đọc sách vớiii
Đào Trung Đạo

cormac mccarthy

THE ROAD
Con Đường

 

Những người theo dõi sự nghiệp văn chương của Cormac McCarthy và nhất là những người hâm mộ ông hầu như đã thất vọng khi ông cho ra mắt tác phẩm No Country for Old Men. Nhưng mới đây, Cormac McCarthy đã lấy lại niềm tin của mọi người khi ông cho xuất bản quyển The Road – Con Đường. Người am tường về tiểu thuyết Mỹ hiểu rằng văn chương Cormac McCathy là sự kết tinh của tổng hợp Faulkner và Hemingway. Nói rõ hơn, về văn phong Cormac McCarthy gần với Hemingway nhưng về không khí, tư tưởng cũng như về cảnh thổ của tiểu thuyết ông lại gần với Faulkner hơn. Có thể nói tiểu thuyết của ông là những bài tản văn sắc lạnh nói lên cái tương lai không tương lai của nhân loại trong một thế giới không có Thượng-đế nhưng lại thấp thóang một niềm tin ấp ủ tận nơi cùng thẳm trái tim con người.

                                                                                                                                                                                 Khác với bộ trường thiên tiểu thuyết biên giới, lần này Cormac McCarthy trong Con Đường viết một truyện không có truyện, một dụ ngôn. Nhân vật và cảnh thổ không có tên gọi. Vì đấy là những con người sống sót, những nơi chốn vừa trải qua thảm họa tận thế. Hai nhân vật chính chỉ là Người Cha và Đứa Con Trai. Cốt truyện đơn giản là sau cơn tận thế, hai cha con sống sót và Người Cha, bằng mọi giá kế cả cái chết cận kề, quyết tâm lên đường với hy vọng sẽ đưa được đứa con đến một nơi còn có sự sống. Đứa con này ra đời sau khi thảm họa xảy ra, mẹ của nó đã tuyệt vọng trong tình cảnh vô phương cứu rỗi nên tự sát ngay khi nó vừa chào đời. Tác giả không cho biết nguyên nhân của thảm họa tận thế, có lẽ đó không phải là nguyên nhân chính trị hay chiến tranh, cũng không hẳn nguyên nhân đó là sự điên rồ của con người. Có thể nguyên nhân từ thiên nhiên, do sự sự hỗn loạn địa chất, nhưng cảnh giới bị tiêu hủy toàn diện đã được ngọn bút sắc lạnh của Cormac McCarthy mô tả thật đầy đủ. Đất bị cháy xém và mặt đất xám tro. Không còn có thời tiết nữa mà chỉ có tuyết phủ và mưa đá. Cây cối và những thảo mộc khác chết rụi, nếu đụng vào là lập tức tan thành bụi bằng không chỉ còn là những hình thể chập chờn hoang dã trong một khung cảnh xám ngắt. Không còn có sinh vật nào sống sót, ngọai trừ một thiểu số con người tuy may mắn thoát qua thảm họa nhưng cũng đã thành bị dập vùi tiều tụy và tuyệt vọng. Trên mặt đất không còn có thực phẩm, những kẻ sống sót chỉ còn chút hy vọng mỏng manh tìm được vài hộp thực phẩm hiếm hoi còn rơi rớt rải rác đâu đó nếu không thì đành phải ăn thịt nhau.

 

Trong cái thế giới đó việc tìm được một lon Coca-Cola giống như nhận được một tặng phẩm từ ơn trên. Đó là một thế giới không còn có một thứ gì ngoài những con đường. Con đường những kẻ sống sót phải đi tới. Giữa trung tâm của cái thế giới chết chóc tiêu hủy ấy là Người Cha và Đứa Con Trai, những kẻ được coi là “người tốt”. Trong truyện cũng không thiếu những “kẻ xấu” sống sót. Trên con đường đi tới ấy (người đọc mơ hồ đoán biết hai cha con tìm đường ra biển), mãi một năm sau hai cha con mới chạm mặt với người khác. Nhưng hầu như tất cả những con người họ gặp chỉ còn là những bộ xương bọc da, và hầu hết họ đều sợ hãi, lảng tránh chạm mặt với người khác. Trên con đường dài bất tận hai cha con đã truyện trò với nhau, những mẩu đối thọai làm người đọc liên tưởng tới hai nhân vật Vladimir và Estragon trong vở kịch Trong Khi Chờ Godot của Samuel Beckett. Nhiều khi những lời nói của Người Cha chỉ là những độc thọai. Đế tránh bị chết cóng khi mùa đông tới, hai cha con băng đèo vượt núi hướng vế Vùng Vịnh (người đọc hiểu biết địa lý nước Mỹ có thể đoán chừng đó là Mỏm Lookout Mountain ở biên giới hai tiểu bang Tennessee và Georgia). Vì đứa con được sinh ra sau khi thế giới đ4 bị tiêu hủy nên nó không có một ý niệm hay ấn tượng gì về cái thế giới cũ đó. Người cha cũng muốn dạy cho con biết về những thực tại trong quá khứ nhưng cuối cùng cũng bỏ ý định này vì nhận ra một điều ngay trong trái tim mình cũng chỉ còn là tro bụi.  Nhưng người cha vẫn kiên quyết nói cho đứa con biết “công việc của cha là  chăm sóc con. Cha được Thượng-đế chỉ định làm việc này. Cha sẽ giết chết ngay kẻ nào đụng tay vào con.”

 

Hai cha con mòn mỏi cất bước trên đường, người cha ho ra máu, ngắc ngoải,  nhiều lúc muốn được chết đi cho xong. Trên đường đi họ đã nhiều phen kinh hoảng nơm nớp sợ bị kẻ khác rình rập. Họ cũng tìm thấy một hang núi giống như một kho thực phẩm chứa đầy xác người. Họ cũng chạm mặt những tên côn đồ có trang bị vũ khí di chuyển bằng xe tải, đã nhìn thấy đoàn quân của những kẻ “trường chinh” râu dài, cổ quàng khăn đỏ, miệng ngậm ống điếu dài ngoẵng, bọc da, mặt đeo mặt nạ. Theo sau đoàn quân này là những xe gòong nô lệ bị xiềng vào tay kéo trên chất đầy vũ khí và đồ tiếp liệu. Theo sau đám nô lệ này là hàng chục phụ nữ, trong số đó có người bụng mang dạ chửa. Mắt nhìn thấy cảnh đoàn quân này đi qua, đứa con trai hỏi bố nó “Họ có phải là những kẻ xấu không bố?” “Ừ, chúng là những kẻ xấu đấy.”, người cha trả lời. Thằng bé lại hỏi tiếp” Có nhiều kẻ xấu như chúng lắm phải không bố?” “Ừ, nhiều lắm. Nhưng chúng đã đi khỏi rồi.”. Trái hẳn với những cuộc chạm trán giữa thiện và ác với phần thắng thế luôn về phía kẻ ác trong những tác phẩm trước, trong Con Đường Cormac McCarthy  đã để hai cha con sống sót. Sống sót ở đây có thể hiểu là thắng thế. Và tác giả cũng có những đoạn kể lại những sự việc rất thiện như chuyện đứa con muốn hai cha con cứu một kẻ bị lạc đường tuy đã rũ liệt nhưng miệng vẫn lảm nhảm “không làm gì có Thượng-đế và chúng ta là những kẻ tiên tri của ngài.”

 

Người đọc quyển sách này của Cormac McCarthy chắc chắn sẽ thắc mắc câu cuyện rối sẽ kết thúc ra sao? Trong một thế giới đã bị hủy diệt, liệu còn có thể có một kết thúc nào khác không? Liệu đời sống cũng sẽ kết thúc hay đời sống sẽ vẫn được duy trì? Cái gì có thể duy trì đời sống? Cormac McCarthy cho ta câu trả lời trong: đời sống được duy trì nhờ tinh thần xác định có một niềm tin, tuy sự xác định này không là một khẳng định. Trong tiểu thuyết của Cormac McCathy, tuy Thượng-đế hoàn toàn vắng mặt nhưng tinh thần và niềm tin luôn bước song hành. Có lẽ tác giả muốn chuyển tải đến người đọc niềm tin đó để chúng ta có thể vượt qua cái thời đại thất khốn khó này. Nói ra được điều đó có lẽ cũng đủ để chúng ta nhìn nhận ông là một nhà văn đáng đọc và đáng nhớ.

 

 Đào Trung Đạo

         

© 2006 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo