Trò chuyện với "Người Bắt Bóng Ngựa"
họa sĩ Hà Cẩm Tâm

thực hiện: nhà văn Lê Thị Huệ

1. Họa sĩ có thể nói sơ về thân thế mỉnh

Tôi được sanh ra trong một gia đình địa chủ ở Hậu Giang, nay là tỉnh Đồng Tháp, trước là quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc.  Ba tôi là người rất sính văn chương và yêu nghệ sĩ.  Tôi có 5 người chị đẹp nên phần đông các ông văn nghệ sĩ miền Bắc, Trung, Nam đều có ghé qua nhà.  Tôi học được mẹ tôi về tình thương yêu và lòng nhân hậu đến các người tá điền nghèo khó và lòng nhẫn nhục vô bờ.  Bà ân cần nhìn họ mỗi năm chèo ghe đến đong lúa ruộng và âm thầm cho họ những đặc ân và thường nói với các con:  Người ta ăn ở thì còn, các con ăn thì hết.  Hành động và tình cảm của mẹ tôi đã tạo cho tôi thành một người cũng gần giống như mẹ tôi cho đến bây giờ.

2. Ngoài tài năng ra, nhu cầu nào bức bách người sáng tạo tìm đến với hội hoạ ? Anh tìm đến với vẽ từ bao giờ và do vì đâu

Nghệ thuật là nhu cầu tối ư cần thiết cho con người để được giải thoát ra khỏi ngục tù của thành kiến, xiếng xích của thói quen để thăng hoa.  Như cô bé Alice bước vào quê hương thần tiên với màu sắc huy hoàng của kỳ hoa dị thảo.  Tôi không thích sự chật chội và sự lập đi lập lại nhàm chán.  Tôi muốn có một thế giới rộng rãi hơn, nguy nga hơn mà do tôi tự tạo ra là nghệt thuật tạo hình, là hội họa.  Nghệ sĩ không sáng tạo là nghệ sĩ chết.  Vì tôi biết tôi, tôi thương tôi và tôi thương người, nên suốt 26 năm xa quê nhà, không năm nào là tôi không vẽ tranh.  Tôi vui và người cũng vui, tôi hạnh phúc và người cũng hạnh phúc.  Tôi bắt đầu vẽ tranh lúc 12 tuổi.  Khi tôi vào bưng biền  kháng chiến chống Pháp và trở về Gia Định vào học trường Mỹ Thuật vào năm 1951.  Như là một giấc mơ đã thành sự thật.  Ông thầy dạy vẽ ở bậc tiểu học vào năm 1944 là một hình ảnh thật đẹp mà tôi hằng mơ ước.  Con xin cám ơn thầy.

3. Hoạ sĩ sang Mỹ từ năm 1978, nghe nói anh cũng đã từng đi câu tôm ở Alaska. Anh thử kể nghe chơi về những chuyện bên lề này

Mười lăm ngày đêm bão bùng trên biển đông, tôi và gần 100 thuyền nhân đến đảo Pulau Merang, Mã Lai vào đầu tháng 12, năm 1977.  Đến Mỹ vào tháng 5 năm 1978.  Đầu tiên là New York và tôi ở hầu hết các tiểu bang Hoa Kỳ.  Triển lãm tranh đầu tiên trong một gallery giữa rừng của thành phố Harrisburg, thủ đô của tiểu bang Pensylvania, miền đông.  Khách đếm xem tranh rất đông ngày khai mạc, ngưỡng mộ nức nở, thưởng thức say đắm rồi ra về.  Báo chí địa phương hôm sau đăng tin triển lãm trên trang nhứt huy hoàng, trang trọng, lẫy lừng.

Dẹp triển lãm, tôi đi làm ruộng với các ông mục sư của hội Tin Lành Minoni, một hệ phái không chấp nhận đời sống văn minh, mặc quần áo đen, nón rơm, râu ria xồm xoàm dài lê thê như các ông Hồi Giáo, Trung Đông.  Không nghe radio, không xem tivi, ăn uống đơn giản như người tiền sử.  Trong giờ nghỉ trưa, tôi lấy giấy bút làm rất nhiều phác họa, dùng tài liệu cho tranh.  Sau ba tháng hè, vào thu, thời tiết lạnh buốt, tôi moved qua Seattle, Washington State theo tiếng gọi của anh Thanh Nam và Mai Thảo.  Lại vẽ tranh và triển lãm tại thư viện của trường Đại Hoc Washington State.  Tôi được mời dạy về mộc bản Việt Nam (block printing) tại trường này trong 4 năm với số học sinh mỗi lớp trên dưới 20 người từ 1978 đến 1981, như là một việc bán thời gian, nên phải làm nhiều việc khác thêm để giúp cho vợ tôi và 5 đứa con còn kẹt lại ở Sài Gòn.  Chỉ có một đứa con trai 17 tuổi và tôi trong chuyến vượt biển đầu tiên này.

13 Nghề

Những ngày fiêu lưu trên trái đất

Nghề nghiệp chánh là họa sĩ

Vẽ đủ thứ tranh đủ thứ trường phái

Tự do tung hoành tay fải, tay trái

Đôi khi ngồi yên như là con gái

Có lúc rần rần như là giặc chòm

Nhiều khi nghêu ngao như là ca sĩ

Nhảy nhảy cà tưng y chang con khỉ

(Đó là những ngày còn ở quê nhà...)

Gần mười ba năm sống trên đất Mỹ

Thêm hơn mười nghề có khi là bảy (thất nghiệp)

1.

Đánh bóng sàn nhà bằng máy điện khí

Giây nhợ quay cuồng đô vật suốt đêm

Ba bốn giờ sáng mới chạy về nghỉ


2.

Kế đó là nghề đi chặt thịt gà

Vô trong phòng lạnh tưởng mình thành đá

Đứng trung bình tấn như là ông thần

Tay chặt, tay xô thịt xương thành núi

Phòng lạnh mà người nóng như bàn ủi

Hừng sáng về nhà như con dế nhũi


3.

Nghề tiếp là nghề mài lưỡi cưa

Tiếng thép hú vang như lòai yêu ma

Đầu óc quay cuồng mà lòng ai bi

Làm được sáu tuần nghe mình quá bí

Bởi vì: “Nghe như có thép réo ở trong lòng”

Thì làm sao chiụ nỗi!

Dông!


4.

Kế đó là nghề đi làm King Crab (làm cua)

Trên một đảo nhỏ của Alaska

Nhớ tới Charlot bù long vặn tới

Mình cũng dây chuyền cả triệu càng cua

Chân đạp tay đưa nước xòa đầy mặt

Cũng như hồi nhỏ mình đi tắm mưa

Quần áo xùng xình như là ông Táo

(Vừa “làm Kinh” (King) vừa bị “làm Ráp” (Crab), đã chưa?)


5.

Trở về đất liền lại đi xúc tuyết

Mới được ba ngày thân bại danh liệt

Nghe trong người mình như là hết biết

Bèn cuốn gói chạy luôn mất biệt


6

Nghề kế là đi làm Teacher-Aid

Mình có cảm giác như là cảnh sát

Vừa cảm thấy mình như là tay sai

Bước đi lòng vòng mắt nhìn cô giáo (Mỹ)

Hễ cô nói gì là phải dịch lại (Việt)

Y như con vẹt

Chắc không thể làm mình thành con két

Bèn bỏ đi một cái rẹt...


7.

Thứ bảy là nghề đập phá bình điện

Còng lưng bưng lên đúng thế vừa tầm

Hai tay hết lực cầm búa tài xồi

Xáng vô ba cái là bình tan nát

Một ngày chỉ số là phải ba trăm

Bình điện tan tành, cuộc đời gần rã


Bỗng nhiên nhớ:

            Lao Động là vinh quang

            Lao phổi là Hồng Bàng (nhà thương lao)

            Lao tâm là Chợ Quán (bệnh viện điên)

            Lao xương là final (nghĩa trang buồn)


8.

Kế đó là nghề đi làm help-cook (heo cút)

(tạm dịch nôm na là heo chạy trốn)

Vừa làm heo-cút vừa làm đổ rác

Mài dao xắt thịt, chặt cá, lột tôm

Lau chén rửa rau, rửa nồi, rửa chảo

Chạy tới chạy lui hai tay lão đảo

Nhìn qua khung cửa thấy tuyết bay bay

Bỗng nhiên tự hỏi: Tuyết bay hay mình bay?

(Như tranh Chagall người ngã trên  mây)


9.

Qua tới mùa xuân đào lỗ trồng cây

Hữu thân hữu khổ lính thú đời xưa

Vác cây đẳng gỗ mịt mờ đất bụi

Làm luôn cuối tuần bất kể nắng mưa

Vì thế nên đời sau có thơ khen rằng:

Nắng mưa là bệnh của trời

Trồng cây là job của người Việt Nam


10.

Tiếp theo là nghề đi làm máy dộng (punch-press machine)

Tiếng nổ ầm ầm như súng cà nông

Hai tay ấn nút hai chân đạp

Thép cứng biến thành hững lỗ hang

Mặt mũi mạt nhôm lấm đầy cát bụi

Tấm thân dầu mỡ bước sang ngang

Chiều về phải đón ba xe bus

Vừa chạy vừa la cũng đến nhà


11.

Trở về Cali đi làm đồ gốm (ceramic)

(Đồ gốm hay là đồ gớm đây?)

Bà chủ lò người ở Lái Thiêu

Cả nhà suốt năm tám người ăn mắm

(Mùi mắm hay là mùi Lái Thiêu?)

Làm hoài như máy: Cúc Trúc Mai Lan

Trúc thì ba lá như dao cắm

Vẽ tới vẽ lui chẳng thấy nhàm

Thị hiếu khách hàng bà đã nắm

Men chảy, ma-che (Matières) đừng có ham

(Mỗi lần ngồi vẽ một lần hắc ám)

 

... Chổng mông làm ròng ba tháng

Trả lương hai tháng, một tháng cũng đi chơi

Rồi thôi! Bà khai phá sản, bankcruptcy.  Hi Hi!

Dân tộc ta bốn ngàn năm văn hiến!

Hô biến!


12.

Thập nhị nghề là giữ trẻ sơ sanh

Bên cạnh là nấu nướng quét lau

Phải biết thay tã làm sao

Cho ăn cho bú ngọt ngào chẳng sai

Cuộc đời thật quả là vui

Cám ơn đất mới dạy tôi đủ nghề

Cách ngôn xưa có nói:

“Ruộng đất bề bề

Không bằng có một nghề trong tay”

Huống chi tôi được quá nhiều nghề như hôm nay

Giỏi thay!

Hay thay!

13.

Nửa đời người làm học trò trở lại

Sướng làm sao ôi!  Cuộc đời thoải mái

Đèn sách hai năm tốt nghiẹp vẽ máy (electro-mechanical drafting)

Làm hơn sáu chỗ vẫn còn lạ hoắc

Mãi tới bây giờ mới thấy quen quen

Có khi thấy mình sướng hơn tiên

Bao nhiêu phiền não đã quy tiên

Mã vẫn đẹp và nghề đã yên...

 

Mấy tháng không làm thơ

Như là không được thở

Ngày lao động tối dật dờ

Hồn lênh đênh

Và dạ ngẩn ngơ

Mấy tháng không vẽ tranh

Đầu óc như muốn banh

Bàn tay như muốn cháy

Ta đã biết, đã ngộ rằng

Chỉ một con đường

Là vẽ tranh, là vẽ tranh, là vẽ tranh.

(Saratoga, CA. 1989)

Vui nhất là job đi làm cua ở Alaska.  Nếu có thì giờ tôi sẽ viết thành một cuốn sách cỡ chừng 50 trang, vì có quá nhiều tình tiết lạ lùng không thể tưởng tượng.  Phong cảnh ở Alaska tuyệt vời, thiên nhiên như còn y nguyên, trong suốt.  Đời sống người Eskimo cũng rất là hấp dẫn, cuộc sống trên băng của họ thật là sinh động, đầy hào khí, có khi lơ lửng như sống giữa không gian, có khi như giữa lòng băng tuyết.

Ba má tôi tuy là địa chủ, có hơn trên ngàn mẫu ruộng nhưng rất là bình dân và thân ái với tất cả nhưng người tá điền.  Ngồi uống trà chung với họ, nói chuyện đất đai mùa màng thời tiết như là trong một gia đình.  Nhà tôi có một phòng sách rất lớn với những tủ ngăn được xếp theo từng loại và khuôn khổ như ở thư viện.  Các loại sách quý đều có chữ ký của tác giã từ Hà Nội gởi vào, từ Sài Gòn gởi xuống, từ bên Tây gởi qua.  Nhà tôi ở cạnh bờ sông, có vườn cam, quýt, mận, ổi, xoài, chuối, chanh thật nên thơ.  Má tôi tự tay nấu nướng cho các con ăn mặc dù trong nhà có 4 người làm công, một trai ba gái.  Tôi có người anh hai – tức trai cả – học ở trường trung học Petrus Ký (1930) chơi cổ nhạc rất hay, là bạn thân của nhạc sư Vĩnh Bảo, hiện đang ở Sài Gòn, có công chế biến cây đàn tranh, đi trình diễn khắp nơi trên thế giới, cũng là bạn của giáo sư Trần Văn Khê.  Anh hai tôi đã qua đời cách đây 10 năm.  Ba tôi làm thơ Đường và cũng biết chơi cổ nhạc.  Tôi nhớ ba tôi có chiếc ghe hầu, loại ghe rất dài và rộng, được trang trí rất đẹp bên ngoài và bên trong, rèm che sáo phủ, có hai người chèo mũi và lái.  Cả gia đình tôi thường ra sông cái chơi bằng chiếc ghe hầu này, có phòng ngủ, ăn, bếp, phòng chơi nhạc cổ.  Có khi đi thật xa, bềnh bồng trên Hậu Giang trong những đêm trăng sáng hay lên cồn ngắm sao.  Tôi là đứa con được cưng và nuông chiều nhất trong gia đình từ nhỏ cho đến khi có gia đình, cuộc sống thảnh thơi vui thú triền miên cho đến ngày qua Mỹ.  Tôi thật cám ơn nước Mỹ cho tôi biết được thực chất của đời sống, cho tôi thấm thía được sự nhọc nhằn và nổi nhớ nhung về một quê hương đã nghìn trùng xa cách.

Thật tôi không bao giờ hãnh diện đã được sanh ra và trưởng thành trong một gia đình giàu có, mà tôi chỉ rất hãnh diện là đã có một người mẹ có tấm lòng từ bi, quên mình để lo cho các người nghèo khổ và hết lòng nuôi dưỡng, chăm sóc đàn con để trở nên những người tử tế.  Má tôi là người học rất ít nhưng tấm lòng bát ngát như biển trời.  Má tôi là cơn gió thoảng giữa trưa hè oi bức, là dòng suối mát giữa sỏi đá khô cằn.  Ba tôi là người rất hào hiệp, giúp cho những người nghèo có con học giỏi ra Hà Nội học các đại học y khoa, mỹ thuật, sư phạm mà không cần đền đáp.  Ba tôi rất nghiêm khắc với các chị và em trai tôi, nhưng rất chiều ý tôi từ thưở bé.  Mười hai tuổi tôi muốn vô bưng biền kháng chiến là ba tôi sai người làm may cho tôi một cái ba tô và túi nhái, mùng mền và các dụng cụ cá nhân cần thiết để lên đường.  Lớn lên khi trở về thành, ba tôi rất muốn tôi học y khoa, nhưng tôi thích vào học trường Mỹ Thuật, ba tôi cũng chấp nhận ngay, không một lời qưở trách.  Má tôi thì cứ theo lịnh của ba tôi và theo ý của tôi mà làm một cách thật hào hứng và hân hoan.  Từ ngày qua Mỹ đến nay, nếu có nhớ thì tôi nhớ mẹ nhớ cha,nhớ ruộng nhớ vườn, nhớ nước nhớ sông, nhớ những người nông dân chất phác đói nghèo, nhớ những bữa cơm đạm bạc dưới mái lá dột mưa.  Tuyệt nhiên tôi không hề nhớ các buổi khai mạc triển lãm huy hoàng hay các bữa ăn linh đình với các ông bà triệu phú hay các người áo quần bảnh bao ở các tòa đại sứ của các nước văn minh.

Tôi thành tâm cám ơn quê hương nghèo khổ đã nuôi dưỡng để tôi trở thành người triệu phú tinh thần...

Tôi cũng nhớ ơn gia đình người Mỹ ở miền đông Hoa Kỳ đã bảo trợ cha con tôi một cách thật ân cần và chu đáo trong những ngày đầu tiên bước chân đến Mỹ từ trại tị nạn Pulau Besar, Mã Lai.  Tôi biết chắc vợ chồng người Mỹ này đúng là hai vị bồ tát “tùng địa dũng xuất” như trong kinh Pháp Hoa đã nói, âm thầm phò nguy cứu khổ mà chẳng cần ai biết ai hay, làm như không làm, nhẹ nhàng và hoan hỉ.

Tử vi tây phương, tôi thuộc tuổi bò mộng (Tauraus) hăng và húc nhưng cũng rất mộng và mơ, lãng mạn nhưng rất là thực tế.  Sau 2 tháng ở nhà người bảo trợ, tôi lang bạt kỳ hồ khắp các tiểu bang và làm đủ các nghề lao động, không dính dáng ăn nhập gì vẽ vời cả.  Hình ảnh người vợ cần cù và 5 đứa con nheo nhóc còn kẹt lại bên nhà thôi thúc tâm trí tôi từng chập.  Nhờ làm lao động, nên đời sống tôi được quân bình, nằm xuống là ngủ ngon lành, mặc dù ở ngoài đường toàn ăn hamburger, hot dog, về nhà thì toàn là mì gói đủ các hiệu trên thế giới.  Sau 14 năm chia lìa, gia đình tôi được gặp nhau đầy đủ trên đất Mỹ, chuyến đi chót là vợ tôi và đứa con gái út.  Dầu sao tôi cũng vô cùng cám ơn các người bạn văn nghệ xưa đã viết thơ hay điện thoại, có lòng tốt, kêu tôi xuống Santa Ana tiếp tục làm họa sĩ.  Sau cuộc triển lãm đầu tiên khi bước chân đến Mỹ 6/1978, tôi biết là nghệ thuật phải tính sau.  Điều khẩn trương là phải cho vợ con sống trước và gặp lại nhau càng sớm càng tốt thì mình mới sống nổi để mà làm nghệ thuật.  Nhớ lại những ngày mùa đông, 4 giờ sáng ra cào tuyết chiếc xe để đi làm, coi lại không phải là xe mình.  Lại kiểm tra thật kỹ mà cào cho đúng xe mình.  Mùa đông dưới 0 độ mà ướt đẫm mồ hôi, cũng nhờ vậy mà đỡ lạnh.  Cám ơn chúa tôi!  Hồi ở Việt Nam, 4 chữ không khí gia đình chỉ là lý thuyết, có trong tuồng cải lương Đời Cô Lựu hay trong tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn, hay là của đầu môi chót lưỡi trong những lúc trà dư tửu hậu.  Ở Mỹ, bốn chữ không khí gia đình không còn là lý thuyết nữa mà nó thực tế hơn thực tế, còn cần thiết hơn cơm ăn áo mặc, cần thiết như oxygen để thở.  Lúc ở Việt Nam,  cứ tưởng đi không ai tiễn về không ai hay là sướng nhứt đời.  Suối 10 năm ở Mỹ, chẳng ai thèm hỏi thăm ngó ngàng gì tới mới thấy thật là khủng khiếp.  Liberté ou La Mort, Tự Do hay là Chết tự nhiên có hai nghĩa rõ ràng ( một là tự do, hai là chết và khi được tự do thì tự tự do hay là chết)

 Chập chờn thức dậy vào một, hai giờ sáng, không nằm thở mà làm thơ:

            Nửa đêm hôn cánh tay mình

            Tự nhiên sao thấy thương mình quá thương...

 Rồi bò lại lấy màu lấy cọ vẽ tranh.  Thơ mình mình đọc, tranh mình mình coi, đứng ngồi xớ rớ chẳng vui chẳng buồn.  Vui hay buồn không thành vấn đề, nhưng khi đồng hồ reo là tự động lồm cồm ngồi dậy chuẩn bị vào hãng lập tức,  vì khi bấm thẻ vào cửa trễ một phút thì bị trừ nửa tiếng, cứ thế mà nhân lên và trừ xuống thì biết sự thảm thương ra sao.

Nhờ trời, mấy ông con trai tôi trốn qua Mỹ từng đứa.  Tuổi teenage vào trung học Mỹ!  Cha ham vui  một, con ham vui mười, cha ngang tàng mười, con ngang ngược 100, cứ tỷ lệ đó mà nhân lên... Tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ, trước la sau khóc, đầu óc quay cuồng, ăn ngủ chẳng yên.  Tôi liễu ngộ được cảnh “ gà trống nuôi con”.  Cái khoảng trống vắng rùng rợn nầy hóa giải được chỉ có người đàn bà tên là MẸ; người đàn ông tên là CHA không đủ công lực lèo lái con thuyền gia đình đến bến bình an.  Thật là họa vô đơn chí; trong thời gian khẩn trương này tôi lại vừa bị thất nghiệp, nên đi đăng ký vào các job shop – chỗ tìm việc của tư nhân – và sở thất nghiệp, chờ gọi tên như légionnaire - lính đánh thuê-.  Hễ kêu là đi làm liền vào ngày mai. có khi làm trong 1 tuần, 2 tuần... Ngoài ra còn phải tự làm hơn 100 cái resumé – lý lịch kinh nghiệm nghề nghiệp – gởi đi các hãng xưởng khác.  May mắn làm sao, có tin cho biết là vợ con tôi sẽ qua được Mỹ vào tháng tới theo chương trình đoàn tụ.  Chẳng những họa vô đơn chí mà phước cũng vô đơn chí; khi vợ con tôi đến San Francisco, một tuần sau tôi có được việc làm...

Tất cả mọi điều tốt lành xảy ra như một phép lạ.  Các con tôi có được người MẸ, sau 14 năm đứa con gái út tôi mới gọi được tiếng BA, vợ tôi mới gọi được tiếng ANH và tôi mới gọi được tiếng EM.  Các bạn thân đều gọi tôi là Family Man và cũng biết tôi rất thương người và thương đàn bà rất nhiều, nguồn cội là hình ảnh và tình thương của MẸ tôi. 

Tôi thấy thật minh bạch là người đàn bà hơn người đàn ông về rất là nhiều mặt, nổi bật nhất là tình thương và sự kiên nhẫn.  Các ông được mặt nỗi bên ngoài hùng hổ ồn ào, sôi nỗi, hung hăng, bách chiến bách thắng.  Liên nghĩ đến công ơn của các bà Khổng Tử, Mạnh Tử, Trang Tử như các bậc anh hùng vô danh, lặng lẽ nuôi dưỡng, nuông chiều, chịu đựng các nhà đại tư tưởng, đại hiền triết Trung Quốc, nếu không có quý bà thì quý ngài Trang, Khổng, Mạnh đã TỬ từ lâu rồi.  Cũng liên tưởng tới bà Văn Cao, nếu không có bà Văn Cao săn sóc chu đáo thì chắc ông cũng văng cao từ lâu rồi.  Nếu không có bà Thái Hằng thì chưa chắc ông Phạm Duy có được những nhạc phẩm tuyệt vời làm rúng động lòng người từ Chiến Khu Việt Bắc, liên khu 5 đến Sài Gòn và khắp 4 vùng chiến thuật.  Nếu không có những người con gái đàn bà đẹp và dễ thương thì làm sao Trịnh Công Sơn sáng tác được những ca khúc bất diệt mà hầu hết các người Việt Nam trong cả ba thế hệ đều say mê và thuộc lòng từng chữ từng câu, từng âm vang óng ả, là niềm an ủi vô biên, là một định lực ẩn tàng để sinh tồn và trưởng dưỡng.

 Lời sau cùng vẫn là lời cảm tạ với tất cả tấm lòng, sụ trân quý và biết ơn đến tất cả những người phụ nữ Việt Nam đã có công chắt chiu, âm thầm xây đắp một quê hương gấm vóc, thương yêu và gây dựng người chồng, người con để được xứng danh, rạng rỡ là địa danh sanh nhân kiệt, được gọi yêu là NAm HảI DỊ NhâN.

4. Họa sĩ có thấy tự do là nhu cầu cần thiết cho những kẻ sáng tạo ? Tại sao có hiện tượng là một số người sáng tạo từ những xứ sở kềm kẹp như Việt Nam sang xứ tự do như xứ Mỹ lại mất hẳn sức sáng tạo

Những người học ở trường Mỹ Thuật thường là những người có tính giang hồ, và trường Mỹ THuật cũng là một trường làm phát triển bản tính này.  Ngoài những bài vẽ cuối tuần ở các vùng của Gia Định như Hàng Xanh, Cầu Sơn, Cầu Lầu, Cầu Băng Ky, XÓm Giá, Xóm Đình, Miễu Nỗi, Lăng Ông, Bà CHiểu; còn các chùa chiền, xóm hẻm ở CHợ Lớn, Cầu Ba Cẳng, Xóm Củi, Cầu Chữ Y...  Các vùng ngoại ô như Phú Lâm, Đức Hòa, Đức Huệ, BÌnh Chánh...  Rất nhiều thời gian đi vẽ bên ngoài, cho nên từ cành cây ngọn cỏ, từ con gà, con heo, cào cào châu chấu, cắc ké kỳ nhông, mùi bùn mùi hoa, các quán trà nước vối cho tới các người phu xích lô, các quán cơm lao động, nhất là tình thân của các em bé, các cụ già bên bờ ao, dưới bóng tre, bên bờ ruộng... đã in sâu vào tâm khảm của những người đi học trường Mỹ Thuật cho nên khi bỏ nước ra đi, mọi ngời đều mang trong lòng một quê hương yêu dấu, đầy đủ tình tiết êm đềm hay éo le, đầy đủ nụ cười giọt lệ, đầy đủ những vết thương kỷ niệm, không cách chi delete (xóa mờ) cho được.  Tự động nó cứ high light (lộ lên) mãi cho tới khi qua đời, có thể high light dữ dội hơn khi từ giã thế gian nầy.  Ai biết?

Nước Mỹ thật đúng là một nước tự do đúng nghĩa của nó.  Muốn sống kiểu nào thì sống, ăn mặc thế nào cũng xong, muốn suy tôn ai thì suy, muốn đả đảo ai thì đả, muốn đi thì đi, muốn ở thì ở, chẳng cần thủ tục giấy tờ, chẳng cần trình phường trình khóm; muốn khóc cứ khóc thả cửa, muốn cười thì cười hết ga, muốn chơi với ai thì chơi, không muốn chơi bất kỳ với ai thì nghỉ. 

Văn nghệ sĩ muốn viết cái gì thì viết, muốn làm hùm làm báo thì cứ làm.  Họa sĩ muốn vẽ cái gì thì vẽ, hiện thực, trừu tượng, lập thể, vô hình dung hay sáng tạo một trường phái nào mới, tha hồ đặt tên gì thì đặt.  Chẳng ai bận tâm mà ngó ngàng hay cãi vã gì cả.  Thật đúng với nghĩa độc lập, tự do.

Nhưng tại sao lại có hiện tượng là phần đông các họa sĩ Việt Nam lại mất cảm hứng sáng tác trên đất Mỹ?  Rất có nhiều lý do nhưng cái chính là sự thiếu vắng TÌNH NGƯỜI, TÌNH BẠN, TÌNH YÊU.  HỒn ai nấy giữ, mạnh ai nấy sống không có sự cần thiết và nương tựa nhau như bà con lối xóm cần nhau, khi ốm đau hay khi tối lửa tắt đèn ở quê nhà.  Ở Mỹ có điều gì nguy cơ khẩn cấp là nhấn số 911 vì nhà ai cũng có điện thoại, cảnh sát và xe cứu thương đến ngay, cứu bồ lập tức.  Chưa có ông họa sĩ nào mà ngồi vẽ một mình, ngắm tranh một mình và nói chuyện một mình... Van Gogh là một người bản lĩnh cao cường, tập trung trong tất cả XÁC+HỒN cho hội họa mà còn phải thỉnh mời ông Gauguin về sống chung để cùng sáng tác.  Đến khi Gauguin bỏ đi thì Van Gogh bỗng nhiên nỗi điên, phải vào bệnh viện tâm thần và cuối cùng là tự tử.  sau khi vẽ “Bầy quạ đen trên đồng lúa vàng”. Van Gogh từ Hòa Lan qua Paris, lại có Théo là em trai hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần để sáng tác, nhưng từ khi Gauguin bỏ đi và Theo lấy vợ thì Van Gogh không chịu đựng nỗi sự cô đơn nên đành phải kết liễu đời mình.

Các họa sĩ Việt Nam qua Mỹ phải chịu hai mặt giáp công: tinh thần quá cô đơn và thể xác thì bị thử thách quá sức vì thời tiết, chưa điều chỉnh kịp để thích nghi với một cuộc sống tốc độ của nền văn minh cơ khí.  Ta cũng dễ hiểu tại sao họ lại mất hẳn sự sáng tạo.  Bây giờ thì đã có những dấu hiệu tốt là các họa sĩ Việt Nam ở hải ngoại đã phục hồi và có được rất nhiều họa phẩm có giá trị nghệ thuật rất cao.


5. Một tác phẩm hội hoạ tuyệt vời có cần thời gian để chứng minh không ? Hay thời gian chỉ là trò chơi chính trị lên tác phẩm

Một tác phẩm hội họa tuyệt vời là một tác phẩm hội họa tuyệt vời, không cần thời gian hay lý luận, phê bình, phân tích.  Một tuyệt tác phẩm hội họa tự nó đã đẹp, nó đã có cái ngôn ngữ của nó mà ta không thể nói ra hay viết xuống.  Nó là tấm lòng, là sự hiến dâng vô điều kiện cho tha nhân.  Sự chứng minh phê phán chỉ là cát bụi.  Lắng đọng và thưởng thức là thái độ khôn ngoan nhất của người yêu tranh.

6. Hội họa Việt Nam là thứ hội họa gì vậy ? Họa sĩ thử gọi tên, đặt tên cho hội họa Việt Nam đi

Căn bản của dân tộc VIệt Nam là thơ mộng, trữ tình và lãng mạn.  Trong cái họa có cái may.  Sự xâm chiếm nước ta của Tàu và Tây thật sự đã làm đau khổ dân tộc ta quá nhiều.  Bù lại sự mất mát lớn lao ấy, hai nền văn hóa Tây Tàu đã hiển nhiên làm cho nền văn hóa ta thêm phong phú, đa dạng với một sắc thái độc đáo mà không một nền văn hóa đông tây kim cổ nào trên thế giới có được.  Trong lãnh vực hội họa, các họa phẩm lẫy lừng của các đàn anh về sơn dầu, bột màu, phấn tiên thuộc Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương 1925 và của các họa sĩ Việt Nam bây giờ đã chứng minh một cách hùng hồn giá trị tuyệt đỉnh của nền hội họa Việt Nam.

 

7. Anh được đặt cho biệt hiệu là "Người Bắt Bóng Ngựa". Trong một buổi tán gẫu với những người bạn văn nghệ trẻ ở đài phát thanh "Tiếng Nước Tôi", cô Mây Lan  xướng ngôn viên đài đã đặt cho anh một tên gọi như vậy khi biết là anh đã vẽ hơn một nghìn bức tranh về ngưa. Nói đến Hà Cẩm Tâm là nói đến tranh ngựa. Họa sĩ có một mối đam mê đặc biệt về ngựa và đã từng âu yếm nói hoạ sĩ yêu ngựa như yêu đàn bà, ngựa và đàn bà giống nhau

Tôi thuộc loại thích cuộc sống đơn giản như đang giỡn nên trong các cuộc họp mặt nghiêm túc long trọng là không có tôi.  Nếu lỡ kẹt bất ngờ thì tôi bỏ đi một cách thật hồn nhiên.  Tôi thích vẽ ngựa nên có nhiều người đã đặt cho tôi rất nhiều hỗn danh mới nghe rất kỳ, nhưng nghĩ lại thật dễ thương.  Trên một đất nước tự do, ai muốn nói gì nói, nói về mình, nói về người khác, nói về hữu hình, nói về vô hình... nhưng CÁI GIÁ TRỊ THẬT vẫn chính là tác phẩm – trong nghành văn học nghệt thuật – Lời qua tiếng lại, bàn tán xôn xao hay âm thầm chọc phá cũng không là tăng hay giảm cái thực chất của tác phẩm hay rung rinh cái chỗ nằm của tác giả.

Cám ơn Mây Lan đặt cho tôi cái biệt hiệu “Người Bắt Bóng Ngựa”, một cái tên thật nhẹ nhàng, vừa hiện thực lại vừa trừu tượng, vừa lộn xộn lại vừa đàng hoàng, vừa tỉnh táo mà cũng lại vừa điên điên.  Cuộc triển lãm 3 ngày tuy thật ngắn ngủi mà cũng thật là bất tận trong tâm hồn tôi tại Đài Phát Thanh Tiếng Nước Tôi vào đầu xuân 2003.  MỘt hạnh phúc tròn đầy, chứa chan tình bạn.  Có những người bạn 50 năm mới gặp lại nhau ở phòng tranh, có những người bạn mới 15 tuổi mà tâm hồn thật già, ngôn ngữ thật trong sáng, thẳng thắn như tiếng nói của trái tim như: “ coi những con ngựa bác vẽ, cháu thật là hồi hộp, trái tim cháu đập thình thình”.

Rất có nhiều người hỏi tại sao tôi thích vẽ ngựa.  Xin trả lời đại khái cho vui:  Từ ngày đầu vào học trường Mỹ Thuật (1951), từ tỉnh Đồng Tháp đến Sài Gòn, tôi được sống trong một gia đình nuôi cơm tháng cho các sinh viên trường vẽ có các xe thổ mộ – xe ngựa – tại bến tắm ngựa, phía sau viện ung thư, tỉnh GIa Định.  Các con ngựa bụng tròn, chân ngắn, làm việc thật cực lực mà bị la hét, đánh quất trong các chuyến xe của các bạn hàng chợ chở đầy ấp hàng hóa khi đến dóc cao...  Nhiều con ngựa đã ngã quỵ, sôi bọt mồm, mắt trợn trắng.  Hình ảnh đó chấn dộng tôi thật mạnh, khiến tình yêu ngựa trong tôi thật mạnh, hiện lên trên khung bố của các bài vẽ cuối tuần (Croquis Samedi) để nộp cho thầy vào sáng thứ hai.


Tôi nói ngựa và đàn bà giống nhau là giống về cái đẹp của hình dáng và đường nét, cái giống về bản tính siêng năng, chịu đựng và nghĩa tình, về cái bi hùng của đoàn ngựa khi ra trận mạc.  Có một thời gian dài nhìn đâu tôi cũng thấy ngựa.  Nhìn lên trời những áng mây, nhìn xuống cái cột biển chập cùng... cầm cọ lên là ra ngựa, bỏ cọ xuống là ra tranh.  Bước ra đường thấy các thiếu nữ yêu kiều đi giày cao gót, cổ chân vòng cung, mái tóc bềnh bồng, đôi tay mượt mà, cái lưng dấu ngã là hình ảnh dấu yêu của con ngựa lại hiện về như một người bạn tri âm.  Tuy có hơi cải lương, nhưng đó là sự thật.  Nhà văn Nguyễn Bá Trạc đặt tên tôi là Tâm Ngựa, thật không sai; danh từ hay động từ không thành vấn đề, no problem!.  Nhớ lúc ở trại tị nạn Pulau Besar Merang ở Mã Lai 12/1977, tôi vẽ những cái quán cà phê và hàng dừa gió bay, anh Mai Thảo ngồi uống cà phê nhìn tôi vẽ và nói: “Toi" vẽ dừa hay vẽ ngựa?  Lá dừa bay mà như ngựa bay”.  Tôi cười, dừa bay, ngựa bay, người bay...  Mai Thảo gật gù cười cười.  Thật là vui.  Khi qua tới Seattle 1978, anh và tôi cứ ước mơ có ngày mình trở lại thăm trại tị nạn Pulau Besar Merang.  Thật là true comes dream!

Có một cháu trai nhỏ xíu hỏi tôi bằng tiếng Việt Nam với giọng Mỹ : “Tại sao bác thích vẽ ngựa?”  Tôi nói ngựa nó cũng giống như bác cháu mình, nó thích bạn bè, vui chơi với nhau, đi đâu cũng đi có bầy.  Người Việt mình thường nói, “ Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”.  Tôi dịch qua tiếng Mỹ cho cháu hiểu, và cháu cười: à há, I got it.  Thank you bác Tâm.  Trong dịp lễ Valentines vừa rồi tôi có vẽ một bức màu hồng, người đàn bà mang giày cao gót bước đi và phía sau là một con ngựa, đuôi thật dài cũng bước đi.  Có bà đến hỏi: Bức tranh này tên chi?  Tôi nói tranh tôi thường là do bạn bè và khách xem tranh đặt tên.  Có người bên cạnh nói, tức là Ngựa và Đàn Bà.  Tánh tôi hay đùa nên nói tiếp lời, nếu nói ngắn gọn là Ngựa Bà.  Bà khách giận tôi và bỏ đi một nước ngon lành.


8. Người ta đang nói về một thế giới hiện đại là thế giới "nghe và nhìn". Họa sĩ nghĩ là khiếu thẩm mỹ của con người có thể thay đổi theo môi trường toàn cầu hóa chăng ?

Khiếu thẩm mỹ của con người, sự khát khao cái đẹp, niềm hoài mong trở về mái nhà Chân Thiện Mỹ là niềm mơ ước của loài người.  Không ai thích sự chia lìa, đau khổ, bạo tàn.  Mỗi người là một tác phẩm tuyệt vời của thượng đế.  Không ai giống ai về hình dáng và tâm tình.  Không thể lầm lẫn người này với người khác dù trên đường dây điện thoại cách xa hơn nửa vòng trái đất.

Tình cảm con người từ thuở hồng hoang đến bây giờ vẫn là tình cảm con người.  Giống nhau nhưng cũng rất khác nhau.  Thấy vậy nhưng không phải vậy.  Cảm nhận và trực giác trong mỗi con người có khi đối chọi nhau thật mãnh liệt.  Có những điều những vật ta không phải thấy bằng mắt và nghe bằng tai, nhưng thật là chính xác, thật là nồng nàng.  Ta dùng một giác quan khác ngoài ngũ giác là trực giác, giác quan thứ sáu.  Sự mầu nhiệm này không thể dùng trí thông minh mà suy xét, dùng khoa học thực nghiệm để chứng minh, dùng sự tưởng tượng thượng thừa để kết luận.  Đẳng cấp tuyệt luân này con người không có khả năng với tới nổi, vì đây là chuyện bất vô tư nghì, không thể nghĩ bàn được.

9. Tôi có đọc một bài phỏng vấn người hoạ sĩ mà tôi rất thích tranh của ông, Balthus. Balthus nói những họa sĩ tự xưng là đương đại quên rằng căn bản của nghệ thuật là kỹ xảo (craft), và các họa sĩ đương đại thì ưa nói vẽ là diễn tả cái "tôi" (self expression) mà thực tế vẽ chỉ là vẽ (paint)

Cái mất mát lớn lao nhất của con người văn minh vật chất là hay cải vã, lý luận và phân tích một cách tận tường nhưng cứng ngắc về những tác phẩm nghệ thuật.  Đọc những bài phỏng vấn, những bài phê bình về các đại văn hào, đại họa sư, tràng giang đại hải, chỉ làm cho cuộc đời vốn đã phức tạp lại càng thêm phức tạp, ngôn ngữ trần gian hạn hẹp càng làm cho vấn đề càng thêm mù mờ.  Nếu thi hào Nguyễn Du hay họa sĩ Picasso sống trở lại để nghe các bài phê bình văn thơ hội họa chắc cũng phải lắc đầu ngao ngán.  Ví dụ như các nhà sử họa viết về thời kỳ xanh thời kỳ  hồng của Picasso một cách thật tỉ mỉ và nghiêm túc như là người bạn thân tình, sáng tác bên cạnh Picasso.  Biết đâu Picasso vẽ một loạt tranh màu xanh vì các loại màu xanh còn nhiều quá và sau đó lại vẽ một loạt tranh màu hồng vì màu đỏ và màu trắng còn ứ đọng trong kho.  Cho nên người họa sĩ nếu thật là họa sĩ thì vẽ chỉ để vẽ.  Có thể vì nhu cầu sinh lý như đói ăn, khát uống, mệt nghỉ, khỏe đi chơi, vậy thôi.  Người họa sĩ ngồi trước giá vẽ không tính toán chi li, không cốt truyện lòng vòng, không muốn bức tranh mình sắp vẽ đẹp hơn các bức tranh khác, không có ý miên man mình sẽ triển lãm ở bảo tàng viện, sẽ có nhiều người đến thưởng ngoạn, ngợi khen.  Người họa sĩ ngồi trước khung bố ngây thơ như em bé mặc áo mới, quên cài nút, như bà mẹ ru con trên chiếc võng đong đưa, như “con chim ngứa cổ hát chơi”...  Người họa sĩ trong phút giây sáng tác buông bỏ tất cả, đưa linh hồn và tình cảm mình nô đùa trên khung bố.


10. Hội họa tham dự vào đời sống của người vẽ lẫn người tiêu thụ ở những điểm nào?

Người vẽ là người sáng tạo.  Người ngắm tranh cũng là người sáng tạo.  Sự đưa đẩy và thân ái của người vẽ và người xem, tạo nên sự bí ẩn thần tiên, không bút mực nào tả được, cũng không thể nói ra lời.  Niềm hạnh phúc hiện nguyên hình, chỉ có người vẽ và người xem tranh thấy và nghe.  Tuyệt đối đệ tam nhơn không cách chi chen lấn vô được.  Sự ngạc nhiên từng hồi, sự kỳ vọng từng chập, sự lạ lùng từng cơn và vô tận, đã đưa người vẽ và người xem tranh thành MỘT, để chung về cõi trăng sao.

Năng khiếu thẩm mỹ của người xem tranh thức dậy từ bên trong, tràn ngập một niềm xao xuyến vô cùng thanh tịnh, tự nhiên hiểu được sự vận hành vi diệu của vũ trụ, thật toàn hảo và thần kỳ, triệt thấu được sự huyền bí trong ta mà từ lâu ta muốn biết.  Hội họa thật sự tối ư cần thiết cho con người trong đời sống căng thẳng và bận rộn khắp mọi nơi trên quả địa cầu này.  Tưởng tượng nếu cả thành phố đều sơn đen thì kinh khủng đến ra sao.

11. Ai là người dễ tạo nên sự tiêu thụ hay thưởng ngoạn hội họa. Các nhà phê bình, chính quyền, người tiêu thụ, hay như hiện nay ở Mỹ là các công ty lớn. Riêng Việt Nam thì hình như cả bốn thành phần trên đều chưa xuất hiện. Anh nghĩ sao về điều này

Việt Nam thì chẳng có cái gì gọi là hệ thống hóa, nhất là sự tiêu thụ hội họa.  Họa sĩ tụi tôi như đào kép, chẳng biết làm thương mại, cũng không quen cộng trừ nhân chia, không ưa bè đảng, tiền thì rất là cần nhưng chẳng biết cách nào làm ra, con nhà lính tính nhà quan, lại có tật tùy hứng, on off up down thường trực nên cứ tà tà sống, đi làm, vẽ tranh, tán gẫu vui chơi, tới đâu thì tới...

12. Tôi nhận xét thấy thơ văn trong nước tiếp tục phục vụ nghệ thuật nói lòng vòng, nói bóng nói gió, nói xa xa mục tiêu. Thơ văn ngoài nước có khuynh hướng phát tướng nghệ thuật nói thẳng nói thật, nói vào mục tiêu.  Theo họa sĩ thì hội họa Việt Nam trong nước và ngoài nước có những điểm nào khác biệt như bên viết không?

Người vẽ tranh đại kỵ là vẽ theo yêu cầu, vẽ theo ý của người mua tranh.  Đôi khi cần tiền trả các bills thuê nhà, bảo hiểm xe, điện thoại, điện nước, bố và màu, nên đành phải vẽ theo ngoài ý muốn.  Cũng là bài học kiên nhẫn.  Sống ngang ngang kiểu ở Việt Nam trước năm 1975 là nát xương vì thời tiết tức khắc.  Cũng may là chỉ năm thì mười họa mới phải vẽ theo đơn đặt hàng.  Trên đất Mỹ, thật sự tôi được tự do hoàn toàn khi sáng tác.  Tâm hồn tôi thật thong dong và thoải mái.  Tôi không uất ức, chẳng hận thù khi cầm cọ lên để nên họa phẩm.  Tôi thấy bát ngát tình thương, thương trời thương đất thương cảnh thương người – không có người nào làm tôi bực bội hay khó chịu – tôi thật hạnh phúc được làm người vẽ tranh ở đây – San Jose, California.  Cám ơn nước Mỹ.  Cám ơn cuộc đời!

Các công trình nghệ thuật trong nước là dấu ấn của một xã hội tiến bộ,văn minh trên đà phát triển và phục vụ con người.  Người nghệ sĩ phải hoàn toàn được tự do khi sáng tác.  Hình thức văn nghệ chỉ huy là hình thức vô cùng lạc hậu và tàn nhẫn.  Tôi có người bạn ở Sài Gòn, vừa làm điêu khắc vừa là họa sĩ, tài hoa và “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”, bỏ nghề vẽ chạy xe ôm.  Hỏi tại sao.  Anh kể vào năm 1997 hay 1998 gì đó, nhà nước có tổ chức một cuộc thi về điêu khắc và hội họa toàn quốc.  Tất cả anh chị em nghệ sĩ vì nhu cầu, vừa đói ăn lại vừa đói sáng tác.  Có ba giải thưởng rất lớn.  Cuối cùng, phe ta chẳng có ma nào được giải, mà cả ba giải nhất nhì ba đều thuộc về tay của ba người trong ban giám khảo 7 người, ba vị giảm khảo này đều có tác phẩm dự thi.  Không biết hư thực ra sao chứ nếu vừa là giám khảo vừa là thí sinh thì không có chi khôi hài bằng.  Nếu có sự thực như vậy thì xin chấm dứt ngay.  ASAP!

Tôi có dịp về thăm Sài Gòn vào tháng 5 năm 1997.  Galleries đầy thành phố, họa sĩ ở Sài Gòn gần 500 người.  Cũng rất vui mà cũng rất buồn, chẳng biết nói sao.  Thú thật tôi chẳng biết sợ ai, nhưng có nói ra cũng khôn cùng.  Chỉ có cách duy nhứt là cầu nguyện cho quê hương mình đỡ khổ hơn, các bạn họa sĩ mình vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Hà Cẩm Tâm
http://www.gio-o.com/hacamtam/

March 08, 2003 – San Jose, California. USA