đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

DAVID FOSTER WALLACE

(Suy Xét Về Tôm Hùm) 

Thông thường một người viết tiểu thuyết tài năng không hẳn sẽ là một người viết khảo xuất sắc. Vượt qua lằn ranh giữa sáng tác và biên khảo là một thử thách lớn và thất bại sẽ làm giảm giá trị những tác phẩm sáng tác. Nhất là khi nhà văn lại đụng tới những đề tài nặng phần lý thuyết văn học hay tư tưởng, sở đoản sẽ càng lộ rõ hơn.  Có thể nói David Foster Wallace là một  trong những ngoại lệ hiếm hoi vừa viết tiểu thuyết hay vừa viết khảo luận giỏi. Tập luận văn Consider the Lobster (Suy Xét Về Tôm Hùm) của ông ra mắt đầu năm 2006 một lần nữa chứng tỏ David Foster Wallace là người đa tài. Nói một lần nữa vì vào năm 1997 DFW đã rất thành công với tập luận văn A Supposedly Fun Thing I’ll Never Do Again (Tôi Sẽ Không Bao Giờ Tái Diễn Cái  Coi Như Một Trò Đùa Vui Ấy Nữa). Ngoài sự thành công đáng ngạc nhiên kể trên ra, hiện nay David Foster Wallace còn là nhà văn trung niên Mỹ tạo được những phản ứng, những ý kiến đối nghịch nhất  trong giới trí thức, nhà văn, và phê bình văn học. Những người “bực tức” khi đọc sách ông trưng ra những thứ chỉ-riêng-DFW như :ghi chú dài dòng hay biện giải rất chi tiết giữa mạch tự sự  làm tắc nghẽn mạch văn/mạch đọc, hoặc sử dụng kỹ thuật tự sự ngược thời gian, chế biến những từ ngữ hiểm hóc, kiểu cấu trúc tác phẩm bất chấp tiêu chí biên soạn/ấn loát truyền thống. Phe “ngưỡng mộ” David Foster Wallace phần đông là giới trí thức và nhà văn trên dưới 40 tuổi lại cho rằng ông là một tài năng văn chương ngoại hạng về nhiều mặt: có trí tưởng tượng vô bờ, thông minh tuyệt cùng, nhạy cảm và cách tân hàng đầu, và là hậu duệ xứng đáng của truyền thống văn chương trào phúng từ William Stern qua Jonathan Swift tới Thomas Pynchon.   

 

CONSIDER THE LOBSTER tập hợp 8 bài luận văn và một bài nói chuyện được viết rải rác trong vòng hơn 10 năm và được đăng trên những tạp chí lớn ở Mỹ. Đề tài luận văn của David Foster Wallace rất phong phú: từ  phê bình văn học đến món tôm hùm, biến cố 9/11, từ cuộc vận động tranh cử của John McCain đến kỹ nghệ phim ảnh khiêu dâm, từ hồi ký thể thao cho đến triết lý và ngữ học. Như chúng ta thấy, ngay trong cách đặt tên sách khảo luận của mình DFW đã tránh những tựa đề nghiêm trang, hàn lâm, thiếu hấp dẫn. Bàn về những vấn đề gai góc đòi hỏi kiến thức chuyên ngành thông suốt như ngữ học, triết học, phê bình văn học bằng một văn phong hí lộng nhưng sâu sắc như DFW thật hiếm có. Chẳng hạn trong bài “Certainly The End of Something or Other, One Would Sort of Have to Think” ông phê bình sát ván tiểu thuyết Toward the End of Time của John Updike, một nhà văn hàng đầu của Mỹ hiện nay, và kết luận về nhân vật chính Ben Turnbull là kẻ thường trực thiếu hạnh phúc và đã không nhận ra sự thiếu hạnh phúc của mình chỉ vì chính mình là kẻ đáng khinh bỉ (It never once occurs to him, though, that the reason he’s so unhappy is that he’s an asshole). Trong bài nói về tính chất khôi hài trong truyện ngắn “A Little Fable” (Một Truyện Dụ Ngôn Nho Nhỏ) của Kafka, DFW cho rằng người đọc nhất là những sinh viên Mỹ không thể nắm được chất khôi hài ttrong văn Kafka vì đã không hiểu được sự khôi hài chính yếu Kafka muốn đưa ra chính là “ cuộc   tranh đấu khủng khiếp để thiết lập một bản ngã con người đưa đến kết quả là trong cái bản ngã ấy nhân loại không thể tách rời khỏi cuộc tranh đấu khủng khiếp đó. Và rằng cuộc hành trình vô tận và bất khả tìm về quê nhà của chúng ta thật ra chính là quê nhà của chúng ta đó.” (Consider the Lobster, trang 65). Trong bài phê bình bộ sách 4 quyển đồ sộ của Joseph Frank viết về tiểu sử Dostoievky, DFW đã rút ra được kinh nghiệm viết tiểu thuyết qua công trình nghiên cứu rất giá trị này : Dostoievsky là một kiểu mẫu cho người viết tiểu thuyết vì Dos  đã “tin tưởng sâu xa vào những giá trị đạo đức/tinh thần...và thêm nữa, đã thật sự tin tưởng rằng sống một cuộc đời không có những giá trị đạo đức/tinh thần thì cuộc đời đó không những chỉ là không toàn vẹn mà còn là suy đồi nữa.” (Consider the Lobster, trang 270-271.)

 

Người đọc nếu đủ kiên nhẫn  đọc kỹ bài “Authority and American Usage” dài 61 trang viết rất công phu uyên bác phê bình quyển A Dictionary of Modern English Usage của  Bryan A. Garner chắc chắn sẽ nhận được phần thưởng đích đáng và cũng sẽ hiểu được lý do tại sao DFW hay chế ra những từ rất mới trong bản viết của ông.  Có lẽ nhẹ nhàng, dễ đọc nhất trong quyển Consider the Lobster là ba bài DFW viết ở vị trí của một ký giả. Bài thứ nhất “Big Red Son” kể lại chuyến đi dự  buổi lễ phát giải thưởng phim dâm ô Adult Video News năm 1998 ở Las Vegas với những mô tả chi tiết sống động về ngành kỹ nghệ này. Kế đến là bài “Up, Simba” tường thuật chuyến đi theo đoàn vận động tranh cử của thượng nghị sĩ John McCain năm 2000 với tư cách phóng viên của tạp chí Rolling Stone. Là người không đứng về phe nào trong cuộc tranh cử, trong chuyến đi tuy DFW gặp phải không ít sự việc bất ưng nhưng ông đã rất hài lòng cảm phục con người John McCain  qua những ứng xử can đảm  trong những cuộc gặp gỡ đối chất cử tri. Trong bài tường trình này DFW cũng cho người đọc biết rất nhiều chi tiết về kỹ thuật tranh cử cũng như những câu hỏi chưa có câu trả lời chẳng hạn tại sao một chính trị gia cộng hòa bảo thủ như John McCain lại có thể khơi dậy nỗi đam mê tham dự vào sinh hoạt bầu cử của giới cử tri trẻ tuổi, hoặc đâu là vấn đề trung tâm trong sinh hoạt bầu cử dân chủ trong một xã hội như xã hội My, một xã hộiõ không còn người công dân (citizen) mà chỉ có người tiêu thụ (consumer)ï.

 

Những ai thích ăn tôm hùm và chưa có dịp dự Đại Hội Tôm Hùm ở tiểu bang Main (Main Lobster Festival) vào tháng 7 hàng năm nên đọc bài ‘Consider the Lobster’. Ngoài những thông tin có thể tìm thấy trong sách vở về tôm hùm, David Foster Wallace còn cho người đọc biết một số điều khá mới lạ về món hải sản được rất nhiều người ưa thích này. Chẳng hạn “tôm hùm là một thứ ‘hải-côn-trùng’ (sea insect), trong thế kỷ trước ở New England món tôm hùm được coi là món ăn bình dân và thường được cung cấp cho các trại tù, tôm hùm là một con vật vô cùng nhậy cảm về sự  đau đớn và tiếng nó rít lên khi bị luộc có thể là tiếng rên xiết khi bị hành quyết. Tuy David Foster Wallace không nói thẳng ra rằng chúng ta đừng nên ăn tôm hùm nữa vì làm như vậy là độc ác nhưng sau khi đọc bài viết của ông mỗi khi chúng ta vào tiệm ăn kêu món tôm hùm hẳn lòng chúng ta cũng chùng xuống và có những suy nghĩ đạo đức riêng tư. Bài viết về tôm hùm của David Foster Wallace sau khi đăng báo đã gây ra những cuộc tranh cãi khá sôi nổi ở Mỹ.

 

David Foster Wallace là một nhà văn vừa được hâm mộ vừa bị than phiền vì hay “làm khó” người đọc, Được ham mộ vì khả năng diễn xuất viết (performance) rất thông minh, sâu sắc, riễu cợt, cảm động của ông. Nghĩa là ông có khả năng làm rất nhiều “trò”, bất cứ loại nào ông muốn. Và hậu quả của cái trò chơi của ông thật khôn lường, gây cảm nghĩ thích thú nơi người đọc tuy nhiều khi không khỏi thấy mình bị lạc hoặc chính David Foster Wallace đã lạc đường một cách tài tình. Bị than phiền vì cái kiểu viết tiểu thuyết với hàng chục trang ghi chú, viết khảo luận với chằng chịt những mũi tên chỉ vào những khung chú thích rậm rạp nhiều khi in bằng khổ chữ nhỏ li ti phải dùng kính hiển vi mới đọc được, làm nản lòng người đọc. Người xưa có nhận xét “ngựa hay thường là ngựa chứng”. Không hiểu nhận xét này có nên đem dùng trong trường hợp David Foster Wallace không?

Đào Trung Đạo

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo