PHAN TẤN UẨN

NHÂN NGÀY THÁI THANH RA ĐI,

NHỚ KHÁNG CHIẾN CA CỦA PHẠM DUY

 

 

Phản ứng của tôi khi nghe danh ca Thái Thanh qua đời là xúc động .Trước đây trên  Facebook, tôi đã nhắc đến kỷ niệm thời thơ ấu ở làng khi nghe Thái Thanh hát Quê Nghèo. Đó là một đêm trăng sáng của miền quê thanh bình 1956, 1957. Nhà tôi ở đầu làng Đức Bưu ngó mặt về hướng Đông. Tiếng hát Thái Thanh phát ra từ Đồn Mang Cá nằm nghiêng về phía Tây. Mặt trăng lên cao quá ngọn tre bên bờ hói làng Dương Xuân, rọi ánh sáng xuống vuông sân trước mặt nhà. Ôi, quê nghèo. Quê Nghèo đánh động tâm can tuổi thiếu niên tôi. Hướng mắt về phía tiếng hát, tôi tưởng như những ngọn tre bên kia bờ hói cũng rung theo sóng âm vang động trong tai tôi. Làng tôi không xa kinh kỳ sáng chói. Thành phố Huế lúc đó đối với tôi là một kinh kỳ sáng chói. Làng tôi cũng có những lũy tre còm tả tơi, cũng có những ông già rách vai, cũng có những o nghèo thở dài, chỉ khác là chưa có người bừa thay trâu cày...Phạm Duy đã vẽ lên một quê nghèo làm rúng động tuổi thơ tôi. Quê Nghèo cùng với giọng ca Thái Thanh đã theo tôi suốt đời đến nổi sau biến cố 30 tháng tư bảy lăm, gặp lại người bà con tập kết ra Bắc trở về, tôi đã vô tình nhắc lại đêm nghe Quê Nghèo từ Đồn Mang Cá. Nghe tôi nhắc đến Đồn Mang Cá, ông cán bộ tập kết bỗng đổi ngay thái độ nhìn trừng vào mắt tôi làm tôi ngạc nhiên, cụt hứng. Sau đó, ông đã sửa lưng tôi, bằng cách nói rằng , lúc Phạm Duy rời bỏ kháng chiến về thành, đã có lệnh hủy bỏ tất cả những sáng tác của ông trong vùng kháng chiến...  Một bài hát đã cho tôi những kỷ niệm để đời cả trước và sau 75...

 

Quê Nghèo qua tiếng hát Thái Thanh trên Youtube của Vanchus:

 

 

 

***

 

          Tiền thân của bài hát Quê Nghèo được Phạm Duy kể lại như sau ...

" Trong chuyến đi vào mấy tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, tôi nhìn rõ hơn bộ mặt thật của chiến tranh. Tôi thấm được cái gọi là grandeurs et servitudes (hay misères)của cuộc đời. Tôi soạn những bài hát rất bi như bài BAO GIỜ ANH LẤY ĐƯỢC ĐỒN TÂY. Nguyên văn là :

Chiều qua tôi đi qua vùng chiếm đóng

Không bóng trâu cày bên đồng

Vắng tiếng heo gà trên sân

Chiều qua gánh nước cho Vệ Quốc Quân

Nghe tiếng O nghèo kể rằng

Quân thù về đây đốt làng.

...............

Bao giờ anh lấy được đồn Tây hởi anh

v.v...

Về sau, khi vào sinh sống ở SaiGon, vì muốn phổ biến nó, nên tôi phải đổi thành Quê Nghèo ".

                                                                ( Phạm Duy : Ngàn Lời Ca , trang 51)

 

          Thật ra bài hát nầy lúc tám chín tuổi tôi đã nghe mấy anh nông dân ở làng hát nhưng chỉ còn nhớ bập bẹ mấy câu. Chiều qua khi tôi qua vùng chiếm đóng. Qua những cánh đồng khô cằn .Vắng tiếng heo gà trên sân.. Sau 75 khi Phạm Duy giới thiệu Quang Linh hát Quê Nghèo, tôi xúc động thực sự khi ông nhắc lại mấy câu... Chiều qua gánh nước cho Vệ  Quốc Quân. Nghe tiếng O nghèo kể rằng. Quân thù về đây đốt làng...Bạn phải sống trong thời kháng chiến chống Pháp đã thấy tụi Tây đi đốt làng, hảm hiếp đàn bà con gái mới rúng động tâm can khi nghe lại mấy câu hát nầy. Ngay cạnh nhà tôi, cách con xóm nhỏ đầu làng Đức Bưu, tại nhà ông Đại Úy Ngự Lâm Quân NVL, một buổi trưa hè im phắc, hừng hực hơi nóng, một thằng Tây đâu từ Đồn An Hòa lầm lủi một mình mò vô nhà Dì Bộ (tôi gọi người Mẹ ông Đại Úy NVL bằng dì). Hắn bước vô nhà ,như con hổ đói, chỉ tay vào chị  H., con gái út của dì, xông tới đòi làm bậy.Với tư cách là người Mẹ của một Đại Úy Ngự Lâm Quân, dì xộc tới chặn lại và  chỉ tay vào mặt hắn như ra lệnh hắn không được hổn. Dì chỉ cho hắn thấy bức ảnh ông Đại Úy treo gần ảnh ông Bảo Đại,nạt lớn hỏi hắn , mi biết đây là ai không ? Thấy hai tấm ảnh và thái độ hung dử của dì, thằng Tây lủi thủi lui ra khỏi nhà. Dì Bộ chạy ra  ngôi quán nhỏ của mẹ tôi, cho mẹ biết chuyện vừa xẩy ra trong lúc hắn đi tiếp về cuối làng và hiếp một cô gái khác. Câu chuyện nầy hôm nay tôi mới có dịp kể lại . Cũng như trước đây tôi đã nhắc đến trường hợp một tên lính Maroc bị dân làng Triều Sơn Tây đẫy xuống một cái hố đào sẳn rồi dùng chày vồ nện đến chết vì hắn đã mò vô làng hảm hiếp một cô gái. Bây giờ khi tôi tự cất lên tiếng hát : Chiều qua gánh nước cho Vệ Quốc Quân. Có những O nghèo kể rằng. Quân thù về đây đốt làng...những cảm xúc ngày cũ lại ùa về...Cần nhớ rỏ lúc bài Bao Giờ Anh Lấy Được Đồn Tây xuất hiện chẳng ai biết gì về cộng sản hoặc xã hội chủ nghĩa mà chỉ biết kháng chiến chống Pháp...

 

*

 

          Nếu không nghe Thái Thanh hát Quê Nghèo từ loa phóng thanh của Đồn Mang Cá thì nhạc kháng chiến của Phạm Duy gây ấn tượng cho tôi không phải là bài Quê Nghèo mà chính là các bài hát : Nhạc Tuổi Xanh , Bên Ni Bên Tê (Người Lính Bên Tê), sau nầy có thêm bài Nhớ Ngưới Ra Đi. Dĩ nhiên còn rất nhiều ca khúc khác ,nhưng Nhạc Tuổi Xanh đã nhập tâm từ hồi nhỏ, nay nghe Duy Quang hát càng thêm phấn khích vì tiếng đệm cotrabass (đại hồ cầm) cọng hưởng quá hợp với dải tần của tai tôi. Dù sao, bài Nhạc Tuổi Xanh đã có  nhiều người biết, tôi không muốn nói thêm. Chỉ đặc biệt nói về bài hát Bên Ni Bên Tê (xin đừng nhầm với bài Bên Ni Bên Nớ, nhạc Phạm Duy, thơ Cung Trầm Tưởng).

 

          Phạm Duy nói về bài hát Bên Ni Bên Tê : "... Đã có một hành khúc cho công tác địch vận là bài NGỌN TRÀO QUAY SÚNG, nay tôi có thêm một bài dân ca cho đề tài đó, là bài NGƯỜI LÍNH BÊN TÊ. Cái ý niệm bên ni, bên tê  tôi đưa ra vào năm 1947 nầy, không ngờ nó vẫn còn đó trong suốt thời gian từ 1954 cho tới 1975. Rồi từ 1975 cho tới nay, cũng vẫn còn người Việt ở bên nầy hay ở bên kia. Tính chung từ 1947 cho tới bây giờ (1996) là gần 50 năm , một thời gian dài gần bằng cả cuộc đời của một con người. Vậy mà có lúc nào người Việt được sống chẳng oán thù đâu ? Còn máu người dân Việt thì vẫn chưa bao giờ thấy cần cho luống cày cả "  (Ngàn Lời Ca , trang 47)

 

 Ta có thể  nghe Thái Thảo hát NGƯỜI LÍNH BÊN TÊ. (Bên Ni Bên Tê) trên phamduy.com
(bấm vào hình dưới đây để nghe) :



Một chiều biên khu

Ngồi ôm cây súng dài

Chợt nghe tiếng chim cười

Lòng tôi thêm nhớ ai

Người bạn tôi ơi

Người con của đất Việt

Ở bên phía quân thù

Người còn thức hay mơ

Bên tê là phía sầu u

Có người dân Việt

Gục đầu trên đất tù

Bên ni là phía tự do

Đã nhờ giết giặc

Mà toàn dân ấm no.

*

Trở về làng xưa

Để xem hoa bốn mùa

Nở trên xác quân thù

Người vui trong gió thu

Giặc về làng đây

Buộc anh cây súng nầy

Là mưu kế đem bày

Dùng để giết nhau đây

Anh ơi ! Quay súng về đây

Máu người dân Việt

Còn cần cho luống cày

Tôi mong từng phút từng giây

Sống chẳng oán thù

Để chờ anh tới đây...

 

Người hát Bên Ni Bên Tê mà đứng trên sân khấu trình diển sẽ không thích hợp . Vì đó rỏ ràng là một bài hát địch vận.  Anh lính bên nầy và anh lính bên kia, do hoàn cảnh bị đẫy về hai phía. Để lôi kéo anh bên kia về với kháng chiến, anh bên nầy phải cần đến loại công tác bí mật. Bài hát cũng phải diển tả được cái không khí thì thầm, rủ rĩ của người đi câu và con cá sắp bị mắc bẫy. Một chiều biên khu.Ngồi ôm cây súng dài. Chợt nghe tiếng chim cười. Lòng tôi thêm nhớ ai...Một ý nghĩ lóe lên trong tâm tư người lính bên nầy khi anh ngồi ôm súng nhớ người bạn cũ đang ở bên kia chiến tuyến. Phải chi người bạn kia đừng ở bên phía quân thù. Vậy là những lời đường mật tuông ra...chúng ta là những người con của đất Việt...Anh ơi, quay súng về đây...Giặc về làng buộc tôi phải cầm súng...v..v. Mặc dù còn thơ dại, nhưng ngày ấy tôi cũng cảm nhận được hình ảnh dễ gây cảm tình của anh lính bên nầy. Bài hát phải làm theo định hướng tuyên truyền, nhưng ta không thấy chút gì của nô lệ tư tưởng mà chỉ thấy một tình cảm của những người thương làng nhớ nước...

 

          Bài hát Nhớ Người Ra Đi đã làm cho Phạm Duy khóc với đứa con tinh thần của mình. Ông kể lại một lần đến một làng kháng chiến nọ, trong một đêm liên hoan, có bà mẹ già lên hát bài Nhớ Người Ra Đi. Bà mẹ có người con trai ra trận trong đoàn quân đánh Pháp vừa hát vừa khóc. Con bước đi khi trống làng rộn xa. Mẹ đưa mắt trông về ngọn cờ... Cầu cho đứa con trai ở đâu đó con ơi, được vui. Bà mẹ khóc, và Phạm Duy khóc theo...

 

          Người ta nói những bài hát kháng chiến của Phạm Duy đã trực tiếp lôi kéo hàng triệu người Việt Nam gia nhập hàng ngủ. Ngày đó tuổi thơ chúng tôi hát rất nhiều bài ca kháng chiến, đâu ngờ tất cả đều là những sáng tác của ông. Không gọi ông là thiên tài sao được. Có điều là thiên tài cũng phải lăn lộn trong thực tế gian khổ... 

 

Phan Tấn Uẩn

( March 18-2020)


http://www.gio-o.com/AN/PhanTanUan.html