Hà Quảng

  

Hiểu thêm tâm trạng của

Tuệ Trung Thượng Sĩ

          qua một sô bài thơ thiền.

 

Tuệ Trung thượng sĩ tên thật là Trần  Tung, sinh năm 1230, mất năm 1291 , một người phẩm chất thanh cao, sùng đạo Phật.Trần Tung, con An Sinh Vương Trần Liễu, anh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và hoàng hậu Nguyên Thành, vợ vua Trần Thánh Tông, mẹ của Trần Nhân Tông. Năm 21 tuổi được phong tước  Ninh vương, trấn giữ đất Hồng Lộ tức Vĩnh Lại, Hải Dương ngày nay. Ông cùng vua quan nhà Trần hai lần ngăn chống giặc Nguyên, có công lớn với triều đình.Theo Nguyên sử, trong cuộc xâm luợc lần thứ hai, vào ngày 10-06-1285 khi Thoát Hoan rút chạy khỏi bờ Bắc sông Hồng thì Hưng Đạo Vương và  Ninh Vương đem hơn hai vạn quân chặn đánh tướng giặc và đuổi Thoât Hoan đến sông Như Nguyệt. Trong cuộc kháng chiến lần thứ ba  thì sách An nam chí lược  cho biết Trần Tung không chỉ là vị tướng tài mà còn là một nhà ngoại giao  đắc lực . Nhỉều lần được cử đi thương thuyết với giặc, ông khôn khéo mưu lược,làm lợi cho quân ta rất nhiều.

Không hiểu sao cuối đời ông đi tu,  nổi danh một người uyên thâm về đạo Phật, được Trần Thánh Tông rất khâm phục. Chính vua Thánh Tông là người gọi ông là "Tuệ Trung thượng sĩ". "Thượng sĩ" có nghĩa tương đương là Bồ Tát, được tôn như người tu Phật đã đắc đạo. Ngoài việc viết sách Nho giáo, Đạo giáo, ông còn là nhà thơ lớn của đời Trần. Thơ ông đượm mùi thiền, giàu trí tuệ, ý tứ thâm trầm sâu sắc.

Nói về thơ văn và con người của Tuệ Trung, Nguyễn Huệ Chi,một tác giả dày công nghiên cứu đã từng trả lại cho ông cái bản diện chân thật , không còn sự hỗn hoặc lẫn lộn trong Văn học cũng như Đạo học về  tuổi tên Trần Quốc Tảng và Trần Tung (1), đã viết: “…hiện diện trước chúng ta một nhân cách, một cá tính phong phú, trong cái thế giới thanh tịnh nói chung, cái thế giới tiêu diệt mọi ngã kiến của đạo Thiền. Ít nhiều, nhân cách đó giống như là một sự ngấm ngầm tuyên chiến của một con người khí phách ngang tàng đối với tất cả những gì đi ngược lại quy luật cuộc sống” (Thơ văn Lý Trần , NXBKHXH 1977)

Tuy vậy từ trước đến giờ người ta chỉ chú ý nhiều đến đến cái thế giới "thanh tịnh" , và cái chất "tâm không " nơi ông mà quên đi  cái "sự tuyên chiến của một con người khí phách ngang tàng đối với tất cả những gì đi ngược lại quy luật cuộc sống" nói một cách khác thiền sư không chỉ vui thú với đạo, hoang dật với thiên nhiên cỏ cây muông thú mà còn có nỗi niềm trắc ẩn trước cuộc đời !

Bấy nay trong các bài thơ để lại ,do ám ảnh bởi giai thoại về câu đùa (?) của nhà sư phóng túng với cô em là hoàng hậu chốn triều cung: Phật là Phật. Anh là anh! Anh không cần thành Phật! Phật không cần thành anh...,nên Tuệ Trung được hình dung  như một con ngừơi phóng dật luôn vui  với " những cuộc hành trình lên núi cao ,nhởn nhơ ngoài thế gian ", "con người với những chuyến tiêu dao chơi đùa " không chỉ siêu tịnh với Phật đạo mà còn thấm  đẫm hơi thở Lão Trang ...

"Phóng cuồng ngâm " một bài thơ khá quen thuộc với độc giả chỉ được giải thích như là sự " thể hiện niềm hân hoan  của con người trước cuộc chơi lớn, nơi đạo và đời cùng một gương mặt " (Lê Thị Thanh Tâm- Con người hành hương ....-Tạp chí NCVH số 03/2006). Tác giả quên mất trong trạng thái phóng, cuồng  bao gồm cả sự phản đối một khía cạnh nào đó của thực tại làm con người bất như ý  chứ không phải chỉ có vui và hân hoan !Trong cái thẳm sâu của "phóng cuồng "  có cái chân ngộ " khi vui muốn khóc , buồn tênh lại cuời " ( Nguyễn Công Trứ )

Đọc kỹ các thi phẩm của  ông  ngoài việc cảm nhận  những triết lý "vô thường " của đạo Phât,"vô vi" của đạo Giáo ta còn thấy thoảng một nỗi buồn đời, điều ít thấy ở các vua quan đời Trần sau những chiến thắng lẫy lừng chống quân Nguyên đang xây dựng một triều đại hưng thịnh nên tâm lý hào sảng như thơ Trần Thánh Tông :"Sớm chơi núi mây nổi/Đêm nghỉ bến trăng thanh/Bỗng dưng được thú lạ/Ngọn bút nẩy muôn hình " (Đi chơi phủ Yên Bang) hay như Trần Thái Tông luôn bảo ban , chăm sóc  muôn dân hướng đạo Phật vào việc tu sữa nhân tính " chỉ dẫn đường mê cho đời sau, cốt nối công nghiệp to lớn của thánh nhân đời trước" (Bài tựa chỉ dẫn về đạo Thiền ), luôn đưa ra lời giảng : con người chưa đắc đạo chỉ là một khối thịt "vô vị chân như khối thịt thôi ", trải qua trai giới tu luyện mới thanh sạch cao vời "Ai hay mây cuốn tầng không sạch /Núi biếc xa xa lộn sắc trời ".  (Bài Phổ thuyết sắc thân, Khóa hư tập ,Ngô Lập Chi dịch )  . 
         

Trước những nghịch lý đời sống ,lẫn lộn thật giả, thiện ác , ông luôn băn khoăn, lục vấn :

Thế gian nghi vọng bất nghi chân

Chân vọng chi tâm diệc thị trần.

( Thị chúng )


dịch:

Người đời ưa dối, thực chẳng ưa!

Cái tâm dối, thực bụi trần mờ! (2)

          Trong cảnh nhàn, ông cũng thường đi đây đi đó thưỡng lãm thiên nhiên, thắng cảnh ,nhưng không chỉ vui với tạo vật mà ông nhiều khi  thốt lên những lời than về sự bé nhỏ mông lung của kiếp người:


Tiểu đĩnh tràng giang đãng dạng phù,

Du dương trạo bát quá than đầu,

Nhất thanh hà xứ tân lai nhạn

Trắc giác thu phong biến thập châu

                                         (Giang hồ tự thích)


dịch :

Thuyền nhỏ, sông dài, phút nổi trôi,

Mái chèo vượt thác, lựa tay bơi.

Nhạn xa đâu tới vừa lên tiếng

Đã gió thu sang lộng một trời...

Con thuyền nhỏ,mái chèo nhỏ nổi trôi vượt sông dài, trời rộng. Tiếng nhạn thảng thốt như choáng ngợp trước  cái vô cùng của trời đất!

Với cách hiểu như trên về tâm trạng Tuệ Trung nên khi tiếp cận một số bài thơ của ông như các bài " Phóng cuồng ngâm"," Giản để tùng"..., đặc biệt  bài Giản để tùng (Cây tùng ở đáy khe- một bài thơ rất được nhiều người trích dịch nhưng cách hiểu rất khác nhau), chúng tôi thấy có điều gì chưa thật thỏa đáng.

Trong bài Giản để tùng , Tuệ Trung viết:

Tối ái thanh tùng chủng kỷ niên,

Hưu ta địa thế sở cư thiên.

Đống lương vị dụng nhân hưu quái

Dã thảo nhàn hoa, mãn mục tiền!

Ngô Văn Phú  đã dịch và bình bài thơ này (3):

" ... Mấy năm trồng tỉa một chòm thông,

Chẳng thở than vì đất vắng không!

Rường cột chưa dùng, đời chẳng lạ...

Mảng vui cỏ nội với hoa đồng!

Thơ viết về thông mà nói về người, về bản chất của một lối sống. Sự thanh cao nhuần thấm đến từng chữ, từng lời!”. 

“Sự thanh cao” mà NVP nói ở đây  ám chỉ  việc ngừơi không than thở cho những mất mát chênh lệch, luôn vui với mọi sinh linh “mảng vui với cỏ nội hoa đồng”.

Có lẽ vì bị cách nghĩ cho Tuệ Trung là nhà sư chỉ biết và luôn“vui vì đạo” chi phối nên cách dich thơ cũng gò ép theo. Bài thơ này cụ Đào Phương Bình cũng từng dịch theo hướng trên :

Mấy năm yêu dấu gốc tùng xanh

 Đừng thở than rằng đất vắng tanh

Rường cột chưa dùng người chớ lạ

 Hoa nhàn cỏ nội khắp chung quanh...(3)

Bài Giản để tùng (Cây tùng ở đáy khe) theo thiển ý của chúng tôi, nếu dịch nghĩa đen :

Rất thương cây tùng xanh trồng đã bao năm

Chẳng thở than vì trông không đúng chỗ (trồng lệch)

Rường cột người chưa dùng  thôi chẳng lạ

Cỏ dại hoa đồng mọc đầy trước mắt!

Cây tùng xanh «trồng bao năm» (chủng kỉ niên), nghĩa là đã trồng tự không biết bao nhiêu lâu rồi, mà lại bị «trồng lệch», nghĩa là trồng không đúng chỗ ( địa thế sở cư thiên) , thay vì ở trên đỉnh núi như thường thấy, ở đây lại tận “ dưới đáy khe  » ( giản để ). Ý thơ  này mà chuyển thành nơi “đất vắng không” hoặc "đất vắng tanh" có lẽ  không thật sát  nghĩa!  Người ta đã «thôi lấy làm lạ» (hưu quái)  về việc không có ai đốn nó đem về làm "rường", "cột"  như từ xưa đến nay. Người ta đã quên cây tùng dưới đáy khe rồi .Chung quanh nó chỉ có toàn là «cỏ dại, hoa hèn”. . . Bài thơ thật ra là một ẩn dụ chua chát, thân phận cây tùng ở đây không  ai khác là những công thần , những bậc trí giả cao thượng. Và cội tùng mọc giữa đám cỏ dại hoa hèn này  là một nỗi bẽ bàng của những tài năng, những công thần bị lãng quên ! Câu thơ cuối so với các  lời dịch trên kia quả có nhiều khác biệt : Dã thảo nhàn hoa mãn mục tiền.Không phải là Mảng vui cỏ nội với hoa đồng! Mà là buồn vì Cỏ dại hoa hèn trước mắt chen!.

      Rất  gần với cảm nhận của chúng tôi về bài thơ này , Thái Ba Tân đã  dịch :

       

          Cây tùng dưới khe

         Cao thẳng cây tùng mọc dưới khe

        Ở nơi vắng vẻ núi bao che

        Chưa làm rường cột không gì lạ

        Cỏ dại, dây leo mọc bốn bề ...

               ( Thái Bá Tân -  Cổ thi tác dịch  -Nxb VH 1998 )

Câu thơ giống với cảm xúc ở một bài khác về thân phận con hạc cao quý đứng lẫn giữa bầy gà tầm thường:

         …Thân xác hao gầy há đáng than /Phải đâu hạc cả lánh gà đàn (Dưỡng chân),về nỗi lao đao của con người tài danh trước cuộc đời đầy đố kỵ:

        …Hễ đã hơn người  và vượt bậc /Vẻ vang rồi lại đến lao đao ( Soi mình ) .

          Nói hơi dài về một bài thơ ( một câu thơ) không phải làm cái chuyện "tầm chương trích cú" nhạt nhẽo , mà chỉ mong nêu lên được cái nét riêng đáng trân trọng của một hồn thơ mà tên tuổi và tâm trạng hết bị phủ mờ theo lớp bụi thời gian , lúc hiện hữu lại được khoác cho bộ đồng phục "thiền thi" siêu thoát!

Đến đây ta nhận chân được một phương diện khác của con người Tuệ Trung được thể hiện trong Thơ: một tâm trạng u buồn và cô đơn! Là một võ tướng dũng mãnh , một chính khách tài ba, một bậc tu hành thông tuệ nhưng cũng là một thi sĩ nhiều khi "bất đắc chí" , "không thỏa thuận với Đời" ! Đây là điều mà người viết bài này muốn nói thêm để hiểu đúng khi tiếp cận một số bài thơ trữ tình của Tuệ Trung mà  Giản đế tùng là một .

          Tại sao có sự bất đắc chí này? Vị tướng đã cùng Hưng Đạo Vương trải hai cuộc chiến chống  ngoại xâm, từng được phong vương ,nhậm chức tiết độ sứ ở Thái Bình,nhưng sau đó lại cáo quan về ấp Tĩnh Bang ( Hải Dương) theo đuổi nghiệp Thiền.Phải chăng vì sự bon chen chốn triều đình, là sự thiếu trọng dụng kẻ chân tài hay là nhãn quan nhìn xa trông rộng giúp ông thấy được sự chia xẻ bè phái tất yếu sẽ xẩy ra ở các vương triều phong kiến thường vua tôi cùng chung hoạn nạn nhưng không chung phú quí mà cái phần "rủi" phần "không may" luôn nghiêng về những kẻ có nhân cách , ngay thẳng không chịu luồn cúi ? Những cái đó phải chăng là nguồn gốc sâu kín của những cảm hứng làm nên cái phần thơ cô đơn , bất đắc chí bên những phần thơ thiền thông tuệ  , phóng dật của ông ./.

Hà Quảng
Hà Tĩnh

(1) trước đây có người cho Tuệ Trung thượng sĩ  là Trần Quốc Tảng, thực ra là chú cháu, tuy cùng tuổi tác, tước vị hơi giống nhau ( Trần Quốc Tảng là Hưng Ninh Vương, còn Trần Tung là Ninh Vương ) .

(2)Các câu thơ dich trích trong bài, chúng tôi theo Huệ Thiên- Những dòng thơ đời của Tuệ Trung thượng sĩ-Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, Huế 1999

(3) Ngô Văn Phú ( Báo Văn nghệ Trẻ )

 (4)Trích theo Nguyễn Huệ Chi - Tạp chí Văn học ,tháng 04-1977

 

© 2006 gio-o