TRẦN QUÍ PHIỆT
TRIẾT LÝ HIỆN SINH
TRONG THƠ MIỀN NAM THỜI CHIẾN: 1960-1975*
(trích dịch từ hồi ký In Search of Lost Time
(Đi tìm thời gian đã mất)
Mấy nhận xét sơ lược về văn chương miền Nam trong thập niên 1960 cho đến mấy năm đầu của thập niên 1970 trước khi tôi rời quê hương và vài năm trước khi miền Nam sụp đổ sẽ thiếu sót nếu tôi không nhắc đến các nhà văn trẻ trực tiếp tham dự vào cuộc chiến và hầu hết sáng tác tập trung vào cuộc chiến. Trẻ tuổi, có học thức, đầy ắp lý tưởng, không có thiên kiến về chính trị, cái nhìn của các nhà văn này về cuộc chiến và những tàn bạo của nó rất độc đáo, hiện thực và cảm động. Trước hết, đó là một cuộc “nội chiến tương tàn, phi lý và bẩn thỉu” (Thi Vũ Hà Như). Sự tàn phá của chiến tranh không sao diễn tả hết bằng lời: “Quê hương đầy những vết đạn bom / Hoang vu giờ phủ ngập hồn / Hỏa châu làm đuốc soi đường mãi chăng?” (Chu Tân). Chiến tranh còn có nghĩa là đành mất cơ hội, đánh mất thiên đường: “Mộng ước tuổi thơ đã vỡ tan rồi / như trái cầu bay lên trời xanh mất hút / Ngưỡng cửa học đường đôi mắt xa xôi / Con chim mùa hè đã ngưng tiếng hót” (Vĩnh Lộc); “Thanh xuân ngày cũ đã xa bay” (Thụy Văn). Họ kết án chiến tranh nhưng thông cảm với kẻ thù vì “chúng ta đều bình đẳng trước thương đau” (Trần Huiền Ân). Người chiến binh/thi sĩ biểu lộ những tư tưởng chống chiến tranh một cách rất nhân bản khi nói với kẻ thù như thế này: “Ôi làm sao chúng ta thù hận được nhau / khi anh gọi quê hương là Việt Nam / và tôi cũng gọi quê hương là Việt Nam?” (Đỗ Ngọc). Trang Châu, một y sĩ quân đội, có một thông điệp quan trọng cho những kẻ chủ chiến: “Trong cuộc chiến hôm nay / cho tôi xin chiến đấu không hận thù.” Ông viết những giòng vô cùng cảm động này khi khi săn sóc một cán binh Việt Cộng bị thương rơi lệ biết ơn nhưng trước đó khi bị bắt nhìn Trang Châu với đôi mắt căm hờn: “cho tôi đổi một trăm chiến thắng / lấy một giọt nước mắt kẻ thù.” Trưởng thành trong xã hội tự do, không bị ảnh hưởng bởi một ý thức hệ nào, người lính / thi sĩ có những tình cảm rất “người”: nỗi cô đơn khi mất người yêu và tuổi thơ ngây, “thanh xuân ngày cũ đã xa bay” (Thụy Văn); niềm hy vọng hòa bình trở lại dù trong tưởng tượng, “bóng hòa bình dầu gần hay xa lắc / cũng tin rằng sẽ có, nhé em” (Phạm Cao Hoàng). Điều khiến tôi cảm động là người thi sĩ/chiến binh thường bộc lộ tâm hồn lãng mạn của họ bất khi khi nào có cơ hội. Trong trận Mậu Thân khi chiến trận tạm lắng, Phan Bá Thụy Dương đã nhắn hỏi người yêu “quê mình còn đó không em?/ cho anh ấp ủ trái tim ngọt ngào.” Thơ của Trần Hoài Thư đầy ắp những vang bóng của hoài niệm tuổi thơ Việt Nam thuở thanh bình và những hình ảnh thân thương còn sót lại sau cuộc chiến tàn bạo: “Anh thấy cả mây trời trên màu mắt /Áo trắng quần xanh em nhỏ đợi chờ / Giờ bãi học như một đàn bướm nhỏ.” Cũng trong chiều hướng ấy, Vương Tân khuyên người yêu ở quê nhà “Hãy mơ mộng đi em / Hãy sống ra ngoài đêm hỏa châu và súng đạn / Để tìm thấy nỗi hân hoan của đời người.” Mặc dù hoàn cảnh đất nước bi đát, uớc mơ trở về quá khứ thanh bình trở lại như là một phản kháng chiến tranh tàn bạo và dữ dội nhất của lịch sử và luôn thắp sáng niềm tin hầu như tràn ngập thơ của đa số các nhà thơ lính chiến miền Nam.
Trong khi không thấy dấu hiệu rõ ràng về ảnh hưởng của chủ nghĩa Hiện sinh Pháp đối với các nhà văn chiến trường, triết lý của trường phái này thịnh hạnh ở miền Nam trong thập niên 1960. Điều thú vị là tác phẩm của các nhà thơ chiến trường khiến ta liên tưởng đến tâm trạng các nhà trí thức Pháp trong những năm 1940, đặc biệt là Jean-Paul Sartre và Albert Camus, chỉ khác là thái độ hiện sinh rất mạnh mẽ trong tác phẩm của các nhà thơ chiến trường miền Nam vì phát xuất từ kinh nghiệm chiến tranh trực tiếp của họ. Vì thế, trong khi phi lý là quan niệm trừu tượng triết lý về cuộc đời của các nhà văn hiện sinh Pháp, trong tác phẩm của các nhà thơ chiến trường miền Nam phi lý là một biểu hiện một sự bất hạnh nhất xảy đến cho một dân tộc yêu hòa bình như người dân Việt Nam. Nhà thơ Thi Vũ Hà Như viết về điều này như sau: “anh bới sâu lòng đất / chôn xác những thằng người / những thằng người bất hạnh / trong một cuộc chiến tương tàn phi lý và bẩn thỉu / trong một cuộc chiến nhục nhằn dằng dai và bệnh hoạn” (nhấn mạnh thêm vào). Đối với Hoài Lữ người đã có một tập thơ xuất bản lúc mới 19 tuổi và tử trận hai năm sau đó, chiến tranh là phi lý, vô nhân đạo và bi đát cho một người lính như ông vì chiến tranh “đã phá bỏ tuổi thanh xuân của anh ta.” Đối với Hoàng Hà tuổi trẻ Việt Nam không có tương lai, chỉ có “những trống không, thứ trống không có đầy vuốt sắc.” Nhà thơ Đỗ Ngọc chứng minh quan niệm “sự sống hiện hữu trước bản thể” của Sartre một cách rất cụ thể và bi đát như sau: “Phải có 20 năm để làm thành một người / Chỉ cần một viên đạn xuyên qua tim rất nhỏ.” Mọi sự việc xảy ra ở miền Nam Việt Nam hoang tàn vì chiến tranh thật phi lý và vô nghĩa từ khi xảy ra cuộc chiến. Không những điều này xảy ra trên chiến trương ở đó tàn sát một cách điên rồ là điều cần thiết vì bản năng sinh tồn. Cuộc chiến còn làm đảo lộn hoàn toàn xã hội này, khiến cho mọi thứ xảy ra không thể lý giải, phá hũy tất cả những giá trị xã hội và luân lý có giá trị nhiều đời. Chẳng hạn, cuộc hiện diện ồ ạt của lính Mỹ tại Việt Nam tạo nhiều công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ Việt Nam đã có gia đình nhưng cũng là nguyên do nhiều hệ quả nguy hại trong gia đình người Việt.
Chiến tranh Việt Nam trở nên phức tạp vì có sự tham dự ồ ạt của Hoa Kỳ. Dù muốn dù không, người lính chiến miền Nam nhiều lúc phải chiến đấu bên cạn người lính đồng minh Hoa Kỳ. Trong bài thơ sâu sắc “Nói với người bạn đồng minh” Hoài Ziang Duy giải thích cùng người bạn đồng minh Mỹ những điều không người nước ngoài nào có thể hiểu được về đất nước Việt Nam. Đó là tận cùng của đau thương: “Phải gọi tên quê hương tôi trước nhất / Bởi ở đó / Là khốn khổ, đớn cùng, nghèo đói / Nước mắt chứa chan.” Đó là chết chóc: “chết đau thương, chết buồn bã / ‘Bui-đinh,’ đường phố. Mìn nổ không thưa / Bất cứ lúc nào sáng trưa chiều tối / Mỗi chúng ta dành tặng số phận mình.” Quê hương của Hoài Ziang Duy là phân ly, chia cắt ở đó ngôn ngữ không phải dùng để tạo cảm thông, đoàn kết mà chỉ để gây chia rẽ, ngăn cách, hận thù: “Có giòng sông chia cắt / Có kinh nhỏ hẫm hiu / Dân tộc này và ngôn ngữ đó / Níu bàn tay chẳng nắm được bao giờ.” Đó là những điều căn bản về Việt Nam mà người lính Mỹ không biết và không sao hiểu được. Họ cũng không sao hiểu nỗi, như Hoài Ziang Duy nhận xét, tang thương như thế mà người dân Việt vẫn thân thiện và thản nhiên sống với số phận của mình: “Khi anh dừng bước lại / Một nơi nào đó / Anh sẽ nhìn thấy / Như khi trên phà qua sông / Đứa trẻ nhỏ sẽ chào anh quen thuộc / Người ăn xin mù mắt / Rất ung dung kể lể bản thân mình / và người tàn tật trên đôi nạng gổ / Rất vô tình nhìn giòng nước chảy xuôi.” Quả thật, làm sao người bạn đồng minh có thể hiểu được khi thấy người cựu chiến binh Việt có thể “ung dung” như một triết gia trong lúc cuộc chiến tạo ra chấn động tinh thần khủng khiếp trong cái gọi là “hội chứng Việt Nam” (Vietnam war syndrome) đối với người cựu chiến binh Mỹ?
Khác biệt về văn hóa, về hoàn cảnh và nhất là về tư duy, người bạn đồng minh của Hoài Ziang Duy có số phận nghiệt ngã là được gởi tới chiến đấu tại một nơi xa lạ với họ về mọi mặt. Tuy nhiên, chúng ta không nên trách cứ họ vì theo Hoài Ziang Duy những người bạn Mỹ đồng minh của ông đều có số phận như ông và các chiến hữu của ông: tất cả mù mờ về về cuộc chiến nhưng rất rõ ràng về cái chết chắc chắn, thân thiện, bình đẵng và giải thoát: “Như thể chúng ta một ngày một buổi / Kênh nước chảy buồn lúc cạn lúc sâu / Như đêm nghe tiếng đại bác / Như đêm ngỡ chẳng là mình / Bởi tôi đen chẳng nhìn nhau rõ mặt / Đạn vô tình thăm hỏi rất tươi vui / Mỗi chúng ta nhận cho mình hướng sống / Chết là cười một lúc / Thảnh thơi.” Đoạn thơ ngắn nhưng trình bày một quan niệm sống và chết rất hung hồn, rất “hiện sinh.” Sống là chấp nhận sự phi lý của cuộc đời và chết là một trò chơi vui.
Sự góp phần của hàng trăm nhà thơ tiền tuyến vào hiện tượng trăm hoa đua nở của văn chương miền Nam Việt Nam có ý nghĩa quan trọng không những bởi vì số lượng đồ sộ (hàng ngàn bài thơ do gần năm trăm thi sĩ chỉ trong hơn mười năm, mà còn bởi vì tác phẩm của họ biểu lộ những cảm nhận đầy nhân bản. Vì bài viết là một phần của hồi ký nên chỉ có tính cách sơ lược. Để hiểu văn chương chiến tranh Việt Nam, các nhà phê bình tương lai nên nghiên cứu hiện tượng văn học phong phú, đa dạng, hấp dẫn và quan trọng này.
______
*Trích dịch từ bản tiếng Anh “In Search of Lost Time,” hồi ký văn chương, chưa xuất bản. Thơ văn do các nhà văn lính chiến rất phong phú nhưng tản mác nhiều nơi. May mắn gần đây được sưu tập và xuất bản thành hai tập tổng cộng 1590 trang với nhan đề Thơ miền Nam trong thời chiến (Thư Ấn Quán, New Jersey, 2007). Tác giả xin cám ơn nhà văn Trần Hoài Thư, người chủ biên tác phẩm nói trên, đã cung cấp tài liệu dùng cho bài viết này.
_____
Trần Quí Phiệt
2023