Trần Quí Phiệt
Tiễn Biệt Em Tôi Trần Hoài Thư
Hôm nay (8 tháng 6 năm 2024) là ngày làm đám tang cho Trần Quí Sách, tức nhà văn Trần Hoài Thư, ở New Jersey. Xin trích sau đây đoạn văn ngắn trong hồi ký của tôi nói về tuổi thơ của Trần Hoài Thư để khóc tiễn biệt người em út tài hoa nhưng bất hạnh nhất trong gia tộc chúng tôi.
“Tôi chỉ nhớ sơ sài khoảng thời gian ngắn ngủi tản cư từ Dalat đến Phan Rang năm 1945 lúc được tin quân Pháp đổ bộ. Điều tôi nhớ nhất là mẹ tôi tỏ ra tháo vát hơn bao giờ hết. Đẻ nuôi sống gia đình, mẹ tôi và chị giúp việc mở một quán xép bán hàng ngoài chợ. Vì mẹ tôi ở ngoài chợ suốt ngày và không bảo tôi trông chừng em tôi nên nó tự do đi lang thang chơi trong xóm. Một buổi trưa tôi nghe tiếng một người đàn bà kêu to tên mẹ tôi bên ngoài. Khi chúng tôi chạy ra xem việc gì xảy ra mới biết bà ta mắng chửi mẹ tôi đã để em tôi đánh con bà chảy máu ở mắt (tôi thấy mắt thàng bé hơi đỏ) khi chúng nghịch với nhau. Bà ta giận dữ giơ tay dọa nạt chúng tôi. Mẹ tôi tức giận bảo tôi đi tìm em tôi đem về. Khi tìm đuọc em tôi, tôi tóm lấy tay nó kéo về nhà hết sức nhanh. Tôi trút cơn giận của tôi lên đầu em, không để ý gì đến em, chỉ kéo lê em như thế mãi đến khi về nhà mới thấy hai đầu gối của em rớm máu. Chao ôi! tại sao tôi tàn ác với em tôi như thế. Em tôi mới ba tuổi, đáng lẽ ra tôi phải nhẹ nhàng với nó. Đằng này tôi bắt em chạy theo tôi đến khi nó ngã quị, nhưng đôi mắt đen lánh vẫn trố nhìn tôi, không la khóc, có lẽ ngạc nhiên không hiểu sao anh nó hôm nay tàn ác với nó như thế.
. . . . . . . .
Ngày tôi theo cha tôi về Quảng Bình, em tôi ở lại với mẹ tôi. Thằng bé lúc gặp cha tôi không cho cha tôi bồng, nay òa khóc đòi đi theo chúng tôi. Tôi chảy nước mắt vì nhớ em và mẹ.” *
Chuyện xảy ra 80 năm nhớ lại như đang xảy ra bây giờ[PT1] , nhất là sau khi em tôi mất. Đoạn văn trên biểu lộ số mạng và con người của Trần Hoài Thư sau này: gan lì, bất khuất, nhưng khốn khổ. Hồi ký của tôi bàng bạc chuyện người em tài hoa nhưng bất hạnh này. Điều nỗi bật nhất là em tôi rất mê viết văn và phóng sự đưa đến chuyện bỏ nhà đi lính thám kích để lấy cảm hứng viết văn. Tôi là anh cả cùng với Ba chúng tôi ngăn cản việc nầy nhưng không thành công. Tôi là nhà giáo cũng mê văn chương nên sau này đọc được tác phẩm đầu tay của chú là Nỗi bơ vơ của bầy ngựa hoang, tả nỗi cô đơn và bất hạnh của kiếp người, hết sức ái mộ văn tài của chú.
Em tôi, lúc cha chúng tôi còn sinh tiền, tuy không vâng lời ông cụ, nhưng lúc nào cũng lễ phép với cha già. Em hòa thuận với người em thứ hai của tôi hơn vì tuổi gần bằng nhau. Phần tôi là anh cả, tính hơi nghiêm khắc như ông cụ nên dạy dỗ em tôi nhiều lần, nhưng sau mỗi lần cãi nhau em tôi giãi hòa với tôi trước.
Sách ơi, anh cứ tưởng trong ba anh em chúng ta người đi trước phải là anh. Em bị bệnh nan y, nhưng lần nào cũng qua khỏi một cách lạ kỳ. Chỉ nghe em cười xòa, nên tôi đoán rằng em sẽ không sao. Cách đây hơn tháng, sau khi Yến mất anh có gọi em và còn nghe giọng cười nói rỗn rãng. Thế mà, chỉ mấy hôm sau nghe cháu Hưng, con anh chị, nói bệnh chú trở nặng. Hôm nay anh phải lo cho chị bị bệnh, không lên thăm em lần cuối. Nhưng tối nào anh cũng cầu nguyện cho em. Anh khấn với Ba chúng ta như thế này: “Lạy Ba, Ty Ba em con nay đã về với Ba. Xin Ba dạy dỗ em để nó được chóng siêu thoát.” Anh cũng khấn với em như thế này: “Sách ơi, em đã thực hiện nhiều hoài bảo to lớn, được nhiều người cảm phục, yêu mến. Hãy thanh thản ra đi, trở về với Yến và Ba kính yêu của chúng ta.
Khóc tiễn người em tài hoa và bất hạnh của anh.
________________
*Trích dịch từ hồi ký In Search of Lost Time [Đi tìm thời gian đã mất], chưa xuất bản.
Trần Quí Phiệt
Ngày 6, tháng 8, năm 2024