Thơ Là Gì?

Roman Jakobson

v.t.d. chuyển ngữ

 

 

Thơ là gì ? Nếu chúng ta muốn xác định khái niệm này, cần phải đối lại nó với cái không phải là thơ. Nhưng nói điều gì không phải là thơ, ngày nay không dễ đâu.
 

Ở vào thời đại cổ điển hay lãng mạn, danh mục những đề tài về thơ rất ư hạn chế. Chúng ta thử nhớ lại những yêu cầu truyền thống như  nói về trăng, hồ, chim họa mi, đá tảng, bông hồng, lâu đài v.v…Ngay những giấc mộng của xu hướng lãng mạn cũng không được ra khỏi cái vòng này. Nhà thơ Mácha viết: “Hôm nay tôi mơ thấy mình đang đứng trong những phế tích cuồn cuộn đằng trước và sau lưng tôi, và dưới những phế tích này, những ma nữ tắm mình trong hồ…Như một tình nhân đi tìm người yêu trong mộ…Tiếp theo là những đống xương vô định trong một đền đài gô-tích đổ nát bay lên ngoài cửa sổ.” Nói về cửa sổ, những văn nhân thời gô-tích thường coi đó là một ưa thích đặc biệt, mặt trăng thiết yếu phải tỏa sáng lung linh sau những cửa sổ. Ngày nay, cửa sổ nào cũng nên thơ dưới mắt thi sĩ, từ khung cửa kính bao la của một cửa hàng lớn đến vòm cửa sổ bị ruồi làm nhớp bẩn ở một quán cà phê nhỏ trong xóm. Và mọi cửa sổ của thi sĩ để cho ta thấy mọi sự vật. Nezval nói đến điều này [trong Antilyrik]:

Một khu vườn làm tôi ngây ngất giữa một câu hay một nhà cầu, có gì quan trọng

 

Tôi không phân biệt sự vật dựa trên vẻ mỹ miều hay xấu xí mà người ta khoác cho chúng.

Đối với thi sĩ hôm nay cũng như với lão già Karamazov [nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoevski] “không có người đàn bà nào xấu xí cả”. Không có tĩnh vật, hay hành động, phong cảnh hay tư tưởng nào mà hiện diện ngoài lĩnh vực thơ cả. Vấn đề về chủ đề thơ ngày nay không đặt ra.

 

Liệu có thể nào xác định được toàn bộ những thiết bị thơ, những xảo thủ nghệ thuật/Kunstgriffe không ?  - Không, bởi vì lịch sử văn học chứng nhận những biến dịch thường xuyên của nững thiết bị này. Chính tính cách ý hướng của hành vi sáng tạo cũng không bắt buộc. Chỉ cần nhớ lại là những thi sĩ dada và siêu thực thường để cho ngẫu nhiên làm ra những bài thơ . Chỉ cần nghĩ đến nhà thơ người Nga Khlebnikov thích thú vô cùng về những lỗi in ấn: ông tuyên bố là một cái lỗi in ấn đôi khi lại là một nghệ nhân đáng kể. Thật khó hiểu tại sao thời Trung Cổ bẻ gẫy tay chân những tượng cổ; ngày nay nhà điêu khắc lo làm chuyện đó, kết quả (một lối chuyển thể nghệ thuật) cũng như vậy. Dựa vào đâu giải thích những bản nhạc của Moussorgski và những bức tranh của Henri Rousseau, do thiên tài của những nghệ nhân này hay do sự mù chữ của họ về chất liệu nghệ thuật ? Đâu là nguyên nhân những lỗi của Nezval đối với  ngôn ngữ Tiệp, vì không học , hay vì có học mà vẫn cố tình để luông tuồng như vậy ? Làm sao có thể đi tới chỗ giải tỏa những quy phạm văn chương nếu nhà văn người Ukraine, Gogol  không nắm vững tiếng Nga ? Liệu Lautréamont  có thể viết Chants de Maldoror nếu như ông không điên ? Những câu hỏi này cùng thuộc loại những vấn đề giai thoại như chủ đề nổi tiếng trong luậnb văn nhà trường: là liệu Marguerite có thể đáp ứng Faust nếu cô ta là đàn ông ?

 

Ngay cả giả như chúng ta xác định  được đâu là những thiết bị của thơ mẫu mực cho những thi sĩ của một thời đại, chúng ta cũng chưa khám phá ra được những biên cương của thơ. Cùng những phép điệp vận và những thiết bị khoái ý được phép tu từ  của thời đại này dùng, hơn nữa được dùng trong ngôn ngữ nói hàng ngày. Những câu chuyện tiếu lâm nghe trên xe lửa cũng dùng như  từ hoa trong thơ trữ tình thâm thúy nhất, hay những câu chuyện gẫu thường phối trí theo những quy luật chi phối hành văn của những tân truyện thời thượng, hay ít ra ( tùy theo trình độ trí thức của người kể chuyện gẫu) là của những tân truyện của năm rồi.

Biên cương phân cách tác phẩm thơ với cái không phải là tác phẩm thơ không có gì chắc chắn hơn biên cương của những lãnh thổ hành chánh nước Tầøu. Novalis và Mallarmé coi tự mẫu là những tác phẩm thơ vĩ đại. Những thi sĩ Nga ngưỡng mộ tính cách thơ của bảng kê những tên rượu vang (Viazemski), danh sách nhung phục của sa hoàng (Gogol), bảng chỉ đường sắt (Pastenak), hay ngay cả hóa đơn của tiệm giặt (Kroutchennykh). Nhiều thi sĩ ngày nay tuyên bố là báo cáo cũng là một tác phẩm mà nghệ thuật hiện diện còn hơn là trong tiểu thiết. Mặc dầu chúng ta không thích thú mấy với truyện kể về ngôi làng nhỏ ven núi (Pohorská vesnice), song những thư tín riêng của Božena Němcová  với chúng ta là một tác phẩm thơ của một thiên tài.

 

Có một lịch sử về những nhà vô địch giác đấu hy-la. Vô địch thế giới bị một đấu thủ hạng hai hạ. Một khán giả cho là bịp bợm, thách thức kẻ thắng và hạ y. Ngày hôm sau, một nhật báo tiết lộ là trận đấu thứ hai cũng là trò bịp bợm như trận đấu trước. Người khán giả này đến tòa báo và tát tai tác giả bài báo. Nhưng chính cái tin của tờ báo và việc làm của người khán giả cũng là trò bịp bợm.

 

Đừng tin thi sĩ nhân danh chân lý, nhân danh thực tế v.v.. phủ nhận quá khứ thơ của ông ta hay nghệ thuật nói chung. Tolstoi phủ nhận tác phẩm của ông trong tinh thần phẫn nộ, song ông vẫn là một thi sĩ vì đã vạch ra con đường cho những hình thái văn chương mới, vẫn còn chưa ai biết đến. Thật chí lý thay khi một diễn viên liệng bỏ mặt nạ là trưng ra nghệ thuật điểm trang của mình. ..Cũng đừng tin vào nhà phê bình tranh cãi với nhà thơ nhân danh tính công chính và tự nhiên – quả thực ông ta loại bỏ một xu hướng thơ, nghĩa là toàn bộ những thiết bị biến dạng, nhân danh một xu hướng thơ khác, một toàn bộ thiết bị biến dạng khác. Nhà nghệ nhân cũng đang giở trò khi ông ta tuyên bố là lần này, không phải vì Nghệ thuật/Dichtung mà hoàn toàn vì Chân lý/Wahrheit, hay khi quả quyết là tác phẩm này không phải là bịa đặt, hay dầu thế nào “thơ cũng là dối trá, và thi sĩ nếu không dối trá tí nào ngay từ chữ đầu tiên thì không có giá trị gì cả.”

 

Có những nhà văn học sử biết nhiều điều về thi sĩ hơn cả thi sĩ, giống như nhà thẩm mỹ phân tích cấu trúc tác phẩm của y, hay nhà tâm lý nghiên cứu cấu trúc đời sống tâm lý của y. Những nhà viết sử này chỉ ra với một xác quyết của thầy giáo lý, trong tác phẩm của thi sĩ, cái gì đơn thuần là “tư liệu con người”, và cái gì là “chứng tích nghệ thuật”, đâu là “thành khẩn”  đối với  “quan điểm tự nhiên về thế giới”, đâu là “chứng cớ” đối với “quan điểm nghệ thuật và giả tạo”, cái gì là “đến từ con tim” với cái gì “là giả đò”. Những biểu ngôn này là tất cả những câu dẫn lấy ra từ nghiên cứu “chủ nghĩa luyến dục suy đồi của Hlaváček”, một trong những chương của tuyển tập mới đây của Soldan. Những quan hệ giữa thơ hoa tình và  luyến dục của thi sĩ được mô tả như thể không phải là những khái niệm biện chứng, biến dịch và đảo ngược thường trực, mà là những tiết mục bất biến của một từ điển khoa học; như thể dấu chỉ và sự vật chỉ ngữ liên kết một lần là xong theo kiểu một vợ một chồng, và như thể quên cả những gì tâm lý học biết đến từ lâu là bất kỳ tình cảm nào cũng chỉ thuần khiết khi không thể lẫn lộn với tình cảm trái ngược (nguyên tắc mâu thuẫn tình cảm).

 

Rất nhiều công trình văn học sử vẫn còn áp dụng ngày nay một cách cứng nhắc sơ đồ nhị nguyên này: thực tế tâm linh – giả tưởng thơ, và tìm kiếm giữa hai cái này những quan hệ nhân quả máy móc. Như kiểu đặt câu hỏi đã làm quay cuồng tâm trí một nhà quý tộc người Pháp thời xa xưa là cái đuôi buộc vào con chó hay con chó buộc vào cái đuôi ?

 

Nhật ký của Mácha, tài liệu có giá trị trí dục cao, tiếc thay khi xuất bản vẫn còn nhiều khiếm khuyết, có thể chỉ cho ta thấy cái vô bổ của những phương trình hai ẩn số này. Nhiều nhà văn học sử chỉ kể đến tác phẩm công bố của thi sĩ và để sang một bên những vấn đề về tiểu sử, trong khi một số khác ngược lại tái tạo cuộc đời của thi sĩ với  mọi chi tiết; chúng ta nhìn nhận hai vị thế nhưng chúng ta loại bỏ về mặt hình thức đường lối của những người thay thế tiểu sự thực của thi sĩ bằng một câu chuyện kể chính thức cắt xén như kiểu trích tuyển. Những chỗ khuyết trong nhật ký của Mácha vẫn giữ lại để tuổi trẻ mơ mộng chiêm ngưỡng pho tượng của Myslbek [tạc Mácha] ở Petrin không bị thất vọng . Nhưng như Pouchkine đã nói, văn chương và, chúng ta có thể thêm vào, huống hồ những nguồn lịch sử văn học không thể chỉ quan tâm tới những thiếu nữ mười lăm, vả lại ngày nay các cô còn đọc những chuyện tục tĩu hơn là nhật ký của Mácha.

 

 Trong nhật ký, Mácha[1][1][1], thi sĩ trữ tình vẽ lại một cách hoành tráng êm đềm những chức năng sinh lý, nhục dục hay bài tiết của ông. Với vẻ chính xác của một người kế toán, ông ghi lại bằng một mã số buồn chán làm thế nào và bao nhiêu lần ông đã thỏa mãn dục vọng trong những lần gặp gỡ Lori. Sabina nói về Mácha “có đôi mắt sâu với cái nhìn thấu suốt, một bờ trán cao ngạo những tư tưởng thâm thúy, vẻ mê đắm qua bề ngoài xanh xao, một dáng điệu dịu dàng và quên mình làm cho phái đẹp say đắm .” Vâng, đúng là hình ảnh vẻ đẹp của những thiếu nữ trong thơ và truyện của Mácha, nhưng trong nhật ký, những miêu tả người tình gợi nhớ đến những bán thân phụ nữ không đầu trong tranh của Sima.

Quan hệ giữa thơ và nhật ký có phải là quan hệ giữa Thơ/DichtungChân lý/Wahrheit ? Chắc chắn không phải; cả hai bộ diện đều thực cả, chúng chỉ biểu trưng cho những ý nghĩa khác nhau hay, để dùng ngôn ngữ bác học, cho hai trình độ ngữ nghĩa khác nhau của cùng một đối tượng, cùng một kinh nghiệm. Một nhà điện ảnh phát biểu đó là hai cách lấy góc cạnh của cùng một cảnh. Nhật ký của Mácha là một tác phẩm thơ cũng như thi phẩm Tháng Năm/Máj hay Márinka, tuyệt không thấy bóng dáng của chủ nghĩa công lợi, mà chỉ thuần nghệ thuật vị nghệ thuật, thơ cho người thi sĩ. Giả dụ Mácha có sống đến ngày nay, chắc hẳn ông sẽ giữ thơ lại cho  riêng ông và cho xuất bản tập nhật ký. Chúng ta có thể xếp ông chung hàng ngũ với Joyce và Lawrence, vì nhiều điểm tương tự, một nhà phê bình đã viết là ba tác giả này “cho một hình ảnh trung thực về con người thoát khỏi vướng víu của mọi quy tắc, luật lệ, chỉ trôi nổi, lăn đi theo bản năng thuần túy.”

 

…Ngày nay, phê bình  tìm ra cớ nhấn mạnh đến tính không chắc chắn của cái gọi là khoa học hình thái chủ nghĩa của văn chương. Làm như thể trường phái này không hiểu những quan hệ của nghệ thuật và đời sống xã hội, xưng tụng nghệ thuật vị nghệ thuật và đi theo vết chân của mỹ học Kant. Những nhà phê bình khi đưa ra những phản bác này, trong chủ nghĩa cấp tiến của họ, khá hợp lý và gấp rút đến độ quên sự hiện hữu của chiều kích thứ ba, nên họ chỉ thấy tất cả trên một mặt phẳng. Cả Tynianov, Mukař ovský, Chklovski lẫn tôi không rao giảng nghệ thuật tự nó đầy đủ; trái lại chúng tôi còn chỉ ra nghệ thuật là một bộ phận của guồng máy xã hội, một thành phần tương ứng với những thành phần khác, một thành phần biến đổi, vì lãnh vực nghệ thuật và quan hệ với những khu vực khác của cấu trúc xã hội biến đổi theo biện chứng không ngừng. Điều mà chúng tôi nhấn mạnh, không phải là một xu hướng ly khai của nghệ thuật, mà là tự trị của chức năng mỹ học.

 

Tôi đã nói nội dung của khái niệm thơ không bền vững mà thay đổi theo thời gian, nhưng chức năng thơ, tính thơ, như những nhà lý luận hình thái nhấn mạnh là một yếu tố tự sinh, một yếu tố không thể giản lược một cách máy móc vào những yếu tố khác. Yếu tố này phải được bóc trần ra để thấy tính độc lập, giống như những thiết bị kỹ thuật của những bức họa lập thể được bóc trần ra và độc lập, - tuy rằng đó chỉ là một trường hợp đặc biệt, về mặt quan điểm biện chứng nghệ thuật  có lý do hiện hữu, nhưng dầu sao cũng chỉ là một trường hợp đặc thù. Nói chung, tính thơ chỉ là một thành phần của một cấu trúc phức hợp, nhưng là một thành phần thiết yếu biến đổi những thành phần khác và cùng xác định ứng xử của toàn bộ. Cũng theo đường lối này, dầu không phải là một  món ăn đặc biệt, nhưng cũng không phải là một thực phẩm phụ thêm vào một cách ngẫu nhiên, một thành phần máy móc: nó biến đổi khẩu vị của thực phẩm người ta ăn và đôi khi nhiệm vụ của nó còn thấm thía đến độ một con cá nhỏ mất cả cái tên gọi khởi sinh nguyên ủy và đổi tên để trở thành món sạc đin dầu [dầu/olej trong tiếng Tiệp tạo ra tiếng sạc đin dầu/olejovka]. – Nếu tính thơ, một chức năng thơ có tầm thước thống trị, xuất hiện trong một tác phẩm văn chương, chúng ta sẽ nói về thơ.

 

Nhưng tính thơ làm thế nào biểu hiện ? Đó là từ ngữ phải được cảm nhận như là từ ngữ, không phải là cái thay thế đơn giản của sự vật được gọi tên, cũng không phải như sự bùng nổ của cảm xúc. Từ và cú pháp, ý nghĩa của chúng, hình thái bên trong và bên ngoài không là những dấu chỉ vô tình của thực tại, mà phải có trọng lượng và giá trị riêng của chúng.

 

Tại sao tất cả điều đó lại cần thiết ? Tại sao phải nhấn mạnh đến dấu hiệu không thể lẫn với đối vật ? Bởi vì bên cạnh ý thức trực tiếp của sự đồng nhất giữa dấu hiệu và đối vật (A là A1), ý thức trực tiếp của sự vắng mặt đồng nhất (A không là A1) là thiết yếu; sự tương phản đối nghịch này không thể tránh, vì nếu không có mâu thuẫn, thì không thể có lối chơi khái niệm, không có lối chơi dấu hiệu, quan hệ giữa khái niệm và dấu hiệu trở thành tự động, lưu lượng những diễn biến ngừng lại, ý thức thực tại tiêu vong.

…Cùng với cách thế chức năng thơ tổ chức và điều khiển tác phẩm thơ mà không thiết yếu phải hiển lộ, rõ ràng như một tấm bích chương, tác phẩm thơ, trong toàn bộ giá trị xã hội, không ngự trị, cuốn đi những giá trị khác, nhưng cũng không phải vì thế mà không là người tổ chức cơ bản của ý thức hệ, thường trực hướng về mục tiêu của nó. Chính thơ bảo vệ chúng ta chống lại tự động hóa, chống lại sự trì trệ đe dọa biểu tỏ của tình yêu và thù hận, phản kháng và hòa giải, niềm tin và phủ định.

 

Dịch theo bản tiếng Pháp của Marguerite Derrida, chuyển ngữ từ bản tiếng Tiệp nhan đề “Co je poesie ?”.                                                                                            

                                                                                                                                                                                                              

 



[1][1][1] Thơ: Đôi mt em xanh.Đôi môi son.Ma1i tóc vàng…Thi gian đã ly ditt c  ca em,/ Để li mt ni đaumê mn,/Trên đôi môi này, tóc, trán em…Nht ký: Tôi gi váy nàng lên và ngm nhìn đằng trước, đằng sau và bên cnh…Nàng có mt cái mông bt h…Nhng cp đùi trng toát..Tôi mân mê đùi nàng, nàng đã ci v, ngi xung trên tràng k..