Trần Quí Phiệt

THIÊN ĐƯỜNG TÌM LẠI*

 

Đại học Dalat qua chương trình Fulbright Việt Nam mời tôi lên tổ chức một giảng khóa về văn chương Hoa Kỳ cho ban giảng huấn tiếng Anh. Mặc dù Nga và tôi đã dự định đi thăm nhiều nơi mùa hè này, tôi quyết định nhận lời mời của đại học. Viếng thăm nơi tôi đã sinh ra và sống thời thơ ấu, điểm bắt đầu của cuộc đi tìm thời gian đã mất của tôi, [mục đích của cuốn sách này,] là một cơ hội quí báu đối với tôi. Tôi náo nức chờ ngày trở về thế giới mộng mơ ấy.

Hầu hết các hành khách đi trong xe với tôi là du khách Tây (tôi nghe họ nói tiếng Anh, tiếng Pháp, và một vài thứ tiếng khác tôi không hiểu) có lẽ đi Dalat để ngắm cảnh. Nhìn vào hình dáng và cách ăn mặc, chắc họ thuộc nhóm người Tây sống ở vùng rẽ tiền trên đường Phạm Ngũ Lão gần chợ Bến Thành. Người Việt gộp chung nhóm ấy lại và gọi là “Tây Ba lô,” vì đồ đạc và lối sống của họ rất sơ sài. Họ muốn sống tiết kiệm đến mức tối đa để dành tiền đi du lịch. Dalat là một phần của Việt Nam họ muốn thăm thú và khám phá sau chiến tranh.

Tôi lên Dalat không phải để xem phong cảnh, nhưng để dạy học và dùng thời giờ rãnh rỗi đi tìm quá khứ. Tôi muốn xem thử việc viếng thăm nơi tôi sinh ra có thể giúp tôi tìm lại được thiên đường đã mất của tôi không, nghĩa là những năm đầu tiên của thời thơ ấu, để viết cho xong cuốn hồi ký. Bốn mươi năm trước, sau khi tốt nghiệp đại học tôi viếng thăm Dalat để có được chút “cảm nhận” thành phố tuổi thơ như thế nào. Mặc dù trở về nơi tôi sinh ra đem lại những hoài niệm tuyệt vời, lúc ấy tôi không cảm thấy rằng quá khứ và hoài niệm về quá khứ là hai thứ tôi không thể thiếu như bây giờ. Như hầu hết các sinh viên đại học trong phần cuối của thập niên 1950, trong một thời gian tôi say mê hình thức “thấp” của chủ nghĩa hiện sinh Pháp, ngây thơ áp dụng triết học carpe diem (sống vội) vào suy tư và cuộc sống. Sau khi lập gia đình, làm việc nhiều cho tương lai bản thân và cho gia đình chiếm hết thời giờ của tôi. Trẻ tuổi, thực tế, lạc quan, và bận rộn, tôi quan tâm về tương lai của tôi nhiều hơn quá khứ. Cái quá khứ tôi yêu thích rất mực trong thời thiếu niên của tôi ở Quảng Bình ngày càng lu mờ trong ký ức tôi.

Mộng đẹp tôi xây, như nói trước đây, chấm dứt bất ngờ ngày 26 tháng 3 năm 1975 sau khi tin Huế mất đến tôi ở Hoa Kỳ. Cuộc sống dễ chịu tôi đang hưởng khi sắp tốt nghiệp tiến sĩ bỗng nhiên trở thành một hiện tại dài đằng đẵng đầy ác mộng sau khi tôi mất liên lạc với gia đình. Điều này kéo dài một vài năm. Mặc dù về sau tôi có thể tiếp tục hoạt động bình thường, tôi vĩnh viễn mất khả năng mơ mộng. Tôi khảo cứu và tham gia những sinh hoạt chuyên môn để giữ việc làm thay vì để thỏa mãn nhu cầu trở thành một học giả. Tôi ngày càng muốn tránh tiếp xúc với người (ngoại trừ trong lớp tôi phải cố gắng thành một thầy giáo thân thiện) và chỉ ưa tìm trốn tránh trong hoài niệm. Thời gian qua đi, tôi càng nhớ quá khứ nhiều hơn và dễ dàng hơn.

Tôi choàng tỉnh từ giấc ngủ ngắn khi xe buýt ngừng lại nghỉ trưa ở Bảo Lộc, cách Dalat khoảng 110 cây số. Nằm dưới chân cao nguyên Langbiang, thị trấn nhỏ này có một khí hậu mát mẽ và cảnh vật xanh tươi quanh năm. Chúng tôi xuống xe ở một quán rất bận rộn bán đủ loại đặc sản như cà phê, trà ô long, và bánh kẹo. Để giúp dễ chọn lựa, chúng tôi được mời nếm thử một số đặc sản đang trưng bày. Trong khi khách hàng người Việt tíu tít mua hàng, ồn ào mà cả với những người bán, các bạn đồng hành Tây Ba lô của tôi im lặng nhâm nhi các thức uống, mắt tò mò nhìn cái phần đất thú vị này của thế giới.

Một giờ sau, xe chúng tôi bắt đầu leo con đường lượn quanh một rừng thông. Các cây thông cao vút, tĩnh lặng, và hùng vĩ so với khu rừng nhiệt đới rậm rạp, ướt át, trông dễ sợ ở phía dưới đồng bằng. Trước mắt tôi là rặng núi Langbiang một nửa chìm trong đám mây trắng. Trời hơi quá trưa một chút vào đầu tháng sáu, nhưng thời tiết rất mát mẽ. Chúng tôi chắc đã đến ngoại ô Dalat rồi.

Cơn ác mộng chấm dứt sau hai mươi tám năm dài nhưng tôi phải trả một giá quá đắt! Tôi đã mất cha tôi và tất cả những gì thân yêu và quan trọng đối với tôi: mái nhà, quê hương, và những mộng ước đời tôi. Khi ngồi trên chiếc xe buýt này đưa tôi đến nơi tôi sinh ra, hình ảnh của một thiên đường đã mất có liên hệ với những chuyến du hành bằng xe hỏa dâng lên trong tôi, dâng lên như làn sóng, cái này tiếp theo cái kia, khiến toàn thân tôi run lên. Chiếc xe chầm chậm leo lên con đường dốc sau cùng trước khi đến đích. Mở thật rộng cửa sổ xe và nhắm mắt, tôi hít mạnh mùi hương của núi rừng Langbiang và lắng nghe tiếng thông reo rì rào. Hình ảnh của tuổi thơ tôi lung linh trước mắt, càng lúc càng rõ nét trong trí tôi. Người tôi rung nhẹ do niềm vui và hồi hộp hòa lẫn với một cơn đau và tôi biết điều này có nghĩa là gì. Nó có nghĩa là tôi đang khắc khoải dấn thân vào một cuộc đi tìm thiên đường. Trong khi những âm thanh và mùi hương xưa cũ tôi cảm nhận bây giờ không khác những gì tôi cảm nhận như một đứa bé trong quá khứ, những người tôi yêu và những người yêu tôi không còn ở đây nữa. Tôi cảm nhận những âm thanh và mùi hương nhạy bén hơn lúc tôi còn bé. Chúng xuyên thủng mỗi một tế bào của thân thể tôi, khiến tôi choáng váng và nghẹt thở. Tim tôi đau nhói vì nỗi buồn và cô đơn khôn nguôi tràn ngập lòng tôi thay vì niềm vui thú thuần túy và hồi hộp như khi về thăm Dalat năm 1960. Tôi như một người nào đó vui mừng vì sắp được về nhà bỗng nhận ra rằng mình không còn nhà nữa, đã mất tất cả ngoại trừ kỷ niệm. Tôi có thể tìm được thiên đường của tôi không khi cái còn lại của thiên đường là một số tiếng vang và mùi hương không đủ mạnh để giúp tôi đương đầu với thế giới xa lạ trong những ngày sắp đến ở thành phố này?

Xe buýt chở chúng tôi chạy chậm vào đường một biệt thự xinh đẹp. Chúng tôi xuống xe trong không khí khá lạnh và khô của bầu trời xanh biếc tiêu biểu cho Dalat. Đón tôi là một cô gái xinh đẹp. Nhờ đọc bảng tên tôi biết cô tên là Trần Thu Huyền thuộc Văn phòng Bang giao Quốc tế, viện Đại học Dalat. Điều lạ lùng là tôi cảm thấy cô ấy không phải là người xa lạ mặc dù đây là lần đầu tiên tôi gặp cô, có lẽ bởi vì chúng tôi cùng mang một họ Trần và tôi đang trở về quê hương tôi. Thu Huyền đưa tôi đến viện đại học trong chiếc xe Toyota và bảo tôi đây sẽ là nơi tôi lưu trú trong suốt giảng khóa.

Giảng khóa văn chương Hoa Kỳ của tôi họp buổi chiều hôm nay. Đại học làm chuyện này thành “quan trọng” bằng cách cho treo một băng rôn với dòng chữ lớn “Giảng khóa Văn chương Hoa Kỳ” trong giảng đường với tên tôi và học hàm của tôi ghi ở dưới. Các tham dự viên gồm có các giảng viên trẻ dạy tiếng Anh và sinh viên khoa Anh sắp tốt nghiệp.

Sau bài giảng tôi cho lớp nghỉ một lát. Tôi bị bao vây bởi nhóm tham dự viên nhiệt tình với nhiều câu hỏi về nước Mỹ. Họ chú ý nhiều và hâm mộ một cách nhiệt tình cựu thù của đất nước họ, một “vấn đề nhạy cảm” mà Tiến sĩ Đông, hiệu trưởng đại học, yêu cầu tôi tránh trong giảng khóa này. Thật kỳ lạ trong lúc chính quyền cứng nhắc với chính sách đã vạch sẵn, các đồng nghiệp của tôi ở đây giữ một thái độ thoải mái đối với chính trị.

Mấy ngày sau khi khóa học bắt đầu và khi chúng tôi quen nhau nhiều hơn, tôi nhận thấy rằng các tham dự viên có nhiều hứng thú về đề tài tôi giảng hơn là về việc tôi làm ở Mỹ. Chúng tôi theo sát một lịch trình khá “căng,” đề cập nhiều vấn đề từ những giòng chính trong văn học Hoa Kỳ đến phương pháp dạy văn chương Hoa Kỳ cho sinh viên Việt Nam, thẩm định luận văn của sinh viên về văn chương. Một vài tham dự viên còn phát biểu sẵn sàng “đăng ký” dạy văn chương Hoa Kỳ trong tương lai nếu có cơ hội. Điều làm tôi cảm động là trong thời gian tôi thăm viếng ở đây là các bạn tin tưởng tôi, chia xẻ với tôi những quan tâm và ước nguyện của họ. Họ bảo tôi họ thiếu nhiều thứ: sách cho thư viện, học bổng học ngành cao học tại Mỹ, cố vấn chuyên môn về soạn thảo chương trình, phương pháp dạy học, vân vân. Họ cứ tưởng rằng tôi đại diện cho nước Mỹ và có thẩm quyền trong những vấn đề này!

Tôi may mắn được các đồng nghiệp chấp nhận nên không còn lo ngại trước khi đến đây sẽ gặp những người lạ kém thân thiện hay đầy ác cảm. Đã vượt qua được trở ngại đáng sợ này, tôi cảm thấy sẵn sàng dấn thân vào việc đi tìm quá khứ của tôi. Tôi phải làm ngay bây giờ. Giảng khóa sẽ chấm dứt tuần này, và tôi không còn bao nhiêu thời gian nữa. Từ khi tôi đến đây, đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy quyết tâm dồn hết thời gian của tôi thực hiện điều quan trọng đó đối với tôi. Những người tôi đang liên hệ không đại diện cho thế giới đã mất của tôi. Thế giới đó thuộc về những người đã chết, những kẻ vắng mặt, những người tôi biết hay có thể không biết nhưng tất cả  đã làm nơi tôi sinh ra thành một cõi thiên đường. Chính cái thế giới đó và những con người đó tôi muốn chiêu hồn và hòa nhập nhiều nhất.

Lúc tôi dẫm chân lên những phiến đá của con đường nhỏ tôi có thể đã từng dẫm chân lên bốn mươi năm trước, tôi tự nhiên trôi vào khoảnh khắc vui sướng ấy của quá khứ. Khêu gợi sự sống dậy của những người quá cố như hai Bác Gia, Cô Hoa, và nhất là Như Cẩm (trước khi về Saigon tôi dự tính sẽ đi thăm lần nữa nghĩa địa nơi em tôi đang nằm ở đâu đó) bây giờ trở thành một tiến trình dễ dàng, nhanh chóng đối với tôi. Tất cả chỉ cần trở về mãnh đất xưa cũ nơi chúng tôi cùng sống với nhau. Sự phục sinh của họ sẽ vô cùng mạnh mẽ, những hình ảnh của họ sống động và hấp dẫn, và tôi sẽ sống lại trong khoảnh khắc quá khứ hạnh phúc của tôi. Thật hồi hộp cho một kẻ lưu vong cao tuổi được tiếp xúc với mặt đất cũ trở lại! Mặc dù tôi chưa đến thăm Cây Số Sáu (nơi chúng tôi ở ngày xưa), tôi đã nghe tiếng vọng của quá khứ từ vùng đất ấy của Dalat, cách tôi những đến năm cây số ngàn, khi tôi dẫm chân lên sân trường đại học ở đây. Không phải chỉ những giòng đất hội tụ lại, tất cả linh hồn của quá khứ – chị Ngành, Bác trai và Bác gái Gia, Cô Hoa, em Như Cẩm của tôi, và tất cả những người tôi không quen biết – đều tụ họp ở đây với tôi. Bởi vì những người này nay đã thành những hồn ma, không còn bằng xương bằng thịt nữa, họ hiện ra và biến mất nhanh chóng. Những hình ảnh của quá khứ xuất hiện liên tục nhưng bị ngắt quãng vì dường như ký ức của tôi gặp khó khăn không theo kịp thời gian và cơ hội đã mất do bởi tôi xa quê nhà quá lâu, hay dường như tôi không còn bao nhiêu thời gian nữa. Hình ảnh của quá khứ mong manh như sức khỏe tôi, như thân phận con người của tôi. Không còn được che chở bằng tuổi trẻ và lý tưởng đã khiến tôi xem thường sự vui sướng được nhớ lại quá khứ của tôi trong khi thăm viếng Dalat năm 1960, và vẫn còn đang hồi phục từ cơn ốm nặng tôi mắc phải hai năm về trước, tôi cảm thấy một cách sâu sắc sự ngắn ngủi của đời người, ý thức hơn bao giờ hết sự khẩn cấp phải đào xới quá khứ bị lãng quên để sống với quá khứ đó càng nhiều càng tốt trong quãng đời còn lại của tôi.

Khi Thu Huyền đến đưa tôi đi thăm thành phố, tôi bảo cô ấy rằng tôi muốn dọn ra ngoài một khách sạn và ở thêm một vài ngày nữa để tìm hiểu thêm sinh quán và thành phố cũ của tôi. Tôi muốn tự riêng mình làm cái tôi gọi là cuộc hành hương vào miền đất ngày xưa là thiên đường của tôi. Cùng một lúc tôi muốn xem những hấp dẫn của một thành phố tôi nghe đến rất nhiều nhưng chưa có dịp vì tôi rời Dalat khi còn quá bé, cho nên tôi hoan nghênh khi Thu Huyền khuyên tôi nên dọn vào một khách sạn nhỏ ở vùng Cây Số Sáu.

Khách sạn tôi ở nằm trên đỉnh đồi. Thu Huyền đưa tay chỉ một vùng có những ngôi nhà nhỏ mái đỏ và bảo tôi đó là Cây Số Sáu. Bây giờ có nhiều nhà hơn năm 1960 khi tôi đến thăm gia đình Bác Gia, nhưng những vườn rau xanh mướt, ngăn nắp, gọn gàng, nối nhau liên tục trông quen thuộc đến độ nao lòng. Tim tôi bỗng nhói lên khi theo hướng chỉ tay của Thu Huyền tôi nhìn ngọn đồi trắng đối diện khách sạn và Thu Huyền bảo tôi đó là nghĩa địa thành phố. Như Cẩm đã được chôn ở đây nhưng tôi không tìm được mộ em khi tôi đến thăm Dalat năm 1960. Quá khứ chắc đang lẩn quất đâu đây và tôi sẽ phải gặp chắc không lâu đâu.

Cảm giác tràn ngập người tôi khi bước xuống xe buýt và đặt chân lên Dalat một tuần trước đây đang trở lại tôi, chỉ khác là lần này càng mạnh hơn. Tôi cảm thấy, nhìn thấy, và nghe những âm thanh và hình ảnh của quá khứ không những dâng lên trong tôi mà còn đổ xuống người tôi từ không khí, mặt đất, cảnh vật, sự vật quanh tôi không ngừng và như không kềm chế được. Những cái này chắc phải do chất chứa và dồn nén rất lâu! Một cái rung nhẹ chạy khắp người tôi có lẽ do thần kinh tôi vừa bị tổn thương vừa suy nhược. Nổi bật lên giữa khối hình ảnh được phục hồi là những người đã quá cố – Như Cẩm, chị Ngành, hai Bác Gia, Cô Hoa. Ngay cả cha mẹ tôi và Đoan Nghiêm yên nghỉ những nơi khác nhau cũng tụ họp ở đây. Nó giống như một đoàn tụ gia đình đối với tôi. Người, đồ vật, sự vật, biến cố, quang cảnh cũng tranh nhau xuất hiện, mặc dù không sắc nét cho lắm – những đồng bào thượng với những bộ mặt buồn bã, chịu đựng, nhẫn nại bước hàng một trước mặt nhà tôi trên đường đi vào thành phố; tôi lẻn ra ngoài sân ban đêm để đọc câu thần chú tôi học thuộc lòng từ một quyển truyện Tàu để triệu thỉnh các vị thần đến phục vụ cho tôi; gia đình tôi ăn trưa với vị sư già trụ trì tại chùa Linh Sơn ở đó tôi thấy một con rùa lớn nghe đồn hàng năm trở về nhân húy nhật vị hòa thượng lúc còn tại thế đã nuôi nó . . .  Dồn nén qua nhiều năm tháng dài, quá khứ được khai quật nổ bùng vào cõi hữu thức của tôi, xâm chiếm người tôi, thấm sâu vào thân thể và linh hồn tôi, khiến tôi cảm thấy chóng mặt, cảm thấy mất ý niệm về thời gian. Khi một cảnh tượng cũ vừa tan biến một cảnh tượng mới thay thế ngay và tiến trình ấy tiếp tục đến vô cùng. Tôi cảm thấy quyền lực của quá khứ ấy, sức nặng của nó ép trên người tôi nhưng tôi diễn tả không được. Tôi nhắm mắt để cảm, nghe, lắng nghe quá khứ yêu dấu của tôi – những người yêu dấu của tôi, quê nhà yêu dấu của tôi – hồi sinh trở lại.

Trong cuộc đi tìm quá khứ những người yêu dấu của tôi là những người chết đã lâu hay vắng mặt. Tìm được họ có nghĩa là tìm được quá khứ của tôi. Sau bao nhiêu năm đã qua bây giờ tôi ý thức được rằng quá khứ không mất nhưng ở trên đầu ngón tay của tôi, bởi vì những người tôi yêu và những người yêu tôi vẫn còn ở quanh đây và có thể chiêu hồn rất nhanh. Cũng như mặt đất – Dalat và những quang cảnh của nó –không thay đổi và không thể bị phá hủy, những người của tôi không bị ảnh hưởng bởi luật hoán chuyển. Người chết không ra đi vĩnh viễn, nhưng yên ngh trong vùng đất này, được nuôi dưỡng và bảo vệ trong giấc ngủ yên lành bởi mãnh đất này cho đến khi tôi trở về đem họ ra khỏi mặt đất để đoàn tụ với tôi.

Người chết khi được cầu đảo trở về đem theo thế giới của họ – thế giới đã mất của tôi – với tất cả màu sắc, hình ảnh, âm thanh, và mùi hương của nó. Sự tưởng nhớ chữa lành đầu óc thương tổn của ta bằng cách cho chúng ta hưởng những khoảnh khắc vui sướng và chốt kín những giai đoạn đau khổ buồn rầu. Tôi nhớ như in thời gian em tôi sống với tôi, không phải lúc em tôi thở hơi cuối cùng. Còi báo động khiến chị Ngành, tôi, và bọn trẻ con chạy tìm hầm ẩn trú tuy là một sự khủng khiếp, nhưng tôi lại chỉ nhớ chị Ngành dịu dàng, con người chị tượng trưng yêu quí, cầm tay tôi trong tay chị khi đưa tôi đến nơi an toàn. Khi tôi nhớ đến chị ngày hôm nay, một cảm giác ấm áp, sung sướng giống như mối tình đầu dâng lên trong tôi. Toàn thể diễn tiến khôi phục quá khứ liên quan đến ký ức tự nhiên vì tôi không moi móc trong đầu tôi cố nhớ và đào xới quá khứ; nó chỉ tuôn ra từ cõi sâu thẳm của tâm thức tôi một cách tự nhiên và nhẹ nhàng. Khi tình trạng tuyệt vời ấy ngừng vì tôi kiệt sức hay ý thức can thiệp, một khoảnh khắc quá khứ khác hiện ra tức thì dìu tôi vào một giai đoạn mộng mơ khác.

Trở về một đất nước nơi ấy những người tôi biết đều chết đã lâu hay vắng mặt và đất nước đó, nhất là thế hệ trẻ, nay thuộc về một chế độ dân miền Nam chúng tôi chạy trốn hai mươi lăm năm trước, thoạt đầu tôi cảm thấy như một kẻ lưu đày, một người xa lạ, một linh hồn lạc lõng. Chỉ bây giờ khi trở về sinh quán của tôi tôi mới hiểu rõ ràng mục đích cuộc đi tìm. Đó là thế giới đã qua và những người trong thế giới ấy –những người đã chết và những người vắng mặt—mà tôi muốn phục hồi trong chuyến về quê này. Những người sống không phải là mối quan tâm của tôi vì tôi không quen biết họ. Về mặt tâm lý và tình cảm, thế giới đã qua này là thế giới duy nhất tôi có thể cảm thông, là nơi tôi cảm thấy như ở nhà bởi vì thế giới đó và những người ở đấy dễ được nhận biết, quen thuộc, quí báu, và quan trọng đối với tôi. Tôi có thể cảm thông và hòa nhập với họ và thế giới của họ bởi vì chiêu hồn họ có nghĩa là chiêu hồn bản thể ngày xưa của tôi, đoàn thể yêu quí của tôi. Tôi thấy tôi, cậu bé con, đang hưởng thời gian vui thú nhất đời cùng với họ. Trong thế giới thần tiên của tuổi thơ cậu bé chỉ biết vui đùa, hoàn toàn không biết âu lo là gì, không hay biết rằng có phải thời gian qua đi làm cậu khôn ngoan hơn hay nguyên do vì cậu đau khổ, buồn rầu. Khi kết nối lại với những người của tôi trong quá khứ tôi có thể học hỏi họ cách chinh phục thời gian. Bởi vì họ không còn tồn tại trong thế giới hữu hạn, không còn là những người sinh ra để chết, và không còn trong vòng đau khổ, buồn rầu, thế giới của họ và thế giới của tôi không thay đổi. Khi hồn quá khứ của tôi được chiêu gọi, em gái tôi một đứa bé hai tuổi, gia đình tôi là gia đình hạnh phúc nhất thế giới, và cậu bé bảy tuôi ngây thơ, vô tư lự chính là tôi.

Tôi quyết định không đi thăm nghĩa địa nữa. Bốn mươi năm trước tôi đã không tìm được mộ của Như Cẩm, cho nên bây giờ có cố tìm nữa cũng vô ích. Tôi cũng không muốn biết hai Bác Gia, Cô Hoa, Hà, và chị Ngành sống ở đâu sau khi tôi gặp họ lần cuối. Họ, tất cả những quang cảnh của Dalat trong quá khứ, và toàn thể tuổi thơ của tôi đều ở trong tôi, không ở chốn nào khác.

Trước khi trở về Saigon tôi chỉ muốn nhìn lại cánh rừng thông không xa chỗ nhà tôi thưở xưa. Khi xưa tôi thường đến đây để mơ mộng sau khi đọc sách. Tôi thường đi theo mùi hương của các nhân vật tôi ưa thích—hư cấu nhưng hiện thực và hấp dẫn biết bao. Sau khi em tôi qua đời tôi cũng thường đến đây để khóc một mình bởi vì tôi không muốn ai biết tôi thương nhớ em tôi. (Ngoài cha tôi, tôi là người bị ảnh hường rõ rệt bởi cái chết của Như Cẩm.) Những điều tôi cảm thấy hôm nay không khác với cái đã hằn trong ký ức của tôi từ thời ấu thơ – những cây thông cao ngất trời rì rào trong cơn gió nhẹ, mùi hương ngào ngạt của cánh rừng, cảm giác vui thú yên lành được về nhà. Trèo lên được nửa ngọn đồi khi tôi quay mình lại nhìn xuống thành phố dưới xa, tôi bỗng cảm thấy choáng váng vì chóng mặt, kiệt sức, và sợ hãi. Đầu tôi như xoay tròn, hai chân tôi run run. Tôi có đủ sức khỏe và thời gian để trèo lên đấy trong cuộc đời còn lại của tôi không? Tôi có thể thành công phục hồi quá khứ hạnh phúc không dài lâu, càng ngày càng cách xa tôi, xa dần tầm với của ký ức yếu ớt của tôi không? Sự đi tìm của tôi thường bị quấy phá bởi những hồi ức về một quá khứ khác mãi ám ảnh tôi, không cho tôi yên mặc dù tôi cố không nghĩ đến nó. Tôi có thể gọi quá khứ này là quá khứ, nghĩa là, khi nó bắt đầu sau tuổi thơ hạnh phúc của tôi, trải qua ba mươi năm của cuộc đời tôi, và mặc dù nó chấm dứt với sự đoàn tụ của gia đình tôi tại Mỹ, vẫn còn vang dội và hằn đau trong ý thức của tôi như một vết thương mới hay không? Trong giấc ngủ của tôi, và đôi khi cả khi tôi đã tỉnh ngủ cái quá khứ khủng khiếp lúc trước ấy trở lại tấn công tôi với cùng một sức mạnh như trước mặc dù ít thường xuyên hơn trong những năm đầy ác mộng sau khi tôi mất liên lạc với gia đình. Bởi vì “quá khứ” này chưa chấm dứt nhưng chỉ là một hiện tại đằng đẵng đau đớn đối với tôi, và đó không phải là mục đích đi tìm của tôi. Đi nhiều nơi để tìm dấu vết quá khứ êm đềm và nhất là trở về chốn tôi sinh ra, tôi nhìn thoáng thấy được quê nhà đánh mất của tôi. Nhưng ảo tưởng này có kéo dài được không? Nó có đủ mạnh để làm giảm đi cơn đau buồn đã ám ảnh tôi từ lúc tôi mất hết tất cả những giấc mơ của cuộc đời và phải sống kiếp lưu vong nên phải trở về tìm thiên đường đánh mất này?

Tôi thấy mệt mỏi trước khi tìm cách trèo lên đỉnh ngọn đồi tôi ưa thích ngày xưa. Trước mắt chỗ tôi đứng bây giờ là nghĩa địa Dalat, nơi em tôi đang nằm, lấp lánh trong ánh sáng cuối cùng của ngày. Như Cẩm và những người chết khác thân yêu đối với tôi đã rời cuộc đời đầy thương đau này từ lâu và bây giờ họ đang yên nghỉ. Nhưng ngày mai tôi phải về Saigon để chuẩn bị trở lại Mỹ. Tôi phải trở lại để sống hết kiếp lưu vong định mệnh của tôi. Tôi e rằng đây có thể là lần cố gắng cuối cùng tôi tìm thiên đường đích thực. Tôi không nghĩ tôi có thể trở về lần nữa bởi vì tôi sẽ quá già yếu không lo nổi việc khó khăn như thế và thiên đường chỉ có thể tìm lại được một lần trong đời người. Tuy nhiên, trong khi cuộc đi tìm thiên đường của tôi không hoàn toàn thành công – không có cuộc đi tìm thiên đường nào hoàn toàn thành công cả – nó cũng cho tôi cơ hội khai quật quá khứ để thưởng thức một lát. Đó là điều quá mong đợi của tôi trước cuộc hành trình này. Bây giờ tôi đã tìm được quá khứ với những quang cảnh, sự vật, và những con người của nó, tôi có thể đem tất cả về Mỹ với tôi. Điều này sẽ làm tăng thêm nỗi nhớ quê hương bởi vì nó sẽ mãi mãi nhắc tôi đến sự hiện diện của những thứ ấy trong người tôi. Nó cũng giống như mang theo quê hương và người của mình đi lưu vong với mình. Nhưng xét cho cùng, như thế cũng tốt hơn là khắc khoải buồn rầu và dày vò hối hận bởi vì tôi có thể tìm được an ủi và ngay cả sức mạnh từ những người và những gì đã và còn mãi yêu quí đối với tôi.

 

TRẦN QUÍ PHIỆT

*Phỏng dịch từ nguyên tác “Paradise Regained” đã in trong Cha: An Asian Literary Journal, June 2014.  Nguồn: www.asiancha.com/content/view/1761/113

Tran Qui Phiet is an Emeritus Professor of English at Schreiner University. His publications include a study of William Faulkner’s influence on modern French literature and essays on U.S. literature and Vietnamese American literature in various anthologies and journals. His translations of contemporary Vietnamese literature into English have appeared in VietnamA Traveler’s Literary Companion (Whereabouts, 1995), Of VietnamIdentities in Dialogue (Palgrave MacMillan, 2001), Michigan Quarterly Review (Fall 2004), and elsewhere. Since his retirement in 2002 he has devoted himself to writing and studying Marcel Proust. He has recently completed his literary memoir based on his one-year appointment as a Fulbright scholar in Vietnam in 1999-2000.

 

© gio-o.com 2018