LÊ LẠC GIAO

Vết Chàm

truyện ngắn

 

Khi Hoài gặp Cát Tường anh đã sáu mươi bốn tuổi. Con người cô đầy nét gợi cảm. Nhưng nhìn tổng quát, khuôn mặt Cát Tường khá bình thường cùng những ưu điểm tương đối của người đàn bà. Mắt to, lông mày dày nhưng mảnh mai. Gò má vừa phải, mũi nhọn cao với hai cánh mũi nở. Miệng rộng, đôi môi dày hấp dẫn. Tất cả những chi tiết ấy phân bố trên một khuôn mặt tròn hơi dài với chiếc cằm thon thả cùng một bộ tóc ngắn vừa phải úp gọn vào gáy. Tuy Cát Tường được ngọi khen là một cô gái lịch lãm nhưng dưới mắt Hoài, cô không có ưu điểm gì ngoài đúng sở thích thẩm mỹ của anh về một khuôn mặt phụ nữ mà anh tìm kiếm đã hơn năm năm qua, sau khi ly dị người vợ thứ hai. Tuy nhiên, Hoài cho là đã quá muộn khi biết rằng Cát Tường năm này ba mươi chín tuổi, có nghĩa chênh lệch với anh hai mươi lăm năm.

Ngay từ thời thanh niên, Hoài đã có quan niệm thẩm mỹ trong tình yêu dựa trên những qui tắc có tính cổ điển đông phương, nhưng anh cho là những qui ước này không hề thay đổi theo thời gian. Có nghĩa có thứ vẻ đẹp của người phụ nữ như là mặt trái của chính mình. Do đó gặp nhau có sức thu hút và tình yêu nẩy sinh cũng là thứ kết quả tất yếu. Còn việc bền chặt trong tình yêu lại tùy thuộc vào khả năng duy trì của cả hai bên. Nhưng tương đối hai người có thể sống với nhau suốt đời. Người xưa quan niệm duyên nợ cũng là một cách diễn tả quan điểm thẩm mỹ này trong tình yêu của anh.

Hôm ấy Cát Tường mặt chiếc áo t shirt cổ rộng. Lúc cô quay lưng về phía Hoài, anh thấy phía trên lưng cô, phần dưới cổ có xâm hình một con giao long màu đỏ rất sinh động. Con giao long đang vươn cao chiếc cổ về phía trái, nhưng đáng tiếc người xâm chỉ xử dụng một màu đỏ mà trên làn da rám nắng của Cát Tường, con rồng biển không được nổi bật! Hoài ngẫm nghĩ, năm nghìn năm trước Cát Tường sinh sống trên mảnh đất đầm lầy nhiệt đới với con giao long của mình trên lưng. Có thể lúc bấy giờ con giao long to lớn, bao trùm cả thân thể nàng. Và nàng trần truồng hoặc chỉ đóng một chiếc khố bằng lá chuối khô, đeo một con dao bằng đồng thô lặn sâu xuống lưu vực sông Hồng tìm ngọc trai, hay bắt những con ốc xà cừ to như chiếc thúng. Cát Tường phải chiến đấu với thuồng luồng, giao long để sống còn. Trong bộ lạc ai sống nhờ vào cá tôm, ngọc trai, xà cừ đều xâm mình để đánh lừa những con thú dữ dưới đầm lầy, sông, biển rằng mình là đồng loại với chúng nó. Cát Tường ngày hôm nay là hậu duệ của Cát Tường ngày xưa, là tổ tiên của nàng và Hoài.

Ba năm trước Hoài đã chiêm ngưỡng một đóa hoa hồng đỏ tươi to như bàn tay, xâm giữa thắt lưng sau trên đôi mông của Hiền, người con gái anh quen trong một tiệc sinh nhật của người bạn Mỹ. Khi Hiền trở thành người yêu, có lần làm tình với nhau, Hoài hai tay vòng sau lưng ôm eo lưng nàng nói, “anh đang ôm một đóa hoa hồng!” Hiền lúc bấy giờ gỡ tay anh ra rồi quay lưng về phía anh bảo, “không phải chỉ đóa hoa, anh nhìn lại đi!” Hoài cúi xuống nhìn chăm chú mới khám phá ra đóa hồng là một con rắn nằm khoanh tròn được xâm rất khéo léo. Anh chép miệng, “…là một con rắn và nó có thể làm anh mất hứng vì sợ.” Hiền cười, “anh thật lạ, người đàn bà nào cũng là một con rắn và một đóa hoa. Cả hai đều làm đàn ông kích thích kia mà!” Lúc ấy Hoài gật đầu nhớ đến những điệu vũ khỏa thân trên thế giới thường có con rắn quấn chung quanh bụng người đàn bà. Con giao long xâm trên lưng của Cát Tường hôm ấy làm Hoài nhớ đến đóa hoa hồng trên thắt lưng của Hiền. Phải chăng hình xâm một góc cạnh nào đó gia tăng nét đặc thù của phụ nữ nếu không muốn nói hấp dẫn, quyến rũ, bí hiểm hơn nữa?

Tuy Cát Tường là mẫu phụ nữ mà Hoài thích nhưng không như những thập niên trước, anh không có ý định làm quen với nàng. Anh mất đi hứng khởi săn đuổi phụ nữ của những năm xưa. Ngày hôm nay anh mỏi mệt cả trong nền nếp suy nghĩ. Buổi trưa về nhà ngồi ở phòng khách nhìn ra sân, Hoài tự nhủ, “ta già rồi!” rồi anh nhớ những vần thơ, ý niệm nghệ thuật bất chợt khi hình dung khuôn mặt Cát Tường.  Hoài rõ mình chỉ muốn nhìn ngắm phụ nữ, hoàn toàn mất đi ý tưởng làm quen để có thể có tình cảm với họ. Trân là bạn thân của Hoài quen biết Cát Tường vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh từ chối khi Trân tỏ ý định giới thiệu.

          “Mày đang cô đơn, Cát Tường cũng thế. Cô ta đã ly dị một năm rồi!”

Không thấy Hoài ý kiến, Trân nói tiếp giọng thiết tha:

“Mày thường uống rượu giải buồn, tao thấy thật đáng thương! Mày cần có một phụ nữ bên cạnh làm bạn hoặc người yêu để chia xẻ những năm tháng cuối cùng chứ? Vài năm nữa muốn làm bạn với ai, tao thấy khó vì tụi mình lười và lúc ấy không ai muốn làm bạn với chúng ta nữa!”

Hoài cười nghe bạn nói. Anh rõ Trân không hiểu anh. Thêm nữa những người bạn muốn chia xẻ, đóng góp với anh chút ý nghĩa cuộc đời thường có đôi có cặp, không cô độc như anh. Họ thương hại anh dù anh từng chứng tỏ cho họ biết anh thực sự không cô đơn như họ tưởng. Tuy nhiên không thể phủ nhận thiện chí của bạn bè, những người dù ít nhiều quan tâm đến anh.

Buổi sáng hôm nay Hoài đi uống café rất muộn vì cơn say đêm trước còn làm anh ngầy ngật. Nếu không nghĩ đến cái hẹn với Trân, anh sẽ ì trên giường đến trưa. Quán café vắng ngắt, Trân đang ngồi đọc báo và hút thuốc lá. Hai người ngồi chiếc bàn nhìn ra đường qua những khung sắt hoa văn màu trắng. Hoài gọi một ly café sữa nóng rồi nhìn Trân. Nó vẫn tiếp tục đọc báo. Hôm nay chủ nhật sao vắng thế này? Hoài hỏi bâng quơ, Trân không trả lời vẫn chúi đầu vào tờ nhật báo. Nắng lên cao và cái nóng dường như bắt đầu tràn vào quán. Bản Across the Sun vừa cất lên, Hoài như thấy những con sóng biển mùa hè năm xưa trở lại. Từng đợt một, lấp lánh ánh mặt trời uốn lượn và tuổi trẻ đang là những con sóng nhảy múa trên đại dương thanh xuân của mình. Nơi đó với những ngày hè, ngày đông trên bờ biển Nha Trang thời học đại học. Thời mà mái tóc Loan che kín bầu trời ước mơ của Hoài, và ánh mắt nàng khiến anh phải đi lang thang suốt đêm, đếm bước chân mình trên con phố hẹp Trương minh Giảng: … Anh về đâu đêm nay/bàn tay vắng bàn tay/nên giầy khua phố nhỏ/ để hồn vào mưa bay.

Hoài cố nhớ đến khổ thơ thứ nhất của bài thơ, chợt điện thoại reo. “Khanh đây anh Hoài!” Hoài ngạc nhiên, “em đang ở đâu mà gọi anh?” Tiếng Khanh rền rĩ:

          “Em đang ở Mỹ, bộ anh không muốn gặp em hay sao?”

Hoài giật mình, Khanh từ Úc sang. “Em sang Mỹ lúc nào!” Tiếng Khanh ai oán:

          “Em vừa đến phi trường John Wayne. Anh đón em được không?”

          “Không có gì trở ngại, anh đi ngay đây!”

Hoài ngạc nhiên hơn nữa vì Khanh yêu cầu như thế! Phải chăng lần này sang Mỹ, Khanh lỡ hẹn với ai đó? Nhưng Hoài không buồn hỏi lý do. Tuy nhiên lúc anh ngẩng đầu lên, Trân nói ngay, “Mày không được đi vì hôm nay tao có hẹn với Cát Tường tại đây!” Hoài nhăn mặt, “Sao không nói trước, mày nên nhớ Khanh là vợ của tao kia mà?”

          “Khanh và mày đã ly dị tám mươi đời, mà không chỉ có Khanh đâu! Phải không?”

Hoài lắc đầu xua tay:

“Đã nói hôm trước, tao tuy thích Cát Tường nhưng hoàn toàn không muốn làm quen. Tao không xứng đâu! Xin lỗi giùm tao!”

Hoài ném tiền ly café xuống bàn rồi quay đi như cơn lốc. Rõ Khanh làm anh nhớ đến bổn phận thiếu sót tệ hại của mình những năm hai người chung sống với nhau. Tuy ly dị hơn sáu năm, qua người quen anh vẫn biết Khanh chưa hề lập gia đình thêm lần nào nữa.

Khanh đang ngồi trên chiếc ghế dành cho người đợi thân nhân đến đón bên lề đường. Hoài nhận ra nàng già và cằn cỗi, tuy nhiên anh biết cũng vừa nhận xét chính mình, bởi lúc này anh có phiền muộn điều gì bên ngoài chính do cái phiền muộn bên trong thôi thúc biểu hiện ra. Hoài bước lên ôm Khanh rồi nói, “em thật ốm và không thấy nét tươi vui như ngày xưa!” Khanh cười nhấc chiếc vali bỏ ra phía sau xe, “thì anh cũng vậy! Phải không?”

Hoài không nói tiếng nào, mở máy xe từ từ rời lề đường đến một chỗ rộng hơn, anh quay sang gật đầu với Khanh. Khanh cho biết nàng đi sang Mỹ là vì quá rãnh rỗi sau khi hoàn tất thủ tục nghỉ hưu non. “Em có nhiều người quen ở đây, nhưng nghĩ đến Mỹ anh là người đầu tiên hiện lên trong tâm trí em!” Khanh vừa nói vừa mở chai nước anh để trên xe uống một hơi. Hoài im lặng chăm chú lái xe ra khỏi phi trường trong khi Khanh ngửa người nhắm mắt như buồn ngủ. Đến đầu Freeway 405, Hoài hỏi:

          “Sang Mỹ em book khách sạn hay chưa?”

Khanh gật đầu quay nhìn Hoài, “Em có thể hủy bỏ, nếu nhà anh có chỗ cho em?” Hoài lại im lặng, trong đầu anh không hề cảm giác gì về câu hỏi của Khanh. “Anh có thể chở em về khách sạn Ramada ở Orange, em có book phòng ở đó.” Khanh lên tiếng sau một quãng im lặng của Hoài.

          “Nhà có một phòng trống, em cứ về nhà anh.”

Hoài nói vì anh nhớ chính Khanh mới yêu cầu về nhà anh. “Không có gì bất tiện đâu, em đừng lo!” anh nói tiếp vì nghĩ ngay Khanh có thể cho rằng mình đang sống với ai đó. Khanh nhìn hai bên đường, xe đang nối đuôi nhau vì kẹt xe. “Bao nhiêu năm quay lại vẫn không có gì thay đổi.” Khanh chép miệng than. Hoài không hiểu nàng muốn nói gì, nhưng anh bảo, “kẹt xe lúc nào cũng là căn bệnh của các thành phố lớn bên Mỹ.” Nghe Hoài nói, Khanh cười:

          “Bệnh của anh cũng chẳng thay đổi được!”

Hoài im lặng nhớ lúc ly dị nhau hai người bấy giờ không vui cũng không buồn. Hai người không có con với nhau cũng là yếu tố giúp việc ly dị nhanh chóng. Nhưng lúc này, câu nói không có gì thay đổi khiến anh nhận xét Khanh và anh có cái gì đó bất di bất dịch. Nghĩ đến đó, anh cười thầm “chúng ta nọa tính rất nặng!” Chữ “nọa” ông nội anh ngày xưa hay dùng để nói những kẻ lười biếng.

Đến nhà, lúc xe vào ga ra. Hoài hỏi, “em có thấy gì thay đổi?” Khanh lắc đầu, “như ngày chúng ta chia tay…” Khanh lại tiếp, “tuy nhiên, anh đừng lo vì ngày mai em mướn xe để đi thăm cô em và một số người quen. Anh làm việc của anh đi, không phải bận tâm đến em.” Kéo chiếc va li to của Khanh vào phòng sau, Hoài ôn tồn nói với nàng:

          “Em hãy đi tắm sau đó nghỉ một lát, bây giờ mới ba giờ rưỡi. Sau đó chúng ta đi ăn cơm chiều.”         

          “Anh vẫn đi làm hay đã nghỉ hưu?”

          “Anh chưa nghỉ hưu nhưng em biết, chưa đến mùa thuế nên anh còn thong thả.”

Sau đó Hoài đi về phòng. Lúc này anh cảm giác hai vai nặng trịch. “Còn say đây!” Hoài uống thêm một cốc sữa tươi rồi vào giường nằm nghỉ. Chưa quá năm phút anh ngủ ngon lành.

Tỉnh giấc nhìn đồng hồ đã bảy giờ tối, Hoài giật mình chạy sang phòng Khanh. Khanh co quắp trong chiếc áo ngủ ngắn đến đầu gối, đang say ngủ trong khi chiếc vali còn mở tung dưới chân giường. Có thể chuyến bay quá dài khiến Khanh say sưa ngủ bù. Hoài nghĩ như thế nên không đánh thức nàng, chỉ đi xuống bếp kiểm tra thức ăn. Không còn gì trong tủ, hôm nay chủ nhật anh ăn bên ngoài. Ra patio ngồi nhìn bóng đêm chập chờn dưới tàng cây ổi Nam Mỹ, Hoài nhận ra nỗi cô đơn vô hình đang đeo bám vào anh. Ngày nào anh cũng sống với nó quen đến nỗi không còn nhận ra, nhưng hôm nay anh lại thấy rõ nỗi cô đơn đang bao bọc anh lại như chiếc kén. Một chiếc lá rơi nhẹ lên mặt bàn ngoài sân, lạc lõng trong cái nín lặng âm thầm của đêm tối. Hoài cựa quậy đôi chân, làm như anh không thể đứng lên được. Nỗi buồn thật chậm, thật từ tốn tràn lên da thịt anh. Mày thật sao, mọi ngày mày ở đâu mà hôm nay trói cột tao lại như thế này? Hoài tự hỏi, rồi cương quyết nắm thành ghế đứng dậy. Anh vào nhà lấy chai rượu vang uống dở trên bàn ăn rót ra ly. Uống một hơi, anh ngồi xuống nghĩ đến Khanh và giấc ngủ của nàng.

Hoài uống hết ly thứ hai rồi ném chiếc chai không vào giỏ rác dưới chân bàn. Anh đứng lên quay về phòng thì giật bắn mình vì Khanh đang đứng tựa vào khung cửa chăm chăm nhìn anh. “Anh vẫn vậy sao?” Hoài trả lời ngay, “Anh đã nói không có thay đổi mà. Em thay quần áo rồi đi ăn tối, anh rất đói bụng!”

Hai người vào một quán phở nhưng lại gọi một đĩa mì xào. Khanh nhìn chung quan, “quán này mới mở, ngày xưa đâu có?” Hoài gật đầu trong khi Khanh nếm mì khen ngon, anh gọi thêm một tô hoành thánh. Khanh nói, “anh ăn nhiều mà không thấy mập, chỉ có bụng hơi to vì uống rượu.” “Hôm nay anh không ăn trưa, và anh nghĩ rằng mì bên Úc không thể ngon như ở đây?” nghe Hoài nói xong, Khanh cười, “chưa chắc, nhưng em công nhận mì này có thể chấm bốn sao!” Khanh gọi một chai bia, trong khi Hoài lại uống nước đá lạnh. Nhìn quán thưa khách vì đã khuya rồi sự trống trãi làm Khanh rùng mình. Ăn xong, hai người về đến nhà đã mười một giờ đêm. Trước khi ngủ, Khanh sang phòng Hoài hỏi, “Anh có muốn em sang ngủ với anh không?” Đang nằm đọc báo, Hoài bỏ tờ báo xuống, “em thấy cần thì sang chứ bây giờ anh ngủ ngáy rất lớn!” Khanh không nói gì thêm chỉ trở về phòng. Nằm xuống tắt đèn, Khanh tự nhủ, “chúng ta không ai còn hormon nữa hay sao!”

Hoài ngủ nhanh nhưng giấc ngủ ngắn. Chỉ ba tiếng đồng hồ anh thức giấc. Lúc bấy giờ trằn trọc, anh hay ôn chuyện cũ. Những năm gần đây nhớ đến những người đàn bà trong đời, Hoài như cảm nhận được niềm an ủi sự cô đơn của mình. Không ai ghét anh, và anh cũng thế. Cuộc sống vợ chồng không thể kéo dài vì một lúc nào đó, một hay cả hai không thấy yên ổn. Đặc biệt mặt tinh thần, thế nên ly dị là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất cho những xáo trộn bắt đầu bên trong mỗi người. Sống với nhau ba năm, Khanh ngày ấy, cứ nửa đêm thức giấc ngồi dậy nhìn Hoài ngủ lòng thấy lẻ loi. Đánh thức Hoài, nàng bảo, “anh chịu khó thức với em vì em không thấy yên lòng.” “tại sao?” Hoài hỏi, Khanh bảo, “em cứ chiêm bao thấy bị bỏ rơi trên một đảo hoang, đầy hổ báo. Em chạy nhưng đôi chân ríu lại. Sợ quá thức giấc rồi không ngủ lại được!” Ban đầu Hoài ôm Khanh dịu dàng dỗ dành cho đến khi Khanh ngủ lại. Nhưng về sau, sự mất ngủ vì chiêm bao thường xuyên hơn làm Hoài mất ngủ theo. Mọi phương pháp đều thử áp dụng nhưng chỉ hiệu quả nửa vời sau đâu lại vào đấy. Khanh sau hai tháng mất việc vì ngủ gật trong sở làm. Hoài làm việc trưa không về nhà vì công việc quá tất bật, phần anh muốn tránh mặt Khanh.

Tháng thứ ba, Khanh nói với Hoài, “anh không yêu em nữa phải không?” “Sao em nói thế, chúng ta là vợ chồng mà?” Hoài hỏi lại.  Khanh lắc đầu, “chúng ta ít tiếp xúc nhau. Những người yêu nhau, thiếu nhau là nhớ nhung. Anh không muốn gần gũi em chứ gì?” Hoài chỉ nói, “anh vẫn yêu em, nhưng vì quá bận công việc nên không thường xuyên gần nhau như trước kia. Em đừng so sánh điểu kiện vợ chồng với điều kiện tình nhân!” Khanh không tin. Nhưng Hoài tự biết mình không thấy thoải mái mỗi tối thức giấc lại thấy Khanh ngồi nhìn mình với khuôn mặt nhăn nhó đau khổ. Hai người làm tình ít thường xuyên hơn và chất lượng cuộc làm tình cũng vì thế mà suy giảm. Cuộc sống hôn nhân dần dà chuệch choạc cuối cùng chính Khanh đề nghị ly dị. Nàng muốn sang Úc sống với cha mẹ với hi vọng thay đổi môi trường, giấc ngủ của nàng sẽ cải thiện tốt hơn. Hoài đồng ý nhưng muốn chứng tỏ thiện chí của mình, anh nói, “hôn nhân không phải chỉ là hợp đồng xã hội, anh mong rằng sau khi ly dị anh và em là bạn bè tốt với nhau. Sau này có dịp sang Mỹ nếu thuận tiện cứ ghé anh.”

Đêm nay giật mình thức giấc lúc hai giờ rưởi sáng, Hoài nhớ lại câu nói của mình với Khanh trước khi nàng sang Úc. Anh boăn khoăn, bồn chồn trong dạ. Một chút xót xa tận đáy lòng, khiến Hoài thức dậy đi sang phòng Khanh. Nàng không đóng cửa và đang ngủ yên. Đến gần Hoài quan sát, qua ánh sáng vàng của chiếc đèn ngủ, Khanh khuôn mặt bình yên và hơi thở đều. Hoài ngồi xuống cạnh giường kéo tấm chăn lệch lên ngực nàng. Khanh mở mắt, thấy Hoài nàng nắm tay anh nói giọng ngái ngủ, “anh nằm với em.” Hoài ghé mình nằm xuống thì Khanh đã choàng tay qua ôm chặt anh, chân nàng gác lên bụng anh. Hoài chợt nhớ lại mùi hương xa xôi làm anh bổng dưng háo hức.

Giấc ngủ sau cơn làm tình trọn vẹn dường như sâu lắng hơn. Hoài thức giấc Khanh vẫn còn ngủ, anh nhìn đồng hồ đã gần mười giờ sáng. Hiếm khi có được giấc ngủ dài và ngon lành như thế này! Hoài xuống giường, vươn vai hết sức thoải mái. Anh có cảm giác mình hồi sinh mà không hiểu tại sao?  Quay nhìn Khanh thân trên để trần đang nằm sấp ngủ, Hoài ngạc nhiên khi thấy trên eo lưng của nàng có xâm một con giao long màu đỏ như Cát Tường. Da Khanh trắng nên con giao long nổi bật và hình như con giao long này cùng một mẫu nên chiếc đầu của nó quay sang trái. Hoài xuống bếp pha café vừa nghĩ đến năm mươi người con theo Lạc long Quân xuống biển đều phải xâm mình đánh lừa đám thủy tộc để mưu sinh. Hành động xâm mình ấy năm nghìn năm sau từ đáy sâu tiềm thức giống nòi trỗi dậy khiến đám con cháu ngày hôm nay có xâm rồng rắn cũng chỉ là lập lại thói quen của tổ tiên ngày xa xưa!

Khi Khanh ra phòng ăn ngồi uống café, nhìn Hoài nàng mỉm cười nói, “anh thật không có gì thay đổi!” Hoài tự hỏi không biết Khanh khen hay chê cái không thay đổi này. Nhớ đến việc hai người vừa làm tình với nhau lúc khuya, Hoài hỏi:

          “Em chê hay khen anh khi nói như thế?

Khanh cười:

          “Anh tự xét lấy, nhưng ban đầu em cho là có thay đổi!”

Hoài nghe nàng nói vẫn không hiểu, lòng có chút thất vọng nhưng sau đó hai người đi ăn sáng rồi anh đưa nàng đi thuê xe. Nhận chìa khóa nhà Hoài đưa, trước khi lái xe đi Khanh nói, “anh cứ lo công việc của mình, em có một số việc phải làm. Có chìa khóa nhà, em chỉ về để ngủ và sẽ điện thoại cho anh khi có việc cần!”

Khanh đi một hơi ba ngày chưa thấy về nhà. Chiều hôm qua Hoài có gọi Khanh qua phone, nàng cho biết mình gặp bạn cũ và bà con rất vui nên không về nhà ngủ. Khanh bảo nếu cần về lấy quần áo để thay đổi mà thôi, anh không nên lo lắng làm gì. Nghe Khanh nói, Hoài trách mình lo việc bao đồng.

Sáng nay Hoài gọi Trân đi uống café. Trân đến quán sớm, vẫn ngồi chiếc bàn cạnh đường đọc báo. Khi Hoài ngồi xuống, Trân hỏi ngay, “Mày giải quyết xong công việc chưa?” Ngạc nhiên Hoài hỏi lại, “công việc gì?” Trân trả lời, “thì việc Khanh sang Mỹ.” Hoài lắc đầu:

          “Tao chỉ đón giùm, còn Khanh có công việc của cô ấy, liên quan gì đến tao?”

“Mày chỉ có một cách nói khi miêu tả về những người con gái đã từng sống với mày như thế này, thật sự không có gì thay đổi?”

Hoài chú ý sau khi nghe Trân hỏi, “sao nhiều người bảo mình không có gì thay đổi! Lý do gì khiến ngay cả người bạn thân như Trân cũng nói như thế! Có gì khác hơn khi nói về cái không thay đổi này chứ?” Anh tự hỏi rồi chợt rùng mình, cố suy nghĩ nhưng đầu óc trống rỗng không nắm bắt được gì cả. Chợt Trân nhìn Hoài nói:

“Mày có biết Cát Tường nói với tao, hôm mày đi phi trường John Wayne để đón Khanh như thế nào hay không?”

          “Cô ta nói gì?”

          “Cát Tường bảo mày già và kiêu ngạo!”

Hoài cho rằng Cát Tường nói anh già không sai, tuy nhiên khi nói anh kiêu ngạo quả cô ta chủ quan, nhưng thái độ sống của anh khiến nhiều người ngộ nhận cho rằng anh kiêu ngạo, đôi khi hãnh tiến. Từ thuở đi học, Hoài ít khi chú ý đến chung quanh trừ phi cần thiết. Anh thiếu tiếng trầm trồ, ngợi khen hoặc cả tiếng cười nói râm ran với những người ngồi với anh. Chỗ ngồi đông người càng khiến anh muốn thu nhỏ lại, nhỏ đến độ không mấy ai thấy, quan tâm nhận xét. Có khi anh muốn mình tan biến đi trước những hoạt cảnh mà tâm thức anh lại cho là tan thương, điêu tàn xiết bao! Kể với bạn thân tâm trạng này, một vài người nói, “mày điên rồi!”  

Sang Mỹ định cư, tính thực dụng ở đây càng làm Hoài bị bạn bè hiểu lầm hơn nữa, nhưng anh không mấy quan tâm. Phải chăng bản tính như thế đã đóng góp không ít vào câu nói “không có gì thay đổi” của những người quen anh lâu năm? Trong khi Hoài tự thấy mình không có gì đáng chê trách qua cuộc sống giao tiếp hằng ngày, một số bạn hiểu anh và thực sự quí anh vì thái độ sống độc lập tự chủ ấy. Về sau Hoài bằng lòng về chữ độc lập tự chủ khi ai đó nói về chính bản thân mình, và thường xem xét mình có “độc lập tự chủ” quá đáng hay không? Tuy nhiên, từ hôm Khanh sang Mỹ, Hoài nghi ngờ chính mình có điều gì đó không bình thường?

Trân là bạn thân của Hoài, từng tham dự hai lần cưới vợ của anh với tư cách người chứng. Trân cũng là người an ủi Hoài nhiều nhất trong hai lần ly dị. Tóm lại, Trân có thể lên tiếng chê bai hay khen ngợi Hoài vì hắn là kiểu bạn thâm giao tri kỷ. Lần này Trân còn tính làm người mai mối trong việc giúp Hoài làm bạn với Cát Tường và thiết tha nhắc nhở anh phải rời bỏ ốc đảo cô đơn của mình! “Rất nguy hiểm, ở một mình lại hay uống rượu! Mày muốn gì đây?” Trân nhắc nhở nhưng bỏ dở câu muốn nói. Hoài hiểu và hôm nay anh lại nghĩ phải chăng Trân muốn mình thay đổi nền nếp, không thể tiếp tục tự tử chậm rãi bằng cách uống rượu thường xuyên một mình như trước kia?

Trân muốn mình xâm lên thân thể một thứ gì đấy để hòa mình vào mọi người hay chăng? Hoài tự hỏi. Cái tính chất bất di bất dịch nôm na không thay đổi đã khiến Hoài xa lạ với chính những người thân quen nhất. Anh trở thành quái vật, con sâu, con bọ… trong sự ví von, so sánh của mọi người!  Nếu theo lời Trân, anh có thể trở thành con giao long trên thân thể của Cát Tường hay Khanh không chừng? Lúc bấy giờ không ai nghĩ anh không thay đổi vì anh đã đồng nhất với họ qua việc tự xâm mình. Tuy Hoài từng nhận mình là con cháu của đám người Việt năm nghìn năm trước, nhưng anh xét không cần phải xâm mình vì thái độ sống của anh đã là một thứ vết chàm trên thân thể, là thứ căn cước để phân biệt với người khác. Vậy nếu phải xâm mình thì việc làm đó chỉ đánh lừa thiên hạ rằng mình giống họ mà thôi. Nhưng từ lâu Hoài đã là một thứ gì xa lạ khác biệt trong đám đông và không hề thay đổi được vì vết chàm của anh dường bẩm sinh kia mà!

Khi Trân hỏi Hoài lần nữa có muốn làm quen với Cát Tường? Anh hỏi lại, “Già và kiêu ngạo là hai tính chất liệu có thể xứng đáng với một người trẻ, đẹp và lịch lãm như Cát Tường?” “Chỉ là nhận xét của cô ấy, dù đúng hay sai không thể che dấu được là Cát Tường đang cô đơn như mày!” Trân nghiêm chỉnh nói. Hoài cười rồi nhìn ra đường. Trong đầu anh, những con đường mà xe cộ chạy qua trong lúc này, hoạt cảnh ấy là những cuộc hành trình vô vọng. Hoài nhìn thấy chỉ một con đường mà ai ai cũng phải lái xe đi mãi miết, không hề được lựa chọn và không thể quay lại. Anh thấy chính mình trong đám người ấy, đang ngoan ngoãn bình thản lái xe như một bổn phận mà không ai có thể thay thế được. Hoài chợt thở dài nói với Trân:

“Tao tuy thích Cát Tường nhưng chỉ để nhìn ngắm thế thì cần gì quen biết? Những háo hức tình cảm không còn trong tao. Có thể tao già rồi không muốn phiêu lưu thêm chút nào nữa và tao có thứ cảm giác ‘lực bất tòng tâm” mày biết không?”

“Nhưng mày có thể làm bạn với Cát Tường kia mà! Có một người bạn để an ủi cũng rất quí giá lúc này!”

Hoài cảm động những gì Trân nói với anh. Nhưng ích gì khi phải bận tâm với những điều mà Hoài cho rằng mỗi ngày thêm xa tầm tay mình. Khanh đến ở với Hoài một đêm là một thí dụ cụ thể. Tình cảm anh dành cho Khanh không thiếu, nhưng có một thứ cảm giác bình thản đến độ lãnh đạm như thứ sương mù vây bọc lấy anh. Nếu anh không nhìn Khanh, không ráng nhớ đến một khuôn mặt, nụ cười, nét biểu lộ hưng phấn mỗi khi làm tình với nhau, có lẽ anh không hề nghĩ rằng mình từng có vợ cùng một thời yêu dấu! Nếu Trân có ráng yêu cầu giải thích, Hoài chỉ có thể bảo rằng “vết xâm trên thân thể có thể xóa đi nhưng vết chàm bẩm sinh không cách gì có thể làm nó biến mất được!”

 

Lê Lạc Giao

http://www.gio-o.com/LeLacGiao.html

 

© gio-o.com 2019