là một
      bài thơ hay


      PHẠM NGỌC LƯ

      và bài thơ

      SÓNG VỖ 


Phạm Ngọc Lư sở trưòng cả vê truyện ngắn lẫn thơ, nhất là thơ lục bát. Thơ lục bát Phạm Ngọc Lư đạt đến mức hoàn hảo. Trước 1975 truyện ngắn của Phạm Ngọc Lư thường xuất hiện trên tạp chí VĂN nhưng thơ của ông thì hầu như không đăng báo. Sau 1975, con người tài hoa ấy gặp rất nhiều gian nan trong cuộc sống, gian nan đến mức nhiều lúc gân như tuyệt vọng. Bạn bè thất lạc, mỗi người một phương, mỗi người phải ôm lấy số phận của dân tộc để mà đau buồn cùng với số phận của riêng mình. Bài thơ SÓNG VỖ được ông viết cho những người bạn đã bỏ nước ra đi tìm cuộc sống ở quê người.


người bờ Tây - ta bờ Đông
ngồi nghe sóng vỗ bạc lòng ngày đêm
giờ này phương ấy nắng lên
ở đây ta đốt ngọn đèn soi ta
giờ này phương ấy nắng tà
ở đây thao thức tiếng gà tàn canh


Tác phẩm đã xuất bản: ĐAN TÂM (Tập thơ, Thư Ấn Quán, 2004)

Lê Vĩnh Phúc

 


http://www.library.ubc.ca/


             SÓNG VỖ

từ khi mưa nắng đổi thay
đất trời dị biệt gió mây bất đồng
người bờ Tây - ta bờ đông
ngồi nghe sóng vỗ bạc lòng ngày đêm
giờ này phương ấy nắng lên
ở đây ta đốt ngọn đèn soi ta
giờ này phương ấy nắng tà
ở đây thao thức tiếng gà tàn canh
nằm mơ biển ngọt dỗ dành
tỉnh ra tâm sự kết thành muối khô
từ khi Tý Ngọ khác giờ
đêm không đồng mộng đành mơ... mộng ngày
lòng ta uống gió mà say
tan ra cồn khói đảo mây chập chờn
biển sâu? ly biệt sâu hơn
muôn đời sóng vỗ mỏi mòn bến không
mỏi mòn tiếng sóng nghe chung
bờ Tây tóc rụng... bờ Đông bạc đầu!


Phạm Ngọc Lư

đọc "Một Bài Thơ Hay" khác

© 2006 gio-o

 

 

Phạm Ngọc Lư

1946-

 

BIÊN CƯƠNG HÀNH

 

Biên cương biên cương chào biên cương

Chào núi cao rừng thẳm nhiễu nhương

Máu đã nuôi rừng xanh xanh ngắt

Núi chập chùng như dãy mồ chôn

Gớm, gió Lào tanh mùi đất chết

Thổi lấp rừng già bạt núi non

Mùa khô tới theo chân thù địch

Ta về theo cho rậm chiến trường

Chiến trường ném binh như vãi đậu

Đoàn quân ma bay khắp bốn phương

Lớp lớp chồm lên đè bẹp núi

Núi mang cao điểm ngút oan hờn

Đá mang dáng dấp hình chinh phụ

Trơ vơ chóp núi đứng bồng con

Khu chiến ngày tràn lan lửa dậy

Đá Vọng Phu mọc khắp biên cương

Biên cương biên cương đi biền biệt

Chưa hết thanh xuân đã cùng đường

Trông núi có khi lầm bóng vợ

Ôm đá mà mơ chuyện yêu đương

Thôi em, sá chi ta mà đợi

Sá chi hạt cát giữa sa trường

Sa trường anh hùng còn vùi dập

Há rằng ta biết hẹn gì hơn ?

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương !

Núi tiếp rừng, rừng tiếp khe truông

Hãi hùng chưa trời hoang mây rậm

Mùa mưa về báo hiệu tai ương

Quân len lỏi dưới tàn lá dữ

Lá xôn xao xanh mặt hoảng hồn

Sát khí đằng đằng rừng dựng tóc

Ma thiêng còn ngán bọn cô hồn

Cô hồn một lũ nơi quan tái

Có khi đã hóa thành thú muông

Cô hồn một lũ nơi đất trích

Vỗ đá mà ca ngông hát cuồng

Chém cây cho đỡ thèm giết chóc

Đỡ thèm môi mắt gái buôn hương

 

Đây biên cương, ghê thay biên cương !

Tử khí bốc lên dày như sương

Đá chảy mồ hôi rừng ứa máu

Rừng núi ơi ta đến chia buồn

Buồn quá giả làm con vượn hú

Nào ngờ ta con thú bị thương

Chiều hôm bắc tay làm loa gọi

Gọi ai nơi viễn xứ tha phương ?

Gọi ai giữa sơn cùng thủy tận ?

Ai người thiên cổ tiếc máu xương ?

Em đâu quê nhà chong mắt đợi

Hồn theo mây trắng ra biên cương

Thôi em, yêu chi ta thêm tội

Vô duyên xui rơi lược vỡ gương

Ngày về không hẹn ngày hôn lễ

Hoặc ngày ta mắt nhắm tay buông

Thôi em chớ liều thân cô phụ

Chiến trường nay lắm nỗi đoạn trường

Nơi nơi lạnh trăm dòng sông Dịch

Kinh Kha đời nay cả vạn muôn

Há một mình ta xuôi biên tái

“Nhất khứ bất phục phản” là thường !

 

Thôi em, còn chi ta mà đợi

Ngày về thân cạn máu khô xương

Ngày về hôn lễ hay tang lễ

Hề chi ! buổi chinh chiến tang thương

Hề chi ! kiếp cây rừng đá núi

Nghìn năm hồn quanh quẩn biên cương

 

tháng 5 – 1972

 

BIÊN CƯƠNG HÀNH,  thơ Phạm Ngọc Lư, trong tập THƠ TÌNH NAM 1975 do gio-o.com tuyển chọn và giới thiệu.

 
http://www.gio-o.com/ThoTinhNam1975.html