![]()
Hiu Quạnhnguyễn văn thà
Tặng anh Phạm Ninh
Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ...
Mở mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn...
(Trường Sa Hành, Tô Thùy Yên)Con người là chó cắn lộn, và đôi khi là chó dại; khi đang yêu, lại là chó dại vào thời kỳ mãn tính, bởi con người tìm mọi cách cắn cho được bóng hình đâu từ muôn kiếp hiện về, và truyền siêu vi trùng. Thằng nam, con nữ núp trong bóng tối của vạn vạn bài thơ, rên ư ử muôn muôn tình khúc, chạy long rong múa lân múa phượng, chảy nước rải Ngưu Lang Chức Nữ, ảo ánh mắt nghê thường. Tình cắn cắn cắn cắn; hơi thở đứt làm tư. Tình ào ào vượt thác Cù Dục, rồi đổ chan hòa vào biển hồ. Biển hồ ấy không tù đọng, mà lục bục, mà ực ực, vì trong ấy chứa đựng sẵn, và giờ lại còn rước vào, Hằng Hà sa số siêu vi trùng xốc tới, Thái Bình Dương lãng số dại khờ, dại mà mạnh mẽ, hung hãn như luồng nham thạch thiên cổ. Nhưng, than ôi, cái giống người trong quá trình khuôn đúc cho mình mảnh hình nhân lại đưa những đồ có tên là luân thường, giới, điều răn mà trùm sóng lửa độc địa ấy lại! Sóng hỏa sơn âm ỉ đó dân gian gọi là thần Lặng Lờ, mấy người có chữ có nghĩa gọi là đam mê. Cho nên, sẽ không có gì quá đáng nếu có ai đó xưng tụng rằng đam mê là lửa, và là hơi thở của Đời.
*
Linda, Thành tình cờ quen trên một ghềnh đá khuất lánh anh chọn làm trà thất cho riêng anh, cạnh nhánh biển Oslo, một trong những nhánh biển đẹp như huyền thoại. Ở đó có một bàn thạch lớn, được bao bọc bởi những cụm thông già cỗi, cong queo như trong tranh Tàu, và muôn vàn cánh hoa li ti đủ màu ai đó tung vãi hào hoa lễ hội. Gần đấy còn có một chiếc cầu treo nhỏ màu đỏ; nhiều bữa sương mù, cầu bồng bềnh tựa thuyền trôi lối mộng thuở Đường thi; đôi tiếng chó sủa vu vơ như nhắc rằng đây còn cõi thế. Hồi mới qua, còn rảnh rỗi nhiều, lại đúng Mùa Xuân, anh hay ra đó ngồi, lai rai đọc mấy cuốn sách anh hằng mơ ước đọc ở Việt Nam, ăn bánh bích qui, uống cô ca và nhìn vu vơ, và thỉnh thoảng, lại nhảy xuống tắm một phát, hưởng nước Xuân còn lạnh mà làm người sảng khoái kỳ lạ. Có một sáng, anh vừa trồi lên khỏi nước, đã thấy có một cô gái tóc thề nâu ngồi khép đùi nghiêng nghiêng trên bàn thạch; đôi tia nắng tía nhay nháy trên làn tóc hình như còn ướt. ”Anh chiếm duềnh, bãi của tôi hồi nào vậy?” Rồi ba câu bốn chuyện, như những hiu quạnh muốn gần nhau. Và như những quạnh hiu chịu nhau, họ mở dần cửa, rào vườn hoa trái mình.
Linda còn có đôi mắt nâu sáng, khuôn mặt Đức Mẹ Maria trong tranh của Ý thời Phục Hưng, ngực căng và to vừa phải tựa nắm xôi cưới gợi một hạnh phúc êm ả cho ai kẻ nắm vào, thân hình thuôn thả và mềm như những tiểu thư trong các phim Pháp anh xem hồi mới lớn. Mùa Hè nàng hay mặc áo thun hở nửa ngực; trên áo thun thường có những hình vẽ, những hàng chữ hay hay, vui vui. Có bữa nàng mặc chiếc áo thun đen có hàng chữ trắng, mờ mờ, chao đảo I WANT ANOTHER BEER2; trông mà muốn đỡ đần em vào chốn mịt mùng. Hôm sau nắng đẹp, nàng lại măïc chiếc áo thun dây hồng, có hàng chữ đỏ I’M GOOD; WHEN I’M DRUNK, I’M BETTER3, nhìn mà bắt ứa nước miếng chờ thời. Bữa sau cũng lại áo thun, lần nầy với hàng chữ Tàu, nét chữ bay lượn TÚY NỮ XUÂN VIÊN - Người nữ say trong vườn Xuân. Khi nghe Thành dịch, Linda reo lên và đưa ngón tay trỏ nhứ nhứ như một giảng sư đang thích chí bình Tống từ:
“Người nữ ấy phải đẹp, dù tác giả không dùng chữ đẹp. Nếu có, câu thơ tất sẽ diêm dúa lắm!”
“A ha! Cô chắc kiếp trước là người Việt hay người Tàu mới tinh như thế.”
“A ha! Biết đâu chừng! Mà Thành này, như vậy là ba chiếc áo thun tôi mặc tình cờ lại có chung một ý mài mại: người đàn bà đẹp càng đẹp hơn khi say. Thiệt là lạ! Mà sao anh biết nhiều chuyện quá!”
”Lòng tôi có cả một kho truyện, có thể kể cả một trăm Mùa Đông vẫn chưa hết.”
Linda chớp chớp mắt.
Nàøng xinh, tiếng cười càng xinh, nhưng nghe như còn váng vất bóng tối.
“Tiếng cười cô làm tôi nhớ tới tiếng cười của người chị bà con với tôi. Chị ấy tên Ngư.”
“......”
“Ngư có nghĩa là cá.”
“......”
“Chị ấy có những hạt cười vất vả gập ghềnh. Trong sóng âm tiếng cười, ầm ì lời âm phủ.”
“Ý anh muốn nói những tiếng cười giấu che đau khổ, những tiếng cười tự vệ?”
“Đúùng vậy. Và chúng mang tính tự phát.”
“Hèn chi tôi thấy người Việt Nam các anh hay cười; và cả trong phim du lịch Việt Nam, tôi thấy ai cũng cười, kể cả những em nhỏ bán vé số, các người đàn bà gồng gánh, những người đạp xích lô mướt mồ hôi dưới trời nắng dữ.”
“Vì dân tộc chúng tôi đã đau khổ từ thời dựng nước đến nay. Cười trở thành một thói quen chung cho dân nước tôi. Những tiếng cười trùm lấp thống khổ mà chính người cười cũng chẳng hay.”
Từ những chuyện tầm vơ tầm vất như chuyện mấy cái áo thun cho tới tiếng cười xứ Việt kể trên, hai đứa còn nói với nhau nhiều điều trong Hạ sau Mùa Xuân ấy, rồi kéo dài luôn qua Mùa Đông. Mùa Đông ấy, Linda kể cho Thành nghe những đêm giữa ban ngày, những Mùa Đông giữa Mùa Hạ, những Mùa Đông Mùa Đông "Mẹ em chỉ mê đọc tiểu thuyết diễm tình, đọc quên ăn, quên ngủ, quên cả em có lẽ cũng chỉ là sản phẩm bất đắc dĩ bởi những khích dục trong tiểu thuyết ấy. Đời bà, bà loay hoay lớp này tuồng nọ cũng đủ cạn. Và em phải sống cạnh giòng sống tạp nhạp ấy của bà. Suốt mười mấy Mùa Đông giữa Mùa Hè, Mùa Đông Mùa Đông thời niên thiếu, em chỉ sống với bóng: bóng mẹ, và bóng mình. Em đâm sợ bóng tối đêm Đông; em sợ lá khô mục sâu vạn kỷ; em sợ hạt tuyết đơn rơi thung lũng thẳm; em sợ tiếng chim kêu trong trời rộng quá; em sợ rêu giòng sông vô tận...; lại còn thêm bao mặt nạ hình nhân trong muôn tấn tuồng đời; em sợ tất cả những gì lớn quá, rộng quá, dày quá...; mà em thì nhỏ, lại mỏng giòn... Khen cho ai người đội đá vá trời! Hay những kẻ làm những chuyện kỳ vĩ ấy là vì họ đã đầu hàng với chính cuộc đời họ? Sống với cái vô hạn thì dễ; sống với cái hữu hạn thật không dễ. Anh ơi!"
”Tôi là một người có tài kể chuyện, và kho lòng tôi chứa nhiều chuyện có thể kể cho cô nghe suốt một trăm Mùa Đông vẫn chưa hết.", mà mùa Đông đầu ấy, Thành hầu như chỉ biết lắng nghe Linda kể, kể những chuyện như thế, và bao chuyện khác nữa mà khi chưa yêu nhau chỉ là những chuyện vớ vẫn tư riêng.
Linda kể cho Thành nghe bên lò sưởi anh đốt sáng. Lửa càng cháy đượm, nàng càng kể. Hết củi mà lửa vẫn còn cháy.
*
Chị Ngư là con gái của dì Nga, chị của mẹ Thành. Độ ấy, chị ở cách nhà Thành cả mấy chục cây số. Tuy nghèo, thiếu ăn, chị chẳng mấy khi đến nhà mẹ Thành vay lúa, vay khoai khô như những người khác. Nhưng, mấy năm nay, khi về nhà nghỉ Hè, Thành thấy chị hay đến nhà Thành xin mẹ anh dầu tràm để bóp chân.
”Con bị chồng con lấy đòn gánh đánh bầm cả chân, dì ơi!”
Nói rồi, chị lại vén hai bắp đùi cho mẹ Thành xem những vết bầm trên đùi của chị. Thành cũng đứng đó xem.
”Chị thiệt như bà thánh trẻ Xêxilia, bị bọn lính La Mã hành hạ,” Thành buột miệng ra chiều thương cảm, nhưng chị Ngư lại nhoẻn miệng cười:
”Chú Thành cứ nói thàm, tui làm răng mà được như bà thánh nớ được, đẹp đẽ... thánh thiện.”
”Răng lại không?” Thành nói tiếng hơi to hơn thường, như một học giả ngựa non bị phản chứng, ”Tui sẽ chứng tỏ cho chị xem!”
Nói xong, Thành chạy ngay vào nhà trong lấy cuốn tự điển bách khoa Larousse. Thành lật trang, chỉ bức tranh thánh nữ Xêxilia cho chị Ngư xem; và, như một thầy giáo mới ra trường nhiệt tình quá mức vì kiến thức đang cuồn cuộn trong đầu:
”Chị coi nầy, đôi bàn tay muốt, hai mắt tròn vo trong veo ánh sáng; lại còn hai bắp đùi, tuy người họa sĩ chỉ vẽ lòi ra chút đỉnh nhưng chúng vẫn đủ để diễn tả được cái ngây thơ, mà thánh thiện...”
Chị Ngư cười e ấp:
”Cái ông họa sĩ mô mà nghịch ngợm hè! Thánh nữ chi mà lòi đùi cả mấy gang. Dị hợm quá đi!”
Thành giật mình; nhưng lại sôi nổi ngay:
”Nhà văn vẽ bằng lời, bằng chữ; họa sĩ bằng nét vẽ, bằng màu. Tác giả của bức tranh đã cực tả sự ngây thơ trong trắng bằng cách cho đùi lộ ra chút đỉnh, và trên khoảng đùi chút đỉnh ấy nét vẽ mềm mại, nhẹ nhàng như không, lại còn dùng màu ngà; nếu dùng màu trắng tinh, tất sẽ diêm dúa lắm, còn chi là thơ ngây...”
”Thành nói chi mà lạ rứa, màu trắng là màu tượng trưng cho sự thơ ngây vô tội; vả lại, tui thấy da thịt bà thánh căng rướn chớ có mềm chi mô nờ. Chắc bà thánh đang ngóng chờ điều chi đó.”
Mẹ Thành đang thảnh thơi nhai trầu bỏm bẻm đàng góc phản, vội nói chêm:
”Thì ngóng chờ triều thiên tử đạo chớ chờ chi nựa. Hai đứa bây cứ suy bậy suy bạ. Tụi bây đứa mô cũng đã học cao mà không biết chi cả.”
Chị Ngư cười nửa giả lả như sủng phi lấn chúa ngon ơ, nửa vở lỡ tựa niềm trăng no thỏa.
Chị lại cứ xuống nhà mẹ Thành, xin dầu tràm bóp chân. Đôi khi chị tự bóp, nhưng thường thì mẹ Thành bóp. Bà có tính hay nhanh nhẩu thương người như thế. Có bữa không có mẹ ở nhà, Thành đang nằm võng, say mê đọc hạnh tích thánh Gioan Thiên Chúa, đấng sáng lập dòng chuyên chăm sóc bệnh nhân, thấy chị cứ đứng xớ rớ đầu hồi nhà, anh buột miệng:
”Làm chi mà đứng đó? Mẹ tui đi mấy ngày nữa mới về. Vào đây; tui lấy dầu bóp cho chị.”
Chị Ngư vào nhà, tay cầm nón lá bài thơ mới, đứng xớ rớ, như thể đứng trước một nhân vật dễ nễ. Thành nhìn chị dò hỏi:
”Dầu tràm đâu mà chẳng có, mà đâu có mắt mỏ gì, sao chị cất công lội bộ cả mấy chục cây số tới đây...?”
”Tại dì nói dầu tràm nhà dì rất tốt, vì là dầu dượng mua ở miệt Cà Mau đưa về, dầu tràm thầy Năm Núi.”
Đùi lần này lại nhiều vết bầm hơn lần trước. Thành im lặng bóp một lúc, rồi ngước mặt nhìn chị, mặt Thành đỏ bừng:
”Tui chắc phải đập cho chồng của chị một trận; rồi ra răng thì ra.”
Thành chưa dứt câu nói, có hai con chim nhạn đâu từ mùa Xuân thuở nào ngậm nhành đào tương ánh hồng4 bay lích chích trước mặt chị Ngư.
”......”
”Người Ấn Độ có câu tục ngữ: ’Không bao giờ được đánh người đàn bà, dù dùng cành hoa mà đánh.’ Mà chồng của chị thiệt là...”
Chị Ngư cười suối Xuân:
”Thì tại đàn bà Ấn Độ là con của nữ thần Kàli. Đánh con cháu của bả, bả đạp cho bể sọ!”
Thành trợn mắt:
”Như rứa cái câu tục ngữ ni là của một ông Chà Và nào đó, kẹt mà còn bày đặt nói ngon!”
”Chơ chi nựa!”
Và chị Ngư và Thành cùng cười. Thế rồi, chị Ngư bỗng gác một chân lên chiếc ghế đẩu trước mặt Thành, vén ống quần lên, rồi reo:
”Thành ơi, tiếng cười chúng mình làm vết bầm tan hết rồi nì.”
Ba của Thành, mới đi lể5 cho ai đó mới về, nghe cười cũng cười:
”Hai đứa cười chi rứa?”
”Có chi đâu dượng, tụi con nói chuyện mấy ông đàn ông hay đánh vợ.”
”Rứa cái thằng chồng mi có còn đánh mi nữa không?”
Chị Ngư cúi đầu, ấp úng:
”Dạ còn...”
”Đánh chi mà cứ lựa đùi lựa cẳng mà đánh; có ngày lết không nổi; rồi ai cơm nước cho nó! Răng mi không trình với cha xứ, để cha kêu thằng chồng mi lên la rầy? May ra...”
”Dạ con hay sợ mấy cha...”
”Sợ thì để dượng nói giùm cho.”
”Thôi, thôi, thôi, làm to chuyện ra, anh ta lại đập hung hơn.”
”Cái thằng chồng mi thiệt tệ; kiểu ni, dượng phải ra gặp hắn mắng cho một trận. Mi đẹp người đẹp nết mà vô phước vướng phải cái thằng chồng thiên lôi.”
Chị Ngư hốt hoảng:
”Thôi, thôi, thôi, dượng ơi, dượng đừng có làm như rứa, anh nớ lại nện con thêm.”
Chị Ngư vẫn bị đánh, vẫn lên xin dầu tràm.
Bữa nào không có mẹ, Thành lại bóp giùm. Có bữa mãi vui nói chuyện, chị Ngư và Thành, cả hai quên béng chuyện bóp. Khi giở ra để bóp, vết bầm đã biến đi đâu mất tiêu. Những lần như thế, trước khi ra về, chị lại vén đùi lên để xem chuyện lạ một lần nữa, như chiêm ngắm điều chi ân sủng. Thành cũng nhìn; hai người nhìn phép lạ mà cười. Nụ cười của chị có bữa thơm mùi ngọc lan, có bữa nức mùi hoa forget-me-not6, Thành nói với chị như thế đôi khi.
Nhưng thường chị gặp được mẹ Thành đang ở nhà, và được bà xoa bóp ân cần như cho con mình. Bà có tiếng hay thương người, giúp ai thì giúp tận tình. Bà thương chỉ biết thương, và khi thương, không thấy điều chi khác ngoài thương, vì bà quá bận bịu chuyện thương. Mãi một thời gian dài sau, bà mới nói với chị Ngư:
”Dượng mi hồi đi xuống Cà Mau mua được mấy chai dầu tràm để dành khi hữu sự; hay là tau cho mi phất một chai; muốn bóp bao nhiêu thì bóp; khỏi mất công lội bộ xuống đây. Thiệt lâu nay dì sơ ý hết sức! Làm cho mi phải...”
Chị Ngư hết hồn hết vía:
”Thôi, thôi, thôi, chồng con mà đánh, mà con ngồi mà bóp bóp, anh lại ngứa con mắt đánh thêm. ” Rồi chị ứa nước mắt. ”Với lại, sau mỗi lần đánh, con muốn lên đây với... dì... với gia đình dì... Con nghĩ là gia đình dì ai cũng thương con.”
Mẹ Thành cũng sụt sùi:
”Ừ, ừ, ừ, thôi muốn đến nhà dì thì cứ đến; lúc không có chuyện chi, đến cũng được; không phải đợi lúc bị đánh mơí đến. Giọt máu đào, hơn ao nước lã.”
”Dạ, con cám ơn dì.”
”Sẩy mẹ bú dì mà cháu; có chi mà cám ơn cám hệ,” mẹ Thành ra chiều thương sâu, nhưng bà bỗng thắc mắc “Không biết tại răng mà hễ cứ Mùa Hè, chồng mi lại đánh mi tợn?”
“Con làm răng mà biết được. Anh ta muốn đánh lúc nào thì đánh. Nhưng con nghĩ có lẽ Mùa Hè là mùa cày cấy vất vả mà con chỉ nội việc nhà, nấu ăn, heo cỏ cũng đã hết thời giờ, không giúp được gì nhiều cho công việc ruộng rẫy nặng nhọc của anh, rồi ăn uống lại thiếu thốn, nên chồng con sinh ra bẳn gắt...”
“Mà mi bị chồng đánh riết mà răng tau nghe mi cứ cười hoài.”
”Người ta hay cười để khỏa lấp nỗi khổ của mình, dì ơi!”
Nói xong chị lại cười.
Mẹ Thành than thở:
“Đời ni, người lương thiện, mười người hết chín phải cực khổ.”
Chị Ngư cười:
“Con chưa chắc lương thiện đâu nghe dì!”
“Con ni nói chi lạ rứa!”
“Thì dì không nghe cha giảng là con người ai cũng tội lỗi hết trơn; chỉ có Chúa là đấng toàn thiện?”
“Ừ, con nói có lý. Nhớ đi lễ đi lạy mà nghe cha giảng nghe con.”
“Dạ.”
Rồi chị Ngư vừa kín đáo nhích ống quần lên; những vết bầm vẫn còn đó chưa tan, nhưng chị lại cười. Rồi chị vừa cười vừa nói:
“Cám ơn dì. Con về..”
Nhưng bỗng mẹ Thành gọi giật lại:
“Ngư nì, chồng mi kỳ ni bộ điên nặng hay sao mà cứ đánh mi cấp kỳ như rứa? Mới đánh bữa kia, cái hôm mi đến đây mà tau đi vắng, rồi bữa ni lại đánh lại.”
“Dạ. Con biết làm răng bây giờ!?”
“Mà nì!”
“Dạ?”
“Hồi nãy bóp cho mi, tau thấy răng lại có cả một vết bầm mà như có hàm răng ai cắn.”
“Vết ma cắn đó dì.”
Mẹ Thành cười tủm:
“Ma với cỏ gì! Chồng mi cắn thì có! Đừng có mê tín dị đoan mà có tội đó nghe chưa!”
Mẹ Thành lại cười. Chị Ngư cười to hơn và tươi hơn.
Ra tới ngõ chị vẫn còn cười, rồi mỉm cười. Nụ cười ấy theo chị về đường dài cát nóng nắng chang chang.
*
”Tôi là một người có tài kể chuyện, và kho lòng tôi chứa nhiều chuyện có thể kể cho cô nghe suốt một trăm Mùa Đông vẫn chưa hết.”
Thế mà chỉ qua một Mùa Đông, chỉ kể được dăm bữa nửa chuyện, mà Thành đã hết chuyện. Và dù có hết cũng chẳng sao, vì Mùa Xuân, rồi Mùa Hạ năm ấy lại đến, đến với nắng nhiều khác thường nơi xứ lạnh Thành đang ở. Nhưng rồi một trưa Tháng Sáu, nắng chỉ vàng hanh. Linda và Thành bên nhau trên bãi cỏ biếc ven sông vắng. Mấy bụi forget-me-not tím chỉ đủ cho một hạnh phúc gần; và hương nữa, nắng chỉ đủ để làm cho hoa tỏa hương loanh quanh tình nhân. Nắng càng hiu hiu, nhớ nhung càng rộng rãi. Lại còn tiếng chim dã dượi đầu sông dài như thiên kỷ.
“Anh có biết không, em không như người Châu Âu, em không thích phơi nắng? Em chỉ thích nằm đây để nghe hương, để nghe chim kêu, để cho trời bồng. Hoặc là chẳng để gì cả. Như hôm nay.”
“Như hôm nay là sao?”
Nàng lại cười nụ ấm hiền, thay cho câu trả lời e có phần lạc điệu, bởi nắng lại đang ấm hơn, hoa càng đậm hương, ong vo ve vo ve mùi mật ngọt. Lại có con chim chi đó sặc sỡ bay qua thả mấy hạt dưa đỏ tựa son trên núm vú nàng.
Thành vục mặt vào đảo ngọt An Tiêm.
Và sờ, vuốt, bóp thân thể trắng tinh khôi của đảo nữ Linda rất lâu. Lâu khác thường. Linda sung sướng vì sự rất lâu ấy. Nàng là kẻ được yêu, và nàng đang là kẻ hạnh phúc cùng mình, như cái nghĩa tầm nguyên của tên nàng.
“Tình ơi?”
“Ơi.”
"Đóng đinh màu hồng em đi!"
"!!!"
"Đớn đau và hạnh phúc."
"!!! . !!!"
"Trùng vây và cứu rỗi."
"!!! / ???"
"Mặt nạ và nguyên thể."
"Hừ hừ hừ hừ hừ ..."
Chàng vẫn cứ bóp, vẫn cứ vày vò.
"Vực sâu và đỉnh trời, tình em ơi!"
"Ơi ơi ơi ơi ơi... "
Chàng vẫn cứ bóp, vẫn cứ vày vò.
Bỗng sấm động đâu từ thiên thượng giáng xuống, đập vỡ nhân ảnh hai người; cùng lúc lằn chớp tận âm phủ vọt lên xé toang màn đền thờ nàng; chàng thấy cạnh lổ huyệt có xâm một chữ Trung Hoa: chữ Ngư, và cạnh bên kia, một vệt tím hoa sim ngan ngát như tiếng thở dài khởi đầu từ ngày Người-Nữ-Đầu-Tiên dám tự điểm nhãn mình7.
*Thành về thăm quê mà không báo cho người nhà biết trước. Khi xe ôm chạy qua làng chị Ngư, anh bảo anh tài dừng lại một quán nước bên đường để anh hỏi thăm nhà chị Ngư. Chị bán nước, cũng cỡ tuổi chị Ngư, nhanh nhẩu:
“Anh ở nước ngoài mới về hả? Anh không biết tui, nhưng tui biết anh. Anh là anh Thành!”
“Vâng.”
“Tui ngày xưa là bạn rất thân của chị Ngư... Chị nớ chi cũng tâm sự với tui hết... Mà, anh Thành ơi, chị Ngư chết rồi!”
“Hả! Chị nói sao?”
“Chị ấy chết vì bị chó dại cắn. Tội cho chị ta, mà cũng tội cho anh Nhu. Anh ta hiền lành hết mực, cả đời chớ hề la mắng chị ấy một tiếng...”
“Vâng!”
“Nhưng anh ta có cái tật thiệt kỳ cục: suốt ngày cứ đi lượm lá khô quanh nhà thờ, quanh chùa. Về nhà, lại đưa từng chiếc lá ra mà đếm từng đường gân trên lá, và than thở ‘Ôi giòng sông, giòng sông cuộc đời!’”
“......”
“Chị ấy mất rồi, anh ta bỏ đi đâu biệt. Tui nghe mấy người ở đây đi buôn nước mắm lên cao nguyên nói là họ có thấy một người đàn ông giống như anh Nhu đi ăn xin dọc xe đò. Một tay ngữa xin, một tay cứ giữ rịt bị lá khô.”
Có con nhỏ nào đó, đến mua nước đá cục, đứng hóng chuyện, bày đặt thóc mách:
“Chị Ngư đẹp người đẹp nết, lại là người có học, chắc tại lúc trước chị Ngư kẹt chi đó, mới lấy cái ông tàng tàng nớ.”
Chị chủ quán nguýt con nhỏ:
“Con ni con nít con nôi mà lắm chuyện! Thôi, tau cho không mi nước đá đó, đưa về mà uống cho người lớn nói chuyện.”
Con nhỏ nguýt lại chị chủ quán, lấy nước đá, rồi bỏ đi. Chị ta quay qua liếc Thành, nói tiếp:
“Rứa chị nớ không nói chi với nhà anh à?”
“Không, tôi đâu có biết; và cũng không thấy cha mẹ tôi nói gì. Có lẽ các ngài cũng không hay.”
Chị chủ quán với tay lấy li nước đá, uống một ngụm:
“Mà anh uống gì không?”
“Cảm ơn. Chị cứ tự nhiên. Tôi chưa quen nước quen cái, từ từ đã mới dám uống. Chị nói cho tôi nghe thêm về chị Ngư!”
Chị chủ quán lại liếc, lần này con mắt có đuôi dài gấp trăm lần đuôi nhạn:
”Hôm trên nhà anh về được mấy bữa, chị Ngư nghe tin anh vượt biên. Rồi chị bỗng bỏ ăn, và suốt ngày, suốt đêm cứ nằm dưới gầm giường mà tru như người bị chó dại cắn. Rồi lại khóc..”
“Trời đất ơi!”
“Ai cũng tin là chị Ngư bị chó dại cắn, vì năm nớ, anh cũng biết đó, nắng nóng và dài khác thường, lại mất mùa; chó dại chạy rông nơi nơi. Đã đến nước như rứa thì đành bó tay...”“Rồi sao nữa, chị?”
“Được khoảng một tuần, bỗng một đêm, chị Ngư lẻn ra khỏi nhà, và nhảy cầu tự tử hay sao đó, mà ba ngày sau, mấy người đi lưới thấy xác chị nớ nổi ngoài biển. Khi lượm xác nhập quan, tui nghe nói, người ta thấy có vết cắn tím bầm, xin lỗi anh, nơi bẹn trái, bẹn phải chi đó. Chắc là vết chó dại cắn, nhưng có mấy anh chàng ba trợn lại cười hề hề, cho là không phải chó chung gì cắn hết ráo... Còn bẹn bên kia có con cá chi như cá ép8 cứ bám vào chặt như đỉa, gở mãi không ra.”
*
Hôm Thành xuống phi trường, không thấy có Linda đón như nàng đã hứa. Gọi điện thoại, lại được tổng đài báo là số điện thoại đó không ai dùng. Anh thuê tắc xi chạy ngay đến nhà nàng; bấm chuông, không có ai. Khi Thành hỏi ông từ coi chung cư, ông cho biết tại số nhà đó có một cô gái, có lẽ là người tị nạn Việt Nam, cách đây mấy tuần mới trả nhà; và khi ông ta hỏi, cô ta sẽ dọn đi đâu, cô ta trả lời là cô sẽ dọn đến một nơi nào đó trong biển Thái Bình. Ông ta đã rất ngạc nhiên, nhưng ông lại nghĩ người ngoại quốc khi nói tiếng Na Uy hay nói sai, nhất là về mấy khoản giới từ rất phức tạp, nên ông cũng ừ ừ cho qua chuyện. Và, bây giờ, khi thấy Thành hỏi dồn, ông tử tế mở cửa căn hộ cho Thành xem, cả hai thấy căn hộ trống không; và ông cho biết từ hồi đó đến giờ ông không thấy có xe cộ đến chuyền đồ đoàn chi cả. Ông từ xem ra chỉ lấy làm lạ chút đỉnh, nhưng không quan tâm gì nhiều, vì “Cái dân Á Châu tụi bay hay làm những chuyện chỉ có Trời mới biết được.”.
Oslo, 12 IX 03
Chú thích:1. Thơ Hàn Mặc Tử, bài Anh Điên.
2. Cho tôi một chai (lon) bia nữa.
3. Em vốn ngoan. Khi em say, em còn ngoan hơn.
4. Thơ Thôi Hiệu (704?-754), nguyên câu: Nhân diện, đào hoa tương ánh hồng - Mặt người (đẹp) và hoa đào chiếu ánh hồng vào nhau.
5. Lể: Chích cho ra máu ở một số huyệt đạo để chữa một số bệnh thông thường như cảm cúm, nhức đầu...
6. Xin-đừng-quên-em: một loài hoa thân thảo, lá nhỏ, hoa tim tím, nhỏ, tỏa hương ngọt dịu, nhất là khi trời nắng nhiều. Có hoa và tên như thế là từ một huyền thoại buồn về đôi lứa yêu nhau, rồi mất nhau.
7. Evà tiếng Do Thái có nghĩa là người đàn bà. Theo Kinh Thánh Cựu Ước: Bà Evà là thủy tổ loài người, đã dám không vâng lệnh Đức Chúa Trời mà ăn trái của cái-cây-chính-giữa-vườn mà Chúa đã cấm (người Công giáo Việt Nam gọi là cây-biết-lành-biết-dữ), nên bị Chúa phạt đuổi ra khỏi vườn địa đàng cùng với ông Ađam-ăn-theo (ađam: người đàn ông). Từ đó sinh ra bao chuyện nhiêu khê cho cái giống người: hai ông bà cũng như con cháu của hai ông bà.
8. Cá ép: Một loại cá ký sinh trùng, dài và thuôn như ngón tay giữa, màu đen xanh, da nhờn, láng, cứ bám vào cá lớn khác để hút thịt.■
nguyễn văn thà