Lê Lạc Giao

Ph

 

truyện ngắn

 

Thành phố trưa hôm ấy buồn u ám, với những đám mây xám thấp như chồm lên dãy mái nhà dọc theo con đường có nhiều cơ sở làm báo và tiệm sửa xe. Tận cuối đường, tòa báo Da Vàng sừng sững ba gian, với tiền diện cửa kính màu tro mùa thu đóng im ỉm như sợ lạnh. Hai gốc cây bạch đàn trước tòa soạn thường ngày luôn có người biểu tình ngồi phản đối tòa báo, hôm nay vắng lặng hết sức. Dưới gốc cây còn một chiếc ghế con gãy và một tấm bảng ghi câu khẩu hiệu “Đả đảo tòa báo Da Vàng” cắm xiêu vẹo. Trấn đậu xe bên vệ đường, rồi thong thả bước sang tòa báo. Đến cây bạch đàn, anh nhìn chăm chú chiếc ghế gỗ gãy, nhớ chiếc bình vôi và đĩa xôi cúng cô hồn dưới gốc sung trước đình làng ngày còn bé, khi đi theo mẹ đến đình xem hát.

 

Nhìn đồng hồ rồi nhìn chung quanh không thấy ai. Thật xa có vài chiếc xe chạy ra hướng phố chính. Trấn tự hỏi không biết buổi tưởng niệm nhà văn Đồng Hương tổ chức chiều nay ở đâu? Người bạn có nói địa điểm tối hôm qua, nhưng hôm nay anh lại quên mất. Chỉ nhớ trước tòa báo Da Vàng và anh nghĩ, sẽ có người đến thì theo người ta mà vào tham dự. Nghĩ đến đó, Trấn bùi ngùi đưa tay lên vuốt mái tóc bạc trắng của mình rồi tự an ủi, “Đồng Hương chết già. Ai cũng phải chết… kia mà!” Anh cắm cúi bước đến một vũng nước bên lề đường rồi nhảy vội qua suýt đụng phải người đang đi phía trước. Trấn xin lỗi người phụ nữ mà anh may tránh được, không phải va vào, vì cái tính nóng nảy không chịu đi đường vòng của mình. Người đàn bà đứng lại nhìn anh, ánh mắt lãnh đạm rồi quay lưng bước đi. Cô ta mặc quần jean xanh, áo sơ mi đỏ như lửa, chừng bốn mươi tuổi, vóc dáng cao to và mái tóc nhuộm hung đỏ như bờm ngựa. Nhìn cô ta đi đằng trước, Trấn nghĩ đến một con ngựa chiến vì hai bên thái dương tóc cạo sạch. Một chiến mã và một đám cháy. Con ngựa chiến ra khỏi đám cháy thì bờm cháy rụi, trên đỉnh đầu chỉ còn chỏm lông duy nhất. Trấn lại chú ý cô ta mang một chiếc lồng đèn bên tay trái. Lồng đèn bằng giấy sơ sài màu trắng, to như quả bí ngô nhưng cũng khá ấn tượng khi lủng lẳng trong tay cô ta. Lúc này, Trấn nghĩ đến đàn ngựa sang sông nhưng mang đèn. Một dãy ánh sáng chạy dài cùng tiếng hò hét trong những đêm cuối tháng tư năm 1975.

 

Mười tám năm trước, Trấn ngồi ở nhà nhà văn Đồng Hương nói, “Tôi chưa đọc truyện của anh nhưng tôi thích anh.” Đồng Hương hỏi:

- Tại sao?

- Có thể vì cái tên của anh.

- Tại sao?

- Đồng Hương.

Trấn lúc ấy mới sang Mỹ sáu tháng. Định đưa Trấn đến Đồng Hương chơi, sau khi nói rằng, “Mày đến chơi vì Đồng Hương là bạn của tao đang làm chủ một tờ báo văn nghệ. Mày thích viết lách thì có nơi để dụng võ chứ!” Trấn hôm ấy hàm hồ gật đầu, vừa suy nghĩ vẫn vơ cái tên Đồng Hương không chừng có chút liên hệ. Khi Đồng Hương nhắc lại, Trấn nhìn đôi mắt mỏi mệt của ông ta hỏi:

- Anh quê ở đâu?

- Bình Định.

Trấn bảo:

- Anh và tôi cùng quê.

- Anh cũng là dân Bình Định sao?

- Tôi sinh tại Khánh Hòa, nhưng ông nội tôi là dân Bình Định.

 

Đồng Hương thuộc thế hệ trước, lớn hơn Trấn 15 tuổi. Ông hiền từ, điềm đạm và thường nói, ước mong thế hệ sau này có nhiều người giúp đỡ đất nước. Năm ấy, chữ giúp đỡ đất nước mà Đồng Hương nói, Trấn không hiểu mang ý nghĩa gì khi nghĩ đến hiện trạng đất nước dưới sự cai trị của đảng cộng sản. Những người đang sống trên vùng đất này, đã từng không chịu ở chung một bầu trời với người cộng sản kia mà. Giúp đất nước nào đây khi chính mình không có quê hương để đặt chân lên? Lòng yêu nước vốn tự nhiên nhưng đôi khi làm những người Việt lưu lạc phân vân tự hỏi, liệu có chỗ để thực hiện lòng yêu nước này hay không? Những kẻ như Trấn, Định và ngay cả nhà văn Đồng Hương đang ngồi trước mặt, dường như lòng yêu nước là một thứ gì nửa trong nửa ngoài thân thể của họ. Nhắc đến tổ quốc dân tộc thì thấy ngay mối thương cảm trong lòng, nhưng nói yêu nước lại cảm thấy vừa quen vừa lạ.

- Anh có tí gì là Bình Định đâu mà nói cùng quê!

- Có chứ!

- Cái gì nào?

- Tôi có học võ Bình định.

- Thế ai học võ Bình định cũng là đồng hương với tôi hay sao? Anh thật giỡn chơi!

Nghe Đồng Hương nói, Trấn tự dưng thấy buồn. Anh chả có quê hương. Sinh ra ở Khánh Hòa nhưng ông nội gốc Bình định, lớn lên ở Pleiku, trưởng thành lại ở Sài gòn. Đi tù gần chín năm ở vùng trung du Bắc Việt. Dường như cả con người anh thấm nhuần đủ vui buồn, cay đắng mảnh đất Việt nam, nhưng ai đó hỏi quê của anh ở đâu, Trấn chịu thua. Nhà văn Đồng Hương nghe Trấn kể xong cười to. Trấn im lặng như thừa nhận cái không rõ rệt cội nguồn của mình. Đứng dậy móc túi sau, lấy cái floppy disc đưa cho Đồng Hương, Trấn nói, “Bài của tôi anh xem được thì đăng lên báo.”

- Tôi có nghe anh Định nói anh viết truyện ngắn. Có bài cứ đưa cho tôi để tôi cho độc giả thưởng thức.

Trấn không nói gì thêm, chỉ uống trà và nhìn trời xanh ngoài cửa sổ, trong khi Định và Đồng Hương nói chuyện thời sự thế giới. Khi từ giã ra về, Trấn nói với Đồng Hương, “Tôi nghĩ đám con cái chúng ta sẽ giúp đỡ đất nước, chứ chúng ta bây giờ chỉ yêu nước suông mà thôi!” Đồng Hương gật đầu như cảm thông và cười vẫy tay chào.

 

Khi Trấn vào được phòng tổ chức tưởng niệm nhà văn Đồng Hương thì phòng đã chật ních người. May mắn hàng cuối cùng một người đi ra và Trấn vinh dự ngồi thế vào. Khoảng trăm người trong phòng. Nhìn mãi không thấy người quen. Thay vào đó, nhiều nhà văn nghệ lớn trong thành phố mà anh đã từng thấy hình trên báo và truyền hình. Lúc rê mắt lên hàng đầu, anh phát hiện mái tóc bờm ngựa của cô gái mà anh suýt va phải lúc nãy. Trấn nghĩ, cô ta cũng làm văn nghệ và khi nhìn tấm hình của Đồng Hương trên bàn thờ đặt trên cao, anh nhớ lần cuối cùng gặp Đồng Hương cũng đã hơn mười lăm năm. Hôm tang lễ ông ta, Trấn không tham dự được. Mấy hôm sau, lòng cảm thấy thiếu chút gì với Đồng Hương dù suy đi nghĩ lại, không hiểu ông ta có còn nhớ đến anh hay không? Đêm hôm qua trằn trọc không ngủ được, chợt Trấn nghĩ không chừng Đồng Hương bà con với mình vì cái quá khứ xa xăm mà cha anh thường nhắc lúc anh còn ở gia đình. Sau đó, Trấn quyết định tham dự lễ tưởng niệm trăm ngày của ông hôm nay.

Mọi người lần lượt bước lên lễ đài đọc và nói về những kỷ niệm với nhà văn nổi tiếng này. Trước khi đọc ban tổ chức giới thiệu sơ qua từng người lên phát biểu. Đa phần là nhà văn, nhà thơ, nhà bình luận, nhà báo hoặc có người vừa là nhà văn vừa là nhà báo, vừa là nhạc sĩ vừa là thi sĩ…. Buổi lễ tưởng niệm nầy tập hợp những người làm nghệ thuật trong thành phố và các nơi khác đến tham dự. Qua cách phát biểu, cá tính của họ biểu lộ rõ rệt. Thi sĩ thì trong lúc nói, thêm vào vài câu thơ và giọng lên xuống trầm bỗng ấn tượng. Nhà báo nói, như tường trình phóng sự, trong khi nhạc sĩ phát biểu lại không thiếu sự du dương trong lúc kể lể công đức nhà văn. Đến lượt cô gái mái tóc như bờm ngựa chiến, Trấn mới biết đó là một thi sĩ kiêm nhiếp ảnh gia. Tràng Tiền vốn là một nhà thơ tân hình thức, một nhiếp ảnh gia hậu hiện đại từ hình dáng cho đến tâm hồn mà Trấn có dịp thưởng thức tác phẩm cô ta trong các tạp chí văn nghệ nổi tiếng thành phố. Cô ta kể nhiều giai thoại với nhà văn Đồng Hương lúc sinh thời.

Cuối cùng, cô ta ví von công đức của nhà văn quá cố với chiếc lồng đèn quả bí. Cô ta diễn tả cũng khó hiểu như các bài thơ tân hình thức, hay những tấm ảnh hậu hiện đại của cô. Tuy nhiên, không biết mình có chủ quan hay không, Trấn thấy mọi người lắng tai nghe với sự thích thú đặc biệt bằng cách vỗ tay nhiều lần, và chính anh cũng nhận thấy hai tay của mình đập vào nhau một cách vô thức. Trấn cúi xuống nhìn chăm chăm hai bàn tay đang để trên đùi tự hỏi “Bàn tay này của là mình sao?” Đến đây, Trấn tự dưng buồn ngủ nên đứng dậy ra ngoài cho tỉnh táo. Khi ra ngoài sân, thấy Định đứng sẵn bên ngoài nói, vì không có chỗ ngồi nên phải đứng ngoài.

Đứng nói chuyện bâng quơ với Định một chốc, Trấn vào bên trong nghiêm chỉnh nhìn lên tấm hình nhà văn Đồng Hương trên bàn thờ vừa thì thầm với chính mình như để từ giã. Lúc này anh có cảm giác Đồng Hương như đang cười và nói với anh rằng, có thể chúng ta là bà con! Trấn vừa đi đến bãi đậu xe, vừa nghĩ đến những nấm mộ mới của những đồng hương Việt Nam trên đất Hoa Kỳ này. Hai mươi năm trôi qua, những nấm mộ Việt Nam ngày càng nhiều trên mảnh đất mà ban đầu ai cũng bảo là xứ tạm dung. Lúc ấy nghe sao tha thiết, có kẻ còn bảo chúng ta ra đi mang theo quê hương thật văn vẻ! Hôm nay nhớ lại, Trấn tưởng mình đang trong một cơn mê, cơn đồng thiếp... và anh như một âm hồn phất phơ trên một nghĩa trang, mà nghĩa trang này không tạm dung chút nào cả! Trấn nghĩ, còn sống, còn phân biệt màu cờ sắc áo, còn cho là đất địch đất ta, thậm chí, có kẻ bảo rằng mình ngửi được không khí tự do hay cảm thấy mùi nô dịch… chứ ra tro bụi, cát đất, có lẽ cũng chỉ là thứ phân bón cho hoa lá cỏ cây mà thôi. Người ta thường bảo mọi người bình đẳng trước cái chết. Thật không sai!

Ngồi trong xe nhìn ra cửa sổ, Trấn như thấy lại cây sung cổ thụ và chiếc bình vôi mẻ miệng trong làng ngày còn bé. Những con người bằng giấy phất phơ trước mặt và những con người thật đang sì sụp khấn vái. Rồi những buổi lên đồng trên cao nguyên, người ta chen chúc nhau leo lên cây đa để được nhìn thấy người đàn bà mặc quần áo đỏ, đầu trùm khăn vàng, đi lòng vòng lảo đảo trong sân am, vừa lảm nhảm những câu nói đứt quãng với giọng nói khi thì đàn bà, lúc lại đàn ông. Đám người tham dự lúc bấy giờ vui vẻ và khoái lạc với sự mê tín của mình xiết bao!

 

Trấn lái xe chạy ngược về phố chính. Ngã tư đường đông nghẹt người ngày thứ Bảy. Trời u ám nhưng hình như không ảnh hưởng gì đến đám đông đang ra sức hưởng thụ hai ngày cuối tuần. Anh tìm đường ngắn nhất về nhà nhưng không thể thực hiện được. Người ta khắp nơi đổ về đây để không chỉ hít thở, nhìn ngắm mà còn thoải mái ăn uống miếng ngon vật lạ quê hương… Tháng trước, một người quen, làm việc ở tận Alaska về quận Cam, thật thà nói với anh, “… về đây nghe tiếng chữi thề ngọt ngào làm sao! Lâu quá rồi không được nghe!”

Trấn biết thế hệ của mình nói gì thì nói, chứ sang tận đây, ai cũng giấu một góc nhỏ sâu thẳm quê hương trong lòng mình. Thứ quê hương này tuy nhỏ nhoi, nhưng khi lôi nó ra lại rộng lớn như bầu trời, bao trùm quá khứ, sản sinh biết bao ước mơ tương lai để rồi cô đọng thành nước mắt, chảy vội vã trong những giấc ngủ mùa đông, khoảng thời gian người lưu đày cô đơn nhất.

Không thể về nhà bằng con đường ngắn thường ngày, Trấn lái xe đến một quán café mà anh và các bạn thường ngồi uống vào cuối tuần. Anh hi vọng gặp một người bạn nào đấy để nói chuyện. Tự dưng Trấn thèm nói chuyện với bạn và cảm giác ấy giống như một người muốn chữi thề bằng tiếng mẹ đẻ của mình, vì rất lâu không được và không nghe chửi. Khi vào bãi đậu xe, Trấn nhìn thấy Hậu đang ngồi một mình hút thuốc lá ngoài vỉa hè của quán. Trước mặt Hậu là chiếc laptop. Hậu đang làm việc. Nó là nhà báo và nhà văn thứ thiệt, trong khi Trấn chỉ viết tài tử.

Hậu nói đang viết một truyện ngắn, mô tả tình yêu của hai người đồng tính. Trấn ngạc nhiên và lắc đầu. Anh vào quầy mua một ly cà phê sữa nóng. “Thật là dễ sợ, mày hiểu gì về đồng tính mà viết?” Trấn hỏi bạn. Hậu tỉnh bơ trả lời:

- Tao chỉ diễn tả bề ngoài, nhưng tao có đọc rất nhiều sách viết về đồng tính. Không có gì làm khó được tao!

Trấn biết bạn mình là một nhà văn, nhà báo giỏi và anh tò mò hỏi tiếp, “Nhân vật là nữ hay nam?” Hậu cho biết hai người nữ. Thật là khó, Trấn hỏi Hậu:

- Mày viết cho ai đọc? Mày nên biết, viết cho người đồng tính đọc, khác với viết cho mọi người đọc đấy!

- Tao viết cho mọi người đọc.

- Thế mày là nhà hoạt động nhân quyền hay chỉ là một tiểu thuyết gia thuần túy?

- Không có gì ngăn cản một tiểu thuyết gia vừa là một kẻ đấu tranh nhân quyền.

- Đúng thế, nhưng hiện nay người ta đang đấu tranh để thông qua dự luật hôn nhân đồng tính. Vậy mày viết là đúng thời điểm đấy. Tuy nhiên, trong người Việt chúng ta còn rất nhiều người bảo thủ!

Hậu gật đầu, không nói gì. Trấn uống một ngụm cà phê nhìn chung quanh như tìm thêm người quen. Không có ai quen trong khi các bàn chật kín người. Hậu đốt thêm điếu thuốc lá rồi tiếp tục viết. Trấn hỏi bạn:

- Mày không đi dự lễ tưởng niệm nhà văn Đồng Hương hay sao?

Hậu lắc đầu bảo:

- Không có thì giờ, nhưng tao đã dự đám tang. Hôm nay không cần thiết lắm!

Hậu lại cắm cúi viết. Chiếc laptop hơi cũ nên bàn phím không còn êm. Tiếng lách tách làm một số người bàn bên cạnh nhìn sang. Trấn nói đùa với bạn, “Hôn nhân đồng tính cũng là một dạng hậu hiện đại đấy!” Hậu làm mặt nghiêm bảo, “Nếu tao viết tiểu thuyết tình yêu đồng tính theo kiểu hậu hiện đại, nó sẽ giống như hai người nữ yêu nhau và xử dụng condom để làm tình vậy!”

Trấn cười nhìn ra đường, trời như sáng hơn. Thường buổi trưa thứ Bảy trôi qua nhanh, nhưng hôm nay với Trấn thật dài. Anh cảm thấy bức rức. Trời vừa hé mây, ném xuống góc phố bên kia màu vàng sáng nhưng cũng không kém phần ảm đạm! Trấn quay lại hỏi Hậu:

- Mày ăn cơm trưa chưa?

Hậu gật đầu, chỉ gói giấy phía sau màn hình laptop. Một gói giấy bánh mì subway vo tròn. Trấn hỏi vì nhớ ra mình chưa ăn gì buổi trưa, nhưng anh không cảm thấy đói. Một thói quen có điều kiện. Anh uống thêm miếng cà phê cuối cùng dưới đáy ly rồi rót nước trà ra tách cho mình và Hậu. Nhìn bạn viết hăng say, Trấn nhớ những truyện ngắn dang dở của mình. Anh nhìn góc phố tối đi vì một vầng mây đang trôi qua. Cuộc sống của anh cũng tối sáng như thế. Nỗi cô đơn không phút giây rời anh, cả trong lúc anh nghĩ rằng mình đang vui vẻ nhất. Xúc cảm trong tâm hồn như dòng sông xa nguồn không bao giờ trở lại, thì nỗi cô đơn kia dựng lên bao chướng ngại cản ngăn mọi ước muốn cần thiết cho một tương lai!

 

Trấn từ giã Hậu ra về. Khi trở lại con đường cũ, Trấn dừng xe bên lề đường nhìn vào hội trường. Buổi tưởng niệm đã chấm dứt từ lâu, quang cảnh hết sức vắng lặng. Chiếc ghế gãy cô đơn dưới gốc bạch đàn đằng xa như nhìn Trấn cảm thông, còn chiếc bảng giấy ai đã nhổ đi mất. Anh lái xe chạy ra con phố chính để trở về nhà. Phía trên những đám mây vẫn vần vũ sà thấp xuống các mái nhà, trong khi phía dưới, người ta vẫn còn sắp hàng trước những quán ăn. Một chút nắng vàng thật xa và Trấn đang cố gắng lái xe về hướng ấy.

 

Lê Lạc Giao



http://www.gio-o.com/Chung/LeDienThuyBellaTerra.htm

 

© gio-o.com 2013