Triết Tây với nhà văn Đặng Phùng Quân

Gió O

Nhà văn Đặng Phùng Quân vừa cho xuất bản tác phẩm Tẩu Khúc gồm những sáng tác văn và triết. Ông là một trong vài người hiếm hoi ở hải ngoại vẫn tiếp tục phong cách sáng tác theo hướng thấm đẫm Triết trong những tác phẩm của mình. Văn chương của ông sang, uyên bác. Những sáng tác của ông, người đọc phải có một trình độ nào đó mới lĩnh hội được. Giới trí thức tìm thấy ở mỗi sáng tác của ông một thách đố trí tuệ. Đặc biệt trong cách ông xử dụng kiến thức và ngôn ngữ.

Nhà văn Đặng Phùng Quân nguyên giáo sư Triết Tây và khởi sự viết từ Miền Nam trước 1975

Gió O: Giáo sư là một người nghiên cứu triết Tây lâu năm, xin giáo sư cho biết tại sao người ta cần phải học biết Triết Tây.

Đặng Phùng Quân: Triết học phương tây quả thực vẫn là một lãnh vực văn hóa xa lạ với người  phương Đông nói chung. Trong cuốn “Văn chương và Lưu đày” , tôi có nhắc đến  một nhận xét của Czeslaw  Milosz. Về “những cư dân  ở nhiều nước (Đông)  Aâu mới buồn bã nhận ra rằng số phận của họ bị định đoạt trực tiếp bởi những cuốn sách triết học”. Những quyển sách triết học mà Milosz nói đến là kinh điển Mác Lê của người cộng sản. Triết  học  có thực sự biến thành hành động biến đổi thế giới ?  Câu tiên tri của Marx đã trở thành  lời nguyền đeo đuổi nhân loại suốt một thế kỷ qua. Chống Marx hay theo Marx, nếu không hiểu Marx thì cũng giống như những tín đồ ngoan đạo, ngu dốt và cuồng tín (những đảng viên cộng sản là thế !). Chỉ lấy một ví dụ là Marx để minh thị việc hiểu biết triết học thật cần thiết trong cái thế giới tăm tối hiện tại. Khủng bố, chống khủng bố, xe bom tự sát, v.v.. há chẳng phải vì người ta hiểu khá sơ thiển về falsafâ, về triết học Islam sao ? Tôi không chủ trương chỉ hiểu biết triết học phương Tây, mà phải lãnh hội cả triết học phương Đông, điều này tưởng như  quá cũ, nhưng thật sự vẫn còn lẩn quẩn trong cái vòng mê lầm. Chẳng hạn cái động từ  eimi trong ngôn ngữ hy lạp để chỉ hiện hữu/l’être -  vấn đề cơ bản của triết Tây có nghĩa là sống, thở , lấy từ tiếng cổ esmi, gần với phạn ngữ asmi, hay đức ngữ atmen, phải chăng cũng là atman trong triết Aán để chỉ cái ngã, sự sống, thở của thế giới.... 

Gió O: Cãi cọ và bế tắc. Có phải đây là hai điều bí mật và hấp dẫn nhất của Triết Tây.

ĐPQ: Trong những phạm trù cơ bản của khai phá tư tưởng là tranh biện/dispute/querelle (bạn muốn gọi nó là cãi cọ cũng được), bởi triết lý luôn luôn có tính gây hấn, anh có muốn an vi cũng chẳng đặng, ở cái chuyển biến/sinh thành tất yếu của nó đã có xung đột thì phải dẫn đến bế tắc (tranh luận là dồn đối thủ vào chỗ đường cùng/impasse – có khác chăng là cái khác biệt giữa người mác-xít và không mác-xít ở chỗ một đằng tranh công cho chân lý, một đằng tranh thủ  quyền lực, một đằng tìm ra lẽ sống vĩnh hằng, một đằng dẫn đến cái chết; nói cho công bằng, Giordano Bruno cũng chết trong cái nhiễu nhương của thời Đổi Mới, Chống-Đổi Mới ở cuối thế kỷ 16). Cái bế tắc cốt cán  là cáo chung của triết học. Cho nên tôi từng bàn đến vấn đề cáo chung của triết học mang hai ý nghĩa, một là hoàn tất nhiệm vụ của triết học, hai là tận cùng của triết học. Những triết học có tham vọng hệ thống thường toan tính hoàn tất nhiệm vụ triết học, chẳng hạn như triết học Hegel và kế thừa nó là chủ nghĩa Mác. Triết học đi tới tận cùng có nghĩa là đã vận dụng hết những khả năng của văn hóa, cũng có nghĩa là cáo chung của nhân loại. May thay, đó vẫn còn là một thách đố mở ngỏ. Cho nên con đường triết học vẫn còn dài, người ta vẫn cần triết lý.. .

Gió O:  Hoặc nó là một món ăn tinh thần cực kỳ hào nhoáng cần thiết ?

ĐPQ: Triết học có thể như văn chương, nghệ thuật không nhỉ ? Không, nó không hấp dẫn giác quan con người để ngấu nghiến hưởng thụ. Nó có thể là độc dược, là thuốc phiện và cần phải có một hành cung tri thức để tiếp cận.

Gió O: Giữa thực tế và lý luận, sự nguỵ biện làm nên đời sống, nên tôn giáo, nên triết lý, nên khoa học vv. .vv chăng ?

ĐPQ: Ngụy biện (sophistique)  vốn là khởi sự của lý tắc. Tự nó, đã là vấn đề phương pháp luận để đi vào triết học. Ở thời  cổ đại với Platon khi triết lý đã tập đại thành để có những tác phẩm lý luận tương đối hoàn bị, vị trí của ngụy biện đã được xác định như ngay trong thiên đối thoại Người ngụy biện của Platon với khái niệm genei gennaia sophistikê (dt, 231b). Nhà ngụy biện ví như cái tôi khác/alter ego của nhà triết học, hiểu như cái mặt xấu (như vậy há chẳng phải có lý luận thâm nhập thực tế là có hai mặt của thần Janus ?  bất kỳ triết gia nào cũng có thể nhìn dưới hai góc độ, soi rọi dưới lăng kính xấu thì gọi tên là phi lý, là xét lại, là phản động..). Triết gia với nhà ngụy biện ví như chó với sói, một đằng là thuần thục nhất, một đằng là man dã nhất. Nhưng ai là sói, ai là chó ?

Người ta có thể đặt vào miệng nhà ngụy biện lừng danh nhất thời cổ đại hy lạp Protagoras một diễn ngôn bất hủ: “Người là thước đo mọi sự”. Đó không phải là chân lý sao ?  Từ đó mới có những Giê-su, Thích Ca  v.v... của tôn giáo, những Pythagore, Einstein, Heisenberg v.v... của khoa học, bởi mọi lý sự có thể là đúng, mọi hiện tượng có thể là thực.

Ở thời hiện đại, cứ lấy một ví dụ là triết học Heidegger chẳng hạn, trong hai con đường triết lý nơi ông, giống  như  Aristote, mộ đằng là công truyền ,một đằng là mật truyền. Trong những giảng khoa chỉ được in ra vào cuối đời, tại sao đã giải luận về Ngụy biện, lại bổ sung bằng giải luận về Parménide – từ đó đã soi sáng việc dẫn thiên Ngụy biện làm đề  từ cho tác phẩm “Sein und Zeit” mở đường cho một khai phá vấn đề tiếp cận ý nghĩa/ngữ nghĩa của hữu thể/die Frage nach dem Sinn von Sein. Ở một tư trào đương đại thực chứng như  Karl-Otto Apel, ý nghĩa, thuận nghĩa, loại trừ được coi như những (tiêu chí) tiên nghiệm của cộng đồng thông giao. Như vậy, chỗ nào là chân lý, chỗ nào là ngụy biện. Một triết học khái niệm khác như  nơi Gilles Deleuze chẳng phải cũng dựng trên cơ sở ngụy biện khi ông coi những khái niệm quan yếu, tất yếu, lợi yếu có tính quyết định hơn cả khái niệm chân lý, chẳng phải vì chúng thay thế chân lý, nhưng vì chúng đo lường chân lý thông qua những điều gì con người ta nói.

Cái tương đối thể hiện bàng bạc trong mọi điều nói, nghĩ và làm như thế. Cho nên không phải  đồng nhất, mà khu biệt mới là chủ. Triết học Marx, chủ nghĩa Mác tưởng là vô địch, không thể vượt (hồ đồ khẳng định như  Sartre)  đã tàn cuộc vào cuối thế kỷ..   

Gió O:  Trước sự thất bại của Karl Marx và chủ nghĩa Cọng Sản của Tây Phương, giáo sư có nghĩ nhân loại học được bài học nào không hay vẫn thấy cần phải phiêu lưu vào những triết thuyết mới .

ĐPQ: Như đã nói ở trên, một triết học như kiểu Marx đã làm chỗ dựa cho một chủ nghĩa, một chế độ, thậm chí toan tính xây thành một thế giới mới, con người mới, một nền văn hóa khác có nghĩa là đi đến chung cuộc, rốt cuộc phá sản. Đứng trước một thực tế như vậy, chẳng trách gì bạn hoài nghi có “cần phiêu lưu” vào những triết thuyết mới ?

Khởi sự của triết lý, không có những chủ nghĩa. Chỉ có những người hoang tưởng mới nghĩ đến lập thuyết trước khi biết tư duy. Những đầu óc như vậy chỉ hạn chế trong việc lập bang hội tổ chức thì được, chứ không phải là những nhà tư tưởng. Trong công việc đi tìm cơ sở tư tưởng thời quá độ, tôi muốn chỉ ra cơ bản của triết lý là làm sao tư duy và định hướng tư duy. Những tranh biện với những triết thuyết mới là điều kiện tiên quyết của thông giao tư tưởng

Gió O:  Thuần lý có đang trở thành một điều qúa vãng. Thời đại thông tin ngày nay, con người đòi hỏi kiến thức và thực hành phải đi liền ngay lập tức với nhau ? 

ĐPQ: Thuần lý nhắc người ta nhớ đến một định thức nổi tiếng của Hegel: thuần lý là cái thực – hiểu theo cả hai chiều, nghĩa là cái gì  có lý thì là thực, hoặc ngược lại cái gì thực thì hợp lý; điều này hiển nhiên nguy hiểm vì nó dẫn đến cái tuyệt đối bất khả và chuyên chính. Mọi chế độ độc tài dùng nó để áp đặt quyền lực  lên quần chúng, mọi tôn giáo dùng nó để đưa con người vào mê lộ cuồng tín

Thuần lý thực sự đã chứng tỏ mất quyền lực và tỏ ra bất lực, như Dominique Janicaud nhận xét trong việc quản chế đam mê và cuồng vọng của con người trong thế kỷ XX vừa qua, trong việc quản lý những Quốc gia và hướng dẫn hành tinh này về một nền hòa bình dứt khoát bền vững, điều khiển tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng bản chất cũng như những quan hệ với hiện hữu và những giá trị.

Mối quan hệ giữa thực tiễn và lý luận là tiêu chí của mọi triết thuyết, nhưng cũng chứng tỏ  cái bất khả thi. Chủ nghĩa Mác là một ví dụ. Có những nan đề vẫn còn phải giải quyết, và đó là lý do tại sao triết học vẫn trên con đường tìm kiếm.

Dẫu sao, ở vào thời đại khoa học kỹ thuật cao cấp, cái quan niệm “kỹ thuật quyết định hết thẩy” (La technique décide de tout)  đã dẫn con người tới những mê lộ.. Chức năng của triết học là hủy tạo những mê lộ.

Gió O:   Giáo sư đã từng dạy nghiên cứu và dạy triết ở Miền Nam trước năm 1975, giáo sư nghĩ mang môn triết vào trung học thời đấy là một may mắn hay là một điều kém may mắn. Nhạc Trịnh Công Sơn đã từng rất triết lý ủy mị và đã tạo nên phong trào phản chiến trong giới thanh niên là một ví dụ.

ĐPQ: Chương trình giáo dục ở miền Nam trước 1975  mô phỏng chương trình của người Pháp, nên có môn Triết ở năm cuối bậc Trung học. Những cái khó khăn và thuận lợi cũng tương tự  như  chương trình giáo dục của Pháp. Nếu có khác, đó là nước Pháp đã có một truyền thống triết học mấy trăm năm, trong khi môn triết  ở chương trình trung học Việt vẫn rập khuôn chương trình của Pháp, đào tạo giảng huấn không đồng bộ nên khá nhiều nhược điểm. Trong “Triết học/phi triết học”  (xem trên gio-o), tôi có nhắc đến câu hỏi “ai sợ triết học” là đầu đề của những tranh luận về dạy triết tại bậc trung học; vấn đề đó không giới hạn về mặt lý luận mà liên quan đến cơ chế tổ chức đào tạo, vấn đề nghề nghiệp xã hội và đội ngũ giảng dạy v.v..

Triết học có xâm nhập “thực tế”? và xâm nhập như thế nào? Cũng là một vấn đề chính trị xã hội. Tuy nhiên về cơ bản, vị thế của triết học có thể đã được tranh luận ngay từ thời cổ đại, như  tranh biện giữa Socrate và Calliclès trong thiên Protagoras. Triết học phải chăng trói buộc  con người lại trong tình trạng niên thiếu mãi mãi ? Và thất thố trước chính trị ? giống như Socrate không thể tự biện hộ trước tòa án của quyền lực ?

Tôi không tin tưởng những “phong trào phản chiến” trong thời cuộc chiến Việt nam tự phát từ con người biết nghĩ.  Đằng sau cuộc xuống đường “phản chiến” là bóng dáng một Thượng nghị sĩ  Mĩ, hay hiện diện của một cán bộ trí vận. Tôi cũng không nghĩ âm nhạc vào tác động cuộc chiến, người mình thường tin vào mấy cái chuyện tích Tàu như  tiếng sáo Trương Lương làm rã ngũ lính Sở; thật sự chỉ đặt để nói chơi.. .

Gió O:  Giáo sư có thể nói về sự giới thiệu triết vào Miền Nam thời tiền 1975. Trong khi đó Miền Bắc thời tiền 1975 đã cuỗm ngay một anh Tây Karl Marx về áp đặt. Ảnh hưởng của Triết Tây trên Việt Nam như thế cũng nặng lắm, di sản triết Tây trên Việt Nam sẽ còn lại những điểm nổi bật nào ? 

ĐPQ: Sự bất hạnh của cả hai miền là đưa những hệ tư tưởng bất toàn vào xã hội chính trị. Rốt cuộc, những sở tri bất túc..

Gió O:  Giáo sư  có viết cho Tạp chí văn học Vấn Đề ngày trước do giáo sư Vũ Khắc Khoan chủ trương . Giáo sư  có thể nói lại vào kinh nghiệm của mình với giai đoạn văn chương Miền Nam thời ấy ?

ĐPQ: Tạp chí Vấn Đề có một bản sắc riêng của nó vào lúc bấy giờ: trong khi tạp chí  Văn chú trong đến giới thiệu thơ, văn, tạp chí Bách Khoa ở tầm phổ thông thì Vấn Đề là sân chơi của văn chương và triết lý. Cho nên tôi nhớ đã viết những bài như triết học của Merleau-Ponty, vấn đề sinh học của Jacques Monod, bàn về Sáng tạo thơ v.v.. ở góc độ chuyên sâu đăng trên tạp chí này. Bài viết xong thì ghé qua tòa soạn Văn, gửi vào ngăn thư của Vấn Đề, chẳng bao giờ gặp hay bàn soạn gì với các ông Chủ nhiệm, Chủ bút cả. Còn kinh nghiệm ?  những người viết cái mới bao giờ chẳng tự nhủ: viết (cho) không một ai.

Cám ơn nhà văn Đặng Phùng Quân

Gió O

 bấm vào đây đọc các bài viết của Đặng Phùng Quân