Tản Mạn Về Da

V.T.D

tặng Phan Tuyết Từ

Từ câu chuyện về người đàn bà vô danh của Adam đến nhân thể thế giới triển của Gunther von Hagens, Trương Tiểu Hồng dẫn chúng ta vào một thế giới không có da. Đi tìm những ngõ ngách của thân thể với những đường gân bắp thịt, chẳng khác đi tìm những mẫu thời trang, mỹ phẩm, những mảnh vụn của thế giới sự vật, chọn một hướng nghiên cứu như một nhà thám hiểm khác ở phương tây, Roland Barthes – những người đi khai quật những thần thoại của thời đại. Barthes nghĩ quan hệ thống nhất khái niệm thần thoại với ý nghĩa chủ yếu là một quan hệ làm biến dạng. Công trình của Hagens như Trương Tiểu Hồng thuật lại quả là một quá trình làm biến dạng cái nhìn của con người về thân thể của mình, cho nên bà nhận xét về cuộc triển lãm thế giới thân thể con người của Hagens là một động thái nhận thức nhằm loại trừ thần thoại, đồng thời tái hiện thần thoại. Một thần thoại khác về thân thể người đàn ông được lột da biểu hiện cái “cân nhục mê tư” ở tột đỉnh của vẻ đẹp hùng tráng hoàn mỹ nơi những đường gân bắp thịt, khớp xương và hệ thống thần kinh dưới mọi tư thế. Những thân thể khô cứng không da hùng tráng uy vũ như một dương cụ đang cương lên, rõ ràng không thể thấy nơi hình tượng người đàn bà ? Đó là lý do Trương Tiểu Hồng giải thích trong triển lãm thế giới nhân thể này hiếm họa thấy trưng mẫu đàn bà, ngoại trừ  trình bày kết cấu bộ phận sinh dục phái nữ. Từ thế giới nhân thể lột da đó, phải chăng làm đảo lộn nhận thức luận, mỹ học và giáo dục ?

Có một phản đề của luận thuyết dẫn trên: da được phát hiện như  một triết học của ngoại diện/surface  đối lập với triết học của nội tại  (nội tại ở đây hiểu theo nghĩa cụ thể). Một nhà triết học và là một y sĩ, Fran çois Dagognet đã viết thiên khảo luận về da/la peau découverte (1993), khởi bằng một đề từ dẫn J.-P. Escande: “Da không những là vỏ bọc cơ thể, còn là tấm gương và súc tượng (le résumé) của cơ  thể.” Quả thực da là một “cơ quan” bị bỏ quên, bởi nếu người ta có nói đến những “trung ương” của cơ thể, ắt là nghĩ đến bộ óc hoặc trái tim, chứ không để ý đến cái phần che chở, bảo vệ chúng. Dagognet kêu gọi nhà triết học đừng coi thường cái phần nói đến nơi đây thủ một vai trò không kém gì cái biện chứng của bên trong và bên ngoài, là những tiền đề của một khoa siêu hình có phong cách họa hình.

Song, trước khi đi vào cái phương sách của một sinh động, phân biệt với vật hữu như đá, như gỗ, bởi chúng không cậy thị có bên trong cũng như bên ngoài, vì chỉ có sinh vật tiến hóa nhất là con người mới có thể ở cùng một vận động duy nhất kết hợp được bên trong lẫn bên ngoài, chúng ta thử tản mạn về sự cần thiết của da, có thực quan trọng ghê gớm không vậy ? Nói đến da, có thể bắt đầu từ cái hình tượng má đỏ, môi hồng, vẻ đẹp ngoại diện ? Trong một câu thơ của truyện Kiều: “mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da”, tóc/da là những ấn tượng sơ khởi nhất về một thân hình. Rồi những đường cong tuyệt mỹ của giai nhân từ gò ngực đến âm hộ, rõ ràng là cái ngoại diện che phủ phần bên trong đã kích thích tính dục từ người đàn ông thứ nhất/Adam cho đến đám con cháu đời đời kiếp kiếp, làm tăng trí tưởng tượng dâm đãng, khiến Trương Tiểu Hồng đặt mình vào tâm trạng của Adam mà ghê sợ người đàn bà vô danh thứ hai của nhân loại chỉ vì quá trình kết cấu từ chỗ lõa lộ, không da.


Nude, Lucian Freud

Cái bề ngoài của da còn gắn liền với lông, với tóc. Cứ thử tưởng tượng “người ca sĩ sói đầu” của Ionesco: hẳn phải là hình tượng khác thường trong kịch phi lý. Nhưng còn điều gì phi lý hơn trong cái tầm thường của đời sống hàng ngày: người phụ nữ mà âm hộ không lông ắt là gây cảm tính xấu cho người khác phái; song ngày nay, người phụ nữ trên sàn biểu diễn ở phần trên với bờ vai mượt mà nhưng giơ hai cánh tay trần lên cao mà để lộ những chùm lông trong nách, hẳn sẽ gây phản cảm cho tha nhân ? (cũng phải nói rõ, dường như  phụ nữ thời xưa chẳng nghĩ đến cạo lông nách làm gì!). Vậy thì, có chỗ da cần lông, có chỗ không cần lông mới là thẩm mỹ chăng?


self-portrait, Francis Bacon

Hội họa hiện đại phải có sáng tạo, phá cách: nhà họa sĩ Lucian Freud đôi lúc vẽ phụ nữ khỏa thân để trần phần âm hộ không lông, có sao đâu. Ở nhà họa sĩ Francis Bacon, đi ngược lại với cái phần khoa học cơ thể của Leonardo da Vinci, ông không vẽ những bắp thịt, bộ xương không da mà vẽ những con người với bộ da xoắn lại, méo mó, chùng xuống như thể biến dạng trong không gian đa chiều. Da là phần cơ bản trong hình tượng của những bức tranh Bacon. Có một hiệu quả huỷ tổn trong tranh Bacon chẳng khác những văn chương của Bataille, Blanchot, Roussel, Leiris…Nếu Bataille nhậy cảm với hình ảnh lăng trì  trong nhục hình thời phong kiến, cái hành động lột da ấy không có một cái gì chung với  cái nhân thể điêu tố trưng bày toàn thân đường chỉ bắp thịt đã cởi lột lớp da trong “nhân thể thế giới triển” của von Hagens.

Trong tác phẩm khám phá da dẫn trên, Dagognet đi tìm mối liên hệ khắng khít giữa bộ óc và da, dẫn âm và giải mã. Có thể nói cái chất xám cũng tìm thấy ở ngoại diện bởi nó trùm lên chất trắng, coi như thể bề mặt; và tương ứng có thể nói da là một “bộ óc ngoại vi” vì tiết ra cùng những chất thể như nơ-rôn, những môi giới hoá học chịu trách nhiệm về những hoạt động tiếp hợp và quan năng trung ương.

Về mặt sinh lý học, một cách khái quát, da trải rộng khoảng 2 mét vuông, cân nặng 3 kí ở một người lớn có sức nặng cỡ 70 kí,  xem ra là một bộ phận có chiều kích dài nhất cũng như nặng nhất đối với toàn thân thể. Tỉ mỉ hơn có thể nói một phân vuông da chứa 3 mạch máu, 10 lông, 12 dây thần kinh, 15 tuyến có chất mỡ, 100 lỗ sinh mồ hôi, 3 triệu tế bào. Xét như thế để thấy chức năng của da giữ vai trò đa hiệu cho thân thể. Trên phương diện giải phẫu, da gồm những lớp ngoại bì, biểu bì và nội bì có chiều dầy thay đổi.
 
Thông thường, sự thay đổi tâm lý và sinh lý của con người được biểu lộ rõ nét trên sắc diện da, như vui, buồn, giận, ghét, sợ hãi, chứng tỏ da quả thật là một bộ óc ngoại vi. Song ngay sự biến đổi cơ thể nơi phụ nữ như thời kỳ sắp tắt kinh cũng biểu hiện trên những dấu vết của da, như  sắc da bị đỏ v.v.. Đối với chuyên khoa da, hiện tượng mụn trứng cá là một  đề tài lý thú, đánh dấu tuổi dậy thì với những dấu vết xuất hiện trên má, trên trán, trên cằm, cổ và cả phần trên của lưng. Cơ sở bệnh lý của mụn trứng cá vẫn là một vấn đề nghiên cứu tranh luận sâu sắc, từ việc tìm hiểu giải thích những nguyên nhân bệnh lý v.v. chứng tỏ những nhân tố khác nhau liên quan đến tâm sinh lý học, tâm xã hội học. Hẳn trên phương diện triết lý cần phải đi tới một quan nệm về cơ thể để xét ngoại vi là một khán trường cho sự  hứng khởi của cơ thể (vai trò của những sinh chất như DHT, DHEA ..). Khi nhà y sĩ chuyên khoa da phân biệt hai loại mụn đầu trắng, đầu đen ( từ chữ comédon, lấy từ comedo/ ăn vì người xưa ngỡ là phân biệt được ở mụn sẩy trên da, một loại ký sinh ăn cơ thể cưu mang nó), mụn đen là do những hạt hắc tố tụ lại trên mặt da, còn loại mụn trắng bùng nổ dưới biểu bì v.v..Trong cái “hình ảnh về cái ngã” có dấu ấn từ những mụn trứng trên da này, minh trí phổ thông tin là nếu lấy vợ, lấy chồng hay mang thai sẽ chữa được chứng mụn cá này vì những biến đổi kích thích tố ngăn cấm quyền năng của những chất thể tính dục nẩy nở. Điều đó chứng tỏ có cái tương tranh giữa phi ngã và ngã, biểu hiện qua hiện tượng nhiễm trùng này. Những chứng nổi trên da là kết quả cuộc đối đầu gần như về diện trong vùng nhậy cảm và được canh chừng nhất – da như mặt trận tuyến đầu – nơi mà cái ngã tự vệ để chống xâm nhập. Lấy ngay thí dụ về bộ phận sinh dục như âm hộ của phụ nữ, có những trường hợp nhậy cảm với phản ứng chống lại tinh trùng của người chồng hay tình nhân, qua những biểu hiện nổi mề-đay, phù thũng v.v..Một so sánh khác có thể thấy ở chỗ vi khuẩn HIV (human immunodeficienty virus) của bệnh si-đa dễ xâm nhập người đồng tính luyến ái vì truyền vào bằng việc làm tình, âm đạo khó xâm nhập và đàn hồi hơn so với con đường ruột và hậu môn.
 
 Trong “nhân thể thế giới triển” của Hagens phô trương sức mạnh của nam giới, lấn áp cái nhỏ nhắn của phụ nữ, song ở thế giới thân thể có da, không phải chỉ đơn thuần là lớp áo khoác còn biểu tỏ một quần lũ đầy sắc kỳ thị, phân biệt từ mầu da do ảnh hưởng cấu tạo của hắc tố.

Hắc tố/mélanine (từ chữ melas/đen) bảo vệ con người chống những tia cực tím xâm nhập. Xét trên phương diện sinh hóa, cơ thể đi từ phénylalanie đến tyrosine, qua tác động của diếu tố, rút ra Dopa (dihydroxyphénylalanine) qua chu kỳ để dẫn đến hắc sắc tố bảo vệ mắt cũng như biểu bì; mặt khác, Dopa theo chu kỳ tách dẫn đến chất noradrénaline là kích thích tố của hệ thống trực cảm tác động đến chức năng của hệ thần kinh trung ương. Điền này chứng tỏ sự quy hội, cận kề của da và hệ thần kinh vì đi cùng đường. Trong quy trình biến đổi đa dạng ảnh hưởng đến mầu da, chính những chất mélanocytes, những tế bào trắng chứa tyrosinase và phản ứng dopa tạo ra đen. Nơi những người Phi châu, dưới ánh nắng gay gắt, những hạt mélanine vượt khỏi vùng chứa và lan rộng tới đỉnh của biểu bì để tạo thành tấm màn cần thiết. Khởi sự khác biệt những mầu da có sự kỳ thị, giữa người da trắng và da đen, ngược lại người Á đông và người Phi châu cũng có thành kiến vói mầu da trắng ở ngoại biểu bì, bị coi là dấu hiệu của sức khoẻ suy đồi, thậm chí người da trắng còn bị người Trung hoa gọi tên là  bạch quỷ, hay như nhận xét của Darwin, người Trung hoa coi chiếc mũi lõ của người tây phương giống như mỏ két trên thân hình người.

Dagognet cũng nhận xét thấy không những khoa y học về da, ngay văn chương cũng cung cấp những chứng liệu chỉ ra mối quan trọng hiện sinh của vỏ ngoài thân thể. Chẳng hạn những truyện của Kafka như Hóa thân, Nhà trừng giới chỉ ra bệnh lý về một làn da dễ sợ, hình ảnh một thân thể (hóa thành sâu) không ở trong trạng thái da/vỏ bọc của chính nó mà bị qua một quá trình phân rã.

Thế giới nhân thể không da của Hagens có thể là một thế giới của mỹ học, song thế giới nhân thể có da là một thế giới của con người sống, mang tấn bị kịch xung đột hiện hữu và bên ngoài, như Valéry nhận xét: Cái sâu sắc nhất nơi con người, đó là da. Bởi làn da là cái bao bọc, nhưng đồng thời cũng phô bày cái bên trong mà nó không cần che đậy. 

V.T.D