Hà Quảng

một tiếng thơ tâm linh…

đọc thơ
Lê Quốc Hán

 

Anh là một giáo sư  toán học nhưng cũng là một thi sĩ , nhưng điều đáng nói hơn là cả hai phương diện sáng tạo đó của con người anh đều được hiển trưng dưới ánh sáng của Đức Tin ! Quê hương anh , một tỉnh nghèo nhất miền Trung, nơi anh sinh ra lại là một huyện lỵ nghèo nhất tỉnh ấy : huyện Kỳ Anh,tỉnh Hà Tĩnh, nơi có con đèo nổi tiếng kim , cổ mà nhà văn Lê Thị Huệ có lần ngang qua đã dí dỏm “Đèo Ngang - Đang Nghèo”. Nơi đây cũng  từng sản sinh hai anh em tiến sĩ thời kỳ đầu  của dòng khoa bảng Đại Việt: Lê Quảng Chí , Lê Quảng Ý ( thế kỷ 15) .Trong lòng bà mẹ nghèo nên cậu có duyên nợ với thơ từ bé ! Dưới sự hướng dẫn của ngừơi cha già vốn là một công chức lưu dung cũ ,cậu đã mò mẫm làm quen với các nhà thơ lãng mạn Pháp  Muyxê, Vinhi , Lamactin từ rất sớm cùng lúc với những định đề toán học của Patscan. Theo thời gian kỷ niệm về các nhà thơ cứ đầy thêm trong ký ức cậu học sinh trường huyện cùng với các công thức toán học . Sau này khi nói về nghề Thơ,về các thi sĩ , anh đã không dấu niềm cảm xúc ban đầu "mỗi ngư­­ời trong bọn họ đã tạo cho mình một thế gii riêng, một vũ trụ riêng ,một tâm linh riêng" ( Vũ trụ và tâm linh).

…Chiến tranh, rồi những năm tháng gian khó của cuộc mưu sinh ,lên thác, xuống ghềnh nhưng lòng say mê thơ ca theo tháng ngày không giảm, chỉ tăng lên mà thôi . Năm nhận học hàm Phó Giáo sư cũng là năm anh xuất bản tập thơ đầu tay Lời khấn nguỵên  - 1996, tiếp theo là Bến vô cùng -1999. Hai tập thơ được bạn đọc yêu mến  vì mang đến cho người đọc một phong cách mới mà như lời giới thiêu  : Có cái gì hư ảo cổ kính như Đường Thi nhưng cũng chân quê như ca dao.

Mạc Khải (2004) là tập thơ thứ ba của anh.Cái sắc thái “tâm linh” cái “mùi Đạo” đã toát lên từ cái tên tập thơ. Mạc Khải là lời tỏ bày, là niềm vui thầm lặng của một con người , của nhà thơ trước Cõi Đời và trước Đấng Tối Cao! Hơn nửa thế kỷ có mặt trong cõi đời nhà thơ như thấy mình luôn mang nợ .Tâm tư này không mới nhưng thật cảm động khi được tác giả gửi gắm,hình tượng hoá trong hình ảnh “con trâu”:Trâu ơi!Trâu ơi! Trâu ơi!/Có phải cầm tinh mày/ nên tao cũng suốt đời kéo cày trả nợ/Nợ cuộc sống, nợ văn chương, nợ quê hương xứ sở/dám đâu mong trả hết ở kiếp này! (Ký ức ).

     Chính bởi ba mối nợ này nên anh không cầm lòng đặng trước nỗi đau của người dân quê:…Tháng mười dai dẳng/Trong nước lũ máu người đục trắng (Tháng mười ). Và cũng không thể kìm nỗi tiếng reo khi cuộc đời đâm chồi nảy nụ, dẫu chỉ một thoáng gặp màu nắng thu , một đoá phù dung  hay một chiếc cầu mới bắc qua sông quê sau ngày hoạn nạn. Hình ảnh quê hương với những con đường, dòng  sông , ngôi trường… trở lại nhiều lần trong thơ anh và lúc nào cũng ngập tràn  cảm xúc :

Anh trở lại dòng sông thơ dại ấy/nước trong veo nước vẫn chảy ơ hờ/

Anh trở lại con đường hoang phế ấy /dấu chân xưa mưa dập xoá tơi bời/

Anh trở lại góc trường sơ tán ấy/ cỏ lên xanh che kín chỗ ta ngồi…

                                                                                                              ( Hoá Kiếp )

Tình quê bảng lảng , hai chữ “cố hương”  mới thiêng liêng làm sao. Cố hương ngân nga trong tiếng chuông chiều, trong tiếng chim gù nơi bãi vắng, trong màu hoa hứơng dương vào tiết thu…Ngỡ quên nhưng nào có quên, lúc mơ cũng như lúc tỉnh: Ba phần đời trôi dạt/ hồn lạc về cố hương( Lạc) . Và trên con đường phiêu bạt chỉ nghe một tiếng đàn bầu, hay thoảng một gịong hát buồn nhà thơ cũng nao lòng nhớ nhung về cội nguồn...thấy như hồn Trương Chi bay chập choạng trên đu, khao khát nhập vào cung đàn tê buốt..(Dâng)

Thơ Lê Quốc Hán nghiêng về phía tâm linh hơn ngoại cảnh.Hình tượng thơ thực ảo lẫn lộn. Ta hay gặp những hình ảnh thiên thần, quỷ sứ, những ngôn từ linh hồn, vĩnh hằng, phù du, sáng thế, kiếp người, chúng sinh, phép lạ…Thấm nhuần các giáo lí tôn giáo,Lê Quốc Hán nhìn nhận con người và thế giới trong mối tổng hoà chằng chịt nhưng luôn  vươn tới cuộc sống đẹp Đời, tốt Đạo…Thơ anh lý giải về kiếp người ,về hạnh phuc, nỗi khổ đau… đẫm màu sắc tâm linh nhưng lại khá biện chứng ;  thấp thoáng đằng sau những  niết bàn , thiên đàng, xuyên qua những luân hồi, những kiếp sau là nỗi bồi hồi hiện tình nhân thế, ngay cả khi nhà thơ muốn ngược hư vô, tìm về bến aỏ thì trái tim cũng không thoát khỏi những thổn thức vì tục luỵ : Người đi tích bạc góp vàng. Tôi về  chuốc cảnh thế gian khóc cười!

Thơ anh giãi bày sự giằng xé trong nội tâm: cuộc đời phù du, nhà thơ  trải nghiệm một cuộc kiếm tìm vô định, kiếm tìm cái bản ngã đích thực của mình, kiếm tìm cái chân lý vĩnh hằng của đời sống ,nhưng nhà thơ thấy rằng mình đã ngộ nhận cái bào ảnh của chân lý mà thôi :

Tưởng rằng ta gặp mình rồi /Tỉnh ra giấc mộng giữa đời phù du

Thương thay một trái tim mù /Phút giây ngộ nhận nghìn thu vẫn còn  ( Ngộ nhận)

           Vì đâu ?  vì cái gánh nặng nhân sinh, cái sân si của đời thường đã níu kéo tác giả ở lại không cập được Bến Giác :   Muốn hòa vào chốn vô vi/ Cởi chưa xong áo sân si trả đời   (Bất lực ). Cái tục lụy của cõi thực ,với  những lo toan của  gánh nặng mưu sinh ,với  những bon chen đố kỵ hằng ngày đã dập tắt nhiều uớc mơ, bịt kín nhiều nẻo kiếm tìm của thi sĩ , và đâu đây chỉ còn vang lên một tiếng thở dài luyến tiếc:

  Muốn tan vào cõi vô thường/  Tiếc chưa đi hết con đường mình đi.

  Hoàng hôn đốt rụi chân trời/  Biết còn đến kịp chính nơi mình tìm. ( Bất lực )

Một ám ảnh khác cũng được nhiều lần anh gửi gắm trong thơ , đó là nỗi xót xa vì sự chia cách của cuộc đời, của con người với con người. Biết bao con đư­­ờng đã đ­­ược mở ra trên mặt đất , những con tàu vũ trụ giờ đã qua lại giữa các vì sao, vậy mà ư­­ờng đi ở giữa thế gian, ng­­ười không mở đ­­ược lối sang với ng­­ười "( Đư­­ờng ).Câu hỏi t­ưởng giản đơn như­ng có lẽ còn tồn tại lâu trong cuộc thế này!

Ba tập thơ đều phảng phất một nỗi buồn,có khi như­ là một sự hối hận  , một lời sám hối .

Sám hối không phải chỉ vì lỗi lầm của mình mà còn vì lỗi lầm của ngư­ời đời! Hình ảnh Người đi..Tôi về vang lên như một điệp khúc,  đã gián tiếp thể hiện sự đối lập giữa một bên là cảnh đời bon chen  tích bạc góp tìền , bên cạnh nỗi cô độc của tác giả   gắng giữ nét riêng hồn mình.

Không thể không nhắc đến mảng thơ tình yêu .Cứ ngỡ nhà toán học may mắn trong trường đời chắc thanh thản trong tình yêu , trong đạo nghĩa gia đình . Nhưng đọc những dòng thơ tình của anh ta vẫn cảm thấy một nỗi trăn trở của sự luyến tiếc, nỗi nhớ nhung của một kẻ luôn “ nắm hờ ngọn gió” hạnh phúc!

 … Thôi đành lòng tạm xa nhau/hờn ghen kín miệng ,lửa đau nguội dần/

… Người cầm lòng nhé tôi đi, trái tim gửi lại phòng khi trở trời  (Trở trời)

Nỗi bẽ bàng của tình yêu nhà thơ tìm cách giải thích trong sự vô cùng của "duyên kiếp"  và hoá giãi nó bằng niềm an ủi của thi ca.Tình yêu là có được có mất, có lở có bồi, tình yêu là kỷ niệm, tình yêu là hữu hạn so với thời gian vô thuỷ vô chung:

…Dòng sông khúc lở khúc bồi/Chiều nhau trọn một kiếp người dễ chi!

Thơ Lê Quốc Hán  là dòng thơ hướng nội, anh giãi bày tâm tư của mình một cách trực tiếp ít nhờ vào ngoại cảnh hay sự kiện .Một không khí hư ảo trùm lên tập thơ,thi thoảng chúng ta lại gặp những phút giây nhà thơ “nhắm mắt nhìn xuyên bốn cõi”, “ngộ” ra chân lý.Vì tính chất trực tiếp , tính chất suy ngẫm đó nên thơ anh đa phần ngắn gọn, cô đọng.Tiêu đề các bài thơ chỉ có vài từ, nhiều bài chỉ một từ (Đá ,Nếu, Hỏỉ, Men,Hồn,Quẻ, Mọc,Vọng, Dâng, Lạc, Tạ ,Cha, Gương…) Hình tượng thơ nhiều khi đến với người đọc nhờ cái tứ tương phản, đột ngột gợi một phán đoán bất ngờ hơn là sự miêu tả , hay kể lể ta thường gặp. Những cặp từ  đối chọi:  nhắm-mở, xưa-nay, người-ta, ngày-đêm…,  những hình ảnh đăng đối , đánh mạnh vào cảm giác người đọc:

Ban ngày xoay xở sống…// đêm về nhìn lại bóng…,

…Cuộc đời sớm rủi // chiều mayBây giờ cát sỏi // mai ngày kim cương.

Ngôn ngữ thơ anh chuẩn mực không xô bồ như một số thi phẩm thời nay, thể thơ đa phần tự do có những bài thơ văn xuôi nhưng cũng không quá phóng túng.Có những câu thơ lục bát  mới ở cách ngắt nhịp,vắt dòng, nhưng ngôn từ và hình ảnh lại phảng phất âm hưởng ngày xưa.

 Lá vàng rải nắng  sau mưa ,/ nắng vàng dát áo bào xưa / Ráng trời

Lâu đài đổ bóng /  Sông trôi / Nghìn thu thu lại trong đôi mắt gầy.( Nét thu)

Người đọc cảm thấy thơ Lê Quốc Hán có nét riêng, nét mới biệt lập khó nhầm lẫn với các tác giả khác có lẽ nhờ cái tình cảm chân thực nhiều khi lóe lên thành những suy nghĩ sâu sắc về Cõi Người, Cõi Đời và đặc biệt là  dáng vẻ Tâm linh pha mùi Đạo,mùi Thiền - cái nét phương Đông lãng đãng của nó.

Bài "Cuối" trong tập" Bến vô cùng" là một dẫn dụ sâu sắc về khuynh hư­ớng triết lý- tâm linh trong thơ anh:

Cấu tứ bài thơ xoay quanh  bốn sự việc tư­ởng nh­ư thầm lặng  yên tĩnh , như­ng thật xao động  lòng ngư­ời. Cuộc sống đầy nghịch lý, đầy mâu thuẫn, như­ng chính nghịch lý, chính những mâu thuẫn lại tạo nên cuộc sống:

Tắt ngọn nến cuối cùng trong đêm mừng sinh nhật       là vui vì con ngư­ời tr­ưởng thành thêm một tuổi, như­ng cũng mất đi một phần của  đời ng­ười còn lại.

Đặt đồng xu cuối cùng lên tay ngư­ời hành khất         là gánh thêm sự nghèo khổ vật chất trên thân xác như­ng lại giàu có hơn về tâm hồn.

Hất xẻng đất cuối cùng trên mộ ng­ười vừa khuất        là chấm hết nỗi đau một cuộc đời,  như­ng đau thư­ơng lai nhân lên không hết trong những cuộc đời còn lại.

Lời ly biệt cuối cùng chôn sâu vào đáy mắt                là vắng hẳn một bóng ngư­ời trong cuộc thế như­ng kỷ niệm không nguôi quên lại đầy thêm trong mắt ng­ười thân.

Đấy là tính biện chng của những nghịch lý trong đời sồng, trong cõi ng­ười.

Nói về đường Thơ, đường đời của anh, một nhà thơ, một người bạn vong niên  cho rằng: “…Lê Quốc Hán biệt lập một cách viết, như núi Hai Vai quê anh, một vai gánh nhẹ nỗi mình và nỗi đời, một vai gánh nặng Vũ trụ và Tâm linh, một con đường vô tận hướng về Lẽ Huyền Vi mà anh mới đi đoạn đầu .”  (Trinh Đường - Báo Văn nghệ  số11,14-03-1998)

Lê Quốc Hán tiếp nhận ở Toán học sư minh triết của trí tuệ còn Thơ mang lại cho anh sự chân thành của tình yêu.Với hai nguồn mạch lớn lao đó mong anh trả đươc món nợ lòng với Cuộc đời và Quê hương./.

 

           Hà Quảng

          (hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh)

 

         bài thơ Cố Hương của Lê Quốc Hán

        

 

        © 2007 gio-o