải thích của Jason với một cô nhóc đúng là một cách gọi đùa của dân cư vì ở làng này đến ngay một con thiên nga trắng cũng chẳng đào đâu ra. Jason là một đứa bé nhút nhát, trong lớp luôn tìm cách né tránh sự chú ý của cả thày lẫn bạn học. Và vì đứng bên lề nên nó có điều kiện thuận tiện phát triển óc quan sát bén nhậy và tài làm thơ. Nó có một bài thơ được báo tỉnh nhà chọn đăng nhưng phải dấu mọi người sợ sẽ bị đem ra làm nhục. Jason đúng là một đứa trẻ có tật nên có tài. Về tật nói lắp của mình (chuyên trị nói lắp những từ bắt đầu bằng chữ n hay s, chẳng hạn như chữ “nothing” hay “sad”. Nên nó luôn phải quyền biến tránh dùng những từ bắt đầu bằng n hay s, nhưng có khi cũng thất bại nhục nhã. Chẳng hạn thay vì “sad” dùng chữ “melancholy” thì chỉ tổ bị bọn nhóc làm nhục vì trẻ con không nói như vậy.) Tuy khổ sở nhục nhã nhưng Jason vẫn cứ riễu cợt đặt tên cho tật nói lắp của mình là “Hangman” (Tên Treo Cổ) con quỷ chiếm lĩnh các mẫu tự, tóm gọn trong tay hai chữ n và s.. Để sinh tồn, Jason phải tham dự vào một số cuộc chơi của bọn bạn bè quỷ sứ: gia nhập bằng được nhóm Spooks dù phải trải qua những thử thách ghê gớm, cũng “có cái hôn đầu tiên” với một choai choai gái, trèo lên cây “nhòm” màn làm tình của một cặp lớn tuổi hơn, vân vân...Người đọc tìm thấy trong Black Swan Green những nét không những những kỷ niệm chung của thế giới tuổi thơ đầy kích động mà còn những nét riêng rất độc đáo, kỳ thú. Chẳng hạn: nói về cuộc chiến Falklands thời Margaret Thatcher làm Thủ Tướng Anh:  “Có thể chiến tranh là một cuộc đấu giá giữa các nước. Với lính tráng đó là một cuộc xổ số.”. Về nam giới: “Thường thường tôi không nghĩ con trai trở thành đàn ông. Đằng sau cái mặt nạ của người đàn ông là đứa con trai mặt bồi giấy. Nhiều khi bạn có thể biết chắc thằng nhỏ vẫn còn ở nguyên đấy.” Về tính tình khi vui khi buồn: “Vui vẻ mong manh như vỏ trứng...Cọc cằn mong manh như gạch đúc.” Hoặc có vẻ triết lý như: “Thế giới/Đời chẳng để yên mọi sự như chúng là như vậy. Cứ luôn luôn chích những kết thúc vào những khởi sự. Thế giới không ngừng đập nát những gì thế giới không ngừng tạo nên...Nhưng có kẻ vẫn cứ nói cuộc đời/thế giới là có ý nghĩa?”

Black Swan Green đã được so sánh với “Catcher in the Rye” (Bắt Trẻ Đồng Xanh) của Salinger và Le Grand Maulnes của Henri Alain-Fournier. Viết tiểu thuyết tuổi thơ là một việc khó vì tác phẩm có nguy cơ sẽ bị tuổi thơ vẽ vòng vây bủa hoặc nhận chìm. Có nghĩa là tác phẩm ấy chỉ là thứ văn chương nhi đồng. Hầu hết những nhà văn với công lực văn chương non nớt đều không vượt khỏi. Ngay “Dế Mèn Phiêu Lưu Ký” (DMPLK) của Tô Hoài hay “Thằng Kình” (TK) của Nguyễn Đúc Quỳnh cũng không ra khỏi vòng kim cô ấy. Sau DMPLK và TK cả Tô Hoài lẫn Nguyễn Đưc Quỳnh đã không có được một quyển tiểu thuyết đúng nghĩa nào. Trước khi viết Black Swan Green David Mitchell đã chứng tỏ ông là một nhà tiểu thuyết đúng nghĩa. Cho nên khi viết quyển tiểu thuyết về tuổi 13 này David Mitchell không bị vòng kim cô chụp lên đầu và cũng không tự mình vẽ vòng bủa vây chính mình. 

Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo