Hoàng Long

TIẾNG VANG CUỘC SỐNG
(CHÙM TRUYỆN CỰC NGẮN)

Vùng kia, nơi dân cư mộ đạo, có một hang đá “Tâm Linh”, nhưng người dân thường gọi là “hang đá đời sống”. Thanh niên trong làng đến tuổi mười tám phải sống trong những ngõ ngách của hang đá một năm để giác ngộ một chân lý tối cao của đời sống, sau đó được xem như đã trưởng thành. Tháng đầu tiên, anh nào cũng chán nản như nhau vì chẳng thấy gì ngoài cô đơn miên viễn. Có anh chàng chán nản hét lên “cô đơn quá”. Tiếng vang dội lại ngay “cô…đơn…quá…”. Ba tháng sau anh ta hét “phải chấp nhận thôi”. Hang đá âm u dội lại “chấp…nhận…chấp… nhận…”. Rồi anh ta sống cùng với cỏ cây hoa lá vui đùa với từng đàn chim chóc vây quanh. Năm tháng sau tiếng vang dội lại “đời cũng vui chứ nhỉ”… “vui chứ nhỉ…”. Rồi thời hạn một năm cũng qua. Ngày cuối cùng, có một tiếng hét lanh lảnh “quả nhiên đời sống tuyệt diệu vô biên”. Và khi tiếng vang dội lại “tuyệt diệu vô biên”, anh ta chợt thấy thân mình đổ sụp xuống, một cảm giác an lạc vô biên bừng hiện. Chàng trai chợt thấu suốt hết sự sang trọng và quý phái vô cùng của sinh mệnh. Trở về làng, chàng sống cực kỳ vui vẻ an lạc, thật chậm rãi và bình thản trong mọi cuộc tiếp giáp, lúc nào cũng thanh thản. Vị trưởng làng xác nhận anh ta đã thực sự trưởng thành.

 

PHỐ KHÔNG ĐÈN

Thế giới chúng ta luôn tồn tại hai thành phố: thành phố sáng và thành phố không đèn. Bạn thử nhìn từ trên cao xem, dãy nhà nằm sắp hàng như mộ bia. Thế giới chúng ta đó. Ban đêm dãy nhà mồ ấy sáng đèn.

Còn thành phố kia? Nghĩa trang. Bóng tối của cái chết không bao giờ có ánh sáng. Ngày, vầng dương đi qua. Đêm, những vì sao lấp lánh. Và thành phố ấy cũng bình yên như thành phố chúng ta vậy.

 

NGƯỜI QUYỂN LỊCH

Đời sống nhân gian như quyển lịch treo tường. Mỗi người có một số trang hạn định. Từng ngày qua, sự sống rơi rớt dần từ thân thể. Thời gian âm thầm bóc ta đi từng trang một như người ta bóc vỏ một củ hành. Cho đến ngày chúng ta hết trang tiêu biến đi không còn gì nữa cả.

 

CÁI TÚI THẦN KỲ
  

“…soi bóng đời bằng gương vỡ nát…”
Trúc Phương

Lang Thang là một diễn viên trong đoàn kịch “Cuộc đời”. Trên vai anh ta lúc nào cũng mang một cái túi mà nhân gian thường gọi là “cái túi thần kỳ”. Trong cái túi đó có đủ thứ đồ chơi. Mỗi khi diễn đến vai hài, Lang Thang lại lấy ngay từ trong túi ra một cái mặt nạ cười và một bộ trang phục diêm dúa khoác ngay lên mình. Mỗi khi đến cảnh buồn, Lang Thang lại có ngay một bộ mặt sầu bi và một bộ trang phục thê thảm. Nhưng trong cái túi thần kỳ có thêm một vật mà nhân gian không ai biết tới. Đó là một cái gương soi. Để những khi ngồi trầm tư một mình trong căn phòng vắng, Lang Thang lại lấy ra soi để tìm lại gương mặt thật của chính mình.


TRÒ CHƠI

Trước mặt tôi là quả địa cầu. Nếu nhìn kỹ, bạn sẽ thấy biển và những tảng băng ở hai đầu địa cực. Cách quả địa cầu chừng một gang tay có những lớp mây dày bao phủ và lặng lờ trôi. Tôi dùng một cái kính lúp soi kỹ vào từng quốc gia để thấy rõ hơn nuí đồi và những dòng suối. Lâu lâu tôi hà hơi vào địa cực cho băng tan làm mực nước biển dâng lên cho vui mắt. Rồi tôi dùng hai ngón tay tách cho đất nứt ra làm thành những cơn động đất. Dùng một kính hiển vi điện tử siêu mạnh, tôi soi khắp bề mặt địa cầu để thấy người lố nhố và xe cộ ngược xuôí. Tôi lấy mũi kim chạm vào mấy chiếc xe gây tai nạn, thọc ngón tay xuống biển rồi quay quay cho dông bão nổi khắp trời. Nhưng có những ngày tôi rất mệt. Tôi chỉ ngồi yên và ngắm quả địa cầu xem mây bay nước chảy, rồi dùng kính hiển vi xem người ta xây nhà hay thu hoạch những đồng lúa chín bội thu.

Chắc bạn đã đoán ra tôi là ai rồi phải không? Chúc mừng bạn. Bạn đã đoán đúng rồi đấy.

Hoàng Long

© 2006 gio-o

Tên thật là Hoàng Long, sinh ngày 21/01/1980, tại Đà Lạt. Nguyên quán Quảng Bình.
Từ năm 1997 đến 2002, học Khoa ngữ văn  và Khoa Đông phương học, chuyên ngành Nhật Bản học, tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tại Sài Gòn.
Từ năm 2003 đến 2005 học Cao học, chuyên ngành văn hóa học, tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Sài Gòn.
Từ năm 2003 đến nay, dạy Nhật ngữ tại trường Đại học Lạc Hồng, Đồng Nai và Trung tâm Ngoại ngữ Nguyễn Thái Bình.
Đã cộng tác với các tạp chí hải ngoại Văn học, Hợp Lưu, Tạp Chí Thơ, tienve, evan