ĐẶNG THẾ LỮ

 

chàng tóc đẹp

 

Dưới tên gọi Lữ, các truyện ngắn của một người viết mới, Lữ, gần đây được nhiều chủ bút các trang mạng nồng nhiệt giới thiệu.

 

Chào đón sáng tác của Lữ, tức Ðặng Thế Lữ, lần đầu tiên đến với gio-o. Tôi đọc Chàng Tóc Ðẹp trong một trạng thái tò mò và thích thú khi biết Lữ rời Việt Nam năm mừời một tuổi. Lữ cho biết Lữ đã tự mày mò tìm kiếm tiếng Việt và rồi một chiều kia bỗng đam mê sáng tác bằng tiếng Việt.

 

Chàng Tóc Ðẹp và những sáng tác của Đặng Thế Lữ là một mốc phát xuất đáng chú ý của cõi văn chương ngoài Việt Nam.

 

Cõi tiếng Việt thành hình ngoài thổ ngơi Nam Quan - Cà Mâu. Những tác giả là những đứa trẻ nhỏ lớn lên không được sống trong tiếng Việt hàng ngày, không được nói tiếng Việt hàng ngày. Với họ, mối giao tiếp cuồn cuộn vĩ đại với tiếng Việt là kinh nghiệm đọc. Nên cõi sáng tác của họ phần lớn phản ánh từ kinh nghiệm đọc ấy. Họ nghe bằng ngôn ngữ phát lại, họ tương tư bằng ngôn ngữ tác phẩm, họ sống bằng đời sống của bản văn , và họ sáng tác từ kinh nghiệm tiếng Việt xái hai. Tiếng Việt xái hai là thứ tiếng đã qua trung gian của những sáng tác nghệ thuật.

 

Chỉ sau biến cố 1975, tiếng Việt lần đầu tiên có một sự xuất cảng vĩ đại ra hải ngoại. Với khối lượng triệu ngừời Việt lần đầu tiên ra khỏi Việt Nam, họ nuôi lớn đời sống tiếng Việt ở một cõi riêng ngoài Việt Nam. Làm sao để đo lường đời sống ngoài Việt Nam ấy. Chỉ việc nhìn vào những thơ nhạc văn vẽ từ khối người sống ngoài Việt Nam. Họ thành hình một thứ kinh nghiêm với ngôn ngữ của người Việt Hải Ngoại. Ngôn ngữ hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

 

Tiếng Việt xái hai này đang bùng nở một danh tính mới. Đặng Thế Lữ như một mùa thâu gặt đầu tiên khoe bày thế sống riêng ấy của chúng tôi. Hãy đọc Đặng Thế Lữ với vốn hiểu biết như trên, bạn sẽ thấy sự thành tựu của tiếng Việt xái hai cực kỳ hứa hẹn và khích động trong vùng phủ sóng Tiếng Việt đang rải rác khắp nơi trên thế giới của thời đại net đang vừa mở ra. Mà tôi kẻ tự nhận là xài tiếng Việt xái hai nhiều hơn tiếng Việt xái một, rất thấy mình đầy thấp thoáng trong cõi văn chương của Đặng Thế Lữ.

 

Nghệ thuật là chốn muốn tôn vinh đời sống hơn cả chính đời sống. Mời đọc Đặng Thế Lữ để thấy sự chín mùi của ~ tác phẩm nghệ thuật sanh ra từ nhu cầu ngợi ca sự hùng vĩ của nghệ thuật, từ nhu cầu sống sót và vinh danh chính nó chàng nghệ thuật, Chàng Tóc Đẹp.

 

9.12.2007

 

lê thị huệ @ gio-o.com

 

 

truyện ngắn

 

Chàng có một mái tóc thật đẹp. Thoạt đầu, những người khen tóc chàng là cha mẹ và anh chị em trong nhà. Mẹ thường nói với ba chàng:

 

- Anh coi, tóc con mình đẹp chưa. Vừa đen, vừa dầy, lại thật là mềm mại. Nếu con gái mà có mái tóc như vầy thì tuyệt lắm.

 

Bạn bè cũng khen chàng. Cả những cô gái cũng nhìn trộm mái tóc. Họ đặt cho mái tóc chàng những cái tên thật lạ như là “mái tóc nghệ sĩ”; “mái tóc siêu sao”; “mái tóc người đẹp”… Lâu ngày, chàng trở nên hãnh diện và xem chuyện mái tóc của mình đẹp là một cái gì rất bình thường.

 

Bỗng một hôm, chàng chợt thấy lo âu. Chàng sợ rằng một mai mái tóc của mình sẽ không còn đẹp nữa. Bạn bè rồi sẽ xa lánh chàng. Mới đầu, nỗi lo chỉ nho nhỏ thôi, giống như một hạt sỏi nằm trong chiếc giầy êm ấm. Hạt sỏi gây nên một cảm giác cồm cộm, nhưng không đau đớn gì. Nhưng rồi nỗi lo âu cứ lớn dần, lớn dần.

 

Và cuối cùng thì cái tai nạn kinh khủng đã đến với chàng: trong khi soi gương, chàng khám phá ra một sợi tóc bạc. Chàng bàng hoàng tới mức không thể tin vào đôi mắt mình. Chàng nghiêng đầu, nhìn kỹ xem mình có lầm không; biết đâu đó chỉ là một sợi tóc phản chiếu ánh đèn trong phòng. Không, đó là một sự thật. Chàng buồn tới mức không muốn ăn cơm ngày hôm đó. Chàng có cảm tưởng như mình đang chịu một cái tang.

 

Cả ngày, chàng cứ đến bên tấm gương săm soi sợi tóc. Càng xem, chàng càng buồn. Cái nỗi lo của chàng hoá ra không phải là vô lý. Nhưng chàng không ngờ là mình phải chịu sự già nua sớm như vầy; năm nay chàng mới 25 tuổi. Cuối ngày hôm đó, chàng quyết định nhổ sợi tóc bạc ra khỏi mái tóc. Chàng vừa nhổ, vừa lẩm bẩm:

 

- Ta khai trừ nhà người ra khỏi mái tóc đẹp này.

 

Chàng cảm thấy hả hê về hành động của mình. Sợi tóc bạc đã nhận hết mọi tội lỗi. Vậy mà lương tâm của chàng cũng không cho phép chàng liệng sợi tóc xuống đất. Chàng đặt nó trên một góc bàn học, thỉnh thoảng lui tới, chàng nhìn sợi tóc một cái. Đau đớn.

 

Sợi tóc bạc đã lìa xa chàng, nhưng nỗi lo âu vẫn còn đó. Nỗi lo âu không phải là sợi tóc. Chàng không thể nhổ nỗi lo âu ra khỏi tâm mình bằng một câu nói giản dị như: “Ta khai trừ nhà ngươi”.

 

Rồi cái gì phải đến, đã đến với chàng: những sợi tóc bạc đua nhau xuất hiện. Chúng nó bất kể tấm gương của sợi tóc bạc đầu tiên: bị khai trừ, nhổ bỏ tận gốc rễ. Chúng không xuất hiện như một sự phản kháng; chúng là hiện thân của một nỗi lo âu, buồn bã.

 

Công việc khai trừ những sợi tóc bạc của chàng rồi cũng thưa dần. Không lẽ chàng phải chịu mang một cái đầu hói. Cuối cùng, chàng quyết định nhuộm tóc. Chàng học hỏi cách tự nhuộm để không ai biết về những sợi tóc bạc. Chàng đeo găng tay, thoa vaseline quanh viền tóc, quấn khăn cho kỹ rồi mới bắt đầu nhuộm.

 

Vậy mà một tháng sau, chân tóc lại hiện ra những đoạn bạc trắng. Chàng lại học cách chấm chân. Chàng càng loay hoay với mái tóc, càng cảm thấy nỗi lo âu của mình lớn ra, rõ dần.  

 

Một hôm nọ, đang soi gương, chàng bỗng nghe một sợi tóc nói:

 

- Đừng nhuộm em. Em còn đen lắm. Chính sợi tóc bên cạnh em mới bạc. Em là sợi tóc trung thành. Em chưa bao giờ đổi màu hết.

 

Sợi tóc bạc nghe vậy thì nổi giận:

 

- Anh tưởng anh hay lắm sao. Anh không đổi màu bên ngoài, nhưng đã bạc ở bên trong. Anh che đậy sự thật ở trong tâm anh. Anh đừng tưởng là chúng tôi, những sợi tóc bạc không biết gì cả.

 

Anh ngạc nhiên hết sức. Không biết từ lúc nào, mái tóc của anh đã chia làm hai phe: phe đen và phe bạc. Sợi tóc đen nói:

 

- Anh đừng nghe những sợi tóc bạc. Anh cứ nhuộm chúng nó cho thành ra màu đen hết. Như vậy, mái tóc của anh sẽ xinh đẹp trở lại.

 

Nhưng phe tóc bạc nói đúng. Phe tóc đen cũng đã bạc bên trong hết rồi. Chúng bạc dần. Chúng bạc từ trong ruột mà bạc ra. Và rồi gia đình, bạn bè chàng đều biết cả. Chàng xấu hổ đến muốn đi tự tử. Có ai thấy tóc mình bạc mà muốn đi tự tử đâu?! Vậy mà chàng có cảm tưởng như không chịu nổi những đôi mắt đang nhìn vào mái tóc của chàng.

 

Dường như gặp chàng, là người ta soi mói mái tóc. Chàng cảm thấy ngột ngạt, khó thở. Thậm chí, khi người ta không khen mái tóc chàng đẹp, như ngày xưa họ từng ca ngợi, là chàng đã thấy khó chịu.

 

 

 

 

Một bữa nọ, chàng đang ngồi chơi với một cô bạn gái, thì đột nhiên cô nói:

 

- Tóc anh bạc hết rồi.

 

Chàng nghe nói thì đỏ mặt, có cảm tưởng như cô bạn vừa khám phá ra một tội lỗi của mình. Rồi từ sự hổ thẹn, chàng cảm thấy tủi thân và bắt đầu thút thít khóc. Không hiểu sao, cô bạn lại cảm thấy thật thông cảm cho chàng. Cô an ủi:

 

- Nếu là em, thì em cũng buồn lắm.

 

Chàng khóc một hồi, rồi mới nói:

 

- Cái nỗi khổ của tôi không còn là có những sợi tóc bạc. Tôi đau khổ vì vừa có tóc bạc, vừa có tóc đen. Những sợi tóc trên đầu tôi đã chia làm hai phe. Ban đêm, trên giường, chúng cải nhau ỏm tỏi làm tôi nhức đầu không ngủ được. Rồi tôi đâm ra hoang mang, không biết mình thuộc về phe tóc đen, hay là phe tóc bạc.

 

- Anh đứng về phe tóc đen chứ.

 

- Thì mới đầu tôi tưởng vậy. Tôi ghét bỏ những sợi tóc bạc kinh khủng. Chúng nhẫn tâm làm xấu tôi. Nhưng rồi tôi lại thấy thương cho những sợi tóc bạc trắng. Tôi thương cho số phận không may của chúng. Tôi nhận ra những sợi tóc bạc cũng là mình.

 

- Nhưng anh vẫn nhuộm chúng ra màu đen.

 

- Đúng vậy.

 

Cô bạn bắt đầu thấy buồn cười. Vấn đề không đơn giản như cô tưởng: bạc là xấu và đen là tốt. Cô tò mò:

 

- Anh có nói chuyện với những sợi tóc của anh không?

 

- Có.

 

- Anh nói gì với chúng?

 

- Tôi khuyên chúng thương yêu và chấp nhận nhau. Thật lạ kì. Chính tôi cũng không ngờ mình có tư tưởng đó. Tôi sợ tóc bạc kinh khủng. Vậy mà tôi đã khuyên những sợi tóc đen thương yêu và chấp nhận tóc bạc.

 

- Anh thấy mình có nhiệm vụ giải hoà.

 

- Đúng rồi. Tôi thấy mình là một người cha. Tôi là một người cha tồi tệ, không có khả năng chấp nhận những đứa con của mình. Mà tôi lại khuyên chúng nó chấp nhận, thương yêu nhau.

 

Cô bạn không biết phải nói gì thêm. Đây là một điều thật mới lạ đối với cô.

 

 

 

 

Vậy rồi một thời gian trôi qua. Cô gặp chàng trở lại. Chàng có một gương mặt tươi sáng. Lần đầu tiên, cô thấy chàng có hạnh phúc. Dưới mái tóc của chàng là một gương mặt phúc hậu. Hạnh phúc đã đem lại vẻ đẹp cho chàng. Cô hỏi thăm, và chàng kể:

 

- Lâu nay, tôi cứ tưởng mái tóc mình đẹp lắm. Vì vậy tôi rất sợ tóc bạc. Rồi một hôm tôi nhận ra sự thật: tôi chưa bao giờ thấy mái tóc của mình đẹp cả. Cái đẹp đó, là do những người chung quanh gắn lên trên đầu tôi. Nhận ra điều đó, tôi thấy mình tự do không tưởng tượng nỗi. Bỏ được cái đẹp mà người ta dán lên tôi, tôi không còn sợ cái xấu nữa. Tôi bỗng nhìn thấy mình. Tôi thấy mình chính là mỗi tế bào ở trong cơ thể này. Tôi chấp nhận tất cả mọi sợi tóc là tôi. Tôi cười với chúng.

 

- Anh trở thành một người cha lý tưởng.

 

- Không, tôi không phải là người cha lý tưởng. Tôi chỉ là tôi. Tôi chấp nhận được chính mình. Tôi thấy mình đẹp. Lần đầu tiên tôi thấy mình đẹp. Tôi nhìn vào trong gương và cười. Rồi những sợi tóc cũng cười. Chúng không kỳ thị nhau nữa. Khi tôi có hạnh phúc thì những sợi tóc cũng hạnh phúc ra. Thì ra, lâu nay chúng cãi cọ, tạo ra khó khăn với nhau là vì tôi không có đủ hạnh phúc.

 

- Hạnh phúc đã làm cho anh đẹp.

 

- Tôi hạnh phúc và thấy mình thật đẹp. Tôi hạnh phúc không phải vì được người ta khen. Tôi đẹp không phải vì những lời ca ngợi của người khác. Nhìn vào gương, tôi ngạc nhiên vì không những tôi thấy mình đẹp, mà còn thấy mình trẻ nữa. Với những sợi tóc bạc trên đầu, tôi vẫn thấy mình trẻ. Tóc bạc không làm cho tôi già được.

 

 

 

 

Khi về già, chàng có một mái tóc mềm và trắng như bông. Người ta thường khen ngợi chàng:

 

- Bác thật là đẹp lão. Mái tóc của bác đẹp quá.

 

Thì chàng mỉm cười, trả lời:

 

- Ta đâu có lão. Ta còn trẻ lắm. Mỗi ngày, ta thấy mình trẻ lại. Thời gian không làm cho ta già nua được. Tóc ta đã bạc từ lâu lắm rồi. Hồi đó, ta cứ tưởng tóc bạc sẽ làm cho ta già nua. Không, chỉ có sự lo lắng, sợ hãi, ưu sầu mới làm cho ta già đi mà thôi. Tóc càng bạc, ta càng đẹp ra, càng trẻ lại.

 

 

ĐẶNG THẾ LỮ


California, 11-2007

 

 

(tranh của Võ Đình)

 

 

các sáng tác của Đặng Thế Lữ (Lữ) trên các diễn đàn khác:

 

http://www.tienve.org/Lu

 

http://damau.org/Lu

 

http://www.diendan.org/Lu

 

© 2007 gio-o