STEALING BUDDHA’S DINNER

Ăn Trộm Đồ Cúng Phật

của
Bich Minh Nguyen

 

 

Chủ đề về sự hình thành bản ngã là một chủ đề đã được nhiều nhà văn gốc Á và Mỹ Latinh trưởng thành ở Mỹ khai thác. Như chúng ta đã biết, sự hình thành bản ngã là một diễn trình khá phức tạp bao gồm nhiều yếu tố như chủng tộc, văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, gia đình…Mảng văn chương với đề tài sự hình thành bản ngã ở Mỹ trong vòng 50 năm trở lại đây đã được đem vào chương trình giảng dạy ở cấp trung và đại học ở Mỹ. Câu hỏi “Người Mỹ là gì?”, “Thế nào là một người Mỹ?” là một câu hỏi không có câu trả lời dứt khoát. Một nhà văn tên tuổi của Mỹ, nhà văn trẻ David Foster Wllace, đã đưa ra một câu trả lời đầy tiễu cợt cho câu hỏi này: Người Mỹ là “một người có một số An sinh Xã hội và có bổn phận đóng thuế.” Đầu năm nay, độc giả ở đây vừa được đọc quyển hồi ký khá độc đáo Stealing Buddha’ s Dinner / Ăn Trộm Đồ Cúng Phật của  Nguyễn Minh Bích, một nhà văn nữ gốc Việt. Nguyễn Minh Bích đã chọn một ngả rất đặc biệt hầu như từ trước tới nay chưa có nhà văn nào sử dụng để nói về đề tài hình thành bản ngã: vai trò của thực phẩm.

 

Nguyễn Minh Bích sinh năm 1974 ở Saigon. Đêm 29 tháng 4, 1975, mấy tiếng đồng hồ trước khi thành phố đổi chủ, gia đình cô bé chưa tròn một tuổi này đã kịp trèo lên một chiến hạm rời khỏi nước nhưng người mẹ đẻ của cô đã không có mặt trong chuyến đi. Sau một thời gian tạm trú ở các trại tỵ nạn trên đảo Guam và Fort Chaffee ở tiểu bang Arkansas, gia đình cô gồm bà nôi, cha cô, người chị gái tên Ánh, và hai người chú đến định cư ở thành phố Grand Rapids thuộc tiểu bang giá lạnh Michigan. Dân chúng ở thành phố này tuyệt đại đa số là người Mỹ da trắng bảo thủ gốc Đan Mạch, Đức, Ái-nhĩ-lan. Cha cô là người chăm chỉ chịu khó nhưng cũng ưa đàn đúm nhậu nhẹt, cờ bạc, làm công nhân cho một hãng chế biến lông để làm mền, tái giá với một phụ nữ Mỹ-Latinh dạy môn Anh ngữ cho học sinh gốc thiểu số (English as a Second Language) và người kế mẫu này đã đem theo cô bé Bích mỗi khi thăm viếng tụ họp bên gia đình mình. Bắt đầu trưởng thành những năm thuộc thập niên 80 trong một môi trường văn hóa giải trí theo lời kể của cô “tôi đã nghe rất nhiều nhạc dở, xem rất nhiều chương trình không tốt trên truyền hình, và thèm ăn rất nhiều đồ ăn Mỹ tệ hại” chỉ để được thực sự là Mỹ, thành người Mỹ trong khi bà Nội vẫn cần cù nấu phở, làm chả giò và nấu những món ăn Việt Nam khác cho gia đình. Nguyễn Minh Bích tốt nghiệp Cao Học Văn chương ngành Sáng tác tại Đại học Michigan và hiện giảng dạy ngành này tại Đại học Purdue. Quyển hồi ký Stealing Buddha’s Dinner của cô do nhà Penguin xuất bản đầu năm 2007 được trao giải thưởng PEN/Jerard của Trung tâm PEN American.

 

Nếu  Toni Morisson trong The Bluest Eyes đã viết về một thiếu nữ Mỹ đen ước mơ mình có cặp mắt “thật xanh” của các thiếu nữ Mỹ trắng để mình được coi là một thiếu nữ Mỹ thì Nguyễn Minh Bích thưỡ bé đã chỉ thích được ăn những món ăn của trẻ con Mỹ thời đó như Pringles, Kit-Kats, Tollhouse cookies… , xem những chương trình truyền hình thời thượng của thanh thiếu niên Mỹ, nghe và hát nhạc bình dân Mỹ để thấy mình đã đồng hóa, để được là một người “Mỹ chính tông.” Trong Stealing Buddha’s Dinner Nguyễn Minh Bích cũng kể lại chuyến đi rời bỏ quê hương, kinh nghiệm một di dân Á châu trên đất Mỹ, cuộc sống pha trộn nhiều sác thái văn hóa khác nhau trong gia đình, tình cảm thương mến đậm đà dành cho Nội với những món ăn thuần túy Việt Nam như phở, chả giò, giá, tôm rang, canh chua… Nội đã cho cô bé ăn và nhất là bàn thờ Phật của Nội có bày hoa quả và những món chay cúng Phật cô bé đã có lần ăn trộm. Thấp thoáng suốt trên những trang hồi ký là âm thanh và hình ảnh người mẹ đẻ của Nguyễn Minh Bích. Câu chuyện về người mẹ này là một niềm im lặng câm nín vì tất cả những người trong gia đình không ai muốn nhắc tới. Rất nhiều năm sau khi đã lên đại học Nguyễn Minh Bích mới hiểu ra mọi chuyện và cô đã viết quyển hồi ký theo cấu trúc của niềm im lặng bấy lâu không được cất tiếng đó. Cho đến gần cuối quyển sách chúng ta mới được tác giả hé lộ cho biết khi chừng năm tuổi bé Bích có loáng thoáng biết mẹ bé đang ở Mỹ nhưng mãi sau này khi đã lên học đại học cô mới được gặp me. Bà hiện hiện ở tiểu bang Pennsylvania và bà cũng kể cho con gái bà nghe những đoạn trường bà đã trải qua khi ở lại Saigon sau ngày 30 tháng Tư.

 

Theo Nguyễn Minh Bích tựa đề quyển hồi ký nảy ra trong trí khi tác giả cùng chồng là nhà văn Porter Shreve lái xe từ North Carolina sang Washington D.C cô chợt nhớ tới  pho tượng Phật bà nội vẫn để trong phòng bà và thời gian cô đã hết sức cố gắng nhưng không thành công khi muốn trở thành một Phật tử thuần thành. Kế đó là sự miên man hồi ức về những món ăn thời thơ ấu mình đã ăn. Tác giả cũng đưa ra nhận xét : cái nỗ lực muốn tuyên nhận một nền văn hóa, dù đó là văn hóa Mỹ hay Việt, luôn luôn được cảm thấy như việc lấy trộm một cái gì đó chẳng bao giờ thực sự thuộc về mình. Ngày bé, tác giả tiết lộ mình ham ăn nhưng cũng rất kén ăn, thích đọc sách về các món ăn và vẫn nghĩ đồ ăn đồng nghĩa với sự thịnh vượng sung túc, điều có thể thể trở thành hiện thực, sự ham thích và cũng là sự trốn thóat khỏi thực tại. Quyển hối ký cũng cho thấy sự hình thành bản ngã in đậm dấu vết điều mình yêu thích từ khi còn thơ ấu. Tác giả Nguyễn Minh Bích là một nhà văn có khả năng quan sát thực tại bén nhạy, có một cách viết vừa trong sáng vừa ấn tượng. Nếu như cô bé Nguyễn Minh Bích đã không thành công trong việc trở thành một người “Mỹ thực sự” qua ngả thực phẩm thì nhà văn Nguyễn Minh Bích quả thực đã thành công trong việc sử dụng Anh văn để viết và dạy Văn chương ở Đại học Mỹ: Tuy là một nhà văn gốc Việt nhưng khả năng viết Anh văn của Nguyễn Minh Bích đã được nhìn nhận là không hề thua kém so  với những nhà văn bản xứ.

 

© 2007 gio-o

đọc các bài viết khác của Đào Trung Đạo