Thi Sĩ Nói Về Nhà Phê Bình

Marina Tsvetaeva

hàn song tường chuyển ngữ

 

Lời giới thiệu:

Marina Tsvetaeva là một trong bốn nhà thơ lớn của nước Nga gồm Osip Mandelstam, Boris Partenak, Anna Akhmatova  và bà trong thế kỷ hai mươi. Bà còn nổi tiếng là một người viết văn xuôi trong một thời đại của thi ca. Từ sau cuộc cách mạng Nga 1917, bà ra sống ở nước ngoài, nhưng vẫn tiếp cận sáng tạo với những công trình văn học hay nhất của nước Nga. Phần lớn những sáng tác bằng văn xuôi của bà tập trung vào những chủ đề thi ca, bên cạnh những tác phẩm của Pastenak và Mandelstam.

Cuộc đời của Tsvetaeva là một chuỗi ngày phiêu lưu trong những kỳ thú của lưu đày, khốn khó. Là con gái của một học giả kiêm nhạc sĩ tên tuổi, bà kế thừa được tinh thần chủ nghĩa trữ tình ngay từ thuở thiếu thời, hấp thụ một giáo dục cổ điển, thông thạo hai thứ tiếng Đức và tiếng Pháp, và làm quen với những tác phẩm văn học lớn qua những ngoại ngữ này, bà lại còn được du lịch qua Ý, Thụy sĩ, Pháp và Đức cũng duyên do tự sức khỏe của bà mẹ cần những miền khí hậu trong lành, nhờ đó bà đã được gặp gỡ nhiều  học giả, thi sĩ, họa sĩ.

Trong thời Cách mạng, phần lớn gia sản bị tịch thu. Trong năm năm trời, bà sống khốn khó với hai đứa con nhỏ, trong khi chồng tham gia quân đội Bạch Nga trong cuộc Nội Chiến. Người con gái bé nhỏ của bà bị chết vì đói. Cho đến khi di cư, bà vẫn chật vật kiếm cách sinh nhai.

Phần lới những tác phẩm của bà được  viết ra trong thời gian lưu đày. Từ sau 1925 khi tình thế tuyệt vọng của việc di dân không thể quay trở về, một nền văn học Nga nở rộ mà trung tâm quy tụ về Paris. Tsvetaeva định cư ở đây từ tháng 11 năm 1925 và sáng tác nhiều trong suốt mười bốn năm sống tại Paris. Tuy nhiên giới phê bình có thành kiến ác cảm với bà vì quan điểm văn chương của bà có phần nghịch với những nhà văn và nhà phê bình di dân, khi bà cho là nguồn động lực sáng tạo không phải chĩu nặng với quá khứ nhưng hướng về phía  bên kia, và những người đọc thực sự vẫn ở trong nước Nga. Bà nói: Ở đó tôi không được xuất bản, nhưng tôi được đọc, còn ở nơi đây, tôi được xuất bản nhưng không có người đọc.

Từ những thập niên 1930 bà chuyên viết văn xuôi, nhưng bà viết để ca ngợi thơ. Bà viết để giải thích thơ cho những kẻ không tin thơ, và bảo vệ thơ chống lại sự lạm dụng và phỉ báng thơ.

Năm 1938, bà cùng con trai trở về Moscow, sau khi chồng và con đã hồi hương trước đó (chồng bà,ông Sergei  làm mật vụ cho Liên Xô từ năm 1935). Vào mùa hạ năm này, chồng và con bị bắt. Năm 1941 khi chiến tranh bùng nổ, bà di tản khỏi Moscow và tự tử ở Elabuga. Cuộc đời của nữ sĩ kết thúc trong bi thảm vì quá ngây thơ tin vào lòng nhân đạo của chế độ độc tài.

Phần trích đoạn dưới đây biểu thị quan điểm thuần túy thơ của Tsvetaeva.

 

Thế nào là nhà phê bình thơ

 

Nhiệm vụ đầu tiên của một nhà phê bình thơ là chính ông ta không được làm những bài thơ dở. Đòi hỏi tối thiểu là đừng nên in ra.
 

Làm sao tôi có thể tin cậy tiếng nói của con người – tôi giả dụ gọi tên là X, nếu  ông X này không thấy cái dở trong những bài thơ của chính mình. Đức tính đầu tiên của nhà phê bình là khả năng có thể thấy. X đã mù lòa từ lúc ông ta không những viết mà còn đem ra xuất bản! Có thể mù đối với công trình của chính mình trong khi có thể nhìn thấy công trình của người khác. Lấy một vài ví dụ ở đây. Cứ xem mấy bài thơ tồi tàn của nhà phê bình vĩ đại, Sainte-Beuve. Nhưng, có điều, Sainte-Beuve ngưng viết; nghĩa là ông đã cư xử với chính mình rõ ràng với tư cách một nhà phê bình già dặn: phê phán và kết án. Mặt khác, ngay cả nếu ông tiếp tục làm thơ, nhà thơ dở Sainte-Beuve sẽ bị nhà phê bình giỏi, nhà lãnh đạo và tiên tri của cả một thế hệ  Sainte-Beuve chặn lại ngay. Trong vĩ nhân, thơ hẳn là nhược điểm. Bị coi là nhược điểm và ngoại lệ. Sao có thể tha thứ  được!

 

Sainte-Beuve với đầy khả năng sáng tạo, ngưng làm thơ – nghĩa là ông liệng bỏ con người làm thơ trong ông. X không có tí sáng tạo nào nhưng vẫn không dừng lại – ông ta kiên trì coi mình là một nhà thơ.

 

Ngự sử ơi, ông hãy tự trừng phạt  chính ông đi!

 

Bản án  mà nhà phê bình vĩ đại Sainte-Beuve tự giáng lên ông với về mặt con người   thi sĩ nơi ông, khiến tôi an tâm là ông ta không gọi cái dở trong tôi là hay (cũng như thẩm quyền của ông, những ï đánh gía của chúng ta trùng hợp: điều gì xấu với ông là xấu đối với tôi). Phán xét của nhà phê bình Sainte-Beuve về nhà thơ Sainte-Beuve có nghĩa là, kể từ đây, nhà phê bình không thể sai lầm và cáo buộc được.

 

Nhưng cái can đảm mà nhà phê bình tầm thường N đem lại cho nhà thơ tầm thường trong y khiến tôi tin chắc rằng y sẽ gọi cái tốt nơi tôi là cái xấu (như không tin vào tiếng nói của y, những đánh giá của chúng ta không có trùng hợp: nếu điều đó tôi, vậy thì chắc hẳn đánh giá của tôi tồi tệ). Lấy Pushkin làm gương mẫu và tôi dám nói là tôi sẽ giữ im lặng, chắc hẳn tôi có vài ý nghĩ. Nhưng không nên lấy N làm gương mẫu và tôi sẽ không quên y, tôi sẽ cười. (Những bài thơ của một nhà phê bình thơ có gì khác, y đã có khôn ngoan do những lỗi lầm của người khác, nếu không là những gương mẫu? Những sai trái của y sao? Bất cứ người nào xuất bản cũng có thể phát biểu: “Điều này tốt!”. Một nhà phê bình xuất bản nơi đây phát biểu: Đây là kiểu mẫu.”. Bởi vậy chỉ có nhà thơ mới xứng đáng  không khoan dung là một nhà phê bình, cũng như kẻ bị án xứng đáng là nhà phê bình thơ)

 

Cho nên, trừ phi chúng ta coi hoạt động chính yếu với con người chính yếu đằng sau nó, có quy luật: những bài thơ tồi thì không thể tha thứ được nơi nhà phê bình thơ. Ông ta là nhà phê bình tồi, nhưng có lẽ những bài thơ của ông ta hay? Không, thơ cũng tồi luôn. Chúng là những bài thơ dở, nhưng có thể phê bình thì hay? Không, phê bình cũng dở luôn. Nhà thơ N làm giảm niềm tin của chúng ta vào nhà phê bình N, và nhà phê bình N làm giảm niềm tin của chúng ta vào nhà thơ N. Vậy con đường nào để tiếp cận đây.

 

Tôi ủng hộ điều đó với một ví dụ cụ thể. G. Adamovich kết án tôi đã coi thường cú pháp văn phạm nhà trường, và cũng trên tạp chí đó, mấy dòng trước hay sau, ông ta  cầu đến lối chuyển câu như sau:” …trong một tiếng nói đổi giọng-trâng tráo, khô khan.”

 

Điều đầu tiên tôi cảm thấy là – có gì sai lầm! Một tiếng nói đổi giọng thì không tự ý. Trong khi trâng tráo là một hành vi có ý chí.  Cái dấu nối “trâng tráo” với “đổi giọng” tạo cho “trâng tráo” là một thuộc từ của “đổi giọng” và như vậy gợi ý: đổi giọng kiểu nào đây? Hơn là “đổi giọng”  từ nguyên cớ nào?

 

Liệu một tiếng nói có thể đổi giọng một cách trâng tráo?  Không. Từ trâng tráo, được. Thử thay “xấc láo” và lập lại thử nghiệm. Cùng một đáp án: từ xấc láo, được; một cách xấc láo, không. Bởi vì cả hai “xấc láo” và “trâng tráo” đếu có nghĩa chỉ một cái gì có ý và tích cực, trong khi một tiếng nói đổi giọng thì không tự ý và thụ động.  Xem ra từ sự trâng tráo mà tôi làm cho tiếng nói tôi đổi giọng. Kết luận: thiếu vắng cú pháp văn phạm nhà trường, và còn trầm trọng hơn nữa là, thiếu vắng cả luận lý. Chủ nghĩa ấn tượng – nhân thể nói đến ở đây là tôi hoàn toàn hiểu rõ, dầu cho tôi không mắc phải tội lỗi này. G. Adamovich muốn tạo một ấn tượng về cả trâng tráo lẫn đổi giọng cùng lúc, gia tăng ấn tượng. Ông ta bám vào cái gạch ngang mà không suy nghĩ. Ông ta không biết dùng dấu gạch ngang. 

 

Không ai có quyền phán xét một nhà thơ không đọc từng giòng nhà thơ đã viết. Sáng tạo tiến triển tuần tự viên mãn. Điều gì là tôi ở năm 1915 giải thích những gì tôi có ở năm 1925. Lịch đại là chìa khóa đi vào hiểu biết.

 

-        Tại sao những bài thơ của bà khác nhau đến thế.

-        Bởi năm tháng khác nhau.

 

Người đọc lấy cái phong cách viết một điều nào đó càng đơn giản lại càng phức tạp không thể so sánh được: đó là thời gian. Kỳ vọng những bài thơ đồng bộ từ một thi sĩ ở vào năm 1915 với năm 1925 cũng giống như kỳ vọng những nét mặt giống nhau y chang ở vào năm 1915 với năm 1925. Không ai hỏi “ tại sao bạn thay đổi đến thế trong vòng mười năm vậy?”, vì sự việc thật hiển nhiên. Họ không hỏi, chỉ nhìn thôi và sau đó họ tự nhủ:  “Thời gian trôi qua.” Điều này cũng như những bài thơ.. Thời gian như ta rõ không làm cho ta đẹp hơn, trừ phi ở tuổi ấu thơ. Không ai đã biết tôi từ lúc hai mươi lại có thể nói với tôi vào lúc này tôi đã ba mươi . “ Sao trông cô càng trở nên xinh hơn vậy.” Ở vào tuổi ba mươi, tôi trở nên sắc sảo hơn, độc đáo hơn thì có -  có thể đẹp hơn. Nhưng không thể xinh hơn. Điều đó đối với bộ dạng thì cũng như thế đối với thơ. Những bài thơ không thể xinh hơn đối với thời gian. Xinh là tiêu chuẩn bên ngoài, còn đẹp là tiêu chuẩn bên trong.

 

Để có ý kiến về một vật, bạn phải sống trong sự vật đó và yêu thích nó. Lấy một ví dụ đơn giản: Chính bạn đi mua một đôi giầy, bạn biết gì về nó? Đôi giầy có vừa chân bạn hay không? Bạn có thích nó hay không? Phải mua ở tiệm nào tốt nhất? Thương  hiệu của nó ra sao? Không có gì khác. Bạn không thể thẩm định chất lượng, hay tính bền của nó vì bạn không phải là người đóng giầy hay làm da thuộc. Phán đoán về bản chất, là cái gì không thấy, chỉ có thể do người ta sống và làm việc trong môi trường đó. Liên hệ với nó thuộc về bạn, nhưng thẩm định thì không.

 

Nghệ thuật cũng như vậy. Đây là thơ của tôi, bạn thích hay không thích, nó có làm bạn cảm hay không. Còn thơ tốt xấu thế nào, chỉ có chuyên gia nói được thôi.