Gửi hương hồn Trần Minh Châu với tất cả lòng tri ân của tác giả
(Con Đường Thi Sỹ của nhà thơ Chu Ngạn Thư, từng được đưa lên Gió O lần thứ nhất năm 2011 dưới bút hiệu “Trường Thu Đông”. Năm 2020 khoảng hai tháng trước khi mất, nhà thơ Chu Ngạn Thư đã thư cho tôi, ngỏ ý muốn xóa tên Trường Thu Đông và trả tập thơ Con Đường Thi Sỹ về cho chính chủ: Chu Ngạn Thư chính là tác giả tập thơ Con Đường Thi Sỹ, sáng tác vào năm 1976, “sau khi cải tạo về và đi kinh tế mới , sau đó nhờ người bạn thân cất giấu ; may mắn đến giờ tôi nhận lại được bản thảo nầy, còn người bạn thân thì đã đi về cát bụi rồi…”. Lê Thị Huệ @ gio-o. com)
Các bài trong tập :
1- tuyên ngôn của nhà thơ
2- sự thật văn chương
3- deux et deux font cinq
4- tìm thơ
5- tịnh khẩu
6- thi sỹ
7- con đường
8- năm mãnh ván rời tặng con tim
9- điệp khúc số 76
10- lời người ít lời
11- thư muộn, gửi tác giả LỠ BƯỚC SANG NGANG
12- người đó chính là chiến hữu
13- chiến khu của thi sỹ
14- lời cuối tập
1.tuyên ngôn của nhà thơ
khi trái tim lên tiếng
niềm sợ hãi không còn
tôi không còn sợ hãi
tôi không cần giấu che
tôi chẳng thèm van lạy
đám tượng rỗng, hồn què
tôi sinh ra để làm thi sỹ
để suốt đời sống với thơ tôi
( ôi tiếng gọi loài người trìu mến
ôi tiếng ca vạn vật tuyệt vời )
tôi sinh ra để làm thi sỹ
để thơ tôi đứng thẳng con người
( có trái tim vô cùng yêu quý
tôi nâng niu như những nụ cười )
khi trái tim lên tiếng
niềm sợ hãi không còn
đọc thơ tôi anh thấy
đâu đó lời ví von
nhưng đâu phải khó hiểu
như sự thật trá hình
thơ tôi viết ( để người vào đọc
để bạn bè thơ thẩn dạo chơi
để người yêu đôi khi bắt gặp
chính mình trong một đoạn thơ rời )
thơ của tên tự xưng thi sỹ
nếu có ngông ( cũng rất thật tình )
bởi ít nhất những điều hắn nghĩ
hắn nói ngay, chẳng núp chẳng rình
bởi ít nhất những điều hắn nghĩ
hắn viết mà không thẹn với lương tâm
thơ tôi đứng một đời lẫm liệt
là con đường nối những trái tim
là nhát búa phá tan xiềng xích
buột linh hồn chặt với đêm đen
là trái núi nghiền tan oan nghiệt
bôi cuộc đời u tối hơn than
thơ tôi đó trái tim tươi trẻ
những nụ cười khinh mạn hôm nay
những bước chân đạp lên thần tượng
của lũ người cuồng tín dựng ngai
khi trái tim lên tiếng
niềm sợ hãi không còn
thơ tôi đó là tôi dễ hiểu
chọn thần linh là trái tim mình
chọn nụ cười làm vững lòng tin
và yêu thương một cách thật tình
anh có thể nói thơ tôi trùng lắp
( nhưng tim tôi cảm thấy chưa vừa )
khi thù hận đã xây cao ngất
mà thương yêu chỉ là đám sao thưa
tôi sẽ mãi chôn trái tim chân thật
vào giữa lòng gian dối, lọc lừa
tôi sẽ gọi từng tên thân mật
( không kèm theo tiếng thép chạn rợn người )
khi trái tim lên tiếng
niềm sợ hãi không còn
thơ của tên tự xưng thi sỹ
thấy quỷ, thần một lũ như nhau
( cùng một phường thật vô liêm sỉ !
thơ sẽ là nhát búa, bổ nhào
tôi cũng mang trái tim
như bao nhiêu người khác
tôi cũng có tình yêu
ở trong tình đồng loại
nhưng chắc chắn tôi thiếu :
- một tinh thần lụn bại
chấp nhận làm nô lệ
cho bất cứ nột ai !
tôi muôn đời, vẫn thiếu
những vần thơ biết quì
!
tháng 5- 1976
2. sự thật văn chương
mỗi cánh cửa im lìm
treo triệu cân chất nổ
giỏi, mở thử mà xem ;
- nổ tung cả chế độ !
14.5.1976
3. deux et deux font cinq
1.
khi một lũ loạn cuồng
sống mười năm như dế
một sớm bò khỏi hang
gáy vang giương khí thế ?
khi sức mạnh ngang tàng
dựa trên cái u mê
khi cả bọn cầm quyền
ngu như giun như dế
thì đích thực tự do
đó chính là nô lệ !
hoà bình là chiến tranh
xoá đi bao thế hệ
hoà giải là giết càn
chết bao nhiêu mặc kệ !
khi bọn ngu cầm quyền
gọi đó là “cách mạng”
từ dưới đất chui lên
bình minh là chạng vạng
thì Thượng Đế chớ quên
ở dưới tên đồ tể !
2.
khi một kẻ như ta
suốt kiếp đọc thánh hiền
( thánh hiền giờ ở xa )
nên ta luôn phiền não
- khi ở chung quanh ta
chỉ toàn là giun, dế
( buồn cho kẻ ở xa )
lũ gần , ta khi dễ
khi uất hận thành thơ
ta viết như rõ lệ
( những giọt lệ bơ vơ )
và đời ta, cũng thế !
khi uất hận thành thơ
mỗi chữ là ngọn lửa
đốt cháy tan ngọn cờ
của dế, giun, rác rưởi
3.
khi viết xong bài thơ
mười năm già trước tuổi
hạnh phúc ở mỗi dòng
sớm già, ta đâu kể !
sáng 15.5.1976
4. tìm thơ
chiều ngồi bó gối tìm thơ
tưởng đâu thơ đã rêu mờ dấu chân
tưởng đâu thơ đã mãn phần
từ khi máu đỏ xa dần trái tim
tưởng đâu thơ rất khó tìm
từ khi đời sống đã im tiếng cười
từ khi lệ đổ chưa vơi
từ khi sâu bọ lên ngôi thánh thần
từ khi đau đớn chôn chân
chung quanh ngạ quỷ rỉa dần đời ta
bây giờ sầu với xót xa
chan trong uất hận thành hoa thơ rồi
chẳng cần tìm kiếm xa xôi
chân buông chạm đất thành lời thơ bay
sá gì đêm ở trong ngày
bình minh ở chính trong tay ta , nầy !
17.5.1976
5. tịnh khẩu
khi sống là cái chết muộn màng
và sương mù bay quanh vầng trán
khi bước tới bằng bước trở lui
thì mùa mưa chính là nắng hạn
tên mãi võ khoe đường gươm vụng
ảnh tượng làm bùa vật giữ nhà
giữa mùa xuân lá xanh sầu rụng
thì loài thú nói chung tiếng người
khi lớp học là chốn đấu trường
( thầy chào thua trước lúc so găng
và trò như ghế bàn buồn bã )
sách vỡ là một trò lố lăng !
khi loài thú đi qua sa mạc
tưởng diễn hành giữa chốn phố đông
thì trái tim chính là bầu bạn
của những điều giấu kỹ trong lòng.
19-5-1976
6. thi sỹ
ngòi viết chính là ngòi thuốc nổ
đời sống quen chịu khó bất thường
khi mặt đất sạch trơn bóng cỏ
lòng ta vui nối bước tà dương
20-5-1976
7. con đường
tặng anh LVT
làm cây hoa vạn đoá
mỗi đoá một mùi hương
nở khắp trong thiên hạ
đó chính là văn chương
đời gặp lúc nhiểu nhương
văn chương cùng đồ tể
không thể có nhân nhường
không thể nào hoà giải
khi vua là đồ tể
vương trượng là lưỡi dao
hươ dọa dẫm văn chương
buộc luỵ quì dưới bệ
văn chương không làm vua
văn chương không làm giặc
thi sỹ là con người
chống bạo quyền dốt nát
khi làm người yêu nước
cầm bút làm văn chương
là người vạch con đường
đưa bạo quyền xuống huyệt
22-5-1976
8. 5 mãnh ván rời tặng con tim
1.
hầm mộ nổi, hầm mộ nổi
dự cảm hoài những hạt lệ xanh
bầy chó sói tuần tra mỗi tối
máu đã đầy những dãy hành lang
những hạt lệ vỡ trong hốc mắt
uất hận đầy môi giữ chặt răng
trên lồng ngực những đường dao cắt
( vết cào sâu của lũ chó săn )
hầm mộ nổi, hầm mộ nổi
thấy tên mình ẩn hiện giữa hàng bia
sợ hãi đốn hạ dần tình nghĩa
mỗi sớm mai là mỗi chia lìa
2.
làm sao sống khi biết mình đang chết ?
khi mộ bia đang nổi từng giờ
sợ hãi đã bốn bề phong toả
nghi kỵ đào những huyệt bơ vơ
những trái tim biết mình đang thở
bật sôi lên vì những im lìm
máu đã quyết xa rời bóng tối
uất hận đầy trong mỗi ngăn tim
tim đang thở và đang muốn sống
sống tự do chân thật với đời
nhưng " vết thương tự do " rát bỏng
tim nhịp đau những giọt bồi hồi
những khuôn mặt đanh như đá tảng
xây dầy thêm ( giữ lấy mộ mình )
khi trái tim như lên cơn sốt
đá tảng là dấu vết nguỵ trang
3.
máu từ tim máu lên hốc mắt
biến lệ xanh thành đá giữ hồn
máu từ tim máu dồn lên óc
nuôi niềm tin : - vượt khỏi mộ ngồi
máu từ tim máu nuôi tay siết
báo hiệu giờ dứt khoát ra tay
những mãnh ván từ tim ghép lại
chở linh hồn ra khỏi mộ đen
( cả trẻ thơ, thai nhi trong bụng )
quyết tìm sang bờ bến con người
quyết tìm đến nơi còn sự sống
còn tự do trong mỗi linh hồn
còn thương yêu giang hai tay rộng
lau khô dần những hạt lệ xanh
4.
thuyền trưởng là con tim
con thuyền là hy vọng
rời bến lắm mộ đen
hướng tới miền sự sống
hành khách cũng chính là thuỷ thủ
cả đời người vượt biển một lần
cả đời người đem thân đánh đổi
chết bên kia, không sống bên nầy
ôi, những thuỷ thủ đáng yêu
mang kinh nghiệm sống trong hầm mộ
chiếc la bàn cũ kỹ dẫn đường
bản đồ (là cuốn sách giáo khoa
dành cho những học trò đến lớp )
đưa đời mình đến chốn yêu thương
những thuỷ thủ năm châu ngưỡng vọng
anh hùng ca viết giữa đại dương
tim nhân loại tìm đâu cho rộng ?
trên tuyền kia, nhân loại cũng nhường !
thuyền ra khơi đêm khuya
bến tới là tự do
tình yêu là bãi đậu
đổi chết lấy nụ cười
hơn sống ngồi ngậm miệng –
ra khơi, ra khơi
trùng dương là bạn hữu
đưa người đến với người
5.
hầm mộ nổi, thuyền len khe nứt
thuyền mong manh, hoài bão vượt trời
bảy ngày đêm thuyền qua địa ngục
vượt trên ngàn cây số hải hành
tôi mừng rỡ vui căng lồng ngực
địa ngục nầy chị bỏ sau lưng
chị đã đến bến bờ mong ước
( cùng thai nhi mang nặng trong lòng )
thuyền một chiếc chở bao thế hệ
hoài bão mong giữ trái tim hồng
anh hùng ca những người vượt bể
đem trái tim thay ván đóng thuyền
người ở lại , ngực kề dao nhọn
( hầm mộ ngày một tối đen hơn )
người ở lại giữa lòng địa ngục
chọn trái tim : bãi chiến cuối cùng
mỗi trái tim là mũi tên đồng
lao đến đích : tự do , nhân ái
mỗi trái tim tự nhủ với lòng
tự do chết hơn tủi hèn để sống !
01.6.1976
( Tặng chiếc thuyền, gồm 11 người Việt Nam vượt biển tìm sống tự do. Đến được Nam Dương. Trong đó có 4 trẻ em và một đàn bà đang mang thai. Tin BBC )
9. điệp khúc số 76
tôi có hạnh phúc
loài người muốn xem
tôi có hạnh phúc
loài người muốn tin
tôi có hạnh phúc
kẻ thù rất lo
tôi có hạnh phúc
họ rình thủ tiêu
tôi có hạnh phúc
tôi có hạnh phúc
kẻ thù tức điên
tôi có hạnh phúc
ngục tù bó tay
tôi có hạnh phúc
đời còn có em
tôi có hạnh phúc
em còn trái tim
tôi có hạnh phúc
tôi còn trái tim
tôi có hạnh phúc
tôi còn là tôi
tôi có hạnh phúc
em còn yêu tôi
tôi có hạnh phúc
tôi còn yêu em
tôi có hạnh phúc
ta còn yêu nhau
ta có hạnh phúc
ta còn yêu ta
tôi có hạnh phúc
dù cơm không no
tôi có hạnh phúc
dù sách ra tro
tôi có hạnh phúc
còn người như tôi
tôi có hạnh phúc
đời không bơ vơ
tôi có hạnh phúc
loài người thích xem
tôi có hạnh phúc
loài người rất tin
tôi có hạnh phúc
loài người muốn xin
tôi có hạnh phúc
thánh thần ước ao
tôi có hạnh phúc
kẻ thù tím gan
tôi có hạnh phúc
tôi còn trái tim
tôi còn trái tim
tôi còn đám đông
tôi còn có em
tôi còn trái tim
tôi còn trái tim
kẻ thù thấy không ?
5.6.1976
10. lời người ít lời
đau khổ quá nên rất ít lời
mỗi lời máu rõ chẳng phải chơi
biến thành bão cuốn ta thành quách
quật lũ giả nhân sống – buôn – người
16.6.1976
11. thư muộn, gửi tác giả “LỠ BƯỚC SANG NGANG”
chín năm đốt đuốc soi rừng
về đây ánh điện ngập ngừng bước chân
NGUYỄN BÍNH
chín năm trong bóng tối
anh đốt đuốc soi. . . rừng
rừng mịt mù vạn lối
chẳng lối nào mùa xuân
chín năm anh đánh đổi
- một đời gái gian truân
đem thân vào góc núi
sống cùng thằng sở khanh !
chín năm dài kháng chiến
nội thù ở sau lưng
vì hào quang choá mắt
biết bao người sa chân !
chín năm đầy bóng tối
Sang Ngang Lỡ Bước rồi
bước chân nào bối rối
khi nội thù ra roi. . . !
chín năm trong rừng tối
đâu mình anh chiêm bao
tỉnh ra thì , ơi hỡi
tiết trinh còn chút nào ?!
chiêm bao chỉ một bận
hạnh phúc đã tan tành
trông . . . rừng anh có hận
trao thân . . . lầm lưu manh !
chín năm dù đã trễ
anh còn tỉnh giấc hoè
còn hơn bao nhiêu kẻ
đến nay còn u mê !
ba mươi năm tiếp nối
( kể từ anh lên. . . rừng )
bao người còn nông nổi
chưa biết mình . . . : đồ chơi !
sống giữa lòng rừng thẳm
đuốc anh thắp để đời
đuốc cầm anh đứng thẳng
mặc bao kẻ quì , ngồi !
chín năm trong rừng tối
đuốc anh dù nhỏ nhoi
đã giúp anh vạch lối
tìm lại ngôi CON NGƯỜI
chín năm anh tỉnh giấc
đứng thẳng làm con người
tiếc chi điều đã mất
khi đuốc kia sáng đời
chiêm bao anh đã tỉnh
sao chỉ mình anh thôi ?
bao nhiêu tên chưa tỉnh
đang nhắm mắt quên đời
không dám trông sự thật
sống bằng . . . rừng chiêm bao !
những tên. . . già kháng chiến
bị lợi dụng nửa đời
ba mươi năm lỡ bước
gấp đôi đoạn trường Kiều
Tiền Đường đâu chẳng thấy ?
tái hợp đầu đìu hiu !
gửi anh dòng thư muộn
đốt triệu triệu đuốc rừng
soi đám đông lận đận
bước khỏi . . . rừng chiêm bao !
gửi anh dòng thư muộn
đuốc rừng ta . . . đốt rừng
kháng chiến phải chân chính
chớ lầm bọn sở khanh
núp vạt áo kháng chiến
làm điều phản lương tâm
lợi dụng máu, nước mắt
cả tuổi già, đầu xanh . . .
nội thù càng nguy hiểm
hơn trăm lần ngoại xâm
đuốc rừng ta phân biệt
kẻ thù nào sau lưng ?
soi đám đông khốn nạn
( bị lợi dụng nửa đời )
thấy nội thù lưu manh
miệng luôn hô “cách mạng”
tay sẳn cầm dao găm
quá khứ ta vứt bỏ
( phần đời ta tiêu hoang )
đuốc rừng ta thắp sáng
chân ta không ngập ngừng
niềm tin ta không nản
đau khổ không đầu hàng
đuốc rừng ta soi rõ
bọn giả danh con người
quá khứ không bịn rịn
hiện tại đã sẳn sàng
chiêm bao nào cũng tỉnh
rừng sáng, thấy mùa Xuân .
17-6-1976
12. người đó chính là chiến hữu
tôi không chấp nhận :
tràng chuông mừng hôn phối gióng giả từng hồi mà nghe ra chỉ là hồi chuông báo tử khi tuổi hai mươi niềm tin yêu rộn rã trong lòng.
tôi không chấp nhận :
những khúc hát phúc âm đã hoá thân thành những kinh khúc cầu hồn dỗ giấc cho đoàn người sống sót đang kiêu hùng nâng cao trái tim trong sáng của mình giữa miền đất oan khiên hung bạo .
tôi không chấp nhận :
những nụ cười nguỵ trang của đám hình nhân có trái tim mạ kền và đôi bàn tay cùng trí não lạnh căm một màu thép xám u buồn.
tôi không chấp nhận :
mớ kinh điển rối bù đang trở thành bùa thiêng hộ mạng cho cây vương trượng uy quyền, mà sức mạng tôi luyện bằng máu của biết bao trái tim trinh nữ ; những trái tim hồng hào đang bị đám người cuồng tín dùng bạo lực bắt đem đi tế thần.
tôi không chấp nhận :
nâng trên tay mình con chim bồ câu ướt vì chút lòng nhân đạo vớt ra khỏi vạt dầu sôi, đang trở mình biến thành con sứa lửa .
tôi không chấp nhận :
những bóng mát ô liu trồng lên để che đậy cho hàng thép gai phong toả những con đường đưa đến ánh sáng của Loài Người và những nhà kho chứa đầy dưỡng chất trần gian.
tôi không chấp nhận :
những danh từ đầy hoa mỹ trá bịp để đời đời làm nô lệ cho áo cơm cho cuồng vọng dốt nát dã man.
tôi không chấp nhận :
làm một tên thi sỹ đi biến bài thơ mình thành những tấm màn hoa treo cửa mà bên trong thịnh soạn một bữa tiệc đầu người, trên nệm hoa ngả nghiêng bầy dã thú.
tôi không chấp nhận :
một thiên đường hứa hẹn sẽ có tôi khi hiện tại ở chính nơi nầy tôi đang từng giờ biệt tích chính tôi.
Ai chấp nhận Tôi
Người đó chính là Chiến Hữu
Lý tưởng đã thành hình
Ta lên đường kẻo trể .
29-6-1976
13. chiến khu của thi sỹ
nơi thi sỹ trú đóng
bọn bạo quyền hoảng kinh
xoá tan tành cuồng vọng
cùng súng đạn bất minh !
nơi thi sỹ trú đóng
chờ một giờ hành binh
cũng thật là thơ mộng
dù giữa chốn pháp đình
nơi thi sỹ trú đóng
bạo lực : bầy đáng khinh
chúng mang tâm chó sói
kéo thơ đến pháp trường
thơ vẫn không thể chết
ở giữa lòng đám đông
thơ vẫn không thể chết
ở giữa một tâm hồn
nơi thi sỹ trú đóng
độc tài đành chịu thua
dù không cần lũy rộng
chẳng cần đào hào sâu
chiến khu của thi sỹ
không thể vào được đâu !
khi kẻ thù thô bỉ
tham vọng cuồng trong đầu
chiến khu của thi sỹ
không vũ khí tối tân
chẳng hề xin “chi viện”
từ những lòng dã man
chiến khu của thi sỹ
im lìm và mênh mông
chứa đầy tràn ý tưởng
làm ấm lại cõi lòng
bạo lực đành thúc thủ
giữa mênh mông im lìm
thi sỹ buông tiếng nói
là vũ khí vỡ tim
mỗi Tiếng Nói thi sỹ
đánh ngã gục bạo quyền
chiến khu của thi sỹ
là một chốn nên thơ
thơ trong THƠ – thật thế
nơi chính đáng để đời
chiến khu của thi sỹ
nơi chống lại Bạo quyền
nơi chống lại Gian trá
hoá giải mọi gông xiềng
nơi phủ nhận Độc tôn
không chấp nhận Độc quyền
(nên trong chiến khu đó
không ai là “Đại ca” )
mà có thể buổi sớm
cơn gió nhẹ qua thềm
hay buổi chiều nắng quái
mon men vào mái hiên
khi cõi lòng đau đớn
hay chút khoái lạc riêng . . .
khổ ải hay hạnh phúc
riêng lòng hay đám đông
bước vào chiến khu đó
đều có quyền hành binh . . .
một nơi của cô đơn
đỉnh cao hay hố thẳm
tư tưởng của tâm hồn
hào hùng như máu thắm
chiến khu của thi sỹ
dung nạp hết mọi người
không phân ranh kỳ thị
nước mắt hay nụ cười. . .
chiến khu của thi sỹ
Tình Yêu của Con Người
không dối gian quỷ quyệt
núp “chủ thuyết, chiêu bài…”
yêu sống như cây cỏ
chọn đất lành nở hoa
ở trong chiến khu đó
Tình Yêu thật vô vàn
và muôn năm sáng tỏ
như mối tình Trầu Cau
chiến khu của thi sỹ
vùng đất của Tự Do
chấp nhận mọi đối lập
cho CON NGƯỜI thăng hoa
Tự do người cứ chọn
nước mắt hay nụ cười . . .
Tự do thật đơn giản
Người cứ thốt Tiếng Người
chiến khu của thi sỹ
Sự Thật được tôn thờ
mọi mưu toan gian dối
mọi “trá nguỵ con người”
là hành vi bỉ ổi
của chính bọn Bạo quyền
thi sỹ chọn sự thật
làm ánh sáng soi đời
dẫu thân thi sỹ mất
ánh sáng vẫn chói ngời.
14. lời cuối tập
tại sao phải viết lời cuối tập Con Đường Thi Sỹ - 1976 ? bây giờ ngồi để nhớ lại từng chi tiết quả là quá khó cho người viết
nếu tinh ý một chút khi đọc bài Chiến khu của Thi sỹ , rõ ràng cuối bài không thấy ghi ngày tháng năm sáng tác, tác giả ( hắn ) cũng không thể nào nhớ bài thơ đó , đến đấy là chấm dứt hay chưa ?
chỉ nhớ khi viết Con đường Thi sỹ , một bản viết tay duy nhất , ngày tháng ấy hắn còn độc thân nhưng đã thấm đòn – ‘ đi kinh tế mới ‘ ; đành đưa cho một người bạn thiết thân giữ hộ.
bây giờ, người bạn đó đã về với hư vô , nhưng ân phước thay, tập bản thảo ngày ấy còn được đúng đến bài thứ 13 lại châu về hợp phố với hắn .
đã hơn 35 năm kể từ khi bắt đầu viết bài đầu tiên cho tập thơ nầy , đến nay có chăng cũng chỉ còn là một khối kỷ niệm của riêng hắn .
chiến hữu có chăng ? thư muộn gửi tác giả LBSN; lúc viết bài thơ nầy , Nguyễn Bính đã mất trước đó 10 năm ( 1966 );
có chăng ? phải chăng là những thanh âm lạc điệu hắn gào lên, ngày ấy ?
hy vọng những người bạn của 35 năm về trước , sẽ bắt gặp lại một vài thanh âm trong tập thơ mỏng nầy về Tự Do và Sự Thật .
thượng tuần tháng 8 Tân
Mão.
CON ĐƯỜNG THI SỸ
viết từ tháng 5 đến khoảng tháng 7
năm 1976
bản thảo của Chu Ngạn Thư
mượn tác phẩm Jaune, Rouge, Bleu
tranh trên giấy của hoạ sỹ
WASSILY KANDINSKY
làm bìa
Chu Ngạn Thư
CON ĐƯỜNG THI SỸ
1976
( tranh trên giấy
của Wassily Kandinsky )
JAUNE, ROUGE, BLEU
bản thảo
(ghi chú của tác giả Chu Ngạn Thư gửi cho Gió O trong lần thứ Nhất đăng dưới tên Trường Thu Đông):
Trích vài khúc nhát ngừng … cuối tập thơ:
… Chiến khu của Thi sỹ , ... cuối bài không ghi ngày tháng năm sáng tác, tác giả (hắn) cũng không thể nào nhớ bài thơ đó, đến đấy là chấm dứt hay chưa?
Chỉ nhớ khi viết Con đường Thi sỹ , một bản viết tay duy nhất , ngày tháng ấy hắn còn độc thân nhưng đã thấm đòn – “đi kinh tế mới” - đành đưa cho một người bạn thiết thân giữ hộ.
Bây giờ, người bạn thiết thân đó đã về với hư vô…
Đã hơn bao nhiêu năm kể từ khi bắt đầu viết bài đầu tiên cho tập thơ nầy, đến nay có chăng cũng chỉ còn là một khối kỷ niệm của riêng hắn …
Hết.
CHU NGẠN THƯ
(2014 dưới tên Trường Thu Đông và 2020 dưới tên Chu Ngạn Thư)
Lê Thị Huệ
Chu Ngạn Thư, Thi Sĩ Kẻ Bùa Phép Với Xà Lỏn Tự Do
tản mạn
Chu Ngạn Thư thuở ấy là một nhà thơ trẻ đã nổi tiếng trên tạp chí Văn và các tạp chí khác ở nền Văn Học Miền Nam 1954 -1975 . Tôi đã chú ý đến ông chính là từ các bài thơ đăng trên tạp chí Văn.
Ông lớn hơn tôi chỉ ba tuổi. Thời năm 1973 tôi còn ham chơi, ham học đại học Đà Lạt, ham bồ bịch, thì ông đã nổi tiếng là một nhà thơ trẻ tài hoa ngất ngây Miền Nam.
Đến khi tôi ra Hải Ngoại làm chủ biên trang Gió O một thời gian, thì nhận được thơ ông gửi ra từ trong nước. Tôi rất vui và đưa thơ Chu Ngạn Thư lên Gió O một cách trân trọng. Nhất là Chu Ngạn Thư đã gửi gắm hầu như toàn bộ thơ cũ trước 1975 sang cho Gió O để đưa lên gần hết.
Rồi một ngày kia ông bỗng ông gửi cho tôi một tập thơ rất đặc biệt. Một tập thơ Chu Ngạn Thư sáng tác vào năm 1976, tập "CON ĐƯỜNG THI SỸ".
Đây là một trong những tập thơ rất quý giá có mà tôi cực kỳ yêu mến. Những bài thơ ướt, khô, cảm khái, bi hùng, trẻ trung của một nhà thơ Miền Nam trước thảm họa 1975 xảy đến cho quê hương ông.
Chu Ngạn Thư nói chỉ gửi để tôi đọc thôi, đừng đưa lên Gió O. Tôi đọc và rất thích. Thấy đây là môt tập thơ cực kỳ giá trị và là thơ hay. Tôi nằng nặc đòi đưa lên Gió O. Tôi đề nghị dùng một tên khác không phải là Chu Ngạn Thư. Anh im lặng một thời gian. Sau đấy anh đồng ý cho tôi đăng Gió O với một tên khác. Tôi đặt tên là Trường Thu Đông.
Tôi đã viết:
Thy Sĩ,
Tôi
đã đọc và những giọt lệ đọng lại trên vành nâu. Không bật ra được. Những hạt lệ
ứ đọng lây lất. Rất lệ. Rất thơ. Rất dào dạt. Rất rung động. Và rất muốn nổ
Cám ơn Thi Sỹ. Hơn 35 năm trôi qua. Kho báu còn cất nguyên si. Nhìn nét chữ và
những bài thơ.
Chao ôi tôi đã lặng đi từ khi nhìn và đọc chúng
Tôi vẫn còn xúc động lắm
Tôi vẫn còn loay hoay ...
Tôi chỉ có thể giúp đưa chúng ra ánh sáng ... trên Gió O
Nhưng tôi ước, lòng tôi ước, nhiều điều cho những bài thơ như những viên kim
cương đã được ủ kín và giấu tốt dưới những tầng địa ngục của kẻ cướp và chó sói
Anh đã ôm giữ chúng được một quãng đời lâu dài như thế, có chết đi với chúng,
cũng xứng đáng
Thấy thương nhớ người đã cất giữ những bài thơ cho Thi Sỹ ...
Lê Thị Huệ
------------
Thư trả lời:
Kính chị Lê Thị Huệ ,
Chính tôi cũng đã bật khóc khi được nhìn lại đứa con tinh thần của mình, được người trong gia đình của người bạn thân đã quá cố, trao lại.
Người bạn quí đã không ngại bao điều nguy hiểm vây quanh , để cố giữ những bài thơ tôi viết , ngày ấy.
Việc đưa Con Đường Thi sỹ ra ánh sáng , xin chị cho ghi thêm nơi đầu tập một dòng sau đây:
Gửi hương hồn Trần Minh Châu
với tất cả lòng tri ân của tác giả
Rất cảm ơn Chị
Chu Ngạn Thư
"Con Đường Thi Sỹ" của Chu Ngạn Thư là tập thơ xuất thần từ bối cảnh lịch sử của Miền Nam bị Miền Bắc thôn tính năm 1975. Người ta đang sống yên ổn – dù có là yên ổn dễ vỡ thì cũng mược kệ người ta đi - quý vị từ xa cả Đế Quốc lẫn Tay Sai lăm le xâm chiếm chúng tôi chứ chúng tôi nào có khiêu chiến với ai – Các bạn ở đâu ham hố sân si về tước đoạt Tự Do, bần cùng hóa chúng tôi người Miền Nam – nên tôi lập tức phản ứng thơ! Tập thơ còn giữ được chất hồn hậu và tự do thẳng thắn của một tâm thức thơ Miền Nam 1954 – 1975. Đấy là giá trị hiếm quý mà tôi nhìn thấy ở tập thơ này của Chu Ngạn Thư
Sau khi tôi “hung hăng” nhất định đưa tập thơ ký tên Trường Thu Đông lên Gió O, Chu Ngạn Thư rất ít liên lạc và không còn gửi thơ đến Gió O nữa. Tôi OK điều này. Tôi thông cảm với ông.
Bảy năm sau, từ 2014 đến khoảng tháng 6-2020, nhà thơ mới meo cho tôi và đồng ý để cho tôi bạch hóa tập thơ từng ký tên Trường Thu Đông là của tác giả Chu Ngạn Thư . Tôi rất vui và hứa với ông là sẽ thông báo lên Gió O một ngày rất gần đây.
Vừa liên lạc lại với nhau được chừng hai tháng. Chưa kịp thực hiện lời công bố trên Gió O cho ông. Thì Chu Ngạn Thư đã qua đời.
Ôi thiên tài thơ thường dễ ngất ngây đau đớn và qua đời vào một lúc bất ngờ nhất!
Tôi tin là Chu Ngạn Thư rất tâm đắc với tập thơ "Con Đường Thi Sỹ". Phải tâm đắc lắm ông mới ôm ghì trong túi kín linh hồn mấy chục năm thảm thiết cuộc đời. Những ngày cuối đời, khi biết mình lâm trọng bịnh, ông còn nhắn gửi một người bạn khác của tôi là ông rất sống chết với tập thơ Con Đường Thi Sĩ này. Rất tiếc ông không báo cho tôi tin ông bị trọng bịnh. Và tôi vừa sắp sửa đưa tập thơ lên thì nghe tin nhà văn Túy Hồng mới mất. Nên tôi tập trung đưa bài về nhà văn Túy Hồng lên Gió O trước.
Trong các mẫu tin về cái chết của Chu Ngạn Thư từ bạn bè trong nước, tôi mới được biết nhà thơ Chu Ngạn Thư là người cọng tác mật thiết với chế độ Cọng Sản . Ông làm việc phải uy thế nào mới lên đến chức “Ủy Viên Ban Chấp Hành Hội Văn Hoc Nghệ Thuật tỉnh Bình Dương”
trên Facebook ông mở một trang lấy ních là "Duong ThuDong Chu"
Nhưng cũng lạ là trên trang Facebook của ông với ních “DuongThuDong Chu” tôi thấy ngày ông giới thiệu thơ của nhà thơ Chống Cọng nổi tiếng đến bị đi tù Hỏa Lò, là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện của Hải Ngoại.
hình ảnh Nguyễn Chí Thiện được giới thiệu trên Facebook của DuongThuDong Chu
Ông chọn Gió O để đưa những bài thơ nào đấy lên. Tôi tiếp nhận đời sống Tự Do của thi sĩ có những khúc ngoắt lèo lái để sống sót mà vẫn có khi nói được điều anh muốn trình bày về cuộc đời. Ngày nhà thơ qua đời, trên Facebook, tôi đọc được những lời khen ngợi tư cách của thi sĩ từ các bạn thơ như nhà thơ Phạm Việt Cường, nhà thơ Lý Đợi, trong nước. Nhưng tôi cũng tìm thấy một người bạn của ông thấy có người ghi thế này: “Trần Thi Thơ, Trời. Hôm nay em mới biết chú Hùng là nhà thơ Chu Ngạn Thư”. Cứ thế thì biết những thi sĩ đích thực sống dưới chế độ Cọng Sản họ phải tìm cho mình một tư thế im ắng lòn lèn để sống sót thế nào. Tôi thông cảm điều này. Các chế đô độc tài và khắc nghiệt có thể thủ tiêu nhân dân của họ bằng một ly nước chanh đường vào lúc nửa đêm.
Tôi nghĩ đã đến lúc nhân phẩm hay thái độ sống của một tác giả cần đi song song với nội dung tác phẩm. Sáng tác là tưởng tượng cọng với tài năng. Trong cái tiến trình thăng hoa tác phẩm, một người tài năng có thể biến chế cuộc đời thành tác phẩm. Điều khủng khiếp là đám đông theo đuôi trong thế giới này cứ tin là tác phẩm là "Chân Thiện Mỹ" là "Lời Hay Ý Đẹp". Đám đông ấy phò những lãnh tụ sáng tạo và cho các lãnh tụ sáng tạo cái đặc quyền đặc nhiễm về việc "sống bậy". Một quan niệm được các ông sống bậy tri hô lên giữa chợ sáng tác là: "Chỉ nên chú trọng đến Tác Phẩm, không nên chú ý đến Tác Giả". Với tôi, tác phẩm cần được bổ xung bởi chứng nghiệm sống của tác giả. Vì nếu tác giả viết ra những điều hay ho để cho người đọc tin vào đấy thôi chưa xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ của tôi. Tác giả tin điều gì thì hãy sống và chứng thực sống theo được "niềm tưởng tượng trong tác phẩm ấy" là khó, dễ, khắc nghiệt, thăng hoa, hạnh phúc, khổ đau ... như thế nào. Chứ viết ca ngợi các giá trị hay ho mà đời thực thì sống bậy sống tồi phản văn minh tiến bộ. Làm sao mà xứng đáng nhận được sự ngưỡng mộ của tôi.
Chu Ngạn Thư, một thi sĩ mà tôi biết ông yêu quý Tự Do. Và trong bầu khí Tự Do ấy, người thi sĩ tài hoa Chu Ngạn Thư đã dâng tặng cho đời những bài thơ tuyệt tác, mà chúng ta, những người đọc cùng vai bờ (vibe) rất muốn công kênh chúng lên hàng thơ bất tử.
Thật là có một thi sĩ Chu Ngạn Thư hiếm quý của xứ đất tiền đất bạc Bình Dương. Bình Dương hiện đang nổi tiếng là tỉnh thành ăn nên làm ra, một môi trường kinh doanh tốt đối với người quốc tế, và lợi tức trung bình của người dân Bình Dương thì cao nhất Việt Nam hiện nay.
Tôi nhìn một vài bức ảnh thi sĩ của chúng ta chụp vào khoảng thập niên 2010. Ông mặc một chiếc áo sơ mi khá bảnh. Vải vóc mượt mà. Màu sắc khá chọn lọc. Nhưng nhìn xuống bên dưới chân vẫn mang đôi dép lạch bạch. Ngắm nhìn các bức ảnh và với chút tưởng tượng hiếu kỳ, tôi muốn nghĩ tưởng đến một chân dung ảnh mà anh diện rất gồ ghề bắt mắt ngon lành với chiếc áo và diện mạo phía trên, nhưng phía dưới lại trơ mỗi chiếc quần xà lỏn và mang đôi dép lạch bạch.
Bởi tâm thế những người sống sót và viết ở Việt Nam bây giờ là thế. Họ không được hít thở bầu trời Tự Do như chúng tôi đang sinh sống ở các xứ Âu Mỹ. Nhưng trong nỗ lực cố gắng để vẫn có thể giữ được thể diện-hồn diện của mình, người sáng tác phải tìm được một tư thế bày ra phần nghệ thuật sống và sáng tác của mình, như Chu Ngạn Thư vẫn cố trình làng tiếng nói ruột gan của thơ mình. Dù dưới sự kềm kẹp của một chế độ độc tài, các anh chị ấy bị tước đoạt nửa phần thân xác và linh hồn. Và họ phải sống với phần xác và phần hồn bị tra tấn đến trơ ra cái quần xà lỏn phía dưới. Nhưng phía trên thì họ vẫn tươm tất bảnh bao như mọi người trong thời đại toàn cầu hóa.
Chu Ngạn Thư xứng đáng là thi sĩ hàng đầu của thời đại tôi, mà tôi xếp cạnh những tên tuổi như Nguyễn Chí Thiện, Thi Vũ, Nh.Tay Ngàn, Chu Ngạn Thư, Lâm Hảo Dũng, Nguyễn Thùy Song Thanh, Bùi Giáng, ... và những thi sĩ khác ... Những tài năng thi ca hiển hiện đã trả giá bằng chính "cuộc đời" cố gắng phấn đấu giữa "cái viết và cái sống" của họ. Họ tranh chấp-tranh đấu sống một cách sống sót để chứng thực điều họ viết. Họ không viết một đàng cao sang ngời sáng và sống một nẻo tư cách tối tăm dối gian thấp hèn. Những điều họ viết chính là đời sống họ. Và điều quan trọng đối với tôi là chính cuộc đời của họ thì còn gay cấn cao cả và còn hay hơn tác phẩm họ viết. Người ta có thể bàn cãi câu thơ ông này hay hơn bà nọ ... ở những chỗ này chỗ nọ. Nhưng với tôi, ngay cả cái hay cũng chỉ là ... cái tương đối. Có thể hay với người này nhưng không hay với người khác. Nhưng để trở thành một lãnh tụ sáng tác, với tôi, ngoài tài năng sáng tạo hơn người, tác giả ấy góp vốn đời bằng chính con người và cuộc đời họ, thì khi đọc tác phẩm của họ, tôi có thể "hầu đồng" với tác phẩm và với cách "sống chết" từ sự góp vốn ngay thẳng không lươn lẹo của cuộc đời của chính tác giả. Không gì cao cả và giá trị hơn khi tác giả dám "sống vào viết". Và niềm hoan lạc sẻ chia nỗi buồn vui với tác phẩm-tác giả sẽ đạt sự max (maximize) tri thức và tình cảm hơn. Chính vì thế mà ngay cả khi được biết tác giả chỉ còn "cái quần xà lỏn" để khoe phia dưới như trường hợp nhà thơ Chu Ngạn Thư, tôi càng ngưỡng mộ và thâm hiểu nhiều hơn về số phận con người và cuộc đời nhân loài qua tác phẩm và tác giả Chu Ngạn Thư. Quyền phép xà lỏn của nhà thơ như ngự lại trong tôi niềm căm phẫn về sự tước đoạt Tự Do của bon Chính Trị Gia và Tôn Giáo Gia, chẳng hạn. Hình ảnh xà lỏn bỗng trở thành một chất liệu sáng tạo bao trùm lên chữ "Thời", thời của những kẻ Giết Người làm chủ. Chu Ngạn Thư, thi sĩ cầm cựa với khái niệm thi ca xà lỏn. Thứ triết lý thi ca của những kẻ bị tước đoạt sự sống cho đến trơ xương xà lỏn. Một thứ ngục ca sống sót từ đầu thời thanh niên của thi sĩ cho đến năm ông bảy mươi tuổi khi từ giã cõi nhân thế. Một chân dung thi ca tác giả và tác phẩm làm cho tôi hào hứng và khích thích về cái gọi là dưỡng chất sáng tạo.
Chỉ có đám đông theo đuôi là dễ tin những lời hoa mỹ của những tác giả tài năng và xảo ngôn. Tôi không còn ở trong đám đông theo đuôi dễ dàng tin vào lời thơ văn nhạc hoa mỹ. Tôi bây giờ đọc tác phẩm và hiểu tác giả thì tôi mới "chịu đèn" tác phẩm. Một khiếu thưởng ngoạn hơi cao giá. Nhưng tôi không làm khác được hơn. Khi chứng kiến sự u tối ngu dốt của đám đông theo đuôi ấy đã là lực kéo trì trệ sự gian ác u đần trên trái đất. Khi mà bọn lãnh tụ xảo ngôn tài năng đi lừa người đọc - người tin bằng những bài kinh bằng những bài thơ bài hát khích động chính trị và tôn giáo rất thành công. Sự thành công của những bản lời xảo ngôn ấy đã ụp trùm luôn cả số mệnh bất hạnh của tôi, của những quốc gia tôi từng cư ngụ.
Giá trị của tác phẩm và cuộc đời đẫm máu và nước mắt của tác giả sẽ được chứng nghiệm bởi thời gian. Các chế độ rồi sẽ trôi qua cùng rác rến lịch sử. Tác phẩm sáng tạo giá trị và nhân cách cao cả của tác giả rồi sẽ tồn tại và được tuyên dương. Chàng thi sĩ ưu tú Chu Ngạn Thư của đất Bình Dương sẽ có một ngày được lộng kiếng trưng bày cho thi ca chứng nhân của con người bất khuất sống sót qua mọi thời đại. Thi sĩ sẽ hãnh diện để trình bày rằng chiếc quần xà lỏn đớn đau ấy dù sao cũng là bùa phép gìn giữ chút hơi hám phận người - kiếp nhân sinh ở một giai đoạn khắc nghiệt khốn nạn của chàng và của cả quốc gia Việt Nam chàng.
Đấng Jesus Christ mình nude vết đinh giết người cùng máu me lênh láng bạo động trên thập tự để bảo vệ Đức Tin, còn được cả và nhân loại sùng kính muôn năm. Thì há gì hình ảnh chàng thi sĩ Xứ Việt ôm ghì những bài thơ Tự Do nồng ấm cho đến ngày tàn hơi thở, mà nửa phần thân-hồn xà lỏn vẫn còn ghi dấu tích bị nhà nước độc tài Việt Cọng trấn lột và kiểm tra "trang sức-thẩm mỹ-nghệ thuật" phô bày.
Lê Thị Huệ
8/2020