Lê-văn-Phúc

 

ĐỜI SỐNG QUANH TA

 

TÁN ĐÀO...

 

(Theo Văn Nghệ Tiền Phong)        

 

Chữ “tán” trong bài này  chỉ thu hẹp trong cái nghĩa là “tán tỉnh”, “tán nhăng tán cuội”, “tán vào”, ”tán vô tội vạ”...  với chủ đích là bốc thơm, ca tụng cá nhân hay đối tượng nào đó những mong thu hoạch được nhiều thắng lợi...

 

Còn như những chữ “Cam tích tán”, “Cao đơn hoàn tán”...đều không thuộc “diện” này.

 

Cụ thể nhất, rõ nhất là :

 

              TÁN GÁI

 

Tán gái là một nghệ thuật, đòi hỏi nhiều công trình nghiên cứu, học hỏi, canh tân để theo kịp đà tiến hóa văn minh của nhân loại.

 

Trong các độc giả phái nam của bổn báo, ai cũng có  khá nhiều  kinh nghiệm. Tài diễn xuất tùy sáng kiến cà nhân, tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng...

 

Có khi nhờ thiên phú, có khi nhờ thu lượm hay khai thác  được không phải ở “trường học” mà ở ngay “trường đời” hoặc tốt hơn hết là ở...“tình trường”.

 

Chỉ có điều, là hiếm thấy ông nào dám minh danh, vỗ ngực tự thú về những mối tình vụn, tình hờ, tình câm, tình hồng, tình tính tang của mình cho anh em bà con được học hỏi kinh nghiệm quý báu cũng như kinh nghiệm đau thương...

 

Thế nên, cho đến khi ca khúc “Nắng chiều” hay ca khúc “Chiều mưa biên giới anh đi về mô...” vẫn ít thấy ai thổ lộ can tràng, cứ dấu im ỉm, “thin thít như thịt nấu đông” rất là tội nghiệp!

 

Với tôi thì lại khác. Tôi thuộc ngoại lệ, nghĩa là “bánh đúc bầy sàng” có sao nói vậy. Đẹp phô ra mà xấu xa cũng tự phanh phui ra tuốt luốt. Ít ra, tôi cũng can đảm hơn các bạn mình. Tôi không “thêm” mà chỉ có “bớt” chút đỉnh đi thôi. Không dám khoe khoang lớn lối.

Cho yên cửa yên nhà...

 

           BÁN TÍN BÁN NGHI...

 

Vậy, thưa mí lị lị quý độc giả thân mến, những mẩu chuyện tôi nói ra đây là những chuyện hoàn toàn có thực, xẩy ra trong cuộc đời tôi chứ không “phịa” ra hoặc gọi là “hư cấu”!

 

Một số độc giả cứ bán tín bán nghi, hỏi tòa soạn hay bạn cũ của tôi rằng thì là:

 

- “Có phải “Công tử Hải-Dương” hồi trẻ cũng như hồi già đích thực hào hoa phong nhụy khiến các bà, các cô mê như điếu đổ không? Hay đó chỉ là do óc tưởng tượng của mấy ông nhà văn nhà thơ thêu dệt cho tình thành mộng, chứ sự thực thì chả có ký lô nào?”.

 

- Bổn chức lại phải nhắc lại rằng: “Đó là những chuyện thực đấy ạ!”

 

Để bổn tiệm kể cho quý vị nghe xem có giống cái “ca” của bạn đọc không nhá!

 

Khi chưa quen nhau, chưa biết tên tuổi, chưa biết lý lịch thì chuyện tán tỉnh rất ư là nhiêu khê diệu vợi. Người con trai phải có nhiều sáng kiến, làm sao cho đối tượng để ý tới mình mới được. Bởi vì ngoài ta ra, còn có biết bao nhiêu kẻ khác cũng nhòm vào, cũng mưu tính  để  giữ làm “kỷ vật cho anh”.

 

Ở nhà quê chúng ta, ca dao phong phú nên  anh con trai thường mượn đỡ lời thơ mộc mạc, dí dỏm, dễ thương để tán gái sát sàn sạt.

Chàng hát  câu ca do lửng lơ con cá vàng, rồi nhập đề cái phóc:

 

Lấy ai cũng thể làm chồng,

Lấy ta, ta bế ta bồng trên tay.

 

Hoặc tình tứ, lãng mạn mà lại tán sát hơn thì:

 

Con gái có chồng, mặt mày hớn hở,

Con trai chưa vợ, mặt tựa trái chanh.

Nhìn lên mây trắng, trời xanh,

Lấy ai cũng vậy, lấy...anh cho rồi!

 

Cô gái nào nghe đến câu chót mà chả bật cười, thầm khen anh chàng nào đó ăn nói có duyên.

 

Những ngày hội hè đình đám, tết nhất chính là những cơ duyên cho trai gái gặp gỡ, hẹn hò.

 

Ở tỉnh thành thì kiểu cách hơn, vất vả hơn như viết thư tình trên giấy mầu hoa đào ướp chút nước hoa thợ cạo; lẽo đẽo theo nàng mỗi khi tan trường về; dò la hỏi tên, hỏi nhà cửa xem giờ này em ở đâu?

 

Quan trọng nhất là luôn luôn phải kiếm cách để khen  đối tượng. Khen mà cô nường cười tủm tỉm, không có phản ứng nào bất lợi là có cơ thăng tiến.

 

Bởi  đối tượng nhận lời khen là khởi sự có cảm tình với mình rồi. Từ cảm tình đi tới giai đoạn tình cảm không mấy xa xôi, khoảng cách  chỉ bằng vài sợi tóc....

 

Chàng trai cứ tiếp tục hành trình đơn độc, thế nào cũng có kết quả trông thấy. Từ khoảng cách ngàn  trùng, ô kìa đời bỗng dưng vui, chuyễn vế sang giai đoạn mới lúc nào không biết.

 

        AI LÊN XỨ HOA ĐÀO

 

Tán đào là giai đoạn nối tiếp của tán gái. Vì khi đã gọi là “đào” thì ta  gần gũi người đẹp hơn chứ không còn “xa cánh nhau muôn trùng” như cái thuở  Chưa gặp em tôi đã nghĩ rằng...” nữa.

 

Cái thuở Cai tôi vào Dalat làm lính nhà vua thì ôi thôi, như cá gặp nước ngọt, như mây gặp  rồng, ô mê ly đời ta, sung sướng không thể chịu được.

 

Bạn nào từng sống trên miền cao nguyên Trung Phần trong khung cảnh Lâm viên hẳn không thể nào quên được những cảnh thơ mộng, lãng mạn, tuyệt cú mèo của xứ hoa đào.

 

Khí hậu thì mát mẻ quanh năm, đồi núi chập chùng vây quanh thành phố mộng mơ, thông reo vi vút, suối chảy thác reo, hoa lá muôn mầu khoe tươi khoe sắc. Nhắt là dịp Tết, hoa anh dào nở rộ một khung trời thần tiên, ai tới cũng tưởng như mình đang lạc vào chốn thiên thai, quên  khuấy cả  lối về trần là quốc lộ Saigon-Dalat.

 

Thắng cảnh cao nguyên lại rất tình tứ nên thơ.

 

Có những cái tên dễ yêu dễ nhớ như: Suối Cam Ly, thác Prenn, hồ Than Thở, rừng Ái Ân, đèo Ngoạn Mục...

 

Có những tà áo, những bộ đồng phục  gợi cho ta nhiều kỷ niện học trò Yersin, Couvent des Oiseaux, Bùi-thi-Xuân...khi đợi chờ “em tan trường về” những chiều nhạt nắng.

 

Có những tên phố, tên tiệm, quán kem, rap xi-nê, nhà sách nằm sát nhau quanh một ngọn đồi cao, giống như những chân của một con bạch tuộc nơi khu phố chợ sầm uất của thành phố trên đất “Hoàng triều cương thổ”.

 

Mà điều thú vị, độc đáo nhất là con gái Dalat, cô nào cũng má đỏ hây hây dù không son phấn tô hồng. Các cô nàng mặc áo dài, phủ ngoài bằng chiếc áo len ngắn tay gọn gàng, gọi là “áo boléro” mầu hồng, mầu tím, mầu vàng nom thật dễ thương. Lại có  em e ấp trong chiếc nón bài thơ, che nghiêng khuôn mặt trái  soan, mắt sáng môi xinh, rõ ra cái tuổi xuân thì...

 

Thì cũng đúng vào thời điểm ấy, Cai tôi xuất hiện trong khung cảnh thần tiên, giữa một trời hoa xuân khoe sắc thắm.

 

        GƯƠM LẠC GIỮA

         RỪNG HOA...

 

Nhờ được trang bị từ hồi tiểu học, Cai tôi đã biết võ vẽ vài ngón đờn như: Mandoline, Banjo, sáo, guitar... và dăm chục bài ca theo điệu quân hành, điệu “sì-lô” nên khi đăng lính được bổ sung ngay vào Ban Văn Nghệ Phòng 5/NLQ.

 

Bọn lính văn nghệ chúng tôi mới đề nghị lên thượng cấp một chương trình phát thanh mệnh danh “Tiếng Nói Ngự Lâm Quân”, mỗi tuần phát thanh 45 phút vào chiều Thứ Năm.

 

Thế là bọn lính văn nghệ có cơ duyên làm quen với các cô thích văn nghệ văn gừng và các em nữ sinh trung học muốn trở thành danh ca trên làn sóng điện.

 

Trong số lính văn nghệ, phần đông đã có gia đình hoặc có ông hơn chúng tôi cả 5,10 tuổi nên không có sự cạh tranh, kèn cụa nhau vì đào. Chỉ có là ông nào lớn tưởi thì tự động chọn đào già. Còn bọn tôi vài đúa bao thầu đám đào trẻ, mầm non văn nghệ.

 

Nhờ trời thương thánh độ, phúc đức ông bà để lại mà Cai tôi có một lúc tới.. ba cô em gái hậu phương.  Sở dĩ con số tăng vọt như thế vì Cai tôi chuyên trị vụ đưa  đón các em lên Đài tập hát bằng phương tiện xe Dodge 4 (gọi là xe Đốt Cát – theo tiếng Tây). Mấy tên bạn kia làm biếng nên chúng nó “nhường” hết cho tôi  quản  trị các em.

 

Em nào tôi cũng  đối xử rất đình huỳnh. Là lính không có dư dả tiền bạc, chỉ đủ trả tiền cơm tháng ngoài chợ và mua quà vặt tặng các em thôi. Nên khi muốn tỏ tình  như các hiệp sĩ thời Trung Cổ, tôi thường tặng hoa. Nhưng vì túi không tiền nên tôi đành phải muối mặt đi háit trộm hoa. Tôi lựa những đêm tối trời, đi lủi thủi dọc con đường Phan-đình-Phùng, Hoàng-Diệu,  biết nhà nào  trồng hoa, có hoa đẹp là tôi vặt hoa xong chạy nước rút.

 

Có lần tôi bị chủ nhà rình, vừa mới ngắt được một cành hoa, đã bị rượt bắt. Tôi phải chạy chối chết, còn hơn là chạy thế vận “Ô-lanh-pích”.

 

May mà thoát chết chứ không cũng què cẳng què giò!

 

      NGÀY ANH 20 TUỔI...

 

Trong số 3 nữ sinh, tôi yêu nhất là một em . Ngày tôi  20 tuổi thì em mới 16 cái trăng tròn sinh trưởng tại Dalat. Em xinh em bé tên làø Kim Nhan . Mấy anh em nàng đều cỡ  vô địch bóng bàn miền Trung.

 

Có lần nàng tranh giải chung kết, tôi ở đâu tạt vào coi. Nàng đang hơn điểm đối phương mà thấy tôi, nàng đỏ mặt, đâm ra loạn chiêu, vụt banh ra ngoài mấy trái liền. Tôi phải di tản chiến thuật ngay lập tức  kẻo nàng mất chiếc cúp  hạng nhất.

 

Quen nhau dâu chừng nửa năm, tôi cứ thấp thỏm làm sao rủ được nàng đi chơi một bữa cho tình thành mộng.

 

Thế rồi nàng hẹn hò, gặp tôi bên bờ hồ Xuân Hương, cạnh chiếc cầu, lối lên dốc nhà thờ.

 

Được lời như cởi tấm lòng. Tôi phải ra công chuẩn bị chu đáo điểm hẹn.

 

Công tác đầu tiên là “tiền đâu”? Tôi không có tiền, chỉ có tình là đầy ắp. Thế nên, tôi phải áp dung phương pháp Lỗ-bình-Sơn ở trong rừng, đi thám sát địa thế xem chỗ nào xa nhân gian, kín đáo, an toàn để làm nơi hò hẹn.

 

Kiếm được một chỗ hũng sâu trong bờ, tôi kiếm  vài tờ báo lót chỗ trũng rồi trải lá thông ngụy trang, nom rất là tự nhiên, tươm tất.

Buổi chiều bữa hẹn, tôi tới sớm đợi em dưới  gốc thông già. Chừng nửa tiếng sau, “em xuất hiện như vì sao lạ, từ nơi mờ tối cảnh trần gian, ở đó tôi luân luu gần tuyệt vọng” - thuổng thơ Mai-trung-Tĩnh – trong dáng đi ngập ngừng, e thẹn.

 

Trời chiều đã bảng lảng bóng hoàng hôn, còn tôi như người say rượu, ngất ngây tưởng sắp lạc lối thiên đường.

 

         PHÚT ĐẦU TIÊN ẤY! 

     

Gặp nhau riêng tư lần đầu, chúng tôi lúng túng không biết nói năng gì. Tôi dìu nàng đi theo ven hồ, bước chân chiều chủ nhật. Tôi nắm tay nàng, bàn tay ấm lạ thường, thấy nàng “run như run thần tử thấy long nhan” còn mình thì cũng “trống ngực thùm thụp như trống làng”. Đúng ra phải nói

 

Run như run Lê-Phúc thấy Kim-Nhan”.

 

May nhờ có tí máu nhà binh nên tôi mạnh dạn hơn, dìu nàng trực chỉ chỗ đóng quân.

 

Tới nơi, tôi kéo nàng ngồi gần vị trí phòng thủ, nói là để ngắm cảnh hồ lúc chiều tàn.

 

Nàng e ấp, ngại ngùng như nghi kỵ điều chi khó tả!

 

Trong khoảnh khắc, tôi như bị động kinh, lên cơn sốt cấp tính, ôm choàng lấy cô bé, đè ngửa xuống hố cá nhân, hôn lấy hôn để. Chỉ thiếu chút xíu nữa là tôi mang trọng tội... cưỡng dâm!

 

Cô bé bỗng dưng bị đè nghiến ra, chẳng còn vẻ gì gọi là thơ mộng, du dương nữa.

 

Theo phản ứng tự nhiên của người không biết võ, nàng xô tôi ra, đấm ngực tôi thùm thụp, vùng dậy đứng lên đòi về.

 

 Nàng vừa run sợ, vừa khóc mếu máo. Ôi sao con gái khóc sao mà dễ...sợ đến thế!

 

Còn tôi thì thần hồn nát thần tính, chưa qua cơn mê nên tâm trạng bấn loạn không biết xử trí ra sao.

 

Nhưng tôi còn đủ thông minh, tỉnh trí  để nhận định rằng tình thế đã đổi ngược, chỉ còn cách rời chỗ trú quân, dìu nàng ra con đường cái quan ven hồ để  nàng  vừa lau mắt vừa ngậm ngùi lên con dốc.

 

Còn lại trong tôi là mất mát lớn lao và một trời tiếc ơi hùi hụi...

 

Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, thiếu phần bố cục, thiếu tâm lý ái tình, thiếu tiện nghi tối thiểu và thiếu nhiều kinh nghiệm ấy đã khiến tôi, sau  mấy chục năm vẫn còn nhớ người xưa, vẫn còn ân hận và tiếc nuối trong lòng...

 

Tôi phải đấm ngực nhận rằng:

 

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!

 

Sau cuộc hẹn hò tan vỡ ấy, Ngự Lâm Quân giải tán và tôi đổi lên Banmethôt.

 

 Gặp nhau làn chót, nàng nói học xong trung học, nàng sẽ theo ngành Nữ Hộ Sinh Quốc Gia.

 

Từ đó, kẻ góc biển, người chân mây không biết đâu mà    nữa.

 

Người con gái dễ thương ấy đã yêu tôi bằng tất cả chân tình, bằng khối óc con tim, chắc bây giờ nàng vẫn nhớ những kỷ niệm đầu đời.

Người xưa đâu? Tôi vẫn tự hỏi câu ấy.

 

          NGƯỜI XƯA ĐÂU?

 

Năm ngoái, trong một lần  trò  chuyện với chị Châu-Hà ở Houston, là người  trong ngành Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, tôi thử hỏi xem chị có biết ai là Kim Nhan không.

 

Chị Châu Hà trả lời ngay:

 

-Biết chứ anh! Cô ấy sau tôi mấy lớp. Người miền Trung, da ngăn ngăn đen, dễ thương lắm! Anh quen cô ấy ra làm sao?

 

-Thưa chị, hồi ở Dalat năm 1954, cô ấy là nữ sinh, thường lên Đài hát cho chương trình NLQ của chúng tôi. Không biết bây giờ cô ấy ở đâu? Việt-Nam hay Mỹ?

 

-Tôi cũng chỉ biết thế thôi, anh  ạ!

 

Câu chuyện ngưng ở đây.

 

Bây giờ, chúng tôi ai cũng già rồi. Nếu còn có dịp gặp nhau, tôi chắc nàng không nhận ra một ông già đi đứng lừng khừng, mắt mờ chân chậm, nói năng phều phào...Đâu còn vẻ gì là vóc dáng thư sinh , văn nghệ văn gừng, phong độ lực sĩ điền kinh từng đi ăn trộm hoa của những ngày xưa Dalat!

 

Nhưng tôi vẫn muốn có cơ duyên nào được gặp lại để tạ lỗi với người xưa đã khổ sở, thất vọng vì tôi trong suốt cuộc đời niên thiếu...

 

Tôi biết rõ như thế, vì nàng là  người yêu tôi rất mực chân thành, thiết tha và  thánh thiện.

 

Tôi đã làm khổ một người mà tôi không biết. Để đến bây giờ hối hận thì chuyện đã trôi qua gần một nửa thế kỷ mất rồi.

 

     TIN VÀO THUYẾT CỦA

      NHÀ  PHẬT!

 

Tôi tin rằng, theo thuyết nhà Phật có luật quả báo. Nếu vậy thì thể nào Trời Phật cũng trừng phạt tôi. Một cách rất tương xứng là không cho tôi được gặp nàng.

 

Để tôi vẫn  cứ phải  ăn năn, day dứt một  bên lòng do những tội lỗi không thuốc nào chữa được  về  những hành động thiếu dàn xếp, thiếu văn minh  của  một thời tưởng đâu đã chìm vào quên lãng.

 

Trận đánh theo chiến thuật ”lấy thịt đè người”, “a-la-xô” thần  tốc  ấy đã là một trận đánh chớp nhoáng mà thắng lợi chẳng  bên nào  dám nhận!

 

Nói cho cùng, giả dụ bi chừ duyên xưa thúc đẩy  có cuộc hẹn hò như rứa, chắc tôi cũng lại diễn y chang cái hoạt cảnh ngày xưa chứ không biết làm sao khác hơn được!

 

Bạn đọc nghĩ  thế nào? Hay tính làm sao?

 

 NHỚ VỀ MỘT KHUNG TRỜI...

 

Bạn đọc tôi ơi!

 

Trên đây là một mối tình tuổi đôi mươi, khi tôi mới chân ướt chân  khô vào nơi khổ lụy tình trường.

 

Còn nhiều mối tình hờ, tình câm, tình lãng mạn của tôi trong tuổi đôi mươi, tôi sẽ lần lượt tự khai với độc giả thân mến, coi như  những lời tâm sự nhỏ to hay  như những lời thú tội vụng về...

 

Nếu bạn đọc cũng có những khối tình con tương tự hoặc vụng dại, man dại hơn thì xin cứ phổ biến tổng quát để  độc giả xa gần được học hỏi kinh nghiệm sống.

 

Cho dù bi chừ, ta cũng già rồi. Nhưng đó vẫn là một khung trời kỷ niệm  mà mỗi người trong chúng ta đều chắt chiu, ấp ủ trong lòng.

Ta “đập cổ kính ra tìm lấy bóng...”

 

Chẳng cũng ru ta ngậm ngùi, chẳng cũng sướng ư!

 

Vậy xin hẹn bạn đọc vào kỳ sau.

 

 Thôi nhá! “Bai” hỉ!

                          

Lê-Văn-Phúc