Edel Maex

Một đời sống tốt đẹp
Phật giáo như một thực tập 

Nguyễn Thanh Hùng dịch

Bạt:

Bài viết ‘Phật giáo như một sự thực tập' dưới đây là bài đầu tiên trong tâp hợp năm bài viết đã được phổ biến trên nguyệt san ‘Triết học - Filosofie', 2004-2005 (0). Đây là những tiểu luận về Phật giáo nhìn từ phương tây, đưọc viết từ trong bối cảnh của một truyền thống phật giáo rất mới, đưọc gọi là phật giáo tây phương. Tác giả, tiến sĩ Edel Maex là một nhà tâm lý trị liệu làm việc ở bệnh viện Middelheim tại Antwerpen, Bỉ. Ông là một trong những người sáng lập và ở trong ban điều hành của Trường Triết học tỉ giải (School voor comparatieve filosofie) ở Antwerpen. Ông là một người thực tập Thiền.

Năm bài viết của ông đã được nhà xuất bản Lannoo gom lại và vừa cho xuất bản dưới tựa đề ‘Tiểu luận về Phật giáo - Een kleine inleiding in het boeddhisme' trong tháng 10 năm 2005. Xin cảm ơn tác giả và nhà xuất bản đã vui lòng cho phép dịch thuật và phổ biến năm bài viết này.

Những chữ nằm trong dấu [ ] là phần thêm vào của người dịch.


Phật giáo

Phật giáo được xem như một trong những tôn giáo lớn trên thế giới. Nhưng thế nào là một tôn giáo? Các tôn giáo và những trào lưu tư tưởng khác nhau trên thế giới vẫn chưa thành công trong việc đưa ra một định nghĩa chung cho danh từ tôn giáo. Trở thành một người Công giáo qua nghi lễ (lễ rửa tội), trở thành một người Do thái khi được sinh ra đời, trở thành một người Nhân bản tự do (vrijzinnig humanist) (cũng là một thứ tôn giáo đối với một số người) khi chấp nhận một nhân sinh quan nào đó.

Nhưng thế nào để trở thành một phật tử? Stephen Batchelor (1) nhận xét rằng từ ngữ Phật tử không có mặt trong các ngôn ngữ Á đông. Vấn đề là chúng ta [người tây phương] khi xem xét các tôn giáo khác đã tùy nghi quy chiếu theo khuôn mẫu của thiên chúa giáo (christendom), nói rõ hơn là giáo hội công giáo (katholieke kerk). ‘Phật giáo' như ý niệm là một tạo tác của các triết gia tây phương khi khám phá ra những quan hệ trong nội dung và lịch sử giữa những truyền thống và kinh điển ‘phật giáo' dị biệt. Nếu một lạt-ma Tây tạng nói về phật giáo, điều ông nói có thể khác với điều mà một tu sĩ tiểu thừa (Theravada monnik) nói. Không lâu trước đây, các vị tu sĩ này chưa từng biết đến sự có mặt của nhau. Chỉ có ở Tây phương các tông phái phật giáo khác biệt mới gặp được nhau. Ðiều đó không có nghĩa là các truyền thống phật giáo khác nhau không có những điểm tương đồng rộng lớn và căn bản. Trong bài viết này, khi từ ngữ phật giáo có được dùng tới, xin hiểu là từ đó không biểu đạt một truyền thống đặc thù nào mà bao gồm tất cả những yếu tố cơ bản tìm thấy trong các truyền thống dị biệt, kể cả từ truyền thống phật giáo tây phương [, một truyền thống] đang được hình thành.

 
Chúng tôi biết phải tin ai?

Trong một đoạn kinh phật giáo xưa cũ (2), các người dân làng Kalamas đã chất vấn Bụt như thế này: ‘Các vị tu sĩ thường xuyên đi ngang qua làng chúng tôi. Từng người một, ai cũng nói chỉ có mình mới tuyên xưng sự thực, còn những người khác đều láo khoét. Vậy chúng tôi biết phải tin ai đây?' Câu hỏi này nghe thật đương đại. Dường như 2500 năm qua, không có mấy điều thay đổi.

Bụt trả lời: "Ta hiểu sự hoang mang của quý vị. Vì thế cho nên, quý vị hãy đừng dựa vào truyền thống, vào kinh điển, vào quyền lực cũng như vào triết học."

Ngay tức khắc, một số điều mà xưa nay chúng ta vẫn cho là gắn liền với tôn giáo được câu trả lời này gạt sang một bên: truyền thống, giáo quyền (leergezag), triết lý, kinh điển… Bụt không cho rằng những điều này là sai lạc, nhưng chúng không phải là những cơ sở vững chãi có thể đánh giá đúng đắn một giáo lý. Vậy thì phải dựa trên cơ sở nào đây?

Bụt dạy tiếp: ‘Khi nào quý vị thấy sự thực tập (beoefenen) một giáo lý mang lại khổ đau (lijden) thì hãy buông bỏ giáo lý đó. Trái lại, nếu quý vị thấy sự thực tập một giáo lý mang tới hạnh phúc thì hãy hành trì giáo lý đó.'
Ðiểm nổi bật đầu tiên trong câu trả lời này là Bụt nói tới khả năng tự thân của mỗi người trong việc tìm kiếm và đánh giá [một giáo lý]. Vì thế cho nên đoạn kinh này có khi được xem là bản tuyên ngôn phật giáo (boeddhistisch handvest) trong sự đích thân (zelf) tìm cầu chân lý. Ðiểm thứ hai là giáo lý của người không phải là một thứ lý thuyết, một nhân sinh quan (levensbeschouwing) hay một tín ngưỡng (geloof) mà là một sự thực tập (praktijk) cần được hành trì. Ðiểm thứ ba là kết quả (effect) của sự hành trì này (khổ đau hay an lạc) mới đánh giá được giáo lý đó.

Phật giáo vì thế không phải là một niềm tin, một triết lý, một căn cước (identiteit). Phật giáo là một sự thực tập để đối trị khổ đau. Bụt nói ‘ta chỉ dạy về khổ đau và vượt thoát khổ đau' (3). Ðiều này đã được Bụt biểu đặt trong công thức của bốn sự thực thâm diệu [tứ diệu đế]. Chân đế đầu tiên là sự thực về [sự có mặt của] khổ đau. Ðây là một xác nhận (vaststelling) thuần túy, giản đơn, không phải là một tín điều. Không ở đâu trong kinh điển nói rằng tất cả là khổ đau. Cuộc đời còn có rất nhiều điều lý thú, nhưng đời sống của chúng ta và của những người khác chứa đựng khổ đau. Mặc cho chúng ta chấp nhận hay phủ nhận. Phật giáo không làm một cố gắng vô ích nào để che đậy hoặc xoay chuyển sự thực này. Không đưa ra một ảo tưởng sai lầm, cũng không bịa đặt cho ra ý nghĩa (zingeving). Chỉ như thế này: chúng ta được sinh ra, lớn lên, già đi, mắc những tật bệnh và chết mất. Chúng ta thất vọng bởi vì chúng ta nhận được những điều chúng ta không muốn và không nhận được những điều chúng ta ước ao.

Tham đắm (begeerte), sân hận (afkeer) và si mê (verwarring).

Câu trả lời của Bụt cho câu hỏi của người dân làng Kalamas đương nhiên đặt ra những câu hỏi mới. Ðiều gì gây ra khổ đau? Sự thực tập nào mang lại an lạc (welzijn)? Bụt dạy tiếp: ‘nếu ai đó hành xử vì tham đắm, sân hận và si mê, thì kết quả sẽ là khổ đau hay an lạc?' Người dân làng Kalamas đều thấy rõ ràng tham đắm, sân hận và si mê gây ra khổ đau.

Tham đắm, sân hận và si mê là một bộ ba cổ điển (klasieke triade) trong phật giáo. Một thí dụ cụ thể có thể sẽ làm rõ hơn. Hãy tưởng tượng có kẻ tìm cách đến với bạn vì tham đắm, sân hận và si mê. Có nghĩa người đó sẽ đặt một số câu hỏi, đại loại: người này có ích gì cho ta, có hợp với ta không, có giúp gì được cho ta, có cho ta được tiền tài, danh vọng hay không, ta có thể ngủ với người đó được không, mặt người đó không hợp với mắt ta, người đó muốn gì ta? Bạn thấy rõ là một quan hệ như thế thật là không thú vị chút nào cả. Tùy theo mức độ tham đắm, sân hận và si mê biểu lộ qua hành động cụ thể, bạn có thể bị người đó lợi dụng. Nhưng cho chính người đó, quan hệ này cũng là một nguồn khổ đau. Anh ta/ chị ta sống thường trực trong khung cảnh chiến tranh, mà mỗi lần gặp gỡ với bạn trở thành một cuộc giao chiến, trong đó có khi người đó thắng trận, cũng có thể thất bại ê chề và bị lợi dụng ngược lại. Ngoại trừ những giây phút ngắn ngủi, thỉnh thoảng được thỏa mãn nhu cầu, điều còn lại là sự bất ổn và ê chề.

Chân đế thứ hai là sự thực về nguyên nhân (oorzaak) của khổ đau. Nguyên nhân này còn được gọi là sự khao khát (dorst). Sự khao khát ở đây chính là một danh tự khác (metonym) để chỉ bộ ba tham đắm, sân hận và si mê mới được nói đến ở phần trên. Một từ ngữ hiện đại hơn có thể được dùng thay cho sự khao khát: những đòi hỏi (behoeftigheid) của chúng ta. Ở đây không nói tới những nhu cầu khách quan mà cách thức chúng ta xử sự với nhu cầu. Cần nhận thức rằng hạnh phúc không phải là sự thỏa mãn nhu cầu (behoeftebevrediging). Trái lại, hành động gấp rút để làm thỏa mãn nhu cầu chính là nguyên nhân mang lại khổ đau cho chúng ta và những người khác. Kể cả ý tưởng có thể có hạnh phúc, được trả giá qua (ten kosten van) sự khổ đau của người khác cũng là một ảo tưởng cần được gạt bỏ.
 
Tự do

Cái gì là nguồn an lạc? Bụt dạy tiếp ‘người nào mà cách hành xử (gedrag) không dựa trên tham đắm, sân hận và si mê, người đó sẽ biểu lộ một cách bột phát (spontaan) niềm từ (liefde), bi (mededogen), hoan hỉ (blijheid) và tha thứ (onbevangenheid)'. Bốn đặc tính (karakteristiek) biểu hiện cho giải thoát (bevrijding) này được dịch từ một công thức rất quen thuộc bằng tiếng Pali (4) cần được chú thích cặn kẽ hơn:

Phạn ngữ metta, vẫn được dịch là từ, có nghĩa thật sự là một ước muốn (verlangen), thứ ước muốn [cho người khác] được chuyện tốt đẹp (dat het goed gaat). Một ví dụ vẫn hay được dùng để diễn tả từ là hình ảnh một người mẹ ôm một đứa con trong lòng. Người mẹ muốn đứa con được tốt đẹp.

Bi – karuna – có nghĩa là cảm thông (geraakt zijn) với sự khổ đau của người khác. (Trong tiếng Hòa Lan, karuna được dịch bằng chữ mededogen, một từ hơi cổ so với từ medelijden; từ này về mặt lập ngữ (connotatie) thì chính xác hơn nhưng về mặt ngữ nghĩa thì gần với thương hại. Ðiều lạ lùng là tiếng Hòa Lan không có chữ tương đương để dịch từ compassion trong Anh ngữ mà chỉ biết có từ pity [trong Anh ngữ]).

Hỉ – mudita - chỉ thái độ vui với (blij zijn met). Ðó là khả năng biết trân quý điều đang xảy ra (wat er is).

Xả – upekkha – có nghĩa là sự chú tâm không phân biệt, một cách nhìn không né tránh cái tệ hại cũng không tuyệt vọng (wanhopig) đòi tìm cái không tệ hại.

Xin đơn cử tiếp một thí dụ để làm sáng tỏ:

Những người mắc phải một thứ bệnh hiểm nghèo như ung thư thường khám phá ra mình bỗng dưng mất đi một số người bạn. Những người [bạn] đâm ra sợ hãi, không biết phải ứng xử thế nào trong hoàn cảnh mới. Ðối với một số người, những người mắc bệnh bỗng dưng không còn đáng chú ý nữa. Ngược lại, người bệnh thường nhận được những tình bạn mới, nảy sinh từ chỗ bất ngờ. Ðó là những người mà bệnh nhân có thể nương tựa, nhận được sự giúp đỡ vô vụ lợi (belangeloos). Hãy tưởng tượng người bệnh đó đến với bạn. Tùy theo mức độ thoát khỏi sự ràng buộc của tham đắm, sân hận và si mê mà bạn có thể: hy vọng rằng người bệnh được tốt đẹp (metta), cảm thông những giây phút lo sợ (karuna), vui với sự có mặt của người bệnh (mudita) và biết lắng nghe người bệnh nói (upekkha), niềm hy vọng hay điều tuyệt vọng, trong lúc đau đớn cũng như trong khi hồi phục. Trong một số truyền thống phật giáo, điều này được gọi là phật tính. Ðiều này thực sự cũng chính là nhân tính nền tảng của chúng ta (onze fundamentele menselijkheid) (5).

Chân đế thứ ba là sự thực về sự chấm dứt (opheffen) khổ đau. Tâm lý học truyền thống tây phương cũng biết đến sự thèm khát, và bộ ba độc là tham đắm, sân hận và si mê. Ngành phân tâm học (psychoanalyse) có nói tới dục vọng (lust), thất vọng (onlust) và vô thức (onbewuste). Ngành ứng xử trị liệu (gedragstherapie) đề cập đến sự thưởng (beloning), phạt (straf) và những nhận thức phi lý (irrationele cognities). Ðiểm khác biệt căn bản là tâm lý học, qua đó, tìm đủ cách để giải thích các cách ứng xử của chúng ta. Trong khi đó, phật giáo ngược lại chỉ đưa ra khả thi (mogelijkheid) để giải thoát, điều đó muốn nói, một cách ứng xử không bị chi phối [bởi tham đắm, sân hận và si mê].
 
Con đường

Con đường nào đưa đến giải thoát? Chân đế thứ tư là sự thực về con đường đưa đến giải thoát. Ðó là bát chánh đạo. Tám yếu tố của con đường không tạo thành một chuỗi tiến trình mà là một tổng thể hữu cơ gắn bó. Theo truyền thống (và nhờ đó rõ ràng hơn) tám yếu tố này vẫn thường được quy lại thành ba nhóm, đó là trì giới (deugd), thiền định (meditatie) và tuệ giác (inzicht).

Một lối thông ra con đường là tuệ giác. Trong bước đầu, đó là niềm tin cậy vào sự hợp lý (redelijkheid) của con đường thực tập và quyết tâm (intentie) lên đường tự học. Niềm tin này cũng giống như niềm tin của một bệnh nhân đối với vị bác sĩ trị liệu. Bệnh nhân không thể biết trước hiệu quả của dược liệu, nhưng bằng một tinh thần phê phán lành mạnh (gezonde kritische instelling), bệnh nhân có đủ niềm tin để sử dụng những dược liệu này. Tuệ giác quan trọng nhất ở đây chính là ý thức về trách nhiệm tự thân (besef van eigen verantwoordelijkheid).
Tới đây là đụng tới trì giới. Ðạo đức (ethiek) trong phật giáo không có tính chất luân lý (moraliserende karakter) như chúng ta vẫn thấy trong các tôn giáo tây phương. Trong bước đầu, đạo đức [phật giáo] có tính đề đạt (beschrijvend). Một số hành vi như tàn sát, trộm cắp, gian dối, tà dâm tạo ra khổ đau vừa cho thủ phạm lẫn nạn nhân. Phật giáo không lên án những hành vi tội phạm nhưng kêu gọi ý thức về trách nhiệm tự thân và chấp nhận những hậu quả của những hành vi đã làm. Ðiều này được phật giáo diễn đạt qua ý niệm nghiệp (karma). Những giới luật đạo đức đề đạt ra những biên giới mà người thực tập tốt nhất không nên vượt qua nếu không muốn gây ra bất hạnh (onheil) cho chính mình cũng như cho người khác.

Bước tới nữa là thiền định. Có thể không ở đâu mà sự thực tập thiền định lại được nhấn mạnh và hành trì nhiều như trong truyền thống Phật giáo tây phương mới tinh. Sở dĩ như thế là vì phật giáo đã được phổ biến (populair) đúng vào thời kỳ của cuộc mở rộng ý thức (bewustzijnsverruiming), của các chất kích tạo ảo giác (hallucinogenen) và sự bùng nổ những nhu yếu tìm hiểu về tâm lý học. Nhưng điều này cũng dễ đưa đến một hình ảnh sai lạc (vertekend beeld). Các phương pháp thiền định đúng là có thể được dùng để làm thuyên giảm căng thẳng (stressreductie) hoặc là phương tiện mở rộng nhận thức tự thân (zelfkennis). [Nhưng] thiền định chỉ thực sự trở thành một pháp môn phật giáo khi được hành trì trong tổng thể hữu cơ của bát chánh đạo, nói khác đi, thiền định trong mối tương quan chặt chẽ với trì giới và tuệ giác.

Ðối với phật giáo, thiền định chính là nơi chốn của sự tự khảo sát (het vrije onderzoek). Thiền định là phòng thí nghiệm (het labo), là kính hiển vi, nơi mà bốn sự thực mầu nhiệm có thể được khảo sát thật tỉ mỉ. Như trong một chương trình truyền hình sống thực sự (onvervalste reality-tv), bạn có thể thấy trong khi thiền định như thế nào khổ đau xuất hiện và như thế nào giải thoát có thể có được. Cứ thử để ý đến hơi thở trong vòng vài phút, bạn sẽ thấy tâm thức (geest) của mình liên tục bị những ý tưởng vướng mắc trong tham đắm, sân hận và si mê thao túng. Tùy theo mức độ học hỏi và hành trì, vào khả năng biết chú tâm, có mặt đích thực trong hỗn loạn [của tham, sân, si] mà bạn khám phá ra khả thi cho giải thoát.

Qua sự khảo sát này, tuệ giác sẽ nảy nở. Ðiều mà lúc ban đầu chỉ là niềm tin có phê phán (kritisch vertrouwen) vào kinh nghiệm và tuệ giác của người khác trở thành kinh nghiệm và tuệ giác của chính mình. Tuệ giác này sẽ giúp ta càng lúc càng thấu rõ hơn tính cách phi thực (absurditeit) của những hành vi không đạo đức. Ðiều mà lúc ban đầu chỉ là sự tuân giữ những giới luật (voorschriften) càng lúc càng trở thành một điều thật đương nhiên (spontane vanzelfsprekendheid). Làm sao mà ta có thể tiếp tục tạo ra khổ đau cho chính mình và người khác khi ta biết rõ đó là sai lầm?

Những kết quả mà bạn đạt được trên con đường tu tập sẽ tự tạo thêm động lực giúp ta đi xa hơn trên con đường thiền định, xa hơn trong sự khảo sát để hiểu thấu nguồn căn của khổ đau và an lạc (welbevinden). Tuệ giác mới này lại giúp ta trì giới vững chãi hơn, thiền định tinh tiến hơn… Một vòng tròn bất tận.
 
Kết

Triết gia Leo Apostel, một người thực tập thiền chuyên cần, từng đề nghị hãy xem mỗi đời người như một thử nghiệm về đạo đức (experiment in ethiek). Cũng tương tự như trong truyền thống khoa học tây phương, mo^~i người có thể dựa trên kinh nghiệm đạt được qua những cuộc thử nghiệm của những người đi trước. Cũng giống như rất nhiều sinh viên vật lý đã thực hiện lại các thí nghiệm của Newton, với sách giáo khoa trong tay, để qua đó đạt được sự hiểu biết về những định lý cơ bản của vật lý học. Cũng vậy, Bụt đề nghị với chúng ta một cuộc thử nghiệm. Bắt đầu bằng việc đảm nhận trách nhiệm cho cuộc sống cuûa chính mình. Cuộc thử nghiệm này đã được kinh điển Dhammapada tóm gọn bằng những vần thơ hùng mạnh:

buông bỏ ác (het kwade laten) 
làm điều lành (doen wat heilzaam is)
lắng lòng thanh tịnh (de geest zuiveren)
đó là giáo pháp của Bụt (dat is de leer van de Buddha) (6)

Trong kinh điển phật giáo, sự thực tập được ghi nhận là ‘tốt từ khi bắt đầu, tốt ở giữa chừng và tốt ở chung cuộc'. Con đường đã kết hoa trái ngay từ khởi điểm. Phật giáo là một truyền thống của giới xuất gia và cư sĩ. Không nhất thiết cứ phải ngồi thiền nhiều giờ hàng ngày trên tọa cụ mới là tu, cho dù điều đó khả dĩ làm được. Chỉ cần lên đường, nuôi dưỡng cái nhân tính nền tảng trong đời sống hàng ngày, như thế đã mang lại cho đời sống nhiều ý nghĩa và giải thoát. (Nếu không có giải thoát thì ngồi nhiều giờ trên tọa cụ cũng chẳng mang lại lợi ích gì). Các truyền thống phật giáo luôn chống đối lại khuynh hướng thường tình là đánh giá điều này cao trọng hơn điều kia.

Là những người [sống ở] tây phương, chúng ta vẫn được nuôi dậy với ý tưởng về sự bất khả hợp nhất (onverenigbaarheid) của hai ý nghĩa (betekenis) của một ‘đời sống tốt đẹp (het goede leven)'. Một đời sống tốt đẹp trong nghĩa một đời sống đạo đức (deugdzaam leven) và một đời sống tốt đẹp trong nghĩa tận hưởng đời sống (genieten van het leven). Kết quả hỷ lạc nhất và cũng là bất ngờ nhất của cuộc thử nghiệm Phật giáo là cả hai ý nghĩa trên của tốt đẹp (goed), tựa như hai mặt của một chiếc mề-đai, hoàn toàn gắn bó với nhau.



Nguyễn Thanh Hùng

Hà Lan

Chú thích

(0)  Nguyệt san ‘Triết học (năm thứ 13, số 6, tháng Chạp/Giêng) - Filosofie' (jrg. 13, nr. 6, december/januari). Xuất bản bằng Hòa ngữ, phổ biến trong vùng Benelux.

(1)  Stephen Batchelor: the awakening of the West: the encounter of Buddhism and Western culture, Parallax 1994

(2)  Các đoạn kinh được trích từ Kalama sutta (anguttara Nikaya 65) và Dhammacakkapavattana Sutta (Samyuutta Nikaya LVI.11). Các đoạn kinh đã không được trích dịch nguyên văn mà ghi lại theo ngôn ngữ đương đại, ý nghĩa không thay đổi.

(3)  Samyutta Nikaya XXII.86

(4)  Tiếng Pali là một ngôn ngữ có họ hàng với tiếng Sanskriet. Phần lớn các kinh điển Phật giáo được ghi lại bằng thứ tiếng này.
(5)  Han F. de Wit: ‘de verborgen bloei: over de psychologische achtergronden van spiritualiteit (sự đơm bông âm thầm: những bối cảnh tâm lý học của tâm linh)', Kok Angora 1993

(6)  Dhammapada 183