Lâm Văn Sang

Với họa sĩ Hà Cẩm Tâm,
Cho một phòng tranh
dự định sẽ mở cửa

 

Với họa sĩ Hà Cẩm Tâm, hai năm vừa qua là hai năm “lủng hứng,” dùng để mô tả cho tình trạng “bố màu đầy đủ, dao cọ cả đống mà không vẽ một bức tranh nào cho ra hồn.”  Ông giải thích, “vì hồn đâu mà ra.”

 

Đổi thay chỉ đến từ những tình cờ. Tình cờ đến với ông qua cuộc triển lãm tranh của họa sĩ Ty ở hội chợ Xuân Bính Tuất nơi ông gặp “một người yêu tranh thứ thiệt xuất hiện giữa trần gian ai oán này.” Tình cờ chạm đến ông lần nữa khi gặp lại hai vợ chồng người bạn quyết định cho ông dùng nguyên một căn phòng mới cất làm xưởng vẽ. Và như thế ông đã vẽ như đã từng bắt đầu từ lâu lắm rồi, một lần, khi mới lớn.

 

Hà Cẩm Tâm không vẽ nhiều đề tài. Ông chỉ vẽ ngựa. Người ta (tôi) có thể đã lầm khi cột buộc, đóng đinh ông (tên tuổi ông) trên những bức tranh ngựa đó. Sự lầm lẫn đó khiến họ (tôi) đã vội vàng thất vọng khi, một lần, trong phòng triển lãm tại San Jose vài năm trước đây, ông trưng bày hầu như chỉ toàn tranh cảnh trí và trừu tượng. Rồi ông lại quay về với ngựa sau đó như nhiều lần ông đã làm trong các cuộc triển lãm trước. Ngựa như một định mệnh đã theo đuổi ông ngay từ đầu, từ một bãi tắm ngựa ở đâu đó của một Sài-gòn (của chỉ riêng ông) ngày nay không còn mấy ai nhớ rõ. Ngựa chạy từ Đông qua Tây. Ngựa phi trong đời ông từ nhỏ đến lớn, đến già và biết đâu chừng, cho đến khi... “đứt bóng.” Người ta thường nói (nghe nói), viết một cách nào đó là viết lại điều đã viết. Vẽ phải chăng cũng như thế?

 

Tranh của Hà Cẩm Tâm là tập họp của nhiều đường cong. Ông không vẽ ngựa như một họa sĩ hiện thực. Ông tìm cách mô tả, thể hiện bản thể của ngựa qua cấu trúc của đường cong. Hãy để cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu về hiệu ứng khác biệt giữa đường cong và đường thẳng dưới mắt người thưởng ngoạn nghệ thuật. Thế giới của Hà Cẩm Tâm là thế giới của ngựa, của những đường cong. Ông mang thế giới đó đến gần hơn với thế giới con người. Ông nhân cách hóa ngựa và trong một chừng mực nào đó, đã nhân hình hóa ngựa. Đợt tranh mới của ông đã không dừng lại ở đó. Bước kế tục của những đường cong trên khung bố của ngựa là những đường cong khác trên thân thể đàn bà. Ông mang người vào tranh ngựa. Và thế giới đó của Hà Cẩm Tâm không có đàn ông như một lẽ tất nhiên. Như Samuel Beckett, ông chưa bao giờ chịu giải thích tác phẩm mình.

Ông chỉ mô tả thế này cho việc làm (vẽ) trong nhiều tuần lễ vừa qua:

 

“Đợt tranh mới này của  tôi bắt nguồn từ cảm hứng ‘mật vân bất vũ’ – mây đầy nước mà không mưa được. Bỗng dưng được mưa. Mưa dầm dề, mưa xối xả, mưa nghiêng ngã, mưa điên khùng. Tôi lăn vô những khung bố cỡ lớn 1m50 x 2m50 trở lên. Như cá gặp nước, rồng gặp mây, như tù chung thân vượt ngục gặp gái.”

 

Bài viết ngắn mang tên “Điều còn lại là chỉ còn bạn và vẽ” của ông đúc kết một chặng đường sáng tạo cật lực, sung mãn. Ông đã vẽ như chưa từng vẽ. Và ông cũng đã viết như chưa từng viết:

 

“Những ống màu gân guốc bự nhất, dài nhất, cực kỳ sung sức vọt tràn trề đặc sệt tinh khí nóng hổi trên khung bố nguyên trinh... Tôi hoàn toàn được phê... trong miền Cực Lạc mà kinh điển của các đại tôn giáo thường ca tụng.”

 

“Ngựa và lòng sân si bị nhốt gần 2 năm nay được xổ chuồng nô đùa tung tăng, ngã ngớn, âu yếm, làm tình thả cửa trên những khung bố trắng phau phau.”

 

Người đọc tưởng như mình vừa bước vào nỗi ám ảnh đè nặng lên Gabriel García Márquez trong tác phẩm vừa xuất bản, quyển Memories of my melancholy whores.

 

Phòng tranh dự định sẽ khai mạc vào một ngày chưa biết rõ (gần đây), ở một địa điểm chưa định trước (ở San Jose), nhưng tên gọi phải là “TÌNH”

 

Lâm văn Sang


2005