TRẦN QUÍ PHIỆT

Gió-O Hai Mươi Năm Nắn Net

Gió-O xuât bản. Bản in giấy

Giá $25. Bán trên trang mạng Barnes & Noble

giới thiệu

 nhân dịp kỷ niệm

2001-2021




Không ai có thể tưởng tượng được tai họa khủng khiếp xảy ra cho miền Nam Việt Nam vào tháng tư năm 1975 và những năm tháng sau đó. Biến cố này đã tạo ra cuộc di tản chưa từng có của dân chúng miền Nam đến Hoa Kỳ và các nước phương Tây. Thế giới kinh hoàng khi được biết về những oan khiên chưa hề nghe đến cũng như những đau khổ của những người tị nạn trên đường đi tìm tự do, nhưng kinh ngạc và thán phục trước những thành tựu vượt bực đã đạt được ngay sau đó của những người này trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục, kinh doanh, khoa học, chính trị, nghệ thuật và văn học.

    Chính ở phạm vi văn học những người tị nạn Việt Nam trước đây đã tích cực đóng góp từ lúc họ đến Hoa Kỳ. Mang trách nhiệm bảo vệ truyền thống văn học miền Nam khi nền văn học trước 1975 bị cộng sản cấm đoán, những văn nghệ sĩ miền Nam trước đây và một nhóm các văn nghệ sĩ mới ở nước ngoài đã góp phần vào việc làm nở rộ nền văn học mới ở hải ngoại. Có cơ hội sáng tác trong tự do và hấp thụ tinh hoa của nền văn học thế giới, các nhà văn nói trên đã sáng tác một số lượng lớn các tác phẩm giá trị được các nhà phê bình khâm phục và kính nể.

    Gió-O, một tạp chí văn học mạng đặt tại California, biểu hiện những nỗ lực của một số các văn nghệ sĩ có nguyện vọng dở dang sau khi bị bứng gốc từ đất mẹ. Tuyển tập xuất bản gần đây của mười tám tác giả trong hai thập kỷ đề cập đến nhiều đề tài từ cuộc đi tìm thời gian đã mất đến tranh đấu nữ quyền và phản kháng chế độ vô sản, cho đến những suy tư về sáng tạo văn nghệ và giải thoát có tính cách tâm linh.

    Quê nhà là một chủ đề quan trọng nhất trong toàn thể tuyển tập. Đối với các nhà văn lưu vong/những cựu thuyền nhân tỵ nạn, quê nhà vừa hư ảo vừa có thực. Hư ảo vì đã mất quê nhà và không thể trở về. Có thực vì quê nhà tồn tại trong tiềm thức và trong giấc mơ. Thi Vũ mô tả tình cảnh trái khoáy như sau: “Không có ve sầu / nhưng còn giọng ve kêu / Không hàng phượng đỏ rực / mùa hè vẫn âm ỉ chói qua tim / Quá khứ thường dội về bằng âm và màu” (trang 133). Vì quê nhà đã trở thành hoài niệm, Nguyễn Tà Cúc, TrangđàiGlassey-Trầnguyển và Hồ Đình Phương biến quê nhà thành những vật cụ thể và những bạn đồng hương có thực gặp gỡ trong đời sống  lưu đày. Do đó, nhũng món ăn quen thuộc không thể thiếu trên bàn ăn của người Việt tỵ nạn. Điều cảm động là những người gặp gỡ tình cờ trở thành những bạn hữu thân quen.  

    Nguyễn Thị Hải Hà là nhà văn duy nhất tuyên bố quê nhà là sở quyền của mình một cách mạnh mẽ và đầy thuyết phục trong truyện ngắn “Hẽm Saigon trong tôi.” Bằng cách mô tả thật chính xác, sống động và cảm động về các ngỏ hẽm, tác giả xác định chủ quyền chính đáng của mình về quê nhà. “Đó là những hình ảnh về ngỏ hẽm Sài Gòn của tôi. Của tôi thôi. Không ai được dành ngỏ hẽm của tôi” (trang 94; nhấn mạnh thêm vào).

    Trong khi Nguyễn Thị Hải Hà thách thức chế độ bằng hoài niệm, Lê Thị Huệ phản đối chế độ bằng sự hiện diện của chính tác giả trên quê hương của mình. Xúc động khi trông thấy sự nghèo nàn về vật chất và tinh thần của đất nước, Lê Thị Huệ phản đối chế độ “đã tra tấn những thi sĩ và biến những hoa khôi thành những nàng Mỵ áo rách” (trang 66). Là một nhà phê bình xã hội có khuynh hướng nữ quyền, Lê Thị Huệ so sánh sự khác biệt giữa truyền thống lịch sự của thành phố ngày xưa của tác giả với tính cách hung hãn của chế độ ngày nay. Quê nhà đối với Lê Thị Huệ là tập hợp những cung điệu giọng nói khác nhau tác giả nghe ở chợ chính Dalat. Tác giả nhớ lại, “Ở Đàlạt tôi tương tư tức khắc những trận mưa rào ngôn ngữ. Ở Mỹ tôi nhớ thương ngũ âm ngân nga trong ngõ ngách tâm hồn nên thường ngồi một mình viết thư như là một cách khai quật thể sống… Ngôn ngữ mẹ đẻ và kỷ niệm ấu thời quan trọng ghê. Quan trọng hơn số dài của thời gian người lớn sống” (trang 60).

    Với các nhà văn lưu vong, như nhà văn lưu vong Nga Marina Tsvetaeva nhận xét, quê nhà “không phải là một qui ước địa lý mà là sự khẳng định hiện hữu của hoài niệm và máu huyết.” Quê nhà, sự kết hợp của hòai niệm và tình cảm, là đỉnh cao của sáng tạo nghệ thuật mà Lê Thị Huệ gọi là hồn (hồn thơ). Cũng trong chiều hướng ấy, Nguyễn Thị Khánh Minh trong tùy bút xuất sắc “Bong bóng bay gió ơi” so sánh thi hứng với chiếc bong bóng bay cao. Đây là lúc hồn biến thành ngôn ngữ hay từ ngữ. Nói cách khác, ngôn ngữ hay từ ngữ là phương tiện để hồn hay quê nhà hóa thân. Đối với các nhà văn lưu vong, quê nhà là động lực của sáng tạo văn chương và nghệ thuật. Đó là lý do tại sao Lê Thị Huệ bí mật trở về viếng thăm thành phố cũ và các văn nghệ sĩ khác khắc khoải mong chờ một chuyến hồi cố hương nhiên hậu.

    Trên đây chúng ta đã đề cập đến một đề mục nỗi bật nhất trong văn học hải ngoại: tìm về quê nhà qua hoài niệm và nghệ thuật. Sự quan tâm đến tính chất nghệ thuật và văn chương hay nói rộng ra lý thuyết sáng tạo văn nghệ như đã thấy ở Lê Thị Huệ và Nguyễn Thị Khánh Minh xuất phát từ sở thích cá nhân của tác giả cũng như tính phức tạp của văn chương hải ngoại. Vì thế, trong một bài viết có ý nghĩa đặc biệt nhan đề “Quá khứ không có mặt,” như là một suy tư khác trong văn học hải ngoại, Tường Vũ Anh Thy chịu ảnh hưởng Phật giáo không chấp nhận sự quan trọng của quá khứ và hoài niệm. Ca ngợi hiện tại ông viết: “Con kênh nghệ thuật chỉ chảy lênh láng trên cánh đồng hiện tại” (trang 177). Tuy nhiên, chịu ảnh hưởng Phật giáo tác giả nhận định “hiện tại mong manh. Không có gì chắc chắn cả” (trang 177). Đó là ly do tại sao Trần Quí Phiệt trong bài viết “Đi tìm thời gian đã mất” viết rằng không thể nghe lại được tiếng ve thời thơ ấu. Cũng vậy, Vũ Hoàng Thư trong tùy bút đặc sắc “Bắt nắng” không biết chắc mình có bắt được hạt nắng bằng đôi bàn tay của tuổi trẻ năm xưa. Bắt nắng, hay bắt hình bóng của quê nhà phải chăng là điều ước mơ chỉ thấy trong văn học lưu vong hải ngoại. Mượn ý nhà văn lưu vong Nga Marina Tsvetaeva đã trích ở trên: quê nhà là hoài niệm và máu huyết của nhà văn lưu vong nên ước mơ trở về quê nhà tồn tại ở những người này mãi đến khi chết.

 

Nguyên bản tiếng Anh của TRẦN QUÍ PHIỆT

 

Trần Quí Phiệt

2021