Lê văn Phúc

Bóng thời gian

 

 “ĐÊM” TRONG TÂN NHẠC (8)

                                                      

 Kỳ này, thầy trò chúng tôi  xin trình bạn đọc về  đề tài có một số bản nhạc rất cũ, rất xa xăm, tưởng chừng như mất hút. Bạn đọc và hát theo sẽ thấy  lòng mình  rung động, vọng chút hương xưa để nhớ lại một thời son trẻ đã nghêu ngao cùng bạn bè hay bên cây đàn guitare, banjo, mandoline...

Bạn  cũng đọc và hát theo những bài ca không cũ lắm, chỉ cách đây  ít chục năm thôi để cảm thông với người nghệ sĩ đã rút tơ lòng  tạo nên những cung nhạc lời ca và một trời tâm sự.

 

Trước tiên, một bản nhạc xa xưa    bản  Đêm Mê Linh” của Văn Giảng, lời Võ Phương Tùng, điệu Rumba. Bản nhạc ghi lại những nét vàng son của hai vị cân quắc anh hùng đã phá tan giặc Đông Hán,  trả thù nhà, làm nên sự nghiệp vẻ vang, rạnh danh  dòng giống Việt.

 

Thầy Nguyễn Túc: Cậu muốn nhắc đến công ơn của Hai Bà Trưng?

 

Cai tôi: Dạ, chính thế! Em xin nhờ các chị trong Hội Nữ Sinh Trưng Vương vùng Hoa Thịnh Đốn đồng ca bản này:

 

Canh dài, ta ngồi trong rừng cây vang âm hồn thiên thu

Trời vắng, hồn lắng tiếng sơn hà trong gió hú

Ai thấy chăng xưa hùng cường? Ai thấy chăng nay xiềng cùm

Đằng đằng nặng hận thù?

Ai đắp non sông trường tồn? Ai kết liên dân tài hùng

Xua tan giặc Đông Hán, xua tan giặc xâm lấn.

Ta cùng chung lòng, mong ngày vang danh thơm dòng oai linh

Thề quyết rèn chí, quét quân thù đang cướp nước

Ta cháu con dân Việt hùng, nơi Mê Linh ta trùng phùng

Đồng lòng nguyền vẫy vùng.

Ta chiến binh đang thề nguyền, quanh ánh thiêng nung lòng bền

Gian nguy càng hăng chí, xung phong chờ đến ngày.

Ai vì nước? Ai thề ước?

Ta  xung phong, nguyền dâng thân hiên ngang

Nguyền đấu tranh xua tan quân Đông Hán

Ai trung thành? Ai liều mình?

Thề hy sinh, thề tung hoành  hiên ngang

Thề kiên trung chiến đấu, thề chiến thắng!

Canh dài, ta ngồi mơ ngày đi xông pha giành non sông

Ngời chói, bừng sáng ánh tươi hồng hăng chí nóng

Quanh ánh thiêng reo bùng bùng, ta nắm tay ca trầm hùng

Hẹn ngày rạng Lạc Hồng

Mơ xuất quân đi rập ràng, mơ quét tan quân bạo tàn

Xua tan giặc Đông Hán, xua tan giặc xâm lấn!

Thầy Nguyễn Túc: Cậu có ý kiến gì không?

 

- Hồi  nhỏ, em có học thuộc bài thơ lục bát về “Hai Bà Trưng”, trích trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca,  như thế này:

 

Bà Trưng quê ở Châu Phong

Giận người tham bạo, thù cồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân

Ngàn tây nổi áng phong trần

Aàm ầm binh mã xuống gần Long Biên

Hồng quần nhẹ  bước chinh yên

Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành

Đô kỳ đóng cõi Mê Linh

Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta

Ba thu gánh vác sơn hà

Một là báo phục, hai là bá vương

Uy thanh động đến Bắc phương

Hán sai Mã Viện lên đường tiến công

Hồ Tây đua sức vẫy vùng

Nữ nhi chống với anh hùng được nao

Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo

Chị  em thất thế phải liều với sông.

Phục Ba mới dựngcột đồng

Aûi quan truyền dấu biên công cõi ngoài.

 

Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái

 

Thầy Nguyễn Túc: Tôi có vài thắc mắc về bài thơ trên, nhờ cậu giải thích ngắn gọn được không? Như các địa danh “ Phong Châu”, “Ngàn tây”,”Mê Linh”,”Hồ Tây”,”Cẩm Khê” và tên “Phục Ba” là gì vậy?

- “Phong Châu”  nay là Vĩnh Yên, “Ngàn tây” là quê của Hai Bà , phía tây thủ đô nước ta thời đó, “Mê Linh” thuộc tỉnh Phúc Yên, “Hồ Tâylà tên đất thuộc  huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh , “Cẩm Khê” thuộc tỉnh Vĩnh Yên, “Phục Ba” là chức của vua Hán phong cho Mã Viện.

 

-  Nhắc đến công ơn Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán, uy danh nghiêng một góc trời làm tôi lại nhớ

đến một bài thơ vịnh công đức người xưa:

 

Tượng đá trời Nam giãi tuyết sương

Nghìn năm công đức nhớ Trưng Vương

Tham tàn trách bởi quân gây biến

Oanh liệt khen thay gái nhị thường

Liều với non sông hai  má phấn

Thương nhau nòi giống một da vàng

Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy

Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.

 

Hoàng Cao Khải

 

Không biết tôi nhớ có đúng hay không, xin bạn đọc thông cảm cho tuổi già, chưa bị “An dai mơ” là may rồi!

 

Cai tôi: Me too! Nhân đây, em cũng xin nói thêm là lời của nhạc phẩm  do Võ Phương Tùng viết. Từ trước đến nay, hiếm ai biết bài này do Võ PhươngTùng đặt lời. Mà lời thì rất hùng rất mạnh, chứa chan tình yêu nước, rất hợp với nét nhạc của Văn Giảng. Xin   tạ ơn người đặt lời.

 

Nhắc đến những bài hát xa xưa, em nhớ có bài “”Đêm thu” của Đặng Thế Phong, nhịp 3/4, nhẹ nhàng êm dịu. Dòng nhạc, lời ca mang một nỗi  sầu tê tái. Xin nhờ Ngọc Hạ trình bầy:

 

Vườn khuya trăng chiếu, hoa đứng im như mắc buồn

Lòng ta xao xuyến, lắng nghe lời hoa

Cánh hoa vương buồn trong gió

Aùng hương yêu nhẹ nhàng say, gió lay

Cành sương nặng trĩu, ru bóng đêm trong ánh vàng

Màn đêm buông xuống, mái im triền miên

Bóng cô đơn dường thao thức

Mãi trong đêm nặng sầu thương, hồn vương.

Qua lá cành, ánh trăng lan dịu dàng

Ru hồn bao nhớ nhung

Đêm lắng buồn, tiếng Thu như thì thầm

Trong hàng cây trầm mơ.

Làn gió lướt tới cuốn đưa hồn ta phiêu diêu theo mây trắng trôi lơ lững

Ngàn muôn tiếng réo rắt côn trùng như than như van mơ hồ theo gió lan

Trăng xuống dần, cỏ cây thêm âm thầm

Đông buồn theo ánh sao

Như chiếu nhìn mắt ta bao lạnh lùng

Lay hồn ta rồi tan...

 

Thầy Nguyễn Túc: Nói đến Đặng Thế Phong, ai cũng nhớ đến “Con thuyền không bến”, “Giọt mưa thu” mà ít ai biết là cuộc đời của người nhạc sĩ tài hoa này lại yểu mệnh. Ông sinh năm  1918 tại Nam Định và mất  cuối năm 1941 vì bệnh lao phổi, hưởng dương 24 tuổi,  số tuổi rất trẻ so với một đời người. Ông có người yêu là cô Tuyết đã  chăm lo, săn sóc  ông cho đến khi ông lìa đời. Ông chỉ để lại vài bản, đều viết cho người yêu dấu. Những tình khúc mang một nỗi buồn lây tới cảnh vật, như mối sầu vạn cổ. Ông nghèo, sống nhờ dạy nhạc, vẽ tranh, ca hát. Nhiều thiếu nữ mê ông nhưng ông dành trái tim cho cô Tuyết, không gọi là đẹp nhưng rất có duyên và có chân tình với người nghệ sĩ.

Cai tôi: Tuy mất sớm vì chứùng bệnh nan y  nhưng chỉ vài tác phẩm cũng đủ để lại cho đời cái tên “Đặng Thế Phong  thật nổi,  thật đẹp.

 

-          Tôi cũng nghĩ như thế!

 

-          Sao thầy hay nghĩ giống em quá vậy?

 

    Vâng, thế đó là “Đêm Thu” của Đặng Thế Phong. Em xin qua bài khác.

 

Một nhạc sĩ khác cũng rất quen thuộc với chúng ta, không ai khác hơn là Hoàng Quý với bản “Đêm trong rừng”. Bài này, tác giả dặn là nhịp chậm, có tiếng trống vỗ theo thì mới diễn tả được cái cảnh đêm trong rừng cho nó âm u ngàn lá, khuất bóng trăng sao, ngồi chung quanh phiến đá, ta khơi lửa hồng. Đồng ca hay hợp ca đều hợp với khung cảnh núi rừng. Em xin nhờ các cô, các chú trong Ban Hợp Ca Thăng Long:

 

Rừng muôn cây xanh cao, âm u ngàn gió lá

Khuất bóng ánh trăng sao, ngồi chung quanh phiến đá

Ta khơi lửa đào, bập bùng, bập bùng trong đêm thâu.

Mờ sương reo trong không, âm u ngàn thác lá gió lắng xa mênh mông

Ngồi trong hơi núi giá, ta khơi lửa hồng,

Bập bùng, bập bùng trong đêm sâu.

A, ngồi trong ánh hương đêm, ta cùng cất cao lời nguyền

Thề đồng tâm ta quyết thề sông núi

Đem tâm can xây đắp ngày tươi mới

Một lòng son, bền tâm chí, vì non nước,

Có sá chi lao lung anh em ơi, im nghe vang âm trong rừng..

(Vẫn còn tiếng trống vỗ bập bùng, bập bùng trong đêm sâu...).

 

Em thấy thầy cũng nhẩy Rumba, nhún vai, lắc mông,  mấp máy, coi bộ thích thú, như muốn gia nhập ban hợp ca với Hoài Bắc, Hoài Trung để cùng múa hát!

 

-          Thây kệ tui! Tiếp đi!

-          Tiếp nữa, em xin trình một bài ca ai cũng thuộc dăm ba câu, ai cũng nghe và ai cũng biết người hát nổi tiếng nhất là nhờ bản này.

-          Bản nào vậy? Ai vậy cà?

-          Dạ, đó là bản “Đêm đông” của Nguyễn Văn Thương, lời của Kim Minh. Ca sĩ trình bầy không ai khác hơn là Bạch Yến.

-          Đúng quá đi í chứ! Bạch Yến mà hát thì nhất rồi!

-          Vâng, em xin mời  anh Trần Quang Hải đệm đàn cho chị Bạch Yến ca bài này:

 

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống

Đâu đây buông lững lờ tiếng chuông

Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời

Cùng mây xám về ngang lưng trời.

Thời gian như ngừng trong tê tái

Cây trút lá cuốn theo chiều mây

Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều

Sương thiết thay bay,  ôi đìu hiu!

Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu

Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng

Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư

Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng

Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây,

Gió nâng thuyền mây, gió reo sầu miên

Gió đau niềm riêng, gió than triền miên

Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa

Đêm đông, ta mơ giấc mơ gia đình yêu đương

Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương

Có ai thấu tình cô lữ đêm đông không nhà.

 

Thầy Nguyễn Túc: Tôi nghe mà thấy lạnh cả người, y như đang lê bước chân phong trần tha phương  trong đêm đông lạnh giá!

 

-          Em nghe chị Bạch Yến hát cũng thấy buồn tê tái đi ấy chứ! Anh Trần Quang Hải cũng đang thở dài kia kìa! Đâu phải riêng gì mình thầy.

 

     Một bài hát khác, cũng nói về “Đêm” nhưng dùng chữ Hán: “Dạ khúc” của Nguyễn Mỹ Ca...

 

-          ...Tôi nhớ là vào  đầu thập niên 1950, ban Gió Nam từ Saigon ra Hà  Nội trình diễn, Trần Văn Trạch đã hát bài này, rất được khán thính giả nồng nhiệt hoan nghênh. Chúng tôi, Nguyễn Túc, Nhật Bằng trong ban nhạc, đệm đàn cho chàng hát. Để tôi mở lại đĩa nhựa, ta cùng nghe Trần Văn Trạch ca nhá!

 

Gió gây hương nhớ, nâng tiếng đàn xa đưa

Sầu vương vấn, gây mơ khóc trên giây tơ

Trong sầu nhớ, bóng ai thoáng về cô phòng

Nào đâu thấy tình xưa mơ mòng

Đàn ai lên cung oán tang tình gieo hờn

Đàn ai ngân theo gió, xế xang gieo buồn

Bồn chồn trong đêm tối, lần dò chơn theo lối mấp mô

Ôi cung đàn réo vang đêm trường

Giây tơ gào gió đê mê lòng

Lệ tràn vì đâu? Bao tình tê tái, nương đàn gió

Bao tìm ánh sáng trăng sao

Đàn ai lên cung oán tang tình, gieo hờn

Đàn ai ngân theo gió xề xang gieo buồn

Bồn chồn trong đêm tối, lần dò chân theo lối mấp mô.

 

Nói đến Trần Văn Trạch, chưa ai quên được dáng dấp dễ thương, vui vẻ của chàng khi hát “Xổ số quốc gia giúp đồng bào ta, mua lấy xe nhà giầu sang mấy hồi”,  những bài ca hài hước, bắt chước tiếng còi tầu, tiếng xe hỏa, tiếng chim kêu, tiếng ngựa hí . Anh quả là một nghệ sĩ đa tài!

 

-          Trong giới nghệ sĩ, ai cũng yêu mến Trần Văn Trạch là vậy.

-          Em kể tiếp nhá! “Đêm đô thị” của Y Vân, thầy nghe rồi chứ! Bài này vui nhộn lắm. Y Vân dặn là phải hát theo điệu Twist, Do trưởng, vặn vẹo lắc lư càng nhiều càng hấp dẫn. Em xin mời thầy mí lị cô Linh Phương vừa ca vừa múa vừa nhẩy Twist cho đời lên hương, cho tình thành mộng:

 

Màn đêm xuống dần, muôn ánh đèn đột nhiên như ngời sáng

Kìa bao phố phường, bao mái lầu chìm trong bóng đêm.

La la la la la...

Đời đẹp quá ơ...bài thơ.

Đường đi lối về, cơn gió lùa ngả nghiêng bao tà áo

Và bao mái đầu không vướng sầu, kề vai bước mau

La la la la la...

Lòng thầm nhớ ơ...người yêu.

Tình yêu đón chờ đêm tối về dìu nhau trên đường phố

Dịu hương tóc thề vai sát kề đời như giấc mơ

La la la la la...

Để lòng nhớ ơ...kinh đô.

Điệp khúc:

Người em gái đương thì tròn trăng mới như nhiều trang giấy

Trong lòng còn trong trắng thơ ngây

Người trai tráng yêu cuộc đời tươi sáng

Bước chân say sưa đi trên... đường

(Nhạc dứt)

 

Em xin mời thầy cô ngồi xuống ghế da, có máy xoa  bóp  cho dãn gân dãn cốt, xong mời thầy cô đi ăn  bát bửu hầm thuốc bắc, uống ruợu sâm Cao Ly!

 

-          Thanh kiều! Này, cái hồi còn ở Saigon, cậu có đi nghe nhạc Đêm Mầu Hồng bao giờ không?

 

-          Em  đâu có biết thưởng thức âm nhạc. Vả lại, nghèo mạt rệp thì tiền đâu mà vào nơi sang trọng như thế được cà! Nhưng thầy muốn nói gì?

 

-          Tôi muốn nói đến bản nhạc nổi tiếng của Phạm Đình Chương, thơ Thanh Tâm Tuyền. Bản này không ai hát hay hơn là Thái Thanh.

 

-          Vậy tiện đây, cháu xin mời cô Thái Thanh cất giọng và xin cô cứ tưởng tượng là đang ở trên  sân khấu Tự Do!

 

Em gối đầu sương xuống, chuyện trò bằng bóng mình

Em gối đầu sương xuống, tôi đẹp bóng hình tôi

Như cuộc đời, như cuộc đời, như mọi người, như chút thôi, như chút thôi.

Em là lá biếc, là mây cao, là tiếng hát

Sớm ai khua thức nhiều nhớ thương, nhiều nhớ thương

Em là cánh  hoa, là khói sóng...

Đêm mầu hồng...

Vòng tay, vòng tay dĩ vãng

Vòng tay, vòng tay bát ngát

Chốn yên nghỉ cuối cùng

Dưới mắt sao, dưới bàn chân những đứa con.

Em là lá biếc, là mây cao, là tiếng hát

Sóm mai khua thức nhiều nhớ thương, nhiều nhớ thương

Em là cánh hoa, là khói sóng...Đêm mầu hồng...

 

 

Thầy Nguyễn Túc: Nghe Thái Thanh hát làm tôi nhớ Saigon quá, cậu ạ!

 

Cai tôi: Thầy nói sao thì em nghe vậy thôi chứ em không dám lạm bàn.

 

-          Sao vậy?

 

-          Vì thầy nhớ cảnh, còn em thì lại nhớ...người!

 

-          Tôi để ý, thấy cậu nói câu nào cũng đượm một chút “sếch-xy” là làm sao vậy cà?

 

-          Dạ, là bởi  Cha mẹ sinh con, trời sinh tính” nên cái tính em nó cà chua như thế đó, thầy ạ!

 

Xin kể tiếp đến một nhạc phẩm rất nổi tiếng của Dương Thiệu Tước là bản “Đêm tàn bến Ngự”. Bài này, thầy trò mình đã nói nhiều trong bài viết riêng về Dương Thiệu Tước nên chỉ xin trích  một đoạn:

 

Ai về bến Ngự cho ta nhắn cùng

Nhớ chăng non nước Hương Bình

Có những ngày xanh, lưu luyến bao tình

Vương mối tơ mành

Hàng cây soi bóng nước Hương

Thuyền ai đậu bến Tiêu Tương

Lưu luyến thay phút say hương dịu buồn...

 

Em tiếp nhá! Qua một nhạc phẩm  khác nói về đêm nhưng lại là “Đêm nguyện cầu”, điệu Blues. Cả 3  ông nhạc sĩ Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng)  cùng rủ nhau vào nhà thờ quỳ xin Thượng Đế  thương sót, cứu vớt  cho một nước Việt Nam bao nhiêu năm chinh chiến điêu tàn, để  tiếng súng không còn vang vọng đồng xanh, để thanh bình về trên quê hương yêu dấu.

 

Trong ấn bản Sóng Nhạc phát hành ở Saigon năm 1966, các tác giả có đóng khung một hàng chữ: “Kính dâng tổ quốc mến yêu. Chân thành ghi ơn những người đã và đang chiến đấu cho hòa bình Việt Nam” L.M.B. (Quốc Khánh 1966)”.

 

Đặc biệt nữa là có in hình nữa ca sĩ Kim Loan ngồi, tay tựa cằm, nom xinh thật là xinh. Vậy em xin nhờ ngay Kim Loan mới từ bên Đức sang đây, hát dùm bài này là đẹp nhất. Mời Kim Loan:

 

Hãy lắng tiếng nói vang trong tâm hồn mình người ơi!

Con tim chân chính không bao giờ biết đến nói dối

Tôi đi chinh chiến qua bao năm trường rồi miệt mài

Và hồn tôi mang vết thương, vết thương trần ai.

Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vang về rừng sâu

Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu

Bâng khuâng nghe súng vang trong xa mờ buồn gục đầu

Nghẹn ngào cho non nước tôi trăm ngàn u sầu.

 

Thượng Đế hỡi có thấu cho Việt Nam này,

Nhiều sóng gió trôi dạt lâu dài, từng chiến đấu tiêu diệt quân thù bạo tàn

Thượng Đế hởi hãy lắng nghe người dân hiền,

Vì đất nước đang còn ưu phiền, còn tiếng khóc đi vào đêm trường triền miên

 

Có những lúc tiếng chuông đêm đêm vọng về rừng sâu

Rưng rưng tôi chắp tay nghe hồn khóc đến rướm máu

Quê hung non nước tôi ai gây hận thù tội tình

Nhà Việt Nam yêu dấu ơi! Bao giờ thanh bình?

 

Thầy Nguyễn Túc: Tôi biết Lê Dinh cũng bằng tuổi cậu mà sao ông ấy tài hoa như thế, còn cậu chả có cái ngón nghề nào cả?

 

Cai tôi: Dạ, ông ấy hơn em mấy tháng nên cái số tử vi cũng khác nhau. Hai nữa, ông trời ông ấy sinh ra mỗi người một tính một nết, có ai giống nhau đâu. Chỉ tay cũng khác, DNA cũng khác. Vậy thì tài nghệ cũng phải khác...

 

-          ...Cậu chỉ được cái tài tán róc kiểu  anh chàng Lãng Tử bên Canada là giỏi thôi!

 

-          Em xin đa tạ! Xin đa tạ! Em tiếp nhá!

 

Nói đến đêm, em không quên được bài “Đèn khuya” của Lam Phương. Hình như cuộc đời của nhạc sĩ này vướng vào rất nhiều những cái nhọc nhằn, cực khổ. Rồi đến ái tình, hạnh phúc cũng đổ vỡ tùm lum nên Lam Phương đã than thân trách phận, ghi lại dấu vết tình ta trong những nhạc phẩm nổi tiếng của chàng.

 

Bài này, em lại xin nhờ Chế Linh ca thì mới diễn tả trọn vẹn cảnh đèn khuya leo lét, nghe tiếng mưa đêm mà tưởng chừng như có  bão trong tim:

 

Khong biết đêm nay vì sao tôi buồn?

Buồn vì trời mưa hay bão trong tim

Đã mấy thu qua tôi vẫn đi tìm

Để rồi buồn ơi! Nghe tiếng mưa đêm

Khi bước chân đi lần trong cuộc đời

Lời mẹ hiền ru còn nhớ khôn nguôi

Khi lớn con đi trên vạn nẻo đời

Đừng buồn khi lúc tay còn trắng tay

 

Mưa ơi! mưa ơi! còn nhớ thương hoài

Nhớ khi mẹ lo sớm chiều, nhớ nụ cười khi nâng niu

Đôi tay run run ánh mắt dịu hiền, biết tìm lại chốn nào

Mẹ ơi, biết chăng đêm về quạnh hiu

Nghe tiếng mưa rơi mà nhớ thương nhiều

Đường về đèn khuya in bóng cô liêu

Ai biết đêm nay tôi vẫn mong chờ

Tìm đâu những phút vui ngày ấu thơ.

 

Thầy Nguyễn Túc: Tôi có biết Lam Phương hồi anh ấy ở trên vùng Virginia. Người thật hiền hòa, đôn hậu mà làm sao cuộc đời lại nhiều ngang trái như vậy?

 

Cai tôi: Mỗi người có một cái số cả đấy, thầy ạ! Như thầy mí em, đều có số An Sinh Xã Hội, rồi đến như  chiếc áo sơ mi, chiếc quần cũng có số, cả đến đôi giầy đôi dép cũng có số hết...

 

-          Thế còn các bà, các cô?

 

-          Thì có vòng số 1, vòng số 2, vòng số 3, số áo, số quần, số “sú cheng”, số...

 

-          Thôi, lại sắp “sếch xy” nữa rồi! Thế nhưng sao lại có cái số oan nghiệt nó cứ đeo đuổi ta suốt cả một đời người nhỉ?

 

-          Theo em, người nghệ sĩ đa tài, đào hoa nào cũng vướng mắc một hay nhiều món đó. Nó giống như một thứ xúc tác để văn thơ, ca nhạc có hồn. Có qua nhiều cảnh éo le, thăng trầm thì thơ văn, kịch nhạc mới thấm thía, mới đi vào lòng người thưởng ngoạn!

 

-           Cậu thì sao?

 

-          Em nhắc lại: Em thuộc loại...đa tình chứ không đa tài nên không có tài  cán gì sốt cả. Nên cuộc đời cũng làng nhàng chứ không đến nỗi ba chìm  bẩy nổi, chín lênh đênh, mười sáu cái gập ghềnh, ba mươi tám cái nhấp nhô!

 

-          Vậy như cậu là  sướng rồi đó! Thôi tiếp đi.

 

-          Dạ, nữa thì có một nhạc phẩm cũng được nhiều ca sĩ trình bầy trên làn sóng điện trước năm 1975, là bản “Đêm buồn tỉnh lẻ” của Tú Nhi và Bằng Giang, nhịp Boléro Lente.

 

-          Đêm đã buồn rồi, mà lại ở tỉnh lẻ nữa thì buồn còn hơn chấu cắn! Ai hát vậy?

 

-          Em xin nhờ Trường Vũ ca:

 

Đã lâu rồi, đôi lứa cách đôi nơi tơ duyên xưa còn hay mất ( bấm vào đây nghe Trường Vũ hát)

Mái trường ơi, em tôi còn học nữa hay ra đi từ độ nào

Ngày xưa đó ta hay đón dìu nhau đi trên con đường lẻ loi

Mấy năm qua rồi, em anh không gặp nữa

Bao yêu thương và nhớ, anh xin chép nên thơ

Vào những đêm buồn.

Điệp khúc:

Mưa, mưa rơi  từng đêm, mưa triền miên trên đồn khuya

Lòng ai thương nhớ vô biên,

Anh ra đi ngày đó

Ta nhìn nhau mắt hoen sầu, không nói nên câu giã từ.

 

Mong, anh mong làm sao cho tình duyên không nhạt phai

Theo năm tháng thoáng qua mau

Yêu, yêu em nhiều lắm, nhưng tình ta vẫn không thành

Nên núi sông còn điêu linh...

 

Ở phương này, vui kiếp sống chinh nhân nhưng không quên dệt mơ ước

Ước ngày nao, quê hương tàn chinh chiến cho tơ duyên đượm thắm mầu

Và phương đó em ơi, có gì vui xin biên thư về cho anh

Nhớ thương vơi đầy, đêm nay trên đồn vắng

Thương em, anh thương nhiều lắm, em ơi biết cho chăng

Tỉnh lẻ đêm buồn...

 

 

Thầy Nguyễn Túc: Cậu  có kinh nghiệ gì về tỉnh lẻ đêm buồn không?

 

Cai tôi: Quê em ở Hải Dương, một tỉnh nhỏ nằm trên quốc lộ số 5, giữa  HàNội và Hải Phòng. Hồi đầu thập niên 1950, mỗi khi em về thăm nhà, ban đêm nghe đại bác yểm trợ tiền đồn, tiếng súng vang vọng lại khiến em vừa buồn vô hạn, vừa co thắt con tim vì em biết trong tiếng súng có cả tiếng rên la, chết chóc, có nước mắt, có khăn tang, có triền miên đau khổ. Cho đến bây giờ em vẫn thường tự hỏi: Sao quê hương mình hiền hòa hình  cong chữ S, uốn mình  theo ven  biển Thái Bình Dương, xinh đẹp  dễ thương là thế mà lại sinh ra không biết bao nhiêu biến đổi, tang thương? Hay là lại qui vào vận nước?

 

-          Tôi cũng chịu, không biết  trả lời sao! Cái gì mình biết thì nói là biết, cái gì không biết thì cứ nói là không biết, ấy là biết vậy.

 

-          Ý thầy muốn nhắc đến câu: “Tri vi tri, bất tri vi bất tri, thị chi dã” của tiền nhân đấy phải không?

 

-          Chính thế! Thôi, ta sang chuyện tiếp!

 

-          Tiếp nữa, là chuyện tình của Duy Khánh, tâm sự trong bài “Đêm bơ vơ”. (Ghi chú: xin đừng ai bỏ nhầm dấu là “Đêm bỏ vợ”).

 

     Bài này chỉ gói ghém trong câu chuyện tình buồn, em ra đi mang theo tất cả hoa bướm ngày xưa, em ra đi không nói một lời, gieo sầu tủi tim tôi (Duy Khánh chứ không phải tôi). Thành thử ra, đêm xuân cũng thành đêm bơ vơ, đêm bơ vơ cũng chỉ vì thương ai đêm đợi đêm chờ, đêm đợi đêm chờ cũng như chim xa rừng, anh xa em vậy thôi! Nhưng anh vẫn mong mai em về, em về mai nhé em!

 

Xin mở CD để nghe  chính tác giả Duy Khánh hát  bài này mới lột được hết những đau thương của một chàng có người yêu đi mất hút:

 

Đêm bơ vơ, thương ai đêm đợi đêm chờ

Trời bây giờ, trời buồn nên trời hay mưa

Từ buổi em đi, mang theo hoa bướm ngày xưa

Từng giờ chia ly, khi nào em nhớ anh không?

Đêm bơ vơ, thương ai đêm đợi đêm chờ

Anh thương em, anh thương anh nhớ từng đêm.

 

Xuân ơi xuân, xuân ơi xuân đã đi rồi

Trời bây giờ, bây giờ là trời đông thôi

Đành lòng sao em, ra đi không nói một câu

Đành lòng sao em, gieo sầu gieo tủi cho nhau

Đêm bơ vơ, thương ai đêm đợi đêm chờ

Anh xa em, xa em anh nhớ từng đêm.

 

Đây men ruợu nồng dành cho nhau, thay hương dịu ngọt buổi ban đầu

Đây câu nhạc buồn cho em đó, thay tiếng em cười vút ngàn sao...

..Thương em, bao đêm thương hận trong lòng

Vạn bước đời, em về chốn nào xa xăm?

Đừng để cho nhau thiên thu câu hát sầu đau

Đừng để cho nhau,  ân tình câm nín chôn sâu.

    Anh xa em, như chim xa biệt cây rừng

Mai em về, mai về mai nhé em!

 

Thầy Nguyễn Túc: Cô này đi đâu mà không nói một lời nào, không cho biết lý do, không hẹn một ngày về là nghĩa làm sao vậy cà?

 

Cai tôi: Em cũng tự hỏi như rứa! Nhưng có điều chắc chắn, đây là mối tình một chiều, chàng mê nàng như điếu đổ, còn nàng thì tỉnh bơ, lặng lẽ ra đi không tỏ một đôi lời, dù là lời cay đắng bờ môi...

 

-          Tôi chắc là cô ấy đi lấy chồng xa!

 

-          Sao không lấy chồng gần mà lại đi lấy chồng xa, để con chim đa đa không hát lời “ô rơ voa”  mà lại là  vĩnh biệt tình ta?

 

-          Tôi chịu! Rồi, để khi nào tái ngộ Duy Khánh, tôi sẽ hỏi cho ra manh mối!

 

-          Thế thì em xin tiếp nhá! Trong các bài hát, bài nào viết về tiễn biệt nhau trên sân ga cũng muộn phiền, diệu  vợi. Như tiễn nhau trên sân ga Lyon đèn vàng, cầm tay rồi mà vẫn chưa đã, lại còn muốn khóc; như  Trúc Phương tiễn người yêu trong nhạc phẩm “Tầu đêm năm cũ”. Tiễn nhau ban ngày ban mặt đã buồn thúi ruột rồi huống chi tiễn nhau ban đêm, nhất là lại tiễn nhau giữa đôi trai gái. Người tiễn chân là cô con gái đưa “người  trai đi về ngàn” (?). Không có mưa rơi tầm tã, chỉ là gió khuya lạnh lẽo, trăng mọc xa xăm và ngày tháng đợi chờ!

 

Đây, tâm sự Trúc Phương, nhịp Chachacha, qua giọng ca của Thanh Thúy. Em mời chị Thanh Thúy:

 

Trời đêm dần tàn, tôi đến sân ga đưa tiễn người trai đi về ngàn ( bấm vào đây nghe Hồng Trúc hát)

Cầm chắc đôi tay, ghi vào đời tâm tư ngày nay

Gió khuya ôi lạnh sao, phớt nhẹ đôi tà áo

Người xa thật rồi, thôi tiếc thương chi khi biết người ra đi vì đời

Chợt thoáng bâng khuâng, tôi hỏi lòng đêm nay buồn không?

Chuyến xe đêm lạnh không, thấy người yêu bồi hồi

Đêm nay, lặng nghe gió lùa vào phố vắng, trăng rằm mọc xa xăm

Trong giây phút này,  tôi mong ước sao nắm trọn vào tay nhau

Ngày tháng đợi chờ, tôi đến sân ga nơi tiễn người trai đi ngày nào

Tầu cũ  năm xưa, mang người tình biên khu về chưa?

Trắng đêm tôi chợt nghe, tiếng tầu đêm gần về...

 

 

Thầy Nguyễn Túc: Rốt cục ra làm sao?

 

Cai tôi: Dạ, là chàng vẫn còn bận quân vụ ở biên khu, chưa thể về được!

 

-          Thế là người tình vẫn thỉnh thoảng ra sân ga, nếu tình cờ mà lại nom thấy chàng về thì coi như trúng số độc đắc đấy, thầy nhỉ!

 

-          Sua” là như vậy dzồi! Nhưng cái này khó xẩy ra lắm! Vì ra sân ga hú họa như thế còn khó ăn hơn là trúng số!

 

-          Thì người ta ôm hy vọng mà lị! Sống bằng hy vọng bao giờ nó cũng thơ mộng, ướt át, thú vị hơn.

 

-          Em chẳng có ham mấy cái của nợ đó!

 

-          Suỵt! Nói nhỏ thôi. Có bà nào, cô nào mà nghe thấy là nguy hiểm lắm! Tiếp tục.

 

-          Tiếp nữa, em thấy có bài cũng tiễn nhau ban đêm nhưng không nói là chia tay nhau ở đâu. Chắc là để “bảo mật”! Cũng lại là anh đi, em ở lại. Tiễn anh, em không nói, em cúi mặt. Anh đi rồi, em về trong đêm khuya trăng gầy soi bóng...

 

-          Vậy là không phải trăng tròn rồi còn gì! Thế sao em lại “cúi mặt”?

 

-          Dạ, là để  ngăn dòng nước mắt phút giây tạ từ” đấy ạ!

 

-          Tôi nghe như giọng Nhật Trường vậy đó!

 

-          Dạ, chính thế! Nhạc phẩm “Tạ từ trong đêm” của Trần Thiện Thanh. Nhạc Trần Thiện Thanh mà  Nhật Trường ca thì hết xẩy, không chê vào đâu được!

 

-          Hay là mời Thanh Lan?

 

-          Nếu đóng phim hay nhạc cảnh thì có thêm Thanh Lan là tuyệt, nhưng đây chỉ ca thôi nên em xin nhờ Nhật Trường:

 

Thăm thẳm chiều trôi, khuya anh đi rồi sao trời đưa lối

Khi thương mến nhau, hai người hai ngả tránh sao bồi hồi

Hẹn gặp nhau đây, đêm thâu lá đổ

Sương giăng kín mờ nhạt nhòa ước mơ

Đã gặp nhau rồi, sao em không nói

Sao em cúi mặt, em giận hờn anh chăng?

 

Anh hiểu rồi đây, khuya nay em về trăng gầy soi bóng

Nên em cúi mặt, ngăn dòng nước mắt phút giây tạ từ

Đừng buồn nghe em, tuy anh biết rằng,

Xa xôi vẫn làm tâm tư héo hon

Nếu em đã trọn thương anh xa vắng,

Xin em chớ buồn cho nặng lòng chinh nhân.

 

Nếu em biết rằng, có những người đi đấu tranh chưa về

Mang lời thề lên miền sơn khê, từng đêm địa đầu hun hút gió sâu

Nếu em đã gặp mẹ già thương con khấn nguyện đêm rằm

Vợ yêu chồng đan áo lạnh từng đông

Thì duyên tình mình có nghĩa gì không?

 

Anh hỏi một câu: Khi trong đêm dài vọng về tiếng súng

Sao em cúi mặt, không nhìn đôi mắt hứa thương em trọn đời

Đầu đường chia phôi, anh không nói gì

Nên phong kín lời hẹn tình lứa đôi

Nếu anh có về khi tan chinh chiến

Xin em cúi mặt dấu lệ mừng nghe em!

 

Thầy Nguyễn Túc: Bài này cũng có “trăng gầy soi bóng”, cũng có “sao em không nói”, nhưng chắc chắn một điều là em thương anh lắm.

 

- Sao thầy biết?

 

-          Không thương mà lại hẹn gặp nhau ban đêm, sương mờ giăng kín mít, em khóc thút thít như sắp mất anh rồi!

 

-          Lại có cả “trăng gầy soi bóng” tức là soi rất mù mờ. Đây là trăng lưỡi liềm đấy, thầy ạ!

 

-          Thế mới tình, chứ “trăng đầy” thì lại sáng quá, mất vẻ tình tứ đi. Thôi tiếp theo.

 

-          Từ khi cộng sản vào miền Nam thì chúng nó lập ra trại  cải tạo. Cải kiếc gì đâu? Toàn là đầy ải, trả thù một cách dã man, mọi rợ. Dân miền Nam bỏ của chạy lấy người, chấp nhận mọi hiểm nguy để mong tìm đến bến Tự Do.

 

-          Tôi cũng nghe nói là cái cột đèn nếu biết đi thì nó cũng chạy rồi!

 

-          Còn  Châu Đình An cũng tính chạy đấy chứ! Nhưng anh lại tính toán cẩn thận, ban đêm gánh dầu ra biển anh chôn để  anh chuẩn bị vượt trùng dương.

 

-          Có vượt được không hả cậu?

 

-          Anh Châu Đình An đã thành công, an toàn đến bến Tự Do. Qua nhiều thử thách, cam go ngày nay anh đã thành công trên thương trường, viết nhạc cho những hãng phim lớn của Mỹ, có phòng thâu nhạc ở Orlando, Florida.

 

-          Sao cậu biết rõ thế?

 

-          Nhờ cậu Trường Kỳ phỏng vấn trong chương trình âm nhạc dành cho đài VOA nên em theo dõi, em biết!

 

-          Tôi cũng nghe nói  đến đêm chôn dầu, nhưng chôn ra làm sao hả cậu?

 

-          Dạ, như thế này. Em xin nhờ chính tác giả gánh dầu trình bầy bản này:

 

Đêm nay,  anh gánh dầu ra biển anh chôn

Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương

Anh chôn, chôn mối tình chúng mình gửi lại đây

Trăm nhớ, ngàn thương.

Hò ơi! hò ơi! tạm biệt nước non

Hò ơi! hò ơi! tạm biệt nước non.

 

Đêm nay đêm tối trời, anh bỏ quê hương

Ra đi trên chiếc thuyền, hy vọng vượt trùng dương

Em đâu đâu có ngờ đêm buồn bỏ lại em, cay đắng thật thương

Hò ơi! hò ơi! phận kẻ lưu vong

Hò ơi! hò ơi! tạm biệt nước non...

Anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng

Anh phải bỏ đi để em còn sống

Anh phải rời xa mẹ Việt Nam đau đớn

Quê mình giờ đây ác thú trị vì...

 

...Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi

Hiên ngang trên sóng gào, tự do đón chào

Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng

Nhìn lại bên bờ nước non mình,  muối mặn khóc nghẹn ngào...

 

Thầy Nguyễn Túc: Tôi nhớ là Văn Phụng cũng có 2 bản nhạc liên quan đến đêm, là “Đêm buồn” phổ theo ca dao và “Hết đêm nay, mai sẽ hay”...

 

Cai tôi: Em xin dành để dịp khác vì bài cũng đã dài rồi, được không ạ?

 

-   Ô Kê!

 

-    Bài hát dành để chấm dứt đề tài này, em xin trình bản “Đêm, nhớ trăng Saigonđầy ắp tâm sự của nhà thơ Du Tử Lê, do Phạm Đình Chương phổ nhạc, tả nỗi nhớ quê hương của người viễn xứ. Chúng ta sẽ nghe đến các địa danh quen thuộc của Saigon. Nhà thơ cũng khơi dậy những nhung nhớ, yêu thương của kỷ niệm ngày xưa. Nghe nhạc, nghe thơ mà lòng chúng ta chùng xuống. Bản này đã được giới thiệu trong bài “Những vùng đất quê hương trong tân nhạc” nhưng tiện đây em cũng xin nhắc lại và nhờ giọng ca của Tuấn Ngọc trình bầy bản này:

 

Đêm về theo bánh xe lăn ( bấm vào đây nghe Thái Thanh hát)

Tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng

Tìm tôi, đèn thắp hai hàng

Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây

Ngỡ hồn tu xứ mưa bay

Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa

Đời tan, tan nát chiêm bao

Tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?

Đêm về trên vết xe qua

Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hàng Xanh

Nhớ em kim chỉ khứu tình

Trưa ngoan lớp học, chiều lành khóm tre

Nhớ mưa, ôi nhớ mưa

Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè

Nắng Trương Minh Giảng, lá hè Tự Do

Nhớ nghĩa trang xưa, quê hương bạn bè

Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường

 

Đời tan, tan nát chiêm bao

Tôi trăng viễn xứ, sầu em phương nào?

 

Xin thầy cho một vài nhận xét để kết thúc chương trình!

 

Thầy Nguyễn Túc: Trong đề tài dẫn thượng, tôi nhận thấy những bài viết về đêm rất đa dạng: Nào là đêm lịch sử, đêm thu, đêm đông, đêm bơ vơ, đêm nguyện cầu... Nói đến đêm là ta hình dung ngay ra cái cảnh đêm đen, đêm buồn, đêm nhớ, đêm mờ mờ ảo ảo.

 

Duy chỉ có “đêm mầu hồng” là đặc biệt, là mới lạ thôi! Tôi rất mết loại đêm này.

 

-        Thưa thầy, em xin nhắc khẽ thầy rằng thì là  đêm mầu này chỉ xuất hiện trong vũ trường hay trên sân khấu ca nhạc thôi đấy ạ!

 

-          Tôi dư biết chứ! Nhưng cậu đã phải “gà” như thế thì tôi  đâm ra cụt hứng. Vậy tôi xin hết lời! Còn cậu?

-          Xin thầy đừng  cả giận mất khôn. Phần em thì em thích nhất là “Đêm huyền diệu”!

-          Nó như thế nào?

-          Dạ, em không thể tả hết ra ở đây được!

-          Sao dzậy?

-          Vì thầy lại bảo em là ăn nói “sếch-xy” thì tội  nghiệp  cho em!

-          Cậu lắm chuyện lắm! Thôi hạ màn đi là vừa.

-          Em xin cám ơn thầy. “Thank You Paris Match”!

                                                               ***                                 

Thưa bạn đọc,

 

Đề tài về “Đêm” tới đây đã tạm dài nên thầy trò chúng tôi đành phải  hãm phanh và coi như chấm dứt.

 

Vậy xin hẹn  mí lị bạn đọc vào một kỳ tới.

 

Kính chúc  quý vị  một đêm yên lành!

 

 

 Lê văn Phúc