LÊ LẠC GIAO
Nạn Nhân và Nhân Chứng
trong ý thức người viết tiểu thuyết
tản mạn
Giống như họa sĩ từ cảm hứng qua màu sắc, đường nét sáng tạo hình thành tác phẩm nghệ thuật thì người viết tiểu thuyết xử dụng con chữ vẽ ra giấc mơ của mình. Về mặt tâm lý, cấu tạo nhân vật tiểu thuyết chính là tái tạo dữ kiện của ký ức, do đó viết tiểu thuyết là quá trình xây dựng thực tại của quá khứ. Dẫu hư cấu (fictional), người viết đã tái tạo bao cuộc đời nhân vật với hạnh phúc lẫn bất hạnh từng có mặt trong giấc mơ của mình. Cuộc đời, cá tính nhân vật là thực thể của dòng sinh tồn trong khi thái độ sống của nhân vật lại là tương lai của tác phẩm, phản ánh khát vọng của chính tác giả, cho dù tác phẩm hình thành từ một hay nhiều giấc mơ trong cuộc đời người viết. Bởi xây dựng thực tại của quá khứ thế nên công việc sáng tác có sứ mệnh riêng nó.
Điều này hoàn toàn tự nhiên, cho dẫu người viết phải sáng tạo bao cuộc đời nhân vật để nuôi sống chính cuộc đời mình. Nhưng vấn đề không phải ở chỗ này, bất kỳ vị trí nào trong xã hội, cuộc đời một nghệ sĩ không chỉ biểu hiện những hiện tượng trao đổi để tồn tại mà vì tồn tại, người nghệ sĩ luôn tìm giá trị đích thực miêu tả thân phận con người trong tương quan với môi trường chung quanh. Thế nên người nghệ sĩ nhận ra phạm trù sáng tác là đòi hỏi đích thực cho dù cá tính nhân vật tiêu cực hoặc tích cực tồn tại.
Ý thức nhân chứng của người viết tái tạo con người nhân chứng của nhân vật. Có nghĩa trước khi có con người nhân chứng của nhân vật, chính tác giả đã là nhân chứng cho cuộc bể dâu của nội dung tiểu thuyết. Tính trung thực trong sáng tác nhân vật của tác giả tạo nên tính chính thống cưu mang giá trị nhân bản vì cuộc đấu tranh nẩy sinh từ bản thân tác giả. Thế nên Không nhân vật tiểu thuyết nào tách rời khỏi sinh mệnh chính trị của chính tác giả. Nhân vật tiểu thuyết là nạn nhân hay nhân chứng hoặc cả hai là điều bắt buộc vì phạm trù tồn tại, hay cuộc hiện sinh chứng minh cho thấy. Tuy nhiên, người cầm bút miêu tả nghệ thuật đều không tránh khỏi nỗi ngậm ngùi, cay đắng một khi nhớ lại thân phận của chính mình phản ánh qua thân phận nhân vật để rồi xét lại khả năng chịu đựng để tồn tại. Lúc này phạm trù nạn nhân rất rõ nét bên cạnh bóng dáng của ý thức nhân chứng trong tâm tư người viết. Vì một khi xác định vai trò nạn nhân chính nó khẳng định sự tồn tại của nhân chứng. Lúc này ý thức minh định nạn nhân và nhân chứng là một thực thể duy nhất. Vô tình hay cố ý tách biệt vai trò nhân chứng khỏi nạn nhân mang tính phi nhân và cực kỳ ác độc.
Ý thức vai trò Nạn nhân là mặt nhận thức tiêu cực của ý thức vai trò Nhân chứng. Trong xã hội độc đoán, chuyên quyền, áp bức, kỳ thị ý thức nạn nhân làm con người không vượt qua được bản ngã tiêu cực chính mình và quên đi sự đấu tranh thay đổi số phận căn nguồn của ý thức vai trò nhân chứng. Thế nên một khi nhà văn tiếp tục mô tả giấc mơ của mình, chẳng qua vực dậy khả năng nhân chứng bị vai trò nạn nhân chèn ép một cách không khoan nhượng để rồi phải đầu hàng số phận. Do đó mục tiêu của người viết là qua nhân vật tiểu thuyết làm nổi bật vai trò nhân chứng của chính mình, và lúc này chính tác giả là chứng nhân của một sân khấu cuộc đời mà sinh mệnh của nó gắn liền với sinh mệnh tác giả. Nhân vật trong tác phẩm cười khóc chính là khát vọng của người sáng tác miêu tả tính bi hài cuộc đời cho người đọc thấy được khuôn mặt, tâm hồn của chính họ phản ánh qua tác phẩm nghệ thuật.
Khả tính nhân chứng trong sáng tác còn đưa thân phận vượt khỏi rào cản truyền thống bởi tính tích cực và khả năng trình bày, tố cáo của nó trước đám đông. Xác minh vai trò Nhân Chứng nói tổng quát là cách thức của bất kỳ ai đấu tranh với chính số phận của mình và người chung quanh mình. Ngày hôm nay không ít những biểu hiện tốt đẹp của việc vượt qua khỏi vị trí nạn nhân. Phong trào # Me Too, BLM tại Hoa Kỳ là hai thí dụ điển hình của phụ nữ và người da màu đấu tranh cốt làm nổi bật vai trò nạn nhân và nhân chứng của chính họ đối với sự què quặt, tàn tật chức năng của hệ thống thực thi công lý hiện hành (Dysfunctional Justice System) trước vấn đề kỳ thị tồn tại.
Trên bình diện rộng lớn hơn, thí dụ ý thức vai trò nhân chứng của một đất nước chính là can đảm đưa đất nước vượt khỏi tình trạng nhục nhằn thân phận hiện tại với khát vọng thay đổi lớn lao; vì nó là điển hình tích cực tìm lại những giá trị bị mất hay lãng quên một thời, và vai trò nhân chứng lúc này chính là khả thể thay đổi định mệnh dân tộc. Ý thức Nhân Chứng còn có thể đối nghịch với truyền thống nếu truyền thống là thủ phạm của việc duy trì bảo vệ ý thức Nạn Nhân trên hành trình hình thành lịch sử. Chính phạm trù nạn nhân đã kềm hãm một đất nước, không thoát khỏi được nhà tù nhận thức mang tính bền vững định mệnh không cho đất nước tiến lên.
Vai trò Nhân Chứng trong sáng tác, đã khôi phục hay cách tân nhận thức ý nghĩa của những hành động nằm chồng chất trong quá khứ, trên bàn thờ của sự sùng bái chiến công, hay tự mãn dân tộc từ đó cản trở một cách tích cực hoặc tiêu cực khả năng thay đổi số phận đất nước. Người cầm bút có thể phá bỏ những nhận thức lỗi thời từ lâu biến thành định chế cứng nhắc tưởng dường như không bao giờ thay đổi được qua nhân vật mình sáng tạo và xây dựng nên.
Vai trò Nhân Chứng trong sáng tác chính là đặt nhân vật trước tấm gương soi (mirrors). Nhân vật thấy chính mình trong sân khấu cuộc đời tiểu thuyết. Ý nghĩa sinh mệnh sáng tác nằm chính ý nghĩa nội tại của từng nhân vật trong tác phẩm, và phản ánh sinh mệnh của từng con người đọc nó. Điều này không đòi hỏi ngay tức khắc nhận thức của người đọc, nhưng như trên một dòng sông luân lưu con thuyền để thấy bến bờ của cuộc hành trình, người đọc quên mình và nhân vật trong tác phẩm để rồi tự nhận ra mình muốn gì và phải làm gì trước tình huống để có một thái độ. Lúc này sự lựa chọn rất rõ ràng để có thái độ tiêu cực (nạn nhân) hay tích cực (nhân chứng) để vượt qua sự khó khăn của một dòng sông hung dữ vì bão tố triền miên mà thực chất là đấu tranh vượt khỏi những u mê trì trệ chồng chất của quá khứ.
Hiện thực vai trò nhân chứng của nhân vật trong sáng tác cho đến hiện thực vai trò nhân chứng của người đọc là cuộc hành trình biện chứng. Nói tổng quát người đọc tìm thấy lại mình trong nhận thức toàn vẹn nhân vật, ngay cả nhận thức trong vô thức. Hành trình nhận thức trong thưởng thức nghệ thuật chẳng qua thấy lại được cái mất mát một cách vô thức, và vận hành này đã làm người sáng tác và kẻ thưởng thức gặp nhau. Tuy nhiên không phải nhận thức hoàn toàn “pro” mà có cả “con” và có khi rất quyết liệt.
Đến đây chúng ta không phải đã tỏ ra hiện thực vai trò nhân chứng, một mặt nào đó là cuộc cách mạng cả trong nhận thức chính trị và luân lý đạo đức truyền thống. Với nhận thức chính trị là thay đổi quan niệm cai trị, lãnh đạo từ lâu vốn dựa trên tập quán lịch sử truyền thống mà không hay biết hay xem nhẹ những thay đổi tương quan giá trị toàn cầu qua cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật. Về mặt nhân bản, phạm trù nhân chứng cho con người một thái độ sống đúng đắn, tích cực và cách mạng. Xã hội nhờ đó tiến lên qua việc đấu tranh tố cáo, lên án những điều phi nhân vẫn thường tồn tại như truyền thống mà thời đại qui chiếu như là những hình mẫu không thể thay đổi hoặc loại bỏ được.
Trong phạm trù triết học, thái độ sống là một hành trình chủ quan của tồn tại nhưng cảm hứng sáng táclà một vận hành biểu hiện khách quan thái độ sống trên dòng thời gian. Xúc cảm là cơ sở hình thành cảm hứng, nói tổng quát sáng tác nghệ thuật là nỗ lực tập họp xúc cảm bao gồm hạnh phúc, bất hạnh hay phiền muộn đớn đau trên suốt cuộc vận hành của dòng thời gian. Nó có thể thuộc quá khứ, hiện tại hay cả sự phong phú tưởng tượng của tương lai nhưng chưa bao giờ, và mãi mãi không bao giờ tách rời khỏi vận hành thời gian. Bởi thế sáng tác là mặt biểu hiện hiện sinh, mang tính khao khát hoài vọng hay đớn đau phủ nhận, hoặc khinh rẻ phụ bạc… nhưng cuối cùng nó vẫn là thứ ý thức nhân chứng bền vững của dòng sinh mệnh con người. Nhận ra ý nghĩa đích thực của nó chính người viết dành cho sáng tác một thái độ sống trong quá trình tìm lại cái self tích cực đã mất hoặc một thời quên lãng của mình.
Lê Lạc
Giao
06/2024