maurice blanchot
Thomas Tăm Tối
Đào Trung Đạo dịch
truyện
Maurice Blanchot (1907-2003) bắt đầu viết Thomas l’Obscur [TO] từ 1932, nộp bản thảo cho nhà xuất bản Gallimard tháng 5, 1940 và sách ra mắt độc giả vào mùa Thu năm 1941, dài 328 trang, thể loại được ghi là tiểu thuyết. Ấn bản đầu tiên tuy đã bán hết những năm sau đó nhưng sách không được tái bản. Đến năm 1950 Blanchot cho in quyển truyện nhưng chỉ dài 137 trang và không ghi thể loại. Blanchot viết về quyển Thomas l’Obscur ấn bản thứ nhì này như sau: “[…] ấn bản này không thêm thắt gì, nhưng bỏ bớt đi khá nhiều trang sách, nên người ta có thể nói nó khác hẳn và là ấn bản hoàn toàn mới, nhưng đồng thời cũng lại rất tương tự, nếu như người ta có lý khi không phân biệt, giữa diện mạo và cái ở trong đó, mỗi khi toàn thể cái diện mạo chính nó chỉ mô tả sự tìm kiếm một điểm trung tâm tưởng tượng.”
Những chuyên gia viết về Blanchot trong những thập niên cuối thế kỷ 20 coi Thomas l’Obscur là bệ/nền (socle) của những truyện kể (récits) sau đó của Blanchot. Thế nhưng, quyển sách ra mắt ở những năm đầu thập niên 40s tạo nên những luồng dư luận mạnh mẽ cả tiêu cực lẫn tích cực như Christoph Bident trong Maurice Blanchot, Partenaire Invisible (trang 200-203) kể lại: ra mắt vào thời điểm nước Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng nhưng Thomas l’Obscur tuy bị liệt vào loại “tác phẩm về sự thoái hóa của người Do thái” nhưng không bị cấm. Jean Paulhan cho biết báo chí ở Paris thời đó không có sự đón nhận tốt quyển sách, vu cáo Blanchot là ngụy tín và là tay sai của bọn Do thái. Nhưng về phần mình Paulhan lại coi TO thực sự là một tác phẩm và mấy tuần sau đó giới thiệu “quyển sách rất đẹp” [TO] này với Roger Caillois. Trong thư gửi cho Paulhan, Monique Saint-Helier tìm thấy trong TO “những tặng phẩm phong phú, hơi say sưa, nhưng là sự say sưa được kiềm chế” và ngưỡng mộ “ý nghĩa của ánh sáng trong một quyển sách được tạo nên bởi đêm tối.” Còn Albert Camus trong Carnets cho biết bị thu hút bởi kích thức siêu hình của truyện kể và mơ hồ thấy chiếc chìa khóa để mở quyển sách nằm ở chương áp chót vì thế Camus lời khuyên người đọc cần đọc lại quyển sách và tất cả sẽ được soi sáng. Thiery Maulnier chào đón TO và cho rằng “Một nhà văn đích thực đã xuất hiện”
TO đã gây được sự chú ý và ngưỡng mộ trong văn giới và được xếp ngang hàng với những tác phẩm của Jean Giraudoux, Lautréamont, Gérard de Nerval. Nhưng đó chỉ là một sự so sánh có tính chất bề ngoài thôi. Thực ra, như Marcel Arland nhận thấy đó là một quyển sách hết sức lạ mặc dù câu văn viết rất thuần túy, như một bài ca trong một thế giới không có không khí, hay một cuộc chinh phục dài dặc trong một ban mai chập choạng. Jean Mousset trong Journal des débats (xuất bản ở miến Nam nước Pháp) coi TO là “một quyển tiểu thuyết lớn” và “là một trong những quyển tiểu thuyết vĩ đại của nền văn chương hiện đại của chúng ta sau bộ À la recherché du temps perdu của Proust.
***
Thomas ngồi xuống và nhìn ra biển. Hắn bất động trong khoảnh khắc, như thể hắn tới đây để theo dõi những cử động của những người đang bơi khác và, dù sương mù ngăn hắn không nhìn xa được, hắn vẫn cứ ngồi yên, một cách bướng bỉnh, mắt dán trên những thân thể đang lềnh bềnh một cách khó khăn. Thế rồi một làn sóng thật mạnh chạm vào hắn, hắn đi xuống chuồi cát và trườn mình giữa những làn nước lập tức nhận chìm hắn. Biển lặng và Thomas có thói quen bơi lâu không mệt. Nhưng bữa nay hắn lại chọn một cách khác. Sương mù che khuất bờ. Một đám mây hạ thấp trên mặt biển và biển biến mất trong một ánh rực lên như thể ánh sáng này là cái có thực duy nhất. Những làn nước lay động hắn, thế nhưng lại không cho hắn cái cảm giác đang ở giữa những làn sóng và trôi theo những yếu tố hắn đã quen thuộc. Việc tin chắc rằng chẳng làm gì có nước, cũng làm cho cố gắng bơi của hắn có tính chất của một sự thao dượt phù phiếm mà hắn chỉ rút ra được sự nản chí. Có lẽ hắn chỉ cần tự làm chủ để xua đuổi những ý nghĩ như vậy, nhưng tia mắt hắn lại không thể gắn trên bất cứ cái gì, hắn dường như đang ngắm nhìn khoảng không với ý định tìm kiếm sự trợ giúp nào đó. Vào đúng lúc này, biển dâng cao nhờ gió, giãn ra. Bão khuấy động biển, làm cho biển biến đi trong những vùng không thể tới, những cơn gió giật mạnh lật xấp bầu trời và, đồng thời, có một niềm im lặng và sự êm ả làm cho người ta nghĩ rằng tất cả đã bị phá hủy. Thomas tìm cách thoát ra khỏi lớp sóng sừng sững ụp lên hắn. Một cái rét đậm làm hai cánh tay hắn tê cứng. Nước biển xoáy cuộn. Có phải đó thực sự là nước? Bọt sóng khi thì tóe lên trước mắt hắn như những bông mảnh mầu trắng, khi thì thân thể hắn bị giữ chặt và lôi đi thật mạnh bởi không có nước. Hắn thở thật chậm rãi, đôi khi giữ trong miệng cái chất lỏng những đợt sóng dội vào đầu: một sự dịu dàng ấm áp, ngụm uống lạ lẫm của một người không còn vị giác. Thế rồi, do mỏi mệt, hay vì một lý do bí ấn nào đó, khiến hắn có cùng một cảm giác của sự lạ lẫm như thể tứ chi trôi đi trong nước. Thoạt đầu hắn thấy cảm giác này có vẻ như dễ chịu. Vừa bơi hắn vừa đuổi theo một thứ mơ mộng thấy mình lẫn với biển. Sự say sưa ra khỏi bản ngã, trôi tuột đi trong trống không, để mình tan loãng trong ý nghĩ về nước, khiến hắn quên đi mọi khó chịu. Và ngay cả, khi biển lý tưởng này mà hắn mãi trở thành thân thuộc đến lượt nó lại trở thành biển thực sự nơi hắn đã như thể chìm nghỉm, hắn lại cũng xúc động như hắn phải là vậy: dĩ nhiên có một cái gì đó không thể chịu đựng được về cách bơi này cũng như về cuộc phiêu du với một thân thể chẳng để làm gì ngoài việc nghĩ rằng mình bơi, nhưng hắn lại cũng cảm thấy được an ủi, như thể cuối cùng hắn đã tìm ra cái chìa khóa của hoàn cảnh và rằng mọi sự với hắn kết cục chỉ là tiếp tục cuộc du hành bất tận với sự vắng mặt của thân thể trong sự vắng mặt của biển cả. Ảo tưởng không kéo dài. Hắn buộc lỏng phải trở mình bên này bên kia, như một con tầu chòng chành, ở trong nước cho hắn một cơ thể để bơi. Cách chi thoát khỏi? Phải chăng cánh tay hắn phấn đấu để khỏi bị sóng cuốn đi? Để bị chỉm nghỉm? Để mình chìm trong chính mình một cách chua chát? Đó chắc chắn là khoảnh khắc ngừng lại, nhưng hắn vẫn còn chút hy vọng, nên hắn lại tiếp tục như thể bơi ngay trong lòng của sự thân thuộc đã được phục hồi hắn đã khám phá ra một khả hữu mới. Hắn bơi, một con quỉ không vây. Dưới cái kính hiển vi khổng lồ, hắn biến mình thành một đống vây bạo dạn và những làn sóng. Thử nghiệm có tính cách hoàn toàn quái đản, khi hắn tìm cách từ một giọt nước trườn vào trong một vùng mơ hồ nhưng lại hết sức chính xác, một thứ gì đó giống như một chốn thiêng liêng, thật thích hợp đủ để hắn ở đó, để hiện hữu; đó như thể một khoảng trống không tưởng tượng nơi hắn đi sâu vào bởi, trước khi hắn tới đó, dấu vết hắn đã có ở đấy rồi. Thế nên hắn làm một cố gắng cuối cùng để hoàn toàn lọt vào trong đó. Cũng dễ thôi, hắn không gặp một trở ngại nào cả, hắn chắp nối mình lại, hắn lẫn vào với chính hắn trong lúc đi vào cái nơi không ai khác có thể tiến vào được.
Sau cùng hắn phải trở lại. Hắn dễ dàng tìm được con đường quay trở lại và dặt chân ở chỗ một vài người đi bơi dùng để nhào lặn xuống nước. Sự mệt mỏi đã hết. Hắn vẫn còn có ấn tượng ù ù trong tai và bỏng rát trong mắt, hẳn phải là như vậy sau khi ngâm mình quá lâu trong nước mặn. Hắn nhận thức được điều này trong lúc đang quay trở lại về phía giải nước phản chiếu ánh mặt trời, hắn cố thử nhận ra hướng mình đã rời khỏi. Vào lúc này đã có sương mù phủ mờ mờ trước mắt và hắn có thể phân biệt được bất cứ cái gì trong khoảng trống không âm u mà tia nhìn của hắn quyết xuyên qua. Rướn mắt, hắn khám phá ra có một người đang bơi ở khá xa, gần như biến mất phía dười đường chân trời. Ở một khoảng cách như vậy, người đang bơi không ngừng biến khỏi hắn. Hắn nhìn người đó, rồi không còn nhìn thấy hắn ta nữa và tuy vậy hắn có cảm giác đã theo rõi mọi chuyển động của người này: không chỉ luôn luôn thấy người này thật rõ, nhưng còn như thể đến gần người này một cách hoàn toàn thân thiết và như thể hắn chẳng cần một sự tiếp xúc nào khác để gần gũi hơn nữa. Hắn ở đó thật lâu để ngắm nhìn và chờ đợi. Trong sự ngắm nhìn này có một cái gì đó đau đớn giống như việc thể hiện một sự tự do quá lớn, của một tự do có được do dứt bỏ hết mọi ràng buộc. Khuôn mặt hắn tối xầm lại và có một vẻ khác thường.
(còn tiếp)
Đào Trung Đạo dịch
(theo ấn bản thứ nhì.)