ĐỌC THƠ NGU YÊN
Lê Văn Phúc
Khi còn ở Houston, Texas tôi quen biết Ngu Yên qua một người bạn. Anh tặng tôi mấy tập thơ mỏng, ấn loát dản dị. Gặp nhau trò chuyện, tôi thấy anh chàng này có vóc dáng cao, đầu tóc không chải chuốt, để ria mép, ăn mặc bình dân, mặt mũi không thuộc loại đẹp trai nhưng tình cảm thì lại đằm thắm, nói năng lúc thì như một triết nhân, lúc ra một nghệ sĩ với cung đàn, lúc lại là một anh chàng bạt tử, bất cần đời. Có lúc lại ngông cuồng như thể khùng điên nữa chứ!
Về nhà đọc thơ, tôi thấy cái tên hơi lạ. Anh họ Nguyễn nên tách họ thành hai chữ không bỏ dấu, là Ngu-Yên. Tôi đoán mò vậy.
Phần tự giới thiệu, anh viết bằng thể thơ lục bát nhưng không xuống hàng, viết liên tục. Đó là một điều lạ đấy bạn đọc ạ!ï Tôi không quen với cách viết và cách đọc lạ ấy nên mạn phép Ngu-Yên cho tôi được chép lại theo thể lục bát có xuống hàng để bạn đọc dễ theo dõi.
Tiểu sử tự thuật của Ngu-Yên:
Ngu-Yên tên Nguyễn hiền Tiên
Quê quán Bình Định, gốc miền Kim Châu
Kể rằng thân thế khởi đầu
20 tháng 11 sinh vào 52
Mặt mày trên mức xấu trai
Học hành đại khái, ngày ngày rong chơi
Nuôi hoài bão nhưng biếng lười
Nên thường lấp liếm vài lời cuồng ngông
Sinh ra tâm tính lông bông
Lớn khôn chỉ giỏi bềnh bồng nổi trôi
Giữa cơn binh loạn đổi đời
Xuôi dòng tản lạc thành người lưu vong
Tháng ngày sồi sụt long đong
Vui buồn thơ động tiếng lòng nghêu ngao.
Từ nhỏ tôi khoái chiêm bao
Lớn lên ghiền mộng, tuổi nào cũng mơ
Mộng mơ phải tiết thành thơ
Rồi thơ tinh quái phỉnh phở cả tôi
Từ thơ quấn quít lôi thôi
Tình trôi vào ý, ý trôi vào lời
Lời trôi nhâng nháo vào đời
Đời trôi uất kết hóa người Ngu Yên.
Chẳng ai yêu quý muộn phiền
Chẳng qua cuộc sống gắn liền khổ đau
Mượn lộng ngôn hí lộng trào
Thật ra trào lộng khác nào bi thương
Khi bình thường là nhiễu nhương
Ngu Yên vớ vẩn bên đường yên ngu
Thứ gì chẳng phải phù du
Làm thơ để thở mịt mù thế thôi...
Có người muốn bắt bí tôi
Nhìn xem bằng lái xe rồi rêu rao:
"Ngu Yên đâu phải tên nào,
Chẳng qua là chút lào xào nặc danh"
Thương nghề thi sĩ khó khăn
Chơi thơ phải có văn bằng chứng minh
-" Dạ, tôi có dấu trong mình
Nốt ruồi thi sĩ thực tình dưới mông
Nơi đây thiên hạ rất đông
Cởi quần bất tiện, thưa ông xin chờ...
Chờ khi người ta nhìn lơ
Nốt ruồi lớn lắm, ông rờ thử xem..."
Đấy, tiểu sử tự thuật của Ngu Yên hơi điên hơi mát như thế!
Trong các tập thơ đã phát hành của Ngu Yên, tôi đọc kỹ và chọn ra được vài bài coi như đắc ý, lạ và độc đáo.
Bài thứ nhất: Thơ gợi tình, có ý dâm nhưng nghĩ thế mà không phải thế!
Cái ruồi
Cho anh xem
Một lần thôi
Cho anh xem một lần để nhớ
Nhớ rồi thương
Thương rồi tương tư
Cho anh xem
Mất gì đâu em
Cho anh xem một lần cho hết ước mơ.
***
Cho anh xem
Một lần thôi em
Cho anh xem rồi mai xa cách
Nhớ về em
Không bao giờ quên
Cho anh xem
Tiếc làm chi em
Cho anh xem dù một thoáng khép hờ.
***
Hôm nay ta bên nhau mơ màng
Men tình lên đúng độ thời gian
Anh điên cuồng khẩn cầu em đó
Cho anh xem
Một lần thôi em.
***
Cho anh xem
Một lần thôi em
Cho anh xem
Thề anh sẽ hứa
Anh muôn đời giữ kín trong tim.
***
Vén lên em . Vén vải lên em
Cho anh xem. Hãy cho anh xem
Bao nhiêu năm thẹn thùng dấu mãi
Nốt ruồi son.
Đọc xong hẳn bạn cũng phải tủm tỉm cười vì tưởng bài thơ muốn nói điều gì khác chứ! Và bạn hẳn cũng khen thầm nhà thơ có ý lạ, diễn tả khá gọi là "Hít Cốc" để người đọc chỉ hiểu đầu đuôi ở chữ cuối cùng.
Tôi thì lại khác, tôi không chịu cái kiểu úp úp mở mở như thế!
Những chữ: "Cho anh xem một lần để nhớ", "Cho anh xem dù là một thoáng khép hờ", "Anh muôn đời giữ kín trong tim", "Vén lên em. Vén vải lên em... ,"bao nhiêu năm thẹn thùng dấu mãi"... khiến người đọc dễ hiểu lầm một cách tai hại.
Tôi phải hỏi cho ra nhẽ. Qua điện thoại, tôi hỏi:
Người đọc, ai cũng tưởng là anh muốn được xem "cái ấy" chứ đâu ngờ chỉ là cái nốt ruồi son. Nhưng diễn tả như thế cũng là được đi. Chúng tôi théc méc, không hiểu nốt ruồi son của nàng ở chỗ nào? Anh có thể tiết lộ bí mật chăng?
Dạ được chớ! Ở dưới nhũ hoa bên trái, to bằng đầu tẩy bút chì!
Lớn vậy đó? Nốt ruồi son là quý tướng đấy nhá! "Vượng phu ích tư" cho mà coi! Mà sao anh lại để ý nốt ruồi son ở bên trái?
Thế mới tình chớ! Gần trái tim mà!
Anh cho tò mò thêm chút nữa được không?
Xin anh cứ tự nhiên...
Anh coi được mấy lần?
Duy nhất một lần!
Lâu không?
Một thoáng thôi à!
Có sờ mó được chăng?
Làm gì có được hạnh phúc đó!Nên cả đời vẫn cứ vương vấn, vấn vương hình bóng nốt ruồi.
Có nhẽ vậy mà lại hay, vì nó còn nằm trong kỷ niệm dấu yêu chứ nếu như được mó máy, mầy mò không chừng lại đâm ra thất vọng!
Ngu Yên cười tủm tỉm:
Tôi cũng cố nghĩ như vậy đó! Anh thật là người kinh nghiệm cùng mình.
Biết là mình bị đá móc, tôi hóa giải liền:
Cám ơn anh quá khen!
Một bài thơ khác có những nét thật dễ thương, hồn nhiên, đầy tình người. Vẫn kính yêu Chúa, tôn quý Chúa mà không thể nghe theo lời Chúa dạy. Bởi Chúa chỉ căn dặn những điều cấm kỵ, hãm mình để trở nên thánh thiện. Những điều Chúa dạy cao cả quá, lý tưởng quá, làm sao con theo được? Nên con phải gửi tâm sự này đến thiên thần:
Tâm sự với thiên thần
Tôi mê vợ hơn mê Thượng Đế
Bởi vì trời chỉ có mây xanh
Vợ có da có thịt
Có thật ái tình
Biết gọi: Anh ơi!
***
Thượng Đế không gọi tôi
Chỉ nhắn: Phải đọc kinh, xem lễ
Phải ăn chay hãm mình
Cấm tình tựï lăng nhăng, vui chơi trác táng
Trên có mười điều răn
Dưới có trăm điều lệ
Sống theo Ngài, buồn quá Chúa ơi!
***
Vợ cho tôi ngày cơm ba bữa
Gãi hồn tôi những vết ngứa cô đơn
Trả dùm tôi nợ người, nợ thuế
Dẫn tôi xa những thế kỷ chê thơ
***
Thưa Thiên Thần
V Vợ là lý do tồn tại
Chuyện rước thi sĩ lên trời
Xin hỏi vợ tôi.
Nhà thơ Ngu Yên đã tự thuật tiểu sử ở phần trên nhưng còn muốn nói rõ hơn về cái tên của mình nên chàng lại có thơ sau (Vẫn thơ không xuống hàng, tôi mạn phép chép theo thể thơ lục bác, xuống hàng, quen thuộc hơn với bạn đọc).
Ngu Yên là hai tĩnh từ
Ngu như ngu dại, yên như yên bình
Nghĩa là ngụp lặn phù sinh
Ngu cho trí óc, tâm tình yên vui
Ngu không có nghĩa là đui
Yên không có nghĩa buông xuôi cuộc người.
Ngu Yên nối một danh từ
"Nguyên
" là kết cuộc vẫn như khởi đầuTrộn nhào qua loạn bể dâu
Xác tuy sứt mẻ hồn hầu như nguyên
Nghĩa là bám chặt nhịp tim
Đén giờ hấp hối điềm nhiên nụ cười.
Ngu Yên không phải động từ
Bởi khi linh hoạt giống như im lìm
Mới nhìn tưởng ngủ lim dim
Nhưng trong thức mộng nỗi niềm xôn xao
Có người giận hỏi tại sao?
Thưa, đang theo dõi chiêm bao tuyệt vời
Nếu người nào tưởng nói chơi
Kề tai ngực hắn nghe lời thật tâm
Nhưng xin báo trước đừng lầm
Thơ theo ngôn ngữ tâm thần ngoài thơ
Nói ra không phải giả vờ
Chính ta đây cũng nghi ngờ Ngu Yên...
Nhân lúc nhà thơ Ngu Yên như mơ như ngủ, như trong chiêm bao nên tôi hỏi thêm về sinh hoạt của chàng thì chàng nói ra tuốt luốt:
Tôi đã sáng tác một số bản nhạc và dồn nỗ lực vào việc phổ thơ các nữ thi sĩ.
Hỏi:
Tại sao anh lại chỉ phổ thơ các nữ thi sĩ?
Đáp:
Tôi muốn biết những suy tư của phụ nữ trong lớp tuổi trung niên và muốn gom vào một bộ sưu tập...
Anh sưu tập và phổ thơ được bao nhiêu bài rồi?
Dạ, đã được 8 bản, với các nhà thơ: Nhã Ca, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyễn thị Minh Thủy, Giang (vợ họa sĩ Nghiêu Đề), Vũ Quỳnh Hương, Trần Sa, Lê thị Huệ.
Anh thường viết nhạc với một nhạc khí nào chứ?
Thông thường, nhạc sĩ viết nhạc với cây đàn "ghi ta", còn tôi viết thẳng trên giấy. Sau đó mới phối kiểm bằng tây ban cầm hoặc dương cầm, cũng như viết hòa âm cho những nhạc khí khác.
Vậy là anh thuộc hàng nhạc sĩ cừ khôi lắm phải không?
Không đâu anh! Mỗi người sáng tác viết theo một cách khác nhau thôi.
Anh đã ra một CD với phần hòa âm phong phú và các nhạc sĩ xử dụng tây ban cầm, dương cầm chơi rất độc đáo, tuyệt vời. Tiếng đàn quyện lấy nhau, đầy truyền cảm và rung động trong một âm sắc mới lạ, quyến rũ. Tôi đã nghe mấy lần liền trong một đêm mà vẫn còn thấy thú vị.
Thế ngoài việc sáng tác nhạc ra, anh còn dự định gì khác?
Tôi dịch sách âm nhạc, dịch tự điển thi ca Hoa Kỳ . Công việc này có lẽ làm suốt đời không xong.
Anh có chơi thể thao?
Dạ có. Tôi chơi bóng rổ, bóng bàn, đá banh, "bi da". Chơi cho vui chứ không môn nào khá cả!
Anh vẫn nhận mình là một nghệ sĩ. Mà hình như nghệ sĩ nào cũng có ít nhiều chất "điên" trong người. Anh có được bao nhiêu?
Không nhiều, nhưng "Lâu lâu anh lại điên" thì tôi vẫn có:
Em có gì bí mật
Anh yêu hoài sao mãi chưa quen
Càng yêu càng mê thêm
Cái gì em đẹp nhất
Anh tìm hoài không lựa đuợc tên
Có lẽ vì đêm đen
Hỏi em chỗ nào đẹp
Khúc khích cười nhột khắp cả người
-"Đêm nay anh điên rồi".
Anh điên vậy là điên khôn lắm đấùy, chứ có điên dại đâu!
Tôi đọc bài thơ mới nhất của anh, chả thấy điên tí nào mà còn khôn tầy trời đi ấy chứ! Lâu lâu anh điên thôi, còn bình thường thì anh lại tỏ ra rất tinh tường, ma mãnh.
Như bài sau đây:
Tôi chết rồi
1.
Tôi chết rồi
Ai ở với em?
Ai sờ trong đêm nhột ngón dương cầm?
Ai thì thầm nửa khuya dỗ ngủ?
Ai mới hoài không cũ chuyện vợ chồng?
Tôi chết rồi
Em đừng buồn lâu quá
Đừng sót sa mãi hạnh phúc không còn
Đừng héo hon
Đừng tiết kiệm
Tình một đời tặng bảo hiểm và thơ
Tôi chết rồi
Ai hiểu được bệnh yêu?
Là sốt là run trong nhac sắc
Là điên là dại trên da thịt
Là một đời yêu chưa đủ yêu
2.
Tôi vừa chết là tôi bắt đầu
Tìm đời sau bất tử vui chơi
Em biết tính tôi ngu không yên nghỉ
Sẽ chọc thánh thần, ma quỷ, phá âm gian
Tôi chết rồi
Ai tán tỉnh em?
Canh chừng tham lam, dối trá, giả hình
Tôi sẽ đến mỗi hai giờ sáng
Rình gã nhân tình có nghiêm chỉnh yêu đương?
3.
Tôi chết rồi
Ai xử tệ con tôi
Vặn cổ bẻ xương dù trái mệnh trời
Đã chết rồi sợ gì chết nữa
Con muốn gì cứ gọi ba ơi
Tôi chết rồi
Ai tốt với vợ con
Sẽ đền bù dẫn mua trúng số
Sẽ ngấm ngầm cầm tay bạn làm thơ
Sẽ trở lại mỗi đêm hai giờ sáng
Nằm cạnh bên buông ngón dương cầm
Đọc xong bài thơ trên, tôi cứ đâm ra ơn ớn, lạnh cả xương sống lẫn xương sườn.
Đoạn đầu, nhà thơ tự hỏi khi mình chết rồi, ai là người thay mình ăn ở với em? Ai sờ trong đêm nhột ngón dương cầm?
Đoạn hai, nhà thơ khuyên vợ đừng buồn bã quá lâu, đừng đớn đau hạnh phúc không còn.
Đoạn ba, nhà thơ kể khổ căn bệnh yêu đương nó hành hạ mình ra sao.
Đoạn bốn, nhà thơ dọa rằng mình chết rồi sẽ rong chơi trong cõi bất tử, khởi đầu là đi chọc phá thánh thần, ma quỷ, âm gian.
Đoạn năm, nhà thơ đe trước kẻ nào tán tỉnh em thì phải đàng hoàng, làm ăn cho chu đáo, nghiêm chỉnh yêu đương. Hồn sẽ hiện về lúc hai giờ sáng nằm bên canh chừng, rình rập...
Đoạn sáu, nhà thơ dặn dò con, ai xử tệ cứ gọi ba về, ba vặn cổ cho nó chết tươi.
Đoạn chót, nhà thơ hứa ai cư xử tốt với vợ con sẽ cầm tay dẫn đi mua vé số trúng bạc triệu. Nhưng đêm đêm vẫn trở lại lúc hai giờ sáng, nằm bên em "buông ngón dương cầm".
Cứ theo những lời đe dọa ghê rợn này, chắc nhà thơ không thể chết sớm được vì còn nặng nợ trần gian. Nếu có chết đi cũng vẫn còn nặng nợ, vẫn còn nhiều trách nhiệm, bổn phận phải làm. Dù hồn siêu phách lạc!
Cứ như những lời đe dọa trên thì ngay lúc nhà thơ còn sống, ông ấy cũng dữ tợn rồi, nói chi đến khi chết hồn còn hiện về bóp cổ, nằm bên "buông ngón dương cầm" thì bố ai mà chịu nổi!
Bạn đọc cũng nhận thấy cả chất điên điên của nhà thơ nữa phải không?
Vâng, đó là Ngu Yên làm thơ, viết nhạc. Ngu Yên còn chủ trương, lập nhóm Viet Arts qui tụ một số anh em có tâm hồn và nhiệt tình với âm nhạc, văn thơ, lâu lâu lại tổ chức một buổi trình diễn văn nghệ tại Houston, rất được mọi giới đồng bào tán thưởng.
Chương trình nào của nhóm Viet Arts cũng dàn dựng công phu với thành phần nam nữ nghệ sĩ thượng thặng, từng được ái mộ. Mỗi chương trình là một chủ đề, cộng thêm thành phần các nhạc sĩ đóng góp đều là nhạc sĩ có biệt tài và đầy nghệ sĩ tính nên buổi trình diễn nào cũng lôi cuốn được đông đảo người thưởng ngoạn.
Ngu Yên trên sân khấu coi không có vẻ thích hợp, nói năng coi bộ lừng khừng. Nhưng lạ một cái là với bộ mặt lạnh lùng, không sửa soạn mà khi cất tiếng lại làm cho cả thính phòng bật lên cười rộ vì những câu nói thông minh, bất ngờ, duyên dáng của anh.
Tôi cho đó là một nét Ngu Yên thành công trên sân khấu và gây được cảm tình cũng như sự thích thú đối với khán thính giả.
Cách đây mấy năm, trong dịp tôi rời Houston lên vùng DC, anh em có tổ chức một buổi tiễn đưa thân mật. Dịp này, tôi được biết thêm về tình nghệ sĩ của cặp vợ chồng Ngu Yên khi cùng nhau đứng hát trên sân khấu. Và đặc biệt nữa là Ngu Yên đã ngâm tặng người đi mấy câu thơ cổ theo điệu Hồ Quảng thật độc đáo, thê thiết, thật lạ. Giọng ngâm như thấm vào từng sợi thần kinh, vào tim tôi. Tôi còn nhớ mãi...
Trong văn học nghệ thuật, mỗi người thưởng ngoạn theo một lối khác nhau. Tôi yêu thơ Phạm thiên Thư, Hà Huyền Chi, bạn thích thơ Nguyễn Bính, Nguyên Sa ; tôi yêu nhạc Lam Phương, Trần Thiện Thanh viết về đời lính, bạn mê nhạc Phạm Duy viết về tình người, tình quê hương, Vũ Thành An với những bản không tên nhưng có đánh số; bạn quý tiếng hát Vũ Khanh, Tuấn Ngọc, Hoàng Nam; tôi thì lại quý cả tiếng hát lẫn vóc dáng Hoàng Lan, Họa Mi, Phương Hồng Ngọc... Nên sự yêu thích cũng còn tùy thuộc vào cảm nhận và sự phê phán cá nhân.
Riêng tôi biết anh là một nghệ sĩ đa tài. Tôi lại nhớ đến câu nói này: "Những người đa tài thường đa tình, còn những người đa tình thì lại chả bao giờ đa tài cả"! Điển hình là trường hợp Cai tôi và đại đa số độc giả thân mến!
Tôi chưa "cập nhật hóa" được thơ và nhạc Ngu Yên nên chưa thể nói gì thêm về anh.
Bây giờ là mùa thu năm 2002. Bạn đọc hãy chờ xem Ngu Yên có sáng tác nào mới lạ hơn không, lúc đó Cai tôi sẽ lại tục trình cùng độc giả bốn phương về thơ văn, ca nhạc của nhà thơ có vẻ lập dị, hơi mát hơi điên này.
Nhưng nói đi còn nói lại - nói cho cùng - thì đây vẫn là một con người nghệ sĩ tài hoa đôn hậu, vẫn yêu người yêu đời và coi bộ hiền hòa mơ mộng dễ thương!
Virginia, Thu 2002