Gió O Tết Con Tý 2008


 

ĐẶNG THẾ LỮ

 

người nhớ đất

 

 

 

truyện ngắn 

Phải ở đây thật lâu. Lâu đủ để khi bước chân ra khỏi một căn phòng, giật mình vì thấy một lá chuối thật to xòe ra cản lối đi. Ta nhìn cây chuối với một tấm lòng ngưỡng mộ, không khó chịu vì chẳng ai chịu cắt đi lá chuối đang ngăn lối. Ta sẽ nhìn lá chuối non đang cuộn tròn mà thích thú, nhớ đến thơ Nguyễn Trãi: “Thư tình một bức phong còn kín.”

 

Trọn thân cây chuối là một bức thư tình. Một thứ tình khiến cho ta nở nụ cười mỗi khi nhớ. Nhớ mà lòng không thấy vướng bận. Nhớ để mà hạnh phúc, để biết rằng ở nơi đó ta có những người thân yêu đang sống. Và vào một ngày đẹp trời ta sẽ về thăm, chỉ một cây chuối ngoài vườn mà cười, nói: “Lâu lắm rồi mới thấy một cây chuối thật. Ở bên kia, toàn là chuối kiểng. Lá thật to nhưng không bao giờ trổ buồng.”

 

Nhớ lại ngày xưa, tôi đã từng đọc và dịch thơ của Michael Slory, một thi sĩ người Surinam. Hai người chị của chàng Michael là nông dân, tần tảo nuôi em trai sang tận xứ Hòa Lan, ăn học thành tài. Michael thương hai chị, cố gắng lấy được tấm bằng cử nhân, rồi lập tức mua vé máy bay quay về Surinam, giúp chị làm ruộng. Thật ra thì chàng vừa làm ruộng, vừa làm thơ. Chàng làm thơ bằng tiếng Surinam. Tôi kể chuyện Michael Slory cho các bạn nghe, và nói: “Các bạn biết tại sao Michael về Surinam không? Chàng nhớ đất.”

 

Nhớ đất. Ở đâu mà không có đất, tại sao ta phải nhớ? Bạn đừng vội cười tôi. Hai chữ “nhớ đất” đó, hơn mười năm sau vẫn còn có người nhắc tới. Bạn tôi nói: “Tôi nghe anh nói nhớ đất mà tự nhiên xúc động.” Rồi anh gửi tặng tôi một bài thơ:

 

Người nhớ đất, đất thương cây

Cây nuôi người lớn khéo đôi tay

Cuốc đất gieo ngò canh thêm vị

Giữ chút ngọt thơm quả đất này

 

Tôi tưởng đã quên câu chuyện nhớ đất. Quên luôn cả chàng Michael Slory. Vậy mà sáng nay, khi nhìn thấy lá chuối tôi lại nhớ. Tôi thấy mình giống Michael Slory. Phải rồi, tôi làm thơ, viết văn bằng tiếng Việt như một người nhớ đất. Mỗi chữ là một thớ đất được lật lên bằng lưỡi cày của yêu thương.

 

Chị tôi thích làm vườn. Tôi nói: “Để em làm bài thơ, nhờ người phổ nhạc. Khi ra vườn, chị có thể hát lên và cảm thấy vui hơn.” Chị cười, nói: “Làm đi.” Tôi làm thật. Tôi làm thơ cho chị. Không phải là thơ con cóc. Thơ cho chị là thứ thơ hay nhất.

 

Trong bài thơ, tôi gọi những cây rau trong vườn của chị là “em”:

 

Em đến từ nguồn trong sáng

Mang bao phép lạ an bình

Tôi đến vườn em ca hát

Nguyện cầu nắng ấm bình minh

 

Nguyện cầu em thêm tươi mát

Nguyện cho nước ngọt gió lành

Nguyện cầu đất tâm nuôi hạt

Lớn lên cho đời thêm xanh

 

Bàn tay tôi về chăm sóc

Niệm em bằng tên của người

Nam mô Quan Âm bồ tát

Hiện thân tình thương giữa đời

 

Cây rau húng, rau ngò, rau tía tô... trở thành người tình của chị. Chị vừa hát vừa gửi tình thương tới những cây rau thơm đậm tình quê hương. Tình thương đó nuôi dưỡng những cây rau thơm mà cũng nuôi dưỡng luôn đất tâm của chị. Và thay vì niệm Phật, chị tôi gọi rau húng, rau tía tô, ngò gai... như là đang niệm tình thương, niệm quê hương. Và chị tôi cảm thấy hạnh phúc.

 

Những cây rau thơm trong vườn có khác gì những đức bồ tát xinh đẹp và đầy lòng từ bi đâu. Cho nên khi niệm rau thơm, chị tôi cũng đang niệm đức bồ tát Quan Thế Âm. Càng niệm, lòng chị càng ấm cúng.

Tôi có người em giỏi về âm nhạc, cầm cây đàn khảy từng tưng rồi phổ bài thơ thành nhạc. Sáng nào chị tôi cũng ra vườn tưới rau và niệm Phật bằng bản nhạc đó. Những cây rau của chị trở trên mau lớn lạ thường. Tôi có một tấm hình, chụp tôi đang cầm những trái bầu dài đến quá đầu. Để hôm nào tôi gửi bạn xem hình, bạn sẽ thấy hạnh phúc của chị. Nếu bạn cũng trồng rau, mỗi khi ra vườn thì hãy thử hát bài thơ này lên và bạn sẽ thấy đất tâm của mình được nuôi dưỡng và trở nên mạnh khỏe như thế nào.

 

Tôi viết văn cũng giống như trồng rau vậy. Tôi tưới những con chữ. Từng con chữ là xương, là thịt, là linh hồn của tôi. Tôi xa quê hương lâu quá, và những con chữ trở thành một thứ quê hương thân yêu. Tôi muốn viết lên những dòng chữ thật đẹp, thật lành. Tôi muốn niệm Phật bằng những chữ viết của mình. Khi viết, tôi cảm thấy lòng mình ấm lại, trở về. Ở đó, tôi được đoàn tụ với bao nhiêu thế hệ ông bà, tổ tiên.

Một hôm, khi ngồi uống trà với nhau thì bạn tôi nói: “Anh có nhớ đoạn cuối của Truyện Kiều không? Đến khi thoát khỏi mọi tai nạn rồi, tiếng đàn của Kiều trở nên vui tươi và trong sáng. Để tôi đọc anh nghe đoạn Kim Trọng bình phẩm tiếng đàn này của Kiều:

 

Chàng rằng: “Phổ ấy tay nào,

“Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy?

“Tẻ vui bởi tại lòng này,

Hay là khổ tận tới ngày cam lai?”

 

“Tiếng đàn Kiều vui là vì tâm Kiều thanh thản, thoải mái. Tiếng đàn là một thứ ngôn ngữ của tâm. Người viết văn mà biết giữ tâm mình cho trong sáng, bình an thì những gì anh viết sẽ đẹp hơn, nuôi dưỡng anh và nuôi dưỡng người đọc.”

 

Bạn có thể cảm thấy khó chịu: “Chỉ là chữ nghĩa thôi. Viết cái gì mà không được. Khéo bày chuyện.” Tôi đồng ý với bạn. Tôi đã đọc nhiều người, cảm phục vì thấy họ viết về đề tài nào cũng hay. Đọc tôi, bạn có thể nghĩ tới một người đang nhớ đất. Tôi nhớ đất và đã tìm ra đất. Đất tâm. Ở đó, tôi có thể trồng cây chuối xanh tươi. Có khi cây chuối không chịu trổ buồng, cho trái, nhưng tôi vẫn thương và quí nó không biết bao nhiêu mà kể.

 

 

 

Đặng Thế Lữ bút hiệu khác của Lữ

 

Pháp, 10-2007

 

© 2008 gio-o