Đặng Phùng Quân

 

NGƯỜI THỰC HIỆN BẢN THỂ :

NICOLAI HARTMANN

kỳ 1  

 

Vấn đề ngày nay không còn là : duy tâm hay duy vật, song tranh biện giữa "duy tâm" và "duy thực" như Ingarden nhận xét  vẫn chưa có giải đáp. Mặc dầu Husserl đã xác định triết học của ông tuyên xưng chủ nghĩa duy tâm/(l)ý tưởng siêu nghiệm, nhưng nhà nghiên cứu Husserl như Harrison Hall vẫn còn phải đặt vấn nạn " Husserl là nhà duy thực hay duy tâm ?", K. Ameriks khẳng định những bài viết của Husserl là "chứng cớ tốt nhất cho xu hướng duy thực của ông".

Tuy nhiên, đặt vấn đề đối lập giữa duy tâm và duy thực thành cụm/cluster, như G. Bergmann đã làm, nhằm phê phán Brentano và Meinong, khu biệt hai ý nghĩa, một là học thuyết duy thực có những phổ quát đối lập với duy danh/nominalism, hai là những sự kiện không thuộc về tinh thần [1].

Song Nicolai Hartmann mới thực sự là người chỉ ra những xu hướng duy thực trên cơ sở tri thức luận. Hans Meyer trong bài tưởng niệm một năm sau khi Hartmann mất, xác định vị thế của ông như sau: "Nếu không kể đến chủ nghĩa hiện sinh như một trào lưu đặc biệt, thì chỉ có hai nhân vật in dấu ấn sâu sắc trên triết học Đức : Max Scheler, người chủ xướng và tư duy những vấn đề lớn, đích xác và Nicolai Hartmann, người xây dựng hệ thống vĩ đại, với tài năng trí năng bao trùm những khoa học bác ngữ cũng như những khoa học tự nhiên, không ai sánh bằng".[2]

Georg Lukács, triết gia Mác-xít viết Die Zerstörung der Vernunft/Hủy triệt lý trí phê phán từ Schelling, Schopenhauer, Kierkegaard, Nietzsche đến những triết gia hiện đại như Spengler, Simmel, Klages, Jaspers, Heidegger, tuy nhiên không phê bình Husserl và N. Hartmann. Hơn nữa, trong Zur Ontologie des gesellschaftlichen Seins/Hữu thể luận về Hữu xá hội, Lukács dành một phần luận về Hữu thể luận mới của Hartmann. Ông nhận xét : trong khi hữu thể luận truyền thống về cơ bản vẫn mang những đặc tính thần học ( ngay như Heidegger), khởi điểm vả mục tiêu của Hartmann hoàn toân khác hẳn. Đối với Hartmann, hữu thể luận không là kết quả chung cuộc siêu hình của triết học thế kỷ 17 và 18, mà trái lại phải có cơ sở xây dựng trên thực tại, giữ một vai trò chủ chốt trong lĩnh vực nhận thức, hướng dẫn đời sống vươn lên trên đời sống thường nhật của con người, kiểm sát thường trực nhận thức cũng như hoạt động của con người ... Đó chính là khúc quanh hữu thể luận trong triết học, như thể công chính, như nơi Hartmann.[3]

Trong chương 7, phần I Cơ sở tư tưởng thời quá độ (2007), tôi đã nói đến Nicolai Hartmann là người viết những tác phẩm lớn về lý luận phạm trù.

Nicolai Hartmann (20.2.1882 - 9.10.1950) sinh trưởng ở Riga, thủ phủ của Latvia một xứ sở vùng Bắc Âu, tốt nghiệp trung học tại St Peterburg năm 1901, tốt nghiệp y khoa ở Dorpat năm 1907, bác ngữ học ở đại học St Petersburg và triết học ở đại học Marburg, dạy đại học từ 1909, sau thế chiến I tại Marburg  (1920-1925), Köln/Cologne (1925-1931), Berlinj (1931-1945) và sau cùng là Göttingen (1945-1950). Cuộc đời của ông gắn liền với giảng huấn triết học và tác phẩm.

Toàn bộ tác phẩm của ông phản ảnh rõ rệt quan điểm một hệ thống triết học của truyền thống Đức, đề cập mọi lĩnh vực, từ nhận thức luận, siêu hình học, hữu thể luận, luận lý học, lịch sử triết học, đạo đức học, triết học tự nhiên, mỹ học, ngược với xu hướng thời thượng đương thời. Có thể so sánh toàn bộ này với hệ thống triết học Hegel. Lối viết của ông cũng thể hiện văn phong hệ thống, khô khan, điềm tĩnh, hiếm họa những tham chiếu sách vở. Điều này không có nghĩa là ông không đọc người khác, mà có thể nói, đối thoại với mọi nhân vật, mọi vấn đề trong dòng lịch sử triết học.

Ngoài những tác phẩm ngắn, có thể kể những công trình tiêu biểu hành trạng tư tưởng Hartmann như sau :  Platos Logik des Seins/Luận lý hữu thể của Platon (1909) thời kỳ được đào tạo tại Marburg, nơi ngự trị của trào lưu tư tưởng tân-Kant, thảo luận Philosophische Grundfragen der Biologie/Những vấn đề triết lý làm cơ sở cho sinh vật học (1912), cũng là dự bị cho việc hoàn tất nghiên cứu triết học tự nhiên sau này. Tác phẩm quan trọng đầu tiên xây dựng hệ thống triết học Hartmann là Grundzüge einer Metaphysik der Erkenntnis/Về nền tảng của một siêu hình học tri thức   (1921) chứa đựng những nét chính yếu xa rời chủ nghĩa duy tâm để tuyên ngôn vị thế duy thực nơi ông; cũng trong giai đoạn này, những tác phẩm khác như Die Philosophie des deutschen Idealismus/Triết học duy tâm Đức,  I. Teil : Fichte, Schelling und die Romantik/Fichte, Schelling và phái Lãng mạn (1923), II. Teil : Hegel  (1929); Das Problem des geistigen Seins, Untersuchungen zur Grundlegung der Geschichts-philosophie und Geisteswissenschaft/Vấn đề Hữu tinh thẩn, Những tranh luận trên nền tảng triết học sử và khoa học sử (1933) tranh luận trực tiếp với chủ nghĩa duy tâm truyền thống và những xu hướng đương đại; cũng phải kể đến tuyên ngôn tư tưởng riêng của ông trong tiểu luận Diesseits von Idealismus und Realismus/Bên ngoài chủ nghĩa duy tâm và duy thực (in trong Kantstudien Bd. XXIX, 1924, in lại trong Kleinere Schriften).

Bộ sách đồ sộ hoàn thành công trình thiết lập Hữu thể luận của Hartmann lần lượt xuất bản là  Zur Grundlegung der Ontologie/Về nền tảng của Hữu thể luận (1935), Möglichkeit und Wirklichkeit/ Tính khả hữu và thực tại (1938), Der Aufbau der realen Welt/Cấu trúc thế giới thực (1940), Triết học Tự nhiên/Philosophie der Natur (1950); những công trình xây dựng các cơ sở khác của hệ thống là Ethik/Đạo đức luận (1926), Neue Wege der Ontologie (1943), Teleologisches Denken/Tư duy mục đích luận (1951), Ästhetik/Mỹ học (1953).

Tác phẩm viết về Siêu hình học tri thức năm 1921 là những nét lớn của một tư tưởng thảo luận cơ sở tri thức luận xây dựng từ hữu thể luận khai phá nền tảng nguyên lý của nguyên lý, tranh biện và phê phán hiện tượng luận đang là phong trào tư tưởng ảnh hưởng sâu sắc trong thời đại của ông.

Hartmann thảo luận những lý luận duy thực và duy tâm, từ quan điểm tự nhiên đến thường nghiệm, khoa học và những lý luận duy tâm, từ quan điểm siêu nghiệm, luận lý đến hiện tượng luận. Hai vấn đề quan trọng trong việc khảo sát hiện tượng nhận thức để đi đến những giải đáp là những nan đề/Aporie và phản lý/Irrational [4] trong những nguyên tắc của lý trí.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                    

------------------------------------

[1] Harrison Hall, Was Husserl a Realist or an Idealist ? trong Husserl, Intentionality, and Cognitive Science,Hubert L. Dreyfus, Editor in collaboration with Harrison Hall, 1982 : The "common interpretation of Husserl as an idealist" attributing to him a negative answer to the question,... The opposite interpretation of Husserl as a realist, attributing to him an affirmative answer to the question of the external and independent existence of the material world, seems at least implicit in defenses of Husserl against the charge of idealism.

(Dẫn Ameriks trong "Husserl's Realism" The Philosophical Review, 1977 :) Ameriks makes this interpretation explicit, finding in Husserl's writings "a good argument for realism...".

Gustav Bergmann, Realism : A critique of Brentano and Meinong, 1967 :

'Realism' has two main uses. Realism¹ is the doctrine that there are universals. Its opposite is nominalism. Realism² holds that some things are not mental.        

[2] Hans Meyer, Nicolai Hartmann trong Hochland, III, 1951 : Sieht man von der Existenzphilosophie als einer besonderen Bewegung ab, so sind es zwei Gestalten, die der deutschen Philosophie das Gepräge gaben : Max Scheler, der grosse Anreger und Problemdenker, und eben Nicolai Hartmann, der grosse Systembilder, mit dessen geistiger, auch Philologie und Naturwissenschaften umfassenden Ausrüstung kein anderer verglichen sein kann.

[3] G. Lukács, Zur Ontologie der gesellschaftlichen Seins.

Nicolai Hartmanns Vorstoß zu einerechten Ontolgie : 1. Aufbauprinzipiwen der Hartmannschen Ontologie :

Während die traditionellen ontologischen Frastellungen jahrhundertelang wesentlich theologischen Charakters waren (...wie wir dies bei Heidegger beobachten konnten), ist Ausgangspunkt und Ziel bei Hartmann völlig diesseitig. Wenn die Ontologie eine philosophisch fundierende Rolle im heutigen Bereich der Erkenntnis spielen will, so muß sie aus dem Leben, aus dem Alltagsleben der Menschen emporsteigen ... Ontologie ist also für Hartmann nicht das metaphysische Endergebnis der Philosophie , die sie es noch im 17. bis 18. Jahrhundert war, vielmehr im Gegenteil ihre Basis von der Seite der Wirklichkeit und demzufolge die permanente Kontrolle einer jeden menschlichen Erkenntnis oder  Aktivität ... So ist die ontologische Wendung der Philosophie, soweit sie, wie bei Hartmann, eine echte ist.

[4] Aporie xuất phát từ tiếng hy lạp : a/a có nghĩa là "không" và πόροϛ/poros có nghĩa là "cầu", "đường"; Irrational xuất phát từ tiếng La tinh có nghĩa là "unvernünftig/không có lý".

 

(còn nữa)    

 

http://www.gio-o.com/DangPhungQuan.html

 

© gio-o.com 2018