Bóng thời gian

 

“TRĂNG” TRONG TÂN NHẠC (5)

 Lê Văn Phúc 

Trăng là một hình ảnh đẹp trong thi ca. Trăng đẹp nhất vào mùa thu, độ trăng tròn. Trăng sáng toả lan khắp muôn nơi khiến cho hạ giới hình như cũng thấm được cái lung linh huyền ảo của ánh trăng  rằm. Chả thế mà lại có huyền thoại nào là Đường Minh Hoàng du nguyệt điện, Ông Tơ Bà Nguyệt se sợi chỉ hồng, Hằng Nga Hậu Nghệ. Cả đến Chú Cuội ở nước ta cũng cầm cuốc theo cây chuối lên tuốt luốt cung trăng đề bầu bạn cùng chị Hằng. Rồi những đêm suông, Cuội  nhìn xuống hạ giới mà ngẩn ngơ tiếc nuối...

Trong văn thơ nước ta, không thiếu gì những chuyện hấp dẫn, mê ly. Trăng được nhắc nhiều trong thơ, phải kể đến  thơ Hàn Mặc Tử. Còn trăng được nhắc đến trong nhạc thì xin bạn đọc nghe thầy trò chúng tôi bàn ngang tán dọc và tán dóc qua một số nhạc phẩm quen thuộc sau đây.

 

Thầy Nguyễn Túc vẫn giữ vai trò cố vấn kỹ thuật, cố vấn âm nhạc và cố vấn tâm lý. Còn Cai tôi thì chỉ có mỗi một việc là nhón những bài nhạc nào liên quan đến “Trăng” thì trình làng để công bố rồi thầy trò tôi lăng ba vi bộ.

 

Vấn đề “lăng ba vi bộ” coi thế mà rất quan trọng đấy, bạn đọc ạ! Chả là vì bạn đọc cứ thường hay “nghe qua rồi bỏ” vì chả có chi mà théc méc, vấn vương. Còn thầy trò tôi, trái lại, có bổn phận và nhiệm vụ là khơi dậy những khúc mắc, éo le trong lời ca tiếng nhạc để trình với bạn đọc rằng thì là, tuy nghe thế mà lại không phải như thế!

 

Bởi trong lời nhạc, ý thơ nó còn ẩn dụ một đôi điều khác nữa  cơ! Đôi điều ấy không ai nói ra nhưng chúng ta có thể “hiểu ngầm” nó là như rứa! Sự “hiểu nhầm” ấy nhiều khi có hại cho sức khoẻ giống nòi, nên chi thầy trò tôi đành phải nói toạc móng heo ra để “hoá giải” cái thế chẳng đặng đừng ấy, đồng thời còn để xoá tan đi những mây mù bao phủ trong ý nhạc lời thơ hầu bạn đọc hiểu biết rõ ràng hơn, thấu đáo hơn và coi như “thoả mãn và thoả đáng”.

 

Được vậy là thầy trò tôi  đi đúng con đường đã vạch là đem niềm vui đến bạn đọc để cuộc đời này vẫn còn một chút gì gọi chút dễ thương!

Thế đó nghe, phần mở bài đã xong. Bi chừ, chúng tôi đi vào thân bài với chủ đề dẫn thượng.

 

                                                                ***           

Thầy Nguyễn Túc: Này, sao độ này cậu nói nhiều quá vậy? Có để cho nó “mọc da non” hay không?

 

Cai tôi: Dạ, không.  Em có nói gì  nhiều đâu, vài phút thôi à! Thầy mà nghe con vợ em nó nói thì thầy còn phát điên lên luôn.

 

-          Nó nói thế nào ?

-          Nó nói suốt ngày, suốt đêm í chứ lị!

-          Lạ nhỉ! Đêm cũng nói được cơ à?

-          Dạ, phải. Đêm nào nó coi “chưởng”, coi phim bộ, coi ca nhạc Thúy Nga, Asia là nó phát thanh thả dàn, với lời bàn Mao Tôn Cương, khen chê, ý kiến rất là kịch liệt.

-          Nó nói một mình à?

-          Dạ phải, chứ còn nói với ai nữa?

-          Tưởng là nó nói với cậu chứ lị!

-          Em  như cái vách tường, nói cũng như không!

-          Thế cậu ngồi im à?

-          Dạ không, em đi ngáo!

-          Cậu khôn đấy nhá!

-          Dạ, không khôn thì làm sao sống được trên cái thế gian này...

-          Lâu lâu mới  thấy cậu phát thanh được một hai câu nghe đường được đấy!

-          Dạ, em cám ơn thầy. Em tiếp được không ạ?

-          Ừa, tiếp đi!

-          Như chủ đề dẫn thượng là “Trăng” thì chúng ta chỉ nên bàn ra tán vào về trăng mà thôi, phải không thầy? Nói lan man ra ngoài chủ đề là lạc đề...

-          Chính thế!

-          Thưa  thầy, thế thì ta nhập cuộc ngay! Nói về những nhạc phẩm xa xưa thì em xin  trình bài”Trăng mờ bên suối” của Lê Mộng Nguyên. bấm vào đây nghe Khánh Ly hát Trăng Mờ Bên Suối Đây là cảnh chiều rừng, có ánh trăng mờ, có con suối róc rách, có đôi tình nhân ngồi tựa bên nhau trong đêm vui  mà đã nghĩ đến chuyện mai sau, không biết đôi ngả phiêu bạt tới phương nào:

 

“ Người hẹn cùng ta đến bên bờ suối,

Rừng chiều mờ sương ánh trăng mờ chiếu

Một đêm thiết tha rồi đây xa cách

Rồi đây hai ngả biết tới phương nào.

Mịt mùng ngàn thâu suối mơ trầm lắng

Lòng buồn từ ly nhớ nhung chiều vắng

Người ơi nhớ khúc nhạc lòng đêm ấy

Ngàn đời vang nhắc bên suối trăng tà...”

 

-          Bài này nổi tiếng lắm, tôi đã nghe từ mấy chục năm nay rồi.

-          Dạ, em cũng vậy.

-          Cậu có thấy điều gì lạ ngay ở câu đầu không?

-          Dạ, không! Có gì lạ đâu. Hò hẹn nhau là chuyện thường tình mà lị!

-          Đành rằng thế! Nhưng ai hẹn ai mới được chứ? Cái lạ ở chỗ không phải  là chàng hẹn nàng mà chính nàng lại hẹn hò với chàng ở bên bờ suối. Lạ nữa là nàng hẹn chàng vào buổi chiều tà, lúc trăng sắp lên, tức là lúc tối trời, có ánh trăng mờ ảo. Hẹn như thế là bạo lắm đó nghe!

Cái khó hiểu nữa là “một đêm thiết tha” thì tôi không hiểu “thiết tha” là thiết tha như thế nào? Cậu có nhiều kinh nghiệm về hò hẹn, ý kiến của cậu ra sao?

-          Cái này thì em cũng chịu nhưng em nghĩ “thiết tha” ở đây là tha thiết, là khắng khít, là không muốn  rời nhau, như muốn xoắn lấy nhau trong cảnh trăng mờ bên suối...

-          Nói như cậu thì ai nói mà chẳng được!

-          Hay là dịp nào thầy gặp thầy Lê Mộng Nguyên ở bên Pháp qua chơi thì thầy hỏi lại là suya nhất!

-          Ừa, tạm để trong hồ sơ “Chờ”,  cậu tiếp  đi...

-          Em xin trích một đoạn nữa của nhạc phẩm để thầy nghe nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên tâm sự:

 

Suối ơi! Vờn theo bóng trăng vàng ngày xanh

Nào những lúc trên thuyền say sưa, nhìn trăng vừa lên

Ai hay chia lìa, sương gió biên thùy

Hiu hắt người đi sa trường xa

Một ngày xa nhau xóa bao hình bóng

Trời bày chia ly  chi cho lòng héo

Giờ đây cách xa người quên hay nhớ

Ngày xưa còn đó trăng nước mong chờ”.

 

Thế đó là nhạc sĩ mượn cảnh  mây nước, ánh trăng, con suối để dàn cảnh cho một mối tình có âu yếm mặn nồng, có chia ly nhớ nhung sầu muộn. Khung cảnh ấy được lồng trong nét nhạc nhẹ nhàng mà  rung cảm,  trong lời ca êm đềm mà đầy ắp nhớ nhung thì thử hỏi ai không thấy buồn man mác!

 

-          Cậu hỏi ai vậy, hay cậu hỏi tôi?

-          Dạ, em nói thế thôi chứ không hỏi ai cả!

-          Được rồi, tiếp tục.

- Dạ, tiếp. Thưa thầy, theo em thì đẹp nhất là trăng tròn, trong cảnh thiên nhiên. Chả thế mà nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã viết bài “Trăng rừng”  không những  mô tả cảnh trăng lên trong rừng thẳm mà còn nói đến  sinh hoạt  về đêm của muông thú. Giữa cảnh đêm trăng thơ mộng còn cả những cảnh ác thú điên cuồng cắn xé nhau. Rừng trở thành một sân khấu đầy  mộng  mơ và cũng đầy hiểm nguy rình rập. Với nhịp điệu mạnh mẽ, lời mộc mạc, ý gọn gàng, đây là bản “Trăng rừng”:

 

Trăng ơi! Chờ trăng lên trong góc rừng thâm xuyên

Ôi! Suối xanh, nước bình yên, có nhớ ánh trăng hiền

Lúc đêm đỏ rực như mầu máu, ánh trăng tang tóc chúng sinh sầu

Trăng lên, trăng sáng soi, trăng tràn lan khắp nơi

Trăng khuya rơi xuống đồi, xem quái vật đứng ham mồi

Mấy con ác thú đang điên cuồng, xâu xé nhau dành uống máu sống.

Trăng rừng ơi! (tiếng vọng) Trăng rừng ơi! (tiếng vọng)

Nhìn ánh trăng kia ta ước mong sao, tới ngày nao trăng hết hoen màu

và ánh xanh xanh dâng chiếu lung linh.

Chúng ta vui thanh bình.

Trăng rừng ơi!(tiếng vọng) Trăng rừng ơi! (tiếng vọng). Trăng ơi!”

 

Thầy Nguyễn Túc:

-          Tôi nhớ là Phạm Đình Chương không những viết “Trăng rừng” mà còn viết luôn cả bản “Sáng rừng” nữa đấy, cậu ạ! Bài này, nhập đề có tiếng thú rừng. Cậu hú lên vài tiếng mở đầu đi, rồi tôi hát.

-          Dạ, “Hù hu hu hú...Hù hu hu hú...”

Thầy Nguyễn Túc lên gân cái cần cổ, lắc lư con tầu đi rồi hát rằng:

 

-          “ Rừng xanh lên bao sức sống ...ú u ú u...

Ngàn cây xôn xao đón hương nồng của vầng thái dương hồng bừng lên trời Đông.

Cỏ cây vươn vai lên tiếng...ú u ú u...

Cùng bao nhiêu chim chóc tưng bừng

Dậy sau giấc đêm dài, triền miên triền miên.

Nhà sàn ai lam khói trong sương lam,

Ngọt ngào hương tre nứa trong rừng thưa

Có dăm đôi chim thơ, líu lo trong duyên mơ

Trong hơi gió đưa xa về dật dờ, dật dờ tình chan chứa.

Gió vi vu, vi vu

Suối êm xa như ru, như ru

Lá khô xuôi dòng ngù ngờ ngù ngờ xuôi về đâu!

Bình minh xuyên qua khe núi...ú u ú u...

Nguồn vui leo  tia nắng đây rồi

Đem hơi ấm cho đời, trẻ như đôi mươi...”

 

-          Thầy ca hết sẩy! Hấp dẫn nhất là cái mỏ chu lại, ú u ú u...thật là tuyệt...vọng!

-          Thây kệ tôi, mắc mớ chi đến cậu?

-          Dạ, mắc mớ chứ lị! Thầy mí em đang cùng nhau  hợp soạn đây mà!

-          Này, tôi nghe nói Văn Phụng cũng có bài viết về rừng mà đặt tên là “Trăng sơn cước”, phải không cậu?

-          Da  phải! Bài này Văn Khôi viết lời.

-          Cậu nhắc đến người viết lời làm tôi chợt nhớ đến cái cảnh người Việt  có tính hay phe lờ, lười và thiếu tự trọng. Chẳng hạn bài hát có người viết nhạc, người viết lời thì khi giới thiệu, trình diễn, vào băng nhạc, người ta cố ý không nhắc đến người cộng tác bản nhạc đó. Thí dụ như: “Lệ đá”ù  Trần Trịnh viết nhạc  thì quên Hà Huyền Chi đặt lời, “Lâu đài tình ái” của Trần Thiện Thanh thì quên Mai Trung Tĩnh, “Thuyền trăng” của Nhật Bằng thì quên hẳn Thanh Nam, “Thuyền viễn xứ” của Phạm Duy thì quên Huyền Chi, “Thôi” của Y Vân thì quên phắt tài tử Nguyễn Long (tức “Long đất”) và còn nhiều lắm lắm...

-          Thưa thầy, thế có cách nào để nhắc người ta tôn trọng quyền tác giả không ạ?

-          Tôi nghĩ nếu là cái “bệnh” thì còn chữa nổi chứ là cái “tật ” rồi thì khó chữa lắm!

-          Thế là đành chịu hay sao, thầy?

-          Chịu!  Tôi nói đây cũng chỉ là tiếng kêu trong sa mạc Sahara mà thôi. Thôi tiếp đi kẻo nguội điện. Bài này có gì lạ không hà?

-          Dạ, có! “Tựa đề Trăng sơn cước” cũng giống như “Trăng rừng” cùng một ý nhưng khác nhau về từ ngữ thôi. Nhưng cái  đặc biệt là bài này chơi theo điệu Rumba nên rất sống động. Nếu lại có thêm tiếng trống bập bùng, có tiếng mõ lốc cốc, có tiếng cồng chiêng quen thuộc phụ họa thì ca sĩ nào ca cũng được tán thưởng.

-          Thế thì cậu ca đi!

 

 -  Suốt canh tàn, một mình ta dưới trăng vàng

Đàn trầm rung khúc mơ màng, gợi lòng ta nhớ Mường Vang xa...

Nhìn ánh trăng, mơ về phía trời khuất xa,

Một tình thơ chốn non ngàn, ôi giờ phút sao sớm tàn.

Lòng còn hoài mơ một đêm, điệu nhạc rền vang rừng thắm

Ruợu cần càng vui càng uống, đắm say men nồng tình duyên

Cùng nàng ngồi bên bờ suối, hẹn hò một duyên tình mới

Nàng ngồi lặng nghe chẳng nói,  khẽ rung rinh đôi làn môi.

Suốt canh tàn, kề vai say ánh trăng vàng, nhạc xa đưa khúc mơ màng.

Nàng nhìn ra phía trời xa xa.

Như ước mơ, duyên tình thơ mộng dưới trăng,

Nhưng thời gian vẫn trôi hoài, trăng tàn úa rồi khuất mờ...” 

 

Thầy Nguyễn Túc:

- Bài này cũng dản dị thôi. Chỉ có câu “ Nàng ngồi lặng yên chẳng nói, khẽ rung rinh đôi làn môi” thì tôi không hiểu là cô ấy muốn nói gì?

-          Em nghĩ họ đang thủ thỉ mí nhau ở trong rừng sâu, rừng rậm giữa đêm trăng sơn cước thì còn cần nói năng gì nữa. Có nói cũng bằng thừa. Hóa nên, “khẽ rung rinh đôi làn môi” chỉ là một cử chỉ diễn tả sự cảm động, chứ không cần phát âm!

-          Vậy cũng nên! Còn gì về “Rừng” nữa không cà?

-          Dạ, còn “Đêm trong rừng” của Hoàng Quý. Tác giả dặn trước rằng bản này “Nhịp 2/4, chậm,có tiếng trống vỗ theo”. Vậy mới nổi bật những nét đẹp, những nét độc đáo của rừng đêm. Chúng ta mường tượng ra như nghe, như trông thấy khung cảnh núi rừng trong ánh lửa  bập bùng, âm u thác lá, có đoàn trai ngồi quanh  lửa hồng, cất cao lời nguyền cùng nhau góp công gắng sức xây đắp ngày tươi mới:

 

Rừng muôn cây xanh cao, âm u ngàn gió lá

Khuất bóng ánh trăng sao, ngồi chung quanh phiến đá, ta khơi lửa hồng

Bập bùng, bập bùng trong đêm thâu”.

....

“...A...ngồi trong ánh hương đêm, ta cùng cất cao lời nguyền

Thề đồng tâm ta quyết thề sông núi, đem tâm can xây đắp ngày tươi mới”

...

“...Một lòng son! Bền tâm chí! Vì non nước!

Có sá chi lao lung, anh em ơi im nghe vang âm trong rừng”.

 

-          Hình như bài này không có liền bà, phụ nữ tham dự thì phải, cậu nhỉ!

-          Dạ, hình như thế! Chắc các bà, các cô ở nhà nghỉ khỏe. Vào rừng đêm lạnh lẽo âm u, ngộ nhỡ hắt hơi sổ mũi thì  khốn!

Thầy Nguyễn Túc:

- Nhắc cậu nhá! Vẫn nói về rừng, về miền sơn cước, nhiều người còn nhớ bài “Sơn nữ ca” của Trần Hoàn ! Bài này ngộ lắm!

-          Thưa nó ngộ ở như chỗ nào ạ?

-          Ngộ ở như chỗ, người sơn nữ đang đêm  trốn nhà đi sâu vào rừng núi hò hẹn cùng anh lữ khách. Không biết cô nhìn anh có thấy cái gì khác lạ không mà cô lại cười khúc khích, ngắm anh lữ khách mà lòng bâng khuâng, thế mới thú vị tình thâm chứ lị! Anh lữ khách bỗng trở thành một chủ đề, một cái mốc  để nàng sơn nữ nhìn  chàng đăm đăm, như muốn  tiến chiếm  làm  riêng kỷ vật!

-          Chà, ghê gớm vậy thưa thầy. Em  tưởng cũng phất phơ thôi chứ!

-          Không đâu! Nghe nhá!

 

Một đêm trong rừng vắng, ánh trăng chênh chếch đầu ghềnh

thấp thoáng bóng cô sơn nữ miệng cười xinh xinh

Một đêm trong rừng vắng, có cô sơn nữ miệng cười khúc khích,

Ngắm anh lữ khách rồi lòng bâng khuâng.

Một đêm trong rừng vắng, có anh lữ khách nhìn trời xa xa,

biết đâu sơn nữ nhìn mình đăm đăm.”

 

Cai tôi:

- Em cũng thấy là cô sơn nữ ngắm anh đã đời rồi  mới đến lượt anh lữ khách  kể lể dài dòng tâm sự:

  Sơn nữ ơi! Đời ta như cánh chim chiều phiêu bạt thời gian, vun vút trời mây

Sơn nữ ơi! Đừng làm thắc mắc cho lòng khô cạn từ  nay nước mắt đầy vơi.

Sơn nữ ơi! Thời gian lôi cuốn bao lần bên rừng đầy hương bát ngát trời thu

Sơn nữ ơi! Đành lòng sống với bên rừng thơ mộng cùng hoa với lá ngàn hương…...”

 

Thầy Nguyễn Túc:

-          Sao không gọi tên, như Pờ Lai, Phà Ca, Ô La Biên mà cứ rên rỉ “Sơn nữ ơi!” là thế nào?

-          Dạ, là bởi nàng sơn nũ chưa cho biết quý danh!

-          Thôi, được rồi. Này,Văn Phụng có bài “Trăng sáng vườn chè”, thơ Nguyễn Bính, cậu còn nhớ không?

-          Dạ, nhớ chứ! Đoạn đầu như thế này:

 

Sáng trăng, sáng cả vườn chè

Một gian nhà nhỏ đi về có nhau

Vì tầm tôi phải chạy dâu

Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay...”

 

Thế cậu có thấy điều chi ngồ ngộ, sường sượng trong bài hát này không?

-          Dạ, có. Ở cái đoạn kế tiếp: “Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa, anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng”. Như thế này hóa ra, về “hình thức” thì  họ lấy nhau rồi, còn về “nội dung” thì cả hai vẫn  là “xê li bạt”?

-          Sao vậy?

-          Vì là vợ chồng thì phải “động phòng” ngay từ hôm mới rước dâu về chứ! Đâu có chuyện ngâm tôm, ra điều kiện là phải thi đỗ rồi mới động đậy? Thế ngộ nhỡ đi thi hoài mà vẫn chưa đỗ thì cứ nằm co một mình à? Vừa phải thôi chứ! Vả lại, theo tâm lý học, bình tâm mà nói thì trong tình trạng đau thương ấy, anh chồng còn đầu óc đâu mà dùi mài kinh sử nữa?

-          Cũng có lý lắm! Nhưng đây là thơ, là ngụ ý, là muốn cho tình tứ thơ mộng í mà!

-          Em không đồng ý với thầy đâu. Thầy có ở trong hoàn cảnh đó mới thấy nó khô khan, khó khăn, khốn khó...Thầy cứ thử nghĩ xem, ngồi học mà cô vợ trẻ mới lấy về chưa  được chấm mút gì, cứ ngồi phây phây ra đấy thì có đến thánh cũng không chịu nổi nữa là...

-          Chắc là phải đấy!  Nhưng thôi, đó là chuyện người ta. Trở lại chuyện mình đi!

-          Dạ, trở lại chủ đề về "Trăng" , em không thể quên được bản “Thuyền trăng” của bạn thầy là nhạc sĩ Nhật Bằng, lời của nhà thơ Thanh Nam. Bài này nhịp Boléro, như cho ta cảm giác ngồi trên thuyền,  trôi trên làn sóng nhe,ï dìu theo ánh trăng trong, văng vảng tiếng đàn. Để nhớ bến Tầm Dương canh khuya đưa khách, để thương cho thân phận anh Trương Chi mê nàng Ngọc Nữ đêm nào. Hay nương con thuyền dưới ánh trăng  thanh mà thương cho chính thân phận của mình, nghẹn ngào hận tình sầu mộng về đâu!

 

Thuyền trôi  triền miên trên sông nhip nhàng

Thuyền trôi lướt êm trong sương mơ màng

Gió đưa con thuyền dìu theo ánh trăng

Bờ xa âm thầm làn sóng luyến thương.

Thời gian nhẹ trôi như ru mộng đời

Thuyền ơi, hãy đi thăm nơi chân trời

Dưới trăng ta về dạo chơi xứ thơ

Cùng với tiếng đàn hòa khúc mơ hồ.

Ta nghe trăng sầu, ngàn năm soi chốn giang đầu

Thương anh Trương Chi yêu nàng Ngọc Nữ  đêm nào

Câu hát ân tình muôn đời duyên kiếp chưa phai

Hồn còn nghẹn ngào, hận tình sầu mộng về đâu.

Thuyền trôi  chèo nghiêng trên sông lặng lờ

Vầng trăng khuất sau chân mây mơ hồ

Lắng nghe sông buồn dạo lên khúc ca

Thuyền hỡi  nhớ về cùng bến mong chờ”.

 

Thầy Nguyễn Túc:

-          Nãy giờ, chắc là cậu quên một bài rất  quen thuộc, từng được cặp song ca Ngọc Cẩm&Nguyễn Hữu Thiết hát ở Saigon...

-          Dạ, em đâu có quên nhưng  ngặt vì phải sắp xếp cho theo một trình tự đấy chứ!

Đó là bài “Gạo trắng trăng thanh” của Hoàng Thi Thơ. Em có một kỷ niệm về bài này khi đóng quân trên vùng Kontum. Vào đêm trăng, ngồi trong quán cà phê ven đồi, dưới suối mấy cô gái Thượng vừa giặt rũ vừa líu lo nô đùa vui vẻ. Trong quán lá mái thấp đèn vàng, có dăm ba người khách,  chiếc máy hát quay tay đĩa nhựa, tiếng hát Ngọc cẩm&Nguyễn Hữu Thiết vang lên theo chiếc kim rè. Em nhìn trăng sáng tỏ, ngắm mấy cô sơn nữ , nghe khúc nhạc “Gạo trắng trăng thanh”, tâm sự rối bời mà lòng ngổn ngang như mình  cũng là Tư Mã Tương Như bị đầy nơi đất trích. Nhưng chính ra bài này có âm điệu vui, lời ca bình dị, mô tả cảnh giã gạo đêm trăng, tiếng chày khua như tiếng vơi tiếng đầy. Chẳng qua là “người buồn, “nhạc” có vui đâu bao giờ” đấy thôi!

 

Trong đêm trăng, tiếng chày khua, ta hát vang trong đêm trường mênh mang

Ai đang say, chày buông lơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy.

Ai đang đi trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê

Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về”

 

Đến đây, em chợt thấy một chuyện không ổn!

 - Không ổn là ở như chỗ nào nào?

-          Dạ, là  ở như chỗ này: Cô gái quê “đang đi trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê” mà lại có anh con trai tán tỉnh, mời chào rằng “Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về” thì có chết con nhà người ta không cưa chứ!

 

-          Làm sao mà chết?

-          “Chết” ở như chỗ cô nàng đang “đê mê” mà lại được mời “Vô đây em” thì có nguy không? “Vô đây” làm gì? Tại sao lại  muốn giữ lại ở lâu đến khuya mới về? Nói chuyện gì mà lắm thế? Còn mục gì  khác lạ nữa không??? Đấy, thầy xem, con gái đi chơi dưới trăng nó nguy hiểm đến tính mạng là vậy!

-          Cậu bình tĩnh nghe tôi nói đây. Cậu lo thế là phải nhưng phải nghe cho hết câu chuyện đã chứ! Đành rằng cậu cả mời mọc, đón đưa như thế nhưng cô con gái có vô không? Có chờ đến khuya mới về không? Cứ theo như tác giả trình bầy thì không thấy nói chi đến cô bé có nhận nhời vô chơi hay đi về thẳng nhà.

Theo như tôi nghĩ thì không có chuyện đó. Lời mời của cậu cả chỉ là  lời ngỏ ý mời em vào chơi sơi nước thôi. Vậy ta cứ coi như cô nàng nghe qua rồi bỏ, đi thẳng về nhà với mẹ.

-          Thưa, nếu được như thế thì em đây cũng mừng...hụt cho chàng! Bởi đoạn kế tiếp mô tả là “Anh em giã trắng cối này, duyên ta ví đặng sông dài Cửu Long”, chứng tỏ không có gì lộn xộn xẩy ra sốt cả.

-          Thôi, xong rồi. Tiếp đi! Sao dạo này cậu hay cà kê dê ngỗng vậy cà?

-          Dạ, “gần mực thì đen” ạ!

-          À, cậu ám chỉ tôi đấy hả!

-          Dạ, đâu dám! Đấy là thầy tự gán cho mình đó thôi!

-          Thôi, “Bỏ đi Tám”!

-          Dạ, bỏ. Xin tiếp. Bài này nữa, không nhắc đến coi như thiếu sót hạng nặng: “Hàn Mặc Tử” của Trần Thiện Thanh, nhắc đến trăng rất nhiều:

 

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Trăng nằm yên trên cành liễu đợi chờ

Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Chẳng bán tình duyên lỡ hẹn hò.

Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa

Lầu Ông Hoàng đó thủa nao trăng Hàn Mặc Tử đã qua

Aùnh trăng treo nghiêng nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng

Tiếng chim kêu đau thương như nức nở dưới trời sương

Lá rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người tìm về giữa đêm buồn.

Đường lên dốc đá, nhớ xưa hai người đã một lần đến

Tình yêu vừa chớm, xót thương cho chàng cuộc sống phế nhân

Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết

Trách thay cho tơ duyên chưa thắm nồng đã vội tan

Hồn ngất ngây điên cuồng cho trời đất cũng tang thương, mà khổ đau niềm riêng”

 

Thưa thầy, mối tình của Hàn Mặc Tử thì chúng ta đã nghe qua, nhưng em có cái may mắn hơn người là đã đứng trên Lầu Ông Hoàng cạnh bờ biển Phan Thiết. Lầu  chỉ còn là cái nền gạch đất bằng phẳng. Rồi em lại có dịp ra Qui Nhơn, thăm lăng Hàn Mặc Tử nằm bên bờ biển sóng vỗ rì rào, cạnh một đồn quân sự. “Lăng” chỉ còn là một khung gỗ không có mái che, nom rất tiêu điều.

 

Hàn mặc Tử đã viết nhiều bài thơ nói đến trăng, như:

 

Bẽn lẽn” (Trăng nằm sóng soải trên cành liễu), “Dalat trăng mờ”, ‘Huyền ảo” (mới lớn lên trăng đã thẹn thò), “Một miệng trăng” (Cả miệng ta trăng là trăng), “Một nửa trăng” (Hôm nay có một nửa trăng thôi, một nửa trăng ai cắn vỡ rồi!”, ”Tình quê” (Cách nhau ngàn vạn dặm, nhớ chi đến trăng thề), “Đây thôn Vĩ Dạ” (Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó, có chở trăng về kịp tối nay?), “Ngủ với trăng” (Tiếng vàng rơi xuống giếng, trăng vàng ôm bờ ao)...

 

-          Thôi, nói thế đủ rồi. Có tiếp nữa hay ngưng đây?

-          Dạ, còn tiếp nữa chứ ạ! Có những bài hát, tựa đề không nhắc đến trăng mà nội dung thì toàn là trăng không à!

-          Thí dụ?

-          Thí dụ như bài này, ai cũng thuộc, ai cũng nhớ, ít ra là nhớ lõm bõm: “Thàng Cuội” của Lê Thương:

 

“ Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ.

Lặng im ta nói Cuội nghe, ở cung trăng mãi làm chi

Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ.

Gió không có nhà, gió bay muôn phương, biền biệt chẳng ngừng, trên trời nước ta.

Lặng nghe trăng gió bảo nhau, chị kia quê quán ở đâu?

Gió không có nhà, gió bay muôn phương, biền biệt chẳng cùng, trên trời nước ta.

Các con dế mèn suốt trong đêm khuya, hát xẩm không tiền nên nghèo xác xơ...”

“...Các em thích cười, muốn lên cung trăng, cứ hỏi ông trời, cho mượn cái thang.

Mười lăm tháng tám trời cho, một ông trăng sáng thật to

Các em thích cười, muốn lên cung trăng, cứ hỏi ông trời cho mượn cái thang...”

 

Cũng vẫn tựa đề không nói đến trăng mà nội dung lại nhắc đến trăng, là bài “Đố ai” của Phạm Duy:

 

...Đố  ai biết lúa, lúa mấy cây?

Biết sông, biết sông mấy khúc?

Ơùi biết mây, biết mây mấy từng?

Biết mây mấy từng (ư ừ ư ư)

Đố ai quét sạch ơi lá rừng?

Để, để tôi...

Để tôi khuyên gió ơi gió đừng

Gió đừng rung cây (2 lần)

              ***

Đố ai biết gió, gió ở đâu?

Gió hay, gió hay đi vắng ơi lúc nao

Lúc nao có nhà? (2lần)

Đố trăng mấy tuổi ơi trăng già?

Để, để tôi...

Để tôi lên tiếng ơi mặn mà

Mặn mà yêu em (2 lần)

    ĐIỆP KHÚC

Đố ai nằm ngủ không mơ?

Biết em nằm ngủ hay mơ!

Nửa đêm trăng xuống

Đứng chờ ngoài hiên.

Nửa đêm anh đến

Đến bờ yêu đương.

Đố ai tìm được tim ai?

Biết em tìm được tim tôi!

Để tôi ca hát cho đời nên thơ

Để tôi âu yếm dâng người trong mơ.

 

Thầy Nguyễn Túc:

-          Theo tôi biết thì  Phạm Duy viết bài “Đố ai” đã cải biến điệu HÁT DU trong HÁT Ả ĐÀO thành bài tình ca có tính chất dân ca đấy, cậu ạ!

-          Dạ, cám ơn thầy.

Thầy Nguyễn Túc:

-          Này, nghe cậu tán mãi về trăng, tôi nẩy ra cái ý này, cậu giải thích xem nghe có được không nhá?

-          Dạ, xin thầy cứ phát biểu...

-          Tôi thấy người ta nói nhiều đến “Trăng thề”, ý chừng như chỉ có thể thề thốt dưới trăng mà thôi. Vậy sao không thề ban ngày ban mặt dưới ánh mặt trời cho nó quang minh chính đại có phải là  hợp tình hợp lý không nào?

-          Theo em đoán mò thì ban ngày, ai cũng bận rộn đi làm đi ăn đi học đi hành đi buôn đi bán nên không được rảnh rang, thoải  mái. Hai nữa, thề dưới ánh mặt trời nóng quá, chịu không thấu. Ba nữa là giữa ban ngày, trời sáng quá, thề thốt quấy quá, nói năng lộn xộn, dấu đầu hở đuôi rất dễ bị lộ tẩy! Thiềng thử ra, các cô các cậu mới hẹn hò nhau, thề thốt dưới ánh trăng cho nó thơ mộng lâm ly, tỉ tê tán tỉnh, sờ sẫm, ôm iếc cho nó tự nhiên. Vậy là lúc thuận tiện nhất để trao đổi câu thề, cho dù là “Thề cá trê chui ống”, tức là thề văng mạng, thề sống thề chết mà chả đi đến đâu sốt cả, giống con cá trê trơn như mỡ chui qua cái ống mà nó lại thủng cả hai đầu...

Ý thầy ra sao, xin cho em được biết tôn ý?

-          Cậu nói hết rồi, còn gì để cho tôi nói nữa! Thôi, ta lại tiếp cho hết đi...

-          Dạ, tiếp. Chúng ta là những người tị nạn cộng sản, chọn nơi này làm quê hương nhưng vẫn không bao giờ quên nơi chôn rau cắt rốn. Thế nên  ở trên đất Mỹ, nhìn trăng  bên  Mỹ mà lại nhớ đến trăng Saigon. Như thể vầng trăng Saigon cũng theo ta lẽo đẽo  dù ta lưu lạc bất cứù phương trời nào.

-          Thế nghĩa là thế nào?

-          Dạ, là thế này: Là “Đêm nhớ trăng Saigon” của Phạm Đình Chương, thơ Du Tử Lê:
bấm vào đây nghe Thái Thanh hát Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn

bấm vào đây nghe Quỳnh Giao hát Đêm Nhớ Trăng Sài Gòn, với giọng đọc giới thiệu của Du Tử Lê

 

Đêm về trên bánh xe lăn

Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng

Tìm tôi đèn thắp hai hàng

Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây

Ngỡ hồn tứ xứ mưa bay

Tôi chiêng trống gọi, mỗi ngày mỗi xa.

Đời tan, tan nát chiêm bao

Tôi trăng viễn xứ, sầu em bên nào?

 

Đêm về trên chiếc xe qua

Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hàng Xanh

Nhớ em kim chỉ khứu tình

Trưa ngoan lớp học, chiều lành khóm tre

Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè

Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do

Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè

Nhớ pho tượng lính, buồn se bụi đường”

 

-          Nghe buồn thật đấy cậu ạ! Những là “Tôi trăng viễn xứ  sầu em bên nào?, Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do, nhớ nghĩa trang xưa, nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường...”.

Này, cậu có để ý thấy nhiều bài thơ phổ nhạc chứ?

-          Dạ, đúng!

-          Thế sao cậu không làm thơ có phải mau nổi tiếng hơn la ì à ì ạch viết văn cả mấy chục năm rồi mà có ai biết đến cậu đâu!

-          Cám ơn thầy, nếu mà em làm được vài câu nghe đường được thì em đã sáng tác từ lâu rồi! Khốn nỗi, mỗi khi em định  làm thơ thì bao nhiêu vần điệu trốn đi đâu mất tiêu, không tài nào moi ra được. Thơ lại cần cái ý, sao cho chỉnh, cho mới lạ, cho có hình ảnh mầu sắc, cảm được người nghe thì mới ăn tiền.

Có lần em đã đưa cho một người bạn cũ đọc dùm thơ và xin ý kiến.

 Nó đọc xong, nó quỳ xuống vái em 3 vái mà rằng: Tôi lạy cậu, xin cậu tha cho làm phúc, đừng bắt thiên hạ phải bịt mũi thưởng thức thơ kiểu này...

Thế là từ đó em tịt ngòi, không dám ho hoe gì nữa, thầy ạ! Nói thầy thương!

-          Thương thật đi ấy chứ! Trở lại đề tài về trăng, tôi thấy còn nhiều bài cùng một chủ đề chẳng hạn như “Trăng thanh bình”, “Trăng thề”, “Trăng sáng trong làng”, “Trăng tàn trên hè phố”,”Trăng Mường Luông”, “Tình yêu trả lại trăng sao”, “Vần thơ sầu rụng”,”Dalat trăng mờ”... Nhưng tôi thấy hình như cậu bắt đầu thấm mệt rồi thì phải! Nếu đúng vậy thì ta chuẩn bị “ô rơ lui” đi, để lại hẹn mí lị bạn đọc đón coi hồi sau sẽ rõ.

-          Thưa thầy, thầy nói dùm em như thế là “Ô kê, ve-ri gút” lắm rồi đấy ạ!

 

Thưa bạn đọc, đề tài về “Trăng trong tân nhạc” đến đây sắp cạn nên tạm coi như là “oong poong phi nan”.

Có gì, ta sẽ lại bàn đến trong bài kế tiếp.

Xin kính chúc bạn đọc một đêm yên lành.

Thầy Nguyễn Túc:

- “So long”!

Cai tôi:

- Thôi nhá! “Bai” hỉ!

                                                                                                        

Lê văn Phúc

                                                                                                                     

Virginia, 12-2004

"Thầy" Nguyễn Túc và nhà báo Lê Văn Phúc