Lâm Văn Sang

 

Phòng tranh

 

 

Thứ Bảy, đêm 17 tháng Mười Một, phòng tranh Sóng mở cửa tại đài phát thanh Sóng Việt, một địa điểm gần đây đã được nhắc nhở, đã đi vào sinh hoạt người Việt trong vùng ngày một nhiều hơn, đã đặt đường Senter lên bản đồ văn hóa vùng nam San Jose.

 

Mang tranh ra triển lãm trong dịp này là hai họa sĩ Hà Cẩm Tâm và Lê Thị Quế Hương. Đó là kết quả của những ngày trong nhiều tuần lễ thức khuya, dậy sớm của nỗ lực hai người, và của hai bàn tay Sóng Việt góp sức khác là Lê Thanh Tùng và Mây Lan. Kết quả là một phòng tranh tràn ngập những họa phẩm sơn dầu từ trong ra ngoài (chung quanh nhà, sau vườn). Khách đến xem tranh đã làm đầy thêm cảnh trí chật chội nhưng thân tình đó.

 

Chương trình có phần giới thiệu rất nồng hậu của Mây Lan và Lê Thanh Tùng, một cố gắng nói với những khách có mặt và không có mặt ở phòng tranh về sự hiện hữu của nghệ thuật tạo hình này của người Việt, về tầm quan trọng của tranh nghệ thuật phải có trong mỗi nhà.

 

Người nói dài, nói vui là họa sĩ Hà Cẩm Tâm (miễn là đừng bắt ông phải giải thích tranh). Điều ông nói là những kỷ niệm vui buồn trong một đời vẽ tranh, cái kinh nghiệm khổ đau, cay đắng có thừa, cái kinh nghiệm một mình giữa thế giới vật chất dửng dưng. Một đời đó có quá nhiều thứ để nói và không bao giờ (có thể) nói hết. Những người khác (họa sĩ Lê Thị Quế Hương, họa sĩ Trương Thị Thịnh, giáo sư Lưu Khôn, thi sĩ Hải Phương) nói ít hơn không ngoài một hay nhiều lời cám ơn, và một hay nhiều lời chúc tụng. Sau đó là câu hỏi. Tôi nghe loáng thoáng ai đó hỏi có bao nhiêu trường phái hội họa mà kinh hoàng. Lát sau nữa là tiếng hát. Tôi buộc miệng, “mùa mưa sắp tới,” với ai đó và đọc được ánh mắt ngạc nhiên, dò hỏi. Trời đêm mát lạnh ở vườn sau. Tôi đốt lên điếu thuốc, cười một mình.

 

 

Lâm Văn Sang


(Vtimes)