NGUYỄN THỤY ĐAN

tạp-cảm

về văn-chương Trần Hoài-Thư   


 

Một trong những đặc-trưng thú-vị nhất của xã-hội đương-đại, có lẽ là sự có mặt đồng-thời của những chủ-trương mâu-thuẫn, không những về bối-cảnh ra đời, nhưng còn về ý-chỉ căn-bản. Lâu nay, những nhà phê-bình “sành điệu” của văn-đàn hải-ngoại vẫn truyền-giảng lý-thuyết của Barthes về “cái chết của tác-giả;” song về mặt giao-tế xã-hội, khi chạm đến chính-trị hay những vấn-đề thời-thượng khác, họ càng ngày càng mắc phải những biểu-hiện tiết-lộ tinh-thần cực-đoan của văn-hóa thủ-tiêu (cancel culture), sẵn sàng bác bỏ toàn-diện giá-trị của một tác-giả chỉ vì những lỗi lầm vốn thuộc phạm-vi “cá-nhân.” Cái nhìn phê-phán của con mắt lãnh-nhãn chỉ có thể duy-trì trong những trường-hợp vô-thưởng vô-phạt, không thật-sự tương-quan gì đến thế-cuộc xung quanh, lại chẳng bao-hàm bất cứ một mối rủi ro gì cho địa-vị hay thanh-danh xã-hội của người cầm bút. Tác-giả không những chưa chết, mà hãy còn sừng sững hơn bao giờ. Một cách gián-tiếp, hậu-quả của văn-hóa thủ-tiêu là sự thống-nhất của những nhân-tố vốn dĩ đã bị đủ thứ chủ-nghĩa hiện-đại và hậu-hiện-đại ra sức phân-cách. Khả-năng-tính của văn-hóa thủ-tiêu buộc phải căn-cứ trên một chủ-trương mặc-nhận về tính-chất bất-khả-phân-ly giữa tác-giả và tác-phẩm. Lạ lùng thay, tình-huống điên-đảo này đã cho phép (và thử thách) chúng ta tìm những cách tách rời tác-giả khỏi tác-phẩm mà không nhất-thiết phải phục-tùng những lý-thuyết bất-cận nhân-tình của học-phiệt tân-trào.

 

          Con người Trần Quí-Sách và tác-giả Trần Hoài-Thư, từ phương-diện phê-bình, là hai đối-tượng khác nhau. Khen chê một bên vì những lẽ thuộc về bên còn lại, ấy là sự mê lầm. Khi nhận được hung-tín về cái chết của Trần Quí-Sách, tôi đã tâm-niệm rằng nhất-định phải viết về ông, người ngoài đời tôi vẫn gọi là bác Thư. Song từ cương-vị kẻ hậu-bối, lại là người có ít nhiều nhân-duyên ly-kỳ với bác Thư, để viết về con người Trần Quí-Sách ở thời-điểm này có nhiều sự bất-tiện, lại có nhiều khả-năng bị hiểu sai. Việc đó, có lẽ phải để dành cho một ngày khác, thậm-chí nên hướng đến một thế-hệ độc-giả khác. Ở đây, tôi chỉ mong khởi-thảo vài ý-tưởng sơ sài về tác-giả Trần Hoài-Thư, lâu nay vẫn thường cân nhắc, nhưng đã trở nên cụ-thể hơn sau khi nhìn lại sự-nghiệp của Trần Hoài-Thư bằng cái nhìn hồi-cố.

 

***

         

          Ở Trần Hoài-Thư dường như luôn thấp thoáng một cuộc xung-đột giữa hai công cuộc biên-tập và sáng-tác. Đương-nhiên, công-trình sưu-tầm và phổ-biến thơ văn miền Nam chỉ diễn ra trong những thập-niên cuối của cuộc đời ông. Bên cạnh việc biên-soạn các tập Thơ Miền NamVăn Miền Nam, Trần Hoài-Thư vẫn liên-tục sáng-tác không ngừng nghỉ. Đấy là còn chưa kể vấn-đề nên sắp xếp Thư Quán Bản Thảo vào đâu ở giữa sáng-tác và biên-tập. Có lẽ trở-ngại đầu tiên khi tiếp-cận Trần Hoài-Thư là tính đồ sộ (và nhiều lúc thiếu hệ-thống) của chỉnh-thể sự-nghiệp văn-chương ông ta. Cứ ngu-ý, sáng-tác của Trần Hoài-Thư chưa được phê-bình tương-xứng với tầm cỡ của những trường-hợp nổi bật nhất trong rừng tác-phẩm của ông.

 

Thực-tiễn sáng-tác của Trần Hoài-Thư dường như không được củng-cố bởi một nền tảng lý-luận cụ-thể. Sự viết của ông luôn luôn gắn liền với những vai trò như người lính (hay người chồng) nhiều lúc được miêu-tả như thể mang yếu-tính tương-hiềm với văn-chương. Bản-thân sự tồn-tại của tác-phẩm được trình bày như chứng-cứ của một nỗ-lực phi-thường đi ngược với vận-mệnh. Sự thật là không ít tác-phẩm của Trần Hoài-Thư đã được sinh ra trong những hoàn-cảnh hết sức hãi hùng và trớ trêu, có lẽ vì thế cho nên tính-chất “nghệ-thuật” trau chuốt nơi cái viết của ông đã chịu sự mất mát đáng kể. Lối viết này của Trần Hoài-Thư không thể-hiện khuynh-hướng bác-học và tiêm-xảo của các nhóm tác-giả “đô-thị” đương-thời. Kể cả trong những đoạn tự-sự và trữ-tình viết khéo nhất, hầu như luôn có tỳ vết: điển-cố dùng sai, chữ nghĩa không đều, vần điệu võ-đoán. Hơn nữa, về mặt chủ-đề, toàn-bộ sáng-tác của Trần Hoài-Thư, dù thuộc về giai-đoạn nào, dường như chỉ là biến-tấu của một vài chủ-đề hạn-chế, thậm-chí có thể tóm tắt vào một tiết-nhạc chủ-đạo duy-nhất là “đời lính.” Tính-chất đơn-điệu này (về nội-dung lẫn bút-pháp), là trở-ngại tiếp theo khi tiếp-cận sáng-tác của Trần Hoài-Thư. Điều này không những là thử thách cho độc-giả, song còn có nguy-cơ trở thành một bất-hạnh lớn cho sự-nghiệp văn-chương của Trần Hoài-Thư, khiến cho người ta cho rằng sự viết của ông chỉ có tầng ấy mà thôi. Bởi chưng chen vào giữa những đoạn văn quá ư hốt-lược về mặt ý-tứ là những khoảnh-khắc văn-tâm sáng rỡ, đôi khi đạt đến tuyệt-đỉnh trữ-tình. Điều này có thể-nghiệm trong truyện ngắn và tản-văn của Trần Hoài-Thư hơn là trong văn vần.

 

***

 

Thơ của Trần Hoài-Thư nằm ở một vị-trí lơ lửng ở giữa tản-văn và các công-trình sưu-tập của ông. Điều này có vẻ nghịch-lý, vì dù gì văn xuôi của Trần Hoài-Thư nổi bật nhất trong giai-đoạn trước năm 1975, trong khi đó, sáng-tác thơ của ông vẫn xuất-bản đồng đều suốt những thập-niên sau này. Tuy-nhiên, có một điều hầu như ai ai cũng thừa-nhận (dù ít dám nói thành lời) là thơ Trần Hoài-Thư không phải thơ thượng-thừa. Tuy-nhiên, cái dở của một nhà thơ, thường không mang tính cá-nhân. Chúng ta có thể nhìn vào nó để chẩn-đoán bệnh-lý của một thế-hệ cầm bút. Chỗ kém trong thơ của Trần Hoài-Thư mang tính thời-đại. Trong đó, rõ rệt nhất là khuynh-hướng tuyên-giáo về lý-tưởng “nhân-bản” như thể đấy là một đức-tính đặc-thù của nhân-vật “lính miền Nam.” Đương-nhiên, lý-tưởng này vẫn khá hơn một lý-tưởng hiếu-chiến đẫm máu, song chung-quy nó vẫn không thoát được điệu bộ vu-khoát của một thứ tuyên-truyền cảm-tính. Quá-bán thi-phẩm của Trần Hoài-Thư viết về chủ-đề chiến-tranh, kể cả những sáng-tác ở hải-ngoại. Song, điều thú-vị là khuynh-hướng “giảng đạo” này dường như là chủ-điệu của những bài thơ viết sau này, chứ chẳng phải toàn-bộ thi-pháp của Trần Hoài-Thư đã được xây cất trên nền của một chủ-trương giáo-điều an-bài sẵn. Ngược lại, trong những đoạn thơ hay nhất của Trần Hoài-Thư, một thứ gì đó phảng-phát tính “nhân-bản” lại được tạo nên bởi những nét bút lãnh-đạm đến vô-tình:

 

         

Cám ơn những nàng má phấn môi son

Yêu ta vội vàng trước khi tiếp Mỹ

(Ta lính miền Nam)

 

Đời sống “lính miền Nam” bị lột trần toàn-diện, chỉ còn phơi bày ra những khoảnh-khắc đê-nhục và tồi-tàn nhất của một nam-giới đã chịu tước-đoạt chủ-quyền tính-dục đối với phụ-nữ đồng-loại. Thậm-chí, nam-giới ấy đã mất đi kiểm-soát đối với chính cơ-thể mình: 

 

Một tháng không thấy gái

Tối nằm mơ xuất tinh

Ai dạy đạo đức kinh

Xin mời lên giảng đạo

(Lính rừng)

 

Đặt trong bối-cảnh này, những cảnh trêu chọc vu vơ không thuần-túy là thơ thẩn linh-tinh, song có thể xem như một tỵ-địa trữ-tình, tạm cho phép tác-giả trú-ẩn trong một cảnh-giới còn hơi hướm những truyền-thống tưởng-tượng. Bút-pháp trong các bài này thường có âm-hưởng nôm na của những hình-thức ca vè bình-dân:

 

Trưa dừng quân thị trấn

Lính hối hả xuống xe

Ghé cô hàng cà phê

Nhìn em cho đỡ nhớ

Xin em cà phê sữa

Em còn sữa không em

Lính chọc, cười huyên thuyên

Cô hàng ngơ ngẩn. Tội

(Dừng quân thị trấn)

 

Song trong những bài thơ hay nhất, những nhân-vật “cô hàng” vô-danh kia chỉ thấp thoáng trong bối-cảnh, như một cái cớ để dẫn vào những cảm-khái về nhân-sinh không còn giới-hạn trong những khát-vọng tình yêu trai gái:

 

Chưa ba mươi sao già quá đỗi

Nửa đời người hay một trăm năm

(Si dại)

 

Tính-chất “phổ-quát” của giọng trữ-tình này, đôi khi cũng xuất-hiện trong những bài thơ miêu-tả về trận mạc chinh-chiến. Khi thoát được khỏi thói quen lý-tưởng-hóa người lính, thơ Trần Hoài-Thư lại lột tả được những khía cạnh kinh-khủng của chiến-trường, không còn một dấu vết “nhân-bản” nào để cứu-vãn chân-diện-mục hãi hùng của chiến-tranh:

 

Chúng tôi đợi, từng giờ như thế kỷ

Hỏa châu vàng òa vỡ cả màn đêm

Ngọn cứu rỗi, nơi này không Phật Chúa

Chỉ ánh sáng lòa, thảng thốt, mông mênh

(Bóng tối)

 

Sự giáng-cấp triệt-để của toàn-bộ những giá-trị, kể cả những niềm tin thiêng liêng nhất, làm nên dáng vẻ uy-nghiêm của con người, đương-nhiên không phải là thi-liệu đặc-quyền của thơ tiền-tuyến. Song, việc đối mặt với sự hủy-diệt vô-lý chỉ thấy được nhãn-tiền ở nơi chiến-khu, là lợi-thế đáng lẽ ra Trần Hoài-Thư đã có thể khai-thác để hình-thành một thi-pháp hiện-sinh thực-nghiệm, đối-lập với thi-pháp hiện-sinh triết-lý của văn-đàn Saigon đương-thời. Tiềm-năng này có thể thấy rõ trong những đoạn thơ thưa nét đến mức tất cả những thủ-pháp thông-dụng của thơ trữ-tình bị giản-lược đi, chỉ còn giọng tự-sự kinh-hoàng bởi chính sự mộc mạc của nó:

 

Ở một nơi của thành phố này

Máu của người lính đã đổ

đã khô,

Và sẽ phai đi dấu vết

và sẽ bị lãng quên

(Niềm tự hào buồn bã)

 

Nếu đã có thể duy-trì bút-pháp nghiêm ngặt này, bài thơ này và nhiều bài thơ khác của Trần Hoài-Thư đã có thể đạt tới đỉnh cao của mỹ-học bi-tráng. Đáng tiếc, điều này không xảy ra. Những câu mở bài tuyệt vời kia, lại dẫn vào một loạt những trăn trở lan-man, có thể tạm chấp-nhận trong bối-cảnh của một đoạn tản-văn mùi mẫn, nhưng đặt trong một bài thơ ngắn thì gượng gạo đến mức làm hỏng toàn-bộ tác-phẩm. Bóng ma của một thứ lãng-mạn chủ-nghĩa mạt-hạng là tội-nhân giết chết bao nhiêu là nhà thơ Việt-Nam.

 

          Có lẽ đây mới là trọng-tâm của vấn-đề. Thơ của Trần Hoài-Thư không đem lại cho người đọc cảm-giác về một thi-pháp cụ-thể. Hiện-sinh không ra hiện-sinh, lãng-mạn không ra lãng-mạn. Đặc-biệt trong các tác-phẩm viết trước 1975, sự viết của Trần Hoài-Thư dường như không phân-biệt rõ giữa thơ và tản-văn: thơ của ông trong giai-đoạn này như thể nảy sinh từ những văn-tứ phì-nhiêu vốn đã dành cho tiểu-phẩm văn xuôi. Tác-phẩm thơ và văn xuôi bổ-sung lẫn nhau, nhưng tính cộng-sinh này đã cản-trở sự phát-triển của một giọng thơ đủ kỳ-công để độc-lập trong một môi-trường không còn sự trợ-lực của tản-văn và phong-độ thần-thoại của con người tác-giả. Phải chăng đây là một trong những nguyên-nhân vì sao thơ hải-ngoại của Trần Hoài-Thư gần như chia đều giữa hai khuynh-hướng: một là viết tới viết lui về thời chiến quá-vãng, một là càng ngày càng viết về những chuyện cá-nhân thường-nhật, như một dạng nhật-ký công-cộng hơn là văn-học nghiêm-túc. Cả hai khuynh-hướng tuy có vẻ tương-phản, nhưng chung-quy có thể xem như những biện-pháp nhằm xử-lý cùng một vấn-đề: lấy đâu ra thi-liệu để duy-trì sự sáng-tác, trong khi những bối-cảnh và nguồn cảm-hứng một thời đắc-lực cho thi-ca đã không còn? Thơ hải-ngoại của Trần Hoài-Thư không phải không có bài cố gắng vươn tới sự đối mặt với cuộc sống thực-tế, song về mặt thi-pháp, sự gặp gỡ này chưa được đồng đều. Dẫu vậy, đôi khi Trần Hoài-Thư vẫn thể-hiện được trực-giác trữ-tình đúng hướng, dù chưa được đẩy tới hết tiềm-năng:

 

Sân nhà ta cỏ mọc hoang vu

Những gốc dại cứ kiên trì bám đất

Như nỗi nhớ cứ bám vào trí óc

Muốn nhổ hoài càng nhảy ngọn xanh um

(Gốc nhớ)

 

Những khổ thơ thế này tuy chưa lấy gì làm tuyệt-bút, nhưng cũng đủ chất-liệu để làm một phần của một bài thơ công-phu. Hình-ảnh của sân vườn, nếu vận-dụng khéo có thể nhấn mạnh tính-chất cô-độc và xa lạ của môi-trường dân-cư ngoại ô chỉ có ở Mỹ. Nếu phát-triển theo hướng này, thì những hình-ảnh tưởng đã quen thuộc sẽ được tái-tạo để mang dáng vẻ dị-hóa. Trong một số bài lục-bát, điều này cộng với việc sử-dụng từ-vựng cổ-điển đã phác-họa được những khoảnh-khắc đặc-thù hải-ngoại:

 

Ở đâu cũng vẫn đất trời

Cũng rừng cô tịch cũng đồi tà dương

(Nhưng sao…)

 

Chữ “cũng” ở đây thể-hiện một sự nghịch-lý: sự tái-ngộ liên-tục với những cảnh-vật quen thuộc, đồng-thời là những cảnh-vật nằm ngoài phạm-vi của xã-hội loài người, tức là những cảnh-vật về bản-nghĩa không thể “quen thuộc.” Để thâm-nhập cảnh-giới mâu-thuẫn ấy, buộc phải dùng đến ngôn-ngữ cổ-điển. Cánh rừng cô-tịch, đồi núi tà-dương. Những hình-ảnh gợi nhớ không-khí thâm-trầm trong thơ quốc-âm, thậm-chí là sắc-phổ ảm-đạm của Đường-thi. Song tà-dương của Trần Hoài-Thư ở New Jersey không đồng-nhất với “bóng tà tà dương” của Tản-Đà. Tà-dương của Trần Hoài-Thư không mang hàm-nghĩa thương-kim cảm-cựu. Nó tồn-tại ở ngoài giới-hạn của một điển-phạm văn-chương cụ-thể, nhưng sự duy-trì của những gợi ý từ-nguyên lại cho phép độc-giả ngoạn-vị những mối liên-lạc tiềm-năng.

 

          Cám dỗ tái-tạo tác-giả theo hình-ảnh của bản-thân mình là một nguy-cơ người phê-bình luôn phải cảnh-giác. Hàng loạt những “phải chi” ở trên, liệu có phải biểu-hiện của tham-vọng đó chăng? Tôi cho là không. Trong thi-phẩm hải-ngoại của Trần Hoài-Thư mới có những bài chắc chắn không thể xuất-hiện ở bất kỳ một giai-đoạn khác. Những bài như vậy khải-thị những phương trời mới đã thoát-thân khỏi cựu-sáo:

 

Đi về biết chở gì theo

Chở theo vạt nắng bên đèo vào xe

(Đi về)

 

Ở trên tôi có nói rằng thơ Trần Hoài-Thư không phải thơ thượng-thừa. Nhưng bài này có lẽ cũng phải khiến tôi lăn tăn về nhận-định đó. Hai câu lục-bát, chữ nghĩa tầm-thường mà vô-hạn cảm-khái. Có phải vì tôi biết thêm về bối-cảnh ra đời của bài thơ này cho nên tôi mới ngẫm nghĩ làm vậy chăng? Nghĩ đến cảnh vợ chồng Trần Hoài-Thư từ đại-học Cornell lái xe về New Jersey, trong xe chất đầy sách, báo, tạp-chí miền Nam, hai câu thơ ấy trở nên thương-cảm làm sao. Chỉ hai câu thơ bâng quơ, mà nói lên bao nhiêu điều vượt sức những tuyên-ngôn đạo-mạo, những ta-thán cảm-tính. Khả-năng của thơ Trần Hoài-Thư để siêu-việt chính thơ Trần Hoài-Thư mới là điều khiến tôi ngậm ngùi: phải chi điều đó đã xảy ra thường-xuyên và triệt-để hơn.

 

***

 

          Sự-nghiệp sưu-tập và tái-bản văn-chương miền Nam của Trần Hoài-Thư vừa là điều ai ai cũng biết về ông, vừa là điều ít người thật-sự am-tường và suy gẫm cho nên. Thông-thường, người ta truyền nhau những giai-thoại về việc ông ta sưu-tầm sách vở từ thư-viện Kroch ở đại-học Cornell, tự chế-bản và in sách ở tư-gia, rồi gửi khắp tứ-phương thiên-hạ. Một cách xứng-đáng, Trần Hoài-Thư được xem như người có công lớn trong việc khôi-phục và phổ-biến văn-chương miền Nam cho độc-chúng sau thời chiến. Câu chuyện đó dù có vĩ-đại mấy, song cũng chưa đi vào trọng-tâm vấn-đề văn-chương miền Nam. Ngày nay điều này càng phải thận-tư minh-biện vì văn-chương và “di-sản” miền Nam đã trở thành một luyến-vật thời-thượng không còn nói lên điều gì cụ-thể.

 

          Thiên-kiến của Trần Hoài-Thư về văn-chương miền Nam là điều ông ta không bao giờ giấu giếm hay cố gắng điều-chỉnh cho bớt cường-điệu. Song cũng như bút-pháp của ông ta, thiên-kiến ấy cũng thiếu tính hệ-thống. Nó là một dạng trực-cảm hơn là chủ-nghĩa. Vạn-ngữ thiên-ngôn có thể tóm tắt lại là khuynh-hướng lấy văn-học đô-thị Saigon (cụ-thể là nhóm Sáng Tạo) làm tiêu-biểu cho toàn-bộ văn-chương miền Nam là một điều sai lầm, không thể-hiện được tất cả sự đa-dạng của văn-đàn đương thời. Chủ-trương này là sự thật hiển-nhiên, không có gì là cực-đoan cả. Có thể Trần Hoài-Thư đã trình bày ý-tưởng đó một cách gay gắt hơn, nhưng về cơ-bản thì quan-điểm ông không đi sâu hơn mấy.

 

 Khoan nói đến sự phải quấy, chúng ta nên hỏi về lợi-bệnh của một chủ-trương như vậy đối với việc sưu-tập văn-chương. Trần Hoài-Thư không phải là người chủ-biên có tham-vọng định-nghĩa điển-phạm văn-chương miền Nam thời chiến. Tôi nghĩ điều này là tương-đối dễ hiểu, vì tham-vọng đó chỉ xuất-hiện ở nơi những người đủ căn-cơ học-thuật để trầm-tư về điển-phạm. Tôi không dám khẳng-định rằng lập-trường hoài-nghi giá-trị và tính tiêu-biểu của văn-chương “đô-thị” là thiên-kiến duy-nhất chi-phối các lựa chọn biên-tập của Trần Hoài-Thư. Song kể cả thiên-kiến đó (nếu có) trong các tuyển-tập thơ miền Nam cũng không được thể-hiện rõ nét. Ngược lại, dường như lòng bất-mãn của ông đã khiến ông làm ngược với khuynh-hướng hẹp hòi ấy. Thay vì loại-trừ văn-chương đô-thị ra khỏi tuyển-tập văn-chương miền Nam, Trần Hoài-Thư đã đặt nó vào bối-cảnh của những phong-trào và chủ-trương sáng-tác cùng thời. Nhìn vào bức tranh tổng-quan ấy, quả thật vị-trí trung-tâm của văn-chương đô-thị không còn chắc chắn như người ta đã nghĩ khi tách nó ra khỏi bối-cảnh chung. Thơ Phạm Ngọc-Lư có hay hơn thơ Thanh-Tâm-Tuyền chăng? Câu hỏi kiểu vậy ở thời-điểm này là vô-ích. Điều quan-trọng là bản-thân sự tồn-tại của thơ Phạm Ngọc-Lư (và vô-số thi-phẩm của những tác-giả khác) đã được Trần Hoài-Thư khôi-phục và đặt bên cạnh thơ Thanh-Tâm-Tuyền. Chúng ta không thể nói về tính tiêu-biểu khi nền tảng dữ-liệu còn quá hạn-chế. Sự hay dở của một tác-phẩm cũng khó nói khi chưa bên cạnh nó là những tác-phẩm nào. Trần Hoài-Thư đã thành-công trong việc vạch trần sự hạn-chế của những góc nhìn trước đây về văn-chương miền Nam. Riêng điều này đã là đáng kể đối với một công-trình sưu-tập.

 

Quan-hệ giữa Trần Hoài-Thư và giới hàn-lâm là một câu chuyện đầy mâu-thuẫn. Trần Hoài-Thư không xuất-thân trong học-giới mà thậm-chí lại thích nhấn mạnh bản-chất dân dã và đời thường của mình. Ông tự xem thơ văn của mình như một tuyên-ngôn chống lại thái-độ kiêu-căng của tháp ngà và giới trung-lưu đô-thị. Nhưng rốt cuộc, trong các tác-giả tỵ-nạn, dường như Trần Hoài-Thư lại là nhân-vật vãng-lai nhiều nhất với hệ-thống đại-học ở Mỹ để khai-thác lưu-trữ. Đương-nhiên, ban đầu Trần Hoài-Thư chỉ làm như vậy với tư-cách là dân thường, chứ không có đặc-quyền của học-vị gì cả. Cho đến cuối đời, Trần Hoài-Thư vẫn không phải là nhà “nghiên-cứu” đúng nghĩa. Điều này có thể thấy rõ trong cách biên-soạn các tuyển-tập văn-chương miền Nam, trong đó thiếu gần như tất cả những thông tin đáng lẽ phải ghi chi-tiết để thuận-tiện tra-cứu. Nhưng nội việc biết tìm đến lưu-trữ cũng cho thấy một ý-thức về thư-tịch hiếm thấy ở văn-đàn hải-ngoại. Ý-thức này cũng được thể-hiện trong công-trình tạp-chí Thư Quán Bản Thảo. Nói đơn-giản, ý-thức này là ý-thức về vai trò và sự quan-trọng của vật-thể trong việc hình-thành và duy-trì một cộng-đồng văn-chương. Tính vật-thể của sách giấy là vấn-đề cũng không ai nghĩ ra khi Thư Quán Bản Thảo mới ra đời. Càng về sau, khi văn-đàn hải-ngoại lần lượt đổ bộ mạng xã-hội như một diễn-đàn văn-chương nhanh gọn lẹ, ý-nghĩa và vai trò của thư-tịch không còn hiển-nhiên như trước. Bản-thân việc xuất-bản cũng bị tái-định-nghĩa khi hiện-tượng tự-xuất-bản được phổ-biến ở Mỹ. Tôi không cho rằng Trần Hoài-Thư đã hoàn-toàn ý-thức hay quan-tâm đến những hiện-tượng này. Công cuộc làm sách của ông diễn ra như một nỗ-lực cá-nhân, không có nhu-cầu can-thiệp rộng hơn một giới độc-chúng tương-đối hẹp. Có khi vì vậy cho nên Thư Quán Bản Thảo mới là một trường-hợp đáng để tìm tòi và suy gẫm kỹ hơn khi nói về vai trò của sách giấy như một vật-chứng của thực-tiễn văn-chương.

 

***

 

          Tôi nghĩ là đối với một tác-giả như Trần Hoài-Thư, thời-điểm đã chín muồi để nghiên-cứu và thảo-luận một cách nghiêm-túc và gồm đủ phương-pháp học-thuật đương-đại. Tìm được một tác-giả hải-ngoại đủ tầm cỡ để làm đối-tượng nghiên-cứu không phải chuyện dễ. Vấn-đề chính không phải là tài-hoa hay số-lượng tác-phẩm. Ngoài những thứ ấy ra, cần phải có một “câu chuyện” gì đó, những tương-quan đến những vấn-đề lớn hơn văn-chương, lớn hơn văn-đàn hải-ngoại. Trần Hoài-Thư có đầy đủ những yếu-tố đấy. Nhưng để nhận ra điều này, cần phải lọc bớt những thần-thoại lãng-mạn-hóa lẫn lộn giữa con người Trần Quí-Sách và tác-giả Trần Hoài-Thư.

 

Nguyễn-Thụy-Đan

15.11.2024