Cửa Đại - 6-1972)
PHAN TẤN UẨN
BỨC ẢNH HỒI SINH
(câu chuyện tám năm quân ngũ)
bút ký
Trước bảy lăm, khoảng 1969 - 1970, có lần ở ĐàNẳng một bạn đọc viết thư hỏi tôi, có phải là một Trung úy hoạt động trong ngành trinh sát không, tôi không trả lời. Muốn để người khác tưởng đúng như vậy . Trinh sát không thua gì Biệt Động Quân về tỉ lệ chết chóc. Bây giờ nhớ lại vẫn thấy tức cười.Tám năm quân ngũ, tôi chưa lần nào bắn một viên đạn ,trừ những lần tập bắn vào bia trên đồi Tăng Nhơn Phú - Thủ Đức trong giai đoạn một của Khóa 26/ SQTB. Ngoài ra, những lúc mang súng là do vài thời điểm khẩn trương của đơn vị buộc phải như vậy. Mấy người bạn cùng đơn vị thường lấy mấy dịp nầy để đi bắt bò lạc vào các buổi tối cà phê. Về chuyện viết lách, mình không đánh trận mà viết như người đánh trận để người khác tưởng thật như vậy, cũng có chút vui . Cũng trước đó, tôi thử viết một truyện vừa (đăng liên tiếp 4 kỳ trên SaiGon Báo từ ngày 25 đến 28-3-1967) , dựng nên một câu chuyện tưởng tượng , khi đến lảnh nhuận bút tại tòa soạn người phụ trách hỏi , có phải Bình, nhân vật trong truyện, là tác giả ngoài đời không. Tôi không trả lời, mà chỉ lắc đầu lịch sự, với niềm vui rất lạ. Điều nầy cho thấy người viết cũng có chút khả năng phân thân . Nhìn lại mấy chục truyện đã viết, tôi cũng chỉ viết chuyện của người khác chứ không lấy cái tôi làm đề tài để viết về mình. Bây giờ hưu trí, thử lấy cái tôi ra kể chuyện trong những bút ký, hồi ký , trước là nhìn lại đời mình sau là tìm lại những phút giây sãng khoái của những ngày chơi văn giởn chữ. Chỉ có thế - chơi văn giởn chữ …
Bỏ viết từ bài cuối cùng đăng trên THỜI TẬP (16-9-1974) đến nay đã 44 năm. Nghỉ hưu, muốn viết lại, không biết viết gì .Bắt đầu từ đâu ? Viết như thế nào ? Tám năm quân ngũ có gì để viết ? Chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết về bộ quân phục. Đang loay hoay với bao hình ảnh rối rắm thì bức ảnh cở lớn 24 x 36 inch treo trên tường phòng khách đã giúp tôi tháo chốt. Bức ảnh đã hồi sinh, vì bộ quân phục VNCH đang "sống" ở Mỹ ! Chính bức ảnh đã tạo cảm hứng , giúp nhớ lại biết bao kỷ niệm từ ngày động viên vào Thủ Đức ,phục vụ ngành truyền tin quân đội , học tập cải tạo , vào SaiGon mở trường dạy nghề, qua Mỹ định cư, làm việc trong ngành MRI (Magnetic resonance imaging) đến khi về hưu.
Nhớ lại buổi lễ chọn đơn vị sau kỳ thi mản khóa tại Trường Truyền Tin Vũng Tàu. Một tên được xướng lên, hồi hộp bước tới bảng ghi những đơn vị cần người. Bốn chục mạng đang chờ gọi tên theo danh sách tốt nghiệp cao thấp. Chỉ có năm ba mạng trúng truyền tin diện địa làm việc quanh quẩn trong các thành phố. Những tên khác phải về truyền tin Sư Đoàn Bộ Binh, phục vụ cho tiền tuyến, trận địa. Tiểu Đoàn Khai Thác Truyền Tin Diện Địa hoạt động Vùng I đóng tại trung tâm thành phố ĐàNẳng cần ba tên mới . Bùi văn Bé và Trịnh Hý Phùng, gia đình đều sống tại ĐàNẳng, đã chọn hai chỗ về đó, mừng như trúng số độc đắc. Chỗ thứ ba còn lại, mấy chục tên đang giướng mắt chờ nghe xướng danh. Nếu không phải là ta, ta sẽ vác ba lô ra đơn vị chiến đấu. Nhưng kìa, ta nghe rỏ tên mình. Và tôi bước lên chọn ngay chỗ thứ ba còn trống duy nhất .Cả ba chúng tôi, từ đó cùng phục vụ tại một đơn vị kỹ thuật cho đến ngày rả đám 29/3/1975. Chuyện lính tráng thời chiến mà không đối mặt với chết chóc bom đạn mìn bẫy, đúng là có quý nhân phù hộ như lời mẹ nói.
*
Thanh toán xong
món nợ mortgage, nhiều người bảo đã hoàn thành giấc mơ Mỹ . Đúng vậy không ?
Tôi vẫn chưa nhận ra giấc mơ Mỹ như thế nào, nhưng bây giờ có thể thanh thản ngồi
viết thiên ký sự nầy. Đây cũng là dịp giúp tôi gián tiếp đính chính nhiều câu
chuyện xẩy ra trong sinh hoạt đời thường và ghi lại như một hồi ký của khoảng
thời gian ở trong quân ngũ .Lúc con trai tôi được visa du học Mỹ,năm 1997 nó đã
bị nhiều người Việt đồng hương ở Cali ngộ nhận là con cán bộ qua Mỹ du học , vì
“Cha mầy là sĩ quan học tập cải tạo thì tiền đâu cho mầy đi du học, nói láo”.
Tôi phải gởi qua Mỹ cho nó bản chụp lại bức ảnh một trung úy VNCH đánh trận , bảo
nó mang theo mình làm bùa hộ mệnh . Nó qua Mỹ vào thời điểm cọng đồng người Việt
ở Cali sôi sục biểu tình chống Cọng. Những tháng đầu ở Cali trong nhà người bác
họ ,nó bị lôi kéo đi biểu tình liên miên, có lần bị đẫy lên hàng đầu rất nguy
hiểm. Nó phát hoảng, gọi điện thoại cho chúng tôi ở SaiGon giọng đầy lo lắng .
Và bức ảnh mặc quân phục đã được mang ra sử dụng.
Cửa Đại - Hôi An (Tháng 6-1972) Cửa Đại - Hôi An (Tháng 6-1972)
Đó
là bức ảnh độc đáo ghi nhận dấu ấn trong đời lính, chụp vào tháng 6 năm 1972
giữa một trưa hè nắng gắt trên bờ cát biển Cửa Đại – Hội An. Hình một trung úy
QLVNCH với quân phục ứng chiến , nai nịt súng ngắn bên hông , mủ sắt trên đầu,
đeo cặp kính đen với tư thế của một sĩ quan chỉ huy đứng cạnh một chiếc xe jeep
lùn quen thuộc chạy trên đường phố ĐàNẳng đã gây ấn tượng ngay cho chính người
đứng trong bức ảnh sau hơn bốn mươi lăm năm nhìn lại. Cần nói rỏ , bức ảnh chỉ
gây ấn tượng khi nó được phóng to lên từ cở 4 x 6 inch lên cở 24 x 36inch.
Chính anh chàng Peter làm việc chung phòng với tôi đã phóng lên cở lớn như vậy.
Nó buộc bất cứ người nào nhìn thấy nó đều phải để mắt đến .Riêng với những Mỹ
trắng, Mỹ đen có thể dễ dàng nhận ra đặc tính thích người hùng đã ăn sâu vào
tâm khảm họ . Họ dán mắt nhìn ảnh, dùng cả cánh tay gạt cho bức ảnh trải rộng
ra trên mặt bàn để thấy rõ hơn rồi gật đầu mỉm cười thích thú. Một cử chỉ tự
nhiên, trong sáng ,vô tư. Nhưng đối với người Việt nhìn bức ảnh thì tâm thế
khác hẳn.
Dịp hè năm 1972,tôi từ Ban Chỉ Huy của Trung Tâm Viễn Thông 1/610 chuyển vào làm Trưởng Chi Nhánh Hội An ,thay thế cho người bạn cùng khóa Truyền Tin Vũng Tàu là trung úy Bùi văn Bé . Mặc dù không phải là lính bộ binh hay thuộc những binh chủng đánh trận, nhưng với cương vị một sĩ quan chỉ huy chịu trách nhiệm một trung tâm truyền tin diện địa chuyên cung cấp, sửa chữa phương tiện truyền thông bằng điện thoại dây cáp hoặc bằng điện thoại vô tuyến viễn thông microwave cho các bộ chỉ huy đóng cố định trong tỉnh , thành , khi ra khỏi trại phải mang theo súng - cất giấu trong túi quần hoặc đeo lủng lẵng một bên hông . Lúc đó tôi là sĩ quan kiểm liên (Tech-control officer) chuyên ngồi văn phòng ở Bộ Chỉ Huy TTVT1 theo dỏi tình trạng các mạch vô tuyến từ một bộ phận chuyên trách báo cáo của các Đài Vi Ba trong hệ thống Microwave do Truyền Tin Quân Đội Mỹ bàn giao. Vào thời điểm chụp bức ảnh, cuộc chiến đang diễn ra ác liệt . Quảng đường chỉ mấy chục cây số từ ĐàNẳng vào Hội An xe quân sự vẫn gặp phải những mìn ,phục kích chết người.
Trưa hè nắng gắt , chúng tôi đi một vòng ra Cửa Đại đón gió biển . Nhìn thấy cái tháp canh nhỏ xơ xác chơ vơ trên một đụn cát hiu quạnh giữa biển trời chói lóa gợi lên một nổi buồn khô khốc khó tả, tôi bảo người tài xế lấy máy ảnh của trung tâm truyền tin ra chụp một tấm làm kỷ niệm. Người tài xế cũng là nhiếp ảnh viên của trung tâm chính là tác giả bức ảnh nầy …Chiều hôm đó , chúng tôi còn chụp thêm bốn tấm ảnh khác quanh thị xã Hội An. Năm tấm ảnh từ Hội An , thêm một tấm chụp tại cột cờ Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn trước đó, được xếp vào một bao nhựa nhỏ… Sau đó quên khuấy tập ảnh 6 tấm không biết lạc đâu mất. Mãi đến cuối năm 1982,tức là sau hơn mười năm kể từ thời điểm chụp ảnh , chuyện bất ngờ đã xẩy ra lúc người nhà thu dọn dụng cụ vật liệu máy móc, chuẩn bị phòng ốc cho lớp học Trường Điện Tử ĐAKAO của chúng tôi thì bắt gặp tập ảnh 6 tấm. Gọi là chuyện thần kỳ cũng không sai. Mười năm trải qua bao chuyện bể dâu mất mát,nó trốn vào đâu ?
Mười năm đó là khoảng đời xáo trộn, thay đổi hẳn cuộc sống của lứa trẻ chúng tôi. Tù tàn binh hơn một năm rưởi, tháng 8 năm 1976 tôi chuyển vào SaiGon lập nghiệp,mở trường dạy nghề, lập gia đình sinh con, công việc lu bù đầu tắt mặt tối, không có thì giờ nghĩ đến chuyện cũ . Tìm thấy lại tập ảnh, tôi thẩn thờ giật mình , bắt gặp lại mảng quá khứ gần gủi đang quay về. Mấy tấm ảnh đã có giá trị đặc biệt mà tiền bạc không thể mua được. Tôi mang chúng đi bọc nhựa rồi cất kỷ ,thỉnh thoảng lấy ra xem một mình.Sau nầy chỉ có người duy nhất được xem tập ảnh là người em Bùi văn Đoàn đại úy cảnh sát học tập 13 năm trở về, nó mân mê tập ảnh ra vẻ khoái trá và ngạc nhiên thấy tôi còn giữ được. Sau đó tập ảnh trở về nằm yên vào chỗ cũ.Phải đến 1997 khi con trai được cấp visa du học Mỹ ,vài tháng sau tấm ảnh mới được nhớ tới...
*
Qua Mỹ từ cuối năm 2005 mấy tấm ảnh vẫn ngủ yên cho đến dịp Thanksgiving 2015 thì nó thức giấc. Chuyện bức ảnh thức giấc cũng là một ngẩu nhiên thú vị. Khi biết tôi là cựu quân nhân VN WAR, Peter làm việc chung phòng muốn xem một vài hình ảnh của tôi thời chiến tranh. Tôi hứa rồi lại quên, cứ thế đến lần thứ ba khi Peter nhắc lại, hỏi ra mới biết anh ta từng phục vụ trong Hải quân Mỹ tham gia chiến tranh, nhưng đóng tại Thái Lan. Tôi mang tập ảnh cho Peter xem. Peter chọn tấm ảnh chụp trên bải biển Cửa Đại và muốn tôi phóng to lên. Scan ảnh rồi tôi phóng lên cở 11 x 14 inch ,đóng khung cho Peter xem.
Nhưng Peter còn muốn lớn hơn nữa. Tôi giao cái thẻ nhớ chứa tấm ảnh cho nó tùy chọn . Một ngày sau,Peter xách bức ảnh lồng khung to đùng vào nơi làm việc.Thế là bức ảnh mở bừng mắt, thức giấc, hồi sinh. Khi mang bức ảnh móc lên tường căng-tin vào giờ nghỉ, Mike là người đầu tiên móc điện thoại ghi ngay hình ảnh, rồi một số khác làm theo. Tôi không ngờ kinh nghiệm của Peter đã làm cho bức ảnh trở nên sống động vì tấm ảnh cở nhỏ chẳng làm ai để ý. Ngạc nhiên hơn nữa, Peter còn mang theo một ba lô dụng cụ lỉnh kĩnh nghề nghiệp của một photographer.Với một camera chuyên nghiệp NIKON đắc tiền , chờ khi tôi đang làm việc,Peter lén chụp tấm ảnh tôi hoàn toàn không hay biết. Chỉ khi anh ta tặng tôi bức ảnh lồng khung cở 11 x 14 inch, tôi mới ngỡ ngàng trước tay nghề của một phó nháy kinh nghiệm.
Mang bức ảnh lớn về nhà ,chỉ muốn treo lên tường phòng ngủ. Nhưng trước khi cố định bức ảnh vào tường phòng ngủ ,muốn người nhà xuất hiện trong những tấm ảnh có bức ảnh lớn làm nền phía sau. Thế là tôi gọi hết cả người nhà ra phòng khách , chọn vị trí treo bức ảnh lớn và chụp một số ảnh. Xong rồi, định dời bức ảnh vào phòng ngủ , lại chần chừ… Sau cùng, quyết định chọn chỗ cố định treo bức ảnh trong phòng khách...
Dù thế nào, bộ quân phục vẫn được xem như có nhiều kỷ niệm đáng nhớ . Một lần nhận lệnh Tiểu Đoàn lên Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn I làm giám khảo kỳ thi lớp truyền tin căn bản cho quân nhân trực thuộc các đơn vị của Quân Đoàn, buổi chiều khi xong việc ra về , tôi đi ngang qua sân bóng chuyền thì bất ngờ gặp tướng Ngô Quang Trưởng ngồi gác chân thoải mái xem hai đội bóng chuyền hay nhất khu vực đang tranh tài.Trong đội bóng dân sự , tôi còn nhớ có một tay đấm là thằng Tây lai đâu chừng 18 tuổi mà những cú đập của nó tôi thường gọi là búa tạ. Nó đã cao , mà khi nhảy lên đập bóng ,quả bóng dội xuống đất thường chỉ quanh quẩn trên hàng chắn bóng phía bên kia sân. Xem thật đả con mắt, nhưng nét mặt ông tướng vẫn không một chút thay đổi. Đây là lần đầu tiên tôi có dịp hiếm đứng gần một vị tướng, lại là ông tướng nổi tiếng ,con rể nhà văn Thạch Lam, bằng xương bằng thịt,gây cho tôi một cảm giác rất lạ. Nghe nói sau khi ông mất, tro cốt ông được thân nhân mang từ Mỹ về rãi lên rừng núi Trường Sơn như di chúc ông để lại. Một vị tướng như vậy xứng đáng nằm trong quân sử ...
*
Động viên khóa 26 SQTB Thủ Đức năm 1967 lúc đang làm việc ở Đài Phát Tin VTĐ ĐàNẳng. Mãn khóa truyền tin Vũng Tàu, chúng tôi về ĐàNẳng. Công việc trước sau đều thuộc phạm vi kỹ thuật truyền tin,nhưng trách nhiệm thì nhẹ hơn so với nhiệm vụ trưởng đài Phát tin ĐàNẳng của Bưu Điện dân sự. Quanh quẩn sống và làm việc trong phạm vi thành phố. Mặc áo lính tôi vẫn có thời gian hai năm dạy Anh văn và Pháp văn (sinh ngữ 2) lớp tối Đệ Nhị ban B của Trường Văn Hóa Quân Đội thuộc Quân Đoàn I . Mỗi năm lại được cấp cho một ban thưởng tưởng lục cấp Quân Đoàn .Chưa kể hợp tác với Trường Chuyên Nghiệp tư nhân ĐàNẳng mở lớp dạy Sửa Radio-TV . Tám năm quân ngũ, nhưng chỉ có hai năm đáng nhớ là 1969 và 1972. Năm 1969 khi đổi vào Quãng Ngãi có 6 tháng xử lý thường vụ Trung Tâm Trưởng , và năm 1972 vào Hội An thay thế Bùi văn Bé làm Trưởng Chi Nhánh .
Chỉ một năm ở Quảng Ngãi nhưng đã viết nhiều truyện ngắn đăng báo ngày,báo tuần với nhiều bút hiệu khác nhau . Quảng Ngãi : ngủ một đêm nghe tiếng súng , sáng dậy bước ra đường phố đã thấy xác du kích nằm phơi giữa nắng sớm. Tôi đã mấy lần thấy xác chết như vậy. Đây là hồi ức đáng nhớ tôi ghi lại vào năm 2001 về những ngày ở Quảng Ngãi : “…Một đêm quá mười hai giờ khuya, những loạt súng bắt đầu nổ rang ngoài đường phố. Tôi đang mê man ngồi viết phóng sự Trên Đường Về Nhớ Đầy ở một phòng lầu ba trên đường Lê Trung Đình, căn phòng mà gia đình chủ nhà không ai dám ngủ vì sợ pháo kích. Tôi phải viết ra câu chuyện đã ấm ức, ấp ủ thúc hối tôi do một người bạn đồng khóa tên Thuận kể lại. Đó là vào một chiều chúng tôi ngồi trong một quán nhỏ thị xã, tôi muốn Thuận kể lại những hình ảnh làm anh ta xúc động nhất trên đường hành quân . Thật lạ lùng, Thuận không nói về súng đạn chết chóc , địch thù, mà anh xúc động mô tả về một hình ảnh “ Người Mẹ Gio Linh” trong chiến tranh Việt Nam. Tôi cũng không ngờ Thuận có cuộc sống nội tâm phong phú như thế…
…Rừng chiều nặng nề u ám. Buổi chiều như có những nhịp thở thoi thóp.Mặt trời sắp chôn mình sau núi. Từng cơn gió rù rì thổi lành lạnh như có mang theo nọc độc. Cảnh tượng buồn bả quá.Một bà lão đang ngồi bới khoai.Tôi bước nhanh về phía bà lão để trông rõ hơn.Cố nhìn quanh quất thật chăm chú , tôi vẫn không thấy một đứa cháu đứa chắt nào lai vảng gần đó.Đơn độc chỉ một mình bà ngồi bới khoai. Tôi nghĩ đến hình ảnh Người Mẹ Gio Linh của Phạm Duy… Và sau đó một tuần, Thuận đã tử trận trong một lần hành quân…
…Tao biết hể xe tank bỏ trại mà chạy là có chuyện. Mầy để xe tank mang ra khỏi thành phố tao lo quá. Ngày mai, biết còn…Nhớ lại cái chiều hôm nham nhở , mầy vẫy tay chào tao trong lúc những vòng xích sắt cuốn hút mầy đi…
(Phóng sự Trên Đường Về Nhớ Đầy của PTU)
Tôi đã viết những giòng trên vào hơn một giờ khuya giữa lúc những làn đạn đáp trả qua về giữa lính Sư Đoàn 2 và những người du kích từ trên núi vừa đột kích vào thị xã. Chờ một loạt súng im tiếng , chủ nhà đã chạy băng từ hầm núp tầng dưới vượt lên lầu ba, xông vào phòng tôi kéo mạnh ra cửa, kéo bừa tôi xuống hầm núp và la hét như tát nước. Sáng dậy bước lên lầu ba, trước cửa phòng rơi vãi mấy đầu đạn, nhìn ra đường phố trước mặt nhà, một vài xác chết du kích chưa kịp thu gom...”
Một lần ở Quảng Ngãi bất ngờ tôi nghe một giọng gầm gừ dằn từng tiếng một trong điện thoại của ông đại tá Nguyễn văn Toàn Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh (lúc đó ông chưa lên cấp tướng nổi danh với tên Quế tướng quân) bảo cho lính đến sửa đường dây điện thoại tại nhà ông ở trong thị xã. Một dịp ghé Nha Bưu Điện Trung Phần ở ĐàNẳng thăm ông giám đốc Vĩnh Kỳ, ông cho biết Nguyễn văn Toàn là con một bưu tá làm việc tại Bưu Điện Huế. Tướng Toàn là tư lệnh Quân Đoàn III cuối cùng . Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia : ngày 29 tháng 4, ông dùng trực thăng di tản ra Đệ thất Hạm đội đang đậu ở ngoài khơi Vũng Tàu. Sau đó, ông được sang định cư ở Tp Los Algeles, Tiểu bang California, Hoa Kỳ.Ngày 19 tháng 10 năm 2005, ông từ trần tại nơi định cư, hưởng thọ 73 tuổi. Ông được an táng tại Nghĩa trang Rose Hill, Los Algeles, California, Hoa Kỳ…
*
Trở lại câu chuyện bức ảnh chụp trên bãi biển Cửa Đại- Hội An. Bức ảnh hồi sinh được "nhân bản" tặng cho Hồ Văn Tâm, người bạn lính cùng đơn vị cũ. Không tin tức, mất liên lạc gần ba mươi năm- lần gặp cuối cùng ở ĐàNẳng, vào tháng 8 -1976, bạn vượt biên qua Mỹ hồi nào ? Chuyện gặp lại nhau sau gần ba mươi năm giữa một nước Mỹ rộng mênh mông kể lại chẳng khác nào một câu chuyện được dàn dựng trong tiểu thuyết. Do bạn có một phòng dịch vụ chuyên làm hồ sơ di trú ,khi đọc thấy tên tôi trong hồ sơ ,đã la toáng lên cho Cam Le biết chúng tôi là bạn cùng đơn vị trước bảy mươi lăm. Cam Le là chồng người bảo lãnh gia đình tôi . Một hôm ở Việt Nam tôi bất ngờ nhận điện thư báo, chuẩn bị đón hai ông Mỹ đến thăm. Hai ông Mỹ nào đến thăm ? Thật bất ngờ. Hai hôm sau một người làm dịch vụ chuyển tiền đến nhà yêu cầu tôi ký nhận hai ông Benjamin Franklin. Bạn cứ nghĩ tôi ở SaiGon chắc vất vả khổ cực quá nên bạn tiếp tế cho tôi (thật ra : không vất vả cực khổ, nhưng lo âu chờ đợi). Sau nầy khi tôi đến thăm bạn tại Tampa ,bạn còn dúi vào túi áo tôi thêm hai ông Mỹ nữa. Chỉ có chúng tôi mới thấu hiểu giá trị tinh thần của những người lính VNCH được sống bên nhau giữa lòng nước Mỹ sau cuộc chiến huynh đệ tương tàn . Khi nhận bức ảnh cở lớn, Tâm ngạc nhiên vui mừng nhắc lại một vài kỷ niệm và nói sẽ treo bức ảnh lên tường trong phòng làm việc của anh ta. Tâm là Trưởng Đài Viễn Thông Liên Kết ĐàNẳng trực thuộc TTVT đã có nhiều dịp sử dụng chiếc xe Jeep lùn trong bức ảnh hồi sinh. Trưởng đài Viễn Thông Liên Kết phải là những sĩ quan được truyền tin quân đội Mỹ đào tạo để điều hành theo tiêu chuẩn kỹ thuật mới. Tôi phải vào SaiGon học một khóa Sỉ Quan Kiểm Liên hai tháng để có điều kiện ra vào làm việc với nhóm báo cáo các mạch viễn thông vi ba.
Các sỉ quan trưởng đài Việt Nam trong thời gian chuyển tiếp từ quân đội Mỹ qua truyền tin VN đều rất trẻ thường có những hành động nông nổi. Tôi còn nhớ một chàng thiếu úy trưởng đài trẻ tuổi (Nguyễn văn Hưởng)đã phi thân đạp một cú trời giáng vào người kỹ sư cố vấn Mỹ làm ông ta nhào xuống gãy gập cả mình,quờ quạng tìm cặp kính văng tung tóe trên nền nhà, chỉ với một lý do rất vớ vẩn. NVH bị phạt nặng và không còn lui tới Đài nữa. Hồ văn Tâm đã thay thế anh ta. Dịp nầy tôi đã có một bài đóng góp cho Đặc San Tết chuyên ngành của Cục Truyền Tin với nhan đề “ Thử Phác Họa Nhiệm Vụ của Một Trưởng Đài Viễn Thông Liên Kết” ký tên tác giả là Trần K.T. Tôi phải giấu tông tích khi viết bài báo nầy vào một buổi sáng ngồi nhâm nhi ly café sữa trong căng-tin , vì phải nể mặt các sỉ quan trong BCH Tiểu Đoàn đang khẩn trương họp bàn để có bài đóng góp cho đặc san do Cục Truyền Tin phân công . Bài đóng góp của Tiểu Đoàn hình thành theo dạng là một báo cáo hành chánh không thích hợp đăng vào đặc san, nên bài báo tôi gởi được chọn đăng ngay làm đại diện cho đơn vị. Dịp Tết năm đó, tôi nhận một phong bì lớn từ Cục Truyền Tin với bản in đặc biệt dành cho tác giả của đặc san kèm theo tờ ban thưởng tưởng lục cấp Sư Đoàn. Tôi nhận ra một điều rất thường xẩy ra trong các tập thể : hể người nào có một chút tài mọn mà đem áp dụng đúng lúc sẽ gây chú ý và rất dễ thăng tiến trong công việc. Nhờ bài báo nầy, và hai năm dạy Pháp Văn , Anh văn sinh ngữ 2 lớp tối đệ nhị trường Văn Hóa Quân Đội ở ĐàNẳng với hai ban thưởng tưởng lục cấp Quân Đoàn, tôi trở thành đại úy nhiệm chức đầu tiên trong số ba người bạn cùng khóa về phục vụ tiểu đoàn, mặc dù tôi chỉ làm việc quanh quẩn trong văn phòng ban chỉ huy trung tâm. Phùng , Bé là trưởng các chi nhánh truyền tin nhưng lại không có tên trong danh sách thăng thưởng .Chi tiết nầy Hồ văn Tâm ở Tampa vẫn còn nhớ rỏ. Lúc thấy tôi lắc đầu không để ý đến chuyện thăng cấp đại úy váo đầu năm 1975 , anh ta trề môi :“khoái thấy mồ còn làm bộ”. Tôi ghi lại để nhớ một kỷ niệm vui với bạn. Biến động tháng 4- 1975 đã xóa sổ câu chuyện hư danh, lại còn cho thấy số hên của tôi. Chỉ phải lên Hiệp Đức lao động khổ sai một năm rưởi cùng đợt với Hồ văn Tâm, vì chưa chính thức lên cấp. Mang cấp bậc mới, rừng thiêng nước độc miền Bắc sẽ gọi tên, chẳng biết có còn sống để ngồi viết lếu láo như thế nầy chăng. Đúng là con người có số.
Hàng ngày quanh quẩn trong phòng đọc sách, có dịp nhìn sâu vào bức ảnh thì thấy ra bóng hình quá khứ xuất hiện sống động. Chiếc Jeep làm bồi hồi nhớ lại cái chết đau lòng của Bùi văn Bé, người bạn cùng khóa tôi đã nhắc ở trên. Chiếc xe đã từng mang bạn tôi vô ra ĐàNẳng-Hội An không biết bao nhiêu lần họp hành công tác . Người bạn đã tử nạn trong một chuyến vượt biên.Khi người anh của Bé báo tin bạn mất tích với dòng nước mắt ràn rụa , hình như tôi cũng đã khóc theo. Tôi nhớ ngày hai đứa cùng học khóa Truyền Tin Vũng Tàu (xem tạp văn TRONG TRÍ NHỚ cuối bài nầy), người bạn trải tấm poncho trên bãi cát mịn của một góc rừng chờ phiên trực gác ứng chiến trong trung đội khóa sinh , hai đứa nằm co ro bên nhau hồi hộp chờ những diển tiến của trận Tết Mậu Thân đợt hai . Gió biển len lỏi thổi tạt vào mé rừng làm tung cát bụi ,chúng tôi cười khúc khích thích thú với cả chùm cát trắng văng vào mặt. Sáng ra trung đội khóa sinh tập họp trở về trường, bình an vô sự. Một đêm cảnh giác ứng chiến…Mãn khóa hai đứa cùng về phục vụ trong một đơn vị ,vẫn thường gặp nhau cà phê bia bọt nói cười vô tư. Người bạn đồng khóa không còn nữa.Với người bạn thứ hai cùng khóa, Trịnh Hý Phùng ,khoảng 1980 từ ĐàNẳng vào Saigon ,trước khi vượt biên đã tìm đến thăm tôi đầu Cầu Bông. Hai đứa kéo nhau ra ngồi ngoài hiên tiệm chè Hiển Khánh cạnh rạp Đại Đồng Đakao. Phùng có vẻ lo lắng, kín đáo báo tin nội trong đêm nay, hắn sẽ “dzọt”. Tôi cầu nguyện bạn tai qua nạn khỏi. Rất may , khi tôi gặp lại Hồ văn Tâm ở Tampa hỏi tin tức Trịnh Hý Phùng, Tâm cho biết nó đang ở Cali. Chúng tôi từng ngồi chung trên chiếc Jeep đi về hàng ngày làm việc. Chiếc Jeep nầy là một chứng tích đậm nét xứng đáng đại diện ở miền Nam. Còn ở miền Bắc , bao gạo mang nhản hiệu Cọng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tôi trực tiếp vào kho gánh về trại lúc “học tập cải tạo” trong rừng núi Hiệp Đức Quãng Nam là một chứng tích khác. Lúc gánh những bao gạo từ nước ngoài cấp viện cho miền Bắc tôi nhớ đã hết sức ngạc nhiên sửng sốt với hàng chữ lớn đập mạnh vào mắt : Cọng Hòa Nhân Dân Trung Hoa in lớn lên chiếc bao tải .
*
Một nhóm du khách từ Việt Nam phần lớn là những công chức cán bộ ghé thăm nhà tôi. Khi mở cửa đón tiếp,mấy bà nhìn vào bên trong ngập ngừng không muốn bước vào , có lẻ các bà đã thấy lá cờ sao sọc nước Mỹ dựng đứng bên cạnh bức ảnh hồi sinh . Người nhà đã cảnh cáo tôi , phô trương làm gì cho người ta ghét. Quan trọng gì đâu mà phô trương ? Những người đứng bên ngoài căn nhà, mặc họ. Họ vào nhà ta, quyền của ta. Mấy ông khách trí thức cười cười ngước nhìn bức ảnh lón, tôi có dịp nói về nguyên do treo bức ảnh :
- Bức ảnh lớn do người Mỹ phóng to. Khi thấy tấm ảnh mặc quân phục, họ thích quá lôi điện thoại ra chụp. Mình nghĩ , tấm ảnh thích hợp với xã hội Mỹ nên treo lên cho vui. Bên mình thì không hợp…
Mấy ông khách lại tò mò xem tủ sách gia đình đủ loại.Họ chăm chú đọc những nhan đề sách ở SaiGon không được phép in. Tôi đề nghị :
- Mình muốn tặng sách cho các bạn…
Họ vui vẻ chọn mỗi người một cuốn, tòan cả loại sách cấm ở SaiGon. Tôi đóng dấu kính biếu và ký tặng . Mọi người hoan hỉ. Tôi không rõ họ có mang về đến SaiGon hay không. Và cũng chẳng thể biết được họ đã nghĩ gì khi nhìn bức ảnh và chọn sách.Nhưng thấy họ cứ tủm tỉm cười, vì có một vật kỷ niệm khi ra khỏi biên giới...
Một ông người Mỹ vào nhà tôi khảo sát hệ thống điều hòa nhiệt độ để lượng giá theo yêu cầu của nhà đèn. Với vóc dáng cao nghều,chẳng cần ngước mắt, bức ảnh hồi sinh đập vào mắt ông. Ông ta móc ngay điện thoại bấm luôn hai phát. Đúng là bức ảnh đã nhắc ông nhớ đến một điều gì đó. Tôi hỏi tại sao ông thích chụp bức ảnh nầy. Ông nói ông là cựu quân nhân Mỹ có tham gia chiến tranh Việt Nam. Đủ rồi chuyện về một bức ảnh...
Cửa Đại - Hội An 2017
Chẳng biết còn dịp nào về Hội An thăm lại Cửa Đại , nhưng các thông tin về nó thì ta có thể cập nhật đầy đủ trên internet. Ba năm gần đây Cửa Đại vắng vẻ tiêu điều vì bờ cát bị sóng biển xâm thực, tàn hại khủng khiếp. Rất may từ đầu năm 2017 suốt dọc dài bờ biển Cửa Đại, cát đã bắt đầu bồi đắp trở lại . Cùng với nổ lực rất lớn của nhà chức trách địa phương ,hiện thời Cửa Đại đã hồi sinh.Du khách đã tấp nập lui về.
PHAN TẤN UẨN
Florida 2017
Bút ký nầy đã in rong tập 4 của bộ sách 7 tập
44 NĂM VĂN HỌC VIỆT NAM HẢI NGOẠI (1975-2019)
http://www.gio-o.com/PhanTanUan.html