BÓNG THỜI GIAN

NHÀ VĂN, NHÀ VÕ

Lê Văn Phúc

ĐÔI LỜI PHi LỘ

Trong giới viết lách, nhiều người gọi tôi là "nhà văn" ,"nhà báo" vì có nhiều mục, nhiều bài xuất hiện đều đặn từ 26 năm qua ở hải ngoại với cả ngàn bài đã đăng khắp các báo ở Mỹ, ở Canada, ở Úc...

Nói cho ngay, từ giữa thập niên 1950 tôi bắt đầu viết cho báo quân đội, rồi các năm sau đó viết cho Chính Luận, Tiền Tuyến, Quân Nhu, Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp...

Những mục tôi viết thời gian ở hải ngoại với nhiều đề tài như: Đố Chơi Để Chọc, Houston có gì lạ không em? Houston – Miền Nắng Ấm, Bóng Thới Gian, Khung trời kỷ niệm, Đời sống quanh ta. Nhưng đề tài ăn khách nhất là cuốn "Tôi làm tôi mất nước" in lại tới lần thứ 5, nay đã tuyệt bản.

Với những năm dài viết lách tâm sự nhỏ to như thế với độc giả bốn phương, ít ai biết đến tôi còn là một "nhà võ" của Vovinam, nhập môn từ đầu thập niên 1950 và là học trò của Võ Sư Sáng Lập Nguyễn Lộc.

***

Cuối năm 1953, cha tôi chạy cho tôi vào tôi vào Ngự Lâm Quân Dalat vì lúc đó chiến sự miền bắc sôi động, không muốn tôi gửi xác Điện Biên Phủ.

Tôi được đồng hóa cấp bậc "Hạ sĩ" tức "Cai Phúc cánh gà", làm việc tại phòng 5 bộ tham mưu NLQ/Dalat.

Nhờ có thêm chút tài mọn, tôi phụ trách chương trình phát thanh "Tiếng Nói Ngự Lâm Quân". mỗi tuần phát thanh 45 phút trên làn sóng điện địa phương. Và tôi dạy Vovinam một đại đội cận vệ của Đức Quốc Trưởng Bảo Đại.

Cũng thời gian này, võ sư Trần đức Hợp dậy Vovinam tại Trung Tâm Huấn Luyện NLQ , Trạm Hành.

Có thể nói chúng tôi là những người đầu tiên đưa Vovinam vào quân đội, như võ sư Phan Quỳnh đã đề cập đến trong đặc san 2000 tại California.

Thời gian trước sau trong quân đội hay ra ngòai dân sự, đi đâu tôi cũng mở các lớp Vovinam nho nhỏ, dậy cho anh em quân nhân, hành chánh, dân sự, coi như một bổn phận tự đặt cho mình. Vậy, tôi trong nghề võ lâu hơn trong nghề văn đấy chứ! Nhưng ít ai biết nên cái tên "nhà võ" của tôi bị...lu mờ! Thậm chí có nhiều bạn bè còn lấy làm ngạc nhiên khi tôi tự xưng là "nhà võ", góp chuyện về võ thuật!

Và "đau khổ" nhất là chính người nhà tôi, các con tôi không ai nghĩ rằng tôi biết võ cả. Ra đường gặp môn sinh nào chào "võ sư" thì các con tôi đều bán tín bán nghi, nhìn nhau cười tủm tỉm.

Thành ra, lắm lúc tôi cũng đâm ra nghi ngờ cả chính tôi! Không biết mình là bướm hóa Trang Sinh hay Trang Sinh hóa bướm?

VĂN ÔN VÕ LUYỆN

Muốn văn hay võ giỏi thì điều trước tiên là phải tập luyện hàng ngày.

Tôi học võ ngay trên gác, trong phòng khách của võ sư Nguyễn Lộc, cạnh đền Hàng Trống Hà-Nội, mỗi tuần 2 lần. Mỗi lớp từ 6 đến 8 người, tập trong khoảng hơn tiếng đồng hồ không nghỉ. Môn sinh mặc quần đùì cởi trần, quăng quật nhau trên sàn xi-măng bóng nhẫy mồ hôi. Tập với nhau đã đau, mà khi thầy sửa đòn, dậy đòn mới thì chúng tôi rất sợ . Sợ vì không biết đòn thế ra sao mà chống đỡ và khi thầy ra đòn thì trò có đề phòng cách mấy cũng là chịu trận.

Rồi có môn sinh nghỉ học vì dọn nhà đi tỉnh khác, có môn sinh vì không chịu nổi các đòn, hãi quá nên thôi. Không ai vì không đóng nổi học phí mà bỏ học cả. Phần lớn môn sinh đều được thầy cho miễn phí hoặc chỉ lấy tượng trưng hoặc tùy nghi đóng góp.

Chúng tôi lại phải nhập từ vài lớp khác cho đủ sĩ số để tập luyện.

Ngoài những buổi tập ở gác Hàng Trống, chúng tôi thường rủ nhau ra bãi cát sông Hồng Hà gần Viện Bác Cổ, tập với nhau cả buổi chiều.

Thời gian sau, võ sư Nguyễn Lộc dọn nhà tới phố Hàng Vôi, chúng tôi tiếp tục tập trên sàn nhà đá hoa rộng lớn hơn nhưng cũng nguy hiểm hơn vì sàn đá hoa trơn trượt, khó bám chân xuống đất cho vững.

Khi bỏ học vào Dalat đi lính nhưng tôi không bỏ võ, tiếp tục học thêm nhu đạo, nhu thuật và thỉnh ý thầy về phương pháp huấn luyện trong quân đội để dậy cho thực tiễn, có hiệu quả. Võ sư Nguyện Lộc đã dậy tôi những thế chiến thuật, dùng súng có lưỡi lê xáp chiến, những đòn dao, đòn gậy và những thế xáp lá cà...

Năm 1955, Ngự Lâm Quân tan hàng. Chúng tôi được phân tán lên Banmethuôt, Pleiku, Kontum rồi giải ngũ năm 1956.

Liên tiếp sau đó, khi ở bên Cam Bốt làm việc cho Tòa Đại diện Việt Nam, khi bên dân sự, khi trong ngành Quân Nhu..tôi cũng đều dành thời giờ tổ chức những lớp Vovinam. Và suốt mấy chục năm, khi tham gia đóng góp chấn chỉnh môn phái, khi tiếp tay với võ sư Trần huy Phong lập Tổng Đoàn Thanh Niên Việt Võ Đạo Saigon – tôi nhớ võ sư Nguyễn văn Thư là Tổng Đoàn Phó Nội Vụ và tôi là Tổng Đoàn Phó Ngoại Vụ – cùng với những anh em khác đồng trang lứa, chúng tôi đóng góp phần mình cho môn phái.

VÕ THUẬT VÀ VÕ ĐẠO

Một trong những điều tối quan trọng mà người học võ nào cũng phải hiểu thấu đáo để phân biệt: Thế nào là võ thuật và thế nào là võ đạo?

Võ thuật chỉ là những đòn thế tập luyện hàng ngày cho tinh thông để có thể phản ứng, trả đòn mau lẹ, mạnh mẽ hầu tốc hiến tốc thắng. Võ thuật đòi hỏi công phu luyện tập bền bỉ, can đảm, lâu dài để đạt tới một trình độ cao và để truyền lại cho lớp người sau những tinh hoa mà mình đã học hỏi, thu thập được.

Võ thuật là một nghệ thuật, tinh luyện các đòn thế, phát triển các đòn thế để tạo thêm những thế đánh mới đẹp mắt hơn, hữu hiệu hơn, khoa học hơn.

Võ đạo thì khác. Võ đạo ở một trình độ cao hơn, rộng hơn và lý tưởng hơn. Cao hơn vì không chỉ nhắm vào đòn thế. Rộng hơn vì bao trùm nhiều lãnh vực, không những thể chất mà cả tâm hồn. Lý tưởng hơn vì võ đạo đưa con người tới một trình độ vượt thoát khỏi những cái tầm thường, lên một cao độ tinh vi hơn, dùng lời nói, tư tưởng để hướng dẫn, điều khiển kẻ khác làm những việc tốt lành, hữu ích, thánh thiện của Chân, Thiện, Mỹ.

Muốn đạt tới võ đạo, trước tiên người học phải qua giai đoạn võ thuật, có một trình độ hiểu biết để bảo vệ sức khỏe, tự vệ, bênh vực kẻ khác yếu thế. Khi võ sinh tự tin, tự kiểm được mình rồi thì dần dần học về võ đạo, lên một trình độ khác hơn, cao hơn và quý hơn.

Người có võ thuật rồi mới tiến tới võ đạo. Còn người có võ đạo là người đã qua giai đoạn võ thuật.

Khi nào một môn đồ Vovinam trong đời sống hàng ngày còn nóng nẩy, giận dữ , lúc nào cũng chỉ muốn xử dụng đòn tay, đòn chân, đấm đá thì người ấy chưa vượt qua khỏi võ thuật. Khi nào môn đồ còn thách thức này nọ với đồng môn để so tài, so đẳng thì người ấy vẫn còn lẹt đẹt ở cái mức rất thấp.

Nhất là một võ sư, tức người đã học võ cả chục năm trở lên mà chưa tiến được vào giai đoạn võ đạo, vẫn ham danh ham lợi, vẫn dễ nổi giận khi bất bình, không tự kiềm chế được lòng mình, không nhìn thấy cái ta, coi cái ta là quá lớn, "mục hạ vô nhân" thì người ấy chưa ngộ "đạo".

Võ đạo giúp ta khiêm tốn hơn, nhún nhường hơn, yêu người hơn, tha thứ hơn, cao cả hơn để cùng nhau an vui hạnh phúc, chung hưởng cuộc đời, yêu thương, gắn bó với nhau như anh em bốn bể một nhà.

Có được một tinh thần võ đạo lành mạnh, tốt đẹp như thế chúng ta mới xứng đáng là người hữu ích trong xã hội.

CÓ LÚC PHẢI VUNG GƯƠM...

Những điều nói trên mới chỉ là lý thuyết. Có áp dụng được hay không lại là chuyện khác. Nó đòi hỏi công phu tu dưỡng, luyện tập hàng ngày để thăng tiến.

Nhưng con người cũng không phải là thần tiên phật thánh nên dù muốn cư xử đàng hoàng cũng có khi không thoát khỏi cái lẽ thường tình là có lúc vui, có lúc buồn, có lúc cần phải nổi giận khi bị xúc phạm đến danh dự cá nhân, danh dự gia đình, danh dự tập thể hoặc xúc phạm đến quốc thể.

Có những lúc ta nhịn được, ngồi uống một ly trà, bất động để hóa giải cơn giận trong lòng. Nhưng cũng có khi không thể ngồi uống trà mà phải đứng dậy vung gươm. Ta có thể tha thứ cho kẻ nhần lẫn, vô tình nhưng ta không cho phép kẻ khác làm nhục. Và đó là lúc ta biểu lộ cái dũng cả về tinh thần lẫn võ thuật của con nhà võ.

Như chuyện kể dưới đây:

Mấy năm trước, một buổi tôi ghé tiệm gà quay ăn trưa.

Tiệm không đông, tôi xếp hàng đến lượt gọi mấy món ăn, một ly nước và trả tiền, chờ đưa thức ăn. Chờ một lát, thấy mấy người đứng sau lại có thức ăn trước, nhân có ông quản lý từ đằng sau bếp bước ra, tôi hỏi:

  • Tôi chờ thức ăn, chưa ai đưa cho tôi cả?

Ông quản lý hỏi:

  • "You" số mấy?
  • Tôi không có. Không ai đưa tôi cả!
  • Thế "you" mua những món gì nào?
  • Tôi mua 3 miếng, một ly nước...

Ông quản lý lật mấy tờ giấy, nói:

  • À, đây rồi! Xin lỗi ông nhá!

Tôi chờ lấy thức ăn xong, cười vui nói với ông quản lý:

  • Ông phải huấn luyện nhận viên của ông mới được! ( Vì quên không đưa phiếu cho tôi!)

CÁI CAN ĐẢM CẦN PHẢI CÓ

TRƯỚC TIÊN LÀ...

Một anh chàng Mỹ trắng to lớn hơn tôi cả cái đầu, lực lưỡng đứng cạnh, ngứa miệng sao đó chõ mõm vào tôi nói:

  • Mày không được làm phiền ông già! (You cannot bother the old man!)

Tôi sủa ngay lập tức:

  • Không phải chuyện mày! Ông ấy không phải là ông già. Ông ấy là quản lý nhà hàng. (Mind your business. He’s not an old man. He is the manager of the restaurant).

Thằng cha này chơi luôn:

  • Tao phải bảo vệ ông già!

Tôi nghĩ bụng, nó sai đứt đuôi con nòng nọc rồi. Nó cậy là Mỹ, cậy to lớn, kỳ thị dân Á đông nhỏ bé, tính áp đảo tôi thì tôi phải dậy cho nó một bài học mới được. Vững tinh thần, tôi phản pháo :

  • Ai cho phép mày bảo vệ ông già? Lập pháp, hành pháp hay tư pháp?

Chắc hắn hơi nhột, hỏi lại:

  • Mày có phải luật sư không?
  • Tao không cần trả lời mày câu này, nhưng ông ấy là "manager" chứ không phải "ông già".

Hắn xoay qua ngả khác:

  • Mày về nước mày đi!

Tôi phạng liền:

  • Đây cũng không phải là nước của mày! Đây là hợp chủng quốc!

Hắn biết gặp phải rhứ không vừa, đành cãi chầy cãi cối. Đôi bên cùng chỉ trỏ, sỉa sói, la lối om sòm. Tôi tuy chữ nghĩa ăn đong nhưng lúc nổi cơn lên, đâu có ngán. Bao nhiêu chữ nghĩa ăn đong, tôi tuôn ra hết!

Những người trong tiệm đứng cả dậy theo dõi hoặc chuẩn bị di tảnø kẻo tai bay vạ gió. Cuối cùng tên Mỹ rời khỏi tiệm, lầm bầm những gì tôi không hiểu..

Còn ôÂng quản lý thì cứ năn nỉ xin lỗi, mời ăn bất cứ món gì, bao nhiêu cũng được, không dám tính tiền.

Tôi nói:

  • Cám ơn ông, tôi không thưa gửi gì lên Hãng của ông đâu, ông yên tâm. Nhưng người khách hàng này lố lăng, thấy tôi dân Á đông nhỏ bé nên kỳ thị chủng tộc tính áp đảo nên tôi phải dậy cho hắn một bài học mới được.

Sau đó, tôi ngồi ăn không ngon , uống ly nước mà nghẹn cổ. Đầu nhức, chắc mạch máu cao.

Tôi rất buồn vì thái độ trịch thượng, kỳ thị của tên Mỹ vừa rồi. Nhưng có một điều rất yên tâm là tôi có lý. Tôi nhớ câu danh ngôn "Cái can đảm cần phải có trước tiên là tư tưởng đúng". Tư tưởng đúng thì dù gươm kề cổ cũng không sợ hãi gì. Hai nữa – điều này không ai biết – tôi là người biết võ, có thể tự vệ dễ dàng. Cái thứ "bị thịt" như tên đó mà chạm đến người tôi là tôi cho hắn một đòn . dễ như ăn...ớt!

Bề ngoài, ai cũng tưởng tên Mỹ búng một cái là tôi quay cu lơ.

Tôi vững lý, vững tâm và dư sức trả đòn, cớ chi tôi lại chịu cho tên đó hạ nhục? Nên tôi chơi tới cùng, không sợ gì cả.

Câu chuyện nhỏ vừa kể cho các bạn nghe để thấy học võ cũng có cái lợi là nó hỗ trợ cho tinh thần. Và khi mình ở thế mạnh có thể áp đảo đối phương về tinh thần thì ta khỏi phải dùng đến võ thuật, đến tay chân để giải quyết.

Hỏi bạn, như thế có thú vị không?

***

Như đã thưa với bạn, hầu như cả đời tôi chưa bao giờ đánh lớn, ra chiêu nào gọi là nặng tay với ai cảø.

Đôi lúc bị người khác hiểu lầm - hay hiểu đúng ra sao không biết - xông vào tính gây sự với tôi. Tôi đều "hóa giải" chứ không phản đòn, hay chỉ "ngồi uống ly nước trà cho nguôi cơn giận".

Cũng có khi bị bạn chơi xấu, đáng lý tôi phanh phui, làm cho rõ trắng đen rồi nghỉ chơi. Nhưng tôi đã nén lòng bỏ qua không chấp. Thái độ ấy tôi cho là thái độ của kẻ cả. Chỉ khi nào thấy thật cần thiết phải nói với nhau thì tôi nói thẳng, nói đàng hoàng cho bạn hiểu. Không để cho bạn mất mặt, xấu hổ. Không phải là tôi thiếu chữ nghĩa, thiếu báo bênh vực để trả đòn. Nhưng tôi bỏ qua, nhường nhịn , vì vẫn nhớ câu "một sự nhịn, chín sự lành".

Tôi nghĩ mình còn sống là còn nhìn thấy nhau. Tôi không muốn ai phải cúi đầu lánh mặt hay nhìn nhau bằng con mắt hận thùø.

Tôi rộng lượng và dễ tha thứ. Tha thứ chứ không quên:

"Ơn ai một chút chẳng quên,

Buồn ai một chút, để bên dạ này..."

Cuộc đời viết văn và học võ của tôi đi song song với nhau. Tôi yêu văn chương thì tôi cũng mê võ thuật. Hai thứ ấy hòa nhập vào máu vào tim tôi từ thuở đôi mươi.

Để bây giờ đây – nói bạn thương - bỗng dưng tôi lại được gọi là "Dzăng, dzõ soong toòng"!

Chẳng cũng sướng ru!

Lê-văn-Phúc

 

Tưởng Năng Tiến

ĐÃ ĐI HẾT BIỂN


I WOULD BE HAPPY TO DIE HERE, RATHER THAN GO BACK TO VIETNAM...
Ralanpee, Montagnard refugee in Cambodia
( BBC News 2004/07/21)

Này anh em. bạn bè
chúng ta đã đi hết biển
qua các đại dương và châu lục
không về lại mái đình xưa
ngói lở. cột xiêu. xen tàn, muà hạ chết

Nguyễn Xuân Thiệp

Tôi sinh trưởng ở miền sơn cước. Nơi đây không có biển rộng, sông dài, không có những cánh đồng lúa chín vàng ngút mắt, cũng không có phố thị tấp nập và ồn ào - như ở miền xuôi. Sống đâu quen đó. Tôi quen với những buổi sáng rừng tưng bừng, hớn hở tiếng con vượn hú và những đêm trăng rừng tĩnh lặng, hoang vu.


Tôi đã cứ ngỡ là suốt đời mình chỉ sống quanh quẩn dưới chân ngọn Lang Biang (hay còn gọi gọi là núi Bà, theo tiếng của Kinh) ở cao nguyên Lâm Viên. Có quá lắm thì chắc cũng chỉ đi xa đến năm bẩy xà gạc, một hai ngày đường, đến tận núi Voi, ghé thăm một cô bạn gái hay mấy người anh em nào đó - uống với họ một hai ché ruợu cần, cho đến lúc say, lăn quay ra ngủ - rồi sáng sớm lại lững thững trở về thôn bản của mình.


Vậy mà rồi bỗng có lúc tôi hớt ha hớ hải, bỏ đất, bỏ núi, bỏ rừng, bỏ hồ, bỏ suối, bỏ của … chạy lấy người, trôi dạt xuống tận đồng bằng, cùng cả triệu kẻ khác, đâm xầm ra biển, lưu lạc, tứ tán khắp bốn phương trời.


Tôi đến Thái Lan, tả tơi, ủ dột, bèo nhèo và eo xèo như một cái xà rông ngấm nước.
Lần đầu ra thủ đô Bangkok, tôi bị choáng ngợp và thấy mình lạc lõng tội nghiệp trước cảnh phồn tạp nơi xứ lạ. Lúc ấy, sao không dưng mà chợt bùi ngùi và nhớ quê hương mình quá.
Bắt chiếc dân miền xuôi, tôi cũng tập viết những câu ngăn ngắn - theo kiểu những chữ cuối câu có vần vận với nhau mà người Kinh thường gọi là thơ, hay là vè gì đó - như sau:
Chiều về trên xứ lạ


Cười nụ cười Anglais
Buồn qua hơi thuốc Thái
Thèm một phin cà phê

Chiều về trên xứ lạ
Execuse me
I’m sorry nói mãi
Thèm một câu chửi thề

Chiều về trên xứ lạ
Xe ngược xuôi trăm đường
Trăm ngàn khuôn mặt lạ
Mong một người đồng hương

Chiều về trên xứ lạ
Ngỡ ngàng Chinatown.
Đây ruợu nồng thịt béo
Mà bạn bè nơi nao

Dừng chân nơi quán lạ
Thèm cơm chiều hương quê
Mẹ cha ơi đừng đợi
Chiều nay con không về
(Chị ơi thôi đừng đợi
Chiều nay em chưa về)

Chiều về trên xứ lạ
Núi xa, đèo xưa ơi
Đi không lời giã biệt
Mà nhớ thương suốt đời

Vì không có thân nhân ở Hoa Kỳ, từ Thái Lan tôi được đưa sang một trại tị nạn chuyển tiếp để chờ một hội thiện nguyện bảo trợ cho vào Mỹ. Thế là tôi bắt đầu cuộc đời ly hương của mình bằng những ngày mưa đầu mùa ở Galang, một hòn đảo nhỏ bé, thuộc Nam Dương.
Những chiều mưa đầu mùa bao giờ cũng buồn. Và những chiều mưa đầu mùa (đầu tiên) nơi đất lạ thì buồn nẫu ruột! Tôi cứ ngồi bó gối trong barrack, nhìn những giọt nước trong veo, nương nương chạy theo mái lá mà nhớ nhà muốn khóc.


Có hôm tạnh ráo, đi lang thang quanh đảo, mãi cho đến lúc gần xẫm tối thì tôi lạc đến một khu đất trống. Nơi đây, có chừng vài chục nấm mồ của người tị nạn. Đứng giữa sự vắng lặng và cô quạnh của buổi chiều, trên một hải đảo hoang vu, cách quê nhà cả một đại dương xanh ngắt, trước những nấm đất “xè xè” - mọc đầy cỏ dại, vương vãi mấy chân nhang đã bạc phếch mầu - tôi bỗng cảm được hết sự lạnh lẽo, thê lương, và ảm đạm của chuyện “vùi thây nơi quê người đất khách.” Tôi cũng chợt hiểu được tại sao, trên những ban thờ - thường thấy đặt trong nhà của những người dân ở đồng bằng – lúc nào cũng có thắp một ngọn đèn dầu hột vịt tí teo, cùng với khói hương ấm áp.


Hoàn cảnh không cho phép người dân sơn cước thờ cúng ông bà theo cách đó. Hầu như tất cả những sắc dân thiểu số ở Việt Nam đều có lệ bỏ mả, hay còn gọi là bãi mả - theo như cách nói có âm hưởng Hán Việt, của nguời Kinh.

 
Dân Roglai (sống rải rác trên miền núi ở các tỉnh Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Lâm Đồng) làm lễ bỏ mả vào mùa gặt thứ nhất, sau khi nguời thân qua đời. Nguời Rhadé (ở vùng Darlac, Quảng Đức hay Tuyên Đức) thì làm lễ bãi mả vào mùa gặt năm sau. Gặt hái vừa xong, ai cũng rảnh rang và có của ăn của để nên lễ lạc thường rất đình đám. Thế nào cũng mời thầy cúng tế, ngả trâu bò, đãi đằng làng xóm, ăn uống, chiêng trống, nhẩy nhót thâu đêm. Rồi mọi người ra mộ khóc lóc một lần cuối trước khi (vĩnh viễn) tạ từ.


Tập tục này, tôi trộm nghĩ, có nguồn gốc từ đời sống du canh. Do sự di chuyển không ngừng để tìm đất đai canh tác mới nên cơ hội trở lại nơi chốn cũ thăm viếng mộ nguời đã khuất rất mỏng manh; vì vậy, người ta cần làm lễ bỏ mả để được yên tâm khi phải rời bỏ mồ mả ông bà trước khi di chuyển.


Tôi tiếc là mình đã không có được sự yên tâm như thế. Khi hốt hoảng bỏ chạy khỏi quê hương, tôi đã không kịp tạ mả người thân - theo như phong tục của người miền núi. Tôi cũng không có dịp chôn cất, thờ phượng song thân với khói hương ấm áp hàng ngày - như những kẻ ở miền xuôi. Trong suốt quãng đời lưu lạc của mình, tôi cứ ân hận mãi về sự thiếu sót này.


Và có lẽ vì thế, nên tôi đã suy nghĩ khá lâu, sau khi đọc Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thủy. Cuốn sách gồm mười chương, nội dung chính - theo như lời tác giả - “chỉ ghi chép lại đôi điều tôi nghĩ, tôi thấy, tôi trải qua cùng việc trò chuyện với một số trí thức nhà văn hải ngoại”. Chương mở đầu là “Mấy Lời Rào Đón”. Chương kế tiếp, cũng có tiểu tựa là “Nếu Đi Hết Biển”, được mở đầu bằng những câu ca dao:

 
Con cò lặn lội bờ sông
Cò ơi sao nỡ quên công mẹ già
Hỏi rằng ai đẻ cò ra
Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi
Nhớ khi đi ngược về xuôi
Mẹ đi bắt tép mẹ nuôi được cò
Cò ơi cò bạc như vôi.
Công cha nghĩa mẹ cò còn nhớ không?
à á à ơi …


Sau đó, Trần Văn Thủy mượn lời đoạn kết của bộ phim “Có Một Làng Quê” (do chính ông làm đạo diễn) để tiếp tục câu chuyện - như sau:


“... Thuở tôi còn nhỏ, gia đình tôi tản cư về quê. Người chăm lo, nuôi dậy anh em chúng tôi là một bà vú nuôi nhà quê mà chúng tôi vẫn trìu mến gọi là thím, thím Nhuận.”


“Mỗi buổi tối, sau những công việc vườn tược, xay luá, giã gạo, khi gà đã lên chuồng, thím mắc võng ra hiên nằm kể chuyện cho chúng tôi. Khi ấy tôi chưa hề biết rằng bà không biết chữ, mà chỉ thấy bà thuộc lòng những chuyện thơ dài suốt đêm này qua đêm khác.”


“Thế rồi một đêm, dưới vòm trời bí ẩn đầy những vì sao lấp lánh, trong trí tưởng tượng ấu trĩ của tôi bỗng nẩy ra một dấu hỏi to tướng về sự hữu hạn và vô hạn. Tôi bắt đầu lục vấn thím tôi:
- Đi hết làng ta thì đến làng nào hả thím?
- Làng ta gọi là làng An Phú. Đi hết làng ta thì đến làng An Lễ.
- Đi hết làng An Lễ thì đến làng nào
- Đi hết làng An Lễ thì đến làng An Phong.
- Rồi đi đến đâu nữa?
- Hết làng An Phong thì đến làng An Nhân, An Đạo.
- Đi hết làng An Đạo thì đến đâu
- Đi hết làng An Đạo thì đến biển.


“Bà tự tin giảng cho tôi, tôi vô cùng khâm phục sự hiểu biết rộng lớn của bà. Bỗng tôi nhỏm dậy hỏi thím:
- Thế đi hết biển thì đến đâu hả thím?
Trong đêm tối, thím tôi im lặng. Từ ngày có trí khôn chưa bao giờ tôi thấy thím tôi buồn đến thế. Thím buồn bã trả lời:
-Đi hết biển đến đâu thì thím không biết.
Tôi dần lớn khôn và thím tôi âm thầm qua đời khi tôi ở nước ngoài. Bà không có con, phần mộ của bà thực là ảm đạm. Một lần thắp hương bên mộ thím, tôi xót xa thì thầm với thím rằng:
- Thím ơi! Cháu thương thím, vì cho đến lúc chết thím cũng không biết đi hết biển là đến đâu. Bây giờ cháu biết rồi thím ạ. Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình thím ạ. Cháu sẽ dành dụm để xây cho thím một ngôi mộ đàng hoàng….”


Giờ đây trên đất Mỹ, tiếp xúc với cộng đồng người Việt, tôi không khỏi băn khoăn về cái điều tâm huyết tôi nói bên mộ thím tôi:’… Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình…’ Tôi không biết trong lịch sử thịnh suy của đất nước tôi có thời điểm nào, hoàn cảnh nào dẫn đến sự ly tán lòng người sâu thẳm, dẫn đến việc hàng triệu người chạy ra biển ly hương bất cần mạng sống đến thế không. Nhưng tôi biết rất rõ không ít người Việt xa xứ ‘qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi’ mà cuối cùng không thể ‘trở về quê mình, làng mình’ được. Ở đây, người ta đi hết biển thì chỉ tới nước Mỹ… ” (Trần Văn Thủy. Nếu Đi Hết Biển. Thời Văn, Hoa Kỳ 2003, 21-24).


Con số những người “người Việt xa xứ qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi mà cuối cùng không thể trở về quê mình, làng mình được” quả là không ít. Tuy thế, không nhất thiết họ đều “bạc như vôi” vì đã “nỡ quên công cha nghĩa mẹ” - như ông Thủy đã muợn những câu ca dao “trách cò” để trách khéo họ đâu. Cũng không phải những kẻ đã đi hết biển (và đi … luôn) đều là những người “có khuynh hướng cực đoan trong cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại … chủ trương không du lịch về Việt Nam, không gửi tiền về trợ giúp thân nhân cũng như các công tác từ thiện” (sđd trang 72) - như ông Trần Văn Thủy đã nghĩ đâu.


Ông Thủy “có mặt trên đất Mỹ dài dài… đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tới trên hai chục trường đại học và thành phố thuyết trình hội thảo … bay trên ba chục chuyến bay trên nội địa nước Mỹ” (sđd, trang 19) nhưng tiếc là ông Thủy đã không ghé tiểu bang North Carolina, ở miền Đông - Hoa Kỳ.


Nơi đây, chỉ trong vòng hai tháng (từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2002) đã có hàng ngàn người tị nạn - bỏ chạy khỏi Việt Nam, sang lánh nạn ở Cao Miên, sau biến động xẩy ra tại Tây Nguyên hồi tháng 02 năm 2001 - đã được chính phủ Mỹ chấp thuận cho định cư.


Trong thời gian ông Trần Văn Thủy ở Mỹ và đi Đông, đi Tây để “trò chuyện với một số trí thức nhà văn hải ngoại” thì ở thành phố Durham - thuộc tiểu bang North Carolia - cũng có một một buổi trò chuyện thân mật giữa mấy cư dân nơi đây này với bốn người dân miền núi Việt Nam, nhân dịp kỷ niệm tròn một năm, sau ngày họ đến Hoa Kỳ.


Nhóm người này ở chung với nhau trong một apartment: Ông Y’Bloi 36 tuổi, ông Y’Dronh 34 tuổi, ông Y’Juuh 31 tuổi và ông Y’Mut Adrong 48 tuổi. Bằng cái thứ tiếng Anh của người mới học, và học ở tuổi 50, Y’Mut Adrong lấy ra một tấm hình chụp vợ và hai con, và nói:” Buồn lắm. Đói lắm. Ở Việt Nam, đàn ông làm việc, đàn bà ở nhà. Không có đàn ông - trẻ con không có cái ăn - Các con tôi, phải chịu đói.” (Y’Mut Adrong takes out a snapshot of his wife and two children in Vietnam… “very sad,” he says.”Very hungry. In Vietnam, man work, woman stay home. So no man – children no eat. My children hungry” (A year later, Montagnards adapting to new lives http://www.herald-sun.com/durham/4-377604.html).


Ông Y’Bloi có bốn đứa con, ông Y’Dronh có sáu đứa, và ông Y’Juuh thì có hai đứa. Tổng cộng, ba nguời đàn ông tị nạn độc thân (tại chỗ) đã để lại 3 bà vợ và 12 đứa bé - bơ vơ và đói rét giữa núi rừng Tây Nguyên - để đến Hoa Kỳ … ngồi học tiếng Anh, cho nó đỡ buồn!
Nỗi buồn ly hương của họ (e ) khó … đỡ.


Cả bốn nhân vật này đều đã (hoàn toàn) đi hết biển và tôi tin rằng họ đều rất thiết tha mong muốn trở về rừng núi cũ, bản làng xưa. Đói no gì cũng chịu, miễn là mỗi chiều họ lại được ngồi bên bếp lửa - cạnh vợ con, anh em, chòm xóm - phì phà khói thuốc, bùi ngùi kể chuyện đường xa.


Nhưng về thì chắc chết, chết chắc!


Theo nguồn tin của AP đánh đi ngày 27 tháng 9 năm 2001 thì trước đó một hôm, nhà đương cuộc Việt Nam đã lập hai phiên toà xử kín (closed trial) tại Đắc Lắc và Gia Lai để “xử lén” 14 người dân sơn cước từ 6 đến 15 năm tù - về những tội danh như sau: “xúi dục nổi loạn”, “làm mất an ninh công cộng” và “chống chính phủ”….


Tôi viết những dòng chữ này cũng vào một ngày cuối tháng 9 năm 2004. Từ đó đến nay, đã bốn năm qua, có thêm bao nhiêu phiên toà khác, có thêm bao nhiêu người dân miền núi khác đã bị bắt giam, với những bản án vô cùng khắc nghiệt, chỉ vì những “tội danh” (hàm hồ) tương tự?
Phiên toà cuối cùng, được công luận biết đến, vào ngày 11 và 12 tháng 8 năm 2004, tại Đắc Lắc, đã kết án 9 nguời dân Tây Nguyên khác từ 5 đến 12 năm tù vì can tội “gây mất trật tự an ninh và phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” - như VOA đã như tường thuật, vào ngày hôm sau. Và theo ghi nhận của AFP thì số người này đều bị bắt hôm 10 tháng 4 năm 2004 “trong lúc tham gia cuộc biểu tình để phản đối tình trạng đàn áp tôn giáo và tịch thu đất đai bừa bãi.”
Ông Trần Văn Thủy có lẽ không biết [và lỡ có biết (chắc) cũng không quan tâm gì lắm] đến những chuyện lặt vặt (rất) không tử tế như thế, ở cao nguyên. Còn qúi ông Y’Bloi, ông Y’Dronh, ông Y’Juuh và ông Y’Mut Adrong … thì rất quan tâm và vô cùng sợ hãi cách hành xử ác độc và man rợ (đến thế) của những người đang cầm quyền ở VN. Vì thế, sau khi đã đi hết biển, nếu những người dân miền núi đều không (dám) trở về thì tôi mong có sự thông cảm của ông Trần Văn Thủy cho hoàn cảnh đặc biệt (khó khăn) của họ.


Tôi cũng mong ước có được sự bao dung của ông Trần Văn Thủy cho một số những tị nạn khác nũa - những kẻ mà ông Trần Văn Thủy không có dịp, hoặc không tiện tiếp xúc, trong thời gian công du ở hải ngoại. Họ vốn có gốc gác ở đồng bằng, cũng đang sống lưu lạc ở một góc trời nào đó, và cũng đang ở trong những hoàn cảnh khó khăn như thế - hay hơn thế.


Xin đơn cử một vài trường hợp …
Theo báo cáo của chính quyền địa phương xã Bình Thạnh Đông - huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, giáp giới Cao Miên - tính đến ngày 27 tháng 3 năm 2003, đã có hai trăm mười (210) phụ nữ và trẻ em bỗng dưng “biến mất”!


Họ “biến” đi đâu?


Đến đêm 23 tháng 1 năm 2004, sau khi xem phóng sự điều tra Dateline (của đài NBC) thì mọi người lờ mờ đoán rằng - rất có thể - một số những đứa bé thơ ở xã Bình Thạnh Đông đã “biến” sang nước láng giềng. Khán giả của chương trình này thấy cảnh sát Cambodia đã đột phá vào những ổ mại dâm trá hình ở Phnom Penh và giải thoát được những bé gái - khoảng từ năm đến mười tuổi - đang bị ép buộc phải bán dâm. Nhiều hình ảnh và tên họ (Liên, Tuyết, Xuân, Yến) được ghi nhận, chứng tỏ có một số trẻ con Việt Nam đã sinh sống và làm việc ở đây.


Đến tháng 4 năm 2004, sau khi hội “Taipei Women’s Rescue Foundation” đệ đơn kiện Web site e-Bay vì đã đăng quảng cáo bán đấu giá phụ nữ Việt Nam ở Đài Bắc (khiến cả thế giới bàng hoàng) thì người ta lại lờ mờ đoán thêm rằng trong số phụ nữ bất hạn này (chắc) có lẫn vài cô gái nhẹ dạ , ở tỉnh An Giang, đã … đi hết biển!


Những chuyện thảm thương tủi nhục cỡ đó, thực ra, hoàn toàn không có gì mới mẻ. Từ khoảng đầu thập niên 1990 - ở miền Nam California, Hoa Kỳ, nơi ông Trần Văn Thủy lui tới nhiều lần và ở lại nhiều ngày – đã có một nhóm người Việt thực hiện một “project” nhỏ, lấy tên là “Xin Đừng Quên Tôi (Forget - Me - Not)”.


Nhóm chủ trương tin là "...có nhiều bằng chứng cho thấy rằng một số thiếu nữ Việt nam bị bắt cóc trước đây hiện đang sinh sống đâu đó tại Thái lan, Singapore và tại các vùng biên giới Mã Lai." Do đó, họ đưa lên internet một lời nhắn giản dị (nguyên văn) như sau: "... nếu có tin tức liên quan đến các cô gái bị hải tặc bắt cóc xin liên lạc với Vietnam & The World Foundation, P.O.box 4108, Hungtington Beach, CA 92605 - 4018, USA.


Những cô gái kém may mắn như thế, và những nàng Kiều modern của nước nhà thời mở cửa (đang được rao bán và chuyền tay khắp Năm Châu) cũng như những đứa bé thơ Việt Nam hiện sống trong những nhà thổ ở Nam Vang, sau khi “xa xứ qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi mà cuối cùng không thể trở về quê mình, làng mình được” chỉ vì họ không tìm được lối về. Họ bị “kẹt”, thế thôi, chứ có phải vì chủ trương chống cộng cực đoan hay quá khích gì đâu.


Nếu ông ông Trần Văn Thủy cũng đi hết biển (bằng đường biển), cũng sống lê lết hết từ trại tị nạn này sang trại tị nạn khác (và sống từ năm này sang năm khác), cũng phải “tiếp xúc” với dùi cui hay ma trắc của cảnh sát (Thái Lan, Mã Lai, Hồng Kông) thay vì tiếp xúc với những “Việt Kiều yêu nước” như qúi ông Hoàng Xuân Hãn, Lê Bá Đảng, Trần Văn Khê … - những người vốn thuờng bị “những mắc mớ hiểu lầm” (sđd, trang 50) là “cơ hội”,” phù thịnh” và “khuynh tả” - thì cách nhìn của ông ấy về chuyến Exodus (hãi hùng) của dân tộc Việt, không chừng, cũng khác.


Thay vì quanh co, dàn dựng để đặt “những câu hỏi sắp xếp cạnh nhau, đầy kịch tính” (sđd, trang 46) - rất có thể - ông Thủy sẽ có những câu giản dị, chân thành và rốt ráo hơn - đại lược như:


- Tại sao liên tiếp trong ba thập niên qua, hàng triệu triệu người dân Việt (bất kể tuổi tác, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, địa phương) đều đã phải tìm mọi cách để … đi ra biển?


- Ngoài bờ biển phía Đông ra, phần biên giới còn lại của Việt Nam đều là nơi cư ngụ của những dân tộc thiểu số tự ngàn xưa. Họ chính là chủ nhân đích thực của đất nước này. Chính họ tạo thành tuyến đầu và vòng đai an ninh cho toàn lãnh thổ. Cũng chính họ, với cuộc sống đơn giản hài hoà với thiên nhiên, đã giữ cho môi trường sinh thái được quân bằng và tạo một “vòng đai xanh” cho tổ quốc. Tại sao lại tìm mọi cách đẩy họ đến mức diệt vong, dồn họ vào tử lộ đến nỗi phải bỏ núi để… đi hết biển như thế?


- Ai đã khiến cho những phụ nữ miền xuôi bị rao bán như những món hàng?
- Ai đã giam đời những đứa bé thơ ở chốn lầu xanh, nơi quê người đất khách?


Thì cũng phải nói cho ra lẽ như thế, chứ tôi không dám đòi hỏi ông Trần Văn Thủy nêu ra những câu hỏi “phiền phức“ và “nguy hiểm” (chết người) cỡ đó - trong cuốn Nếu Đi Hết Biển. [Đây lẽ ra là công việc của những người soạn thảo N.Q. 36 nhưng (tiếc thay) họ cũng đã không đủ can đảm và thành thật để nhìn thẳng vào vấn đề như vậy]. Tôi chỉ mong ông Trần Văn Thủy “vào những khoảnh khắc tĩnh lặng, những đêm trắng thâu canh” sẽ tự hỏi thầm như thế để “giải toả cho chính mình” thôi (sđd, trang 20). Được thế, hy vọng, ông Thủy sẽ cảm thông hơn (hoặc đỡ khó chịu hơn) khi nhắc đến ‘‘những người ham chống cộng một cách cực đoan” (sđd, trang 47) ở hải ngoại.


Tôi không tin cực đoan là một phương cách ứng xử khôn ngoan, trong bất cứ hoàn cảnh nào - nhất là chuyện “chống cộng một cách cực đoan”. Giận (quá) mất khôn thôi. Mà làm sao không giận được cơ chứ?


Sau những biến động biến động ở Tây Nguyên - vào tháng 2 năm 2001 và tháng 4 năm 2004 - thì mọi giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam (và tất cả những cơ quan truyền thông của nhà nước) đều đã không tường trình đúng chính xác những sự kiện xẩy ra và đã không tiếc lời rủa xả … nạn nhân, thay vì lên tiếng bênh vực họ (vì đã bị các quan chức địa phương hà hiếp và dồn đến chân tường). Sau đó, những người dân miền núi chất phác và khốn khổ này bị lùng bắt phải chạy trốn qua biên giới, rồi bị săn đuổi đến cùng.


Theo như tường trình của đặc phái viên Lý Định Phát của RFA - từ Nam Vang, nghe được hôm 19 thang 4 năm 2004 - thì “cảnh sát và bộ đội Việt Nam tự do đi lại trên lãnh thổ Kampuchea, tại vùng ráp gianh với Việt Nam, nhằm săn tìm những kẻ chạy qua đất chùa Tháp tìm tự do”. Qua tuần lễ sau, VOA, phát thanh vào ngày 22 tháng 4 năm 2004, cũng đã trích dẫn lời của một binh sĩ Cao Miên ở tỉnh Ratanakkiri cho biết: “Việt Nam đã đề nghị thưởng cho họ 500.000 tiền riels (khoảng 125 Mỹ Kim) nếu bắt và giao nộp được một người tị nạn”.


Vậy mà trước thảm cảnh của những đứa bé thơ Việt Nam bị ép buộc bán thân trong những nhà chứa, cũng ở Phnompenh, thì cả nước đều câm như hến. Không những chỉ làm thinh, sứ quán VN tại Nam Vang và nhà đương cuộc Hà Nội còn làm lơ và làm ngơ (cứ y như thể là không có gì đáng tiếc xẩy ra vậy) dù cảnh sát và bộ đội của họ có thể tự do đi lại trên lãnh thổ Kampuchea như chỗ không người.


Đó là thái độ, rõ ràng, rất - không - tử - tế của những kẻ đang cầm quyền ở Việt Nam. Còn ông Trần Văn Thủy - người được nhiều khán giả qúi mến (trong số đó có kẻ đang viết những dòng chữ này) qua phim “Chuyện Tử Tế” - ở trang cuối cùng của cuốn Nếu Đi Hết Biển, đã mượn lời ”một ông bạn chuyên làm công việc nghiên cứu về văn hoá xã hội ở tiểu bang Massachussetts”, để đi đến cái kết luận (có vẻ) rất tử tế như sau:


“Chị Tuyết cùng Chris là mẫu người thuộc lực lượng thứ ba. Nghĩa là mẫu người trung dung, không tả, không hữu, không hô ủng hộ hay đả đảo. Họ sống lẳng lặng có khi âm thầm.”
“Từ câu chuyện của Chris và Tuyết tôi bỗng nhớ lại trong nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc tôi đã bắt gặp những con người như thế, nhiều lắm kể ra đây không xuể. Có thể nói trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại, họ là số đông, rất đông, không phe phái, không ồn ĩ, không nhãn hiệu âm thầm yêu thương, xót xa, chia sẻ với đất nước mình, đồng bào mình”.

 
Cũng như người bạn (không nêu tên) của ông Trần Văn Thủy - mà tôi đoán chừng có lẽ là người ngoại quốc, hoặc giả (cũng) là người Việt nhưng chỉ quen sống ở nước ngoài - tôi đặc biệt qúi mến những người “thuộc lực lượng thứ ba” như vậy. Họ “trung dung”, “không tả”, “không hữu”, “không hô ủng hộ hay đả đảo” ai. Họ sống “lẳng lặng” và “âm thầm”.

 
Tuy vậy, trong lúc mà đất nước đang mấp mé ở bờ vực thẳm - như hiện cảnh - mà cổ võ một thái độ sống như thế thì tôi sợ rằng ông Thủy (rất) có thể bị ngộ nhận là không được tử tế gì cho lắm, hay nói quá ra một tí là một kẻ …. “ngụy” tử tế!


Dân Việt, hiện nay, dù ở bất cứ nơi đâu, sợ không “afford” nổi lối sống “qúi phái” cỡ đó. Tất cả những nông dân chân lấm tay bùn ở Nghệ An, Thái Bình, Đồng Nai, Trà Cổ … - cũng như những người dân miền núi chân chất chúng tôi ở Gia Lai, Đặc Lắc, Đắc Nông … - đều mong muốn có được một cuộc sống “lẳng lặng” và “âm thầm” đấy chứ? Đâu có ai muốn bỏ rừng, bỏ núi, bỏ ruộng, bỏ vườn lũ luợt kéo nhau đến công đường để đòi lại đất đai bị cướp đoạt hay xin xỏ những quyền sống căn bản và tối thiểu – đã được đại gia đình nhân loại nhìn nhận từ lâu.
Làm như thế rất mất thời giờ, rất tốn công, tốn của, và rất cực nhọc - nhất là đối với những nông dân ở tận trong Nam, phải lặn lội về đến Hà Nội, trong những kỳ họp quốc hội, để biểu tình hay đưa đơn khiếu kiện - mà cũng chả đi đến đâu. Đã thế, không ít người khi trở lại địa phương còn bị theo dõi, trù dập; hay tệ hơn nữa là bị đánh đập, săn bắt, tù tội …


Tương tự, những chiến dịch xin chữ ký, những vụ dàn chào, những cuộc biểu tình hô hào (“đả đảo”, “ồn ĩ”) chống hết chuyện này đến chuyện khác ở New York, ở California, Sydney, Paris, Warsaw … (thường) cũng không tạo ra được những hiệu quả mong muốn. Không những vậy, đôi lúc, nó còn có vẻ khôi hài và lố bịch - theo như cách nhìn của ông Trần Văn Thủy.


Tuy nhiên, người dân - ở trong cũng như ở ngoài nước Việt - vẫn tiếp tục biểu tình, vẫn tiếp tục hô hào (“đả đảo”, “ồn ĩ”) vì họ không biết phải làm gì khác? Chứ chả lẽ cứ để cho sông núi bị tàn phá, lãnh thổ bị dâng hiến, đất đai vườn tược bị tước đoạt, con cái bị mang bán đấu giá, cháu chắt - mới năm bẩy tuổi đầu - bị mang giam vào nhà thổ … với sự “xót xa” và “âm thầm” mãi hay sao?

 
Và chả lẽ cứ tiếp tục “yêu thương, xót xa, chia sẻ với đất nước mình, đồng bào mình” mãi - bằng cách cặm cụi đi làm, dành dụm những đồng tiền mồ hôi nước mắt, để hàng năm đều đặn gửi về quê hương vài tỉ MK - mà không dám kêu than, dù biết rằng ngay cả đồng tiền cứu trợ (thiên tai) cũng chưa chắc đã đến được tay người thân hay những đồng bào ruột thịt của mình?
Lịch sử tính bằng thế kỷ, đời người tính bằng năm. Dân tộc này còn phải cắn răng “âm thầm” chịu đựng thêm bao nhiêu năm nữa thì mới “đúng đường lối chính sách”, mới khỏi bị coi là “phản động”, và khỏi bị gán tội “gián điệp” hay “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc”?


“Cái bi kịch lớn nhất, khốn nạn nhất cho giới cầm bút nói riêng và đa số trí thức, người dân Việt Nam là bệnh liệt kháng trước bất công”. Tôi lại vừa nghe nhà văn Dương Thu Hương than phiền như thế. Và nếu đúng thế, lằn ranh giữa “liệt kháng” và “âm thầm yêu thương” - xem chừng - có vẻ mong manh quá nhỉ. Tôi xin trở lại vấn đề này, cũng như vài vấn đề nho nhỏ khác nữa (trong cuốn Nếu Đi Hết Biển) vào một dịp khác (*).

K’ Tien