Phạm Phú Minh

Đôi điều về tập thơ Thắp Tạ

Cách đây một tuần, nhà thơ Tô Thùy Yên đã từ Houston, Texas sang Quận Cam để ra mắt tập thơ Thắp Tạ của ông tại phòng sinh hoạt Lê Ðình Ðiểu, nhật báo Người Việt. Chiều thứ bảy 20 tháng 11 năm 2004 hơn 100 người yêu thơ đã đến để nghe nói về thơ Tô Thùy Yên, để nghe ngâm và đọc thơ ông, để gặp và trò chuyện với ông.

Làm thơ là một khả năng đặc biệt của con người, diễn tả những cảm xúc, những trạng thái vượt ra khỏi đời thường, bằng phương tiện ngôn ngữ, nhưng là một thứ ngôn ngữ cũng vượt ra khỏi ngôn ngữ thường nhật mà chúng ta dùng. Có lẽ đó là một nhu cầu của con người khi mà đời sống tình cảm và tâm linh phát triển, muốn hướng về một cái gì đó cao hơn cái thực tại của đời sống hằng ngày. Con người đã làm thơ từ thời thượng cổ. Cách đây hơn 2500 năm (mà trong thế giới văn học, triết học người ta cho là thời thượng cổ, thái cổ - antiquité trong tiếng Pháp) là một thời kỳ bừng thức đồng bộ của tư tưởng, thi ca, ở Ðông phương cũng như ở Tây phương, thời kỳ xuất hiện những nhà hiền triết như Khổng tử, Lão tử, Phật Thích Ca v.v... ở phương Ðông, những Socrate, Platon, Aristote v.v... ở phương Tây, thời kỳ của những Veda, Kinh Thi, Ly Tao, Thánh Vịnh Illiad, Odyssey... Từ đó con người tiếp tục làm thơ trong suốt lịch sử của mình. Người Việt Nam là một dân tộc cũng rất yêu thích thi ca, chúng ta có một kho tàng ca dao vô cùng phong phú và trữ tình, chúng ta cũng có vô vàn các nhà thơ suốt lịch sử, làm thơ chữ Hán, rồi chữ nôm, và đã nâng cao khả năng diễn đạt của tiếng Việt đến những mức độ tuyệt vời. Trong thế kỷ vừa qua, thơ chúng ta lại đạt đến những khả năng mới, sau khi tiếp xúc với nền thi ca của Tây phương, đặc biệt là của Pháp. Như thế, với tâm hồn nhạy cảm với con người và thiên nhiên, với ảnh hưởng của những nền thi ca đồ sộ Trung Hoa và Pháp, người Việt Nam đã tạo ra nền thi ca mới mẻ cho mình. Lần lượt đời nọ sang đời kia, chúng ta đã có những nhà thơ lớn, mỗi người một vẻ khác nhau, làm phong phú ngôn ngữ của chúng ta, và làm thăng hoa tâm hồn của người Việt Nam chúng ta.

Tô Thùy Yên là một nhà thơ Việt Nam như thế. Ông tên thật là Ðinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Ðịnh, trước 1975 là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong ngành Chiến Tranh Chính Trị, sau biến cố 75 đã phải đi tù cải tạo 13 năm. Bắt đầu làm thơ từ cuối thập niên 1950, và tiếp tục làm thơ cho đến nay, Tô Thùy Yên là người đã lặn sâu, thật sâu vào cuộc sống Việt Nam, đau khổ Việt Nam, thao thức Việt Nam với một tâm hồn rộng mở ra với cổ thi Trung Hoa và thần thoại Hy Lạp, với văn minh Ấn Ðộ và thi ca nước Pháp, cho chúng ta những áng thi ca tầm vóc nhân loại, xứng đáng gọi là đại diện cho tâm thức Việt Nam suốt cuộc lịch sử chìm nổi vừa qua.

Thắp Tạ là một tập thơ tương đối mỏng do nhà xuất bản An Tiêm ấn hành trong năm 2004. Có thể đây là cuốn sách cuối cùng do ông giám đốc Thanh Tuệ của nhà xuất bản An Tiêm săn sóc cho ra đời trước khi ông từ giã cõi đời vào tháng Tám vừa qua. Nó gồm 140 trang với khoảng trên 40 bài thơ chưa xuất bản lần nào của Tô Thùy Yên. Có bài chỉ bốn câu, có bài hàng trăm câu. Nhưng dù hình thức như thế nào, mỗi bài khi đọc lên đều đem đến cho ta những rung động khi mãnh liệt, khi dịu dàng vì những tình ý lúc nào cũng sâu xa được chuyên chở bởi một ngôn từ luôn luôn mới mẻ. Nhà văn Phan Nhật Nam phát biểu trong buổi ra mắt sách vừa qua có nói đại ý rằng Tô Thùy Yên cũng viết như chúng ta, không ra ngoài 24 chữ cái của vần quốc ngữ, thế nhưng sự tập hợp chữ nghĩa của ông luôn luôn là một lạ lùng, khơi gợi được ở nơi ta biết bao là ý tình và cảm xúc.

Khi đọc hay nghe đọc lên cái nhan đề của tập thơ là Thắp Tạ, nhiều người trong chúng ta không khỏi tự hỏi: Thắp Tạ là gì? Ðó là một tiếng ít nghe. Ít nghe chứ không phải là chưa bao giờ nghe. Ðó là tên một bài thơ của tập thơ, và nếu chúng ta đọc bài thơ đó thì sẽ hiểu tại sao tác giả lại gọi bài thơ bằng tên ấy. Bài thơ hơi dài, chúng ta hãy đọc hai khổ cuối:

Một mai nàng ra bãi vô định

Nhìn sông đổi dòng, nhìn núi chuyển chân

Mây bay bay như những vẫy biệt

Nàng đứng cho tàn một nén nhang

Thắp tạ càn khôn một vô tích

Thắp tạ nhân quần một luyến thương

Biển Ðông đã một ngày xe cát

Khuất giạt, mơ lai kiếp dã tràng.

Khi đọc những câu “Nàng đứng cho tàn một nén nhang, thắp tạ càn khôn một vô ích, thắp tạ nhân quần một luyến thương” thì chúng ta hiểu ngay thắp tạ là gì. Ðó là một hành động rất thông thường trong tín ngưỡng Việt Nam: thắp một nén nhang để tạ ơn một cái gì đó. Chữ “tạ” và hành động “tạ” của Việt Nam diễn đạt một tâm thức biết ơn, người Việt Nam đưa sự biết ơn thành một hành vi tín ngưỡng, đôi khi hơi nhuốm vẻ mê tín khi hướng về một thế lực siêu hình vô định nào đó, nhưng đó vẫn là một nét rất đẹp của tâm hồn chúng ta. Người mà luôn luôn không quên tạ ơn những gì mình nhận lãnh được trong cuộc nhân sinh của mình là người nhìn thấy được lẽ nhân quả trong các mối tương quan, thấy sự hạn chế trong khả năng của mình, trong cuộc sống ngoài những gì mình cho đi thì mặt khác mình cũng nhận không biết bao là thứ từ thiên nhiên và con người; thấy được cuộc sống chính là một tương tác không ngừng của biết bao yếu tố, chứ chẳng có người nào, vật nào độc lập một mình nó mà tồn tại được. Người biết tạ ơn là người có một tấm lòng đầy nhân hậu. Tạ ơn bằng cách thắp một nén nhang là một cung cách thanh tao, dùng khói hương bay như một bằng chứng cho tấm lòng thành của mình. Hai chữ Thắp Tạ mà Tô Thùy Yên dùng ở đây bao trùm một cõi lòng mênh mang, diễn đạt được cái nhân sinh quan của người Việt Nam, dù trải qua bao cay đắng vẫn không mang lòng thù hằn, trái lại vẫn nhìn đời với một tâm lượng khoan hòa và khiêm tốn, nhìn tất cả tương quan với đời với người trong một chiều hướng tràn trề tích cực và tốt đẹp.

Hai chữ Thắp Tạ, thoạt nghe thì lạ, nhưng thật ra nó có cỗi rễ rất sâu xa trong ngôn ngữ của chúng ta trong quá khứ. Chúng ta thường nghe đến hai tiếng “cúng tạ” hơn, đó là hành vi bày tỏ lòng biết ơn đến một thực thể vô hình nào đó bằng lễ vật. Nhưng thông thường chỉ cần thắp một cây nhang như là phương tiện để nối với một cõi khác, và có lẽ từ đó hai chữ “thắp tạ” đã có trong dân gian từ xưa, đó là vốn liếng của văn hóa của tổ tiên, mà chính Tô Thùy Yên đã có công khơi gợi lại cho chúng ta, cùng lúc cũng khơi gợi biết bao nỗi niềm tâm thức mà ông bà ta đã mang, nhưng trong cuộc sống ngày hôm nay chúng ta hầu quên lãng.

“Thắp tạ” là một lối nói dân gian, có lẽ phổ biến ở miền Nam ngày xưa. Tác giả là người Nam, trong thơ ông, chúng ta gặp những ý, những tình, cả những điển tích rất là... Nam kỳ, mà không phải là người Nam kỳ thì không thể nào viết ra nổi. Ðọc bài thơ “Nhớ có lần, trên bến bắc khuya, nghe một ông lão đàn hát” mà tác giả viết năm 1999 khi qua bắc Mỹ Thuận, ta đọc những câu như:

“Cổ bản đưa: từ phu tướng đi”... là nói về bản Dạ Cổ Hoài Lang do nhạc sĩ Sáu Lầu sáng tác, khởi lên như sau:

Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phong lên đàng...

Hoặc câu:

“Mòn mỏi, thành Nam, nghĩa sĩ tận” là nói về cái chết của Phan Thanh Giản khi ông phải tự tử vì không giữ được thành trước sức tấn công của người Pháp. Hai chữ “thành Nam” là mượn từ câu thơ của Nguyễn Ðình Chiểu điếu Phan Thanh Giản:

Ải Bắc ngày trông tin nhạn vắng

Thành Nam đêm quạnh tiếng quyên sầu.

Hai chữ “nghĩa sĩ” cũng là chữ của Nguyễn Ðình Chiểu khi viết “Văn tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc.”

Hay câu:

“Kèn chiều tiếng lạ quặn trời quê” là cảm hứng từ câu thơ của Tôn Thọ Tường vịnh chùa Cây Mai:

Lặng lẽ chuông quen con bóng xế

Tò le kèn lạ mặt trời chiều.

Những điển tích như thế, khi vào tay Tô Thùy Yên đã thành những câu thơ âm vang đầy quá khứ, hoặc ảo não, hoặc hùng tráng hay khổ đau.

Trong buổi ra mắt tập thơ Thắp Tạ tuần vừa qua, thi sĩ Tô Thùy Yên đã nhận xét rằng nếu trải qua một thế hệ mà dân tộc nào không sản xuất ra được một tác phẩm văn nghệ đáng kể thì dân tộc đó không còn sức sống. Trong 30 năm vừa qua người Việt ở khắp thế giới cũng đã sản xuất được nhiều tác phẩm đáng kể. Ðó là điều đáng mừng cho sức sống của dân tộc Việt Nam chúng ta. Và hôm nay sức sống ấy lại càng thêm mãnh liệt với những bài thơ mà chúng tôi cho rằng kiệt tác, của thi sĩ Tô Thùy Yên. Và đặc biệt, nói về Thắp Tạ trong dịp lễ Tạ Ơn của đất nước Hoa Kỳ mà chúng ta đang ở là một việc rất thích hợp, cho thấy rằng dù người Mỹ hay người Việt thì: “Cũng nhân tâm ấy, há thiên lý nào!”

Phạm Phú Minh

November 27, 2004