Cao Tự Thanh

Tản mạn về tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung

1.

Nói tới tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Kim Dung với các bộ Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên Đồ long ký, Lộc Đỉnh kyù... Dĩ nhiên ngoài Kim Dung, ở Hương Cảng và Đài Loan còn có nhiều tác giả tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng khác trong đó nổi bật là Cổ Long được coi là "một đột phá lớn trong lịch sử tiểu thuyết võ hiệp", tuy nhiên vị trí của Kim Dung trên văn đàn tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa hiện đại rõ ràng là một vấn đề không cần tranh cãi. Trước 1975, ở miền Nam cũng đã có nhiều tác phẩm võ hiệp của Kim Dung được dịch thuật và xuất bản, mặc dù khá nhiều trong đó chỉ mới được tác giả công bố dưới hình thức đăng báo nhiều kỳ (feuilleton), ví dụ đến 1977 Xạ điêu anh hùng truyện mới được chính thức xuất bản lần đầu ở Hương Cảng. Song ở Việt Nam hiện nay việc sáng tác cũng như dịch thuật tiểu thuyết võ hiệp trong đó có tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung chưa hẳn đã được tất cả mọi người đồng tình hay ủng hộ, nên đã đến lúc những người đọc sách cần thẳng thắn và công khai phát biểu quan niệm của mình.

2.

Cần nhìn nhận về tiểu thuyết võ hiệp một cách chính xác và công bằng. Manh nha từ thời phong kiến ở nhiều quốc gia trên thế giới, tiểu thuyết võ hiệp trước hết là một kết hợp giữa trí tưởng tượng bay bổng và lòng nhân đạo tích cực của con người. Tất cả các tiểu thuyết võ hiệp đều đề cao sự hào hiệp và lòng thượng võ, tình yêu công bằng, chuộng lẽ phải, tinh thần xả thân vì nghĩa, cứu khổn phò nguy... Từ các thế kỷ trước, ở Trung Hoa đã có Thất hiệp ngũ nghĩa, Càn Long du Giang Nam..., ở Pháp có Ba chàng ngự lâm pháo thủ, ở Anh có Robinhút, người anh hùng rừng Sécvút. Ở Việt Nam thì muộn hơn, nhưng trước 1945 thể loại này cũng đã bắt đầu định hình trên cơ sở sự giao lưu văn hóa với thế giới và hoạt động dịch thuật thời bấy giờ, và mặc dù bị lấn át bởi các tác phẩm võ hiệp Đài Loan, Hương Cảng, trong thời gian 1954 - 1975 ở miền Nam thể loại này vẫn đang từng bước phát triển trên con đường tìm cho mình một biệt sắc riêng. Sự gián đoạn của con đường ấy trong một phần tư thế kỷ qua cũng ít nhiều ảnh hưởng tới sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Việt Nam, nên không lạ gì mà các cơ quan hữu trách vẫn phải tiếp tục nhập phim vidéo võ hiệp Đài Loan, Hương Cảng để bù vào khoảng trống mà giới sáng tác và điện ảnh Việt Nam chưa thỏa mãn được công chúng. Vấn đề tiểu thuyết võ hiệp nói chung và tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung nói riêng trong hoàn cảnh hiện tại vì vậy cần được đặt vào mối quan hệ với hiện thực xã hội cũng như tương lai văn học Việt Nam.

3.

Là một tác giả đương đại, Kim Dung cũng phản ảnh hiện thực theo cách thức và bằng phương tiện của ông, nên không phải ngẫu nhiên mà người đọc thuộc nhiều nhóm xã hội với trình độ văn hóa, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính... khác nhau đều ưa thích tác phẩm của ông từ những khía cạnh khác nhau, đều bị lôi cuốn bởi các nhân vật trong đó, tìm thấy ở họ những nét phù hợp với tâm tư và khát vọng của mình. Ở đây các nhân vật người hùng và người tình của Kim Dung có thể là một gợi ý để người ta suy nghĩ về tác dụng xã hội của tiểu thuyết võ hiệp nói chung.

Nói chung, nhân vật người hùng trong tiểu thuyết võ hiệp phải có võ công cao cường hay trí tuệ trác việt. Người hùng thì không được thất bại, mà nếu thất bại cũng không được tầm thường, nên võ công và trí tuệ hơn đời phải là phẩm chất tất yếu của họ. Nhưng theo tiêu chuẩn này thì Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện lại không phải là một người hùng trọn vẹn : y rất ngu xuẩn trong chuyện học võ, trong ứng xử và đôi khi trong cả tình yêu. Tuy nhiên tính cách và số phận nhân vật Quách Tĩnh của Kim Dung lại bàng bạc màu sắc triết học "pháp tự nhiên" (học theo tự nhiên) của Đạo gia, theo đó con người giữ được chân tính, không tham cầu quá phận, không trí xảo, ít mưu mô là con người lý tưởng. Hoàng Dược Sư văn võ kiêm toàn, Hoàng Dung tâm tư tinh tế, Thành Cát Tư Hãn hùng tâm cái thế, Âu Dương Phong cơ trí hơn người... nhưng so ra đều không bằng Quách Tĩnh chính vì lý do này. Dĩ nhiên người hùng cũng phải hoạt động trong một hệ thống thiết chế, tổ chức và quan hệ xã hội, phải chịu sự chế định của hệ thống này ít nhất là ở mức độ tương ứng với sự thừa nhận mà nó dành cho họ. Nhưng chính nghĩa giang hồ cũng sản sinh và dung dưỡng những kẻ đạo đức giả như Nhạc Bất Quần (Tiếu ngạo giang hồ), nên nhiều người hùng của Kim Dung phải đối đầu với cả những bất công của chính nghĩa. Cho nên đạo nghĩa không phải là giá trị cao nhất mà Kim Dung khẳng định. Sau khi được Trương Tam Phong khuyên "Làm người chỉ cần không thẹn với lòng", Trương Vô Kỵ đã từ bỏ chức Giáo chủ Minh giáo để tự do tới với Triệu Mẫn (Ỷ thiên Đồ long ký) - một động cơ hành động quan trọng của các nhân vật trong tác phẩm Kim Dung là tình cảm. Điều này có liên hệ với một chân lý không phải lúc nào cũng được người ta ghi nhớ, đó là những ai có tình cảm chân thành và lương tri lành mạnh mới có thể có đạo đức theo nghĩa đích thực của từ này. Chính từ đây, có thể nhìn qua các nhân vật người tình trong tác phẩm Kim Dung.

Dễ thấy rằng hầu hết những người tình trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung cũng sống theo tinh thần và phong cách người hùng. Nỗi yêu thương nhớ tiếc bạn đời không nguôi của Kiều Phong với A Châu (Lục mạch thần kiếm) và Hoàng Dược Sư với vợ (Xạ điêu anh hùng truyện), sự phấn đấu bảo vệ tình yêu trong mối tình của Hoàng Dung với Quách Tĩnh (Xạ điêu anh hùng truyện), Doanh Doanh với Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ) hay Triệu Mẫn với Trương Vô Kỵ (Ỷ thiên Đồ long ký) có nhiều nét đẹp, nhưng lòng chung thủy trước sau như một trong tình cảm của Mục Niệm Từ với Dương Khang (Xạ điêu anh hùng truyện) và Nhạc Linh San với Lâm Bình Chi (Tiếu ngạo giang hồ), thậm chí những tình cảm vô vọng của Du Thản Chi với A Tử hay của A Tử với Kiều Phong (Lục mạch thần kiếm), của Quách Tường với Dương Quá (Thần điêu hiệp lữ), của Nghi Lâm với Lệnh Hồ Xung (Tiếu ngạo giang hồ) nhiều khi cũng khiến người ta phải ngỡ ngàng, xúc động. Có thể nói nhiều nhân vật người tình của Kim Dung chính là những người hùng trong lãnh vực tình cảm, và vì tình yêu vốn vẫn tự do hơn tài năng và đạo đức nên trong nhiều trường hợp họ còn mạnh mẽ hơn cả những người hùng. Hành xử theo lý lẽ của trái tim, nhiều khi họ phải vượt khỏi chính mình để chống lại sự ràng buộc của thứ đạo nghĩa tầm thường với các tín điều công cộng. Trong cuộc đời ai không làm được những điều mình muốn thì phải làm những điều mình không muốn, và người tình Trương Vô Kỵ đã vượt xa người hùng Trương Vô Kỵ trên phương diện tự do làm chủ số phận của bản thân. Có thể nói trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung nhân vật người tình là hệ thống ấn chứng đồng thời góp phần hoàn chỉnh nhân vật người hùng về tâm lý cũng như phẩm chất, đây cũng là lý do khiến nhiều người thích Triệu Mẫn hơn Tiểu Long Nữ hay thấy Quách Tĩnh không bằng Kiều Phong...

Tiểu thuyết võ hiệp truyền thống đề cao nhân vật người hùng để chống lại sự bất công và phi nghĩa. Nhưng đến thời Kim Dung thì sự phân hóa trong tầng lớp người hùng lại khiến nhiều kẻ đứng về phía sự bất công và phi nghĩa, đồng thời nhiều trong những người đấu tranh cho công bằng và chính nghĩa lại ngày càng tha hóa vì bị mất tự do. Thực tế đầy nghịch lý này đưa tới cho tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung một giá trị hiện đại : nếu những nhân vật người hùng của ông góp phần nhắc nhở cá nhân về thái độ và trách nhiệm đối với xã hội, thì các nhân vật người tình của ông cũng góp phần đề tỉnh xã hội về thái độ và trách nhiệm đối với cá nhân.

4.

Đọc Kim Dung, dễ nhận thấy tác phẩm của ông thường mang những khung cảnh lịch sử có thật như Xạ điêu anh hùng truyện lấy bối cảnh lịch sử thời Tống - Liêu, Lộc Đỉnh ký lấy bối cảnh lịch sử thời Thanh... Nhân vật của ông thường là có lai lịch võ học rõ ràng như thuộc môn phái nào, dùng quyền pháp kiếm pháp gì, sở trường về khinh công hay cầm nã thủ vân vân, thậm chí có khi nhờ kỳ duyên kỳ ngộ nên thoát khỏi nguy hiểm, tăng thêm công lực, học được võ công bí truyền. Những mâu thuẫn chính trị và xã hội trong tác phẩm của ông sau cùng cũng thường được quy đồng về mẫu số chung chính tà thiện ác - những giá trị đạo đức. Đây là những yếu tố thi pháp cơ bản của tiểu thuyết võ hiệp Trung Hoa cổ điển, rất dễ rơi vào chỗ công thức khuôn sáo và vì vậy cũng khó hấp dẫn người đọc lâu dài. Tuy nhiên tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung vẫn lôi cuốn người đọc nhờ kết cấu đa tuyến đa phương trong đó các lực lượng chính tà thiện ác vừa đấu tranh vừa thỏa hiệp với nhau theo một logic chính trị rất hiện đại, mặt khác phần lớn cũng nhờ nội dung văn hóa phong phú thể hiện qua hệ thống các chi tiết về lý luận võ học, tam giáo cửu lưu, cầm kỳ thư họa, y bốc tinh tướng... hé mở cho nhiều người đọc hiện đại một cánh cửa của kho tàng văn hóa cổ Trung Hoa. Hơn thế nữa, trong những tác phẩm lấy bối cảnh lịch sử, Kim Dung đều rất có ý thức trong việc tái hiện chân thực bối cảnh ấy, nên hoạt động sáng tác của ông cũng ít nhiều gắn liền với hoạt động nghiên cứu lịch sử - văn hóa truyền thống. Và nếu tiếp xúc với tác phẩm của Kim Dung qua nguyên bản Hoa văn, người ta còn có thể thấy thêm những dấu ấn của văn học truyền thống Trung Hoa ở những câu, những đoạn lấy từ Tam quốc diễn nghĩa, Liêu Trai chí dị... Những điều này đều ít nhiều được thể hiện trong Xạ điêu anh hùng truyện in năm 1977 và tái bản năm 1997 với hàng loạt thơ ca từ phú từ Tiên Tần đến Đường Tống được trích dẫn trong tác phẩm, sơ đồ chòm sao Bắc đẩu minh họa cho trận pháp Thiên cang Bắc đẩu của phái Toàn Chân như một phụ lục cuối hồi 34, hai Phụ lục về gia tộc Thành Cát Tư Hãn và về phái Toàn Chân cuối sách... Mặt khác, về tác phẩm đã được giới thiệu ở miền Nam trước 1975 này Kim Dung cũng sửa chữa, bổ sung khá nhiều khi đưa in thành sách, chẳng hạn bản dịch Anh hùng xạ điêu của Phan Cảnh Trung và Đà Giang tử xuất bản ở Sài Gòn năm 1964 có 80 hồi, nhưng bản Xạ điêu anh hùng truyện in hai lần ở Hương Cảng năm 1977 và 1997 chỉ có 40 hồi. Trong bài Hậu ký (Lời cuối sách) đề tháng 12. 1975 viết cho bộ Xạ điêu anh hùng truyện xuất bản lần đầu ở Hương Cảng năm 1977 Kim Dung cũng nói rõ "Bộ Xạ điêu anh hùng truyện xuất bản lần này có sửa chữa, bổ sung rất nhiều". Giới thiệu tiểu thuyết võ hiệp nói chung và tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung nói riêng trong hoàn cảnh hiện tại vì vậy không chỉ nhằm thỏa mãn yêu cầu tinh thần của công chúng mà còn có thể qua đó giới thiệu thêm một số kinh nghiệm sáng tác tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết lịch sử... của nước ngoài cho văn giới Việt Nam.

5.

Trong văn học Việt Nam, tiểu thuyết võ hiệp chỉ mới xuất hiện từ thế kỷ XX và nói chung chưa có thành tựu gì nổi bật, tuy nhiên nó cũng đã bước đầu định hình từ trước 1945 rồi phát triển thêm một bước ở miền Nam trong thời gian sau 1954. Nhưng từ khoảng 1966 trở đi thì nó lại gần như hoàn toàn bị che lấp bởi những Kim Dung, Cổ Long, Ngọa Long Sinh... của Hương Cảng và Đài Loan, rồi từ 1975 thì đã hoàn toàn bị khai tử. Cho nên nhìn lại tiểu thuyết võ hiệp của của Kim Dung trong hoàn cảnh hiện nay cũng là gián tiếp nhìn nhận lại vấn đề tiểu thuyết võ hiệp nói chung và tiểu thuyết võ hiệp Việt Nam nói riêng, bởi sự thiếu vắng thể loại này trong văn học sử hiện đại Việt Nam dù sao cũng ít nhiều là một điều đáng tiếc.

Tháng 8. 2000

 

Lời người dịch

(bộ Xạ điêu anh hùng truyện)

Nói tới tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, nhiều người sẽ nghĩ ngay tới với các bộ Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, Ỷ thiên Đồ long ký, Lộc Đỉnh ký trong đó Xạ điêu anh hùng truyện là một trong những tác phẩm mở đầu cho văn nghiệp của ông, một văn nghiệp tuy vẫn đang còn nhiều tranh cãi nhưng rõ ràng đối với nhiều người cầm bút vẫn là một niềm mơ ước, một nỗi khát khao.

Giống như nhiều tác phẩm của Kim Dung, Xạ điêu anh hùng truyện mang bối cảnh lịch sử Trung Quốc thời Tống - Liêu, một thời kỳ mà nhân dân Trung Hoa rên xiết dưới gót giày ngoại tộc. Cuộc đời và nhân cách của hai nhân vật chính là Quách Tĩnh và Dương Khang phát triển trong một bối cảnh chính trị mâu thuẫn phức hợp Tống Liêu, Liêu - Mông Cổ và cả Tống - Mông Cổ cuối sách. Hai nhân vật này đều là người Hán, nhưng thời cuộc và số phận đã khiến Quách Tĩnh trở thành Kim đao phò mã của Thành Cát Tư Hãn còn Dương Khang trở thành Hoàn Nhan Khang con Vương tử Hoàn Nhan Hồng Liệt nước Liêu. Trở thành những yếu nhân tương lai của nước thù của cha mẹ mình, họ đã gặp những tao ngộ phi thường cũng như những bi kịch hiếm có. Những tao ngộ mang hình thức võ hiệp ấy đã khiến Quách Tĩnh đồ đệ của Giang Nam thất quái lần lượt học thêm được nội công của phái Toàn Chân từ Mã Ngọc, Hàng long thập bát chưởng của Bắc cái Hồng Thất công bang chủ Cái bang, Không minh quyền của Chu Bá Thông rồi võ học tối cao vô thượng trong Cửu âm chân kinh, trở thành nhân tài võ học một thời. Tương tự, Dương Khang cũng lần lượt học được võ công của phái Toàn Chân và thương pháp Dương gia từ Khưu Xử Cơ, Cửu âm Bạch cốt trảo của Mai Siêu Phong, và nếu chuyện không bị lộ thì rất có thể sẽ học được cả Cáp mô công đồng thời trở thành truyền nhân duy nhất của Tây độc Âu Dương Phong sau khi giết chết Âu Dương Khắc con Tây độc... Bi kịch của họ cũng bắt nguồn trực tiếp từ các biến động chính trị. Cha Quách Tĩnh bị quân Tống giết, mẹ Quách Tĩnh bị Thành Cát Tư Hãn bức tử, cha Dương Khang bị Hoàn Nhan Hồng Liệt hãm hại rồi 18 năm sau lại bị thuộc hạ của Hoàn Nhan Hồng Liệt hạ sát, mẹ Dương Khang thất tiết với Hoàn Nhan Hồng Liệt thì tự sát chết theo chồng cũ trước mặt con trai… Sự trắc trở trong tình yêu của hai người cũng bắt nguồn từ những mâu thuẫn của các lực lượng chính trị cũng như trong xã hội giang hồ : Giang Nam thất quái không đồng ý cho đồ đệ Quách Tĩnh của mình yêu thương Hoàng Dung vì Đông tà Hoàng Dược Sư cha nàng là sư phụ của Hắc Phong song sát kẻ thù không đội trời chung của họ, còn bị chi phối bởi dã tâm chính trị của Hoàn Nhan Hồng Liệt và nhân cách tráo trở của một kẻ vong bản ham mê phú quý, Dương Khang là một người tình thiết tha mà không sao chung thủy, nên tình yêu trước sau như một của Mục Niệm Từ không thể có tương lai. Lòng ham muốn và thói vị kỷ, sự tha hóa và nỗi khổ đau của con người trải dài qua hai ngàn trang sách khiến người ta phải suy tư về các quan niệm chính tà thiện ác, về các giá trị quyền lực và nhân phẩm, hạnh phúc và vinh hoa.

Bên cạnh đó, mặc dù vẫn chịu ảnh hưởng sâu đậm thi pháp tiểu thuyết võ hiệp cổ điển Trung Hoa, Xạ điêu anh hùng truyện lại có một kết cấu đa tuyến đa phương trong đó các lực lượng chính tà thiện ác vừa đấu tranh vừa thỏa hiệp với nhau theo một logic chính trị rất hiện đại, đây chính là tiền thân của kết cấu mạch truyện trong Lộc Đỉnh ký về sau của Kim Dung. Từ một góc độ khác, các nhân vật trong Xạ điêu anh hùng truyện đều có lai lịch võ học rõ ràng, còn những nhân vật độc đáo đều có công phu độc đặc, thậm chí cả võ khí tùy thân ăn khớp với nhân cách, tính cách và phong cách của họ : Hồng Thất công có Đả cẩu bổng và Hàng long thập bát chưởng, Âu Dương Phong có Xà trượng và Cáp mô công. Võ công ở đây do đó là một phương tiện thể hiện quan niệm giá trị của nhân vật. Chính bắt đầu từ chỗ này mà Kim Dung đã đi tới kiếm pháp Vô chiêu thắng hữu chiêu trong Tiếu ngạo giang hồ, một kiếm pháp thể hiện cả phương thức tư duy lẫn phương thức sống. Sự đơn giản về tâm lý nhân vật trong Xạ điêu anh hùng truyện do đó cũng ít nhiều được bổ sung bằng cuộc đời võ học của họ : một người trung hậu chất phác như Quách Tĩnh mỗi khi học thêm được một môn võ công mới thì tâm tình càng thêm phức tạp, số phận càng nhiều trái ngang.

Bản dịch Xạ điêu anh hùng truyện lần này có khác với bản dịch ở miền Nam trước 1975, chủ yếu vì dịch từ một nguyên bản khác, nhưng cũng có phần vì chúng tôi không chỉ tiếp cận tác phẩm về ngôn ngữ - văn tự mà còn cả về văn bản, văn hóa và văn chương. Cũng cần nói rằng tên một số nhân vật trong tiểu thuyết của Kim Dung đã bị đọc lầm trong các bản dịch trước 1975, chẳng hạn Ân Ly bị đọc là Hân Ly, Thành Côn bị đọc là Thành Khôn (Ỷ thiên Đồ long ký) : dường như trong các trường hợp này người dịch đã không đọc theo âm Việt Hán mà theo âm Hoa Hán - lối đọc đã đưa tới cho diễn viên điện ảnh Hương Cảng Trịnh Bội Bội cái tên Trịnh Phối Phối ở miền Nam trước 1975. Ngoài ra một số chữ Hán có tới hai ba âm Việt Hán tùy theo ý nghĩa đòi hỏi một sự tiếp cận văn hóa ngoài việc tiếp cận ngôn ngữ, nên chúng tôi đọc là Khưu Xử Cơ, Vương Xử Nhất, Hàng long thập bát chưởng chứ không đọc là Khưu Xứ Cơ, Vương Xứ Nhất, Giáng long thập bát chưởng... Trong nguyên bản cũng có những chỗ sai sót lầm lẫn có thể của cả nhà in lẫn tác giả, nhưng đây là một bản dịch văn học nên chúng tôi chỉ đính chính để dịch chứ không chú thích như trong một công trình nghiên cứu. Tương tự, để tránh rườm rà, với các đoạn trích thơ ca trong tác phẩm thì chúng tôi không phiên âm Việt Hán nhưng cố gắng dịch theo đúng nội dung và thể loại, nhịp điệu của nguyên tác. Riêng với các nhân danh, địa danh không phải Trung Quốc mà Kim Dung đề cập tới trong hai Phụ lục và bài Hậu ký thì nếu chưa tra cứu được, chúng tôi vẫn tạm thời phiên theo âm Việt Hán để nhờ người đọc chỉ bảo thêm cho.

Bản dịch Anh hùng xạ điêu của Phan Cảnh Trung và Đà Giang tử xuất bản ở Sài Gòn năm 1964 có 80 hồi, nhưng bản Xạ điêu anh hùng truyện in hai lần ở Hương Cảng năm 1977 và 1997 chỉ có 40 hồi. Trong bài Hậu ký (Lời cuối sách) đề tháng 12. 1975 viết cho bộ Xạ điêu anh hùng truyện xuất bản lần đầu ở Hương Cảng năm 1977 Kim Dung cũng nói rõ "Bộ Xạ điêu anh hùng truyện xuất bản lần này có sửa chữa, bổ sung rất nhiều". Hàng loạt thơ ca từ phú từ thời Tiên Tần đến Đường Tống được trích dẫn trong tác phẩm, sơ đồ chòm sao Bắc đẩu minh họa cho trận pháp Thiên cang Bắc đẩu của phái Toàn Chân như một phụ lục cuối hồi 34, hai Phụ lục về gia tộc Thành Cát Tư Hãn và về phái Toàn Chân cuối sách... cho thấy những nỗ lực của Kim Dung trong việc nâng Xạ điêu anh hùng truyện từ chỗ một tiểu thuyết thông tục giải trí đăng báo nhiều kỳ (feuilleton) lên một tác phẩm văn chương có thể gợi ý cho người đọc những góc nhìn mới về nhiều vấn đề cũ của con người và thế giới. Nỗ lực ấy thành công tới mức nào thì còn tùy thuộc sự đánh giá của người đọc, nhưng ít nhất nó cũng góp phần cho thấy khả năng phản ảnh và hàm lượng nghệ thuật của tiểu thuyết võ hiệp nói chung cũng như tác phẩm võ hiệp của Kim Dung nói riêng.

Tháng 5. 2001

Lời người dịch

(bộ Ngọa hổ tàng long)

Trước nay nhiều người vẫn cho rằng tiểu thuyết võ hiệp chỉ là thứ văn chương giải trí, và phim ảnh võ hiệp cũng có chức năng tương tự. Nhưng tiểu thuyết võ hiệp Ngọa hổ tàng long qua tay đạo diễn Lý An đã làm giới điện ảnh phương Tây sửng sốt, và tuy dư luận vẫn còn nhiều khen chê này khác, nó cũng vừa đoạt được bốn giải Oscar. Tác phẩm này của Vương Độ Lư đã được đăng tải trên Thanh Đảo Đại Tân dân báo từ 1941 và xuất bản thành sách từ trước 1945 ở Trung Hoa.

Là một trong năm bộ tiểu thuyết võ hiệp được gọi là "Hạc Thiết ngũ bộ" của Vương Độ Lư (Hạc kinh Côn Luân, Bảo kiếm kim thoa, Kiếm khí châu quang, Ngọa hổ tàng long,Thiết kỵ ngân bình), Ngọa hổ tàng long là một trong những bằng chứng về sự phát triển của thể loại tiểu thuyết võ hiệp. Nếu những Xạ điêu anh hùng truyện, Ỷ thiên Đồ long kyù của Kim Dung thuộc loại tiểu thuyết võ hiệp dã sử, Huyết biển bức, Thất dạ câu hồn của Cổ Long thuộc loại tiểu thuyết võ hiệp hình sự, thì "Hạc Thiết ngũ bộ" thuộc loại tiểu thuyết võ hiệp tình cảm. Những nhánh khác của tiểu thuyết võ hiệp như khôi hài, kinh dị… cũng đang có xu hướng phát triển và định hình. Ngay Ngọa hổ tàng long cũng không chỉ là một bộ tiểu thuyết võ hiệp tình cảm. Những đoạn miêu tả sinh hoạt của đám "nhàn hán" loại Lưu Thái Bảo, Lý Thành, Thốc đầu ưng ở Bắc Kinh hay lễ hội dâng hương ở núi Diệu Phong còn ít nhiều mang ảnh hưởng của loại tiểu thuyết phong tục. Không phải ngẫu nhiên mà trong lời giới thiệu có nhan đề Ngọa hổ tàng long và Vương Độ Lư đề ngày 28. 7. 2000, Cung Dĩ Nhân hiện ở huyện Trườøng Trị tỉnh Sơn Tây đã viết "Ngọa hổ tàng long hoàn toàn không phải không miêu tả chuyện đấu tranh giữa chính tà thiện ác và mâu thuẫn xã hội, nhưng về việc quyển sách miêu tả sinh hoạt ở kinh đô thì từ góc độ xã hội học mà khảo cứu cũng có nhiều điều thú vị". Rõ ràng tiểu thuyết võ hiệp không còn đơn thuần là một thể loại văn học giải trí như nhiều người vẫn nghĩ, mà đã tiến tới chỗ có khả năng tiếp cận và phản ảnh nhiều hiện tượng, quá trình và lãnh vực của đời sống, có thể khiến người ta khóc cười thương giận cho tâm tình và số phận con người trong một thế giới đa đoan.

Về nội dung, Ngọa hổ tàng long xoay quanh mối tình của Ngọc Kiều Long, con gái một vị đại quan và La Tiểu Hổ, một thiếu niên bất hạnh rơi rụng làm tướng cướp. Cuộc tình không môn đương hộ đối này đã gây ra nhiều tai họa phiền phức cho không ít người vô can đồng thời làm thay đổi cả số phận lẫn tâm tình của hai người trong cuộc. Ngọc Kiều Long trở thành tàng long, La Tiểu Hổ trở thành ngọa hổ, nhưng không phải loại ngọa hổ tàng long theo cái nghĩa là bậc anh hùng ẩn náu chờ thời vùng vẫy tung hoành, mà là một con hổ thất tình và một con rồng bất lực. Cặp tình lữ trai tài gái sắc võ nghệ cao cường, can đảm hơn người, thiên lương tốt đẹp, khí cốt kiêu ngạo và được không ít người mến thương giúp đỡ này sau cùng phải chia tay vì không vượt qua được chướng ngại là quan niệm đẳng cấp trong hôn nhân. Cái bi kịch có nguồn gốc phong kiến này dường như lại trở thành một nạn đề trong xã hội thị dân, nên cũng thu hút sự quan tâm của tầng lớp thị dân nhiều hơn cả. Và nếu nhớ lại nhiều tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn ở Việt Nam trước 1945 trong đó các nhân vật thị dân phải đấu tranh với quan niệm và lễ giáo phong kiến để bảo vệ tự do cá nhân trong tình yêu và hôn nhân, người ta sẽ thấy ở đây một sự trùng hợp mang tính quy luật của lịch sử xã hội. Mặt khác tiểu thuyết võ hiệp tình cảm không phải là sản phẩm của xã hội phong kiến, nên trong thực tế thì Ngọa hổ tàng long đề cập tới xã hội thị dân trong cái biến thái đặc thù phong kiến nửa thuộc địa của nó sau Cách mạng Tân hợi 1911 ở Trung Hoa. Chính vì vậy mà các hiệp khách phong kiến như Lý Mộ Bạch, Du Tú Liên, các quan lại phong kiến như Đức Khiếu Phong, Khâu Quảng Siêu trong tác phẩm đều bị lấn át bởi vị "anh hùng chợ búa" Nhất đóa liên hoa Lưu Thái Bảo. Ở đây Ngọa hổ tàng long lại là một bằng chứng về sự phát triển tất yếu của tiểu thuyết võ hiệp - vô hình trung nó đã gián tiếp phủ nhận cả các thế lực phong kiến "ưu tú" trên con đường tiếp cận và phản ảnh xã hội thị dân...

Khác với Trung Hoa, trước thế kỷ XX Việt Nam không có tiểu thuyết võ hiệp. Điều này có lý do lịch sử, vì xã hội tiểu nông tự cấp tự túc ở Việt Nam thời phong kiến với xu thế kìm hãm sự phát triển của kinh tế hàng hóa về cơ bản không tạo ra được không gian vật lý và nhất là tâm lý rộng rãi cho một tầng lớp hiệp khách "rong ruổi giang hồ" nên dĩ nhiên cũng không có một dòng tiểu thuyết võ hiệp phản ảnh cuộc sống của họ cũng như phản ảnh thế giới qua cuộc sống của họ. Nhưng điều đó không ngăn cản người đọc Việt Nam thế kỷ XX ưa thích tiểu thuyết võ hiệp. Cho nên giới thiệu bộ Ngọa hổ tàng long, chúng tôi cũng muốn góp phần khẳng định khả năng phát triển của tiểu thuyết võ hiệp trong thế giới hiện đại, khả năng đã tạo ra cho văn học cuối thế kỷ XX một Kim Dung nổi tiếng và cho điện ảnh đầu thế kỷ XXI một Ngọa hổ tàng long được bốn giải Oscar...

Tháng 9. 2001

 

Lời người dịch

(bộ Lộc Đỉnh ký)

Trong mười lăm bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, Lộc Đỉnh ký là tác phẩm mang nhiều biệt sắc nhất. Trực tiếp phản ảnh đời sống xã hội với các mâu thuẫn chính trị - văn hóa ở Trung Quốc cuối thế kỷ XVII, khi nhà Thanh của người Mãn Châu đang từng bước Hán hóa để rồi trở thành một vương triều chính thức của quốc gia phong kiến Trung Hoa, tác phẩm này là một bộ tiểu thuyết võ hiệp dã sử độc đáo trên cả hai phương diện nội dung và thi pháp. Bởi vì khác với nhiều tiểu thuyết võ hiệp, Lộc Đỉnh ký không phản ảnh cuộc sống của các nhân vật võ lâm với các mâu thuẫn cá nhân hay phe phái giữa họ mà là phản ảnh đời sống xã hội Trung Hoa đầu thời Thanh với các mâu thuẫn chính trị - văn hóa có thật của lịch sử, và cũng khác với nhiều tiểu thuyết võ hiệp, các mâu thuẫn chủ yếu trong Lộc Đỉnh ký lại được giải quyết với sự tham gia không phải của các hiệp khách võ công cao cường, nhân tâm hiệp cốt mà là của một nhân vật vừa không "võ" vừa ít "hiệp" là Vi Tiểu Bảo, một nhân vật mà lai lịch và hành trạng, số phận và tính cách đã phá tung các khuôn mẫu cố hữu của tiểu thuyết võ hiệp thông thường. Có thể nói qua Lộc Đỉnh ký, Kim Dung đã khơi lên nhiều vấn đề của một thế giới hiện đại trong đó các yếu tố thiện ác chính tà không ngừng đan xen vào nhau để phát triển và chuyển hóa, đồng thời cũng góp phần đẩy tiểu thuyết võ hiệp phát triển thêm một bước trên con đường phản ảnh thế giới và nhân sinh.

Vi Tiểu Bảo là con một kỹ nữ ở Dương Châu, không biết cha là ai, lớn lên trong kỹ viện, tính nết gian trá giảo hoạt nhưng trọng nghĩa khí, ngẫu nhiên làm quen với một hảo hán là Mao Thập Bát, được Mao Thập Bát đưa lên Bắc Kinh. Ở đó vì một sự ngẫu nhiên y bị bắt vào hoàng cung, trở thành một thái giám bất đắc dĩ. Với thân phận thái giám giả mạo này y đã ngẫu nhiên làm quen được với đương kim hoàng đế Khang Hy của nhà Thanh, trở thành bạn bè rồi bạn thân của ông vua hùng tài đại lược này. Được Khang Hy tin dùng, y liên tục được thăng quan tiến chức. Nhưng trong quá trình phục vụ Khang Hy, y lại ngẫu nhiên có nhiều tao ngộ lạ lùng. Đối với nhà Thanh, y lần lượt là tiểu thái giám công thần giúp Khang Hy bắt sống gian thần Ngao Bái, Thái giám quản sự Ngự thiện phòng, Phó Tổng quản Ngự tiền thị vệ, Phó Đô thống rồi Đô thống Kiêu kỵ doanh, Phụ quốc Phụng thánh thiền sư thay Khang Hy xuất gia ở chùa Thiếu Lâm rồi làm trụ trì chùa Thanh Lương, Khâm sứ tứ hôn cho Ngô phiên, người phát ngôn của hoàng đế, tình báo chính trị của Khang Hy, Trung Dũng bá, Tam đẳng Lộc Đỉnh công, Phủ viễn đại tướng quân, Tư lệnh chiến dịch đánh Nga La Tư, đại thần thay mặt nhà Thanh ký kết hiệp ước hoạch định biên giới Trung Nga, Nhất đẳng Lộc Đỉnh công nhưng với các lực lượng và cá nhân chống Thanh thì y là đệ tử của Trần Cận Nam Tổng đà chủ Thiên địa hội kiêm Hương chủ Thanh Mộc đường của Thiên địa hội, Bạch Long sứ của Thần Long giáo, đồ đệ Cửu Nạn tức Trưởng công chúa cũ của vua Sùng Trinh nhà Minh, người ơn của Trang gia, Mộc vương phủ Vân Nam của nhà Minh cũ và các nhân sĩ chống Thanh như Cố Viêm Vũ, Hoàng Tông Hy, Tra Kế Tá, Lã Lưu Lương... Ngoài ra y còn là anh em kết nghĩa với Dương Dật Chi thuộc hạ của Bình Tây vương Ngô Tam Quế, anh em kết nghĩa với Bách thắng đao vương Hồ Dật Chi, người tình của công chúa Tô Phi Á nước Nga La Tư, anh em kết nghĩa với vương tử Cát Nhĩ Đan Mông Cổ và Lạt ma Tang Kết ở Tây Tạng... Bấy nhiêu quan hệ với các lực lượng cũng như cá nhân chống Thanh và nhiều khi chống cả lẫn nhau như vậy đã khiến y trở thành trở thành một con người đa diện trong một cuộc phiêu lưu kỳ lạ xuyên qua không gian chính trị - văn hóa cuối thế kỷ XVII ở Trung Hoa.

Theo Mao Thập Bát từ Dương Châu lên Bắc Kinh, Vi Tiểu Bảo đã bước vào một cuộc phiêu lưu không tiền khoáng hậu. Những ngẫu nhiên xảy ra liên tiếp đã hút y vào bối cảnh xung đột chính trị - văn hóa khốc liệt đương thời của đế chế Trung Hoa. Cái không gian vật lý của cuộc phiêu lưu này quả cũng quá đỗi rộng lớn đối với một thiếu niên : phía tây tới Vân Nam, phía nam tới Quảng Tây, phía đông tới Đài Loan và phía bắc tới Mạc Tư Khoa trước thời Pie đại đế. Nhưng vượt lên và sâu hơn cái không gian vật lý ấy là cái không gian chính trị - xã hội mà nó chứa đựng : chỉ giữa khu vực hoàng cung rất nhỏ bé so với đất nước Trung Hoa rộng lớn, Vi Tiểu Bảo cũng đã bị hút vào những mâu thuẫn - xung đột chính trị trong đó cái ít có giá trị nhất là mạng sống của con người. Mâu thuẫn giữa Khang Hy với Ngao Bái, giữa thái hậu với Hải Đại Phú đã giúp y bước đầu trưởng thành trong các hoạt động xã hội, một sự trưởng thành cần thiết tuy không mấy đáng khen "Hai nơi kỹ viện và hoàng cung lại càng là chỗ hư ngụy nhất, gian trá nhất trên đời, Vi Tiểu Bảo đắm mình vào hai nơi ấy thì về mặt khôn ngoan giảo quyệt còn hơn xa người lớn bình thường". Tính nết lì lợm gian dối của một thằng hầu nhỏ ở Lệ Xuân viện đã có điều kiện để chuyển hóa thành tính cách tàn nhẫn gian ngoan của một gã sủng thần trong triều đình Khang Hy. Cho nên y đã mau lẹ thích ứng được với chức Hương chủ Thanh Mộc đường quyền rơm vạ đá trong Thiên địa hội, với chức Chưởng Bạch Long môn Bạch Long sứ hữu danh vô thực của Thần Long giáo rồi tiến tới chỗ sử dụng các lực lượng chống Thanh để thăng tiến trong triều đình đồng thời sử dụng quyền lực cũng như các quan hệ trong triều đình để lập công với các lực lượng chống Thanh. Dĩ nhiên các vai trò nói trên thường xuyên xung đột với nhau, nên nếu như trong một số trường hợp tình thế đã giúp Vi Tiểu Bảo may mắn không bị lật mặt thì trong cuộc phiêu lưu giống như một vòng quay "tái sản xuất mở rộng" này tính cách và tình cảm của y lại ngày càng trở nên phức tạp vì luôn bị giằng xé bởi tâm thế vừa là người trong cuộc vừa là kẻ chứng nhân. Cái tâm thế lưỡng phân vừa là con bạc vừa là nhà cái này đã quy định số phận của Vi Tiểu Bảo, một số phận được thể hiện tập trung qua hình tượng tám bộ Tứ thập nhị chương kinh.

Chứa đựng tấm bản đồ bí mật về long mạch và kho tàng của người Mãn Châu, tám bộ Tứ thập nhị chương kinh là một bảo vật vô giá trở thành đối tượng săn đuổi, mục tiêu hành động của nhiều cá nhân và lực lượng chính trị trong Lộc Đỉnh ký. Điều đáng chú ý là nếu các lực lượng và cá nhân chống Thanh không tham gia giành giật Tứ thập nhị chương kinh như họ Trịnh ở Đài Loan, Thiên địa hội, Mộc vương phủ, phái Vương Ốc hướng mục tiêu hoạt động vào việc tiêu diệt Ngô Tam Quế, một mục tiêu phải thẳng thắn để thừa nhận là rất ngây thơ về chính trị thì Ngao Bái, thái hậu thật, Khang Hy, Thần Long giáo, Ngô Tam Quế, Cửu Nạn, Đào Hồng Anh, Lạt ma Tây Tạng Tang Kết... lại tốn không ít thời gian và tâm huyết để tranh giành, sang đoạt, trộm cắp tám bộ kinh này, nhưng tất cả đều lần lượt rơi vào tay Vi Tiểu Bảo, để rồi sau cùng vĩnh viễn trở thành bí mật trong lòng phú ông Vi Tiểu Bảo ly khai nhà Thanh tiêu dao ở thành Đại Lý tại Vân Nam. Trở thành biểu trưng về vận mệnh của vương triều Mãn Thanh dị tộc, tám bộ Tứ thập nhị chương kinh và lai lịch, gia đình Vi Tiểu Bảo chính là hai cái trục ngầm bổ sung cho nhau làm nên ý nghĩa nhất thống về văn hóa và chính trị trong Lộc Đỉnh ký, một ý nghĩa quan trọng xuyên suốt nội dung và tư tưởng bộ tiểu thuyết này của Kim Dung.

Ý nghĩa nhất thống về văn hóa trong Lộc Đỉnh ký bàng bạc ngay từ lai lịch của Vi Tiểu Bảo. Mẹ y là một kỹ nữ ở Dương Châu, trước khi mang thai y đã tiếp nhiều khách chơi đủ các loại người Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng (chỉ là không có người Tây dương). Tiền đề nhất thống ‘tiên thiên" về văn hóa này đã đưa tới quá trình nhất thống "hậu thiên" về chính trị, mà biểu trưng là bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo ở cuối cuộc phiêu lưu kỳ lạ của y. Tô Thuyên nguyên là vợ Hồng An Thông giáo chủ Thần Long giáo, Song Nhi nguyên là a hoàn nhà Trang gia, Phương Di, Mộc Kiếm Bình là người trong Mộc vương phủ Vân Nam, Tăng Nhu vốn là đệ tử phái Vương Ốc, A Kha là con gái Sấm vương Lý Tự Thành và con hờ của Bình Tây vương Ngô Tam Quế, thậm chí công chúa Kiến Ninh thật ra cũng là con gái Mao Đông Châu, một giáo chúng Thần Long giáo trà trộn vào hoàng cung giả làm thái hậu. Nếu Khang Hy đã lần lượt bắt giết Ngao Bái, tiêu diệt phái Vương Ốc, đánh tan Thần Long giáo, dẹp yên Ngô Tam Quế, bức hàng họ Trịnh ở Đài Loan, vô hiệu hóa hoạt động của các lực lượng và cá nhân phản Thanh phục Minh như Thiên địa hội, Mộc vương phủ, Cố Viêm Vũ, Cửu Nạn, Lý Tây Hoa... bên cạnh việc khuất phục được các thế lực nước ngoài muốn dòm ngó Trung Quốc của nhà Thanh từ Nga La Tư, Mông Cổ tới Tây Tạng thì Vi Tiểu Bảo cũng lần lượt chinh phục được hàng loạt mỹ nhân trong quá trình hoạt động của y, một quá trình mà trong thực tế hoàn toàn ăn khớp với quá trình cũng như phù hợp với xu thế Hán hóa của vương triều Mãn Thanh trong các hoạt động thống nhất và bảo vệ Trung Quốc cuối thế kỷ XVII. Không phải ngẫu nhiên mà lúc sắp ly khai các quan hệ chính trị cả với nhà Thanh lẫn với các lực lượng chống Thanh, Vi Tiểu Bảo đã đắc ý "Hoàng thượng hồng phúc tề thiên, còn Vi Tiểu Bảo ta thì diễm phúc tề thiên". Gia đình của Vi Tiểu Bảo phát triển song hành với những thành công về chính trị của Khang Hy, và có thể nói công cuộc nhất thống Trung Hoa của Khang Hy trong Lộc Đỉnh ký đã hoàn tất qua hình tượng gia đình Vi Tiểu Bảo cùng bảy vợ ba con bắt rùa câu cá trên đảo Thông Ngật (đảo Ăn Tất) với bí mật trọng đại là tấm bản đồ về long mạch và kho tàng của vương triều Mãn Thanh tại Lộc Đỉnh sơn. Nhưng con bạc coi cuộc đời như một canh bạc này đã trở thành một người cầm cái từng trải đủ để ngán ngẩm các cuộc đỏ đen chính trị trong đó chuyện thắng thua may rủi cũng phụ thuộc vào những con xúc xắc lòng người. Việc y cầm quân đánh nước Nga La Tư, làm đại thần ký kết hiệp ước hoạch định biên giới Trung Nga và gởi tặng người tình cũ Nhiếp chính nữ vương Tô Phi Á nước Nga pho tượng khỏa thân của chính mình, cứu sống Mao Thập Bát... về cơ bản chỉ là những chi tiết của một kết thúc có hậu. Các trí thức chống Thanh như Cố Viêm Vũ, Tra Kế Tá, Hoàng Lê Châu, Lã Lưu Lương xuất hiện từ hồi 1 để khẳng định một chí hướng lại cùng xuất hiện ở hồi 50 để thừa nhận một tình thế hay nói đúng hơn, một xu thế. Sau những tan rã biển dâu từ khi quân Thanh tiến vào Sơn Hải quan, Trung Hoa đang được thống nhất trở lại : Vi Tiểu Bảo từng đem người Thiên địa hội đi đánh Thần Long giáo, rồi lại đem bọn Lâm Hưng Châu bộ thuộc cũ của họ Trịnh Đài Loan đi đánh quân Nga La Tư. Dĩ nhiên Trung Hoa của Khang Hy cũng chỉ là một thời điểm trên vòng tuần hoàn hợp nhất - phát triển - phân ly - hợp nhất về chính trị của Trung Hoa trong lịch sử : có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo không có một ai xuất thân trong Thiên địa hội hay có quan hệ với họ Trịnh ở Đài Loan...

***

Bản dịch Lộc Đỉnh ký lần này có khác với bản dịch ở miền Nam trước 1975, chủ yếu vì dịch từ một nguyên bản khác, nhưng cũng có phần vì chúng tôi không chỉ tiếp cận tác phẩm về ngôn ngữ - văn tự mà còn cả về văn bản, văn hóa và văn chương. Trong nguyên bản cũng có một số chỗ sai sót lầm lẫn có thể của cả nhà in lẫn tác giả, nhưng đây là một bản dịch văn học nên chúng tôi chỉ đính chính để dịch chứ không chú thích về văn bản như trong một công trình nghiên cứu. Trong sách có hai hệ thống chú thích, các chú thích của Kim Dung được ký hiệu với chữ "Chú" sau dấu hoa thị đặt giữa hai ngoặc đơn (*), còn của chúng tôi chỉ có dấu hoa thị đặt giữa hai ngoặc đơn. Để tránh rườm rà, với các đoạn trích thơ ca trong tác phẩm, chỉ những chỗ cần thiết chúng tôi mới thêm phần phiên âm Việt Hán. Riêng với các nhân danh, địa danh không phải Trung Quốc như Nam Hoài Nhân (Ferdinandus Verbiest) mà ai cũng biết, Tô Phi Á (Sophia), Y Phàm (Ivan), Khắc Lý Mụ Lâm (Kremlin) nói chung dễ nhận ra, Đồ Nhĩ Bố Thanh (Alexi Tolbusin), Phí Yếu Đa La (Fedor A. Golovin) mà nguyên bản có chú rõ, còn có rất nhiều tên riêng không phải Trung Quốc khác như Hãn Thiếp Ma, Cát Nhĩ Đan (gốc Mông Cổ), sông Hô Mã Nhĩ, thành Nhã Khắc Tát (gốc Mãn Châu), chiến hạm Cụ Khắc Đức Á, thành Phổ La Dân Già (gốc Hà Lan)... lại không dễ truy nguyên, mặt khác cũng cần đảm bảo cái "không khí phương Đông" của một tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp nên chúng tôi vẫn phiên theo âm Việt Hán. Mặt khác, trong Lộc Đỉnh ký còn có rất nhiều chỗ chơi chữ rất khó dịch bên cạnh nhiều đặc ngữ, tiếng lóng, phương ngữ, thổ ngữ Trung Hoa mà học vấn về Hoa văn của người dịch không thể chuyển ngữ thật chính xác trên cả hai phương diện ngữ nghĩa và phong cách, đây là điều chúng tôi muốn xin lỗi trước với tác giả Kim Dung cũng như người đọc gần xa.

Tháng 6. 2002

Cao Tự Thanh

Cao tự Thanh là một học giả Miền Nam hiện sống tại Sài Gòn .