Hoàng Mai Đạt

Ngôi Nhà Thờ Xưa Ở Irwin

Westminster, ngày 23 tháng 12, mùa Giáng Sinh 2008.

Ngôi Nhà Thờ Xưa Ở Irwin

Một góc của ngôi nhà thờ United Presbyterian Church of the Covenant mà chúng tôi từng một thời dự lễ mỗi sáng Chủ Nhật trong hai năm cuối thập niên 1970.



“Kính gởi bạn nào đọc được thư này,

“Tôi tên là Ðạt, đang sống ở Nam California. Hơn 30 năm trước, tôi từng trú ngụ tại Irwin một thời gian ngắn. Trong khoảng thời gian đó, tôi thường đi lễ tại một nhà thờ mà hình như là nằm ở góc đường Maple và đường số Bốn, gần khu phố có nhà hàng Colonial Grille nằm trên đường Main. Hình như tên của nhà thờ là First Presbyterian of Irwin.”

Những dòng trên mở đầu một thư e-mail rất ngắn mà tôi đã viết cho First Presbyterian of Irwin, một nhà thờ nằm ở thị xã Irwin, miền tây tiểu bang Pennsylvania. Tôi kiếm địa chỉ e-mail của nhà thờ này vì mong tìm lại một giáo đường xưa mà tôi từng biết.

“Nhà thờ của bạn mang tên First Presbyterian of Irwin, nằm trên đường Main. Dựa theo hình ảnh mà tôi thấy trên mạng, giáo đường của bạn lớn, nguy nga hơn rất nhiều so với nhà thờ mà tôi đã dự lễ mấy thập niên trước.

“Vì một lý do nào đó, tôi không tìm ra nhà thờ xưa của tôi trên internet. Thành thử tôi muốn biết có phải giáo đường của bạn nằm trên đường Main chính là nhà thờ mà tôi đã dự lễ ở góc đường Maple và Bốn? Có phải nhà thờ xưa đã dọn đến địa chỉ mới? Nếu hai nhà thờ này khác nhau, vậy thì chuyện gì đã xảy ra cho nhà thờ của tôi?”

Viết đến dòng đó, tôi bỗng ngưng và muốn bỏ ý định viết thư e-mail cho First Presbyterian of Irwin. Tôi có vài lý do để ngưng một cuộc lùng kiếm diễn ra giữa lúc đang quá bận rộn với nhiều công việc ở tòa soạn vào buổi chiều hôm ấy: viết chưa xong một bản tin, chưa hoàn tất bản trình bày các trang báo, cần kiểm điểm lại công tác săn tin cho ngày mai.

Thế nhưng tôi quyết định viết tiếp:

“Bây giờ đang là mùa Giáng Sinh và điều đó làm cho tôi chợt nhớ đến một ngôi nhà thờ mà tôi đã dự lễ lần đầu tiên tại Hoa Kỳ.

“Hồi âm của bạn sẽ giúp tôi rất nhiều. Thế nhưng nếu bạn không thể trả lời thì tôi cũng thông cảm, và bạn hãy vứt bỏ lá thư này, hãy quên nó đi.

“Chúc bạn và những người trong nhà thờ được một mùa lễ Giáng Sinh an bình, một năm mới hạnh phúc trong tình thương của Thượng Ðế.”

Sau khi viết tên ở cuối thư e-mail, tôi chần chừ vài giây trước khi nhất quyết bấm nút để chuyển thư vào hư vô bên trên màn ảnh điện toán. Một thông điệp được phóng đi, một thoáng niềm vui bay bổng trong tâm trí tôi đêm hôm ấy. Chỉ thoáng vui thôi nhưng cũng đủ cho tôi cảm được một chút bình an để bước tới trong cuộc sống ngổn ngang hiện tại. Tôi vui vì chợt nhận ra bước khởi đầu trong hành trình tâm linh của tôi đã in dấu trong một ngôi nhà thờ ở thị xã Irwin.

Gọi là hành trình cho oai vậy thôi, chứ thật sự tôi chỉ đi được một bước, xong giậm chân tại chỗ hoặc quẹo quanh co, đi giật lùi trong nhiều năm trước khi trở về con đường thênh thang và nhẹ nhàng ấy. Ngày đó tôi mới có 15 tuổi, vừa tị nạn tại Mỹ được mấy tháng sau khi cuộc chiến tương tàn Việt Nam kết thúc trong mùa xuân 1975.

Từ trại tị nạn Indiantown Gap ở miền trung của Pennsylvania, chúng tôi – gồm mẹ, tôi và em trai – được một gia đình bảo trợ về miền tây của tiểu bang, sống trong một vùng ngoại ô gần Irwin. Theo lối nói của người Việt tị nạn thời ấy, gia đình bảo trợ chúng tôi thuộc loại “rách.” Họ là một gia đình đông con, muốn nuôi thêm ba mẹ con tị nạn để lấy tiền xã hội mà không cho chúng tôi biết. Gia đình này thường xảy ra những xung đột, thêm ba người lạ như chúng tôi thì không khí càng căng thẳng hơn. Thành thử sau mấy tháng chăm sóc, họ giao ba mẹ con cho một nhà thờ ở Irwin, phủi tay cho xong việc.

Nhà thờ United Presbyterian Church of the Covenant – một lời ghi chú tìm được trong lúc viết bài này nhắc cho tôi biết như vậy – nằm trên một con dốc cao của đường số Bốn, quay mặt về hướng đường Maple. Giáo phái Thiên Chúa Presbyterian xuất phát từ Tô Cách Lan, chia thành nhiều nhóm tại Bắc Mỹ. Sau này tôi mới biết thành phố Pittsburgh và vùng lân cận, tức là bao gồm luôn thị xã Irwin, là nơi qui tụ nhiều tín hữu Presbyterian nhất ở miền Bắc Hoa Kỳ. Ðó là lý do tại sao tôi lầm nhà thờ Presbyterian xưa của tôi với giáo đường First Presbyterian of Irwin.

Với diện tích không tới một dặm vuông, thị xã Irwin đã có khoảng 20 nhà thờ. Hầu như ở góc đường nào cũng thấy có một tòa nhà dành cho Thượng Ðế. Nhà thờ United Presbyterian Church of the Covenant (Presbyterian Qui Ước) nhận trợ giúp ba mẹ con chúng tôi thuộc hạng nhỏ ở Irwin. Tuy vậy, nhà thờ này cũng được xây kiên cố như một pháo đài, trang điểm với những khung cửa sổ bán nguyệt hoặc chữ nhật có kiếng màu trên nền tường đá đỏ.

Người trong giáo hội thuê một tòa nhà cũ cách nhà thờ vài trăm thước cho ba mẹ con chúng tôi ở. Gọi là tòa nhà vì nó cao ba tầng chưa kể hầm dưới đất, đủ chỗ ở cho ba gia đình. Một bà cụ sống trên tầng cao nhất, chúng tôi sống ở tầng trệt.

Nhằm giúp chúng tôi có tiền sống, họ giới thiệu một việc làm cho mẹ tôi trong nhà hàng Colonial Grille nằm trên đường Main. Còn tôi, họ giao trách nhiệm hút bụi và lau dọn nhà thờ mỗi tuần một lần. Những ngày làm việc trong nhà thờ chính là khởi đầu cho tiến trình tâm linh mà sau này tôi mới nghiệm ra. Chứ lúc đó tôi chưa hiểu gì về chuyện ấy, chỉ biết lòng xao động của một thanh niên mới lớn mỗi khi đi lễ vào sáng Chủ Nhật. Xao động vì nhiều lý do, cả thanh cao lẫn trần tục.

Cầm tờ chương trình mà mỗi người được phát sau khi bước vào cửa để dự lễ, tôi thường chờ đến tiết mục ca hát để nghe ông nhạc công bấm trên phiếm đàn organ những bản nhạc cổ điển của Johann Sebastian Bach. Ông ngồi với đàn ở bên trái, nhường hết chánh tòa cho hàng chục ống nhạc trông giống như những cây sáo được cắm thẳng đứng. Tiếng nhạc được viết hơn ba thế kỷ trước của Bach thoát ra từ những ống khí đó. Lúc ấy tôi dự lễ chỉ để chờ dịp nghe những bài nhạc không lời, thả hồn đến một thế giới khác như mong thoát khỏi những phiền não của hiện tại.

Chánh tòa không có hình ảnh Chúa hoặc Thánh Giá, chỉ có những ống nhạc. Có lẽ vì vậy mà mỗi lần nghe tiếng đàn organ được gióng lên, tôi có cảm tưởng những dòng nhạc thánh thót, thanh cao và miên man bất tận đó chính là âm thanh của Thượng Ðế, xoa dịu nỗi lo âu của một thiếu niên đang phân vân trước một tương lai chưa biết đi về đâu giữa những ngày Chủ Nhật.

Không riêng gì tôi, mẹ và em tôi cùng nhiều người khác trong bộ áo Chủ Nhật trang trọng, lịch lãm cũng đều chờ nghe tiếng nhạc. Tiết mục này giúp cho buổi lễ bớtà buồn ngủ. Mẹ tôi và dăm ba ông bà cụ thường ngủ gật trong mười phút thuyết giảng của mục sư. Em tôi ngồi ngáp dài. Còn tôi, tai ráng nghe lời giảng của ông mục sư mặc dù không hiểu tiếng Anh, mà mắt thường ngó qua dãy ghế phía bên kia để theo dõi nhóm gia đình họ Painter. Nhóm này đông lắm, thường có hơn mười người và ngồi hết hai hàng ghế. Trong đám Painter thì chỉ có “thằng” Tracy và “con” Lianne được tôi để ý đến nhất. Hai đứa đó là chị em họ, bằng tuổi nhau và cùng lứa tuổi với tôi.

Tracy và Lianne được tôi chú ý vì hai đứa học chung lớp Kinh Thánh với anh em tôi vào mỗi sáng Chủ Nhật trước giờ lễ. Nói là học Kinh Thánh, thằng Tracy chẳng bao giờ chịu ngồi yên, thường lí la lí lắc phá mấy đứa kia, hoặc đẩy một tờ giấy để chơi trò đánh vần “treo cổ” với tôi. Có khi Tracy rủ tôi ra phía sau nhà thờ đểà hút thuốc. Nó mới tập hút. Thấy tôi từ chối, Tracy nói rằng ông mục sư cũng hút, không sao đâu. Thật sự thì không đúng như vậy. Bà vợ của mục sư hút chứ ông không hút. Mục sư từng mời mẹ con chúng tôi đến nhà một lần kia sau buổi lễ. Hôm ấy tôi thấy ông Barry Walker mở một lon bia uống trong khi vợ châm điếu thuốc hút trong phòng khách. Từ đó tôi đoán mục sư giảng đạo chỉ là một nghề như mọi nghề trong xã hội, và mục sư không hẳn bắt buộc phải sống đời một tu sĩ như tôi tưởng.

Còn Lianne, “nó” để lại trong tôi những kỷ niệm “tình người” đẹp nhất ở ngôi nhà thờ Presbyterian ấy. Khác với Tracy có tật nói huyên thuyên, thường kiếm chuyện để phá trong lớp Kinh Thánh, Lianne ít nói, thỉnh thoảng liếc nhìn hai anh em tôi với đôi mắt xanh màu ngọc thạch. Lianne theo dõi tôi không hẳn vì bị mê hoặc bởi một nhan sắc xanh mét của một “tên” tị nạn, mà vì biết tôi lúng túng mỗi khi không tìm ra được những đoạn giảng trong cuốn Kinh Thánh. Lianne giúp tôi tìm những đoạn ấy, có khi dành thời giờ để giải thích cho tôi hiểu. Cô bé thường quan tâm đến chuyện gia đình tôi. Nhà có đủ ăn không? Có thiếu tiền? Sưởi có đủ ấm trong ngôi nhà rộng lớn? Mẹ đi làm có được không? Ðạt đi học ra sao, có theo kịp mấy bạn Mỹ, có bị ăn hiếp? Lianne hỏi riêng tôi những câu như vậy mỗi khi chúng tôi gặp nhau trong các sinh hoạt của giới trẻ trong nhà thờ.

Trên đời này chắc chắn có những phụ nữ xinh xắn hơn Lianne. Thế nhưng cô bé họ Painter là người đẹp nhất ở ngôi nhà thờ ấy, đẹp ở tâm hồn được thể hiện qua tình thương của Chúa. Tôi đã gặp nhiều người đẹp và trong sáng như vậy ở Irwin, và tôi nhận ra họ tốt từ đáy lòng được chuyển hóa bởi niềm tin ở Thượng Ðế. Họ tốt theo thói quen, không đòi hỏi tôi phải tốt lại với họ.

Còn điều chuyển hóa tôi có lẽ là những buổi lau dọn một mình trong ngôi nhà thờ đá kiên cố ấy. Họ trả tiền cho tôi làm tám tiếng, mà công việc thực sự chỉ cần ba, bốn tiếng đồng hồ là xong, và đó là làm rất chậm. Trong vòng hai giờ đồng hồ, tôi có thể hút bụi hết phòng lễ ở bên trên và hầm sinh hoạt ở bên dưới. Thêm một tiếng đồng hồ nữa để phủi bụi những dãy ghế, bục giảng, đàn organ và dàn ống khí.

Trong những giờ còn lại, tôi thường mang theo sách học Anh văn và ngồi một mình trước chánh tòa. Có khi tôi tắt hết đèn để ánh sáng mặt trời chiếu qua những khung kiếng màu rơi vào phòng lễ tối om. Những lúc như vậy, tôi tưởng tượng hào quang của Thượng Ðế đang rọi vào tâm hồn đầy bất trắc của tôi. Thời bấy giờ không có người Việt ở Irwin. Vài gia đình được bảo trợ đến đây chỉ ở vài tháng, xong dọn đi Texas hoặc California để được gần đồng hương hoặc được sống ở nơi có khí hậu ấm áp hơn. Mẹ con chúng tôi thuộc thành phần thiếu khả năng để hội nhập trong thuở ban đầu, thành thử tôi lo lắng.

Có lẽ vì giữ vai trò anh cả, nên tôi luôn quan tâm đến đứa em duy nhất kể từ ngày cha tử trận. Trong giai đoạn cuộc chiến Việt Nam trở nên khốc liệt hơn vào đầu thập niên 1970, hầu như ngày nào chúng tôi cũng thấy có nhà chung quanh khu chợ Xóm Mới ở Nha Trang nhận được quan tài được chở về từ trận địa. Nghe tiếng khóc từ những nhà hàng xóm, tôi thường trấn an mẹ rằng chính quyền sẽ không bắt hết hai anh em phải đi lính. Luật chỉ bắt một trong hai người phải đi, và nếu đến giai đoạn đó thì tôi sẽ nhập ngũ để cho em ở với mẹ. Những lần nghe tôi nói vậy, bà chỉ lắc đầu, trả lời rằng bà không muốn đứa nào phải chết trận như cha chúng.

Cuộc chiến kết thúc, ba mẹ con trôi dạt từ bên kia Thái Bình Dương đến Irwin. Trong lúc mẹ xông xáo tìm kiếm việc mới khá lương hơn so với công việc ở nhà hàng, tôi ngồi trong chánh tòa được mặt trời rọi sáng qua cửa kiếng của nhà thờ, và cầu nguyện. Nói là cầu nguyện chứ không thật sự đúng như vậy. Sau những giờ hút bụi và lau dọn, tôi ngồi độc thoại giữa những dãy ghế thầm lặng. Tôi giãi bày những điều mà tôi không thể nói với ai, kể cả với mục sư và cô bé Lianne. Tôi hỏi Ngài, xong tôi lại trả lời, rồi lại hỏi, rồi lại trả lời, tưởng tượng như mình đang tâm sự với Thượng Ðế, mong Ngài giúp tôi tìm được một hướng đi cho ba mẹ con. Có lẽ đó là lời cầu nguyện từ đáy lòng mà không theo đúng hình thức hoặc nghi lễ. Và cũng có lẽ nhờ đó mà hành trình tâm linh của tôi được khởi lên mà tôi không biết trong những giây phút cô đơn ấy.

Sống tại Irwin được vài tháng, chúng tôi phải dọn nhà vì tòa nhà mà chúng tôi đang đang ở sắp bị giật sập. Bà cụ sống trên tầng ba đã từ trần. Khi biết chúng tôi sắp dọn đi, Lianne có đến chúc tôi được may mắn. “Thượng Ðế thương yêu anh,” cô bé nói. Ngày đó tôi không biết Thượng Ðế có thương tôi hay không, mà tôi chỉ nhớ tình Ngài qua chữ “love” được thốt lên từ đôi môi của Lianne.

Trong mấy năm sau, cuộc sống của chúng tôi có khá hơn. Mẹ tôi được làm việc trong hãng chế tạo đầu máy khoan dầu. Tôi tiến dần lên đại học, mong tìm được một nghề vững chắc để giúp mẹ và em sau này. Con đường tâm linh cũng dần dần mở ra cho tôi bước vào. Trong những ngày học ở Pennsylvania State University, có những lúc tôi bỏ hết mọi thứ, chỉ ngồi trong phòng để nghe những nhạc khúc của Johann Sebastian Bach và tìm lại âm thanh quen thuộc của Thượng Ðế mà tôi từng biết trong ngôi nhà thờ ở Irwin.

Cũng từ sở thích âm nhạc đó, tôi khám phá ca sĩ Nusrat Fateh Ali Khan, thể nhạc Qawwali gắn liền với ông và những dòng nhạc Sufis huyền bí của người Muslim. Mỗi lần nghe tiếng hát của Ali Khan, tôi cảm thấy gần với Thượng Ðế và hiểu được tình thương đa dạng của Ngài. Lời tụng kinh miên man của những vị thày Phật giáo cũng đưa tôi về miền đất bình yên của tịnh độ, vào những buổi chiều mà tôi bất ngờ ghé vào một ngôi chùa gần nhất để nghe kinh. Chỉ trong những giây phút thanh tịnh nhất, như tôi từng có trong ngôi nhà thờ xưa, tâm tôi mới đến gần cõi hạnh phúc của đấng toàn năng. Những lúc khác, tôi lăng xăng với sự việc trong đời thường và kéo theo những phiền não.

Mùa Giáng Sinh đang về trên thế gian. Năm nay, vì một lý do nào đó vượt bên trên sự hiểu biết kém cõi của bản thân, tôi bỗng muốn tìm lại ngôi nhà thờ xưa ở Irwin. Sau những lần dọn nhà, chúng tôi không còn giữ được một hình ảnh hoặc vật kỷ niệm từ ngôi nhà thờ đó. Tôi gởi thư e-mail đến một nhà thờ ở Irwin và cũng mang tên Presbyterian, mong nhận được tin tức về một nơi chốn chỉ còn trong quá khứ.

Trong một thư e-mail hồi âm duy nhất, tôi đọc được mấy dòng sau:

“Ngôi nhà thờ mà bạn nhắc đến là nhà thờ ‘Presbyterian Church of the Covenant.’ Nhà thờ đó đã đóng cửa, được sát nhập với một nhà thờ khác có tên là New Hope
Presbyterian Church nằm trên đường Lincoln Way ở North Huntingdon. Mong rằng thư này giúp được bạn.” Thư e-mail trả lời của bà Audrey Falcocchino viết vậy.

Tôi chưa thỏa mãn, liền tìm những số điện thoại để truy thêm tin tức. Bà cụ Taska Smola nói rằng nhà thờ “nằm trên một con đường dốc” tên là “United Covenant Presbyterian.” Bà phì cười khi nghe tôi hỏi có biết ai tên Painter, và bà nói rằng ở đây “có khối người mang họ Painter.” Khi biết ngôi nhà thờ đó từng là nơi tôi dự lễ đầu tiên ở nước Mỹ và đang nhớ tới vì mùa lễ Chúa sinh ra đời, bà cảm động và nói rằng bà sẽ kể lại cho mọi người nghe trong nhà thờ.

Trước hai tên nhà thờ khác nhau, tôi lục thêm trong nhà và tìm ra hai món quí giá: một bức hình cho thấy một phần bức tường đá của nhà thờ xưa và một cuốn Kinh Thánh mà Mục Sư Barry Walker từng tặng tôi đầu năm 1976. Cuốn kinh màu đen, có dây kéo đóng lại. Trong cuốn kinh này là một sổ tay với vài chữ đánh vần theo trò chơi “hangman” mà tôi từng có với anh bạn Tracy hơn ba mươi năm trước. Cuốn sổ viết nguệch ngoạc đó cũng có một dòng viết tắt tên của nhà thờ: United Presbyterian Church of the Covenant.

Anh bạn Tracy, cô bạn Lianne vẫn còn nguyên trong trí nhớ. Riêng một cậu bé từng đi nhà thờ với tôi năm xưa nay đã trở thành một con người khác. Người ấy là em tôi. Mấy hôm trước, một lần nữa tôi đến thăm em trong phòng cấp cứu, lần này nguy kịch hơn.

Vào một đêm trước ngày Nô En, tôi đã vội vàng khoác áo lạnh và phóng xe vào một khu nhà mobile home gần phố Bolsa. Có người thông báo em tôi bị tai biến mạch máu não. Bước vào căn phòng thiếu ánh sáng, tôi thấy cậu bé năm xưa nay là một ông trung niên đang nằm co giật trên thảm, đau yếu không thể tự ngồi dậy. Em tôi bị liệt bên phải cơ thể, không thể nói hoặc cử động tay phải cũng như chân bên phải. Tôi liền gọi số 911, xong đẩy thân hình nặng nề của em qua bên trái theo lời chỉ dẫn của một tiếp viên từ trung tâm khẩn cấp. Vài phút sau tôi chạy ra ngoài để vẫy tay chỉ đường cho một xe cứu hỏa và xe cứu thương của thành phố Westminster.

Trong mấy phút sau, tôi yên lặng đứng quan sát năm nhân viên khiêng em lên băng-ca và đưa vào xe cứu thương. Vài người hàng xóm chạy ra xem, bị thu hút bởi ánh đèn chớp xanh đỏ quay liên tục trong một đêm lạnh lẽo. Mấy phút sau tôi lái xe theo xe cấp cứu đến bệnh viện Fountain Valley. Trong lúc em nằm giãy giụa trên giường, không hẳn vì đau đớn trên cơ thể mà có lẽ vì sợ hãi trước một hoàn cảnh đột biến của cơ thể, tôi nói những lời trấn an và cũng tin những lời đó sẽ thành sự thật.

Giữa những lúc chờ bác sĩ và y tá đến khám nghiệm, tôi ngồi trong phòng với em và nhớ đến những giây phút yên tịnh trong ngôi nhà thờ xưa. Phòng bệnh trắng toát, bít bung và chật chội, nhưng sao tôi thấy rộng thênh thang như tôi đang ngồi giữa chánh tòa với những tia nắng mặt trời từ những khung cửa sổ, rọi sáng trong bóng đêm của bất an như ánh hào quang của Ngài.

Bệnh của em tôi rồi cũng sẽ bước qua một giai đoạn mới. Ðời người phải trải qua những khổ đau, những lúc phải rơi lệ, quặn thắt trong hoài nghi trước khi nhìn ra sự mầu nhiệm của niềm tin và hy vọng. Niềm tin của tôi chưa thật sự sâu đậm như tôi cầu mong, thế nhưng nó cũng đã có bước khởi đầu, và bước ấy chính là ngôi nhà thờ nay đã không còn ở Irwin.

 

Hoàng Mai Đạt

http://www.gio-o.com/HoangMaiDat.html