Trường làng tồn tại hơn trăm năm ,nay vẫn còn.
PHAN TẤN UẨN
CÂU CHUYỆN TUỔI THƠ
ký ức: Phan Tấn Uẩn
Quê nội ở Đốc Sơ, nhưng tôi lại sống hơn mười lăm năm ở làng ngoại. Đức Bưu ngày ấy, bây giờ trở thành ngôi làng trong trí nhớ. Chỉ có ngôi làng nầy để tôi nhắc nhở, gắn bó với quê cũ, lục tìm bóng hình quá khứ .Diện mạo Làng Tôi trong các bài hát của Phạm Duy, Chung Quân phảng phất bóng dáng của Đức Bưu ngày cũ. Hình bóng ngôi làng cũ là những am miếu, chùa đình, cồn bãi lũy tre với những câu chuyện nhỏ dễ thương, in sâu vào tuổi thơ .
Miếu Ông trên đồng vắng . Miếu Bà ở đầu làng. Miếu Âm Hồn giữa làng. Đó là những nơi chốn tĩnh mịch dành cho quỷ thần yên vị ,nhưng với tôi ngày ấy , miếu là nơi trú ngụ của những hồn ma bóng quế . May mắn hiện giờ, những am miếu nầy vẫn còn sống giữa một góc phường phố đã thay da đổi thịt...
Một kỷ niệm nhắc lại không biết nên vui hay buồn : nhiều lần chú bé bảy ,tám tuổi chạng vạng tối lầm lũi một mình đi ngang Miếu Ông trên đường đồng. Nhìn rừng cây cao vút rậm rịt mờ tối âm u giữa khung cảnh ma quái với tiếng cú ,tiếng cánh chim chuyển cành, trống ngực chú bé đập liên hồi,nổi sợ tái xanh ,chân run cầm cập. Bước qua khỏi cái ranh giới kinh hải đó, chú bé chạy thẳng một mạch suốt quảng đường đồng quẹo xuống xóm hai lũi vào nhà cậu mới hoàn hồn. Nỗi sợ nầy bắt nguồn từ người lớn kể chuyện ma . Mẹ tôi có người anh bà con là cậu Bùi Khắc, mắt lé ,tròng trắng nhiều hơn tròng đen. Ban ngày cậu đi làm công cuốc đất cấy lúa , tôi mịt về nhà mẹ tôi ngủ vùi. Đây là chuyện ma điển hình chú bé đã nghe cậu kể : có lần buổi tối cậu đi trên đường bờ hói ( đường bến) ngang trước nhà ông Kiểu thình lình có tiếng thở hổn hễn phì phò bên tai cậu. Trời tối đen như mực có ai cắc cớ đùa giởn quái ác như vậy, chỉ có ma quỹ hổn hển bên tai cậu thôi. Cậu nói cậu không phải là người yếu bóng vía,nên cậu mạnh dạn bước vào ngõ nhà nầy. Cậu muốn thử xem có đúng là ma vườn nhà nầy không. Cậu nhờ người nhà đốt đèn sáng rực giữa sân và tìm một viên đá khá lớn, đánh dấu lên đó . Trước khi quăng viên đá vào góc vườn, cậu lớn tiếng thách thức ma vườn : nếu quả thật hồn ai trong vườn nhà nầy đã trêu chọc tui thì xin hãy quăng trả lại viên đá nầy cho tui. Nói xong, cậu quăng mạnh viên đá vào góc vườn rồi chổng mông nhõm đít ngay giữa sân và chờ… Một phút , hai phút…viên đá từ đâu ném trúng ngay vào lổ đít của cậu. Vậy là cậu tin có ma vườn nhà nầy, cậu nói cậu đã thử đi thử lại vài lần đều có kết quả như vậy.Ai thắc mắc thời buổi nầy sao không có ma vườn, cậu nói người ta đã trừ tà diệt ma lại thêm chiến tranh súng đạn đùng đùng với đêm hỏa châu sáng rực như vậy ma quỷ đâu dám bén mản dọa người. Ma quỷ chỉ xuất hiện trong thời bình vắng vẻ ở miền quê. Bọn nhóc sợ ma nhưng vẫn thích ai kể chuyện ma, có thắc mắc hư thật gì cũng phải tin lời người lớn . Một tối khác cậu có vẻ nhàn nhả nói cười vui đùa với bọn nhóc chúng tôi. Khi nghe tôi đọc mấy câu thơ trong Lục Vân Tiên, cậu xen vô :
Vân Tiên ngồi xó bụi môn
Chờ khi trăng lặng b….. Nguyệt Nga
Bọn chúng tôi ôm bụng cười ngả nghiêng trong lúc cái miệng móm của cậu chỉ tủm tỉm cười duyên . Tôi chưa thấy cô bác cậu mợ nào ăn nói tục tĩu với cái duyên ngầm hấp dẩn như cậu Khắc. Người ta thường bảo : nhất lé , nhì lùn…Cậu là một tay ba xạo đã gieo vào đầu óc non nớt chúng tôi những chuyện huyền hoặc khó tin. Chỉ gặp cậu chưa được một năm, cậu lặng lẽ bỏ làng đi đâu biệt tích...
Miếu Bà nằm ngay đầu làng ở một góc vườn nhà tôi ráp gianh Đốc sơ với lũy tre rậm. Mỗi rằm, mồng một hằng tháng ông từ giữ đình lù lù trên tay bó nhang đến thắp lên vào lúc chạng vạng tối. Miếu đối diện bụi tre la ngà độc đáo như một điểm nhấn đầu làng. Vẫn có khung cảnh thâm nghiêm u tối, nhưng Miếu Bà lại không gây hoảng sợ cho tuổi thơ tôi mà còn lưu lại nhiều kỷ niệm thân thương mỗi lần bước vào bên trong...
Đình làng với đôi voi đá nằm ngay vào hai góc sân phía trước như hai vị thần bảo vệ ngôi đình. Một lần buổi ca nhạc kịch được tổ chức giữa sân đình, sân khấu dựng trên dãy thành bên trái, chú bé đơn ca bài Những nẻo đường Việt Nam. Hát một mình, hơi run , nhưng được bà con xóm làng vỗ tay. Đáng nhớ nhất là chuyện anh Bùi Ích. Anh mù chữ, tối nào anh cũng ra đình làng theo học lớp bình dân học vụ. Là chú bé học tiểu học, nhưng tôi vẫn thường được mấy người lớn phân chia nhiệm vụ giúp các O các bác học đánh vần, tập đọc. Một buổi tối về nhà, anh Ích yêu cầu tôi viết cho anh một bài học thuộc lòng. Tôi đã hăng hái chép ngay bài thơ của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu cho anh học :
Nay đang lúc đầu xanh tuổi trẻ
Trời phú cho mạnh khỏe tay chân
Việc ta ta cứ chuyên cần
Quyết đem tài trí lập thân sau nầy
Rồi vùn vụt đến ngày tuổi tác
Đến khi ta tóc bạc da mồi
Vuốt râu ôn lại sự đời
Đời ta đầy đủ thảnh thơi tự hào…
Chỉ có tám câu in sâu vào tâm não chú bé, đến bây giờ tôi vẫn cứ tin bài thơ đã diển tả tài tình cuộc đời vô thường của kiếp nhân sinh. Anh Ích tối nào cũng nghêu ngao bài học, vì anh tỏ ra rất khoái bài thơ của Tản Đà.
Lúc đó ngôi nhà hai căn ba chái
nguyên là kho lậm lúa rộng , xây lưng về con xóm đầu làng (nay là đường Nguyễn
Thông, Phường Hương Sơ, TP Huế) ,mẹ tôi cho nhiều bà con bên ngoại và dân làng
đến ở trọ. Trong số những khách đến cư trú , ở lâu nhất là gia đình Bùi Ich .
Cậu Bùi Khắc chỉ tạm trú một thời gian ngắn. Đặc biệt cậu Bùi Tánh cất luôn cả
một ngôi nhà tranh cạnh căn nhà chúng tôi và gia đình cậu sống ở đây trong
nhiều năm đến lúc vào SàiGòn làm việc . Tất cả đến ở không tốn một xu tiền.
Than ôi ! thời của nhân nghĩa đứng trên tiền bạc nay còn đâu !
*
Chùa là cơ sở hoạt động và truyền bá Phật giáo, là nơi tập trung sinh hoạt, tu hành và thuyết giảng đạo Phật của các chư tăng, ni. Mọi người kể cả tín đồ hay người không theo đạo đều có thể đến thăm viếng, nghe giảng kinh hay thực hành các nghi lễ Phật giáo.
Nhưng đối với tôi, chùa là nơi sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử (GĐPT),từ đó, GĐPT truyền vào tôi cái gốc tâm linh kính Phật trọng Tăng. Làng tôi rước một thầy từ Bao Vinh về trụ trì, chúng tôi thường gọi là thầy Bao Vinh.Thầy chỉ lo phật sự cho chùa, mang chuông mõ đi cúng giỗ hoặc chủ trì tang lễ cho dân làng.Tôi chưa thấy thầy giảng kinh, thuyết pháp dạy đạo cho hàng tứ chúng.Gọi thầy là thầy cúng cũng được.
Thầy Bao Vinh có người con trai là anh Giáo,
người rất vui tính được bà con cả làng quý mến. Với tôi, anh Giáo là người kể
chuyện tiếu lâm lớp lang hay nhất mà tôi chưa gặp một người thứ hai. Giọng anh
kể chậm rãi, chờ cho người nghe nhập tâm phần nào, anh mới kể tiếp phần khác,
cứ như thế câu chuyện anh kể làm cho người nghe thấm thía. Biết bọn con nít
thích nghe chuyện tiếu lâm, anh kéo bọn nhóc chúng tôi ngồi quanh tấm phản phía
sau chùa, kể chuyện Trụ Tam Đợi. Tôi nhớ là hể anh kể một câu là bọn nhóc cười
một mẻ, cứ thế kéo dài từ trụ đời ông, đến trụ đời con sau cùng là trụ đời
cháu…Tôi không hiểu ai đã bày cho anh Giáo câu chuyện Trụ Tam Đợi nầy để anh
“truyền” lại cho bọn nhóc chúng tôi. Lớn lên theo dòng đời xuôi ngược, nhất là
từ khi mở đầu thời đại internet đến nay, có lần bất ngờ tôi bắt gặp một anh
Giáo vô hình trên mạng kể lại chuyện Trụ Tam Đợi, nhưng thấy anh nầy không thể
qua mặt được anh Giáo con thầy Bao Vinh. Đại khái câu chuyện kể về cái máu dê
truyền kiếp của ba đời ông, đời cha, đời con mà nếu lồng vào xã hội Mỹ sẽ bị
quy vào tội quấy rối tình dục…
Sau nầy ai xui khiến thế nào mà anh Giáo lại đâm đầu vào cái vòng kim cô trên
trụ sở xã Hương Sơ để đến nổi du kích về cắt đầu anh , nghe tin mà lòng tôi tê
tái đớn đau vô hạn. Theo tôi thấy những ông Lý, ông Xã thời VNCH thường không
có ý thức chính trị sâu sắc như mấy ông chủ tịch thôn, xã bây giờ vì rỏ ràng là
họ không được tổ chức, huấn luyện ở một trường lớp nào cả . Hình như họ chỉ làm
theo sở thích, cảm tính theo đuôi bắt chước người khác và có thể cũng vì ham
vui.Có lẻ anh Giáo ở vào trường hợp cuối cùng nầy.
Thầy Bao Vinh người thấp lùn ,bước đi chữ bát, lạch bạch như vịt, nói cười vô tư như chưa bao giờ dính mắc bụi trần, nhưng vô tình gây một cuộc đàm tiếu không hay cho dân làng. Một buổi trưa hè nóng bức ,im phăng phắt như tờ, một bà người làng cắt cớ ghé thăm chùa, có lẻ bà định tìm bóng mát cây đa góc chùa để trốn nắng. Bất ngờ bà thấy ông thầy chùa đang cọ lưng cho người con dâu vợ anh Giáo đang tắm. Thế là người ta đồn ầm lên. Đây có thể là nguyên nhân không thấy thầy Bao Vinh còn tại vị ?…
*
Ngay cả bây giờ , tôi vẫn không hiểu chuyện gì đã xẩy ra với vợ chồng anh Giáo Ngoãn . Câu chuyện mỗi lần về làng anh kéo xệch chị vợ ra giữa góc đường bến / xóm tư ,giữa thanh thiên bạch nhật , dùng roi mây đánh với hơi sức của một "lực sĩ", xẩy ra thật vô lý. Nếu nó chỉ xuất hiện một lần và không tái diển lần thứ hai, sẽ chẳng còn ai để ý . Đằng nầy, hễ anh chồng về là chị vợ bị đánh . Hình ảnh chị Ngoãn than khóc, la hét, lết qua lết lại giữa đường bến đã ám ảnh tôi mỗi lần nhớ đến làng Đức Bưu. Nó quá tàn nhẫn, thế mà cả làng không ai lên tiếng.Chú bé mười tuổi rụt rè bước ngang qua, thấy chị vật vã ngồi khóc một mình, đấm tay liên tục xuống mặt đường , sợ hãi vội bước nhanh như trốn chạy. Vợ chồng sống mâu thuẩn nhau là chuyện thường , nhưng ở đây có chuyện bất thường, ngay cả chuyện anh chồng đã có một cô vợ khác. Lúc đó, anh Ngoãn là một trung sĩ bảo an thuộc quân đội Quốc Gia thời Bảo Đại. Ngoài ông Đại Úy Ngự Lâm Quân Nguyễn Văn Lý , trong làng có lẻ Giáo Ngoãn là người được dân làng trọng nể. Chỉ nội cái tên gọi, đủ biết anh từng là một thầy giáo, nhưng hành động thật kỳ cục. Anh cùng họ với mẹ tôi, sau nầy lên thượng sĩ, rồi chuẩn úy, thiếu úy trong quân đội VNCH. Anh có người em là Bùi văn Pháp cũng nổi tiếng không kém người anh. Pháp - Quyên, đôi bạn cùng xóm, nhà gần nhau, là đôi uyên ương yêu nhau đến thần sầu quỹ khóc. Đột nhiên,nàng Quyên chết tức tưởi lúc chỉ mới mười tám tuổi. Ai đã chứng kiến tuần lể gia đình nàng lo đám tang , đều sởn tóc gáy khi thấy anh chàng Pháp bíu tay vào áo quan vật vã rũ rượi khóc lóc thảm thiết . Khóc lịm đến lúc ngất xỉu, tỉnh dậy, chàng lại khóc. Tình trạng ấy cứ lập đi lập lại, không ai nghĩ anh vẫn còn sống sau đám tang. Một thiên tình sử Romeo & Juliette đã xuất hiện trong làng Đức Bưu.
Thời Giáo Ngoãn đánh vợ cũng là thời xẩy ra một đêm rùng rợn đối với tôi. Khoảng 5 giờ sáng một sớm mùa thu, mẹ tôi và mấy anh em chúng tôi nằm nghe tiếng khóc ghê rợn kéo dài của một cô gái tìm cha. Cha ơi...cha...Cha ơi .. cha... điệp khúc dễ sợ nầy cứ nhắc đi nhắc lại với tiếng khóc đau đớn theo bước chân của một cô gái đi từ xóm một Đốc Sơ qua làng Đức Bưu. Sáng ra cả hai làng đều biết tin ông lý trưởng làng trong đã bị du kích dẫn đi thủ tiêu khi một loạt súng ngắn xé toang bầu trời đêm vang lên từ ngã một cánh đồng xa...
Lúc biết câu chuyện cô gái khóc tìm cha , người bạn ở quê làng lại cho tôi biết thêm một chuyện tương tự xẩy ra không kém rùng rợn. Cậu ruột của anh về làng Lệ Khê ăn giổ , chiều tối chưa kịp về phố đã bị bắt đi chôn sống... Đúng là thời của khủng bố.
Florida 2017
(Trích Hồi Ký : BIẾT ĐÂU NGUỒN CỘI)