Nguyễn Danh Bằng

 

Hội An

 

truyện ngán

(trích từ tuyển tập "Phòng Lạ" do nhà xuất bản Đà Nẵng trong nước ấn hành 2005)

 

Cả buổi sáng tôi nhảy vào lại nhào ra nhầy nhụa ngập lụt trong màu vàng gạch của Hội An. Một vài mái rêu, một con hẻm thật nhỏ, một cánh cửa gỗ, tất cả biến tôi thành một người mê muội. Bọn tây đi lảo rảo chỉ chỏ, bọn Nhật đội nón ngồi ngật ngưỡng hàng dài gần chục chiếc xích lô chạy diễu hành vòng vèo qua phố.

 

Buổi trưa nắng ụa ra quánh đặc thành vũng. Bên trong mỗi ngôi nhà trông như chiếc bể cá tối. Những cái bể cá cũ xưa rêu phong nặng nề. Tôi ngồi thật lâu trong quán như con cá vàng ngộp thở hả lớn miệng đớp từng miếng lớn. rồi gọi một chai 33, trưa mùa hè bia chóng bốc, mắt hoa lên. Tôi để mặc cho những hình thể thả sức hiện ra tùy tiện, mặt đường tiếp tục trương nở từng lớp bong bóng lớn bằng quả banh vài cái tủ lạnh lớn đông đá trắng toát nổi bồng bềnh ngoài sông. Mùi bùn non nồng và mặn...

 

Xa xa người phụ nữ chèo thuyền à ơi trên sông Thu Bồn...

 

Chán! Lật tờ báo trên bàn. Báo đưa tin cuộc triển lãm tranh “Thời gian trật bản lề” ở Hà Nội của một nhóm họa sĩ từ Úc về, bốn Việt hai Úc. Họ cố nối lại những gẫy đọan mất hút của thời gian, những kinh nghiệm sống hoàn toàn trái ngược không ăn khớp trong đời sống hiện đại với quá nhiều những thay đổi và di chuyển...

 

Đằng sau quầy cô chủ quán tên Thụy gõ gõ cây bút chì vô tư lự vào bình rượu ngâm rắn, tắc kè và vỏ cây. Mike rì rầm tán dóc với Thụy, nó đang cưa con bé mấy ngày nay. Chắc chỉ mấy bữa nữa cô nàng sẽ mềm ra.

 

Mike đến từ Houston, Texas, nó nói và nghe được tiếng Việt tuy không giỏi. Trước khi đến Hội An, Mike đã ở Hà Nội bốn tháng, phiêu lưu một vài chuyện tình cảm một đêm chẳng đi đến đâu. Bố nó từng là lính thủy đánh bộ có mặt ở Việt Nam từ  năm 69 tới 72. Một lần Mike hỏi:

 

“Tao chẳng thấy những lỗ đạn hoặc hố bom nào? Tao có gợi chuyện nhưng hầu như chẳng ai hứng thú!”

 

Tôi nói:

 

“Người Mỹ mang vác một đống lỉnh kỉnh  và quá nhiều hình ảnh chiến tranh theo họ về Mỹ sau cuộc chiến. Có rất nhiều cái hố trong đầu họ chưa được lấp lại. Tao nghĩ thế.”

 

Nó nói tiếp, giọng tỉnh bơ ngây thơ:

 

“Ông già tao có hẳn một tủ đầy những bộ quần áo rằn ri. Mỗi lần có dịp ăn nhậu với bạn bè cũ, ổng lôi ra cả chồng hình ảnh cũ. Một lần tao thấy ổng đứng khóc trong nhà để xe...”

 

Tôi còn rất bé khi chiến tranh kết thúc. Nhưng tôi cũng bị lạc hậu như Mike. Ngày rời Việt Nam, tôi gói gọn trong đầu những hình ảnh về một thành phố đầy chuối, chuối được trồng trong phòng ngủ. Nhiều ngôi nhà tan hoang mất nóc, chủ đi kinh tế mới. Hàng trăm hẻm nhỏ lốm đốm đầy như hạt tiêu đang phơi những bệt than đá được nắm bằng tay tròn vành vạnh.

 

Thụy sinh ra sau chiến tranh, tôi không hiểu những câu chuyện này có mang lại cảm giác gì trong cô. Có lẽ nó chẳng hơn gì một đọan phim tư liệu láo nháo trắng đen về các trận chiến ác liệt trên những hòn đảo Thái Bình Dương giữa người Mỹ và người Nhật cách đây trên nửa thế kỷ. Thụy có cái nhìn trong trẻo sạch sẽ. Lần về thăm quê hương lần này tôi gặp cả một thế hệ trong trẻo sạch sẽ.

 

Hôm qua Mike đi khu di tích Chăm Mỹ Sơn. Tôi mời Thụy ra bar. Tôi gọi bia nhưng Thụy không uống. Điều đó làm tôi bối rối và nốc một mình như ma nghiện. Thụy ngồi thẳng và trở nên ít nói, trông cô xa lạ trong cảnh huyên náo với tiếng lộc cộc bàn bi-da. Tôi đã hỏi một câu ngu xuẩn: “Thụy biết chơi bi-da không?” Cô im lặng nhìn. Tôi có cảm giác mình như một đứa trẻ lêu lổng đã lâu.

 

Khi buổi chiều bắt đầu làm nhẹ đi cái nóng. Tôi rủ Mike và Thụy đi lòng vòng. Phố nhỏ quá tụi tôi đi chẳng mấy chốc mà hết. Cả ba ra bờ sông. Thụy gọi mượn một con thuyền rồi tự tay cô chèo chở chúng tôi đi về phía nguồn nơi dầy đặc bóng dừa. Tôi không ngờ Thụy chèo thành thạo thế. Thuyền đi một lúc không còn thấy được phố không gian bỗng yên tĩnh hẳn. Hai bên bờ là vườn tược.

 

“Thụy chèo giỏi nhỉ!” Tôi nịnh.

 

“Ở bờ sông, đàn bà ai cũng biết chèo.” Thụy cười.

 

Rồi Thụy kể chuyện xưa, chuyện về một mối tình ảm đạm.

 

Ngày đó Khi con sông Thu Bồn còn được gọi là Chợ Củi. Hội An là một bến bãi buôn bán sầm uất. Khách thương người Hoa một khu, khách thương người Nhật một khu. Công ty Đông Ấn của Hà Lan cũng góp mặt nhưng khiêm tốn hơn với ông quản lý khép kín. Ông này không mấy khi ra ngoài nhưng thường bơi một mình qua lại trên sông trong đêm. Một lần gặp phải nước luồng, người ông bị cứng lại cả hai chân, bơi mãi không cố được đến bờ. Trong lúc nguy khốn, một chiếc thuyền ba lá từ đâu hiện ra trong bóng tối. Một cô gái trẻ vớt ông lên, xoa nắn chân ông bằng dầu lửa lấy ra từ chiếc đèn hột vịt tù mù rồi đỡ ông lên bờ. Cô gái làm tất cả việc ấy trong sự im lặng. Từ đó ông lại ra sông tìm gặp cô trong đêm. Cô gái vẫn chẳng nói chẳng rằng mãi sau mới biết ra cô bị câm. Cô  không phải người vùng này, bán rau cỏ và củi dạo trên sông. Một ngày ông mời được cô lên bờ về công ty. Một lần hai lần, rồi họ yêu nhau. Họ yêu nhau khủng khiếp trong ngôi nhà gạch đồ sộ kín đáo có lớp vôi vàng. Trong cái đô thị nhỏ này chẳng ai giấu diếm điều gì lâu. Tin đồn  lan đi giữa những người buôn bán thật tự nhiên như những thứ cỏ rác bay hết từ cổng ngõ nhà này đến nhà kia mỗi lần gió thổi. Nhưng ngay cả điều đó nữa cũng không thể cầm giữ được cô gái vừa lớn, cô yêu mãnh liệt hằng đêm. Ngày đó Chúa Trịnh đằng ngoài cũng ưu ái người Hà Lan khuyến dụ họ ra đàng ngoài làm ăn. Điều này khiến chúa Nguyễn hết sức bất bình. Một lần ông quản lý công ty Đông Ấn đã vì quá giận dữ phạt một người làm công cho đến chết vì tội trộm cắp. Quan trấn thủ là Nguyễn phước Tần con chúa Thượng nổi trận lôi đình cho bao vây, đốt hết hàng hóa, quăng xuống biển vàng bạc cùng những thứ không đốt được. Bảy người Hà Lan bị giết trong vụ này, ông ta trốn thoát... Khi ba hạm đội Hà Lan quay lại cửa Hàn thách thức, ông ta đã liều lĩnh tìm về quãng sông đêm nhưng bị cô gái từ khước. Lần đó Nguyễn Phước Tần đại thắng trận thủy chiến có một không hai vang dội khắp vùng Đông Á. Hai trong ba hạm đội tối tân bị đánh chìm, vị đô đốc Hà Lan tử trận...

 

Thụy ngưng chèo từ lâu trong lúc kể chuyện. Mắt cô phẳng phiu. Trời không gió. Tôi sốt ruột đợi cô kể thêm.

 

Mike hỏi:

 

“Sao thế nhỉ? Sao cô gái lại từ khước? Sao phức tạp quá!”

 

Cô kể tiếp...

 

Cô gái sau đi đâu không rõ. Nhiều người bảo họ gặp thuyền cô thỉnh thoảng vẫn chèo đi trong đêm. Cô đã đi về phía nguồn nơi cô sinh ra, nhiều người khác đoan chắc thế nhưng chẳng ai chính thức nhìn thấy cô bao giờ. Từ năm ấy cá lìm kìm ở đâu về đông đặc quãng sông này.

 

“Thế còn gã Hà Lan?” Mike lại hỏi.

 

“Chẳng ai biết được!” Thụy trả lời.

 

Mây bắt đầu động phía chân trời. Gió bắt đầu thổi lên lan man trên mặt sông. Tôi vẫn nhớ như in những chuyển động này. Tôi nhìn Thụy, Thụy gật đầu: “Về nhé?” Rồi cô ngược thuyền.

 

Về được đến quán, trời đổ mưa sầm sập. Gió rít vần vũ trên những đầu dừa giờ đây chỉ còn thấy nhàn nhạt. Sấm long tai. Mike há hốc miệng nhìn cơn mưa nhiệt đới.

 

Thụy loay hoay bên chiếc máy nhạc mở bản “Gọi Anh” của Dương Thụ, một bài hát có giai điệu đẹp, vừa sang trọng vừa ngọt ngào:

 

“Sao chẳng đến cùng em,

Con sông khuya buồn lắm

Không thể hát trong đêm vắng lặng

Em chỉ biết thương anh vô cùng...

Thương anh, thương anh...

vô cùng...”

 

Buổi tối tôi kiếm cách bỏ đi. Mike ở lại quán với Thụy.

 

Tôi ăn cơm gà ngồi chồm hổm dưới tấm bạt nhựa bên đường. Chị chủ hàng nhìn tôi, trông chị ngồi trong bóng tối thật quen.

 

Bên một nhà hàng khác, nơi thơm mặn món Cao Lầu, tôi vờ hỏi đường, chị đầu bếp vạm vỡ tay vẫn cầm cái môi lớn, bước ra đường chỉ trỏ phương hướng. Chỉ hỏi vờ thôi, đầu óc tôi ở mãi nơi đâu!

 

Căng thẳng lang thang, tôi dừng lại bên ngôi nhà lớn bằng gạch xây có lớp vôi màu vàng xậm. Tường có nhiều phần lở, rêu mốc đen gờ ngói. Bức tường trông nặng nề với cánh cửa sổ gỗ nhỏ trên cao, cả bức vách rịn toát ra nước ẩm ướt. Dây điện chăng mắc chằng chịt trước mặt tiền. Tôi áp tai vào vách đứng im như một người đang trong cơn mê muội. Tôi nghe ngôi nhà đang thở kín đáo. Tiếng rên rỉ thầm thì. Mãi trong bóng tối sâu hoắm có đôi tay trần đang vươn ra nồng nàn. Mùi mồ hôi mặn mà, mồ hôi chảy thành giọt trên tường...

 

Phố nhỏ quá, không tránh khỏi, tôi lại hiện ra trước quán Thụy lần nữa. Cô bước ra, nói vào tai tôi:

 

“Anh về đi hỉ. Thấy anh mệt lắm. Ngày mai đến gặp em.”

 

Về khách sạn, Mike vẫn ngồi ngoài hành lang trên chiếc ghế dựa, mặt nó có vẻ say. Đèn sáng choang. Tôi bảo đêm nay có trăng đấy, tắt đèn ngồi thích hơn. Mike miễn cưỡng với tay tắt công tắc. Trông bóng nó khổng lồ thật vô duyên khi ánh sáng mờ hắt vào một nửa. Tôi hỏi:

 

“Sao thế?”

 

“Chẳng sao cả!” Mike ậm ừ.

 

Tôi chẳng biết nói sao.

 

“Tao bật đèn lên cho mày nhé?” Tôi hỏi thế. Không hiểu sao tôi nghĩ Mike sẽ dễ chịu hơn nếu ngồi trong ánh đèn.

 

Rồi tôi bỏ về phòng nằm.

 

Nửa đêm trời ngột ngạt. Căn phòng dập dềnh. Có tiếng ì oạp vọng lại từ mé sông. Tôi nhỏm dậy mở cửa, lội qua quãng phố vắng. Mặt đường ướt loang loáng. Đang mùa trăng, nước vọt qua bờ sông chẩy vào trong phố.

 

Mãi xa trên mặt sông sáng rõ, một con thuyền lẩn đi. Ngọn đèn dầu leo lét trong khoang. Nước đã sâm sấp đến đầu gối. Tôi lao theo con đường ven sông về phía chợ, mắt dõi về con thuyền. Sợ con thuyền đi mất, tôi gọi lớn: “Thuyền ơi” Giọng tôi không vang và mất hút. Tôi cố gào lên nhiều lần. Những ngôi nhà cổ thản nhiên bình lặng.

 

Đêm sau tôi hẹn Thụy ở bờ sông. Tôi nói cô trông thật xinh đẹp và tôi không còn được bình tĩnh. Thụy tỉnh bơ: “Rứa hẩy?” Chúng tôi nắm tay nhau. Lúc đó nước cũng lại ùng ục tràn bờ. Những đôi mắt thuyền trườn vào nhìn ngó. Nhiều lưới vó lớn lượn lờ trôi ngang nhà thành những vệt xám nhờ. Một tấm lưới lớn rộng dễ đến mỗi bề hai mươi thước vắt choàng lên hai đứa. Cá lìm kìm bơi líu ríu dầy đặc trước mặt, mắt tròn sáng quắc.

 

Nguyễn Danh Bằng
 

sinh tại Sài Gòn
tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật Sài Gòn 1991. Sang Mỹ năm 1992. Tốt nghiệp cử nhân Computer & Video Imaging 1999, Cogswell Polytechnical Art School.
hiện đang làm Web Designer và sinh sống ở San Francisco