đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

 

kỷ niệm 50 năm cuộc nổi dậy hungary đọc:

 

* twelve days: the story of the Hungarian revolution của victor sebestyen

* failed illusions của charles gati

* journey to a revolution của michael korda

 

 

Hãy cho anh khóc bằng mắt em

Những cuộc tình Budapest

Thanh Tâm Tuyền

 

Năm mươi năm có lẽ quá đủ để có một cái nhìn tương đối khách quan và rút ra những bài học lịch sử từ cuộc nổi dậy chống lại đế quốc Xô-viết của nhân dân Hungary vào Mùa Xuân năm 1956. Để kỷ niệm biến cố có một tầm mức quan trọng đóng góp vào sự xụp đổ toàn cầu của chủ nghĩa cọng sản, năm nay ba tác giả thế giá ở Mỹ đã cho ra mắt các tác phẩm: Victor Sebestyen với quyển ký Twelve Days: The Story of the Hungarian Revolution (Mười Hai Ngày: Câu chuyện về Cuộc Cách Mạng Hungary) với những chi tiết xác thực tái tạo biến cố lịch sử này;  Charles Gati với quyển biên khảo Failed Illusions (Ảo Tưởng Chết Yểu) bằng một phương pháp nghiên cứu hàn lâm đã đưa ra một kiểm điểm khá tường tận về những tính toán chính trị của ba phe: Điện Kremlin, Tòa Bạch Ốc, và những lãnh tụ cộng sản Hung; và  Michael Korda với quyển hồi ký Journey to a Revolution (Hành Trình tới một cuộc Cách Mạng) đã kể lại những kỷ niệm nhớ đời thất cảm động. Mỗi người, ở những góc nhìn khác nhau, đã đưa ra những sự thực đáng để chúng ta suy nghĩ. Tuy ở những góc độ khác nhau nhưng những tác gia này có một số điểm chung như: cả ba đều có những liên hệ cá nhân với lịch sử và văn hóa Hungary,  cả ba đều đã sử dụng những tài liệu đã được giải mật của các kho lưu trữ ở Mỹ và Nga, cả ba đều có thái độ phê phán khách quan về những lời tuyên bố khoa trương của các chính quyền Mỹ thời đó quyết tâm ủng hộ đòi hỏi thực hiện dân chủ của dân chúng các nước sau Bức Màn. Và trên hết thảy, cả ba tác giả đều có cùng quan điểm: Mầm mống tạo ra sự xụp đổ đế quốc Xô-viết nằm ngay chính trong lòng đế quốc này.

 

Một cách thật tóm lược chúng ta thử đưa ra những sự kiện chính về cuộc Cách Mạng Mùa Xuân Hungary: Sau Thế chiến II chấm dứt, Hungary nằm trong quĩ đạo của Liên-xô với đường lối cai trị sắt máu của Stalin. Những lãnh tụ cọng sản Hung được điện Cẩm Linh hậu thuẫn không những chỉ là những bù nhìn mà còn cố gắng đóng vai trò trung thành và là chư hầu nổi bật nhất Đông-Âu. Nhưng những lãnh tụ này đã quên một điều quan trọng: Stalin không bao giờ tha thứ được một xứ đã từng đi với Quốc-xã Đức. Thủ tướng Hung thời đó là Matyas Rakosi, để tỏ ra tuyệt đối trung thành với Stalin, đã cai trị nước Hung bằng một chính sách độc tài không khoan nhượng: cưỡng bách tập thể hóa, bắt giam, tra tấn, lập tòa án  để bỏ tù, xử tử những phần tử bất đồng chính kiến chống đối chính quyền. Một điểm khá lý thú là những lãnh tụ cộng sản Hung thời đó đã thu nạp một số người Do-thái và những cựu viên chức Quốc-xã làm mật vụ  để thi hành những thủ đọan tàn bạo. Dân chúng Hungary từ lâu vốn có ác cảm với hai loại người này. Theo Victor Sebestyen, trong 3 năm từ 1950 đến 1953 cả thảy có 1.3 người bị xử tử hình, ba trại tập trung lớn giam giữ 40.000 tù, khỏang gần một nửa con số 850.000 đảng viên cọng sản Hung bị tù đầy, lao cải, sát hại hoặc sống lưu đầy. Trước thảm họa nước Hungary sẽ hoàn tòan xụp đổ, Stalin ra lệnh lọai bỏ Rakoki và đưa Imre Nagy lên cầm quyền.

 

Tuy bị hạ bệ nhưng Rakoki vẫn ngấm ngầm tìm cách chiếm lại quyền hành và năm 1955 Điện Cẩm Linh ra tuyên bố lên án Imre Nagy theo chủ nghĩa quốc gia tư sản. Để chống lại chủ trương đế quốc của Stalin, trí thức và nhà văn Hung nhập cuộc. Vai trò của trí thức và nhà văn là yếu tố quyết định trong cuộc nổi dậy này cho nên Nikita Khruschev sau này đã phải than: Nếu như một chục hay hơn chục nhà văn Hung bị đem ra bắn bỏ đúng lúc thì cuộc cách mạng đã chẳng bao giờ xảy ra. Cũng trong năm 1956 Kruschev trong Đại Hội Cọng Sản 20 đã tố cáo lên án tội ác của Stalin. Đây là dịp may giúp các nhà lãnh đạo cọng sản Hung buộc tội Rakoki sùng bái cá nhân và quay sang ủng hộ Imre Nagy. Ngày 22 tháng 10, 1956, tại Viện Đại-học Kỹ-thuật Budapest, sinh viên ra bản Tuyên Ngôn Mười Sáu Điểm kêu gọi toàn dân nổi dậy. Lãnh đạo cuộc nổi dậy tiên liệu Liên-xô sẽ xua quân vào thủ đô trấn áp cuộc cách mạng nên sinh viên và dân chúng thành lập ngay tại thủ đô những căn cứ kháng chiến. Những đơn vị quân đôi Liên-xô đóng ở Hung hoàn toàn không được chuẩn bị nên đã rút lui trước cuộc nổi dậy ngày càng lan rộng. Điện Cẩm Linh bối rối trong mấy tuần lễ sau khi Irme Nagy được toàn dân Hung hậu thuẫn. Nagy bị đặt vào một vị trí kẹt cứng giữa niềm tin vào chủ nghĩa cọng sản và  quyết định của dân chúng muốn làm cuộc cách mạng triệt để. Trước tình hình ngày càng khẩn cấp, Điện Cẩm Linh xua 500.000 quân với chiến xa và đại bác tiến vào Budapest tàn sát các căn cứ cách mạng, bắt giữ Imre Nagy, tái lập trật tự. Nhiều ngàn sinh viên, trí thức, nhà văn và cả những thanh thiếu niên Hung bị bắt giữ và đem ra xử tử. Nhưng cho đến nay dân chúng Hungary vẫn đánh giá cao thái độ hào hùng của Irme Nagy sau khi bị bắt: từ chối áp lực của Điện Cẩm Linh buộc phải tự thú phát-xít phản-cách-mạng. Irme Nagy bị treo cổ vào năm 1958.

 

Người ta tự hỏi chính quyền Mỹ thời tổng thống Eisenhower đã ứng xử thế nào trước biến cố lịch sử này? Các tài liệu giải mật cho thấy cả vị tổng thống Mỹ này lẫn Ngoại trưởng John Foster Dulles đều rất thụ động, không có ý định hành động đúng với chủ trương hậu thuẫn những nỗ lực thực hiện dân chủ của dân chúng các nước sau Bức Màn Sắt. Ngay cả Phó-tỗng thống Mỹ Richard Nixon thời đó cũng tuyên bố một cuộc xâm lăng của Liên-xô cũng chẳng phải là một mối họa cho phương Tây và cũng chẳng đẩy mạnh thêm liên minh chống Cộng. Vì vậy Charles Gati cho rằng, kể cả trong hiện tại. lời tuyên bố giải phóng hoa mỹ của cánh Cộng hòa cực hữu Mỹ chỉ là những lời tuyên bố vô nghĩa. Còn Michael Korda đã bùi ngùi kể lại khi ông và một số bạn bè với danh nghĩa các cựu chiến binh Đồng-minh mang cờ Anh quốc đi vào thủ đô Budapest vào cao điểm cuộc nổi dậy dân chúng ngòai đường phố đã tưởng họ đại diện cho lực lượng Anh-Mỹ đến tiếp sức! Tệ hại hơn cả là thái độ của những người Hung lưu vong ở Mỹ, qua làn song đài Âu-châu Tự-do đựoc cơ quan tình báo CIA trợ cấp, vội vàng lên tiếng thúc dục những người nổi dậy lật đổ chính quyền Imre Nagy. Ngay bản phân tích lượng định năm 1955 của cơ quan này cũng đã đưa ra những nhận định rất sai lầm rằng “Phần lớn sự chống đối ở Hungary có tính cách thụ động…Chỉ có rất ít những lãnh tụ bí mật.” Nhìn chung, cuộc Cách Mạng Mùa Xuân 1956 của nhân dân Hungary tuy chỉ xảy ra hơn 10 ngày, nhưng đã chỉ ra cho chúng ta thấy rằng biến cố này không phải chỉ nhằm hủy diệt quyền lãnh đạo của Liên-xô, mà đã mở ra một cuộc chiến mà tinh thần chiến thắng đã tồn tại lâu dài dẫn đến sự xụp đổ toàn khối cọng sản. Để minh chứng điều này là sự việc chính dân chúng Hungary, nhiều năm sau cuộc nổi dậy, đã mở cửa biên giới sang nước Áo để cho những người Đông Đức vượt biên và việc này dẫn đần sự xụp đổ Bức Tường Bá Linh.

 

 

Đào Trung Đạo

         

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo