Đào Trung Đạo

diễn ngôn của chọn lựa

1. Tôi đã đọc mỗi chuyện trong Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu theo một tư thế đọc của một người lữ hành sau khi đã vượt qua một chặng đường dài, dừng chân nghỉ mệt trước khi tiếp tục lên đường, hắn lẳng lặng ngẩng mặt nhìn  mênh những đám mây lơ lửng chuyển dịch giữa trời. Hắn cảm thấy đã tìm được những giây phút hạnh phúc mỏng manh trong đời. Lúc đó nếu có người hỏi hắn ngắm nhìn những đám mây đó để làm gì, chắn hẳn hắn sẽ ngạc nhiên, bối rối vì không tìm được một câu trả lời tức khắc, đơn giản. Hắn có thoáng nghĩ đến một câu trả lời, nhưng rồi chợt xét lại, thấy câu trả lời này thoáng nghe tưởng như đơn giản hiển nhiên nhưng ngẫm nghĩ lại hóa ra quá cô đọng, tối nghĩa, nên hắn đắn đo và cuối cùng giữ thái độ lặng thinh. Câu trả lời hắn định  đưa ra là: có lẽ chỉ để gặp gỡ. Hẳn ý hắn muốn nói, cách thật gọn, gặp gỡ là tương quan thứ nhất giữa người đọc và bản văn. Chọn lựa gặp gỡ rất có thể là  một chọn lựa hạnh phúc.


2. Tôi cho rằng sự tập hợp mười diễn ngôn của chọn lựa trong Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu không ngoài mục đích mở ra không gian cộng sinh của những diễn ngôn phái nữ . Cộng sinh trong Nguyên Mẫu Mẹ. Nhận thức được không gian cộng sinh này là tiêu chí chủ yếu để hiểu được diễn ngôn nữ giới. Những diễn ngôn này trong không gian văn chương tĩnh lặng tung mình vượt qua bản ngã đặt ra cho người đọc khi đối mặt với bản văn có thái độ vượt bỏ  mọi phân/khác biệt. Người đọc, kẻ lữ hành cô độc (độc=đọc, phải chăng chỉ đọc một mình mới tận hưởng hạnh phúc?)  ngẩng nhìn những đám mây ngang trời hiểu được hạnh phúc sao mong manh khó tìm. Borges đã chẳng có lần nói đọc sách là một trong những niềm hạnh phúc con người còn có thể có được đó sao?

  Sự gặp gỡ, tập hợp muời người viết, mười bản văn phái nữ trong Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu theo chỗ tôi biết cũng là một gặp gỡ lần đầu trong sinh hoạt văn chương  Việt Nam, sau  ba mươi năm kể từ cuộc lìa xứ, giữa những cõi viết không biên giới, vượt bỏ mọi biên giới.  Biên giới trong/ngoài, nam/nữ, nói/viết, có/không. Một tập hợp có chọn lựa.
Sự chọn lựa này cũng mang ý nghĩa một thể hiện bản thân bằng cách hướng về tha nhân trong không gian văn chương, thứ không gian tự do tuyệt cùng. Nghĩa là vượt qua tất cả những biên giới, đến cư ngụ trong sở cứ của đất-trời-thần-người. Để đến được nơi ấy, với hành trang là những kinh nghiệm tư tưởng về bản thân dung chứa tha nhân, những nhà văn phái nữ này đã thao tác hành động “vượt”, một hành động chỉ riêng phụ nữ mới có thể nghiệm sinh: kinh nghiệm sinh đẻ.  Vượt qua  không thông qua hủy tính, phủ nhận (negation) như trong diễn trình biện chứng, nhưng qua biến tiến (transgression).
 
Mỗi chọn lựa ở đây đã không được quyết định trong ý hướng trở thành điển hình, mẫu mực, tiếp nối một truyền thống hay một nền văn hóa nào. Chúng không mang tính phổ quát. Trái lại đó là những chọn lựa rất riêng tôi. Tôi đã chọn lựa hành động như vậy để tôi là một phụ nữ chứ không phải để là phụ nữ. Gán cho sự chọn lựa tính phổ quát đồng nghĩa với không chọn lựa. Tôi cho rằng người đọc quyển sách này sẽ tìm thấy niềm hạnh phúc thực sự khi nhận ra những chọn lựa đó có thể tuy không phải là điều mình chờ đợi, mong muốn, nhưng là những chọn lựa thể hiện bản thân trong tự do.  Chính vì vậy nó sẽ khiến mình suy nghĩ sâu hơn. Những trang chữ viết ra với chủ ý buộc người đọc chỉ được nhận một câu trả lời, một biểu tượng điển hình (mặt nạ sơn phết sặc sỡ của một loại ý thức hệ), chẳng hạn loại tiểu thuyết trình ra một thứ nhân vật “chúng ta” điển hình nhằm giải minh một “hiện thực xã hội” không bao giờ có tính văn chương.


3. Cách sắp xếp thứ tự trước sau những chuyện của người biên tập dựa trên thứ tự mẫu tự tên những nhà văn. Đây là một kiểu sắp xếp phần nào tránh được những trăn trở  có thể xảy ra từ cả hai phía người viết lẫn người đọc. Lối sắp xếp có chủ ý xóa bỏ sự phán đoán chủ quan. Cũng bỏ luôn mọi trật tự trong ngoài, tuổi tác, văn phong. Theo tôi, lối sắp xếp này ngầm dành cho người đọc tinh ý quyền chọn lựa việc đọc chuyện nào trước, chuyện nào sau. Đẩy xa ý định này của người biên tập thêm một bước, tôi xin đề nghị người đọc tập sách này làm thêm một hành vi lật đổ trật tự quán tính của những trang sách có đánh số cũng như trật tự mẫu tự của quyển sách đề nghị  bằng cách, trong những lần đọc khác nhau, tự mình chọn đọc chuyện nào trước, chuyện nào kế tiếp. Hoặc tình cờ, hoặc tùy thích. Nhưng nhất quyết không đọc theo một trật tự do người khác qui định.

Phần tôi, người có cái may mắn (biết đâu đấy chẳng là một nguy cơ, tôi tự hỏi?  Mối nguy  bất khả dung chứa?)  được đề nghị viết bài nhận định về  mười nhà văn nữ hàng đầu của Văn chương Phái nữ Việt Nam hiện đại này, tôi nghĩ ra một kế như sau: Vì không biết chắc mình may mắn hay nguy nan nên tôi đành phải dùng chiến thuật trốn tìm bên này/bên kia một cánh cửa vô hình trong sách với hy vọng sẽ không phải hối hận vì đã gật đầu nhận  trách nhiệm nói những lời cuối sách.

Tôi đã đọc Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu theo cách như sau: chọn một chuyện bản lề (một cánh cửa vừa để ra vào tùy ý vừa để trốn tìm) rồi từ đó bắt đầu xuôi ngược đọc những chuyện trước và sau bản lề. Tôi đã không đọc liên tục trước sau Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu, nhưng đọc trong những khoảng thời gian khác nhau, trong những ngày khác nhau, và ở những nơi chốn khác nhau. Chẳng hạn đọc khi đêm đến xóa bỏ ánh sáng của ngày lụn tàn. Và cũng đọc vào lúc ánh sáng ban mai đến xua đuổi bóng tối của đêm. Đọc trong thư viện, ngoài công viên, trên bãi biển, trong tiệm ăn, quán cà phê, khi ngâm mình trong buồng tắm...Nghĩa là những nơi tôi thường được nhìn ngắm những người đàn bà đẹp. Tôi tự do di chuyển vào ra cánh cửa, chọn cho riêng  mình lối vào ra căn nhà Nguyên Mẫu. Tuy cách đọc này không những là một trò chơi trốn bắt   nhưng còn là hy vọng  khám phá ra được sở cứ Nguyên Mẫu và từ đó đưa đến sự thành hình một khái niệm mới về chọn lựa.  Chọn lựa Nguyên Mẫu Cội Nguồn.

Tôi chọn Dây Neo Trần Gian của Võ Thị Hảo làm bản lề cho cách đọc phải/trái, theo/ngược chiều kim đồng hồ của mình.

võ thị hảo

Người phụ nữ trong Dây Neo Trần Gian tha thiết yêu đời sống trước khi có thể yêu con người. Yêu đời/yêu người có phải là hai mặt phải trái của Yêu?  Tôi không nghĩ vậy. Thực ra, ở phụ nữ, yêu đời là tuyệt cùng, là vô hạn, là không gian sở cứ cưu mang tình yêu người. Và tình yêu dành cho người nam có lẽ chiếm một góc hữu hạn, một khoảng chênh vênh nhất trong yêu người khác. Tình yêu đời sống ấy chỉ có thể bị thách thức bởi sự chết. Thử thách sinh/tử. Hồi đó nàng chưa yêu anh. Mắt nàng vụt sáng không phải vì yêu, mà do lòng mừng rỡ vì một người bạn đã sống sót. Thêm nữa: Vợ chồng gì đâu! Anh ấy không thuộc về tôi!

Sự chết không biến đi sau khi chiến tranh chấm dứt trên một xứ sở tan hoang, rữa nát. Cả về vật chất lẫn tinh thần. Người phụ nữ không tên ấy trong Dây Neo Trần Gian đã quên bản thân, gia đình, bất chấp nỗi tuyệt vọng của kẻ sống sót cuối cùng của một đơn vị nhỏ những kẻ đã bị ném vào chiến tranh và rồi dần dần theo thời bị lôi tuột vào cái khoảng trống tối thẳm của cái chết. Người phụ nữ trong chuyện của Võ Thị Hào quyết tâm chọn lựa đặt đới sống trên cái chết, hiện diện trên vắng mặt. Niềm tin ấy, quyết tâm ấy là niềm tin không chỉ từ trái tim từ hơi thở. Mà còn từ thịt da, máu huyết (những sợi tóc thanh xuân đã được dứt khỏi da đầu và kết lại=sản phẩm của đời sống) để vây bủa, khoanh vùng, triệt hủy cái chết.

Phải chăng bản lãnh đó là một phần của cái bản ngã âm của phụ nữ? Và việc khám phá được bản lãnh đó chỉ có thể xảy ra sau khi chủ nghĩa anh hùng đã được nhận diện chỉ là thứ diễn ngôn chính trị rỗng tuếch trơ trẽn. Tư duy về tử sinh từ nay đặt cơ sở trên ý chí xác định bản thân chứ không là âm bản của ý chí quyền lực chủ trì trong một ý hệ. Tư duy ấy cuối cùng tạo nên sức mạnh nhấc bổng con người tung bay trong tình yêu người. Và diễn ngôn văn chương đích thực là diễn ngôn của nguyên ủy đời sống, có sưcù mạnh đảo nghịch và xóa bỏ những khẩu hiệu gào thét bạo động giết chóc đã xảy ra suốt trong một giai đoạn lịch sử tối thẳm kéo dài hơn một phần tư thế kỷ vừa qua.

trần thùy mai

Sự chọn lựa của Trang trong Khói Trên Sông Hương của Trần Thùy Mai là biểu hiện của lửa cháy ngầm trong lòng đất, của giòng nước bốc khói âm thầm chảy xiết. Trang đã chọn lựa sai lầm trong quá khứ (lấy Hoành) vì đã đặt sự chọn lựa của mình trên một điều không thực (nhận thức chủ quan theo đường mòn tình cảm và xã hội: Hoành có cái dáng vẻ dễ gợi lên trong lòng người phụ nữ cảm giác thương thương muốn chở che.) Đến khi sống chung rồi Trang mới thấu hiểu được bản ngã tầm thường của Hoành qua ngôn ngữ và hành động của anh ta. Hoành là kẻõ tuân phục nền nếp văn hóa đàn áp phụ nữ (để mẹ mình đạp lên bóng của Trang trong đêm tân hôn) và tự mình chọn lựa thay cho Trang khi không muốn để Trang tiếp tục cuộc đời ca nhi. Ngoài ra Hoành còn rất thời thượng, đuổi theo tiện nghi vật chất trong việc đặt tên đứa con gái của hai người là Rôđa. Tiếp tục sống với Hoành có nghĩa là Trang phải xóa bỏ, triệt hủy bản ngã của mình. Tung, anh của Hoành tuy say mê Trang, tuy đã có nhiều năm sống bên ngoài quê hương tưởng đâu đã khác xưa, nhưng khi trở lại với Trang đã làm Trang thất vọng vì Tung trong cả ngôn ngữ lẫn hành động một cách vô ý thức đã không chấp nhận để Trang tự định đoạt bản ngã của mình: Không những Trang nổi giận trước  thiên kiến coi người theo nghề ca hát là thấp hèn của Tung mà trên hết thảy Trang không thể chấp nhận được hành vi mình quyết định thay cho người khác của Tung, một quyết định dựa trên quyền lực của đồng tiền đồng hóa với quyền lực người đàn ông. Tung và Hoành cuối cùng chỉ là một. Ngang hay Dọc thì điểm gặp gỡ vẫn chỉ là cái nút dây quyền lực nam giới đã mục nát.

Câu kết thúc chuyện “Chắc hẳn phải có cái gì đấy nóng bỏng dưới lòng sông” của Trần Thùy Mai là một lời nhắn nhủ người đọc đẩy sự suy nghĩ xa hơn về bản thân Trang. Câu trả lời có thể tìm thấy trong sự chọn lựa của người phụ nữ này. Nhưng còn “cái gì đấy” về người đàn ông hiện nay tuy người đọc không được tác giả nhắc phải suy nghĩ gì thêm vì tác giả đã cho ta biết qua hành động và ngôn ngữ của “đám đàn ông” trong chuyện. Đó là chân dung tiêu biểu của phần đông  đàn ông Việt Nam hôm nay dù là kẻ đang ở trong nước hay là người đã được sống rời xa vòng vây bủa của văn hóa xã hội bản xứ, vẫn chỉ là những hình nộm nhảy múa trong hoàng hôn mê muội của một thời đại tan rã sau khi chiến tranh đã qua đi.  

ngô thị kim cúc

Thế hệ trẻ trưởng thành sau chiến tranh ở trong nước nghĩ gì về tình yêu, về người đàn ông thế hệ trước?  Về người nam cùng thế hệ với mình?  Qua chuyện tình của người cô đã khuất, nay đối diện với người đàn ông ngày nay đã hoàn toàn suy sụp cả về vật chất lẫn tinh thần, người đàn ông trước đây cô đã một lòng yêu thương, nhân vật nữ ttrong “Hồi Kết” của Ngô Thị Kim Cúc tự hỏi “ Cái tình yêu nhỏ bé đó  liệu đã mang lại cho hai con người này được những gì? Hạnh phúc thì quá ít quá ngắn ngủi mà đau khổ thì kéo dài đến vô tận. Vậy mà không hiểu sao sau hàng mấy mươi năm, sau khi một người đã bỏ cuộc ra đi, nó dường như vẫn còn nguyên đó. Nó vẫn cứ đau đáu sống trong con người khốn khổ còn mắc lại, vẫn cứ tồn tại bất chấp mọi đổ vỡ, mọi tàn phá, bất chấp ngay những gì rẻ rúng tồi tệ nhất mà tôi đã trót là người chứng kiến...” Như thế tình yêu là có thật. Nhưng sự thật về tình yêu phải chăng chỉ là khổ nạn?

Người phụ nữ đã sống với, sống bằng tình yêu như thế nào?  Ngươiø cô của nhân vật nữ  đã bất chấp những áp lực từ gia đình, từ xã hội để sống trung thành với tình yêu của mình. Cũng đã một lần trải qua cuộc thử thách tình yêu của mình xem có phải là một sự thực không. Đã nhắm mắt trao thân cho một người đàn ông không phải là người mình yêu. Một chọn lựa thất bại, nhưng sự thất bại này cho thấy tình yêu đã thắng. Nhưng tình yêu của người phụ nữ là tình yêu cho một người khác, cho tha nhân. Việc “cho”, hiến dâng này luôn luôn đặt người phụ nữ vào một sự chênh vênh: cho không điều kiện nhưng người nhận có xứng đáng nhận? Khi một trong hai đối tượng trong một hoàn cảnh nào đó trở thành bất xứng thì tình yêu đó sẽ chỉ còn là khổ nạn?  Cho cả hai? Nhưng người phụ nữ ấy đã chọn lựa yêu vô điều kiện. Một chọn lựa để tự thực hiện bản thân, dù cho đó là một chọn lựa thất bại. Chọn lựa của tình yêu là một chọn lựa tuyệt đối, nhiều khi phải đương đầu chống lại truyền thông, văn hóa, xã hội, gia đình. Có thể nói nếu người phụ nữ đánh mất cơ hội chọn lựa này cũng đồng nghĩa với đánh mất cơ hội thực hiện bản thân không?  Người đàn ông (nam giới) có hiểu được cốt tủy của sự chọn lựa của người phụ nữ (nữ giới) để làm cho tình yêu trở thành hiện thực? Khả tính tình yêu trở thành hiện thực chỉ có thể có khi nào tư tưởng và hành động của nam giới được hướng dẫn bởi  ý chí tình yêu? 
  
y ban 

Quyết định ra khỏi quỹ đạo cơn giông bão yêu đương có thể sẽ ập tới của một người đàn bà trẻ đã lập gia đình (nhân vật không tên=một phụ nữ nào đó) trong chuyện của Y Ban là kết quả của sự giáp mặt với sự sợ hãi. Cuộc sống sau hôn nhân là những ngày tháng lê gót trên đường mòn, người đàn bà tuy tự tin mình từng trải nhưng lại rất nhậy cảm vẫn biết biên giới giữa hạnh phúc và bất hạnh rất mù mờ và mình là kẻ không phải lúc nào cũng sáng suốt, cũng lý trí tuy đã nghiệm sinh cả hạnh phúc lẫn khổ đau. Bên bờ vực khổ đau – hạnh phúc tình yêu là ngọn sóng nhưng chân sóng là đau khổ tận cùng – nàng mặc tấm giáp “miệng lưỡi của một kẻ táo tơn” với hy vọng sẽ không rớt xuống vực sâu cạm bẫy của sự dịu ngọt nhưng tự đáy lòng nàng vẫn nghe mình thầm thì người ơi người có biết ta đang thổn thức. Tình yêu dịu ngọt sau một gặp gỡ tình cờ réo gọi, xô đẩy khiến nàng sống trong mê/tỉnh, thụ động/chủ động. Có phải đó là điều ta vẫn khao khát chờ đợi? Và sự kiện này sẽ kết thúc ra sao? Nhưng chính vì nhân vật nữ này đã sớm nghĩ đến một kết thúc và chỉ coi sự kiện này như một tia chớp nên đã ra khỏi cơn mê muội chủ động dừng lại ở đó. Nhưng nàng cũng đã dừng lại được vì “người kia” cũng biết sự kiện xảy ra chỉ là một tia chớp. Vả cả hai đều sợ bị cơn bão đổ ập xuống đời mình. Câu hỏi đặt ra: Phải chăng sợ hãi là một cứu chuộc? Và ta sợ người hay ta sợ cuộc đời. Chính ta mới là kẻ đáng sợ hơn cả?  Chọn lựa một trả lời cho câu hỏi này tức là tìm được chìa khóa mở toang khung cửa bản ngã.

lê thị huệ

Từ sự chọn lựa dừng bước trước bờ vực một cuộc ngoại tình của một người đàn bà trẻ sống trên quê hương hôm nay (một đám mây hình dạng quen mắt mầu sắc hiền hòa)  tôi theo dõi sự chọn lựa nguyên mẫu  – một chọn lựa khắt khe đặt ra cho người phụ nữ sống ngoài quê hương trước câu hỏi “làm/không làm mẹ?” trong chuyện của Lê Thị Huệ. Khác với cuộc đời của một người nữ đang sống trên quê hương, nhân vật nữ trong “Lý Bỏ C..” là một  nhân vật thiếu nữ nơi cố quận nhưng là đàn bà nơi đất khách, trong một xứ sở  “mọi chuyện đều có thể xảy ra” là nước Mỹ. Tất nhiên cuộc tìm kiếm bản ngã sẽ nghiệt ngã ngàn lần hơn đối với một người đàn bà thất lạc, vô xứ. Cũng chính vì vậy phụ nữ vô xứ có nhiều cơ hội để nhận thức được bản thân hơn ở những xứ khác trong Thế Giới Thứ Ba.  Ý thức và lên tiếng vế tình trạng từ lâu phụ nữ vẫn bị coi như một Kẻ Khác (the Other), chỉ cần thiết vì sự khác biệt phái tính để đàn ông độc quyền hiện hữu và bị đẩy vào bóng tối, bị bịt miệng trong cơ cấu quyền lực là trào lưu của tư tưởng nữ quyền ở Mỹ và những nước thuộc Thế Giới Thứ Nhất. Phụ nữ ở những nước này hiểu rằng nếu chấp nhận một bản ngã dựa trên khác biệt giới tính (bản ngã phụ nữ) sẽ khó bề lật đổ cơ cấu phụ quyền của hầu hết những nền văn hóa, những cơ cấu xã hội hiện nay như Hélène Cixous đã chỉ ra. Chọn lựa tạm thời không làm mẹ, lấy không gian thân xác để tự sự – viết – về những cơn đau banh da xẻ thịt dẫn tới hành động quyết định là một chọn lựa nữ quyền khởi đầu.

“Lý” là một làn điệu, một bài ca thuộc về cố quận. “C..” là một ẩn ngữ. Bỏ là một chọn lựa, lúc này. Chọn lựa giữa có và không. Giữa hữu thể và hư vô. Trên chính thân thể phụ nữ của riêng mình. Trong cơn đau bấn loạn hoảng hốt trước cái có/không ta thèm một bàn tay người tình vỗ về an ủi. Người tình đã thành gỗ đá ngu ngơ. Có nên cầu nguyện bàn tay Thượng Đế? Phải chi còn tin được Thượng Đế vẫn có mặt, khổ nỗi Thượng Đế đã vắng mặt, đã bỏ đi từ lâu. Và bàn tay mẹ già cũng chỉ còn là một hoài niệm về cố quận. Trong cơn đau có/không trong thân thể, người phụ nữ cô đơn tuyệt cùng. Và phải chọn lựa vì bị “vạ lây” vì hành động của nam giới. Có thể nào người phụ nữ vô xứ hành xử như người phụ nữ bản địa? Có thể xóa bỏ sự hiện diện của mình nơi đây?

Trong cơn đau, đứng trước sự chọn lựa có/không người phụ nữ vô xứ trầm tư bài ai điệu về Mẹ, về Nguyên Mẫu. Bài ai điệu biển máu. Nhưng ai điệu không thể là chọn lựa lúc này, ở đây. Quyết định một mình, không thể chia xẻ với người khác. Quyết định trong bí mật?  Trải qua kinh nghiệm lịch sử về những quyết định chính trị bí mật đã xảy ra trên quê hương khiến mình trở thành một kẻ vô xứ, người phụ nữ trong “Lý Bỏ C..” sợ hãi mọi bí mật. Thân thể sắp mở toang ra tại sao lại phải giữ bí mật? Cái thân thể phụ nữ đã là chiến trường của đủ mọi thứ thế lực (truyền thống, văn hóa,tôn giáo, xã hội, gia đình, y học, nam giới v.v...đều muốn lên tiếng độc quyền nhưng khi phải quyết định chọn lựa giữa cái có và cái không thì người phụ nữ phải quyết định một mình. Chỉ có Tôi. Một Tôi, “toàn là Tôi”. Tôi bị phủ chụp xô dạt trong một màu Trắng tang chế nguyên sơ. Chọn lựa cái “không” đã là một lần chết đi. Để chỉ còn lại một chữ “xong”. Cho mình, cho đời.
 
trần diệu hằng

Phải chăng diễn ngôn của chọn lựa tình yêu từ nguyên ủy khởi đi từ nỗi tuyệt vọng không thể vượt qua hố thẳm ngăn cách giữa thực tại và trí tưởng?  Có thể có một “chọn lựa lần cuối” cho tình yêu để rồi từ nay không còn nghĩ tưởng?  Nhân vật xưng danh ngôi thứ nhất trong “Nhìn Lại Douala Lần Cuối” mang căn cước vô xứ sống cuộc đời lữ thứ từ Đông sang Tây sau khi không còn có thể ở lại quê hương đã ví mình như một “tảng đá biết đi”, cảm nhận được lẽ có/không vô thường của đời sống hôm nay, chấp nhận lao mình vào vực thẳm cô đơn khi chọn lựa đến sống ở một vùng đất không-đồng-hương. Nghĩa là không muốn gặp những người đàn ông thời thượng để khỏi phải thất vọng. Đã không còn quê hương chi bằng triệt hủy mọi liên hệ, xa lánh tuyệt đối. Có được không?

Người phụ nữ vô xứ này chỉ còn một người bạn thân thiết là Sybil, một nhân vật ảo, lúc hiện lúc biến. Một phụ nữ Tây phương dương bản của mình. Một nhân vật trong quyển sách, trong văn chương của Muriel Spark.
 
Sybil thông minh, trí tuệ nhưng buồn bã lạnh lùng. Trong chọn lựa một người đàn ông: với Sybil, từ khởi đầu đã chấp nhận nỗi chán chường trong quan hệ yêu đương nên không có ảo tưởng về hạnh phúc, “tỉnh táo và làm được sự chọn lựa.” Còn nhân vật nữ của Trần Diệu Hằng, một phụ nữ Đông phương tiêu biểu, là âm bản của Sybil, “chán chường là điều tôi phải nhận vì tôi không thể tìm thấy điều tôi muốn tìm.” Vì không thể chấp nhận “sự ngu xuẩn tầm thường của Niềm Ham Muốn” nên người phụ nữ vô xứ mắc cạn trong hoàn cảnh trăn trở về tình yêu và hạnh phúc. Vì đi tìm Hạnh Phúc cũng là đi tìm Quê Nhà. Một Quê Nhà không phải là Cố Quận đã bỏ lại sau lưng nhưng là Quê Nhà Trong Tâm Tưởng.

Dù cố ý muốn xa lánh đồng hương nhưng rồi người phụ nữ này cũng không tránh khỏi mối quan hệ  tình cờ với Định, một người nam cùng xứ sở. Nhưng xen vào mối quan hệ đó lại là sự giằng co giữa Sybil, tiếng nói nữ quyền Tây phương và quan niệm về người “Mẹ” Đông phương, người mẹ câm nín hy sinh, vị tha, “lúc nào cũng nở hoa, ngay cả trong lòng những người đàn ông hung bạo.”  Theo Sybil, quan niệm đó là một nhà tù, một cái cũi nhốt người phụ nữ.  Đã có lúc nhân vật nữ này định buông xuôi sống cuộc đời tầm thường đơn giản làm vợ làm mẹ như đại đa số những người phụ nữ xưa nay, chấp nhận làm vợ Định với quan niệm truyền thống về người phụ nữ an phận đã ăn sâu trong đầu óc anh.  Dừng bước trong một Trạm Nghỉ. Nhưng cuối cùng vẫn là không thể. Không thể là Sybil. Cũng không thể làm một người phụ nữ không có bản thân.
 
Như thế sự chọn lựa quan trọng nhất – chọn lựa để có tình yêu và hạnh phúc -của người phụ nữ phải chăng vừa là một sự mất mát (hạnh phúc chỉ là một điều có thể, một khả tính  cạn kiệt theo thời thanh xuân) vừa là một sự làm đầy (trong Nguyên Mẫu, vị tha) ?

nguyễn thị minh ngọc

Người phụ nữ Việt Nam phải đương đầu với định kiến xã hội, đạo đức truyền thống như thế nào khi định kiến và truyền thống đó cho rằng một người phụ nữ chỉ thực sự là phụ nữ khi được một người đàn ông (và gia đình anh ta) cưới làm vợ. Nghĩa là không có cái vinh dự được cưới hỏi có nghĩa không có bản thân. Những nhân vật nữ trong “Chờ Duyên” là những kẻ mắc cạn trong hoàn cảnh “ số phần vô duyên”.  Nhìn thời thanh xuân qua mau, tuy không tha thiết được cưới hỏi nhưng vì lòng yêu thương cha mẹ, đã phải “sống theo thuở, ở theo thời.” Bốn chị em cùng “chờ duyên” trong khi người cha đang ở vào giai đoạn trọng bệnh một sớm một chiều. Tuy muốn đầu hàng định kiến và truyền thống, để đem lại chút hạnh phúc cho cha mẹ, nhưng cả bốn người phụ nữ này không khỏi chán chường những người đàn ông cùng thời một mặt an phận đặt mình trong vòng kiềm tỏa của đạo đức lỗi thời mặt khác lại đánh giá thấp người phụ nữ bằng những tiêu chuẩn do xã hội phụ quyền thiết định. Nếu những phụ nữ này có muốn “chọn lựa” thì sự chọn lựa của họ chỉ là một sự chọn lựa vị tha chứ không là chọn lựa tình yêu, chọn lựa để thực hiện bản thân. Và họ đã phải chịu đựng tình cảnh này rất lâu, không lối thoát. Trong khi họ  cố gắng gắn mình với đời sống, những người đàn ông có dịp đến với họ đã cố tình xô họ văng khỏi đời sống, ném họ xuống vực thẳm duyên kiếp.

vũ quỳnh hương

Bạo động lịch sử đã để lại những hậu quả tàn khốc đè nặng trên số phận người phụ nữ di dân như thế nào? Ngăn cách chia lìa, biệt tung tuyệt tích đã đành. Nhưng làm sao con người, nhất là người phụ nữ trẻ có thể sống tới trong cái thời gian sinh ly đó?  Thời gian của lịch sử và thời gian của cá nhân là ánh sáng và bóng tối, là đối nghịch và tiêu hủy nhau. Nhân vật nữ trong "Nẻo Quyên Ca" khi cuộc chiến tàn bạo chấm dứt không là góa phụ để sống cuộc đời một góa phụ: còn nỗi đớn đau nào bằng, còn tình cảnh nào nghịch lý hơn? “Tôi chỉ còn đủ trẻ để tiếp chờ đợi Khắc chứ không còn đủ trẻ để khởi đầu một cuộc sống khác.” Thân phận người phụ nữ vô xứ chờ chồng Việt Nam ở giai đoạn phần tư chót của thế kỷ 20 không những khác hẳn mà còn khắc nghiệt nhiều lần hơn thiếu phụ Nam Xương trong quá khứ: một bản án chiến tranh viết bằng diễn ngôn nữ quyền đối nghịch xóa bỏ triệt để mọi diễn ngôn ca ngợi chiến thắng vinh quang.
 
Phải sống cuộc đời lìa xứ, “ đàn bà thì nghi kỵ tôi còn đàn ông thì nhìn tôi như như một sinh vật nữ có thể yêu thương” Quyên không những hai vai mang nặng trách nhiệm nuôi con cho nên người mà còn bị biến thành kẻ vong thân thêm một lần nữa sau khi đã bị hậu quả chiến tranh biến mình thành một kẻ khác, một người bị chiếm đoạt tuổi trẻ. “Bên cạnh mức độ bạo tàn, cuộc chiến tranh mà tôi vừa sống qua vẫn còn đầy những sự phi lý dai dẳng buộc vào tôi như buộc vào một người tù chung thân. Tại sao tôi lại trở thành một tù nhân của chiến tranh?”  Trước định mệnh khắc nghiệt, sống trong cảnh chồng vừa chết vừa không chết (vì thiếu thông tin chính xác, vì những lời đồn đãi)  nên “Tôi không làm chi được cuộc đời tôi.”  Ngoài việc bất lực nhìn “thời đại” của mình đã chấm dứt quá sớm và lo lắng trăn trở khi nhận thức ra rằng giờ đây là “thời đại” của thế hệ con mình, Quyên đã chọn lựa một thế sống trung thực với trái tim mình: “Tôi không còn năng lực để yêu ai nữa” và thay vì tình yêu, Quyên thấy mình được hoàn toàn tự do thoải mái trong những mối liên hệ bằng hữu với những người bản xứ, nam cũng như nữ,  “...tôi đã chọn sự tự do ở lại trong số phận lẻ loi của tôi.”

Chọn lựa của Quyên là một chọn lựa tự do tuyệt đối, đẩy tình yêu vào quá khứ.  Một chọn lựa nói lên khả tính của tự do nhưng cũng là một thất bại đời người vì đã không thể vượt qua được sự phi lý của thời gian. Cùng lúc với việc tống táng tình yêu là hành động đào hố chôn sâu một giai đoạn lịch sử  tối thẳm, bạo tàn, vô nghĩa mình đã buộc phải trải qua.


trần thị trường/hoàng thị bích ti

Hai người đàn bà trong “Thủy Chung, Bài Ca Riêng của Đàn Bà” của Trần Thị Trường và “Yellow Mama” của Hoàng Thị Bích Ti ở trong hai hoàn cảnh đối nghịch nên có những tình cảm, tư tưởng và hành động cũng như số phận hoàn toàn trái ngược nhau như ngày đối nghịch với đêm, đen đối trắng. Trong khi nhân vật nữ  của Trần Thị Trường an phận với cuộc sống của một người đàn bà có chồng có con thì nhân vật nữ của Bích Ti là một kẻ bất hạnh lãnh án tử hình giết chồng giết con.  Hạnh phúc và bất hạnh?  Hạnh phúc trong xã hội “đỏ” và bất hạnh trong xã hội “đen”?  Hai mặt phải trái của cùng một đồng xu tưởng chừng hoàn toàn khác nhau chung qui cùng là dấu hiệu của sự xuống cấp giá trị người phụ nữ?  Nhưng dựa trên tiêu chuẩn nào để đánh giá? Quan niệm thời thượng của xã hội hay sự nổi loạn chống lại định kiến và nguyên tắc hành xử do xã hội thiết định?
 
Trần Thị Trường đứng ngoài nắng và Bích Tu đứng trong bóng tối để giới thiệu nhân vật nữ và sự chọn lựa của họ.  Tuy lối tự sự của hai tác gia có khác nhau (ngôi thứ nhất/ngôi thứ hai) nhưng cả người chồng lẫn người tình – nghĩa là những nhân vật nam giới – đều là mang tính điển hình của hành vi chiếm đoạt để rồi xóa bỏ thân xác đàn ba,ø vì họ cùng có chung quan niệm phụ quyền về người phụ nữ.  Bản thân người phụ nữ  trong cả hai trường hợp được định nghĩa theo chức năng (sinh con) hay như một đối tượng dục tính, nhiều khi cả hai.  Nghĩa là người phụ nữ không có quyền tự mình chọn lựa bản thân.  

Đào Trung Đạo