nguyễn lương ba
Nghệ Thuật Tu Từ
và Tính Cách Xã Hội
Người ta nói con người làm thơ nhưng cũng có thể thơ làm nên con người. Làm thơ tức là bỏ vào tác phẩm cái bản ngã, cái thực tại nhân linh thiêng liêng của mình.Bởi vì khi sáng tạo, thi sĩ đã vận dụng toàn thể con người, vận dụng như một tìm kiếm tâm thức để rồi bỏ quên một vài khía cạnh con người của mình vào tác phẩm cống hiến cho đời bằng những khoái cảm của người thưởng ngoạn trong nhiều không, thời gian. Sau bao lần khắc khoải, dằn vặt với ý thức, sau cuộc truy tầm gian lao như một dấn thân. Làm thơ là tạo ý nghĩa cho đời. Nhưng ý nghĩa ấy được lãnh hội như thế nào nơi người đọc ?Thế giới thi ca được bày tỏ theo khả năng của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trở thành thực tại thiết yếu, đòi hỏi một sự lãnh hội mọi khía cạnh của nó trước khi có thể đi vào thế giới thi ca như là một nghệ thuật gửi tới đời sống bằng một ngôn ngữ. Hegel nói ngôn ngữ là hủy thể tính. Phải chăng khi gọi tên một sự vật, ngôn ngữ đã cố sát sự vật đó. Ngôn ngữ nói lên một điều nhưng cũng chẳng nói được gì bởi lẽ không bao giờ nói hết. Ngôn ngữ là một ngõ cụt. Ngôn ngữ vừa quy định vừa phủ định. Nó như một chiếc áo, vừa chỉ định thân thể bên trong nhưng cũng vừa che dấu thân thể đó. Đáng kể là ngôn ngữ có thể hủy diệt hai khả năng của nhân loại: suy luận và hành động. Hai bộ mặt đó của con người có thể bị tê liệt vì ngôn ngữ. Ngôn ngữ cho con người hiểu biết vũ trụ nhưng đồng thời cũng hạn chế sự hiểu biết đó. Đó là giới hạn của con người do chính nó tự quy định. Mặt khác ngôn ngữ là đường lối để con người hiểu nhau và thông cảm nhau. Sự hiểu biết và thông cảm càng thiết yếu khi con người càng nhìn nhận ngôn ngữ là phương tiện từ đó ý nghĩa được đem vào vũ trụ, thế giới. Ngôn ngữ thiết lập ý nghĩa cho đời sống và cho nhân loại. Mọi hoạt động của con người sẽ vô ích nếu không có ngôn ngữ nói lên ý nghĩa những hoạt động đó. Cũng bởi vậy hoạt động có thể biến đổi thực chất khi được ngôn ngữ gọi tên.Tuy nhiên vượt trên mọi lạm dụng, ngôn ngữ là khả năng định hình cho hành động.Có ngôn ngữ hành động mới thực sự đáng kể. Ngôn ngữ lưu giữ hành động và làm phổ biến nó trong không gian và thời gian. Thay đổi cả hành động, ngôn ngữ từ đó có thể thay đổi cả thực tế ngay trong một giây phút nào đó. Nói khác đi ngôn ngữ quy định được cả thực tế. Thưc tế được diễn tả và xây dựng bằng ngôn ngữ. Thực tế sẽ chết lặng và không còn tiến hóa nếu ngôn ngữ không ngừng bày tỏ những nhịp chuyển động mới. Ba khía cạnh thiết lập ý nghĩa, định hình hành động, quy định thực tế trên đây nhằm biện chính cho tương quan chặt chẽ giữa ngôn ngữ và xã hội. Nói cho cùng, ngôn ngữ là một sự kiện xã hội. Không thể phân chia một ngôn ngữ với xã hội nó sinh ra. Một xã hội đều bao hàm một hệ thống ngôn ngữ cá biệt và hệ thống đó đổi thay tùy theo hoàn cảnh lịch sử. Ngôn ngữ đi theo những thăng trầm của xã hội. Tuy ngôn ngữ có đời sống riêng nhưng nó giàu có hay nghèo nàn tùy theo những đột biến của hoàn cảnh. Những lo lắng về đời sống có thể chi phối toàn bộ hệ thống ngôn ngữ trong một thời gian lâu dài. Chính vì vậy lịch sử của ngôn ngữ nằm trong lịch sử của xã hội Những điều trên chứng tỏ hai tính chất căn bản của đời sống ngôn ngữ: xã hội và thực tiễn.Muốn hiểu một xã hội không thể không tìm hiểu ngôn ngữ của xã hội đó. Cũng vậy sự khảo sát về ngôn ngữ sẽ đưa đến sự khảo sát về văn hóa và ý hệ một xã hội. Ngôn ngữ đưa cá nhân vào trong thực tiễn xã hội, phân biệt thành những tổ chức xử dụng ngôn ngữ khác nhau. Sự phân biệt này có thể dẫn đến những biến động xã hội, bởi người ta có thể lầm lạc trên ngôn ngữ.Tuy nhiên trong tương quan chặt chẽ, ngôn ngữ là hình thức mãnh liệt nhất của nội dung xã hội, bày tỏ được xã hội dưới mọi hình thái phức tạp, quy tụ một tập hợp những hoàn cảnh lịch sử, hoạt động nhân loại, thực tại xã hội. Như vậy ngôn ngữ đang hướng về thực tiễn( Thực tiễn bao gồm thực tại và khả thể ). Do vậy muốn phân tích thực tiễn xã hội phải bằng cách soi sáng vào ngôn ngữ. Thực tiễn xã hội là một nội dung xuất hiện dưới nhiều hình thái, lãnh vực trong đó ngôn ngữ là một mực độ thiết yếu. Không thể lý hội nội dung xã hội mà không lý hội đồng thời hình thức ngôn ngữ thiết yếu đó. Ngôn ngữ là kinh nghiệm diễn tả của nhân loại. Vận chuyển của thực tiễn xã hội gắn liền với cuộc sinh thành của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là hình thức cao cấp chứ không phải hình thức duy nhất đi vào nội dung xã hội. Ngôn ngữ tự thắng vươt chính nó, hướng về thực tại xã hội, về hoạt động thực tiễn, về lãnh vực những khả thể và những ý nghĩa được tạo lập. Nếu cuộc sống nhân loại được diễn tả và thực hiện bằng những thông cảm tốt đẹp thì ngôn ngữ trên lãnh vực ý nghĩa học là cơ cấu tác thành sự kiện đó. Nói khác đi, con người thông cảm với nhau bằnh một mạch lạc khả xúc của ngôn từ. Ngôn ngữ là để viết và nói lên những hoàn cảnh lịch sử của nhân loại với những tập thể dân tộc, giai cấp xã hội. Ý nghĩa của lịch sử được soi sáng bằng ngôn ngữ. Hơn thế nữa, ngôn ngữ còn có thể đổi thay được ý nghĩa đó.Đây chính là con đường đưa ta trở về với văn chương, nghệ thuật, hiểu như một ngôn ngữ linh động và sâu sắc nhất.
Trên đây là những nhận định về những khía cạnh đặc biệt của ngôn ngữ. Nó là mối bận tâm sâu xa nhất của các nhà tư tưởng hiện thời. Ngôn ngữ văn chương đã trở thành một cơ cấu của thực tại xã hội. Văn chương được coi như nguồn năng lực tự phát động làm cho sinh hoạt xã hội vận chuyển thường xuyên. Nếu văn chương gây một ảnh hưởng, nếu thế giới không ngừng là thế giới, phải nhận rằng biểu lộ văn chương đã giúp vào để giữ thế giới đó hoạt động. Sự phát triển, tiến hóa chỉ được thể hiện khi xã hội được nhìn nhận bằng thái độ quay trở lại chính mình để lý hội sức trì đọng của mình.Muốn quay trở lại chính mình, xã hội phải căn cứ vào văn chương , bởi vì văn chương là lối nhìn về thực tại, về những thuộc tính của thực tại đó. Nhìn nhận xã hội là nhìn nhận văn chương. Tóm lại văn chương vừa là cơ sở, vừa là điều kiện vận chuyển và tiến hóa của thực tại xã hội.
Một nền văn chương đều phát sinh ra một ngôn ngữ riêng kể như là cá tính của nền văn chương đó. Và không phải là vô lý khi cho rằng hầu hết những chuyển động văn chương lớn đều kéo theo một cuộc cách mạng về ngữ học. Người làm văn chương có thể ức hiếp, đàn áp ngôn ngữ để buộc nó đảm nhiệm động tác truyền đạt cảm nghĩ của mình. Nhất là thi ca, ngôn ngữ không còn ý nghĩa duy nhất, ngôn ngữ ở bên kia ý nghĩa của nó và do vậy, đi vào thi ca ngôn ngữ đã mất tính cách xã hội của nó. Sartre cho rằng ngôn ngữ phản bội chúng ta hay các nhà hiện sinh xem ngôn ngữ là một nô tính siêu hình( servitude métaphysique ) chỉ nói lên sự bất lực và hạn chế của ngôn ngữ.Vì thế nãy sinh ra các trường phái văn học như là những phương thức để diễn đạt. Phương thức đó với M.Ponty là làm những tư tưởng hiện hữu theo cách thế của sự vật, với phái Tượng trưng là những ẩn dụ( métaphores )...Và nghệ thuật tu từ được xử dụng ở trong thi ca.
Tu từ hay sự chọn lựa câu, chữ, tu bổ sửa chửa là một nghệ thuật được xử dụng nhiều trong thi ca. Ngôn ngữ đó( tu từ ) được xử dụng vừa là hình thức vừa là nội dung của tác phẩm.Tu từ là cách xử dụng ngôn ngữ được ưa chuộng của các nhà thơ và đồng thời cũng rất được ưa chuộng từ giới thưởng ngoạn. Vấn đề được đặt ra qua hai khía cạnh: tính chất và tác dụng. Nói đến một nền mỹ học, chỉ làm người ta càng xa cách nhau trong một suy nghĩ. “ Cảm tính mỹ học, chính là sự ngưỡng mộ “( Le sentiment esthétique, c’est l’admiration – R.Bayer : Traité d’esthétique,Paris,A.Colin,1956). Đó là điều trước tiên, nhưng ngay vấn đề nhỏ bé này, người ta vẫn không đồng ý với nhau về bản tính của nó. Lý thuyết Duy trí và Basch cho rằng cảm tính mỹ học không có tính cách phổ quát trong những điều kiện giống nhau, trong khi Kant xác nhận ngược lại. Cho đến đối tượng của cảm tính này là cái đẹp, người ta vẫn chủ trương khác nhau. Hegel thì cho cái đẹp là “biểu lộ khả xúc của ý tưởng” hay là sự đồng nhất giữa ý tưởng và hình thức.Baumgarten cho là sự hoàn thành có thể làm xúc cảm. Nguyễn Bách Khoa cho là” một khái niệm hoàn toàn xã hội “, “ một khái niệm đẳng cấp”, “ một khái niệm nhân tạo do ý thức chủ quan của một xã hội ảnh hưởng qua lại với một thực tại khách quan …” ( Nguyễn Bách Khoa : Văn chương truyện Kiều, Hà Nội, Thế Giới, 1953 ). Rémy de Gourmont chủ trương không có cái đẹp tuyệt đối… Những quan niệm trên đều khác nhau, điều đó dễ hiểu bởi vì đúng như lời Hume nói : “Cái đẹp không có tính chất nào nơi chính sự vật, nó chỉ có trong ý tưởng kẻ thưởng ngoạn những sự vật đó”( Beauty is no quality in things themselves, it exists merely in the mind which contemplates them ). Hay như Victor Basch nói :” Tính cách mỹ học của một sự vật không phải là tính chất của sự vật ấy, nhưng là một hoạt động của bản ngã ta, một thái độ ta có trước sự vật ấy”( Le caractère esthétique d’un objet n’est pas une qualité de cet objet, mais une activité de notre moi, une attitute que nous prenons en face de cet objet ). Vì thế chỉ có cái đẹp của từng trường hợp, từng cá nhân, từng thời đại. Mỗi người lãnh hội cái đẹp qua một ý thức chủ quan và trên một cơ sở ẩn tàng gọi là ý thức mỹ học (conscience esthétique ) . Vậy quan niệm về cái đẹp là một quan niệm bất định nơi mỗi người, khó có thể có một tiêu chuẩn chung để đo lường những cấp độ mỹ học.Hơn nữa một tác phẩm bày tỏ cái đẹp có đủ tư cách để xác định là một tác phẩm nghệ thuật hay không ? Rất nhiều người đều chấp nhận như vậy. Đó là viễn tượng truyền thống . Nhưng thiết tưởng chủ trương đó hết sức phiến diện. Cái đẹp cũng như cảm giác chỉ dừng lại ở bình diện cảm quan .Là một phương diện tiêu cực của sự hiện hữu thi ca mà thôi. Một tác phẩm nghệ thuật chính thống thiết yếu phải vượt qua đời sống sơ khai đó để tiến đến một đời sống cao hơn, tác động mãnh liệt trên thực tại xã hội của nó. Đây không phải là một vấn đề đơn giản vì lẽ không có một xác định độc nhất về yếu tính văn chương nghĩa là có những dị biệt về quan niệm yếu tính. Cho nên văn chương sẽ hiện ra cho mỗi người một dáng vẻ. Mỗi dáng vẻ đó chỉ là một khía cạnh mà văn chương gửi đến chúng ta. Do đó cái nhìn trắc diện của người thưởng ngoạn không đảm bảo cho một xác định chung, không đổ đầy cái yếu tính làm thành văn chương. Mỗi trường phái văn chương quan niệm hoàn toàn dị biệt nhau về yếu tính đó. Duy có điều dựa vào những chất liệu xây dựng văn chương này để phân biệt cái khác với văn chương: thực tại và ngôn ngữ. Từ đó người ta xác nhận thế giới văn chương không phải là thế giới vật lý. Văn chương vượt ra khỏi những mô hình khả dựng của chất thể để tạo lập một hệ thống giá trị ý nghĩa tinh thần. Khẳng định này bao hàm một thái độ nhấn mạnh, một cái nhìn chú trọng vào ý hướng văn chương. Ý hướng văn chương không có trước văn chương, nó chỉ là thành quả của một quy nạp ý nghĩa những bày tỏ văn chương. Nói khác đi, thái độ đó muốn xác nhận mức độ mãnh liệt có thể có được của sức tác dụng văn chương. Hẳn có người sẽ dò hỏi sức tác dụng đó, nhưng có lẽ đó không phải là vấn đề quan hệ, bởi lẽ những điều kiện của tác dụng văn chương hệ tại ở sự khai mở ý nghĩa của người thưởng ngoạn. Khi ý nghĩa không còn bị chôn vùi trong những sự kiện mô tả, diễn đạt, thì bấy giờ văn chương mới có cơ hội phát triển sức hành động của nó.
Như vậy nghệ thuật xử dụng ngôn ngữ trong thơ là một phần quan trọng . Nghệ thuật tu từ sẽ biến thái theo cách thế triển khai ý nghĩa với nhiều khuynh hướng khác nhau. Sự triển khai ý nghĩa đó là sự kéo dài của lãnh hội. Càng lãnh hội, nó càng trườn mình ra.
Hãy đọc một bài thơ của Thanh tâm Tuyền :
Mai
1
Hồn thảo mộc giấc ngủ
Nằm mơ những ngôi sao mặt trăng
lá đan mắt ngõ
hôn vào môi vào má vào răng
những lời thơ rất cũ
gõ cửa trái tim nàng
2
Mùa hè lên tiếng cười
trong bàn tay nước suối
mùa tóc mun
đẹp những khu rừng không bóng cây
3
Em hoàng hôn trút áo
ngực gọi đêm về
vì còn đồi đá sỏi
cần lửa hôn gót chân
hành động tàn nhẫn
sao vỡ trên môi
Viết là phân trần, là bày tỏ, là lên tiếng, mang ý nghĩa một đối thoại với đời, với người. Tác phẩm là tiếng nói, thái độ được thể hiện ra. Bài thơ có tính cách đối nghịch, vừa là nơi nhập thế vừa là nơi xuất thế của nhà thơ. Bằng tác phẩm nhà thơ tự trình diện với đời, tự cọ xác với xã hội, tha nhân, hắn tự cột chặt trong những tương quan tha thiết đó. Nhưng cũng bằng tác phẩm, hắn vươn ra khỏi xã hội hắn đang sống, hắn không bị chìm đắm, bị áp đảo bởi xã hội. Nhập thế bằng giấc ngủ như cỏ cây( hồn thảo mộc giấc ngủ), đến với nàng bằng những lời yêu ái chân thật( những lời thơ rất cũ / gõ cửa trái tim nàng) nhưng lại xuất thế viễn tưởng về những khu rừng không bóng cây( đẹp những khu rừng không bóng cây ). Không có cây có thể gọi là rừng không ? Sự tham dự toàn vẹn với tác phẩm, tham dự lắm khi như một phiêu lưu cá nhân, đã hướng bài thơ vào hệ tu từ và nói theo Th.Maulnier, là một thứ dàn cảnh mà người đọc phải tự mình tìm kiếm vị trí để đi sâu vào tác phẩm.Bằng cách nào? Vẫn biết phê bình là ý thức văn chương, là chọn lựa một cách giao tiếp với tác phẩm làm nảy sinh ra một sự xung đột, một mối bất hòa bởi vì người đọc gặp trở ngại trong ý hướng lãnh hội, chấp tranh cùng ý nghĩa. Chẳng những thế, sự chọn lựa đó còn cố gắng xây dựng một ý nghĩa cho tác phẩm bởi vì phạm trù ngôn ngữ nào được mô tả bao giờ cũng soi về đời bằng một ý nghĩa. Người làm văn chương chính là kẻ làm xuất hiện ý nghĩa của đời hay theo Blanchot, của cuộc hiện sinh hoàn toàn là đêm tối và hỗn độn. Sự chọn lựa đó có thể tốt đẹp khi nó có lợi cho tác phẩm đồng thời có lợi cho đám đông mà tác phẩm đó gửi đến. Điều kiện đầu tiên để mà suy tưởng, để gây ra suy tưởng chính là kinh nghiệm. Kinh nghiệm có thể hình thành theo nhiều lối. Khi có kinh nghiệm để sống những cảnh đời trong văn chương, người thưởng ngoạn có thể đưa những cảnh đời đó về chung quanh mình hoặc có thể đưa mình về những cảnh đời đó. Trong cả hai trường hợp người đọc như bị cưỡng bách đi tìm kiếm lấy mình trong cùng một thân phận nhân loại, một cảnh giới thế gian nhằm cố gắng tạo lập những chiều hướng ý nghĩa song song cuộc hành trình với văn chương. Như thế ý nghĩa văn chương được phát triển trong một tương giao, một gia nhập thiết tha của toàn bộ đời sống của người thưởng ngoạn. Người đọc là thành phần của tác phẩm. Tác phẩm bao giờ cũng nắm người đọc để nó được hiện hình. Như vậy thi ca không chỉ là sự sáng tạo của người làm thơ , nó là sự tái tạo của mọi người khác nghĩa là của thiên tính nhân loại. Người làm thơ không ở trong một cảnh ngộ khác với mọi người trong công trình thi ca đã sáng tạo. Sự xây dựng đó là một điều thiết yếu bởi văn chương không độc đoán, duy nhất. Có điều người ta nghi ngờ đến nổi bi quan như Blanchot là mọi danh từ( mot ) tự bản chất đều là nhưng lời dối trá, vì thế mà theo ông, thật điên rồ khi tin rằng mỗi danh từ diễn tả hoàn toàn một sự vật. Thiết nghĩ cực đoan đó chẳng khác nào một phủ nhận, một xóa bỏ thực tại vậy. Bởi lẽ nếu văn chương bản chất là một cơ cấu những danh từ, là dối trá thì sự hiện diện của nó sẽ không được kể. Dù không quyết đoán như R.Lalou rằng “mọi tư tưởng có thể diễn tả, như vậy có thể hiểu được “ (toute pensée est exprimable, donc accessible), ta cũng nhận rằng văn chương trong tư thế của nó không phải là một thứ hư vô chủ nghĩa. Nghĩa là chữ nghĩa văn chương bao giờ cũng nói lên một ý nghĩa nào đó. Tuy nhiên nó luôn luôn đòi hỏi tác thành bằng những ý nghĩa bao hàm do bởi sáng tạo của người thưởng ngoạn.
Có một cái nhìn đại thể trên văn chương cùng sự trở về đích thực với văn chương đó, chúng ta đã mở ra một quan điểm từ đó trình bày một lề lối sinh hoạt văn chương, nghệ thuật. Quan điểm đó nhằm thu hồi văn chương khỏi tình trạng vô bằng (gratuit) để vận động một lối xuất hiện kỳ diệu và thiết thực hơn, là xuất phát điểm của văn chương trên hướng tiến vào xã hội, vào hậu thế của tác phẩm( postérité de l’oeuvre ).
■