Trí Huệ Mỹ Huệ

Trần Diệu Hằng

Cho đến khi rời khỏi hành lang căn biệt thự xinh đẹp nằm vắt vẻo trên một ngọn đồi ngó ra vùng vịnh San Francisco ấy, tôi vẫn không hiểu cuộc đời hai chị em tôi đã trở thành một kể từ lúc nào. Kể từ buổi chiều vàng vọt ở một tỉnh duyên hải miền Trung nước Việt, hay kể từ lúc không giờ, không còn phân cách ngày và đêm trên một vùng mù sương ven biển Thái Bình? Có phải bên một giòng suối cạn hai chúng tôi đã được tái sinh, để rồi sau đó, vùng vẫy trong lòng khối nước mênh mông của đại dương, thân xác tôi có lúc như thoáng chết đi cho một tiềm năng nào đó trong em gái tôi bắt đầu sự sống? Cùng lúc với sự việc cuộc đời chị em tôi đã như là một, nghịch lý thay, giữa chúng tôi dường như hạt giống chiến tranh lại bắt đầu nẩy mầm. Thành thật mà nói, chúng tôi cũng có được vài năm phù du chung sống với nhau trong nền hoà bình của thời thơ dại. Rồi thì cuộc tranh chấp giữa chúng tôi bắt đầu, không hiểu chính từ sự tái sinh hay từ nỗi mất mát, từ nỗi chết hay từ tình yêu?

Câu chuyện thật ra khá dài dòng, lắm khi khó tin là có thật. Trước khi vào chuyện, tôi phải báo động và phân trần cùng bạn đọc, rằng chuyện của tôi có thể bị gián đoạn, bị cắt ngang không báo trước, người kể chuyện có thể bị tráo đổi đột ngột. Vì thế, làm ơn lắng nghe tiếng nói của tôi cho thật kỹ nhé, bởi tôi, một lúc nào đấy, có thể là em gái tôi. Hãy nhớ là Mỹ Huệ sinh ra đời sau tôi mười tám tháng hai mươi ba ngày bốn giờ ba mươi phút sáu giây. Cắt một lát thời gian hai mươi mốt năm về trước, tưởng tượng như bạn đang rà rà ống kính quay phim theo giòng suối cạn khô trơ lòng cát ấy thì thấy ngay sự khác biệt: hai em bé gái cùng từa tựa nhau ở đôi mắt to đen, sống mũi gọn nhỏ, và mái tóc bum bê dài chấm tai, nhưng nước da Trí Huệ có phần đậm mầu hơn, thân thể mảnh mai và dắn dỏi hơn. Trí Huệ không khóc, đôi mắt mở to nhìn sững vào ống kính trông như một dấu hỏi chưa có câu trả lời. Gò má Mỹ Huệ thì nhem nhếch nước mắt lẫn đất cát, đôi mắt lạc thần, bàn tay bé nhỏ bấu chặt vạt áo mẹ như cố níu lấy sự sống. Người đàn bà tóc tai rũ rượi, quần áo xốc xếch đang cố thu hết sức tàn quỳ xụp xuống vái lạy bốn phương như một người mất trí. Không rõ bà ta đang vái lạy Thượng đế hay van xin những kẻ chạy loạn qua đường. Cách họ ngót chừng năm chục thước phía bìa rừng là xác một người đàn ông nằm xấp, đầu bị bắn văng đâu mất một mảnh. Người đàn bà không ngớt lập đi lập lại lời cầu khẩn, "Xin cứu dùm hai đứa con tôi. Làm ơn cứu dùm hai đứa con tôi. Xin cho hai cháu đi cùng, phần tôi sẽ ở lại đây canh xác chồng tôi..." Một chiếc xe Jeep quân đội chầm chậm trờ tới, băng trước chỉ có hai người đàn ông mặc quân phục nhếch nhác không phù hiệu cấp bậc, trông như quần áo đi mượn hoặc mới lột được từ một xác chết nào đó. Băng sau không có người, chỉ thấy toàn tủ lạnh, ti-vi, đồng hồ, quạt máy, nồi cơm điện... chất cao ngỗn nghện. Đôi mắt người đàn bà chợt loé sáng lên tia hy vọng. Thân xác rũ liệt của bà ta bỗng nhiên như được truyền một luồng sinh lực mới. Bà nhào đến bám vào thành xe. "Xin cứu dùm hai đứa con tôi. Làm ơn cứu dùm hai đứa con tôi...." Người đàn ông ngồi bên cạnh tài xế giơ chân đạp cho bà mẹ một cú vào ngực. Bà ngã bắn về phiá sau, mặt chúi nhủi xuống cát, nằm đè lên Mỹ Huệ vốn không hề phút giây nào buông lơi vạt áo mẹ. Khi ấy Trí Huệ đang cố bò lết về phía xác người đàn ông bị bắn văng mất nửa đầu, cất tiếng khào khào kêu gọi, "Cha, cha ơi ..." Tiếng cô bé ngay sau đó mất hút vào trong tiếng nổ ngắn gọn vang lên từ họng một khẩu súng lục. Viên đạn bay sướt qua đầu người đàn ông vừa xô bà mẹ và Mỹ Huệ khỏi xe. "Dừng lại, không tao bắn vỡ sọ," một người đàn ông khác mặc thường phục xuất hiện bên hông xe tự lúc nào; trong tay lăm lăm một khẩu rouleau lòng ngắn. Kít. Chiếc xe Jeep đứng sựng lại. "Cả hai đứa mày. Xuống," người cầm súng nói ngắn gọn. Hai người đàn ông giơ hai tay lên đầu, ríu ríu bước khỏi xe. "Đứng gần vào nhau. Rồi. Thằng này dọn hết đồ đạc khỏi xe, còn mày quì xuống sát bên phía bánh xe này. Đừng quên là súng của tao sẵn sàng nổ bất cứ lúc nào nếu chúng mày trái lệnh." Khi những món đồ đã theo nhau xuống hết mặt đường, người đàn ông đang cầm súng uy hiếp vòng tay trái nổ máy chiếc jeep, nhanh nhẹn ngồi vào trước tay lái nhưng mũi súng vẫn hướng về hai người đàn ông kia, miệng nhếch mép cười lạnh lùng khinh bạc, "Lát nữa thì bọn mày tha hồ khuân những đồ ăn cướp này về thành phố."

Thoáng chốc Trí Huệ được xớt lên như một chú gà con. Bánh xe lăn tới ít thước nữa, đến lượt Mỹ Huệ dược túm cổ áo đặt nằm nhoài trên ghế sau. Bà mẹ đờ dẫn đứng lại bên đường, đôi mắt thất thần, chết sững không biết phải làm gì lúc này, nhưng người đàn ông ngoắc ngoắc họng súng ra dấu cho bà theo lên. Chiếc xe chồm tới, tách khỏi mặt đường nhựa, vượt qua lòng suối cạn, lăn bánh trên đoạn đường đất đỏ bụi mờ, bỏ lại hai người đàn ông ngồi phệt xuống giữa đống đồ đạc ngổn ngang. Trước mặt và sau lưng họ, đoàn người tỵ nạn thất thểu rã rời vẫn đang lẳng lặng lê bước trên con đường đi tìm đất sống.

 

 

"Đất liền kia rồi," xung quanh chúng tôi người ta kêu lên như thế. Nhưng rồi không ai kịp vui mừng cả. Một đợt sóng cao ngất phủ chụp xuống đầu chúng tôi. Con thuyền mỏng manh bể tan thành những mảnh vụn. Tôi chìm lỉm vào một vùng tối đen đặc, có lẽ là nơi chốn của sự chết. Giữa nỗi kinh hoàng khủng khiếp ấy, lời dặn dò của chị Trí chợt bật lên trong đầu tôi sáng loé như một que diêm: "Em nhớ nín hơi, đạp chân cho trồi lên mặt nước, giống hồi mình tắm ở mé sông đó..." Và rồi tôi đã trồi lên khỏi mặt nước, trồi lên khỏi nỗi chết. Và rồi tôi đã nghe được tiếng Trí Huệ gọi vang vang trên mặt sóng. "Mỹ...Huệ..." "Em đây," tôi cố sức hét lên nhưng một bụm nước mặn chát ào vào miệng khiến tôi ngưng bặt. Trí Huệ đã nhìn thấy tôi. Chị xoải tay bơi vội tới. Chị bơi giỏi như một con rái cá. Tôi không hiểu sao chị thừa hưởng được cái tài nghệ ấy của cha mà tôi thì không. Cũng có thể bởi vì chị sống trước tôi gần hai năm tuổi đời.

Trí Huệ bảo tôi thả nổi cho nhẹ bớt, còn chị một tay nắm cổ áo tôi một tay rẽ nước mà bơi. Được một lúc, chúng tôi chậm dần. Tôi muốn khóc, muốn gọi mẹ mà không dám cất tiếng. Có thể bà cũng đang bơi đến gần? Hay chúng tôi sắp tới bờ? Không rõ. Chỉ thấy trong một thoáng chốc nào đó, dường như chị Trí thật khoẻ, chị kéo tôi băng băng về phía trước, rồi sau đó là một sự hụt hẫng đột ngột khiến toàn thân tôi chìm lỉm xuống làn nước mặn. Tôi cuống cuồng quơ quào, bơi được vài sải tay. Trước khi bàn chân đụng vào mặt cát dưới lòng biển, tôi cảm thấy rõ ràng cổ chân mình bị bàn tay lạnh buốt của Trí Huệ nắm lấy. Tôi rùng mình. Một luồng khí lạnh đi suốt qua châu thân lên tới óc. Tôi mừng rỡ nghe được tiếng nói quen thuộc của Trí Huệ. Sau đó, một tảng đen kịt phủ ụp xuống.

 

 

 

Kể từ phút ấy, chị đã là em, sống đã là chết; Trí Huệ, Mỹ Huệ trở thành hai kẻ lưu vong trong thân xác và linh hồn của nhau.

 

 

 

Cái tin con bà Gia Hội làm phóng viên biên soạn tin tức cho đài phát thanh NPAR loan truyền rất nhanh trong cộng đồng người Việt sống quanh vùng Mapleland. Cộng đồng vốn nhỏ bé nhưng người ta biết nhau khá rõ nhờ đặc tính thích khoe con của một số các bà mẹ. Thật ra, không riêng gì vùng Mapleland, một người không có óc quan sát bén nhậy lắm cũng có thể nhận ra rằng trong khá nhiều buổi tiệc-tùng-tiếp-tân-họp-mặt-gặp-gỡ của cộng đồng người Việt ở mọi nơi, đề tài của các bà thường xoay quanh câu chuyện thành đạt của con cái, đặc biệt là chuyện lọt vào đại học y hay dược. Nghề phóng viên tin tức, theo sự phẩm định của những vị này, đáng lẽ không được coi là danh giá cho lắm so với tước hiệu bác sĩ, duợc sĩ, hoặc nha sĩ nhưng vì Mỹ Huệ xinh đẹp nổi tiếng trong cộng đồng và vì sự xuất hiện của một thiếu nữ Việt Nam trong ngành truyền thông của nước Mỹ vẫn còn rất hiếm hoi nên bù qua sớt lại, tin này vẫn được coi là nóng bỏng. Một yếu tố khác nữa là bà Gia Hội không chỉ nổi tiếng về tính thích khoe con. Người ta nói bà coi Mỹ Huệ như thần thánh.

Mỹ Huệ. Có lẽ chẳng cần tới một bà mẹ không ngừng nói về con mình như bà Gia Hội, cái tên Mỹ Huệ đã đủ là một đề tài bàn tán khá sôi nổi cho những người Việt sống trong vùng. Dư luận về cô luôn luôn hai chiều trái ngược. Vài chàng trai mê mẩn tôn thờ cô như nữ thần Venus. Một số chàng khác thì bảo cô lang chạ với đủ loại đàn ông. Vài người chắc lưỡi khen cô hát hay múa giỏi, văn chương thi phú đủ vẻ tài nghề. Kẻ lại bảo cô chỉ thuộc loại văn nghệ làm duyên làm dáng. Về phiá các bà các cô thì cũng vậy. Người thì nể vì khâm phục, ước sao được giống cô đôi phần, kẻ lại ghét cô cay đắng, ghét đào đất đổ đi. Vài bà trầm trồ Mỹ Huệ viết tiếng Mỹ cũng tài mà tiếng Việt cũng hay, mấy vị khác thì lại bảo cô chỉ là thứ vong bản mất gốc.

Bỏ qua dư luận bâng quơ vô căn cứ phía ngoài, đến gần thế giới riêng tư của Mỹ Huệ hơn bằng cách gặp một số những người đã từng giao tiếp với cô khá lâu, kẻ có ý tò mò muốn tìm hiểu cũng sẽ chỉ càng thêm rối rắm. Một số cô giáo, thầy giáo của Mỹ Huệ ngày còn ở bậc trung học cho rằng cô là một học sinh rất đỗi lạ lùng. Rất nhiều khi Mỹ Huệ tỏ ra thông minh sắc sảo, vượt bực hơn người, nhưng cũng không thiếu những lúc người ta chỉ thấy ở cô một trí lực trung bình, chẳng có gì đáng kể. Khi gửi học sinh đại diện trường đi dự thi cấp quận, tiểu bang, hay toàn quốc, người ta phân vân về quyết định chọn Mỹ Huệ bởi cô là một học sinh xuất sắc nhưng rất bất thường. Một bà thầy nghĩ là Mỹ Huệ có thể bị một chứng bệnh nào đó về óc não, nhất định khuyến cáo mẹ Mỹ Huệ đưa cô đi khám bệnh, thử máu, chiếu quang tuyến lung tung đủ kiểu. Người ta chẳng tìm thấy một dấu hiệu lạ lùng nào trong thân thể cô cả. Không có mạch máu nào nghẽn, không có van tim nào hở, không bướu dữ, không bướu lành. Cô có một thân thể thiếu nữ hoàn toàn bình thường, khoẻ mạnh. Tóc cô ngày càng đen, da cô ngày càng trắng, môi cô ngày càng tươi hồng. So với những thiếu nữ xinh đẹp đếm không kể xiết ở quốc gia hai trăm triệu dân này, nhan sắc của Mỹ Huệ cũng chẳng thể nổi bật hơn ai, nhưng gọi cô là một con búp bê Á châu kiều diễm thì cũng không ai phản đối, ngay cả những kẻ không mấy ưa gì cô. Mỹ Huệ không có bạn gái thân. Những thiếu nữ Việt Nam học cùng trường cho rằng cô có tính khí bất thường. Họ giao du với cô một cách dè dặt và xa cách. Ở những lớp trung học đệ nhất cấp, người ta còn thấy Mỹ Huệ cặp kè với vài cô bạn tóc vàng, tóc nâu, lên những lớp mười, mười một, mười hai, cô lủi thủi một mình. Không thiếu những bạn trai cùng trường mời cô đi chơi, nhưng rồi anh nào cũng lảng sớm. Vài anh tiết lộ rằng có những lúc họ tưởng đã sắp được mùi mẫn với cô đến nơi đến chốn thì cô lại đột ngột sắc sảo lạnh lẽo như một tảng băng; đôi mắt cô phát ra một thứ quyền lực nào đó khiến anh chàng hùng hổ nhất cũng đành bỏ dở ý định.

Mỹ Huệ vẫn tiếp tục sống với mẹ trong những năm cô theo học ngành báo chí tại một đại học gần nhà. Năm hai mươi mốt tuổi, cô đột ngột lấy chồng. Năm hai mươi hai tuổi, cô đột nhiên ly dị. Chồng cô là một anh chàng Việt Nam khá điển trai, đàn hay hát giỏi, phiêu bạt đâu từ tiểu bang Washington về vùng Mapleland. Anh nhất định không chịu hé răng tiết lộ điều gì về cuộc sống vợ chồng với Mỹ Huệ. Cũng chỉ hơn một năm sau, ngươì chồng cũ của Mỹ Huệ lấy vợ khác, một thiếu nữ đẹp thùy mị, đơn giản. Sau đó, cặp này nhoà biến vào trong biển người của thành phố San Francisco, không mấy khi thấy họ xuất hiện trong cộng đồng người Việt. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi không để lại cho Mỹ Huệ một đứa con nào. Cô trở về sống với mẹ. Bà Gia Hội làm chủ một tiệm bán vải trong khu thương mại của người Việt. Bà khoe tất cả mọi chuyện về Mỹ Huệ, trừ chuyện Huệ ly dị chồng. Đối với bà Gia Hội, Mỹ Huệ đã tượng trưng cho tất cả những gì bà không thể đạt tới trong đời.

 

 

 

Mỹ Huệ. Chị nghĩ rằng đã đến lúc chị cần có một cuộc nói chuyện dài với em. Đã đến lúc ư? Lúc nào chị chẳng ở trong em ? Có bao giờ em nguyên vẹn là em đâu mà chị còn phải rào trước đón sau làm chi nữa? Chị không muốn em có giọng điệu cay đắng như thế đối với chị. Chúng ta không thể đối thoại nếu em còn tiếp tục có thái độ đó. Thôi được. Em lắng nghe chị đây Trí Huệ. Chị muốn nói chuyện gì? Lại than phiền về em nữa, phải không? Không phải là chị than phiền, nhưng chị muốn biết tại sao em cứ cố tình làm khác đi những điều chúng ta đã đồng ý thực hiện. Chị đã không thích đi dự buổi văn nghệ Ngày Nhớ Cố Đô đó nhưng chỉ vì chiều ý em mà chị phải theo cùng. Chị đã dặn em rằng người ta có mời lên trình diễn thì hát bài Thoả Nỗi Nhớ Mong dân ca Bắc, hay ngâm thơ bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác, tại sao phút cuối em lại bảo quên hết chẳng nhớ bài thơ nào, rồi lại õng ẹo hát bài The Best for Last? Em tưởng như thế là hay lắm sao? Người ta sẽ cười cô là rởm đời. Tùy nơi tuỳ chỗ mà biểu diễn chứ. Lại còn cái vụ quần áo nữa. Chị không hiểu tại sao em có thể chọn một cái váy ngắn cũn cỡn như thế cho dịp đó. Tại sao à? Tại em thích khoe cặp giò dài của em. Tại vì em là một người Mỹ có toàn quyền tự do làm theo ý mình miễn là không động chạm đến ai cả. Đừng có trả lời chị kiểu cà rỡn đó. Chị không thích à? Thì em cho chị một câu trả lời khác vậy. Em chọn bài hát đó, chiếc váy đó vì em thích nổi hơn tất cả mọi người. Vì em muốn cho họ biết rằng em đa năng đa diện. Em thích là cực điểm của sự chú ý. Em thích ở giữa trung tâm của ánh đèn. Rồi sao? Thôi được, Mỹ Huệ, nếu em thích sự biểu diễn, chị cũng bằng lòng cho em sống với nó một thời gian, cho đến khi em chán nản và nhận ra giới hạn thảm hại của thân xác mình, nhưng chị chỉ yêu cầu em, hãy từ bỏ trò biểu diễn với văn chương. Ngưng sáng tác đi. Chị em mình làm phóng viên biên soạn tin tức cho NAPR như thế cũng đủ sống thoải mái rồi. Em chỉ có thể chọn một trò chơi thôi. Ngoài giờ làm việc, chị hứa là sẽ đi với em đến bất cứ nơi nào em muốn, biểu diễn tất cả những gì em thích, em sẽ là ngôi sao sáng trong mọi bữa tiệc, mọi buổi họp mặt. như thế được không em, em sẽ hạnh phúc hơn, phải không em? Chị nói sao? Chị không ghen tức với em đấy chứ? Chị không bằng lòng chuyện em chen chân vào vùng cấm kỵ của chị à? Chị tưởng chỉ có chị mới có sự suy nghĩ? Thật là tức cười. Chị cố tình phủ nhận giá trị của em trong khi người ta trầm trồ nức nở trước những điều em viết. Nhìn này. Tạp chí Quê Nhà đăng bài của em. Tờ báo của nhóm Cố Hương đăng bài của em. Toà soạn còn có cả một bài riêng để ca tụng em là cây bút trẻ đi lại được giữa biên giới của hai ngôn ngữ. Quả thật, em không ngờ là chị lại tầm thường đến độ ghen tức với em như vậy. Chị không xứng đáng là chị của em. Mỹ Huệ, em cứ nói cho đã nư giận đi. Rồi em cũng sẽ hiểu chị vẫn là chị của em như bao giờ. Em viết về cái nhân vật nữ xinh đẹp như hoàng hậu, đi đâu cũng được cả tá đàn ông săn đón theo đuổi ấy mãi mà chưa chán ư? Rồi lại cố bầy vẽ trang trí cái Tôi ấy bằng một chút tình dục bệnh hoạn cho có vẻ đặc biệt khác nguời. Em vẫn còn đang loanh quanh định nghĩa cái Tôi Tôi, nào em đã hiểu đâu là cái Tôi Viết. Chị chính là cái Tôi Viết của em. Chị nằm ở đây, sâu thẳm trong em luôn chờ đợi em trở về. Ngưng. Chị ngưng lại ngay đó đi. Đừng đàn áp tôi bằng mớ danh từ rỗng tuếch của chị. Cũng đừng quên rằng sáng tác ấy chẳng phải của riêng tôi. Chị cũng có phần nữa chứ. Tôi làm quen với cõi viết ấy qua chị cơ mà. Nhưng em đã cố tình đi chệch con đường chị đã vẽ ra. Cũng như tất cả mọi chuyện nhỏ nhặt khác trong đời sống hàng ngày, em luôn luôn chống lại chị, bằng cách này, cách khác. Em vừa yêu mến vừa chối bỏ chị. Em vừa muốn là một tài danh lừng lẫy của cộng đồng người Việt vừa muốn bài bác nó. Em vừa muốn xông xáo vào giòng sinh hoạt của người Mỹ đa số vừa phẫn nộ vì hàng rào ngăn cách vô hình dựng nên từ cái nhìn nghi ngờ ném về phía kẻ lạ mặt, kẻ khác. Rốt cuộc, em đã biến Trí Huệ-Mỹ Huệ thành một thứ quái thai của thời đại và của hai nền văn hoá. Thôi thôi. Chị thật là một mối nhức đầu kinh niên. Tôi phải ra khỏi đây. Tôi phải ra khỏi căn phòng này. Tôi phải ra khỏi sự trùm lấp của chị.

 

 

Sau ngày Mỹ Huệ trở thành phóng viên đài NAPR được chừng một năm, các bà mẹ trong vùng Mapleland lại làm giầu thêm cho hãng điện thoại vì câu chuyện khoe con của bà Gia Hội. Thật ra họ không chỉ nói về Mỹ Huệ. Thường là bà Gia Hội khơi mào, các bà kia cảm thấy rất ư là thiếu công bằng nếu không nói về con mình. Thế là mọi tin tức về những buổi ra trường vào trường, mọi sự thành đạt, mọi chuyện nhà cao cửa rộng, lương bổng mấy chục mấy trăm ngàn, giải thưởng xuất sắc này tác phẩm cò con nọ cũng đều tuần tự theo nhau chui vào đường giây điện thoại hết. Ở vùng khác, có người còn cho rằng điện thoại hay nói chuyện trực tiếp chưa đủ, người ta phải đăng báo chúc mùng sự thành đạt của nhau, thậm chí in cả sách tường thuật gia phả nhà mình nhân dịp con cái lấy chồng lấy vợ. Dường như đấy là một nỗ lực biến mình thành kẻ được nhìn thấy, dường như sự mất tăm là một nỗi đe dọa thường trực trong tâm trí của khá nhiều người. Tận trong thâm tâm, không phải bà Gia Hội chỉ muốn khoe về Mỹ Huệ không thôi, bà còn muốn nhân cơ hội chuyện trò ấy, để ý tìm một chàng rể khác cho cô con gái xinh đẹp và tài giỏi có một không hai của bà, điều kiện tiên quyết là phải giỏi hơn chàng rể cũ.

Lần này thì bà Gia Hội có lý do chính đáng hơn nhiều. Mỹ Huệ được mời làm xướng ngôn viên đài truyền hình địa phương; cô bước thêm một bậc nữa trên nấc thang danh vọng của sự được nhìn thấy. Ở Mỹ lâu, ngay cả các bà mẹ khá cổ hủ cũng dần nhận ra rằng một tài tử hay cầu thủ nổi tiếng có thể được trọng vọng hơn cả Tổng thống. Mỹ Huệ tuy chưa phải là tài tử nhưng sự việc cô sẽ xuất hiện trước ống kính truyền hình, được theo dõi bởi hàng trăm ngàn cặp mắt người dân nước Mỹ không thể coi là một sự việc tầm thường. Thành quả này đã khiến bà Gia Hội trong lòng nở hoa. Bà nói không biết chán, kể lại từng chi tiết chuyện Mỹ Huệ được phỏng vấn như thế nào, thông minh xuất sắc ra sao. Đa số các bà mẹ nghe chuyện thì đành chào thua, phải nhìn nhận rằng con bà Gia Hội đúng là tinh hoa của nòi giống rồng tiên. Có bà già đã ngoài bẩy mươi lại cho rằng Mỹ Huệ chỉ giỏi giang khi ông Thần Gió phơ phất ghé qua. Bà khác lại bảo không phải đâu, tại mả tổ tiên nhà họ Vũ đến ngày cực phát. Riêng với một người bạn thân nhất, bà Gia Hội tiết lộ rằng bà có một người con gái khác chết trên đường vượt biển, cô này là chị của Mỹ Huệ, từ nhỏ vốn đã cực kỳ thông minh hơn người, bà tin rằng hồn cô luôn vương vấn theo phù hộ mẹ và em gái.

 

 

Mỹ Huệ, em không thể dấu được chị điều gì đâu. Chị chỉ đi ngao du có vài giờ mà em đã lẻn đến căn biệt thự đó. Em không việc gì phải dấu chị, em có quyền sống những giờ khắc của riêng em. Nhưng chúng ta là một. Không. Chúng ta không là một. Chúng ta chưa bao giờ là một. Chị là Trí Huệ và tôi là Mỹ Huệ. Thân xác này của riêng Mỹ Huệ, người đàn bà tự do tạo dựng quyền lực cho mình từ sự chiêm nguỡng của kẻ khác phái. Chị chỉ là một linh hồn ở đậu trong tôi. Em thật tức cuời. Em là kẻ có quyền hay là nạn nhân? Nạn nhân là những người đàn bà cúi đầu chịu đựng trong gông cùm và thành kiến của xã hội, những người đàn bà không tài năng không vũ khí. Họ không phải là tôi. chẳng bao giờ có thể là tôi. Vũ khí của em chính là chị. Không có chị. em không phải là Mỹ Huệ, nữ phóng viên tài ba của đài truyền hình KPSF. Chị bảo vệ, giữ gìn và hướng dẫn em. Chị là ngọn đuốc soi đuờng, là ánh sáng trí tuệ của em suốt hai muơi năm ròng rã. Em làm gì có đời sống nếu không có chị? Chị nói sao? Chính chị mới không có đời sống. Chị chỉ là một bóng ma. Chị làm gì có hơi thở? Chị làm gì có thân xác? Phải nói chị không hề hiện hữu nếu không có tôi. Thế à? Mỹ Huệ, ai dã cứu em ở biển Đông? Ai đã rời sự sống và cho em hơi thở? Chị đã phải hai lần dời đổi cùng trong một chuyến đổi dời. Trong chuyến hải hành vạn dặm của chúng ta, chị đã phải di tản khỏi thân xác mình để hoà nhập trong em, bởi chị biết em cần chị. Không. Không phải chị đã hy sinh cho tôi. Chị chiếm hữu tôi thì đúng hơn. Chị đã lợi dụng thân xác tôi để kinh qua những cảm giác mà một linh hồn không thể có được. Tại sao tôi không thể sống được với chồng, chị biết chứ? Chị tràn ngập trong tôi ở cái giây phút đáng lẽ tôi đã đạt tới sự khoái cảm. Chị rình rập tôi từ hơi thở, từ lời ăn tiếng nói. Chứ không phải vì em khao khát một cái gì lóng lánh, rực rỡ hơn đời sống với Đính à? Mỹ Huệ, chị phải sống qua từng mảnh nhỏ trong đời sống em để có thể bảo vệ em. Chị yêu em. Chị yêu cái thân thể đàn bà mềm dịu dung chứa của em, cái thân thể mà chị đã bị tuớc đoạt mất trong cuộc đổi dời. Chị cần em cũng như em cần chị. Hãy nghe chị. Chúng ta không thể trở thành những trò chơi, và cũng không thể là những nạn nhân nằm ở cuối đường. Hãy đi với chị. Chúng ta ngao du qua mọi lằn ranh của sự khác biệt, của nỗi lạc lõng, của sự ngậm ngùi. Đi với chị tới một cõi Quê Nhà Trong Trí Tuởng. Chị Trí, viễn ảnh chị phác hoạ thật mơ hồ, em có cảm tưởng chính chị cũng chưa rõ đâu là nơi chốn chị muốn kiếm tìm. Ngược lại, nơi em muốn tới rất huy hoàng, một sự huy hoàng đo đếm được. Hãy từ bỏ cái thế giới tối tăm mù mịt không thấy bến bờ đó của chị và đến vui chơi bên em, thực tế và hợp lý hơn biết bao. Ồ Mỹ Huệ! Em quên rằng vẻ đẹp được soi rọi bởi ánh sáng, nhưng có bao giờ ánh sáng được soi rọi bởi vẻ đẹp đâu em? Thôi thôi chúng ta cãi mãi cũng chỉ mòn hơi. Chị có niềm kiêu hãnh của trí tuệ và em có trong tay quyền lực của lạc thú. Chúng ta phải rời nhau thôi. Nhưng...phải xa em chị lại thêm một lần mất trọng lượng. Giữa biển Đông chị đã phải vĩnh viễn từ giã thân xác mình khi không còn sức lực để cân bằng sức hút của trái đất trên cơ thể cộng thêm sức mạnh khủng khiếp của sóng cuồng nộ ném thân xác chị vào hố thẳm tối đen của cái chết. Em hẳn biết rằng khi con người hai chân không còn đứng bằng trên mặt đất được thì ta chẳng còn "thuộc về" đâu nữa. Mặt đất, Quê Nhà, Nơi Sinh Trưởng đều bị cách lìa. Lịch Sử và Trí Nhớ trở thành những tờ lịch mỗi ngày mỗi ố vàng rời rụng theo tháng năm. Người đánh mất tất cả những "thuộc về" trở thành những kẻ không tên gọi. Chị đã mất trọng lượng, nghĩa là mất hết những ràng buộc với mặt đất và con người. Nhưng bù lại, chị có được một khả năng vô cùng linh diệu. Từ phút giây bị tước đoạt trọng lượng, chị lập tức có thể bay đến bất kỳ nơi nào theo ý muốn. Chị cũng có thể vượt qua những giới hạn của tốc độ, của hàng tỷ năm ánh sáng. Tiền kiếp người phụ nữ trải dài trước mắt chị như những căn nhà có treo bảng ghi rõ số đường. Chuyện đi lại giữa những biên giới, vốn là thứ người đời thèm khát, đối với chị chỉ cần một cái phất tay. Chị đã muốn truyền đạt cho em cái khả năng linh diệu ấy bằng tâm thức, để đổi lại, chị chỉ xin em một chốn "thuộc về". Chị không muốn lãng đãng trong khoảng không gian và thời gian tưởng như vô tận. Phải chăng chốn thuộc về gần gũi nhất với giọt sống sau cùng của chị chính là em, người chia chung với chị một phần máu thịt xương da? người cùng bước chung với chị trong một khoảng đường định mệnh? Ôâi Mỹ Huệ, sao em đành lòng oán hận và hiểu lầm chị? Sao em đành đoạn quay lưng với bóng mình?

 

Mỹ Huệ làm việc cho đài truyền hình KPSF được chừng hai năm thì dư luận bắt đầu bàn tán về phẩm chất đi xuống của phần tin tức do cô thực hiện. Một số người cho rằng cô thiếu hẳn sự linh động và cá tính riêng biệt đã có trước đây. Nụ cười của cô vẫn tươi đẹp nhưng giả tạo. Ánh mắt vô hồn không còn chan chứa niềm u uẩn Đông phương. Phần tin tức cô biên soạn nhạt nhẽo, chỉ vừa đạt tiêu chuẩn, không còn nét sắc sảo lôi cuốn ngày nào. Một số người khác lại cho rằng sự thay đổi không phải ở cô, mà chính ở khán thính giả. Nhìn mãi một khuôn mặt, nghe mãi một giọng nói người ta cũng chán. Cô như một thứ trái cây miền nhiệt đới đã qua mùa, không còn được ưa chuộng như buổi đầu mới xuất hiện. Người nói thế này, kẻ nói thế khác, nhưng tựu chung, người ta đều tiên đoán rằng không lâu, cô sẽ bị đẩy lùi vào sự quên lãng. Tuy nhiên, một vài nhân viên làm việc lâu năm dưới quyền ông giám đốc chương trình lại mập mờ ám chỉ rằng Mỹ Huệ là người yêu bé nhỏ của vị xếp lớn này, chưa chắc đã bị thay thế một cách dễ dàng. Những nhân viên cũng còn xầm xì bàn tán về sự tranh chấp coi mòi khá căng thẳng giữa những nhân vật chóp bu trong đài, chưa biết mèo nào sẽ cắn mỉu nào, ai sẽ văng ra và ai sẽ ở lại.

Hôm ấy là một ngày thứ bẩy rất đẹp trời của mùa hè phía nam nước Mỹ. Nắng ấm áp vừa đủ tô thắm những cánh hoa đủ mầu rực rỡ nổi bật bên những thảm cỏ xanh cắt khéo bởi tay người. Mỹ Huệ ngồi sửa soạn trước bàn phấn trong phòng riêng của cô tại một căn chung cư thuộc khu vực khá sang trọng trong thành phố. Cô đã trang điểm xong, và đã đẹp lắm rồi, nhưng vẫn tần mần giơ tấm gương nhỏ lên săm soi lại đuôi mắt. Cô muốn rình mò săn đuổi sự xuất hiện đầu tiên của những nếp gấp tháng năm. Cô đã tìm, đang tìm, và vẫn tìm mỗi lần điểm phấn tô son. Chưa. Lần này cô vẫn chưa tìm thấy nếp gấp nào cả. Một phụ nữ Á Đông ba mươi mốt tuổi vắng bóng nếp nhăn, cô lững thững đi đằng sau năm tháng. Trông cô chỉ độ chừng hai mươi lăm. Dường như có một vết chì nhỏ hơi chệch ra ngoài đường cong của viền mắt, cô lấy bút tỉ mỉ tô lại. Dường như một làn son hồng nhạt hơn chút nữa sẽ làm tăng vẻ gợi cảm của làn môi; cô lục lọi tìm kiếm một mầu lý tưởng chiếc hộp chứa hàng chục cây son đắt tiền. Cô muốn soi thấy bóng nhan sắc lộng lẫy Đông phương trong tròng mắt mầu xanh ngọc bích của người tình.

Mỹ Huệ hy vọng Rick sẽ ngỏ lời cầu hôn với cô trong buổi hẹn hôm nay. Lấy được Rick, địa vị của cô trong đài KPSF sẽ vững chắc hơn biết bao. Cô sẽ là nữ chủ nhân mới của căn biệt thự xinh đẹp với những khuôn cửa sổ ôm tròn phòng ngủ bằng kính trong suốt nhìn ra mặt biển vùng vịnh San Francisco. Liên tưởng đến lúc Rick thầm thì bên tai cô những điều chàng thích làm với cô ngay bên cạnh những khuôn cửa không cần che đậy ấy khiến cô cảm thấy máu nóng dồn lên hai bên gò má.

Mỹ Huệ đứng lên mở cánh cửa tủ áo thênh thang, lấy ra một bộ mầu trắng, ngắm nghía vài giây trước khi quyết định mặc thử. Bộ đồ ngủ bằng lụa sa tanh mầu hồng phấn rơi tuột xuống mặt thảm phơi bầy thân thể cô lồ lộ trước gương. Cô liếm ướt đôi môi đã vốn ướt rượt, những ngón tay cô nâng lấy khuôn mặt kiều diễm của mình, vuốt xuống cần cổ nuột nà, âu yếm bóp nhẹ bầu ngực hừng hực lửa, xuống vùng bụng săn chắc, lướt qua khoảng tối ở giữa và chậm dần lại trên cặp đùi thon dài. Cô mê man nhìn bóng mình trong gương. đắm đuối với thân thể mình và rót sự đắm đuối ấy vào đôi mắt tưởng tượng của người tình. Thần trí cô chưa bao giờ cảm thấy thoả mãn sung sướng hơn. Trong gương kia phản chiếu một thân xác Mỹ Huệ tươi đẹp có thật, thuộc về riêng cô và đầy hứa hẹn tương lai. Cô oằn oại, đê mê thêm vài phút rồi thong thả khoác bộ y phục mầu trắng lên người. Chiếc áo bằng hàng vải dệt sợi thưa mềm dịu, mỏng manh lộ rõ mầu da thịt khoác ơ hờ bên ngoài một chiếc nịt ngực cùng mầu trắng, chiếc quần lưng thun ôm sát vòng eo ống rộng phấp phới. Kiểu thời trang này dành cho cuộc đi chơi biển hôm nay thì thật là tuyệt vời. Cô mỉm cười hài lòng với bóng mình trong gương.

Đột nhiên, một làn gió uà vào từ khung cửa sổ gần đấy khiến cô rùng mình ớn lạnh. Rồi tiếng gọi khẽ nghe như từ một cõi nào xa thẳm mà lại rất gần gũi vọng tới bên tai cô: tiếng gọi vọng lại từ bên kia của tấm gương, "Mỹ Huệ... Mỹ Huệ..." Rồi bên cạnh khuôn mặt mỹ miều trong gương kia, cùng ló lên từ cái cần cổ nuột nà ấy, là một chiếc đầu thứ hai, một khuôn mặt thứ hai, không kém phần kiều diễm, chỉ khác ở làn da nhờn nhợt xanh xao. Chiếc miệng của khuôn mặt hao hao giống Mỹ Huệ thứ hai ấy mấp máy tạo thành những thanh âm xa vắng vọng lại từ bên kia gương, "Em đừng đi. Mỹ Huệ. Đừng đi. Người ta sẽ gạt bỏ em như gạt bỏ một quân cờ không còn cần thiết. Nghe chị. Đừng đi." Mỹ Huệ đứng chết trân trong nỗi khủng khiếp cùng cực. Rồi cô vùng ré lên, vung tay đập vào khuôn mặt nhợt nhạt trong gương. Tấm gương nứt rạn một đường dọc xẻ đôi bóng người trong gương từ cổ trở xuống. Khuôn mặt nhợt nhạt còn lưu lại một thoáng giây rồi mờ hẳn như lùi xa vào chiều không gian bên kia. Mỹ Huệ gục mặt vào lòng bàn tay khóc nức nở. Từ cổ tay bên tráiâ, không rõ tự phút nào, đã hằn một vết cắt nhỏ. Từ chỗ cắt tuôn ra hai giòng chất lỏng lạ lùng, một giòng đỏ thẫm, đặc quánh; giòng kia hồng lợt như máu pha. Trên cành cây ngoài cửa sổ, một con chim bồ câu bay tới đậu im lìm.

 

 

Cuối cùng thì cuộc chiến giữa hai chị em tôi cũng chấm dứt, hai mươi năm sau ngày cuộc chiến tranh Nam Bắc dứt điểm, một cuộc chiến đã từng kéo dài trên miền đất chúng tôi chào đời và cũng là mầm mống của cả nỗi chết lẫn sự tái sinh trong cuộc đời chúng tôi. Phải nhận rằng sau chừng ấy năm sống chung trong cùng một thân xác, tôi vẫn không thể chiếm hữu được Mỹ Huệ. Tôi đã không thể buộc em đi theo con đường tâm trí tôi đã vạch ra, dù tôi đã nồng nhiệt biết bao trong sự tin tưởng rằng con đường ấy là nơi phải tới. Tôi nắm trong tay những mảnh vụn của quá khứ quê nhà, của đớn đau đòi đoạn; tôi cũng nắm trong tay cả mũi nhọn tâm trí cần thiết cho người phụ nữ trong một xã hội chủ về đo đếm sự thành công. Có phải tôi đã gào thét đòi tái sinh trong thân thể tươi đẹp tràn đầy nhựa sống ấy? Hay tôi đã trao cho em gái mình một mớ hành trang rối rắm đến độ cô không biết sử dụng chúng ra sao? Có phải chúng tôi đã may mắn được lớn lên trên một miền đất tự do mà cơ hội dành cho người phụ nữ quá tràn đầy so với quê nhà nơi chôn nhau cắt rốn? Hay rồi chúng tôi vẫn là những kẻ bước bên lề, ngao du trong tiếng cười cay đắng của kẻ thấy trước mặt mình đất ngàn dặm thẳm?

Dẫu thế nào thì chúng tôi cũng vẫn là những kẻ không hạnh phúc. Phải chăng sự tái sinh đã trở thành vô nghĩa khi chúng tôi không tìm thấy tình yêu? Và sự thiếu vắng bóng dáng những đứa trẻ, ôi phải chăng vì thế mà cuộc chiến tranh giữa chúng tôi cứ âm ỉ hoài? Thật là một vòng luẩn quẩn tức cười. Tôi giúp cho Mỹ Huệ đạt tới mức danh vọng nàng muốn để chấm dứt cuộc tranh chấp giữa chị và em, nhưng tới đó rồi thì Mỹ Huệ nhất định hy sinh những đứa trẻ cho sự nghiệp của nàng, rồi vì thiếu vắng bóng dáng những đứa trẻ, chúng tôi lại cứ thế mài miệt đôi co...

Tôi không nhìn sự việc như một nỗi thất bại của mình. Tôi không nhìn nhận Mỹ Huệ của tôi cuối cùng cũng vẫn là một nạn nhân. Khi kéo Mỹ Huệ quay về nơi chúng tôi đã hoà nhập cuộc đời mười lăm năm về trước, tôi thủ thỉ bên tai nàng rằng tôi sẽ đưa em đi xuyên suốt quá khứ trở về lịch sử của miền đất cố hương. Trong cõi không gian vô tận và thời gian bị triệt hủy ấy, chúng tôi sẽ gặp lại người chị tiền kiếp tên Tâm Huệ. Chỉ có Tâm Huệ mới hoá giải được cuộc tranh chấp ròng rã bao năm.

 

 

Dư luận vùng Bắc tiểu bang California có một thời gian sôi nổi lên vì tin cô phóng viên Trina người Mỹ gốc Việt của -da`i truyền hình KPSF đã mất tích sau một chuyến du hành trên biển với hai người đàn ông vốn là những nhân vật có quyền hành trong đài. Chuyện trở thành một đề tài rùng rợn sốt dẻo vì Tony, một trong hai người -dàn ông nhất định khai với cảnh sát rằng ông Rick, giám đốc đài KPSF đã đẩy cô Trina xuống biển sau một cuộc cãi vã dữ dội giữa hai người, bắt nguồn từ việc Rick muốn Trina ngưng xuất hiện trong phần phóng sự tin tức. Rick ngược lại, khai rằng chính Tony đã ném Trina xuống biển để ngăn chăn việc cô định tố giác Tony có dính dáng với một tổ chức buôn bán ma túy. Điều lạ lùng là chu vi vùng vịnh biển ấy không lớn lao gì nhưng người ta không cách chi tìm thấy thi thể của Trina. Nhiều ngày trôi qua vẫn không thấy xác nàng dạt vào bờ. Một vụ tố giác giết người không bằng chứng đành phải xếp xó mớ hồ sơ.

Người trong vùng nói đến vụ mất tích của Trina như một bí ẩn không lời giải thích. Được một thời gian rồi tất cả lại cũng trôi vào sự lãng quên. Trong thời đại tin tức người ta có biết bao nhiêu chuyện khác để nghe và đọc! Chỉ tội nghiệp bà mẹ khốn khổ Gia Hội bán lại cửa hàng, vào chùa quy y để ngày đêm cầu nguyện cho linh hồn hai đứa con gái phiêu bạt đâu đó ở hai đầu ranh giới biển Thái bình.

Người kể chuyện Trí Huệ Mỹ Huệ may mắn được biết ở một tỉnh nhỏ thuộc vùng duyên hải miền Trung nước Việt, có vợ chồng chài lưới kia tuy cơm không đủ ăn áo không đủ mặc nhưng thương yêu nhau hết đỗi; sau ba năm chung sống, người vợ mang thai mười hai tháng (tục gọi là chửa trâu) sinh hạ được một bé gái mặt sáng như trăng rằm. Mẹ đặt tên em là Tâm Huệ. Thật ra cũng chẳng ai cần biết về chuyện này cả, một sự việc bình thường xẩy ra đã đến lần thứ hàng tỉ tỉ trên trái đất.

07/96

Trần Diệu Hằng