KIM TUẤN (1938-2003)

Nhà thơ Kim Tuấn  tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Khuê, là con trai duy nhất trong một gia đình hoàng tộc, cháu đời thứ năm của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Ông sinh năm 1938 tại Huế nhưng quê gốc ở Hà Tĩnh.

Thuở nhỏ Kim Tuấn sống cùng gia đình ở Phan Thiết. Lớn lên ông đi học ở Sài Gòn. Năm 20 tuổi ông cưới người vợ đầu là Hồ Thị Mộng Sương.

Kim Tuấn làm thơ từ năm 13 tuổi và bắt đầu có thơ đăng trên các tạp chí từ đầu thập niên 1960. Ông từng có một thời gian nhập ngũ và làm thông dịch viên tiếng Anh cho Quân Đoàn II tại Pleiku. Thời gian này ông còn là phóng viên chiến trường với bút danh Vĩnh Khuê. Sau thời gian làm việc ông thường về nhà phụ vợ bán thuốc tây tại nhà riêng – hiệu thuốc cùng tên Kim Tuấn trên đường Phan Bội Châu tại Pleiku vào thời đó.

Sau năm 1975 Kim Tuấn và bà Mộng Sương ly hôn. Kim Tuấn cưới người vợ thứ hai tên Minh Phương và sinh được hai người con trai.

Năm 1977, ông làm hiệu trưởng Trường Anh văn và dạy nghề Thăng Long ở quận 4 Sài Gòn  – một ngôi trường do người Anh tài trợ dành cho trẻ em lang thang và dạy học ở đó cho đến cuối đời.
Ngày 11 tháng 9 năm 2003, sau khi tham dự một buổi văn nghệ phát quà Trung thu cho trẻ em nghèo tại trường, ông về nhà ăn bánh, uống trà, ngắm trăng với vợ con rồi đột ngột bị nhồi máu cơ tim và mất trên đường đưa đến bệnh viện.

Tác phẩm đã xuất bản:
Hoa mười phương (Trường Giang xuất bản, 1959)
Ngàn thương (in chung với Định Giang và Vương Đức Lệ, 1961)
Dấu bụi hồng (Minh Đức xuất bản, 1971)
Thơ Kim Tuấn 1962-1972 (Gìn Vàng Giữ Ngọc xuất bản, 1974)
Thời của trái tim hồng (Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé, 1990)
Tuổi phượng hồng (Nhà xuất bản Trẻ, 1991)
Tạ tình phương Nam (1994)
Thơ lí và thơ ngắn (2002)

(Nguồn: tổng hợp từ các nguồn khác nhau trên Net)

 

 

Dưới đây là một số bài thơ của Kim Tuấn trích trong tập 
Thơ Kim Tuấn”, do nhà xuất bản Gìn vàng giữ ngọc xuất bản, Sài Gòn, 1974



NHỮNG ĐIỀU GHI ĐƯỢC TRONG GIẤC NGỦ

Khi tôi trở về có con chim câu nằm trong tổ ấm.
Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh.

Khi tôi trở về có con diều bay đùa trong gió.
Ở quê nhà, trên thảm cỏ xanh, có đứa trẻ để bụng lòi chấm rốn đen cười nụ thanh bình.
Buổi chiều có con trâu rung mỏ vu vơ như trong giấc mộng.

Khi tôi trở về hai tay níu tim lồng ngực.
Giọng hát ru kéo lại dĩ vãng trầm trầm như chưa tắt thở.
Có người rủ nhân loại đi xem địa ngục mà không ai trả lời.

Khi tôi trở về mẹ vừa tóc bạc.
Đôi mắt nhìn vào tương lai và quên bao nỗi ưu phiền.
Con cò lại bay trong đồng ruộng xanh.
Lũy tre cúi xuống ưu tư cùng mùi khói un quen thuộc.

Khi tôi trở về tôi sẽ đi thăm bờ sông tuổi nhỏ,
tôi sẽ buồn thầm những chuyện ngày xưa và sẽ khóc một mình –
vì quê hương tôi bao lần đau khổ, bao lần đắng cay, bao nhiêu tủi hờn.
Quê hương tôi ở đó. Quê hương tôi khi còn tuổi nhỏ, khi tôi lớn lên bằng tiếng ru hời.
Quê hương tôi bao lần đau khổ, bao lần đắng cay, bao nhiêu tủi hờn.

Khi tôi trở về con chim kể lời ân ái.
Bài hát vang xa và vũ khí sẽ xếp thành cầu vồng trong ngày cưới.
Nhà mới dựng xây, có tiếng trẻ khóc u oa chào đời.
Có người đem tặng em bé quả bom nguyên tử, đứa trẻ đó cười và ôm nó ngủ như ôm quả bóng.
Những dãy phố sớm mai thức dậy cùng tiếng chim ca,
lũ trẻ con mừng đời thịnh trị và tay yếu cố vồ ôm tương lai của mình.

Khi tôi trở về, khi tôi trở về cuộc đời xuôi chảy.
Có bóng trăng xưa soi trên lối vườn,
có rừng cây ốm vì nhiều thương nhớ,
và khi thức dậy tôi tìm thấy tôi.

Được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “KHI TÔI VỀ”

https://www.youtube.com/watch?v=IxAo4HuPL5M
https://www.youtube.com/watch?v=QfnqupSCvw4

https://www.youtube.com/watch?v=1epEl7-no8I

 

 

KỶ NIỆM

Từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
rặng thông già lặng câm
hai đứa nhiều hối tiếc
sương mù giăng mấy đồi
tay đan đầy kỷ niệm
mưa giữa mùa tháng năm
dật dờ cơn gió thổi
một tháng không trăng rằm
mây núi ôm trời thấp
giá rét về căm căm
cao nguyên mù đất đỏ
từng bước từng bước thầm
cúi đầu in dấu mỏi
tuổi trẻ buồn lặng câm
núi nghiêng đầu thủ thỉ
từng bước từng bước thầm
hoa vông rừng tuyết trắng
tuổi trẻ buồn lặng câm
víu hồn hoang cỏ dại
từng bước từng bước thầm...

Pleiku 1961

Được nhạc sĩ Y Vân phổ nhạc thành bài hát “NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM”

https://www.youtube.com/watch?v=bUG69P65omA
https://www.youtube.com/watch?v=eRlI0J6ISt8
https://www.youtube.com/watch?v=r-SlUk9NUHc

(Theo nhà thơ Phạm Chu Sa thì: “ ca khúc “Những Bước Chân Âm Thầm” được nhiều thế hệ người yêu nhạc thích thú. Nhưng đến nay vẫn còn vài câu, từ trong ca khúc này khiến nhiều người tò mò, thắc mắc! Trong bài hát có nhắc đến TUYẾT. Nhưng ở phố núi Pleiku – nơi tác giả bài thơ sống và viết bấy giờ thuộc cao nguyên Trung phần – nay gọi là Tây nguyên – làm sao có tuyết? (trong bản nhạc tờ rời in đầu tiên có câu “Hoa VÒNG rừng tuyết trắng”. Nhiều ca sĩ lại hát là “Hoa VÔNG rừng tuyết trắng”. Một lần ngồi cà phê với anh khi anh về Sài Gòn, tôi nêu thắc mắc về “TUYẾT ở Pleiku” và hoa VÒNG hay hoa VÔNG rừng tuyết trắng??? Kim Tuấn giải thích: khoảng năm 1959 – 1960, khi anh mới lên Pleiku sống và làm việc thì nơi này chỉ là một thị xã nhỏ dân cư thưa thớt, đất đỏ bụi mù, chung quanh là rừng xanh. Đặc biệt rừng cây gòn gần như nuốt chững những rặng thông già.

Cuối mùa Xuân, những trái gòn già khô nứt nở bông trắng xóa cả những cánh rừng trông như TUYẾT rơi! Anh giải thích thêm: Có những sợi bông gòn nằm vắt ngang qua nhánh cây, gió thổi đong đưa như những chiếc VÕNG. Vì vậy trong bài thơ “Kỷ niệm” anh viết:“Hoa VÕNG rừng TUYẾT trắng”. Nhưng khi in trên bản nhạc tờ rời lần đầu (năm 1961), thợ sắp chữ không hiểu ý chữ VÕNG, đã sắp thành chữ VÒNG. Còn các ca sĩ từ đó về sau người thì hát “hoa VÒNG rừng tuyết trắng”, người lại hát “hoa VÔNG rừng tuyết trắng”! Kim Tuấn nói, “cả hai từ đều không ăn nhập gì tới ý nghĩa lời bài thơ của mình! Mình ở Pleiku, thỉnh thỉnh mới về Sài Gòn nên khi thấy in sai cũng chẳng biết làm sao!”. Sau này khi gặp nhạc sĩ Y Vân, anh báo với nhạc sĩ rằng bản nhạc in sai một cái dấu (dấu NGÃ thành dấu HUYỀN) làm mất ý nghĩa. Nhạc sĩ nói, nếu khi nào tái bản ông sẽ nói nhà in sửa lại. Kim Tuấn kể, anh Y Vân có nói với nhà phát hành. Họ ừ ừ nhưng rồi chẳng sửa, mấy lần tái bản vẫn y chang như trước!) (Nguồn https://www.nguoi-viet.com/tuong-nho/trung-thu-nho-kim-tuan/

 

 

NỤ HOA VÀNG NGÀY XUÂN

Anh cho em mùa xuân
nụ hoa vàng mới nở
chiều đông nào nhung nhớ
đường lao xao lá đầy
chân bước mòn vỉa phố
mắt buồn vin ngọn cây

Anh cho em mùa xuân
mùa xuân này tất cả
lộc non vừa trẩy lá
thơ còn thương cõi đời
con chim mừng ríu rít
vui khói chiều chơi vơi

Đất mẹ gầy có lúa
đồng ta xanh mấy mùa
con trâu từ đồng cỏ
giục mõ về rộn khua
ngoài đê diều thẳng cánh
trong xóm vang chuông chùa
chiều in vào bóng núi
câu hát hò vẳng đưa

Tóc mẹ già mây bạc
trăng chờ trong liếp dừa
con sông dài mấy nhánh
cát trắng bờ quê xưa

Anh cho em mùa xuân
bàn tay thơm sữa ngọt
dải đất liền chim hót
người yêu nhau trọn đời
mái nhà ai mới lợp
trẻ đùa vui nơi nơi...
hết buồn mưa phố nhỏ
hẹn cho nhau cuộc đời

Khi hoa vàng sắp nở
trời sắp sang mùa xuân
anh cho em tất cả
tình yêu non nước này
bài thơ còn xao xuyến
nắng vàng trên ngọn cây...


(1961)

Được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc thành bài hát “ANH CHO EM MÙA XUÂN”

(Kim Tuấn cho biết: “Tôi làm bài thơ này để nhớ về quê mẹ: Hà Tĩnh – vùng đất sỏi đá nhiều hơn cơm gạo với mơ ước “Đất mẹ gầy có lúa” – có lúa chứ không phải cỏ lúa như nhiều người vẫn hát nhầm (cỏ lúa thì phải nhổ đi chứ ai lại mơ ước có thêm!). Bài thơ này tôi sáng tác vào đầu thập niên 1960, sau đó in trong tập Ngàn Thương (chung với Định Giang) và được nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ thành ca khúc. Đã có nhiều ca sĩ thể hiện bài hát này nhưng tôi thích giọng ca của Hà Thanh hơn cả và điều làm tôi ray rứt là cho tới nay vẫn chưa nói được với nữ ca sĩ này một lời cám ơn…, nguồn: báo Thanh Niên)

https://www.youtube.com/watch?v=fsk-y7gyeoM

https://www.youtube.com/watch?v=08SG1mrH8TQ

https://www.youtube.com/watch?v=nT5TZwBZgM8

 

 

KHI XA SÀI GÒN

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn đã buồn như trời sớm mai

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ ai khóc thương ai
Sài Gòn giới nghiêm che kín đêm dài
Sài Gòn khói bay, Sài Gòn nắng đổ
Sài Gòn có còn bước chiều bơ vơ

Sài Gòn còn ai khóc kẻ lên đường
Sài Gòn xe chiều rạt rời vó ngựa
Sài Gòn âm thầm, đèn đỏ đèn xanh
Sài Gòn mưa bay, thôi thế cũng đành
Giấc ngủ miền xa, ôm trời núi rừng
Bên rừng nhớ nắng Trung Nguyên

Sài Gòn bây giờ trời mưa hay nắng
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau
Sài Gòn bước ai gõ xuống đêm sầu
Sài Gòn bóng nghiêng, Sài Gòn đứng đợi
Sài Gòn bây giờ cúi mặt xa nhau


Được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc thành bài hát cùng tên “KHI XA SÀI GÒN”

https://www.youtube.com/watch?v=lSDByjHGGBI

 

 

 

NẰM NGHE EM HÁT TRÊN VÙNG BIỂN

 

Nằm nghe em hát trên vùng biển
Ôi giọng buồn như nắng ngất ngây
Xao xuyến vàng trưa bờ cát xa
Như anh, như em còn hôm nay

Nằm nghe em hát trên vùng biển
Ôi ngọt ngào như sóng vỗ miên man
Xa khuất ngàn khơi màu nước xanh
Như tình yêu dành riêng đôi ta

Giữa khoảng trời xanh
Sóng gọi hồn anh
Em một mình và nỗi nhớ trong anh.
Ngày mai xa cách nằm nghe sóng gọi
Giọt buồn nào trong khoé mắt long lanh
Ngày mai xa cách nằm nghe sóng gọi
Những ngậm ngùi để nhớ nhau thêm

Nằm nghe em hát trên vùng biển
Anh chợt buồn khi nghĩ lúc xa em
Rồi mai có còn trong tiếng hát
Riêng một đời anh như mãi mãi bên em


Được nhạc sĩ Từ Công Phụng phổ nhạc “NẰM NGHE EM HÁT”

 

https://www.youtube.com/watch?v=Io7AL0xshrA

https://www.youtube.com/watch?v=fyuPe-ort7c&t=303s

 

 

TA Ở TRỜI TÂY NHỚ TRỜI ĐÔNG

Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông
Nhớ trong sợi khói, cuốn phiêu bồng
Có muôn trùng núi, ngăn người đến
Có một nguồn xa, chia mấy sông

Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông
Nhớ nhau nghìn nỗi, xót xa lòng
Sao ta chợt thấy, men đời đắng
Thấy một mình trong, nỗi nhớ mong

Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông
Nhớ như con nước, trôi thành giòng
Như chim mỏi cánh, bay tìm về núi
Có một mình riêng, hoài ngóng trông

Ta ở trời Tây, nhớ trời Đông
Nhớ mưa nhòa phiếm, nắng tơ hồng
Nhớ đôi dòng tóc, chia đường gió
Cõi mình ta mù, như hư không.

Được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc “TA Ở TRỜI TÂY”

https://www.youtube.com/watch?v=Dw7gq0qieSM

 

CHỨNG TÍCH

 

I
Loài rêu trên đá
giọt lệ u buồn
thôi khóc xa nhau
mù khơi ngày tháng
nước mắt đêm sâu
năm ngón tay đâu
lùa mây tóc rối?
năm ngón tay đâu
che mặt tủi hờn?
cho anh cho em
quê hương khói lửa
chân bước đường dài
vết đạn hằn sâu
máu tô màu đất
mẹ khóc thương con
bên trời lửa đỏ
bên trời núi xanh
giữa đường con chết
mưa khóc tàn mùa
mưa qua thành phố
đèn thắp đêm thâu
như nước qua cầu
mù khơi ngày tháng
nước mắt đêm sâu

II
Loài rêu trên đá
chứng tích muôn năm
thôi hết cuộc đời
tuổi xanh mòn mỏi
tuoi trẻ đâu còn
sống thời chinh chiến
máu lửa hận thù
máu thành sông biển
còn ai, còn ai
nhân loại, loài người
thương nhau nổ súng
thương nhau mỉm cười
cho nhau hờn giận
cho nhau oán thù
nhân loại, loài người
còn ai, còn ai?

 

III
Loài rêu trên đá
ai biết thương ai
muôn dặm đường dài
tương lai mù mịt
giận mình trăm năm
cho nhau nước mắt
thôi thế cũng đành
u hoài bốn cõi
lửa đỏ phương trời
quê hương tủi nhục
nuôi giấc mộng đầy
thôi thế thà thôi

 

 

KHI YÊU EM

 

Thuở chim muông lạc đường xa xứ lạ
anh ngậm ngùi bỏ mất mấy quê hương
khi yêu em vết đạn xám chân tường
màu lửa đỏ cháy bùng đêm chạy giặc
những hờn căm suốt đời đau nét mặt
ruộng khô cằn vườn trống cỏ ra hoa
mây lang thang theo gió sống không nhà
anh cúi mặt những chiều xa nhớ lại
mắt em buồn không biết khóc thương ai
dòng sông xưa dòng sông còn trôi mãi
bến trăng đầy bến cũ khói sương bay
lúc yêu em mưa gió cuốn ngang mày
đời đau khổ những lần đi cách trở
khóc thương nhiều ai nỡ sớm quên ai
.
Như nước mắt như cuộc đời để lại
chốn quê nhà phương đó ta xa em
khi anh đi rừng khói núi êm đềm
màu lửa đỏ không cháy trời kỷ niệm
không cháy tình muôn thuở anh yêu em

 

BÀI PLEIME

 

Nước xanh con suối cạn nguồn
súng thơm mùi thép ta buồn với ta
ngó lên chiều khói xa nhà
vòng dây thép cuốn đâu là cõi vui
nhớ em ta nhớ ngậm ngùi
hương bay cỏ lạ đêm vùi gối chăn
đã quên thân xác nhọc nhằn
hố bom ven núi con trăng đứng nhìn

 

 

TRÊN VÙNG BẢN HÉT

 

Bản Hét ta chào mi đây nhé
chiều mưa che khuất núi đồi xa
chiều mưa ta đứng trên đầu gió
thương mình hơn những bóng mây qua

Bản Hét thương đời anh lính trẻ
quanh năm chờ phép về thăm nhà
quanh năm trấn thủ đời gian khổ
hầm đất nhìn quanh ta với ta

Bản Hét những ngày không pháo kích
trời im nghe gió thổi qua mau
rừng im nghe cánh chim xào xạc
đồn im tiếng súng bỗng dưng sầu

Bản Hét hành quân vùng Tam Biên
núi cao như dựng với sông liền
rừng xanh màu lá xanh da mặt
cơm sấy ăn sao nhớ mẹ hiền

Mẹ hiền phương đó con đầu núi
bưng biền chưa hết trọn đời trai
bưng biền đêm gối tay lên súng
bỗng thấy thương thân bỗng thở dài

 

LỬA ĐỎ MƯỜI NĂM

 

Tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
những đoạn đường xa mưa dầu nắng dãi
tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
những xóm làng xa không biết bao giờ còn đi trở lại
để khóc những chiều lửa ngụt trời cao
mẹ già ngồi im không nói câu nào
ngước mặt sầu in trên vầng trán nhỏ
khói chiều không lên mấy lần khốn khổ
khoai sắn trọn đời nhớ bát cơm vun
xới đất quê ta bằng lưỡi cuốc cùn
gặp mẹ chiều nao nhìn ra trước ngõ
tre xóm độ rày nhớ mỏ trâu xa
mưa lạnh chiều hôm mưa lạnh mái nhà
lũ trẻ làng bên bây giờ cơ cực
áo rách, thân gầy bới đất trồng rau
chợ họp đầu sông chợ họp cuối cầu
những sớm mù sương cày khu ruộng xấu
cúi đầu từng bước bâng khuâng...

Tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
trong thời chiến tranh mấy lần xuôi ngược
lửa đỏ đồng hoang người chết bên đường
máu thấm trên bờ ruộng đất quê hương
tháng giá mùa đông không còn áo mặc
lửa hồng đốt ấm từng đêm...
con khóc chờ ru giọng hát êm đềm
mẹ khóc thương con đói khô bầu sữa
lúa mùa gặt chẳng nhiều thêm
tôi đã đi qua bao nhiêu xóm làng
câu chuyện mười năm buồn như cắt ruột
lửa ngày xưa cháy quê hương

 

LÀM THƠ TRÊN NÚI

 

Làm thơ chiều trên núi
Gió lạnh cùng sương mù
Bụi đường vương áo đỏ
Rừng xanh và tóc xanh
Bếp nhà ai khói trắng
Thác nước đổ sau gành
Đá mòn như tuổi trẻ
Mười năm còn chiến tranh
Mười năm xa phố chợ
Mười năm không thị thành
Mười năm còn ở lính
Chiến trận xa lửa mù
Lên cao cùng trời đất
Ngước mặt trông mây chiều
Cúi xuống nhìn vực thẳm
Đã già đi bao nhiêu
Tháng ngày như lá đổ
Bè bạn quên cũng nhiều
Có đứa giờ xa cách
Có đứa yên mộ phần
Chân mòn in lối cỏ
Kẻ lạ làm người thân
Bốn phương là quán trọ
Gối đất quên hồng trần
Một mai đời trôi nổi
Thân phận mình xót thương
Thân phận mình ai biết
Đêm giấu mặt cười thầm
Nụ cười hoen nước mắt
Cuộc đời ta lặng câm
Như cây khô đầu núi.

 

 

ĐƯỜNG ĐI BIÊN GIỚI

 

Mai ra biên giới rừng xanh lá
Đứng chỏm núi cao nhìn mây bay
Xa nhà ngất ngưởng dăm hơi thuốc
Chiều xế hoàng hôn lạnh phủ đầy

Đường đi ngun ngút sương mù khuất
Vút đỉnh trời xa rừng núi xa
Gió hú đồi cây chân đá dựng
Ghềnh nghiêng thác đổ nỗi thương nhà

Thương nhà ta uống vơi bầu rượu
Nhớ bạn đành quên ngửa mặt cười
Đất đỏ bụi hồng thân gió cát
Mai về quê cũ biết còn ai?

Còn ai chinh chiến vui cùng lửa
Súng ngó trời xanh mắt ngó rừng
Đêm đốt đèn soi mình với bóng
Phương trời em đó có rưng rưng?

 

GỬI MẸ MÙA XUÂN

 

Tết này chắc con thôi leo núi
Đêm ngủ rừng thôi ngó trời xanh
Sớm mai qua núi tay kiềm súng
Đã xa xôi như thế cũng đành

Tết này ngưng chiến lo đồn trại
Đêm gác chòi cao nhìn núi cao
Lửng lơ dăm bóng đèn soi sáng
Mưa dưới đồi xa khuất chiến hào

Chiến hào đêm lạnh run cơn gió
Lá động cành trơ và khói sương
Co ro trong áo tay ghì súng
Lửa ngút trời xa bãi chiến trường

Tết này thêm chút tiền lương lính
Có dăm trăm bạc gửi quê nhà
Mẹ mua thêm gạo ăn qua Tết
Con ở rừng cam khổ cũng qua

Con ở rừng ăn Tết cá khô
Có cơm gạo sấy kiếp sông hồ
Khi vui chung bạn dăm chai đế
Khi chết nằm yên dưới nấm mồ

Tết này Tết nữa chưa yên giặc
Chắc mai chắc mốt có hòa bình
Con nghe nói thế con tin thế
Phương này như cũ vẫn phiêu linh.

 

KIM TUẤN (1938-2003)

 

 

.