phan thị như ngọc

 

Đào Kép Không Chuyên



truyện ngắn



 

Thực tập ở báo Hào quang Sân khấu là một cực hình. Ba tháng, năm bài được đăng mới có thể coi như xong nợ môn bà Liễu. Bọn trong lớp túa về các báo tỉnh dễ viết, hay đầu quân các tạp chí lá cải. Thằng Tá cán sự và con Hà lớp phó bảnh nhất, nhờ vào sự quen biết của gia đình, chạy được hai suất ở tờ Hoa Sài gòn. Chỉ mỗi Dậu là khổ. Thầy chủ nhiệm vứt cho cái giấy giới thiệu và hất hàm, tự liên hệ lấy. Đến toà soạn gặp cô Tư . Cẩn thận, năm ngoái thi không đạt, năm nay điểm thực tập dưới bốn nữa là ao luôn. Giáo sư  Liễu thì cậu biết rồi đấy, chả xin được đâu.

 

Cả tháng trời con mụ Thư ký tòa soạn mà thầy chủ nhiệm gọi là cô Tư hành hạ Dậu đủ điều. Phải là đàn ông thì đã có thể mời nhậu, hay có con cái thì đã lấy nê quà bánh này nọ, không nữa thì cũng biếu phấn sáp nước hoa, nếu như ả còn son trẻ. Đằng này là đàn bà, lại chết chồng mà già xấu như quỉ. Dậu chỉ còn biết cắn răng cho mụ sai vặt những công chuyện xuống nhà in, ra cổng thay ông bảo vệ nghỉ ốm mấy ngày, giải phóng cái kho chứa báo, kêu đồ ăn trưa dưới tiệm bưng lên…Mãi mới được vứt cho mục “Một vòng các rạp để ”thử coi viết lách thế nào”. Trời đất! Dậu cười như mếu, nghĩa là em phải thường xuyên đi tới gà gáy mới được về hả xếp. Mụ Tư quắc mắt, cái gì mà chê, tuần nào cũng đi coi cải lương, hát bội, tuồng cổ. Chừng vãn hát vô hậu trường phỏng vấn đào kép mấy câu,  rồi về viết …Dậu ứ trong cổ một tiếng chửi thề.

 

Lăn lóc mãi không nhớ đã trụ lại tờ báo của mụ Tư bao lâu kể từ sau khi ra trường, cho mãi tới hôm tự nhiên thấy có hoa, có chụp ảnh, có bắt tay loạn xạ trong bữa ăn nhà hàng mà Dậu là nhân vật chính. Phải khi Tổng biên tập tuyên bố lý do anh mới biết là toà soạn mừng mình chính thức được vào biên chế. Mụ Tư đã bỏ bộ mặt khó đăm đăm hàng ngày, cụng ly với Dậu oanh liệt. Bà này càng uống càng xanh mét, cứng cựa à nghe. Một ông bên phòng Tiếp bạn đọc gật gù. Dậu bảo, đúng lắm. Ông nọ vặc, sao mày biết đúng. Dậu im. Không lẽ lại nói toạc ra hết, từ cái hôm hai chị em đi họp bên Hội trường tỉnh, Dậu chở giúp một đoạn. Mụ kéo vào nhà chơi, hỏi độp luôn, cậu có biết câu “Những người mặt dỏng chân giang, ươn mình cũng chấp cả làng dám chơi” là thế nào không. Dậu cười, kéo tự nhiên cái phéc mơ tuya quần, xô mụ xuống xô pha, cộc lốc, là thế này!

 

Thành lệ, lâu lâu mụ và Dậu lại “mặt dỏng chân dang” một lần ở nhà mụ. Bù lại Dậu được mụ bảo kê, cất nhắc, giới thiệu. Ở toà soạn Dậu gọi mụ là chị, trên giường mụ gọi Dậu là anh. Huề! Cả hai kiệm lời, giữ kẽ. Mấy chục nhân mạng trong toà soạn không ai biết gì. Com mụ đã vỡ lòng cho Dậu nhiều bài học nghề nghiệp toàn theo đường tắt vào loại vô giá. Anh không hỏi han cứ trông mụ làm rồi làm theo.Vài mùa báo Tết qua đi, gặp lại bọn cùng lớp đứa nào cũng bảo anh như con dao mài sắc quá. Anh biết chúng nó nhắc nhở khéo hơn là khen ngợi.

 

  Ở Liên hoan Sân khấu chuyên nghiệp Hà nội Dậu đang tranh thủ phỏng vấn một ngôi sao của đoàn Hương xuân bất ngờ nghe một giọng thảng thốt, đúng là Trương sinh thời trẻ, giống quá. Ngẩng nhìn đã thấy một chị phụ nữ lạ mặt đứng chung với đám Fa Film. Mọi chuyện sau đó chỉ còn biết đổ cho trời. Anh có biết đóng phim bao giờ sao lại nhận lời vào vai một nhà nhạc sĩ lớn như Trương sinh. Kịch bản cầm trong tay đọc chưa xong đã toát mồ hôi sợ. Quay môït tháng ở T. con mụ Tư xé anh ra mất. Tay đạo diễn giọng ngọt như mía lùi, thủ thỉ dỗ dành. Bà chị này để anh điều đình, chồng chị ta với anh cũng thân. Mà này, em giống Trương Sinh hồi trẻ ghê lắm. Không phải anh nói, chị Hà Việt kiều đấy.

 

…. Trương sinh bệnh nhiều lên nghĩ dưỡng ở tỉnh T. Tại đây những tác phẩm âm nhạc hay nhất của anh đã ra đời. Anh quen với Yến nhi, một cô bé trong sáng, mơ mộng, con gái chủ nhà trọ. Chính Yến nhi đã giúp tâm hồn anh hồi sinh nhanh chóng. Nhưng anh không dám nhận tình yêu của cô. Chỉ để lại cho Yến nhi bụi trúc trồng trước thềm, những giai điệu đẹp riêng trong album của cô, rồi anh về lại Sài gòn, chuẩn bị cho những chuyện lớn lao”chỉ riêng đàn ông biết”.

 

 Chuyện là thế. Bà chị Hà bỏ tiền làm phim này có lẽ là người thế nào đó với Trương sinh ngày xưa, vì có vẻ tha thiết và trân trọng đoạn đời này của anh ta lắm, kịch bản sửa mấy lần theo gợi ý của bà ấy mà vẫn chưa đạt. Vai Trương sinh  đúng là trời dành  cho  cậu: cũng biết đàn guitar, cũng có học, cũng trạc hăm lăm. Còn tóc dài, kính cận và dáng dấp phong sương thì khỏi nói, y khuôn. Đạo diễn nói với Dậu như vậy còn thòng thêm, cái cô đóng Yến nhi với cậu là người mẫu của câu lạc bộ Hoa học trò, nai thật chứ không phải nai giả cầy. Dậu nhún vai, nai không quan trọng bằng hứng. Anh muốn em diễn thật thì cũng phải hỗ trợ cho em có hứng, uống rượu thì phải rượu thật, ngủ trên đồi thì cũng…Đạo diễn gật, chiều ông thôi, ông con ạ, miễn là ông được việc.

 

Dậu rẽ sang điện ảnh như vậy là đã hai tháng, lâu hơn dự kiến ban đầu. Mụ Tư gọi về , thậm chí dọa đuổi việc, Dậu vẫn ừ hữ chiếu lệ. Điên tiết mụ mò lên chỗ đoàn phim, cốt để biết thằng mặt dỏng chân dang của mình ăn phải cái bả gì. Nào có ăn phải gì đâu. Chả là…

 

…Trong căn phòng lạnh lẽo trông ra vườn, mưa vừa xong, cây cối gẫy rạp, gió buốt. Trương sinh râu cằm tua tủa, tóc dài chấm vai, tư lự nhìn ra ngoài, cây đàn hờ hững trên gối. Anh ốm và xanh xao, hai mắt xa vắng chốc chốc nổi chút ý niệm lạ và dữ dội. Khói thuốc đẩy toàn bộ cảnh và người vào cõi hoang vu chập chờn hư  ảo. Yến nhi nhón gót bước thật khẽ, đặt bát cháo và cốc nước trên bàn. Một trận gió thốc qua, hoa đào bay lả tả, vướng cả vào tóc, vào áo hai người, rơi cả vào cốc vào bát. Trương sinh điềm nhiên ăn cả hoa, uống cả hoa. Yến nhi tròn mắt nhìn. Trương cười với cõi nào không biết, nụ cười xuyên suốt mùa đông rét mướt chung quanh. Hoa bên ngoài, hoa trên áo, trên tóc, trên bàn sáng màu dần, rực lên như vàng…

 

… Đang không Trương sinh kêu thèm núi, đòi đi Yên tử. Bắc nam đều loạn, đi sao được. Bố Yến nhi nói thế rồi rủ Trương sinh thăm hòn non bộ chùa Liên hoa. Chàng nhăn mặt than, ảo mộng! Phải là lên núi thật kia. Tiếng chuông, tiếng gió trong vườn, tiếng lá trúc xào xạc làm Trương sinh rùng mình. Sau đạn bom và tiếng khóc mất người thân, tiếng xe cộ gầm rú, tiếng rao đêm, tiếng ê a học bài, tiếng chổi quét đường, bây giờ là những tiếng  này, liệu còn gì chưa nghe? Bố Yến nhi nói khẽ, còn vô thanh. Yến nhi chạy tới, tay cầm hoa sen mới hái trong ao sau chùa. Nàng nói, tặng anh tiếng của hương thơm.

 

… Mưa suốt đêm, côn trùng rền rĩ. Sáng ra có người tặng cân trà búp, bố Yến nhi pha uống, đắc ý khen ngon, bảo con mang tặng khách trọ ấm trà. Từ phòng Trương sinh tiếng đàn vọng ra, thanh âm lạ tai, có núi rừng, có sự khắc khoải cô đơn, có rét buốt, ngậm ngùi và cả cánh sen ban chiều. Yến nhi đứng ngoài nghe, ngực áo phập phồng thổn thức. Mãi mới gõ cửa bước vào. Trương sinh ngửng lên, sau cặp kính trắng những tia sáng lạnh lẽo âm u dò hỏi.Yến nhi nói giản dị, em đem trà. Trương sinh rùng mình khi Yến nhi cúi xuống nâng chân người đánh đàn nhẹ nhàng đặt vào chậu nước trà nóng, nổi vài cánh hoa nhài thơm bát ngát. Những hợp âm lại ngập ngừng vang lên, rồi rối loạn đuổi nhau trên những phím đàn. Trương sinh nhắm mắt không dám nhìn Yến nhi lau chân mình. Anh lẩm bẩm, mới sinh ra, mới được sinh ra. Bài hát Em sinh phận này đã ra đời như thế…

 

Mụ Tư lẩn vào đám đông hiếu kỳ vây quanh tò mò xem đoàn quay phim như thế là đã hai ngày. Mới có mấy cảnh mà mụ thở như người gánh nặng lên dốc. Những gì mụ thấy từ Dậu quá đủ. Quay về khách sạn, mụ nằm đờ đẫn. Không hẳn đau ở đâu, chỉ tắt những đốm lửa trong lòng. Không còn mặt mũi, cũng  không phải, không tha thứ được cho mình, cũng không, chỉ biết hết muốn thở, hết muốn mở mắt, cả khóc cũng hết. Thằng Dậu hàng ngày mụ quản chặt là thế. Những người nó quen, những chỗ nó lui tới, những bài nó viết, những câu nói tiếng cười, và cả cái mặt mét xanh, cái miệng kiêu ngạo với điếu thuốc ngậm hững hờ, cái cách nó nghiến răng yêu mụ như trả thù…Lạ lùng gì đâu, còn thuộc quá là khác.

 

 Nhưng cái thằng Dậu mà mụ thấy tận mắt trong lốt Trương sinh kia thì lạ. Đôi mắt nó trong suốt khi nghe tiếng chuông chùa, đôi tay bấm phím điên đảo lòng người, cả cái rùng mình, rưng rưng nước mắt trước chậu trà ngon cô gái đem rửa chân cho mình …Toàn những thứ chưa bao giờ dành cho mụ. Già nửa đời người, phụ nữ sắc sảo như mụ lạ gì những viên thủy tinh nhiều mặt cắt, trong suốt đấy nhưng đa sắc đấy, lắm lúc còn hút hết vào mình vẻ mĩ miều của cả kim cương. Nhưng Dậu thì bao giờ là thuỷ tinh đâu, từ đầu mụ đã chơi nó trên lòng bàn tay như những đứa bé gái chơi giải gianh với viên sỏi sứt sẹo. Nó vỡ trên tay mụ bao lần đấy thôi. Lẽ ra mụ không nên chỉ con đường tắt tối tăm mà khi chui vào đó Dậu chỉ còn là Dậu mặt dỏng chân dang thảm hại…Chơi đá, chơi cây, chơi hoa, chơi gì thì còn khả dĩ, đằng này chơi người, ác quá! Mụ Tư uể oải về lại Sài gòn trong tâm trạng rã rời, không muốn Dậu biết là mình đã nhìn thấy anh ta đóng phim .

 

Cảnh cuối của phim Thiên đường bỏ lại là cảnh Trương sinh chuẩn bị lên đường sau khi đọc xong một lá thư tay. Chàng trồng một bụi trúc trước sân, trả phòng. Yến nhi khóc, không ra tiễn. Trương sinh đành vào thăm. Gương mặt sầøu não của cô gái khiến chàng xao xuyến. Đặt phớt chiếc khăn tay trên đôi môi trinh nguyên trước khi nhẹ nhàng ấp lên đó đôi môi nóng bỏng của mình, chàng thì thầm, không có cách nào hôn áng mây trắng cả, chim yến của anh…. Rêu hằn dấu chân người đi, xa dần, xa dần. Phía chân trời ùng oàng tiếng nổ, lửa khói rực lên.

 

Bộ phim xong phần hình ảnh. Chị Hà Việt kiều bảo người và cảnh bắt buộc phải làm ở Việt nam, ngay tại ngôi nhà, vùng đất thuở xưa Trương sinh từng ở. Những phần còn lại làm nốt ở Singapore cũng được. Không ai hỏi tại sao bỏ tiền làm phim cho riêng mình xem, tốn kém lặn lội như thể mắc nợ quá khứ điều gì. Xét cho cùng, đời người đầy những điều không thể giãi bày mà cũng không thể hỏi han, chia sẻ. Chị Hà chắc muốn đi ngược lối rêu xưa, đánh thức lại tuổi mười bảy của Yến nhi.

 Cầm tiền xong, về với công việc hàng ngày, Trương sinh trở lại là Dậu, Yến nhi là Phượng Vĩ . Phượng Vĩ cười hỏi Dậu, chưa hôn em thực, anh tiếc không? Dậu lắc đầu. Anh nóng lòng về Sài gòn hơn bao giờ hết, hôn sau vậy.

 

Hai hôm nằm nhà Dậu ngủ như chết. Giữa đêm thức dậy vẫn tưởng còn ở tỉnh T.với đoàn quay. Trong sự yên tĩnh, mát mẻ của căn phòng quen thuộc, Dậu dần dần nhớ lại mọi việc. Trương sinh của những năm 70 có tài viết nhạc với phần giai điệu và ca từ đẹp như thơ, có phong thái nửa là Tư mã Tương Như lãng mạn, nửa là người đi tìm cái đẹp khắc khoải,vô hình. Nhưng anh ta xa lạbiết bao! Dậu của năm 2000 không thể luồn vào tâm thức con người này mà không cảnh giác, có phần khó chịu pha chút buồn cười. Ai đời húp cháo với hoa, nhắm mắt cho gái rửa chân, hôn gái qua cái khăn tay mỏng…Không điên thì cũng cù lần hạng nặng. Đời Dậu không có những loại kinh nghiệm thánh thiện, cao nhã này. Mà anh cũng không ưa. Đạo đức giả tuốt. Cứ phải “Ông mất cái giò, bà thò chai rượu” chứ một mình bà hay một mình ông thì cũng là unfair play.

 

 Lập lòe điếu thuốc, Dậu nhớ lại gương mặt Phượng Vĩ trong vai Yến nhi. Hết sức đẹp, nhất là khoé miệng có chiếc răng duyên và đôi mắt buồn thẳm, ướt long lanh. Yếùn nhi của Trương sinh thanh thoát và đa cảm, mà cũng rạo rực yêu đương. Cách biểu lộ của cô độc đáo nhưng cải lương thế nào. Dậu thích cách của mụ nhân tình già hơn. Không nói gì, chỉ làm, càng không ràng buộc úp mở. Dậu không phải đoán ý, không phải tán tỉnh, không lo thiệt thòi, lương tâm cũng im lặng nghỉ ngơi. Mụ Tư của Dậu bèo nhèo thể xác nhưng được cái đàn ông già dặn về mặt tinh thần. Khi mụ nằm xoài, bộ ngực -mà Dậu gọi đùa là cánh đồng mẹ- chảy xệ thiểu não, nhưng khi vào họp, những nhận xét, những định hướng hoạt động giúp tờ báo giữ được sắc thái riêng do mụ đưa ra ai cũng phải công nhận là sắc sảo, thực tế vô cùng.

 

Để tẩy rửa một điều gì tệ hại Dậu có thói quen vào nhà tắm, dứng dưới vòi sen xả nước thật mạnh. Lần này cũng thế, anh ngửa mặt, xát xà bông, mặc cho nước chan hòa trôi đi chàng Trương sinh ẻo lả với đôi mắt xa xăm, tóc dài kính cận, vầng trán cao cúi trên cây đàn với từng chùm hợp âm ma mị. Đừng có mà ám, cha nội. Sống như mày là xưa rồi, không giống ai. Anh lầm bầm mấy câu, rồi chui vào giường ngủ lại. Bóng đêm đặc quánh, lởn vởn khói thuốc lá tù đầy.

 

 Sài gòn đang vào mùa đông, không khí đột nhiên se lạnh những buổi sáng buổi chiều. Đường phố hàng ngày vẫn như một hợp âm xô bồ nhưng bên trong những tòa nhà đóng kín, những xưởng thợ, những nhà máy ba ca là cả một sự chuẩn bị hối hả cho cái Tết đến gần. Tòa soạn báo Hào quang sân khấu cũng không ngoại lệ, bận rộn mờ người. Nhân sự chẳng mấy khi đông đủ, cả Thư ký tòa soạn cũng chạy như cờ lông công. Điện thoại réo kinh hoàng, cả ngày lẫn đêm. Dậu và mụ Tư mắt mũi phờ phạc. Mụ bấm anh, ra giêng có suất tu nghiệp ở Hàn quốc, chuẩn bị đi, phần cậu đấy. Dậu nhìn quanh không thấy ai, sán vào mụ, tối nhé! Mụ lắc. Ơ hay, sao lại thế nhỉ?

 

Dậu không hiểu cũng đúng vì xưa nay chưa bao giờ mụ từ chối cái khoản tươi mát riêng tư. Đám con gái phòng Quảng cáo cười cười, chị Tư trẻ ra cả năm sáu tuổi, lạ lắm nghe. Chơi thể dục thẩm mỹ, ăn mặc chăm chút hơn, lại căng da mặt, nghe đâu còn cả bơm ngực nữa. Hồi xuân rõ ràng… Nhưng vì ai mới được. Dậu cười, vì tui đó. Bọn con gái đấm anh, cười rũ. Một cô bảo, nghé tơ mà gặm cỏ già, ngu quá!


 Những lời xì xào cười cợt của bọn trẻ, mụ Tư giả như không biết.Từ lúc thấy Dậu -Trương sinh cùng Yến nhi trẻ trung trong cảnh quay ở sân chùa, nàng cầm hoa sen đưa tặng, đôi mắt ướt tình tứ, da mặt phơn phớt lông tơ, ửng hồng, quần áo mỏng đứng ngược gió, những phần cân đối khoẻ mạnh lồ lộ. Trương sinh cầm hoa, đắm đuối không thành lời. Mụ choáng vì đôi lứa trẻ trung, vì vẻ thanh khiết của hoa sen trong bàn tay người. Và càng buồn bã hơn khi trong gương, vẻ già nua khốn khổ ám theo những hồi ức trên giường của mụ và chàng trẻ nọ. Mụ không nghĩ Dậu yêu. Có lẽ nó coi mình là con đĩ rạc, không thế thì sao cứ phải tắt đèn mới “làm” được. Mụ sợ sau đợt đóng với Yến nhi, Dậu về sẽ càng so sánh và tởm lợm. Mụ phải “tút” lại cơ thể. Nhất định Dậu rên lên, chết cháy trên giường của mụ.

 

Ông Tổng biên tập điện về cho hay báo nhà được giải trong Hội thi báo xuân toàn quốc, doanh số tăng vụt. Bõ công hai tháng vất vả như tù khổ sai! Cả toà soạn hả hê vì vừa có tiếng vừa có miếng. Dậu cũng thế, anh thu nhập khá, đang hào hứng tính chuyện về thăm quê. Cũng lâu lắm rồi chưa ăn tết ở nhà, quên cả tiếng trống vào đám, cả ánh lửa trông bánh chưng đêm ba mươi…. Mụ Tư  rủ anh về nhà, nhờ kê dọn mấy chậu kiểng, treo mấy món trang trí lên tường, chạy lại đường dây điện. Nhìn bộ dạng cưa sừng làm nghé lộ liễu của mụ dạo sau này Dậu thấy kỳ kỳ, muốn tránh. Vả lại anh không còn là chàng sinh viên tập sự non nớt dạo nào. Đường nghề đã không còn sợ ma khi phải đi đêm một mình. Vai cô bảo mẫu của mụ xem ra đã thành vướng víu với anh. Thác cớ phải ghé mấy chỗ lấy tiền nợ trong năm, Dậu dắt xe ra cổng. Mụ Tư bực nhưng vẫn cố nói với, xong việc về chỗ chị, khuya mấy cũng ghé, chuyện đi Hàn của cậu đó.

 

…Dậu vào nhà mụ thì đã ngà say, người mệt mỏi. Chạy xe trên đường ngang qua nhà thờ lớn, nhìn sang bưu điện, kim đồng hồ chỉ mười một giờ. Chưa khuya, còn sáng đèn. Mụ Tư dục anh cởi áo ngoài cho mát. Dậu không khách sáo, đi luôn vào phòng ngủ. Khi mụ từ dưới bếp lên Dậu đã mơ màng. Chợt anh bật dậy khi nghe mùi thơm của trà hoa nhài nóng. Ởû đâu nhỉ, chỗ Yến nhi ư? Cô ấy kia, rõ ràng đang cầm bàn chân Trương sinh đặt vào chậu nước thơm. Dậu thấy dễ chịu quá, chân nóng dần, nước mơn man theo tay người kỳ nhẹ. Giấc mơ đang đẹp thế kia, hay là không phải mơ? Anh mở choàng mắt. Cũng mặt ửng hồng vì hơi nước nóng, mắt long lanh tình tứ, cổ áo trễ tràng phô ra bộ ngực tròn tròn phập phồng, cũng lau chân…nhưng nào phảiYến nhi đâu. Mùi trà hoa nhài thơm lặng lẽ. Dậu dựa mình trên chồng gối, duỗi chân hút thuốc. Mụ Tư tắt bớt đèn, leo lên giường, trườn mình dọc hông anh, bộ ngực lướt một đường khiêu khích. Mụ thủ thỉ, anh thấy mình mới sinh ra không. Dậu hỏi, có mặt lúc quay à. Mụ  Tư gật đầu, cầm tay Dậu đặt lên quãng đồi gò mới tôn tạo, tháo trút nỗi niềm. Mụ nói đã chết vì vẻ nghê sĩ hào hoa thoát tục Dậu tỏ lộ qua hình tượng Trương sinh, đã cắn rứt vì làm anh thấp kém bao lâu, đã muốn khác, muốn đẹp dần lên trong mắt anh, đã ghen với cô gái trẻ Yến nhi, mụ xin anh cho mụ làm lại, theo cách cô ta đã làm… Dậu càng nghe càng tỉnh rượu. Anh nhìn mụ Tư qua tròng kính cận , nén tiếng thở dài. Lại học ở đâu cái trò phản tỉnh rẻ tiền này? Anh vỗ vai mụ ôn tồn, Trương sinh là Trương sinh, anh là anh. Hắn không xấu nhưng anh không hợp hắn, càng không thèm là hắn. Còn em, cũng đâu cần phải là Yến nhi trẻ đẹp. Với anh cái xấu của em quen thuộc, dễ chịu hơn. Bộ ngực mới của em là dành cho Trương sinh, sự tô vẽ ưỡn ẹo cũng vì ghen với tuổi trẻ của người khác. Không vì em, cũng chẳng vì anh, chơi kiểu này thì chịu, anh không hứng. Mụ Tư mắt đỏ hoe cay đắng, và trên cả là cảm giác trống rỗng hệt như hôm nằm ở tỉnh T. im lìm, tắt lửa. Mụ không ngăn Dậu xỏ giày đi về. Mười hai giờ đêm! Một ngày mới lại sinh ra. Trừ mụ. Nhúng chân vào chậu nước thừa Dậu bỏ lại mụ Tư thờ thẫn. Một sân khấu không hào quang, không còn đào kép, cũng chẳng có phông màn.

 

Phan thị Như Ngọc



2004