trang trí bìa: Nguyễn Trọng Khôi
Phỏng vấn 10 nhà văn nữ trong và ngoài nước:
Có một cách viết nữ hay không ?
Gió O: dưới đây là lời giới thiệu của nhà xuất bản Văn Mới, và một câu trả lời phỏng vấn của các nhà văn Y Ban, Ngô Thị Kim Cúc, Trần Diệu Hằng, Võ Thị Hảo, Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Bích Ti, Trần Thị Trường, trích lại từ tuyển tập chuyện ngắn Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu, vừa do nhà Văn Mới ấn hành tại hải ngoại vào tháng 8 năm 2005.
Mười chuyện ngắn được giới thiệu trong tuyển tập "Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu" của mười nhà văn nữ Việt Nam đương đại trong và ngoài nước. Đây là một tổng hợp phản ánh những câu chuyện về cái Tôi của người đàn bà. Một cái Tôi cưu mang tha nhân trong bản thể người đàn bà.
Nguyên Mẫu Mẹ (proto-mother) ở đây được hiểu theo nghiã Tiềm Thể Mẹ nằm sẵn trong cơ thể của người đàn bà. Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu là sự chọn lựa cưu mang bản chất Mẹ. Có nghĩa người đàn bà tự bản thân đã mang theo những mầm "trăm con". Từ nguyên thuỷ cơ thể của người đàn bà đã tiềm ẩn sự cộng sinh của tha nhân.
Tha nhân hiện hữu trong trứng nơi tử cung của người đàn bà, đã tạo cho người đàn bà mối nhạy cảm với tha nhân hơn người đàn ông. Trạng thái này đã làm suy yếu cái "Tôi" riêng và làm mạnh cái "Họ" trong người đàn bà. Cái Tôi của người đàn bà không là cái Tôi của một đơn vị uyên nguyên độc nhất vô nhị như cái Tôi của người đàn ông. Cái Tôi của người đàn bà chứa đựng mầm Kẻ Khác. Điều này có tác dụng lên trên số mệnh của người đàn bà. Giản dị như khi làm một quyết định gì, người đàn bà tự động nghĩ về người khác, nghĩ đến con, đến chồng, đến cha mẹ anh chị em, đến người chung quanh. Và rồi gom tha nhân theo vào trong quyết định của mình. Sự thể này đã tạo nên những tranh chấp, những hy sinh, những xuội lơ, những suy yếu, những mạnh mẽ, những dành giật trong người đàn bà. Đấy là một mặt trận khá tương tàn trong đời sống tinh thần và thân xác của người đàn bà.
Những chuyện ngắn Chọn Lựa Cùng Nguyên Mẫu chuyên chở những thái độ lựa chọn của những người đàn bà Việt Nam đương đầu giữa hoàn cảnh sống ở những địa lý, thuộc nhiều hoàn cảnh, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Những lựa chọn phản ảnh những bề thế đàn bà được chính các nhà văn nữ phát biểu và dàn dựng. Độc giả sẽ tìm thấy cách tuyên xưng và chọn lựa của những nữ nhân vật trong tuyển tập có sự tham dự của tha nhân đan xen vào từng ly ti hay trong từng lướt bay ở những hành động hay lời tuyên bố của các nhân vật nữ. Một tập hợp những chọn lựa và phát biểu thể hiện sắc màu triết lý về sự hiện hữu của một thứ bản chất nữ chưa bao giờ được ai chú giải và phê bình đến. Những hành động cùng những tuyên xưng chứng nghiệm về sự hiện hữu của một cái Tôi người đàn bà khác cái Tôi truyền thống đàn ông lâu nay vẫn là kinh điển mẫu mực trong hầu hết các triết thuyết lớn của nhân loại
Lần đầu tiên trong văn học Việt Nam có một tuyển tập phản ánh được lời phát biểu về cái "Tôi" của người đàn bà được viết bởi những cây bút nữ. Một tiên phong đầy mới lạ và thách đố. Một sự phát biểu đồng loạt và tiên khởi. Một tuyên ngôn dẫn đường cho những phát biểu nữa trong tương lai.
Tuyển tập gồm những chuyện ngắn của các nhà văn Y Ban, Ngô Thị Kim Cúc, Võ Thị Hảo, Trần Diệu Hằng, Lê Thị Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Hoàng Thị Bích Ti, Trần Thị Trường
Nhà xuất bản Văn Mới
Câu hỏi: Theo chị , có một cách viết nữ hay không?
Nhà văn Y Ban: Theo tôi không có dòng văn học nữ. Trong dòng chảy chung của nền văn học đôi khi những tác giả nữ nổi trội hơn bởi sự tinh tế và sâu sắc mà thôi.Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc: Tôi nghĩ rằng mỗi nhà văn đều có cách viết, cách diễn đạt mang dấu ấn riêng của mình, dù là nam hay nữ. Trong trường hợp người viết là nữ, và thực sự có quan điểm riêng, có mối quan tâm đối với vấn đề nữ giới, tự thân tác phẩm sẽ bộc lộ những gì tác giả muốn gởi gắm. Điều này cộng với một số yếu tố như tâm lý , cái nhìn khác biệt của phụ nữ có thể khiến dể lộ những dấu hiệu riêng được hiểu là "cách viết nữ ". Nhưng nếu cho rằng "có một cách viết nữ" thì e là rất khó định nghĩa chính xác. Thêm điều nữa là mỗi người cầm bút đều bình đẳng trước văn chương.
Nhà văn Trần Diệu Hằng: Một cách viết nữ, một văn phong phái nữ? Có phải đây là câu hỏi về “cách viết, văn phong” hiểu theo nghĩa thông thường, là thứ văn chương do bên nữ giới sinh sản ra, khác hẳn thứ văn chương do bên nam giới viết ra? Theo nghĩa thông thường đó, câu trả lời của tôi là: Có và Không. Tôi nói có vì chúng ta có bản viết nữ giới của Hồ Xuân Hương, Marguerite Duras, Clarice Lispector…Còn nói không là vì nếu hiểu khái niệm này theo nghĩa thứ nhất thì không những ta không thể đẩy xa phân tích được và sẽ mắc vào những lỗi lầm của quan điểm chủ yếu tính (essentialism) nếu cứ xoay quanh ở sự khác biệt (difference) mà còn đi đến những bế tắc không thể giải quyết. Vì nếu nói văn nữ khác văn nam thì đâu là những điểm khác biệt? Cùng phải sử dụng một ngôn ngữ chung, qui tắc về cú pháp chung, viết như một người nữ viết là viết như thế nào? Có phải văn nữ là thứ văn chương do kinh nghiệm, những tra hỏi của riêng nữ giới? Chúng ta đã từng thấy nhiều nhà văn nam viết về thế giới, tâm lý phái nữ nếu không ký một cái tên đàn ông cuối bản văn đọc xong ta cứ tưởng hẳn phải do một nhà văn nữ viết. Vậy thì ngả liệt kê ra những đặc tính hay chú vào nội dung của văn nữ sẽ không giải quyết được vấn đề. Cho nên ta phải đi tìm một nghĩa thứ hai của khái niệm này may ra sẽ soi sáng được vấn đề hơn.
Phần riêng tôi, hiện cũng đang tìm hiểu và suy nghĩ về vấn đề gai góc này khi chạm vào cụm từ “woman’s style, écriture féminine” được hiểu theo một lối diễn giải khá chuyên môn, một khái niệm mới mẻ trong lý thuyết văn học nữ quyền hiện đại. Vấn đề này cho đến hôm nay, sau khi đã được những nhà nghiên cứu lý thuyết văn học phái nữ Pháp đưa ra từ những năm cuối của thập niên 70, tuy không còn xa lạ đối với giới nghiên cứu văn học Âu My,õ nhưng theo chỗ tôi biết, nó còn khá xa lạ đối với giới nghiên cứu văn học ta (cả trong lẫn ngoài nước.) Tuy vậy, tôi đề nghị chúng ta hãy thật tóm tắt, ngắn gọn về quan niệm của một trong ba người tiên phong đã tham gia những cuộc tranh luận về khái niệm này và được coi là đại biểu của ba khuynh hướng lý thuyết là: Hélène Cixous, Luce Irigaray, và Julia Kristéva cho hợp với khung khổ cuộc phỏng vấn. Phải nói là đối với đa số người đọc nếu không có căn bản về lý thuyết văn học, triết học (nhất là ‘deconstruction’ (hủy tạo) của Derrida) và phân tâm học của Jacques Lacan thì đọc và hiểu được sách của ba vị này xét ra cũng gay lắm. Sở dĩ tôi chọn Hélène Cixous vì quan niệm của Cixous tương đối được nhiều người biết đến, gần với văn chương, và có liên hệ mật thiết với tư tưởng của Jacques Derrida. Như vậy may ra làm bạn và tôi (hay một độc giả nào đó chịu đọc bài phỏng vấn này) bớt nhức đầu. Thật vậy, đọc Hélène Cixous xem ra dễ hiểu hơn Luce Irigaray và Julia Kristeva nhiều. Để một dịp khác, nếu có nhiều thì giờ hơn tôi sẽ mời bạn đi thăm bếp núc nhà Irigaray và nhà Kristeva nhé…
Cixous cho rằng muốm định rõ khái niệm ‘écriture féminine’ cần luận giải hai điểm nền tảng sau đây. Thứ nhất, cần loại bỏ quan niệm cũ về nam tính (masculinité), nữ tính (féminilité), và lưỡng tính (bisexualiteù) : Lối phân chia thành hai cặp đối nghịch, nhị giá này không thể chấp nhận được vì nó được thiết lập ra để xóa bỏ vế sau. Không chấp nhận có một đặc tính nữ nghĩa là đồng thời không nhìn nhận có một nam tính, loại bỏ hẳn lối suy luận dựa trên cặp đối nghịch. Như thế bản viết nữ giới ngày nay xóa bỏ và mở toang quyền uy chủ trì của nam giới trong nền văn hóa xây dựng trên cặp đối nghịch nam/ nữ - trong đó ‘nữ’ luôn luôn là sự vắng mặt (absence) và nam là có mặt (présence)- đã được duy trì suốt chiều dài hai mươi thế kỷ áp chế phụ nữ . Ở khâu này vấn đề người viết là nam hay nữ không quan trọng , tên ký dưới bản viết không có ý nghĩa. Cái quan trọng là ở chỗ ý hướng viết: từ nay phụ nữ viết không với đặc tính nữ nữa mà với đặc tính lưỡng tính (bisexualité) khác hẳn với lưỡng tính hiểu theo quan niệm cổ điển. Lưỡng tính khác này luôn biến đổi, có nhiều dạng thức, không triệt hủy vế đối nghịch, “không xóa bỏ nhưng khuấy động, đuổi bắt, tăng cường những sự khác biệt, (xem :Le Rire de la Méduse, La Jeune Née). Cixous nhận xét đa số những bản viết của phái nam “suy đồi vì cố bám giữ lấy đơn tính nam dương vật đầy hào quang” cho nên nữ giới sẽ không rơi vào lỗi lầm đó vì không đặt cơ sở thực hành viết trên một luận điểm nhị giá nữa mà viết như một vượt bỏ diễn ngôn do hệ thống dương vật thao tác kể cả về mặt lý thuyết lẫn triết lý. Kế đến, về nguồn cội và diễn ngôn. Diễn ngôn nữ từ nay là diễn ngôn, tiếng nói của Người Mẹ, nguồn cội của bản viết, trong một không gian tiền-Oeudipe. Chủ thể nói trong bản văn là người đàn bà toàn phần lên tiếng “Người nữ cụ thể hiện thực sự suy nghĩ của mình, chỉ ra ý nghĩa của điều mình nghĩ tưởng bằng chính thân xác mình.” Lời người nữcất lên là bài ca nguyên ủy mình đã một lần nghe Mẹ cất tiếng, lời của tình yêu không tên đầu tiên, lời có trước khi Luật của cha được dựng lên. Lời mẹ như một nguồn sữa không bao giờ cạn kiệt, Thiên thu Vĩnh cửu là lời người mẹ quyện lẫn trong sữa nguồn…
Nhà văn Võ Thị Hảo: Có. Khá đặc trưng. Đó là cách viết không xót thương bản thân mình
Nhà văn Lê Thị Huệ: Một trong những lý do tôi cầm bút có lẽ vì đã phải đọc qúa nhiều tác phẩm do đàn ông viết.
Thưở còn học trung học tôi thường tự hỏi là tại sao mình phải học đi học lại những câu thơ của Nguyễn Công Trứ. "Chí làm trai dọc ngang ngang dọc. Nợ tang bồng vay trả trả vay". Tôi thấy tôi chẳng dính tí xíu nào vào trong đấy cả. Nghĩa là tác giả viết những câu thơ ấy cho các độc giả nam của ổng. Tôi là con gái đâu có được xơ múi gì trong bài thơ trên sao lại bắt tôi học thuộc và bình đi bình lại hoài vậy. "
Cách đây hai năm tôi lại đọc thêm được tài liệu của một giáo sư người Mỹ đã đưa ra một giả thuyết khá thú vị về tác phẩm Liễu Hạnh Công Chúa của bà Đoàn Thị Điểm. Theo Olga Dror thì Bà Đoàn Thị Điểm đã viết về Liễu Hạnh Công Chúa, ngôi vị cao nhất trong đạo Đồng Bóng Mẹ của Việt Nam, trong Vân Cát Thần Nữ, như là một tự truyện về chính bà. Tuy đấy là một nghi vấn, nhưng điều này chứng tỏ những công trình sáng tác khác của bà Đoàn Thị Điểm có thể mang theo những giá trị nữ quyền to lớn. Thế nhưng từ trước đến nay, các nhà biên khảo văn học nam lẫn các chính phủ Việt Nam do những người đàn ông nắm quyền, đã không hề xem trọng những sáng tác có giá trị nữ quyền lớn lao kia của Đoàn Thị Điểm. Họ chỉ cho đưa vào chương trình giáo dục trung và đại học quyển Chinh Phụ Ngâm của bà mà thôi!
Rồi khi gia nhập công việc viết lách này nọ, tôi có dịp chứng kiến các tờ báo thường do các ông nắm giữ nên các ông chọn lựa bài vở theo những tiêu chuẩn của các ông. Các ông áp đặt nam tính lên trên các sinh hoạt nghệ thuật từ sáng tác cho đến bình chọn. Ví dụ tôi thấy có những cây bút nữ viết dâm theo kiểu của đàn ông, không phản ảnh kiểu dâm đàn bà chúng tôi ưng. Thật ra họ là những nữ nạn nhân cổ điển trong một thế giới bị áp đặt bởi nam giới. Họ gia nhập vào bầy đoàn nữ nạn nhân điển hình trong trò chơi "dai lấm"(sex drive) của đàn ông từ bao lâu nay. Họ viết theo tiêu chí dâm của nam giới để phục vụ cho "taste" của đàn ông. Rồi tôi chứng kiến cảnh nguyên băng đảng đàn ông toa rập với nhau gồm các ông chủ báo, những ông phê bình, những người đàn ông vốn xem đàn bà căn bản là một dâm vật, vồ vập các kiểu viết dâm này, tung hê các cây bút nữ này lên với tất cả tấm lòng thành. Họ xúm lại biến những tác phẩm hạng bét thành những tác phẩm tranh đấu cho nữ quyền! Thế giới lâu nay bị áp đảo bởi nam giới, cho nên có rất nhiều cây bút nữ, nhiều nhà phê bình nữ, nhiều nữ chính trị gia, cũng uống thuốc cường dương, rồi sanh đẻ ra những tác phẩm đầy mùi nam. Và các độc giả thụ động thì vì thưởng thức quen một mùi nên lờn mùi , tưởng đời chỉ có một mùi hương đàn ông thôi.
Tôi tin nghệ thuật do người nữ tạo ra khác nghệ thuật do người nam chế tạo. Phải có những người đọc tinh tế, những nhà phê bình sáng, mới nhận ra được nghệ thuât sáng tạo bởi người nam và nghệ thuật sáng tạo bởi người nữ khác nhau ở những điểm nào.
Kể từ khoảng nửa cuối thế kỷ 20 trở đi, khắp nơi trên thế giới đàn bà tham dự vào công việc sáng tác nhiều hơn. Hi vọng trong thời gian tới, sẽ có những nghiên cứu nhìn ra rằng đàn bà phát biểu và giải quyết thế giới, giải quyết cuộc đời, giải quyết những vấn đề của con người khác đàn ông. Kỹ thuât, tác phẩm của đàn bà cũng có những đường nét khác đàn ông. Điều này sẽ bổ sung cho nhân loại thêm sắc màu hơn. Tôi không sợ sự khác biệt. Tôi yêu sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà. Tôi tranh đấu để được khác biệt đàn bà trong căn bản vật lý cá nhân, và được bình đẳng ở những điều kiện do xã hội cung cấp.
Nhà văn Vũ Quỳnh Hương: Hình như trong các xã hội theo chế độ phụ hệ, đa số những danh từ mà tính nữ được dùng kèm theo như tĩnh từ đều không phải là những danh từ tốt đẹp. Phản ứng chung của người được tặng cho những danh từ ấy thường đi từ khó chịu, bực mình, cho tới giận dữ, phẫn nộ ... tùy theo môi trường và hoàn cảnh. Mới đây, thống đốc Schwarzennegger của tiểu bang California đã dùng danh từ "girly men" (các ông õng ẹo) để gọi các vị dân biểu thuộc đảng Dân Chủ. Các vị dân biểu phản ứng mạnh, coi như một sự sỉ nhục. Ông Thống Đốc không xin lỗi, chỉ cười hề hề . Sau đó, trong bài diễn văn đọc tại đại hội toàn quốc của Đảng Cọng Hoà năm 2004, ông Thống Đốc đang lên của vòm trời chính trị Mỹ lại lập đi lập lại lần nữa các từ "girly, sissy" (õng ẹo như đàn bà), dưới một hình thức tương đối khác và không tạo ra phản ứng bất lợi như lần trước . Có vẻ như không mấy ai để ý tới từ ngữ đó nữa. Nó bị chìm mất trong sự nhốn nháo của mùa bầu cử. Nhưng tôi thì cứ bị trục trặc khó chịu với cái chữ đó. Tôi la đàn bà mà. Đàn ông bị nói là có hành động hay cư xứ "giống như đàn bà" thì bị cảm thấy bị sỉ nhục. Đàn bà bị nói "giống như đàn bà" cũng không lấy làm điều hãnh diện. Tính tóan như đàn bà. Khóc lóc ca cẩm như đàn bà. Còn gì nữa ? Viết lách như đàn bà? Chà chuyện này mới đấy. Tôi không tin rằng người ta có thể đọc một tác phẩm, không nhìn tên tác giả, và đóan được phái tính của người viết. Tôi không tin rằng bạn có thể đọc hết tuyển tập truyện ngắn này xong và tìm ra được một mẫu số chung cho cái "tính cách nữ" của các tác giả. Có chắng là họ đều viết về các nhân vật đàn bà. Nhưng đó là đề tài của họ, không phải là lối viết của họ. Nếu bạn quen thuộc với cách viết của một tác giả nổi tiếng, bạn có thể sẽ đoán được đó là tác giả của bạn, sau khi đọc khoảng một đoạn. Làm sao bạn có thể không nhận ra tác phẩm của, thí dụ, nhà văn Hồ Biểu Chánh, nhà văn Mai Thảo, kịch tác gia Vũ Khắc Khoan ... vì văn phong riêng của họ và cách dùng chữ của thời đại họ ? Những "tính cách nữ" ? Theo tôi nó đồng nghĩa với "tính đàn bà" và thường được dùng như một sự phủ nhận giá trị tác phẩm. Chừng nào con cái chúng ta lớn lên và còn được dạy dỗ cho tin vào những khuôn khổ xã hội vẽ ra riêng cho đàn ông và đàn bà, chừng đó chúng ta con phải tiếp tục ngồi bàn cãi với nhau về cái gọi là "tính cách nữ .
Nhà văn Trần Thuỳ Mai: Tôi nghĩ là có. Tuy nhiên nghĩ đến sự khác biệt giữa văn chương của nam và nữ nhiều làm gì nhỉ? Chúng ta cứ viết những gì ta muốn viết là được rồi. Khi nói chuyện chẳng hạn, đâu có việc gì phải quan tâm vì giọng nói mình khác hẳn giọng đàn ông.
Nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc:
Khi viết, ít khi tôi phải tự nhắc mình rằng mình đang là môt. phụ nữ nên chẳng phải dè chừng đến phái nam, và càng không cố tìm cho ra một "cách viết nữ".
Theo tôi thì có những con người hay cách viết nhân hậu, độc ác, sắc sảo, khờ khạo, lừa đảo, trung thực .... không phân biệt nữ, nam ...
Nhà văn Hoàng Thị Bích Ti: Khi nói đến viết với một "woman’s style" (cách viết nư)õ thì tôi không khỏi nghĩ ngay đến cái sự phân biệt giữa một nhà văn nữ và một nhà văn.. nam. Trong văn học Tây Phương, khi người ta nói đến Emily Bronte, Emily Dickinson, Carol Oates hay William Faulkner, Hemmingway; người Tây Phương không bảo Emily Bronte là nhà văn nữ hay William Faulkner là nhà văn nam. Cái tên của nhà văn đó là quá đủ! Người Việt Nam thì…. cầu kỳ, đặt ra một sự cách biệt không cần thiết. Nào là “sĩ phu Bắc Hà”, “danh sĩ Trung Kỳ”, “hào sĩ Nam Bộ”; nào là “nữ sĩ”, nào là “nhà văn nữ”; trong khi đó, khi nói về Kiệt Tấn, Mai Thảo, Phan Nhật Nam hay Nguyễn Tuân thì lại không thêm vào ba chữ “nhà văn nam” cho đề huề, cho bớt tính cách.. kỳ thị.
Khi viết, tôi không hề nghĩ một người đàn bà phải viết theo lối của đàn bà, càng không dàn dựng những câu chuyện, cách hành văn của mình cho hợp với lối suy nghĩ của một người đàn bà. Viết là viết. Suy nghĩ đến đâu, viết đến đó. Nếu trong văn phong có biểu hiện được một cách viết nữ thì đó cũng là một sự dẫn nhập tự nhiên trong lối suy nghĩ về nhân vật hay cốt truyện mà thôi. Đối với tôi, điều quan trọng là mỗi một nhà văn phải có một cái riêng, một cách viết riêng “personal style” .
Nhà văn Trần Thị Trường: Hình như có cách viết nữ, nghĩa là họ viết về một cái gì đó mà họ cho là quan trọng đối với cuộc sống, đối với con người. Và hầu hết sự quan trọng đó của những cây bút nữ đều khá giống nhau, tình yêu, cái chết, lòng tử tế và sự đểu cáng v... v... Nhưng với tôi thì có cả cái đó và thêm cả những cái khác nữa: Hoàn cảnh nào, nguyên tắc sống nào đã tạo ra điều điều đó? Và tôi coi cái sau quan trọng hơn cái trước. Hình như tôi không hồn nhiên lắm...