ĐẶNG PHÙNG QUÂN

Thân Phận Thơ/Thi sĩ

 

Thi sĩ, những đứa con của chuông tỉnh báo

Poètes, enfants du tocsin

                                                                  

René Char

 

1.

Thân Phận Thi Sĩ

 

Tại sao lại có những thi sĩ ? Khả hữu tính của thi ca là một khả hữu của con người như thể sự biểu lộ của con người – nhưng đã là khả hữu biểu thị tất phải đòi hỏi ý thức. Biểu lộ là sự thực hiện của ý thức này nơi chính nó, xuất hiện với chính nó. Biểu lộ diễn tả sự tự do trong khi chối từ điều kiện nội tại trong sự quyết định chỉ tuân theo luật lệ đạo đức của lý trí tự thân: thi sĩ. Khi sáng tạo, người thi sĩ dựng lên tác phẩm, nhưng tác phẩm của thi sĩ như vậy không phải là tác phẩm thi tính. Đã có những bài thơ, nhưng không phải đã có những thi sĩ. Đã có những công trình thi tính, nhưng không phải đã có những dấu vết của người thi sĩ để lại với trần gian. Thi sĩ không phải là tiên tri – mang theo ngôn ngữ thuần khiết đến rao giảng cho công chúng. Thi sĩ không phải là kẻ quỷ ám, không phải là thiên tài. Thi sĩ là người ở trong thân phận bủa vây và chỉ ở trong thân phận này, là cơ hội đến với người thi sĩ để chối từ thân phận qua hành động tự do. Con người trong đời sống thông thường không cảm nghĩ đến sự thiết yếu của những cơ ngơi đó, họ cũng không tìm kiếm chúng. Con người của đời sống hàng ngày đã không có những dịp may như thi sĩ. (Phải chăng thơ là lãnh địa của tôn nghiêm, của “cõi trời cách biệt” – chữ của Hàn Mặc Tử ?). Con người dưới phố quá an tâm về tự do của họ nên không cần thiết phải cảm thấy tự do này bằng hành động. Khởi sự ly cách giữa con người của đời sống thông thường với con người thi sĩ từ đó. Cũng như con người triết lý, khát vọng tại hữu và tự do thúc đẩy thi sĩ dấn thân vào biến đổi. Một khi suy tưởng tạo thành cơ bản của cá nhân đơn độc, những cõi đời đã qua, những khoảnh khắc trùng trình đã sống lại hiện diện nơi tâm tưởng, con người nhìn sự quyết định, sự chọn lựa quyết định như thể của một ý thức mà những thúc phọc ngoại tại, những luật lệ của nhân giới không còn dìu dắt được nữa, khi mà đời sống thường nhật không còn đáng chú tâm nữa, với công trình và những mối bận tâm đặc thù làm đầy ý thức kinh nghiệm này của bộ diện hàng ngày, con người khám phá ra nhu cầu của ý thức kinh nghiệm này cũng là tự do, phải tìm đến một hình thái sống ở đó ý thức cũng thành cụ thể để có thể tự tàn phá, ở đó ý thức miên man trong tự do tiêu hủy một kiến tạo chỉ là kiến tạo của nó bởi vì nó tiêu hủy. Kiến tạo là kiến tạo của tiêu hủy. Ý thức tạo thành thi tính. Mang vận hội của poiesis, thơ đang vùng vẫy đập phá, thơ đang tạo thành, thơ là sáng tạo, thi sĩ là kẻ sáng tạo, thơ sáng tạo. Chọn lựa thi ca, bởi vì thơ trở thành một cái gì quan trọng đối với con người thi sĩ: con người phải là thi sĩ để sống cái gì con người biết là nền tảng của chính mình. Con người biết mình là cái tôi, không còn gì để diễn tả, để nói nữa – cái còn gì để nói ở lại trong cuộc đời, nói như thể không nói đến. Chính vì điều đó một cách minh thị, thơ cung ứng phương tiện để người thi sĩ nhận thức được tự do phung phá thân phận khi sáng tạo ra những thế giới và những điều kiện tri tưởng, bởi vì những tri tưởng này cho phép thi sĩ chứng tỏ tự do của mình. Khoảnh khắc làm thơ là khoảnh khắc giả tưởng. Sáng tạo như giả tưởng không tách rời với người sáng tạo. Một khi kẻ giả tưởng ra khỏi, thế giới tri tưởng không còn nữa, kẻ mộng du tỉnh dậy, giấc mơ biến mất. Đã đành là có thi ca, nhưng điều đó thuộc về quá khứ; liệu có những thi sĩ, điều đó mới quan trọng. Có thể trước đây, người thi sĩ mang theo một sứ điệp, chiếm giữ một vai trò trong cộng đồng – là kẻ giữ gìn truyền thống, là người tiên tri báo hiệu những trách vụ, những mục đích cao cả của chúng dân, đem lại cho mọi người sự hiểu biết về tâm tình và trái tim của họ khi vén mở cho họ thấy những điều lành ấy ở trong một hiện hữu quyền năng hơn cuộc đời hiện hữu của họ. Sứ điệp, vai trò ấy không còn nữa. Bởi vì con người đã vượt qua thân phận, không tin tưởng vào truyền thống nữa, mọi quyền năng tuyệt đối ở ngoài con người cũng chỉ là sản phẩm của thân phận và trở lại thành thân phận. Ý thức đã chiếm hữu thân phận; thi ca chỉ còn là hình thái lịch sử có một thời, tạo thành một thời đối với người thi sĩ và thuộc về quá khứ mà ý thức là chứng nhân quý báu. Ý thức về thi ca. Ý thức sáng tạo, người thi sĩ có ý thức cái chết của thơ. Nhưng chính nơi cái chết của thơ là sự nẩy sinh của thi sĩ: chọn lựa thi ca, con người tự thành thi sĩ để thực hiện tự do của mình đối với chính mình, hơn nữa, đối với con người làm thơ, chỉ còn lại khả hữu này trong muôn vàn những khả hữu quan trọng đối với con người. Khả hữu hàm ngụ ý thức, khả hữu đối với ý thức, khả hữu của một ý thức không dành phần một thế giới ở đó thi ca tưởng rằng diễn tả, chiếm hữu, mang những sứ điệp. Đối với ý thức thi sĩ, chỉ có chân lý duy nhất, là con người thi sĩ là cái tôi trong tự do của mình thoát ra khỏi thân phận, và điều nghiêm trọng duy nhất là cuộc chơi, là giả tưởng tự biết là giả, là cuộc chơi. Sự phân cách giữa con người thi sĩ và con người thông thường chính là vì đời sống thường nhật là đời sống trong điều kiện, mang một thân phận bởi vì đời sống bận bịu, bị bủa vây bởi công việc làm và những mối bận tâm hàng ngày. Đối với cá nhân, thế giới là một ngoại giới bao dung lấy hiện hữu cụ thể mà con người gánh chịu và nếu cuộc đời có là môi trường của sự quyết định đạo đức, nó cũng không là môi trường tự do xuất hiện. Con người thông thường vùng vẫy trong lao động, tổ chức trong giới hạn, suy nghĩ một cách hữu lý, bận rộn với việc làm, tạo dựng những công trình. Nhưng chỉ có một sự việc duy nhất đáng kể đối với con người thi sĩ, đó là công trình của người phải là tác phẩm của riêng mình; trong tác phẩm ngưồi thi sĩ biết mình là kẻ sáng tạo. Kẻ sáng tạo đơn độc ở bên ngoài thân phận. Thi sĩ không muốn tự phản ảnh trong thế giới nhưng muốn phản ảnh thế giới nơi mình, cũng không phải phản ảnh thế giới tại hữu hay phải trở thành, bởi vì trong tự do, thi sĩ không còn biết mình ở trong thế giới nên thế giới của thi sĩ đi tái lập là những thế giới khả hữu và chỉ khả hữu như những giả tưởng của riêng mình. Chính nơi những khả hữu, con người thi sĩ không nói gì về thế giới, không đợi chờ gì ở thế giới – không nói với tất cả mọi người.

 

Đã in trong tập san Vấn Đề (Saigon) số 40, tháng 7 năm 1971; in lại trong “Triết học và Văn chương”, 1974.

 

2.

PAUL ÉLUARD

Thể Lý Của Thơ

 

Thử hình dung một người đàn ông, một người đàn bà nào đó, chứ không phải đàn ông, đàn bà [nói chung]. – Chủ đề : khoảnh đất này nhìn ra biển, biển nhìn ra trời, trời nhìn ra tôi. Tôi thấy gì ? Con mắt tôi có khóa giây lưng này ? Tôi ở xa tấm gương này và thật lớn, tôi ở xa trong tấm gương này và thật  bé nhỏ. Từ  tầm vóc tôi không ngừng chuyển động, không ngừng khác biệt, đâu là tầm vóc của thế giới ? Bằng như lấy tầm vóc của nước. – những quan hệ giữa những sự vật, vừa lập thành, xóa đi để những quan hệ khác lẻn vào, cũng thoáng qua. – Không gì tự sự đầy đủ, không gì lập lại tự diện. Cái phù phiếm của những họa sĩ, thật bao la, từ lâu đưa đẩy họ tới trước một phong cảnh, trước một hình ảnh, trước một bản văn, như đứng trước một bức tường, để lập lại. Họ không khao khát chính họ. Họ chỉ thích dụng. Thi sĩ, thường luôn nghĩ đến việc khác. Họ thân quen với sự khác thường, lạ mặt với dự mưu.  Nạn nhân của triết học, vũ trụ ám ảnh. “Chính là một người hay một hòn đá hay một  cây khởi sự  khúc ca thứ tư” (Lautréamont). Nếu là con người, có phải cái con người vọng động vô ích hay kẻ khác gậm nhấm nụ cười đần độn như  một bộ ria mép cường ngạnh. Cái giống  nhau chối từ cái phổ biến, người ta không tạo chân dung con người. Đó là một người nói vì con người, đó là một đá tảng nói vì mọi đá tảng, đó là một cây nói vì mọi rừng, vì tiếng vọng không chân dung, chỉ tồn tại, một mình, sau cùng để được biểu tỏ. Một tiếng vọng chung, một cuộc đời hòa hợp từ mỗi khoảnh khắc, từ mỗi đối vật, từ mỗi đời, cuộc đời.

 

Đồng hồ quả lắc điểm hai cú dao và máu trinh nữ bay bổng nhẹ nhàng dưới trăng.

Những bài thơ thường có những đường biên lớn trắng, những đường biên lớn của im lặng mà trí nhớ nồng nhiệt hao mòn đi để tái tạo một nỗi cuồng mê không quá khứ. Phẩm chất chính của những thơ không phải để chiêu niệm , song để cảm thụ. Biết bao bài thơ tình không đối tượng hợp nhất những tình nhân. Biết bao nhiêu bài thơ khác đưa người đàn bà của thi sĩ đến một người đàn ông khác. Để lấy đi niềm thỏa mãn nào đó, đối tượng tự khuếch  đại. Vì tình nhân người đàn bà được yêu thay cho mọi đàn bà mà người ta ao ước, quả thực nàng có thể được mọi người yêu. Từ đó đến chỗ mong muốn. Ngôn  ngữ cụ thể làm sao!

 

Biết bao hình ảnh cần nhờ họa sĩ để chỉ ra những mơ hồ đơn giản nhất, những hóa thân thân quen nhất, như : “đó là một người hay một hòn đá hay một cây khởi sự khúc ca thứ tư.”.” Bởi nếu như trói buộc vào chỗ hình dung đá tảng hay cây này nọ , chúng ta thường không xác nhận là nhằm đá này hay cây này, hơn là những cái khác, rất hiển nhiên là vì không đặt để ra với chúng ta. Điều này dẫn đến vô cùng. Còn con người ra sao ? Ôi Lautréamont không chân dung ! Và cái từ hay ra sao ? Bao nhiêu là hình ảnh nhà họa sĩ cần để chỉ ra trong khốn khó mưa, khí lực sau cùng của mây, khi đã quá đủ để tạo móng vuốt bọc nhung ? Bao nhiêu là hình ảnh hay những đoạn hình ảnh để chỉ cho thấy thời gian cho đi và chỉ luận trên quái dị, trắc trở, phản nghĩa, lãng quên ? “Không còn gì, Khăn thánh nói.Những con chim.” (Alfred Jarry). Và những lầm lỡ yêu kiều, những từ mới, những từ ma thuật, oa trữ  chất lân dục vọng, chất chì ngay thật , mã não hận thù ? Đâu là đặc chất nói anh yêu em mà người ta chẳng thể ngờ vực ? những từ  thủ đắc. Người ta chỉ thấy điều người ta muốn trong khi nhắm mắt, tất cả được cất cao giọng diễn tả.

 

Rốt cuộc được thuyết phục về cái khốn khó tuyệt đối của danh tiếng trực giải, một số họa sĩ của nửa sau thế kỷ toan tính diễn tả những hình ảnh  và ngay cả bản chất của thơ dâng hiến cho họ bằng những tượng trưng. Nhưng nỗ lực văn chương mà quả thực bị hạn chế  dường như thiết yếu đối với họ rủi  thay chỉ có những nghệ nhân thứ yếu mới toan tính công việc này. Không thấy những Rops, những Redon, những de Groux, danh tiếng tượng trưng của thơ chết đi trước khi chiếm lại được vị trí dành cho nó.

 

Khởi từ Picasso, những bức tường sụp đổ. Người họa sĩ không từ bỏ thực tại của mình cũng như thực tại thế giói. Y đứng trước một bài thơ như người thi sĩ đứng trước một bức tranh. Mơ mộng, tưởng tượng, sáng tạo. Và bất ngờ, đối tượng ảo sinh ra từ đốùi tượng thực, để chính nó chuyển biến thành thực, tạo hình ảnh, từ thực đến thực, như một từ với mọi từ. Người ta không lầm lẫn về đối tượng nữa, bởi mọi sự hài hòa, liên kết, đáng giá, đền bù. Hai đối tượng chỉ chia ly để tìm lại nhau tốt hơn từ xa, qua giai tầng mọi sự, mọi vật. Người đọc một bài thơ tất nhiên hiển thị thấy. Y uống tận nguồn. Chiều nay, tiếng nói y có một âm điệu khác, mái tóc y  yêu thông hơi hay nặng nề thêm. Nó vây quanh giếng ảm đạm của ngày hôm qua hay vùi vào trong gối, như một cây gai.

Chính là lúc những đôi mắt đẹp lại khởi sự, nhận thức và rồi thế giới sáng ngời.

 

Physique de la Póesie, in trong Donner à voir1939. LC chuyển ngữ

 

3.

JORGE LUIS BORGES

Nghệ Thuật Thơ

 

Hãy nhìn vào dòng sông làm bằng thời gian và nước

Và nhớ cho  thời gian là dòng sông khác

Hãy biết  rằng chúng ta thất lạc như thể dòng sông

Và những bộ mặt tan ra như nước

 

 

Hãy hiểu thao thức là giấc mộng khác

Mà mộng không mơ và chết

Mà thể xác ta hãi sợ là cái chết

Đến hàng đêm, gọi là giấc ngủ

 

 

Hãy nhìn trong  ngày hay trong năm một tượng trưng

Của những ngày của người và của những năm tháng,

Biến  giận dữ của năm tháng

Thành một điệu nhạc, một lời thì thầm, và một tượng trưng

 

 

Hãy xem trong giấc ngủ sâu, và trong hoàng hôn

Một khối vàng sầu – đó chính là thơ

Vừa bất tử và khốn khổ. Thơ

Trở lại như bình minh và hoàng hôn.

 

 

Vào những buổi chiều tà một khuôn mặt

Nhìn vào chúng ta tự đáy sâu của gương

Vén lộ cho ta khuôn mặt thực của ta.

 

 

Họ nói rằng Ulises, chán ngấy với những kỳ công,

Khóc những dòng nước mắt tình yêu  trước cảnh tượng Itaca

Xanh và hèn mọn. Nghệ thuật là Itaca này

Của vĩnh cửu xanh, không phải của kỳ công

 

 

Cũng như dòng sông không bờ bến

Trôi chẩy và tồn tại và là tấm gương của cùng một

Heráclito biến định, cùng là một

Và là kẻ khác, như dòng sông không bờ bến

 

                                                                                   

Arte Poetica, in trong El otro, el mismo, 1969. LC chuyển ngữ

4.

RAINER MARIA RILKE

Tự Họa Chân Dung Thi Si Năm 1906

 

trong hồ hình đôi mắt sự kiên trì của một giòng quý phái,

trong cái nhìn còn niềm sợ hãi và màu xanh của trẻ thơ,

của khiêm cung,  không phải nơi người hầu,

nhưng  nơi nô bộc và đàn bà.

Miệng là miệng, rộng và rõ ràng,

không thuyết phục, nhưng trung tín.

Trán không ác hiểm

Mà sẵn lòng khuất phục bóng của im lặng.

Từ  mọi điều đó đồng thuận chỉ dự cảm;

không trong đau khổ hay trong thành công

không  thô bạo nhằm cho một thành tựu lâu dài,

nhưng như thể, từ xa, cùng với mọi sự  phân tán,

một công trình nghiêm trọng và thực  được phóng chiếu ra.

 

Selbstbildnis aus dem Jahre 1906, in trong Neue Gedichte, Paris 1906. VTD chuyển ngữ

 

5.

MAX JACOB

Văn Chương Và Thơ

 

Ở vùng lân cận Lorient, trời nắng chói chang và chúng tôi đi tản bộ, vào những ngày này tháng chín nhìn biển dâng, dâng lên và phủ những rừng, phong cảnh, bờ giốc. Khi không còn chống chỏi với biển xanh là lúc những khúc quanh co đường nhỏ dưới những rặng cây và những gia đình quần tụ. Trong bọn chúng tôi có một đứa trẻ bận quần áo thủy thủ. Nó có vẻ buồn, nắm lấy tay tôi: “Thưa ông, nó nói với tôi, cháu ở Naples; ông có biết ở Naples, có nhiều con phố nhỏ; trong những con phố người ta có thể hoàn toàn nghỉ ngơi một mình mà không ai thấy:  Không phải vì ở Naples đông người nhưng có biết bao con phố nhỏ không có lấy một người. – Thằng nhỏ còn nói láo với con vậy ư, cha tôi bảo tôi, nó không đến Naples bao giờ. - Thưa ông, con trai ông là một thi sĩ. – Vậy ư, nhưng nếu nó là nhà văn tao sẽ vặn cổ nó !” Những khúc quanh đường nhỏ biển để lại khô ráo đã làm nó nghĩ đến những con phố ở Naples.

 

Littérature et poésie, in trong Le cornet à dets, 1945. LC chuyển ngữ

 

 

6.

PABLO NERUDA

Thơ

 

Và ở vào thời đó thơ đến

tìm tôi. Tôi không biết, tôi không biết từ đâu

thơ đến, từ mùa đông hay từ dòng sông.

Tôi không biết làm sao hay lúc nào,

 không, không có tiếng nói, không

có lời, không im lặng,

nhưng từ một con phố thơ gọi tôi,

từ những nhánh đêm,

đột ngột giữa những nhánh khác, giữa những ngọn lửa điên cuồng

hay trở lại một mình,

nó đó, không chân dung,

và chạm vào tôi.

Tôi không biết nói gì đây, miệng tôi

không thể biết

kể tên

mắt tôi mù lòa,

và có gì gõ trong hồn tôi,

cơn sốt hay những cánh bỏ rơi,

và tôi tự chọn con đường,

giải mã

ngọn lửa này,

và tôi viết những dòng thứ nhất, mơ hồ

mơ hồ, không thể chất, thuần túy

vô nghĩa,

thuần túy khôn ngoan

của một người không biết gì

và bất ngờ tôi thấy

trời

cởi bỏ

và mở ra,

những hành tinh,

những đồn điền run rẩy,

bóng tối khoan,

đục lỗ

với cung tên, lửa, và hoa,

đêm chế ngự, vũ trụ.

 

Và tôi, sinh vật nhỏ bé,

say sưa với  khoảng không

mênh mông những vì sao

giống như, hình ảnh

màu nhiệm,

tôi cảm thấy như một phần tử tinh khiết

của vực sâu.

tôi lăn đi cùng những tinh tú.

trái tim tan rã trong gió.

 

La poesía in trong Donde nace la lluvia, 1964. VTD chuyển ngữ

 

 

7.

SAINT-JOHN PERSE

Niệm Cầu

 

Thơ để đồng hành bước đi của một lời kể  vinh danh Biển.

Thơ để trợ giúp khúc ca của một bước đi quanh Biển.

Như công việc đi vòng quanh bàn tế và dẫn lực của hợp xướng chung quanh bản nhạc.

 

Và là một điệu ca của biển như chưa bao giờ được hát, và là Biển trong chúng ta sẽ hát lên:

Biển, mang chúng ta đi, đến tận chán chường hơi thở và kết cú hơi thở,

Biển, trong chúng ta, mang tiếng động dịu như tơ của trùng khơi và tất cả vẻ tươi tắn của lợi lộc của thế giới.

 

Thơ để làm dịu cơn sốt của canh thức hàng hải . Thơ để làm canh thức của chúng ta sống tốt hơn theo khoái cảm của biển.

 Trích Invocation (3) in trong Amers, 1957. M chuyển ngữ

 

8.

RENÉ CHAR

Thi Sĩ

 

nỗi buồn của những kẻ thất học trong bóng tối những chai

mối lo âu nhỏ nhặt  của những thợ đóng xe

những mảnh tiền trong bình sâu

trong những máng đe

thi sĩ cô độc sống

cỗ xe một bánh lớn của đầm lầy

 

pòetes in trong l’Action de la justice est éteinte, 1931. TN chuyển ngữ

 

 

9.

CHE QIANZI

Phá Hủy Thơ

 

Những điều chúng ta biết về thơ không quá ít oi. Trái lại, với tư cách thi sĩ – những người đang cầm bút – chúng ta biết quá nhiều về thơ. Một trở ngại đã hình thành: đối diện với trang giấy trắng, chúng ta thiếu  cảm quan trực tiếp nhất của thơ. Lập lại, đi vơ ẩn, vẫn hiếm khi tới đích. Trù phú của phần hiện tượng thơ khiến cho bản chất thơ rơi vào một tình trạng phá hủy và hầu như biến mất giữa những hiện tượng.

          Những hiện tượng của thơ đó là gì ? Đơn giản thôi, là những chủ đề thi sĩ quan tâm, những phương pháp khác nhau y dùng, v.v..Trong vài trường hợp, còn nghĩ là phần hiện tượng thơ là nội dung thơ. Không đúng. Bởi vì nếu như vậy, tại sao chúng ta không thể nói: Hình thức là bản chất của thơ ? Phần hiện tượng thơ là một toàn bộ bao gồm nội dung và hình thức, nhưng bản chất của thơ là một sự huy hoàng lý tưởng che giấu toàn bộ cấu trúc, như bầu khí quyển bao quanh trái đất bất  lực.. Nó trừu tượng hơn hình thức, và cụ thể hơn nội dung.

          Phá hủy bản chất của thơ là hậu quả lớn rộng từ việc quá chú trọng đến phần hiện tượng của thơ. Và hầu như nhiều người trong chúng ta đang quan tâm đến hình thức đi tới kết quả này từ việc xét lại quá khứ, trong khi quá nhấn mạnh đến nội dung. Nghệ thuật thơ, nếu đứng ở bất kỳ cực điểm nào, cũng không thể phát triển có ý nghĩa. Đối với tôi, là một thi sĩ tận tụy cho cuộc cách mạng hình thức, với những điều kiện và tài năng vừa đủ, tôi muốn vượt lên hiện tượng của thơ và đi thẳng đến bản chất.

          Bản chất thơ không là những cái mệnh danh là truyền thuyết; nó cũng không tái cấu trúc hay minh họa. Bản chất, không thay đổi. Cái thay đổi là phương pháp đặc thù để làm thơ. Cái khác biệt giữa Goethe và Pound không nằm trong bản chất; cả ai đều là bậc thày, về bản chất không khác nhau. Quả thực các ngài chỉ chọn những phương pháp khác nhau để viết. Những phương pháp luận của họ trở thành hai sự kiện khác biệt, song những con đường khác nhau cũng dẫn đến cùng một cứu cánh.

          Có thể nói thơ Trung quốc hiện đại có nhiều con đường khác nhau không dẫn đến cứu cánh nào cả. Bởi vì “cứu cánh” phải là “một”. Cái “một” này là bản chất bất biến của thơ từ ngàn xưa. Nó là telos/mục đích, là “một”. Một mặt, bất cứ gì không dẫn đến cái là “một”, chưa đủ trưởng thành; mặt khác, là do ngộ nhận về cái “nhiều”. Cái “nhiều” , theo tôi nghĩ, là nói đến những phép viết đặc thù; nó không thể dẫn đến giả định là thơ có nhiều loại bản chất tối thượng. Nó cũng không hỗ trợ cho khái niệm bản chất = phó-bản chất + phó-bản chất + phó-bản chất…. ..

          Bản chất của thơ là gì ? Trên hết, phải được định nghĩa là một cuộc chơi – một quá trình trong đó tâm hồn kinh qua những lạc thú hay đau khổ. Nó phải ngây thơ, làm đầy với những hiếu kỳ hay kinh ngạc khởi đầu, không tham vọng, chú tâm đến cái ngữ thái.

          Nghệ thuật trung thực của thơ, nói rộng ra, vượt lên phần hiện tượng của thơ. Chỉ như vậy nó mới vượt khỏi phá hủy – quả thực, bản chất của thơ không bao giờ có thể bị phá hủy, nó vẫn tồn tại. Nói cho đúng, điều cần khắc phục là phá hủy trong nhận thức của chúng ta về bản chất thơ.

 

 

The Destitution of Poetry, do Yunte Huang chuyển ngữ in trong 99 Poets/1999: An International Poetics Symposium, boundary 2 số mùa Xuân 1999 (PTT)

 

10.

GOTTFRIED BENN

Liệu Thi Sĩ Có Thể Biến Đổi Thế Giới

 

Hỏi: Trong nhiều bài viết về vai trò của thi sĩ, ông có quan diểm như sau: thi sĩ không có ảnh hưởng thời đại của mình, không là và không thể  ảnh hưởng đến con đường lịch sử, bởi vì từ  bản chất tự nhiên của nhà thơ là đứng ngoài lịch sử. Đó có phải là một quan điểm tuyệt đối ?

Đáp: Liệu bạn có thích giả như tôi nói thi sĩ  là phải quan tâm đến công việc ở nghị trường, đến chính sách của thành phố, đến việc buôn bán bất động sản, đến lên xuống của thị trường kỹ nghệ không?

H: Nhưng có nhiều nhà văn nổi tiếng  không chia sẻ quan điểm của ông vì họ cho rằng chúng ta đang đứng ở một ngã rẽ của lịch sử, là một lớp nhân loại mới đang hình thành, là có thể mô tả con đường dẫn đến một tương lai hoàn toàn biến đổi và tốt đẹp hơn ?

Đ: Dĩ nhiên có thể mô tả một tương lai tốt đẹp hơn. Đã có những nhà kể chuyện không tưởng như Jules Verne, hay Swift chẳng hạn. Còn như nói về ngã rẽ lịch sử, tôi đã nhiều lần chú mục đến việc tìm hiểu là thời thế thay đổi, một lớp người mới đang hình thành và những công thức như “hoàng hôn của nhân loại/Menschheitsdämmerung” nay đang biến thành những khái niệm của một quy luật hầu như thần thoại.

H: Vậy có phải ông coi đó là một sai lầm đối với nhà thơ tham gia  vào bất kỳ thảo luận nào về những vấn đề xã hội và lịch sử ?

Đ: Tôi coi đó là việc làm phí thời giờ. Tôi thấy một nhóm những nhà văn biện hộ cho việc hợp thức hóa phá thai, nhóm khác tranh đấu cho việc bãi bỏ luật tử hình. Đó là kiểu  nhà văn quan niệm một vai trò hiển nhiên trong đời sống công cộng từ thời Khai sáng. Những hoạt động của họ có tính địa phương, lấy cảm hứng từ kiểu độc lập tư tưởng, có thể là tiếng đồng vọng kiểu biện hộ nổi tiếng của Voltaire trong vụ Calas hay trong Tôi buộc tội/J’accuse của Zola.

H: Vậy ông cho là xu hướng văn chương này không có trong phạm vi của thơ ?

Đ: Kinh nghiệm cho thấy hiếm khi tìm ra con đường này trong phạm vi thơ. Những nhà văn mà công việc của họ nhằm vào những sắp đặt thực nghiệm của văn minh thì gia nhập vào hàng ngũ của những người lấy kinh nghiệm hiện thực về thế giới và nghĩ về điều đó là cách xây dựng vật chất và cảm thấy những hiệu quả theo kiểu không gian ba chiều; họ gia nhập vào hàng ngũ những nhà kỹ thuật và quân sự, những chân tay di chuyển những đường biên giới và bao phủ trái đất này với những sợi giây; họ đi vào thực tại của những biến đổi bề ngoài và ngẫu nhiên, trong khi thi sĩ có một kiểu kinh nghiệm về cơ bản khác hẳn và cố gắng đi tới những tổng hợp khác với kiểu  có hiệu quả thực tiễn và mệnh danh là tiến bộ .

H: Ông vừa nói; những nhà kỹ thuật và quân sự. Theo ý ông, như vậy có phải họ là những người biến đổi thế giới ?

Đ: Họ biến đổi cái cho là biến đổi. Vâng, tôi tin rằng khái niệm của nhà khoa học, mà hai loại người vừa kể phụ thuộc, là đối tác cơ bản và chính yếu của thi sĩ; nhà khoa học sống theo một luận lý giả định là có giá trị phổ quát nhưng kỳ thực chỉ là sinh lợi; họ được nhìn nhận theo một khái niệm về chân lý phù hợp rộng rãi với những quan niệm bình dân về chứng thực, về đắc thủ kinh nghiệm khái quát, và áp dụng vào thực tế; họ rao giảng một thứ đạo đức bảo đảm quyền lợi ưu tiên của cái tầm thường. Tôi hiểu là con người nào chỉ học không gì khác hơn ngoài việc kể một hơi khoa học và nghệ thuật không thể làm gì khác hơn là ham hố tiếp thu cái minh triết của thời Khai sáng luôn luôn để hai từ ngữ này cạnh nhau, đặc biệt là trong một thế kỷ mà khoa học thực sự có cái thế lực mạnh mẽ tự cho là có sáng tạo.

 

Hội thoại phát thanh năm 1930. LC chuyển ngữ

 

11.

THÂM TÂM

Thơ

 

Tháng chạp sương mờ giăng bóng trăng,

Thưa trời, sao tắt sắc vân vân.

Đêm nay lạnh xuống lòng cây rách

Buồn chảy qua rêu, giọt nước thầm

 

Hiên vẩn vơ bay mạng nhện tơ

Hồn thương lững thững ẩn như mưa

Ngoài xa đôi tiếng rao đêm vắng,

Rung cả mây trời cả ý thơ.

 

Tôi đội trăng tươi pha ngọt mắt,

Và chờ bóng lá đắp lòng đơn

Hôm qua không có hôm nay mất,

Ai rủ tang trời tám hướng sương.

 

Biết mấy đời trai trong góa bụa

Đêm ròng đứng thắp mẩu tâm hương

Tro tàn có đốt không hồng nữa

Thắt lạnh bên lòng mối hận thương…

 

                   Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 292 (1940)